Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Năm tuất, nói chuyện chó

Collapse
X

Năm tuất, nói chuyện chó

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Năm tuất, nói chuyện chó



    NĂM TUẤT, NÓI CHUYỆN CHÓ
    Kha Lăng Đa


    Đã qua năm Thân và Dậu, nhưng chúng ta vẫn chưa thấy cảnh thái bình như câu sấm của ông trạng Trình (“Thân, Dậu niên lai kiến thái bình”). Chắc là dự đoán của ông trạng Trình bị sai lệch chăng? Năm Tuất là năm chúng ta lại tiếp tục hy vọng vì con chó mang lại điềm lành như trong lịch sử nước nhà, có những vị vua đã theo chân chó mà dời kinh đô đến đất lành và có nhiều huyền thoại về sự thờ chó, coi chó như “thần” trấn giữ ma quỷ.
    Tên con chó theo chữ Hán là “khuyển”, “cẩu”. Bình dân miền Bắc nước ta hay gọi chó con là “cún”. Miền Nam, nhứt là các đệ tử của Lưu Linh hay gọi là “con cầy” vì hình dáng con chó giống con cầy hương. Có nhiều cao thủ làng “nhậu” lại ví von gọi chó là “nai đồng quê” hay là “cậu chó”. Tên khoa học, tiếng La tinh gọi chó là “Canidae”.
    Nói qua vài nét về sinh học thì thế giới có khoảng 500 triệu con chó, thuộc 200-300 giống khác nhau và hàng trăm giống chó rừng. Có 37 loại chó, gồm chó sói, chó, sacan, cáo, chó rừng và các giống chó nhà. Ở Việt Nam, người ta phân loại chó rất đơn giản: chó lông đen gọi là chó mực, chó vàng gọi là chó phèn, chó nhiều khoang gọi là chó đốm.
    Chó thuộc động vật có vú, ăn thịt. Các giác quan thính giác, khứu giác rất bén nhạy: nhờ vậy chó đánh hơi và theo dấu vết con mồi rất chính xác. Bàn chân trước của chó có 5 ngón, bàn chân sau 4 ngón.
    Chó mang thai 60 đến 62 ngày, có thể sớm hơn hoặc kéo dài đến 65 ngày. Chó con được sinh ra 4 tuần đã có 28 răng. Chó con bú sữa và lớn dần để có đủ 42 chiếc răng. Khi thời tiết nóng bức, chó le lưỡi để hạ nhiệt.Tai chó có thể nhận biết được 35.000 âm rungchỉ trong 1 giây. Mũi chó có thể phân biệt được 220 triệu mùi khác nhau. Vì thế, người ta huấn luyện chó đi tìm nấm quý trong rừng. khám phá ma túy, bom, mìn..Chó phân biệt được vật thể, đầu tiên nhờ dựa vào sự chuyển động, sau đó đến ánh sáng và cuối cùng là hình dạng. Vì thế, thị giác của chó rất kém, chỉ nhìn thấy 3 màu: xanh lục, xanh dương và vàng. Mùa lạnh, chó hay lấy đuôi che mũi. Đó là cách giữ ấm cơ thể của nó và nó có 2 lớp lông để có thể giữ ấm thân thể vào mùa Đông.
    Người ta tính chó 1 năm tuổi của chó tương ứng với 16 tuổi của con người. Chó 2 tuổi, tương ứng với người 24 tuổi, chó 3 tuổi tương ứng với người 30 tuổi. Sau đó, cứ thêm 1 năm tuổi chó bằng 4 năm tuổi người. Ngày nay, người ta yêu chuộng giống chó “cưng” (Pets) là giống “Chihuahua Fox” và giống chó thông minh “Collie”.
    Về nguồn gốc thì tổ tiên của chó là chó sói, cáo sống ở các hốc cây trong rừng 400 triệu năm trước. Chó ngày nay được tiến hoá từ một loài chó nhỏ màu xám. Vào cuối thời kỳ Băng Hà cách nay khoảng 40. 000 năm, con người và những đàn chó sói tranh nhau từng con mồi. Con người đã thuần hoá chó sói con và qua lai giống nhiều thế hệ, chó sói tiến hoá thành chó nhà.
