Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hương Thơm Ngày Cũ - Vũ Nam

Collapse
X

Hương Thơm Ngày Cũ - Vũ Nam

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hương Thơm Ngày Cũ - Vũ Nam




    Vũ Nam là một cây bút quen thuộc với anh em SVSQKQ Liên Khoá 72-74, đã có nhiều tác phẩm đóng góp vào kho tàng văn chương hải ngoại và riêng HQPD, Vũ Nam cũng đã có bài viết về tình bạn Liên Khoá SVSQKQ.
    Tuyển tập bút ký mới nhất của anh, "Quê Người Nhớ Quê Nhà" do cơ sở Văn Học Cỏ Thơm xuất bản năm 2016 được anh gởi tặng HQPD gồm 22 bài bút ký với ngòi bút điêu luyện lột trần mọi khía cạnh xã hội mà anh đã từng trải nghiệm: " Nếu văn là người thì dòng văn của Vũ Nam cũng hiền hoà, đôn hậu vậy. Văn chương trong 22 truyện ngắn gọn gàng trên gần 240 trang của tác phẩm "Quê Người Nhớ Quê Nhà" trôi chảy như giòng lưu thuỷ và nhẹ nhàng tình cảm.... (Lời nhà xuất bản)".

    Sau đây là truyện ngắn "Hương Thơm Ngày Cũ" tiêu biểu của Vũ Nam vừa gởi tặng HQPD, xin cám ơn tác giả và hân hạnh giới thiệu cùng quý NT và quý Bạn.



    Hương Thơm Ngày Cũ

    Em hãy ra bờ sông nhìn nắng trải
    Nhớ cho mình dáng dấp người yêu
    Lỡ dòng đời tóc điểm muối tiêu
    Còn giấy phút chạnh lòng như mới lớn


    Mấy câu thơ này của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã nhập vào đầu Giang tự lúc nào anh không biết. Trong đời, có những điều cứ chạy theo mình như nước suối nguồn. Ròng rã với ngày tháng. Miệt mài với mọi mùa trăng. Thăng trầm với sườn đồi vách núi. Và thênh thang về lòng đại dương…

    Năm mười bốn tuổi, Giang cùng một người bạn học vào nhà thương để thăm cô em gái bà con của cậu ta vừa bị xe Honda đụng ở đầu và bất tỉnh. Đứng bên cô gái trong trạng thái mê man Giang lại thấy cô đẹp vô cùng. Buồn đâu chưa thấy lại phải lòng một cô gái nhỏ đang bị tai nạn. Tuổi thiếu niên, vui đó, buồn đó, nhớ thương đó, rồi quên đó, là chuyện thường tình. Do vậy sau ngày ấy Giang cũng không tìm gặp cô gái, hay hỏi thăm nhà cửa “nơi nao” để kiếm chuyện làm quen. Nhưng mãi đến hôm nay, sau gần ba mươi năm, anh vẫn còn nhớ đến cô gái nằm mê man trong nhà thương ngày ấy. Hẳn bây giờ, nếu có dịp tình cờ nào mà gặp lại cô gái này, anh kể cho cô nghe chuyện anh “phải lòng” cô trong lúc cô thập tử nhứt sinh, chắc là cô ngạc nhiên và cảm động lắm.

    Những ngày còn ở Việt Nam, trong một lần đi lao động Xã Hội Chủ Nghĩa, thủy lợi, có một hình ảnh đập vào mắt Giang, cô gái mười bảy tuổi, người cùng làng, mà anh vẫn còn giữ mãi đến ngày hôm nay. Bây giờ nghĩ lại Giang thấy tiên tiếc một chuyện gì…đó, như lời ca:

    Ngày xưa tiếc sao mình không ngỏ, để rồi chiều nay mình đâu thấy cô đơn, ván kia bây giờ đóng thuyền rồi, có còn chi đâu nữa thôi tìm gì trong mơ...

    Ngày ấy, lao động Xã Hội Chủ Nghĩa là điều bắt buộc, không có chuyện tự nguyện. Giàu nghèo, sang hèn, có học hay thất học đều phải đi làm công tác lao động và phải mang theo lương thực để tự túc một tuần, một tháng, tùy theo nhu cầu của nhà nước. Chỉ thương cho những gia đình nghèo, khoai bắp mỗi ngày còn không có để nuôi con, vậy nếu mất đi một ngày làm, một tuần làm thì các con lấy gì ăn. Nhưng hình như đó là chuyện của dân nghèo, chớ không phải là chuyện của cán bộ lo về thủy lợi ở địa phương, phường xã.

