Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mặt trận miền Tây Nam phần trong tháng 4 năm 1975 - Vương Hồng Anh

Collapse
X

Mặt trận miền Tây Nam phần trong tháng 4 năm 1975 - Vương Hồng Anh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mặt trận miền Tây Nam phần trong tháng 4 năm 1975 - Vương Hồng Anh

    Mặt trận miền Tây Nam phần trong tháng 4 năm 1975

    Vương Hồng Anh

    Trong các số báo trước, VB đã lược trình về tình hình chiến sự tại miền Đông Nam phần và vòng đai Sài Gòn-Gia Định trong tuần lễ cuối tháng 4 năm 1975. Sau đây là phần tổng lược về tình hình chiến sự tại miền Tây Nam phần trong tháng 4/1975, được biên soạn dựa theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên do Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ xuất bản, dịch giả Duy Nguyên chuyển sang Việt ngữ và đồng ý cho VB sử dụng để tổng lược. Đoạn cuối của bài tổng lược kỳ này là phần tóm lược diễn biến chiến sự tại Quân khu 3.

    * Tình hình chiến sự tại miền Tây Nam phần vào trong tháng 4/1975

    Theo ghi nhận của Đại tướng Cao Văn Viên, ngược với tình hình tại Miền Đông Nam phần, trước tháng 4/1975, tình hình tại miền Tây Nam phần (Quân khu 4) tương đối yên tĩnh ngoại trừ các trận giao tranh giằng giai giữa Sư đoàn 9 BB VNCH và sư đoàn CT-9 của CSBV trong khu vực sát với biên giới Cam Bốt trong tỉnh Kiến Tường giáp giới với tỉnh Sway Rieng. Ngoài ra, hoạt động CQ là những vụ phá rối lẻ tẻ, đụng độ với các đơn vị Địa phương quân, Nghĩa quân, đặc biệt trong tỉnh Chương Thiện, Kiên Giang. Nhưng bước vào giữa tháng và đầu tháng 4/1975, CQ liên tiếp tăng cường mọi hoạt động. Các cuộc tấn công của địch đều nhắm vào các căn cứ tiếp vận và những đồn trại do Địa phương quân và Nghĩa quân trấn đóng dọc theo Quốc lộ 4, con đường huyết mạch nối từ vùng châu thổ sông Cửu Long lên Sài Gòn.

    Về phía CQ, sau một thời gian củng cố lực lượng vì bị tổn thất nặng trong những trận giao tranh với các đơn vị VNCH tại miền Đông Nam phần, sư đoàn CT-5 CSBV liền di chuyển vào vùng Tây Nam của tỉnh Long An và tấn công quận lỵ Thủ Thừa do Nghĩa quân và Địa phương quân trấn giữ. Ý định của CQ là một khi chiếm được Thủ Thừa, sẽ cố thủ để cắt Quốc lộ 4, đoạn giữa Tân An và Phú Lâm ngay tại ngoại ô Sài Gòn để chận không cho Sư đoàn 7 BB lên tăng cường cho phòng tuyến quanh Sài Gòn. Âm mưu của địch đã không thành; lực lượng trú phòng quận lỵ Thủ Thừa đã đánh bật CQ, gây cho địch thiệt hại đáng kể. Mặt khác, CQ còn tấn công đánh vào quận lỵ Bến Tranh nhưng một lần nữa, mưu toan này cũng bất thành vì có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Sư đoàn 7 BB và Sư đoàn 9 BB của Quân lực VNCH. Chỉ sau một ngày giao tranh, CQ đã phải rút lui, để lại gần 200 xác chết và hàng trăm vũ khí, kể cả đại pháo và súng phòng không. 20 CQ bị bắt làm tù binh. Các mô do địch đắp tại Tân An và Bến Tranh đều bị quét sạch. Kết quả là giao thông được tái lập và Quốc lộ 4 thông thương từ Sài Gòn đi Mỹ Tho và các nơi khác hoạt động trở lại bình thường.