    Trong tín ngưỡng, tục thờ chó xuất phát từ các dân tộc chăn nuôi gia súc ở khu vực Tây Nam Á, coi chó như kẻ canh giữ gia súc. Tục nầy được người Ấn, Âu đưa vào Đông Á từ Thời Đồng Thau. Trong thần thoại Địa Trung Hải và Cận Đông, hình tượng con chó canh giữ gia súc đã sớm chuyển sang canh giữ thế giới, coi như thiên khuyển, Carbère ( Chó ngao xác-be) gắn liền với thần chết, với âm phủ, có nhiệm vụ dẫn hồn người trong cõi chết. Người Mexico nuôi chó để làm bạn và để dẫn hồn người chết. Người Mường quan niệm gà và chó là biểu tượng của sự sống (sáng) và sự chết (tối). Đạo Hồi thì cho rằng chó là hình ảnh những gì xấu xa đê tiện nhứt. Ở Bắc Kinh, chó coi như vật thiêng liêng, thần thánh, có khả năng xua đuổi tà ma cho gia chủ. Chúng được hoàng gia nuôi dưỡng và tôn trọng như thần thánh.
    Người Xê Đăng, S’Tiêng, chăm, Dao, Lô Lô..coi chó như là ông tổ.Ngày nay, người Dao vẫn thờ chó và trang phục mô phỏng chó hay trang trí hình chó, để tóc kiểu chó.
    Ở nông thôn Trung Hoa, những con chó đá được coi như kẻ canh giữ yâu quái, nhưng không được trọng như thần thổ địa nên trẻ con hay leo, cưỡi trên lưng chó đá. Ở Lạng Sơn, nhiều nơi thờ chó đá như Chi Lăng, Đồng Mo, Thất Khê, Đồng Đang, Cao Lộc, ..Người ta cũng quan niệm chó đá đặt trước nhà, trước đền miếu để đuổi ma quỷ. Tại Chùa Cầu ( Hội An) hiện còn đôi chó khắc bằng gỗ trong tư thế ngồi chầu do các nghệ nhân làn mộc Kim Bông tạo tác. Hiện nay ở nhiều địa phương Việt Nam còn giữ tục đặt chó đá trước nhà và kính cẩn gọi bằng Cụ Thạch, Thần Cẩu, quan lớn Hoàng Thạch. Hình thức thờ chó đá còn phổ biến ở vùng nông thôn quanh Hà Nội như Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên.
    Qua dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam , chó được coi như biểu tượng quan trọng. An Dương Vương Thục Phán là vị vua cuối cùng của triều đại Hùng Vương, lên ngôi năm 258 trước Tây Lịch đã dời đô từ miền Trung du Vĩnh Phúc về đồng bằng sông Hồng. Vua đã định đô tại làng Tó (Uy Nỗ) rồi dời về gò Cổ Loa theo chân đàn chó dẫn đàng, có lẽ là chó săn vì các thủ lãnh các bộ lạc là những thợ săn lỗi lạc.
    Đến thời Lê Lợi, con chó được vua yêu thích nhứt có lẽ là chủ soái của đàn chó săn, nó đi về Cổ Loa để lót ổ, đẻ con. Ngày nay, dân địa phương còn chọn nơi chó đẻ để làm nhà vì họ cho đó là đất phát phúc. Nguyễn Xí, một danh tướng của Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghiệp bằng nghề nuôi chó. Ông có tài điều khiển hàng trăm con chó săn của Lê Lợi trước khi cầm quân thời khởi nghĩa ở Lam Sơn.
    Vị vua xây dựng nền độc lập lâu dài cho Đại Việt là Lý Công Uẩn, sinh năm Giáp Tuất 974, cầm tinh con chó. Truyền thuyết kể rằng : bà mẹ họ Phạm ở trong chùa, nằm mộng thấy thần chó đá và thụ thai, sinh con trai. Bà mang con đến chùa Cổ Pháp thì con chó bằng đồng của chùa cất tiếng sủa mừng. Sư cụ Lý Khánh Vân cho là điềm lành, ứng vào sấm ký của chùa nên nhận nuôi đúa bé và đặt tên là Lý Công Uẩn, cho mang họ của mình. Cậu bé học thầy Vạn Hạnh, thành đạt và làm tướng giỏi, sau lên ngôi vua năm 1009, niên hiệu là Lý Thái Tổ.