    Toán làm thủy lợi của Giang ngày đó khoảng mười người. Tám thanh niên, hai thiếu nữ, Như và Lan. Lên khu thủy lợi phải tấp vào nhà dân xin ở đậu và phải tự túc nấu ăn. Bọn Giang phân công là tám thanh niên mỗi ngày đều phải đi làm thủy lợi. Còn hai cô gái thì thay phiên nhau ở nhà để nấu cơm cho toán. Nghĩa là, cứ đi làm một ngày thì ở nhà nấu cơm một ngày. Năng xuất lao động thủy lợi nhiều hay ít đã có tám thanh niên lo liệu.

    Hôm nào Như nấu cơm, khi chiều về thấy, Giang ít có để ý, vì Như gọn gàng nhanh lẹ, nấu mau xong. Nhưng hôm nào đến Lan nấu, nhìn cô anh thấy mà...thương. Thường bọn anh phải phụ tay vào mới mong có cơm ăn sớm. Chắc Lan không quen kiểu nấu cơm dã chiến. Chắc cô không từng là dân trong Gia đình Phật Tử, Thiếu Nhi Thánh Thể hay Hướng Đạo..., những nơi tạo cho thanh thiếu niên tự lực cánh sinh khi sinh hoạt vui chơi ngoài trời. Nấu cơm gì khói phun đầy. Mà nơi này có củi gì để gọi là củi đâu. Lan quơ quào đại ba lá chuối khô, ba cọng cỏ khô rơm khô làm mồi. Và khi đã cháy lên thì phải cần củi, tìm củi không biết “tìm mô” cô chỉ còn biết đi “tha” củi về từ trong những lều nhà dân cho mình ở đậu. May mà những gia đình này rất dễ dàng với dân lao động thủy lợi. Thấy Lan ngồi nhúm lửa, thổi lửa, thỉnh thoảng có nước mắt chảy dài, dù đói mà thấy cảnh này bọn anh cũng bắt no ngang! Lúc thì Lan ngồi chồm hỗm. Lúc chỏng mông thổi lửa. Có lúc ngồi bẹp cả xuống đất chẳng còn sợ dơ quần là gì. Cô chỉ mong cho mau xong để tổ có cơm để ăn. May mà cô không có vết lọ nghẹ nào dính trên mặt. Nếu có chắc là dễ cười lắm.

    Hình ảnh đó sau hai mươi năm, khi Giang kể lại cho Lan nghe trong một lần điện thoại viễn liên, cô cười bảo anh nhớ dai quá.

    Bây gìờ thì Giang biết nói gì với Lan. Ngày xưa cả hai còn nhỏ. Dù anh có lớn hơn cô vài tuổi, nhưng nghề nghiệp chưa có, đất nước sau chiến tranh đã hơn mười năm nhưng nhìn đâu cũng còn thấy khổ. Mối tình trong làng, vừa chớm nở với Lan anh cũng cố gắng nén vội như người đang đi ngang qua cơn bão, chỉ trông ánh nắng về. Phải lòng nhau cũng chỉ biết nhìn nhau. Hai chục năm sau đó, từ bên này đất nước, nhìn tấm hình Lan chụp từ quê nhà gửi sang, Giang biết anh đã để vuột mất một người tình, cuộc tình, mà những ngày làm thủy lợi và cả sau đó nữa anh không một lần dám thốt nên lời: yêu em. Để rồi Lan như hoa lan trong vườn đã có chủ.

    Cũng từ nơi đây, vùng của sương mù, Giang gửi về nơi quê hương, nơi có những mùa nắng dài, và những ngày mưa, ôi mưa sao mà mưa mãi, một lọ kem Hoa Lan cho...Lan. Nghe nói ở Việt Nam phụ nữ quen sài loại kem này, nên nhân dịp có người bạn đi Mỹ, anh nhờ mua. Ngày nào những làn khói trong lúc nấu cơm không làm da mặt Lan trở nên hiu hắt, nhưng chắc là sau ngần ấy năm với những cơn nắng miền Nam hành hạ ắt hẳn bây giờ da mặt Lan đã đen, hoặc thâm, hoặc gì gì đó nữa làm nhan sắc cũng theo tháng năm mà tàn phai. Nhìn nụ cười gượng gạo của Lan trong hình Giang đoán vậy. Tấm hình đã làm héo úa một dung nhan. Hy vọng những làn phấn mỏng sẽ làm giảm sự già nua, cùng lúc làm tăng vẻ mịn màng trên làn da của người đàn bà đã bắt đầu bước gần vào tuổi bốn mươi. Lan viết thư cho Giang sau khi nhận được hộp kem: Cám ơn anh còn nhớ đến em. Em… ít… có sài kem, nhưng em cũng cám ơn anh về món quà này. Cám ơn anh đã nhắc lại những kỷ niệm. Công việc mệt nhọc, lại chắc là vì đã lớn tuổi, dễ mệt, nên em rất làm biếng viết thư. Không chỉ làm biếng viết thư cho riêng anh mà các bạn khác cũng vậy.