    CQ cho nhiều đơn vị nhỏ xâm nhập vào hai vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ nên giữ đường dây tiếp tế từ Hà Tiên vào Kiên Giang rồi Chương Thiện. Con đường tiếp tế này về sau CQ đã hoạt động khá ráo riết để vận chuyển vũ khí, binh lính và quân dụng cho một sư đoàn tân lập mang bí số CT8 của CSBV. Sư đoàn CSBV tân lập này đã mở cuộc tấn công vào thành phố Cần Thơ vào cuối tháng 3/1975 với các mũi tấn công vào nơi đặt bản doanh Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4/Quân khu 4, vào Trung tâm Huấn luyện Cái Vồn, vào quận lỵ Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long. Thêm vào đó, CQ còn chận đường tại Ba Càng, khoảng giữa đường đi Vĩnh Long và Cần Thơ. Sư đoàn 21 BB VNCH cùng lực lượng thiết giáp thống thuộc đã đánh bật các đợt xung phong của địch từ ngoài vòng đai phòng thủ, gây cho địch tổn thất nặng với khoảng 300 CQ bị tử thương tại chỗ, rất nhiều vũ khí bị tịch thu. Trận tấn công của CQ vào Cái Vồn và Bình Minh cũng bị lực lượng VNCH phản công nhanh chóng nên chỉ trong 48 giờ sau thì tất cả chướng ngại vật tại Ba Càng đều bị dẹp sạch.

    Nói chung, nỗ lực của CQ tại miền Tây Nam phần là muốn cắt đứt Quốc lộ 4, làm gián đoạn mọi liên lạc giữa Sài Gòn và Cần Thơ để bảo vệ hành lang xâm nhập của CQ từ khu Mũi Khét vào Quân khu 4 (Vùng 4 chiến thuật), nhưng mưu toan của địch đã bị thất bại. Những mưu toan của CQ tại Vùng 4 còn chứng tỏ rằng địch muốn tìm cách kích thích tinh thần chiến đấu của các đơn vị CQ tại chiến trường Quân khu 3 đang cố tiến sát Sài Gòn. Suốt trong những tuần cuối, tất cả các trung đoàn biệt lập của CQ hoạt động tại Vùng 4 đều tập trung và tổ chức thành sư đoàn cho có danh nghĩa, nhưng trong thực tế cũng chỉ là những đơn vị cũ, cũng chỉ có khả năng chiến đấu cũ. Sở dĩ CQ làm như vậy là cốt gây thanh thế, gây ảnh hưởng chính trị và tâm lý dân chúng. Ngược lại với các cuộc hành quân đại quy mô theo quy ước, chiến lược tiến hành chiến tranh của CQ tại nhiều khu vực ở Vùng 4 vẫn còn mang nặng chiến thuật du kích, tìm cách làm suy yếu hạ tầng cơ sở của VNCH, kiểm soát các nguồn lợi kinh tế trong vùng. Vào thời gian các trận giao tranh gia tăng đến mức quyết liệt trong 3 tháng đầu năm 1975, Quân khu 4 vẫn còn yên ổn, trật tự cho đến ngày 30-4-1975, không một quận lỵ nào lọt vào tay địch, dù chỉ tạm thời trong chốc lát. Cũng cần ghi nhận rằng vào thời gian này, Tư lệnh Quân đoàn 4/Quân khu 4 là Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh phó Quân đoàn 4 là Chuẩn tướng Lê Văn Hưng; Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh là Chuẩn tướng Trần Văn Hai; Tư lệnh Sư đoàn 9 BB: Chuẩn tướng Huỳnh Văn Lạc; Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh: Chuẩn tướng Mạch Văn Trường (vừa được tân thăng).


    * Tóm lược tình hình Quân khu 3 ngày 29/4/1975

    Tại mặt trận Củ chi, Hậu Nghĩa, 7 giờ sáng ngày 29/4/1975, bộ Chỉ huy Tiểu khu Hậu Nghĩa bị mất liên lạc với bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 & Quân khu 3. Tại phòng tuyến Củ Chi của Sư đoàn 25 Bộ binh, Cộng quân tung 1 sư đoàn chính quy CSBV có 1 trung đoàn chiến xa yểm trợ tấn công ồ ạt vào các vị trí của quân trú phòng. Quốc lộ 1 nối Sài Gòn với Củ Chi bị đắp mô, giao thông tắc nghẽn. Đêm 29/4/1975, bộ Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh phải bỏ phòng tuyến Củ Chi rút về Hóc Môn. Tại tuyến phòng thủ Trảng Bom do một đơn vị thuộc Sư đoàn 18 phụ trách, vào 7 giờ 30 sáng, nhiều vị trí bị Cộng quân chọc thủng và đến 10 giờ phòng tuyến này hoàn toàn bị Cộng quân tràn ngập. Một số đơn vị của Sư đoàn 18 rút về phía nam căn cứ Long Bình, 1 Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến án ngữ mặt bắc Long Bình cũng bị tấn công. 11 giờ sáng ngày 29/4/1975, Cộng quân tấn công vào phòng tuyến nam Long Bình, Sư đoàn 18 Bộ binh đã đẩy lùi được nhiều đợt xung phong của các trung đoàn Cộng quân. Trong khi đó căn cứ Long Bình đã bị pháo kích liên tục. Tại căn cứ kho đạn Thành Tuy Hạ, nhiều vựa chứa đạn trong kho đã bị pháo kích và vòng đai phòng thủ kho đạn đã bị khoảng 2 tiểu đoàn Cộng quân bao vây. Tại Biên Hòa, quận lỵ Tân Uyên bị tấn công ác liệt. Lực lượng phòng thủ quân lỵ đã phải triệt thoái. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 & Quân khu 3, căn cứ Không quân Biên Hòa, và một số doanh trại quân đội gần Biên Hòa, dọc xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn cũng bị pháo kích.