    Năm Canh Tuất 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thành Đại La, gần Cổ Loa, đặt tên là Thăng Long. Lúc dời đô, có con chó cái bơi vượt sông Hồng từ Chùa Cổ Pháp để theo vua về lót ổ và đẻ bên Hồ Tây, chỗ Hồ Trúc Bạch, bây giờ còn dấu tích.
    Truyền thuyết khác kể rằng: con chó ở chùa Cổ Pháp vượt sông Hồng, lót ổ và đẻ trên Núi Nùng nên Lý Thái Tổ dời đô về đó, chọn Núi Nùng làm chánh diện, lập đền thờ. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn kể chuyện con chó Cổ Pháp đẻ con có lông sắc trắng, và đốm đen hình chữ “Thiên tử”, người ta cho rằng đó là điềm người sinh năm Tuất làm vua (thiên tử), ứng nghiệm vào Lý Công Uẩn lên ngôi vua.
    Trong văn chương Việt Nam, bóng dáng con chó luôn gắn liền với làng mạc nông thôn. Nguyễn Khuyến đã phác hoạ hình ảnh con chó qua câu thơ:
    Trâu già gốc bụi phì hơi nắng,
    Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người.
    Có lần Tổng Đốc Nam Định là Vũ văn Báo, theo lịnh chính quyền Pháp gọi ông Nguyễn Khuyến ra làm quan. Nguyễn Khuyến cùng con trai là Nguyễn Hoan đến cổng tư dinh của Tổng Đốc thì gặp viên Công Sứ Pháp đi ra. Nguyễn Khuyến bị con chó Tây chồm lên toan cắn nên hoảng hốt đẩy con trai ra chắn chó. Lúc vào nói chuyện với chủ nhân, Nguyễn Khuyến đã xuất khẩu 2 câu thơ:
    Hốt đáo nhĩ môn phùng nhĩ cẩu,
    Cấp tương ngô tử thế ngô thân.
    Tạm dịch:
    Chợt đến cửa ngươi gặp chó ngươi,
    Kíp đưa con mỗ thay thân mỗ.
    Trong bài văn tế Henrivière chết trận ở Ô Cầu Giấy năm 1883, có câu, Nguyễn Khuyến đã viết:
    …Nhớ ông xưa,
    Mắt ông xanh lè, mũi ông thò lõ,
    Đít ông cưỡi lừa, mồm ông huýt chó .
    Trong bài thơ “Thăm bạn” của Võ văn Liêm ( 1937), ông đã mô tả chó Tây như sau:
    Lâu ngày đi thăm bạn,
    Đến ngỏ chó tuôn ra,
    Những con to và béo,
    Tiếng sủa như đồng loa.
    Thấy chó biết nhà chủ,
    Làm ăn rày khá mà,
    Thôi thế cũng là đủ,
    Bất tất phải vào nhà.
    Nhà thơ Phạm Công Thiện quê ở Mỹ Tho, trôi dạt sang Paris, đi lang thang trong Chợ Trời Montreuit, có làm một bài thơ than thân phận:
    Thân anh như con chó
    Treo bảng bán chợ chiều
    Một lần em qua đó
    Con chó đứng nhìn theo.
    Vua Lê Thánh Tông đã để lại trong văn chương nước nhà nhiều bài thơ khẩu khí. Đây là bài thơ “Vịnh con chó đá” của nhà vua:
    Quyền trọng ơn trên trấn cõi ngoài,
    Cửa nghiêm chồm hổm một mình ngồi.
    Qua bao sương tuyết nào chi kể,
    Khéo nhử cao lương cũng chẳng nài.
    Mặc khách thị phi giương tráo mắt,
    Những lời trần tục gác ngoài tai.
    Một lòng thờ chúa nghìn cân nặng,
    Bền vững ai lay cũng chẳng lời.
    Nhân có 2 vị quan trong triều đình vua Tự Đức cải nhau đưa đến đánh nhau, vua nhờ Cao Bá Quát, lúc ấy giữ chức quan Hành Tẩu làm chứng. Cao Bá Quát viết tờ khai như sau:
    Tiền Quát bất tri, Dịch nghĩa:
    Hậu Quát bất tri , Trước Quát không biết,
    Trung gian Quán chi, Sau Quát chẳng hay.