    Ngày xưa Giang biết Lan là cô gái ít ăn ít nói, nên nay cũng không ngạc nhiên khi cô viết cho anh chỉ đôi lời cám ơn khi nhận được quà. Ngoài ra, anh đoán được có những trầm uất cho Lan, nếu cô cứ bị chồng chất những khó khăn trong cuộc sống. Công ăn việc làm, hoàn cảnh gia đình đều có thể giết chết mọi tơ tưởng, vấn vương. Những tình cảm lãng mạng vừa nảy sinh, phút chốc bị nhát dao thô bạo của đời sống chém bổ xuống thành những đứt đoạn, lìa tan.

    Giá trị của việc làm, sự sống ở Việt Nam cho đám dân nghèo hiện tại là giá trị phải tranh đấu từng tháng, từng ngày. Ai đó thì có thể nhậu nhẹt ngày đêm, trai gái ngày đêm, xe này xe kia, chớ dân đen, dân không có thân nhân nước ngoài, chắc là phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Một bịt đậu phọng chín mua từ tiệm Á Châu ở đây khoảng hai đô la, Giang không biết là đắt hay rẻ, nhưng ở Việt Nam nếu người nông dân được con buôn cho biết hàng của họ đã có „đầu ra“, dù họ phải bán rẻ, chắc họ mừng lắm. Dẫu sao, cứ có „đầu ra“ là sẽ có công ăn việc làm ỗn định. Giang không biết chính xác Lan bây giờ làm gì ở Việt Nam, chỉ nghe nói cô làm trong một cơ quan nhà nước, lương không nhiều, nhưng cũng lo được cho bản thân, gia đình. Anh cũng mừng cho Lan.

    Từ nơi xa xôi Giang ao ước có một ngày nào đó anh sẽ gặp lại Lan trên quê hương đã vàng úa, đã khập khiễng vì WTO, đã manh nha những mầm móng loạn lạc. Nhất là những khi trong gia đình có những xào xáo, cơm không lành canh không ngọt,
    anh lại càng nhớ đến Lan nhiều hơn, vì nơi Lan lúc nào anh cũng tìm thấy sự tươi mát, nhẹ nhàng. Anh thương tưởng về những buổi chiều nắng rọi bờ đê trên con kinh thủy lợi, về hình ảnh Lan ngồi bên bếp lửa với khói cơm chiều nơi mái hiên nhà người nông dân ngày nào, về những ngày trong xóm hai đứa đứng nói chuyện bên nhau.

    Và ngày gặp đó đã đến. Về Việt Nam, Giang dành một buổi xế trưa ngày chủ nhật để tạt qua thăm Lan mà không báo cho cô biết trước. Anh muốn đem đến cho cô một ngạc nhiên vui vui. Nghĩ xế trưa cuối tuần, khi những tia nắng còn rõ nét trên mặt đường, còn làm ran rát làn da, thì ít khi cô gái nào, đàn bà nào, còn muốn giữ nhan sắc mình trước những tàn phai của nắng đã dám ra đường, chắc Lan cũng vậy.

    Nhưng lúc đến nơi, Giang được người em gái của Lan nói cho biết cứ khoảng giờ này, vào ngày chủ nhật, chắc chắn một trăm phần trăm chị Lan của cô đang làm công quả trên chùa. Ngôi chùa cách nhà Lan khoảng hai cây số. Giang hơi ngạc nhiên vì chuyện Lan đến chùa. Trong những thư gửi qua, có bao giờ Lan nói cho anh biết đến việc đi chùa làm công quả vào những ngày cuối tuần. Nghe vậy, anh lại hình dung đến chuyện Lan và Điệp ngày xưa. Nhưng anh không phải là Điệp, người tình của Lan, còn ai đó là Điệp ắt chỉ mình Lan biết.

    Theo người em gái Lan chỉ, Giang chạy xe đến chùa. Ngôi chùa lớn, yên tỉnh, ngày nhỏ anh đã có lần vào, chung quanh giờ có xây tường cao để „che chắn“ bên trong. Trước sân chùa có những hàng cây thông cao, chung quanh có những cội bồ đề, cành nhánh đang dao động vì cơn gió nhẹ. Từ trong chùa tiếng Đại Hồng Chung đã ngân vang từng tiếng, cách quãng, thảnh thơi và vang ra xa như bất tận.