    * Ngày 29/4/1975 tại phòng tuyến Cỏ May-Vũng Tàu.

    Tại phòng tuyến Cỏ May-Vũng Tàu, từ đêm 28/3/1975, Cộng quân đã thực hiện những đợt tấn công thăm dò phản ứng của quân trú phòng. 1 Tiểu đoàn Dù và một đơn vị Thiết giáp cùng một đại đội Thủy quân Lục chiến phòng thủ dọc theo con đường từ ngoại ô Bà Rịa đến cầu Cỏ May đã bố trí phục kích địch quân. Có ít nhất 2 tiểu đoàn Cộng quân bị loại ngoài vòng chiến khi di chuyển gần đến cầu. Sáng ngày 29/3/1975 thì hình hình trở nên nguy kịch khi mà các đơn vị VNCH mất liên lạc với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3. Cùng lúc đó, CQ tung đại quân tấn công vào phòng tuyến Cỏ May, quân trú phòng rút về phòng thủ quanh căn cứ Hải quân Cát Lái.

    Tại Vũng Tàu, ngay từ đêm 28/4/1975, Bộ chỉ hành quân của Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh kiêm Tư lệnh mặt trận Vũng Tàu, đã phải làm việc tại Duyên đoàn 33 Hải quân để điều động các cánh quân. Tướng Hinh kể lại rằng vào 4 giờ sáng ngày 29/4/1975, có 2 vị sĩ quan ở Bộ Tổng Tham mưu là Đại tá Lợi và Trung tá Nhã đến gặp Tướng Hinh trên một chiếc tàu nhỏ của Duyên đoàn 33 và cho biết tình hình tại Bộ Tổng tham mưu. Theo hai vị sĩ quan này thì Đại tướng Cao Văn Viên và Chuẩn tướng Trần Định Thọ (Trưởng phòng 3) đã ra đi từ chiều ngày 28/4/1975. Gần sáng, lại có thêm Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính, Tư lệnh Sư đoàn 3 Không quân và vài đại tá cùng khoảng 60 sĩ quan, binh sĩ Không quân từ Biên Hòa về Vũng Tàu. Tướng Tính đã đến gặp Tướng Hinh tại Duyên đoàn 33. Chuẩn tướng Tính cho biết ngay trong chiều 28/4/1975, phi trường Biên Hòa đã được lệnh phá hủy các cơ sở. Lệnh này do Chuẩn tướng Bê, chỉ huy Tiếp vận Không quân trực tiếp ban hành. Sáng ngày 29/4/1975, có thêm rất nhiều sĩ quan từ Sài Gòn ra Vũng Tàu. Khoảng 7 giờ 30 ngày 29/4/1975, Cộng quân pháo kích vào bộ chỉ huy Đặc khu Vũng Tàu, Tiền cảng và Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát Quốc gia. Dân chúng chạy về phía trung tâm thị xã. Tướng Hinh rời Duyên đoàn 33 thị sát tình hình, đến 9 giờ sáng ông trở lại căn cứ Duyên đoàn 33 thì các sĩ quan của bộ chỉ huy của ông đã theo tàu ra ngoài khơi để tránh pháo kích. Khoảng gần trưa các sĩ quan này mới trở lại bờ.

    Trở lại với tình hình Sài Gòn, 11 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, ông Mẫu chính thức nhận chức thủ tướng. Do ông Nguyễn Bá Cẩn, Thủ tướng do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm đã rời Việt Nam, nên Phó Thủ tướng Trần Văn Đôn thay mặt nội các cũ ký biên bản bàn giao với tân Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Sau khi ký xong biên bản, ông Mẫu nói: “Tôi vừa lên Đài phát thanh tuyên bố, yêu cầu Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam trong vòng 24 giờ kể từ 5 giờ sáng nay. Lúc bấy giờ là 11 giờ 35 phút ngày 29 tháng 4/1975.”


    Vương Hồng Anh

    Source: "https://dongsongcu.wordpress.com/201...ng-4-nam-1975/"


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X