    Đã kiến: Nửa chừng Quát đến,
    Thượng bàn hô cẩu, Quát thấy thế nấy:
    Hạ bàn hô cẩu, Bàn trên chữi chó,
    Thượng hạ giai cẩu. Bàn dưới cũng chó,
    Lưỡng tương đấu ẩu, Trên dưới đều chó.
    Thần gián bất đắc, Rồi choảng nhau luôn,
    Thần kiến thế nguy, Thần can chẳng được,
    Thần hoảng thần tẩu Thần thấy thế nguy,
    . Thần hoảng thần chạy.
    Vua đọc đến câu “Thượng hạ giai cẩu” biết là Cao Bá Quát xấc xược chữi xiên chữi xéo nhưng không làm gì được.
    Trong bài “ Khuyến cáo quốc dân”, có câu Cường Để đã viết:
    Vị tiền cũng lại lắm người,
    Cơ hồ khắp nước chìm mồi chó săn.
    Ai có chi cứu dân cứu nước,
    Thì lũ nầy sủa trước chẳng tha..
    Nhà thơ Tô Thùy Yên cay đắng với tâm sự một người lạc lỏng, bơ vơ, mất xứ sở, mất niềm tin, ngờ vực nhân gian, nhân tình thế thái:
    Chỉ mong đồng loại chớ xua đuổi,
    Giờ nầy thế giới kín khuya khoắt,
    Còn cửa nào cho ta gõ đây,
    Lũ chó sủa rong theo,
    Quá đáng ngờ vực mọi nhân dạng.
    Làng quê Việt Nam trong cảnh thanh bình ngày trước, được Đoàn văn Cừ mô tả:
    Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa
    Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ
    Bóng cây lơi lả bên hang dậu
    Đêm vắng người im cảnh lặng tờ.
    Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883), quê ở Gia Định là tác giả của bài thơ “Con chó già” hàm ý kể công trạng của chó để than thân chó và gẫm phận mình:
    Con chó già
    Tuy rằng muông cẩu có ân ba,
    Răng rụng lâu năm nó phải già.
    Bởi đuổi hưu Tần nên mõi gối,
    Vì lo khỉ Sở mới dùng da.
    Không ai trấn Bắc ngăn bầy cáo,
    Ít kẻ ngừa Tây giữ đứa tà.
    Mạnh mẽ khi xưa còn hớn hở,
    Bây giờ yếu đuối hết xông pha.
    Một bài thơ nổi tiếng về chó của Nguyễn văn Lạc (1842-1915), còn gọi ông là Học Lạc, quê ở Mỹ Tho. Bài thơ mang tựa đề là “Chó chết trôi”:
    Chó chết trôi
    Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu,
    Thác thả dòng sông xác nổi phều.
    Vằn vện xác còn phơi lửng dửng,
    Thứ tha danh hãy nổi lều bều.
    Tới lui bịn rịn bầy tôm tép,
    Đưa đón lao xao lũ quạ diều.
    Một trận gió dồn cùng sóng dập,
    Tan tành xương thịt biết bao nhiêu.
    Tác phẩm “Lục súc tranh công” của tác giả Vô danh, đọc qua những chữ như tiếng lóng địa phương, suy ra tác giả có thể ở vùng Nghệ Tỉnh trở vào và giọng văn có lẽ của thời Lê mạt, Nguyễn sơ chi đó. Trong tác phẩm, 6 con vật trâu, chó, ngựa, dê, gà, heo (lợn) tranh nhau kể công. Sau đó, chủ nhà hoà giải, 6 con vật biết rõ bổn phận, việc ai nấy làm. Đây là phần trích đoạn chó phản bác khi bị trâu công kich:
    Muông nghe nói giận đau phế phổ,
    Liền chạy ra sủa mắng vang tai:
    “ Trời đã sinh các hữu kỳ tài (1)
    Lớn việc nặng, bé thì việc nhẹ,
    Bởi vì đó lớn vai, lớn vế,
    Thì chuyên lo nông bổn cày bừa,
    Vốn như đây ốm yếu chân tay,
    Cũng hết sức gia trung xem xét.
