Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thạch Lam của Hà Nội băm sáu phố phường - Trịnh Chu

Collapse
X

Thạch Lam của Hà Nội băm sáu phố phường - Trịnh Chu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thạch Lam của Hà Nội băm sáu phố phường - Trịnh Chu

    Thạch Lam của Hà Nội băm sáu phố phường

    Trịnh Chu


    Thạch Lam (1910 - 1942) thuộc số ít những nhà văn hạnh phúc xác lập được sự có mặt của mình trong đời sống tinh thần của mọi người; đặc biệt, với người Hà Nội, sự hiện diện của ông càng trở nên thường xuyên hơn. Văn nghiệp Thạch Lam gửi lại cho đời không nhiều, vỏn vẹn chỉ ba tập truyện ngắn: Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1941), một truyện dài Ngày mới (1939), tập tiểu luận Theo dòng (1941), tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường (1943), và một vài truyện ngắn viết cho thiếu nhi in trong tập Quyển sách hạt ngọc (1940). Nhưng chừng đó là quá đủ để Thạch Lam hiện hữu giữa cõi đời trong tư cách một nhà văn. Văn Thạch Lam đẹp, tinh tế; con người Thạch Lam hồn hậu và rất mực tài hoa. Đó là lý do vì sao Thạch Lam luôn chiếm được cảm tình đặc biệt của người đọc nhiều thế hệ. Ông cũng là một trong những thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn, cùng với Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo…

    <img hspace="10" align="left" src="https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1518114101-hanoi1.jpg" width="300px" height="400">Ở đây, chỉ xin gợi mở đôi điều về cuốn Hà Nội băm sáu phố phường, như một sự tưởng nhớ, ngõ hầu bước vào thế giới nghệ thuật của nhà văn đặc biệt này: Đặc biệt trong cuộc đời, đặc biệt trong sáng tạo văn chương, cũng như đặc biệt trong số phận những tác phẩm để lại sau khi qua đời. Với tôi, trong Thạch Lam có cả Hà Nội, cũng như trong Hà Nội lại không thể không có Thạch Lam. Ông là đại diện ưu tú của người Hà thành phong nhã, hào hoa. Ông yêu mến và hiểu biết Hà Nội tường tận trong mọi ngõ ngách của đời sống, cả trong không gian lẫn thời gian. Ông không coi thường bất cứ cái gì ở mảnh đất kinh kỳ này, và không có cái gì mà ông không nhìn theo cách của riêng ông, cách Thạch Lam. Hãy nghe ông biện giải về đất và người chốn văn vật, để thấy rõ ân tình mà Thạch Lam dành cho Hà Nội sâu đắm nhường bao: “Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris, mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bực nào.

    Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố rất nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tim những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris… Trong những cuộc phiếm du - phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song, chỉ người Hà Nội có”. Quả đúng vậy! Cái thú thả bước tà tà, dọc theo các ngõ phố Hà Nội, trở thành căn bệnh trầm kha đối với những ai mang dòng máu lãng du trong người. Cũng là đi bộ, cũng là đi để dậy gió cảm xúc, nhưng đi trên ngõ phố Hà Nội vẫn thiêng liêng hơn, vẫn nhã thú hơn. Chẳng hay có phải vậy không, mà sau này nhà thơ Phan Vũ đã có hai câu thơ tuyệt hay nói về cái nhã thú vô song đó: “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/ Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”.