    Tiếng Đại Hồng Chung vang lên làm những phiền trược ai đang có cũng tan biến đến vô thủy vô chung, tận cùng trời đất. Từ xa nhìn vào nơi Đại Hồng Chung đang ngân vang tiếng vọng, Giang thấy nét mặt của một người đàn bà, tóc được phủ kín bằng chiếc nón màu nâu, chiếc áo màu lam, ngồi quay lưng nghiêng nghiêng về phía anh, đôi cánh tay, bàn tay của người như vịn vào chiếc dùi thật lớn được treo chặt tòn ten bởi hai sợi dây lên trần nhà chùa. Cung cách của „ người thỉnh chuông“ xem ra như chẳng màn gì đến thế sự bên ngoài. Người đàn bà như chỉ vịn hờ vào chiếc dùi, nhưng cứ sau mỗi lần người thút chiếc dùi vào Đại Hồng Chung là một tiếng „bong“ thật lớn vang lên, rồi theo sau là muôn ngàn tiếng vọng ngân dài lan truyền ra thật xa, xa đến cả bản làng thôn xóm, những khu nghĩa địa quanh chùa.

    Giang dựng xe trước cổng chùa, yên lặng đi trên con đường nhỏ vòng qua ao sen và tượng Quan Thế Âm lớn trước chùa để vào hậu liêu. Chùa vắng hoe, không một bóng người. Vùng đất này ngày xưa, còn nhỏ, Giang đã nghe kể có rất nhiều ma vì chung quanh có nhiều mả mồ. Nay nghĩ lại không phải là lời truyền từ xưa là không có lý. Thời đại ngày nay mà ngôi chùa này có sự yên tĩnh như hiện tại, thật đến rợn người. Từ chánh điện đến khu nhà phía sau, từ trong ra ngoài không thấy một bóng người, không một chú tiểu, không một ni cô, chỉ có tiếng Đại Hồng Chung đang lên tiếng.

    Bước chân Giang lần lên tam cấp, nơi có Đại Hồng Chung, chậm chạp nhè nhẹ như người đi ăn trộm. Giang sợ như là một tiếng động từ anh gây ra sẽ làm tiếng Đại Hồng Chung ngưng lại, buổi thỉnh chuông sẽ hư hoại. Giang đến rất gần người đàn bà. Một cảnh tượng làm anh thấy thương cảm vô cùng, thấy như anh cũng không còn là mình nữa. Người đàn bà đang thản nhiên ung dung tự tại đánh dùi đều đặn vào Đại Hồng Chung không ai khác hơn là Lan. Dù nhìn nghiêng nhưng Giang vẫn nhận ra Lan, cô gái của hai mươi năm trước đã cùng anh làm thủy lợi trên vùng kinh tế mới, đã có những buổi chiều ngồi thổi lửa nấu cơm cho bọn anh ăn. Thời đó đất nước sau chiến tranh, còn khổ, còn chấp nhận được, còn hiện tại, đất nước đã hơn ba mươi năm sau chiến tranh không lẽ Lan cũng còn dính dáng với nỗi buồn như vậy sao ( dưới mắt một người đời trần tục từ Giang, anh thấy dáng Lan đang ngồi đánh dùi vào Đaị Hồng Chung sao mà buồn quá!). Lan cũng biết có người đến gần mình, nhưng cô không quay lại, vẫn tiếp tục công việc „thỉnh“ 108 tiếng Đại Hồng Chung.

    Biết làm gì bây giờ khi Lan còn đang mê „thỉnh chuông“, Giang đi đến hành lang bên hông chùa, đứng yên lặng nhìn quang cảnh chung quanh chùa, nhìn nắng đang „thiêu đốt“ xóm làng bên ngoài. Mùa hè ở Việt Nam sao bây giờ có nắng kinh hoàng! Đời sống khó khăn hiện tại không đủ nóng để đốt người thôi sao, mà bây giờ ông trời còn bắt người dân chịu cái nắng đến khắc nghiệt như vậy? Hay là cái nắng do nền công nghiệp toàn cầu gây nên và Việt Nam cũng cùng hứng chịu, như hứng chịu mưa bão cứ mỗi năm lại về. Để tránh nắng đàn ông còn tỉnh bơ, chớ phụ nữ đàn bà bây giờ một bước ra đường là tay, mặt, đầu tóc hoàn toàn được che kín bằng bao tay, bằng nón, bằng khăn. Thậm chí có cả những cô gái mang dép còn mang cả vớ để che bàn chân cho khỏi…đen. Việt Nam bây giờ đầy những người bịt mặt. Không còn biết ai đẹp ai xấu! Không biết ai oan ai ưng!