    Trách sao khéo thổi lông tìm vết,
    Giận thày lay vạch lá tìm sâu,
    Ai ai đều phận thủ như nhau,
    Khắn khắn cũng một lòng thờ chủ
    Kẻ đầu kia, người việc nọ,
    Đứa coi ngoài có đứa giữ trong,
    Đêm năm canh con mắt như chong:
    Đứa đạo tặc nép oai khủng động (2)
    Ngày sáu khắc lỗ tai bằng trống,
    Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh,
    Lại đến ngày kỵ lạp tiên sinh,
    Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc.
    Bao quản chui gai, lướt gốc,
    Chi này múa mỏ, lòn hang,
    Anh trâu sao chẳng biết thương,
    Nở lại tra lời sanh nạnh,
    Ăn thì cơm thừa, canh cặn,
    Ăn thì môn sượng, khoai sung,
    Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều,
    Có cũng rằng, không cũng chớ.
    Trâu rằng trâu ăn rơm với cỏ,
    Mà còn có một thằng chăn,
    Tốn áo quần cùng tốn cơm ăn,
    Nỗi lại tới gạo tiền đằng khác;
    Tính chắt lót(3)một năm hai đạt (4,
    Về thằng chăn đã hết một trâu,
    Cũng mạnh cày, mạnh kéo nên giàu,
    Hãy cho nhẹm (5) mình trâu là quý.
    Vốn như đây gia tài ủy ký (6),
    Mà chủ không tốn kém đồng nào,
    Nếu không muông coi trước, giữ sau,
    Thì của ấy về tay kẻ trộm.
    Trân biết nói nhưng không biết xét,
    Suy mình muông công nghiệp đã dày,
    Khi sống thì gìn giữ của đời,
    Khi thác xuống giữ cầu âm giái(7)…
    Trong kho tàng chuyện cổ tích của nước ta, có chuyện “Giết chó khuyên chồng” thật đáng suy gẫm cho nhân tình thế thái:
    Chuyện kể rằng:” có hai anh em nhà kia, gia đình người anh giàu có nhưng rất keo kiệt với người em ruột nghèo nàn. Người anh đối xử với đám bạn bè nịnh bợ rất hào phóng, ngày thì nhậu nhẹt, ngày thì bày thú vui cờ bạc ..trong khi gia đình người em túng thiếu, phải vất vả quanh năm. Vợ của người anh có lòng nhân hậu, đã khuyên chồng đừng đãi ngộ đám bạn bè theo tâng bốc, nịnh nọt anh chồng để lợi dụng mà hãy giúp đỡ gia đình người em đáng thương. Dù bị người anh ngược đãi, nhưng người em lúc nào cũng thương anh và hết lòng giúp anh khi người anh có việc cần.
    Khuyên chồng không được, người vợ dùng mưu giết chết một con chó, bỏ vào bao bố, trùm chiếu, đặt ở xó nhà. Khi người chồng đi rong chơi với bạn bè về, nàng giả vờ lo sợ, báo cho chồng biết nàng đã lỡ tay đánh chết một đứa trẻ ăn mày vì nó đã chữi nàng thậm tệ khi nàng không cho nó tiền. Người chồng hoảng hốt, chạy đi tìm bạn bè nhờ giúp đỡ, chôn xác chết để phi tang. Nhưng. Đám bè bạn của anh chẳng những từ chối mà còn hăm doạ vợ chồng anh sẽ tố cáo tội ác nếu không cho chúng tiền bạc.
    Người vợ bèn khuyên chồng hãy nhờ người em chôn xác chết. Người em tức tốc đến ngay và đem chôn xác chết ở một góc vườn nhà.
    Vì vợ chồng người anh không chịu lo lót tiền cho đám bạn bất lương nên chúng đi báo với quan huyện là họ đã giết người. Quan huyện dẫn lính tới nhà khám xét. Sau khi lính hầu đào xác con chó lên trình quan huyện, sự thật được phô bày ra ánh sang. Đám bè bạn bất lương bị quan huyện truyền lịnh cho lính đánh đòn trị tội những con người phản bạn, vu khống cho bạn. Từ đó, người anh hối hận và rất thương yêu, đùm bọc em mình.”
    Có rất nhiều câu thành ngữ và ca dao nói về chó được lưu truyền từ xưa đến nay mang nhiều ý nghĩa châm biếm, mĩa mai, ví von, gán ghép cho người đời như những câu:
    - Chó chui gầm chạn.