    Với một lối hành văn nhẹ nhàng, thanh thoát, Thạch Lam đã “bất tử hóa” những cái bình thường, và làm thảng thốt những ai yêu mến Hà Nội. Bởi nhẽ, trong những đoạn văn thanh nhã, nhiều âm vang, ta vẫn nhận ra sự phấp phỏng âu lo của Thạch Lam trước sự đổi thay đã đến nơi mảnh đất kinh kỳ: “Hà Nội đã thay đổi nhiều lắm. Những phố cũ, hẹp và khuất khúc, với những nhà thò ra thụt vào, những mái tường đi xuống từng bực như cầu thang, những cửa sổ gác nhỏ bé và kín đáo, đã nhường chỗ cho phố gạch thẳng và rộng rãi, với từng dãy nhà giống nhau đứng xếp hàng. Thẳng và đứng hàng, đó là biểu hiện của văn minh ( … ) Nhưng đối với người tản bộ đi chơi, lòng thư thả và mải tìm sự đẹp, thì phố xá mới không có gì thú vị. Không có những cái khuất khúc dành cho ta nhiều cái bất ngờ, không có một cây hoa nhô sau bức tường thấp, khiến chúng ta đoán được cả một thửa vườn nhỏ bên trong, ở đấy biết đâu lại không thướt tha một vài thiếu nữ khuê các như xưa”. Lời văn xa ngái như những nốt nhạc trầm buồn khẽ buông đã gợn lên trong ta không ít tiếc xót, ngậm ngùi. Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm. Tất nhiên, không vì thế mà triệt tiêu tính bay bổng, ngược lại vẫn lấp lánh cái nhung cái tuyết trong từng con chữ; nhiều đoạn lại thánh thót như thơ, nhưng là những khúc thơ man mác buồn. Cái buồn đáng có và nên có, làm cho con người thêm yêu cuộc sống và biết trân quý những gì đã có, đang có, để rồi gắng công mà lưu giữ, nếu không sẽ mai một dần. Dưới ngòi bút tinh tế, nặng về duy cảm, Thạch Lam dẫn ta vào cái hào hoa, cái phong nhã của người và sản vật Hà thành: “Quà Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng là ngon lành và lịch sự. Ở các thôn quê, chút “quà Hà Nội” là của mong đợi, và tỏ được lòng quý hóa của người cho ( … ) Bao nhiêu ý tốt tình hay gửi vào trong chút quà nơi đô hội, món quà đem đến cho khắp nơi cái vị sành và trang nhã của băm sáu phố phường”. Đây là phở, một trong những thức quà chính tông của Hà Nội, dưới lăng kính Thạch Lam: “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội không phải chỉ riêng ở Hà Nội mới ngon. Đó là thứ quà suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối”. Cũng theo Thạch Lam: “Nếu là gánh phở ngon – cả Hà Nội không có đâu làm nhiều – thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát; thịt mỡ gàu dòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả…”.

    Hàng bún ốc trong mắt Thạch Lam cũng đầy thi vị: “Có ai buổi trưa vắng hay buổi chiều, đêm khua, đi qua nhà các cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến thế không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình”. Giọng văn kín đáo, nhẹ nhàng đi vào lòng người, khơi sâu niềm trắc ẩn với nỗi buồn thoáng vương trên gương mặt các cô gái. Do vậy, mà nhiều người bảo văn Thạch Lam giàu chất thơ.
    “Một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói, ô lên Hà Nội, đã phải ứng khẩu đọc hai câu thơ như thế này, khi ngửi thấy mùi khói chả:

    Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long
    Bún chả là đây có phải không?


    Mà cảm hứng thế là chí phải. Khi ngồi cuối chiều gió, đói bụng mà đón lấy cái khói chả thơm, thì ngài dễ thành thi sĩ lắm. Khói lam cuộn như sương mờ ở sườn núi, giọt mỡ chả xèo trên than hồng như một tiếng thở dài, và tiếng quạt khẽ đật như cành cây rung động, quà bún chả có nhiều cái quyến rũ đáng gọi là mê hồn, nếu không là mê bụng”. Thật thú vị khi gặp được đoạn văn dí dỏm mà tinh tế đến thế ở Thạch Lam. Hình như lúc này con người ẩm giả đã nhường chỗ cho con người nghệ sĩ, là dịp để ngòi bút Thạch Lam tha hồ tung tẩy. Và khi cơn gió heo may dợm bước ngoài ngõ phố cũng là lúc tiết trời Hà Nội chuyển dần vào thu, trong ta lại hanh hao nỗi nhớ một thức quà thanh nhã và tinh khiết của mùa thu: Cốm. “Cốm là thứ quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam”. Thật tinh tế và mơ màng! Cứ thế Thạch Lam lần lượt điểm qua tất cả những thức quà hiện thời của đất Thăng Long văn vật. Từ bún chả, bánh cuốn Thanh Trì, ngô bung, xôi cho đến phở, bún ốc, bún bung, bánh cốm, bánh khảo, kẹo lạc, chè chén, bánh đậu, cốm… Từ những biển hàng, người ta viết chử Tây, những chốn ăn chơi, các hiệu cao lâu khách cho đến hàng nước cô Dần, bà cụ bán xôi, chợ mát ban đêm… Tất cả. Hữu danh và vô danh. Mọi vật đều bóng lên ánh thơ dưới cái nhìn của Thạch Lam. Rồi tiếng rao đêm trên đường phố Hà Nội từng ám ảnh Thạch Lam thuở nào: “Đêm khuya nữa… Ở các con đường vắng, một bóng người lủi thủi đi, một chấm lửa nhỏ lung lay theo từng bước. Chậm chạp và thong thả, bác hàng quà đi nhẹ như chân ma, thỉnh thoảng cất lên một tiếng rao khe khẽ, ngắn và chóng chìm vào quãng tối. Giầy giò, giầy giò…