    - Chó cắn áo rách.
    - Lạc nhà nắm đuôi chó, lạc ngỏ nắm đuôi trâu.
    - Chó ỷ thế nhà, gà ỷ thế người.
    - Chó nào chủ nấy.
    - Đánh chó phải kiên chủ nhà.
    - Giỡn chó, chó liếm mặt.
    - Treo đầu dê, bán thịt chó.
    - Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang.
    - Chó cắn dậu.
    - Chó quen nhà, gà quen chuồng.
    - Chó treo mèo đậy.
    - Như chó với mèo.
    - Chó khôn chó chớ cắn càn.
    - Chó dữ mất bạn hiền.
    - Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa.
    - Chó dại có mùa, người dại quanh năm.
    - Chó tháng ba gà tháng bảy.
    - Chó già giữ xương.
    - Trâu không có, bắt chó kéo cày.
    - Lợn rọ, chó thui.
    - Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi.
    - Chó giữ nhà, gà gáy trống canh.
    - Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà.
    - Chó chê mèo lắm lông.
    - Chó 3 năm mới nằm, gà 3 lần vỗ cánh mới gáy.
    - Nói dai như chó nhai giẽ rách.
    - Chó chê cứt thì người mới chê tiền.
    - Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo.
    - Chó sủa là chó không cắn.
    - Chó khôn chẳng sủa chỗ không.
    - Lắt nhắt như chó đái.
    - Đen như mõm chó.
    - Chó nhà nào sủa nhà nấy.
    - Mang chết chó cũng lè lưỡi.
    - Nai dạt móng, chó le lưỡi.
    - Lên voi xuống chó.
    - Chó Đạo Chích sủa vua Nghiêu.
    - Tuổi Tuất là con chó có,
    Nằm khoanh trong lò, lỗ mũi lọ lem.
    Ở thập niên 70, có truyện dài “Cậu chó” của Trần Đức Lai, đăng trên nhựt báo “Trắng Đen” rất hấp dẫn, đã “câu” nhiều độc giả cho tờ báo ấy mà ngày nay vẫn còn lưu lại ở hải ngoại. Quý vị nào muốn nghe Audio Book tác phẩm “Cậu chó” hãy vào “Youtube” . Sau tác phẩm “Cậu chó”, còn có tác phẩm “Hồn ma cậu chó” của nhà văn Nguyễn Việt và “Tâm tình cậu chó” của nhà văn Tràm Cà Mau. Do những tác phẩm nầy mà chó lên chức “Cậu”!
    Theo tài liệu của Hội Liên Minh Bảo Vệ Chó Châu Á (ACPA) thì Trung Quốc hằng năm đã ăn thịt 20 triệu con chó. Việt Nam noi gương “thầy” đã ăn thịt 5 triệu con và Hàn Quốc từ 2,5 đến 3 triệu con chó. Đa số chó bị trộm từ Lào và Camphuchia. Không biết đến bao giờ mới cải thiện được tệ trạng giết chó để ăn thịt.
    Những chuyện chó trung thành với chủ, khắp thế giới đều biết – môt sự trung thành tuyệt đối. Khi chủ gặp nguy biến, chó luôn xông pha để cứu chủ, dù phải hy sinh mạng sống của nó. Lúc chủ qua đời, chó theo đám tang, ra nằm bên mộ chủ cho đến ngày kiệt sức và trút hơi thở sau cùng. Còn biết bao chuyện thương tâm về sự trung nghĩa của chó. Gẫm lại trên đời, chó là loài thú vật nhưng trung thành nhứt trong mọi loài. Chó là người bạn tốt của chúng ta.


    KHA LĂNG ĐA


    ______
    GHI CHÚ:
    (1)Mỗi giống vật có tài riêng.
    (2)Khủng động: Sợ hãi.
    (3)Chắt lót: ít nhứt.
    (4)Hai đạc: 2 thửa ruộng.
    (5)nhạm: no đủ.
    (6) Ủy ký: phó thác.
    (7) Âm giái: âm phủ.

  • #2
    Sống trên đời ăn miếng dồi chó,
    Xuống âm phủ biết có hay không!

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X