    Tiếng rao buồn thảm, yếu ớt và uể oải như hàm một mối thất vọng không cùng. Cái đời tối tăm ấy ở những các đường phố xa, hẻo lánh như không còn mong mỏi chút gì. Cả cái thức quà của bác ta cũng vậy: mấy khoanh giò nguội, mấy chiếc bánh giò chưa ăn lạnh như sương trên mồ người chết. Cho nên bác cứ đi như thế, lẩn lứt ở các ngõ tối đêm khuya, chả mong bán được cũng chả mong ế, lặng lẽ và chán nản như một linh hồn có tội…”. Đó là tiếng rao bốn nghìn năm. Và có lẽ còn lâu nữa về sau, hình ảnh bác bán hàng lủi thủi đi trong đêm của Thạch Lam vẫn mãi là một ám ảnh thân thương, dễ động lòng người Việt. Bởi nó lặn sâu trong ký ức cộng đồng như một ảnh tượng của quê hương Việt Nam ngàn đời tảo tần, lam lũ. Văn Thạch Lam đượm một nỗi buồn sang trọng.

    Với Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam trở thành nhà chép sử đặc biệt của Hà Nội văn vật. Nhưng đó không phải là lịch sử hưng phế của các vương triều, cũng không phải là một cuốn sách chuyên môn bàn về ẩm thực, mà đó là lịch sử “cuộc sinh hoạt hằng ngày của dân thành thị, với tất cả những phong tục, tập quán, với tất cả những nhân vật kỳ khôi, với tất cả những cái vui, cái buồn, cái tức, cái giận nho nhỏ trong xó tối, không tên, không tuổi, không tiếng tăm lưu lại cho đời”. Xét về phương diện này, Thạch Lam xứng đáng là một nhà phong tục học xuất sắc, đã làm rung động trái tim bao người, bằng một thứ ngôn ngữ dung hòa giữa văn xuôi và thơ, giữa hiện thực và lãng mạn; và sau hết là say sưa vì cảm giác về cái cao đẹp. Đồng thời, qua đó cũng cho chúng ta thấy được tình yêu vô bờ bến của Thạch Lam đối với cảnh sắc Hà thành.


    Trịnh Chu

    Source: "http://baolamdong.vn/vhnt/201102/Tha...huong-2034753/"

  • #2
    Lúc còn nhỏ, đọc Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam thấy thanh lịch và đặc biệt quá.... Hơn 10 năm trước, tôi và gia đình về VN lần đầu, đi từ Bắc vô Nam thì thấy nhiều sự khác biệt với văn chương sách báo đã diển tả.

    36 phố phường ở Hà Nội chẳng có gì đặc biệt, thanh lịch như các văn sỉ đã phóng đại ra.... Hầu hết những con đường của 36 phố phường nhỏ xíu, ngắn và bình thường đến độ không đáng bỏ công đi xem. Thức ăn ở Hà Nội không ngon như thức ăn ở Sàigòn, những món như Phở, Bánh cuốn, Bánh mì,.... thua Sàigòn xa.

    Đặc sản Phở Thìn dơ và dở, service thì tồi. Chả Cá Lã Vọng mắc tiền, khô và không ngon như mấy tiệm bán Chả cá ở Orange county hay ở San Jose. Nói chung, thức ăn thua xa thức ăn ở các tiệm VN bên California.

    Không biết ngày xưa người Hà Thành thanh lịch như thế nào chứ phần đông những người lứa tuổi cở chúng ta không thân thiện (friendly) và hình như họ còn mang mặc cảm hận thù với người VN Cộng Hòa ngày xưa và với Việt kiều (có thể đám này là cán bộ hay bộ đội trong cuộc chiến VN?). Đám trẻ ở Hà Nội sanh sau 1975 cởi mở, vui vẽ hơn đám già...

    Những ngày còn lại ở Hà Nội, tôi chỉ đi ăn mấy tiệm đồ Tây và ngoại quốc cho sinh viên, tương đối ngon hơn mấy món thuần túy VN ở Hà Nội.

    Chùa Một Cột nổi tiếng trong văn chương VN nhỏ xíu, bằng gổ, tầm thường, không có gì đáng nói đến hay đến xem... như các thắng cảnh khác trên thế giới.

    Từ Hà Nội về Sàigòn có cảm tưởng như đi sang một quốc gia khác, thức ăn ngon, dân chúng phóng khoáng vui vẽ hơn dân Hà Nội....

    Những người Hà Thành thanh lịch của 36 phố phường ngày xưa hầu hết đã ra đi, Hà Nội bây giờ chỉ toàn những bọn cục mịch, tiếng nói the thé, âm điệu lên xuống không giống con giáp nào cả..... Còn đâu tiếng nói nhẹ nhàng, thánh thót, dể thương của những cô bạn gái Bắc ở Sàigòn trước'75 nữa!
    Last edited by KiwiTeTua; 02-11-2018, 10:49 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X