    Giang nhìn lên trần nhà chùa, thấy rõ được những màng nhện bám trên những hàng kèo cột đen xì. Chùa đã trải qua những mùa nắng mưa dầu dãi, mấy độ rêu phong. Ngôi chùa này, ngày nhỏ có những lần Giang đã đi qua khi có đám ma hoặc bắt dế về đá, bắt bọ rày về cho bay với tàu thủy máy bay được làm bằng cây, bằng kẽm. Nhưng ngày ấy, vì còn nhỏ nên Giang không để ý gì đến ngôi chùa, có mệt vào xin thầy trụ trì chuối sứ để ăn, nước lạnh để uống, rồi lại ra đi chơi tiếp tục, nay đến đây cũng bất đắc dĩ vì nghe nói có Lan đang ở trong chùa, chớ lòng anh chưa bao giờ thấy thấm nhập Phật Pháp nhiều, chưa cảm được thấu đáo đời sống thiền môn.

    Xong buổi thỉnh Đại Hồng Chung, Lan cất nón, thay bộ đồ màu lam ra. Lan trở thành một thiếu nữ và cô đang đi tìm người khách lạ nào viếng chùa thình lình trong buổi xế trưa hôm nay. Vài phút nhìn Giang ngượng ngập rồi Lan cũng nhận ra anh. Cô lộ vẻ ngạc nhiên:
    - Anh Giang đây phải không…? Ủa. Anh về hồi nào mà không báo cho em biết trước. Ai chỉ em ở chùa mà anh biết để vô đây. Anh đi với em xuống nhà sau để ngồi uống nước và nói chuyện.

    Lan khoan thai đi trước dẫn đường xuống tam cấp ra hậu liêu. Giang đi sau, thấy dáng Lan y như ngày trước: khoan thai nhưng có nét hơi ẻo lả. Khi hai người đã ngồi đối diện Giang vẫn còn bồi hồi bởi hình dáng Lan vừa qua, nên nói chuyện với Lan còn rất lơ là:
    - Lan không thay đổi nhiều. Nhưng hơi ốm và da mặt hơi đen hơn hồi nhỏ.
    Lan vừa rót nước ra ly vừa trả lời:
    - Mời anh Giang uống nước. Ai bây giờ nghèo mà không ốm và đen. Anh không nghe chữ „dân đen“ sao?

    Giang hỏi Lan:
    - Lan cũng nghèo à?
    - …
    Lan chưa kịp trả lời. Thấy câu hỏi của mình hơi kỳ kỳ khi vừa mới gặp lại Lan, nên Giang hỏi tiếp chuyện khác:
    - Sao chùa vắng quá vậy? Không thấy một bóng người!
    - Thầy trụ trì đi vắng, chắc cũng gần về. Chùa ở đây chỉ có hai người tu. Thầy và một sư cô.

    Giang cười với Lan:
    -Còn Lan nữa! Lan cũng định đi tu à? Chắc có giận người nào tên Điệp chớ gì.

    Biết Giang nói giỡn nên Lan cười theo anh:
    - Đâu có! Đâu có ai tên Điệp mà Lan giận. Em chỉ lên chùa làm công quả. Em thấy mỗi lần lên chùa em rất vui.
    - Hồi nãy đứng nhìn Lan đánh Đại Hồng Chung sao thấy Lan có vẻ như buồn buồn!
    - Không có buồn đâu anh! Tại mình phải cố giữ sự nghiêm trang yên tĩnh, chớ không phải buồn.
    - Lan đi chùa tự bao giờ? Hồi còn ở Việt Nam anh có thấy Lan đi chùa đâu?
    - Lúc đó em có đi, nhưng anh đâu có biết! Nhưng lúc đó chỉ thỉnh thoảng em mới đi thôi, không thường như trong mười năm đổ lại đây.
    - Còn chuyện chồng con em ra sao? Viết thư anh có hỏi nhưng sao không thấy em nói gì cả.
    - Em đâu có chồng con mà kể cho anh nghe. Không có nên em giấu. Em mắc cở nên không kể cho anh nghe.
    - Sao vậy Lan? Em đẹp, sao lại ở vậy, không chịu lập gia đình?
    - Em muốn đi tu!
    - Sao vậy?
    - Không biết tại sao! Nhưng ngay từ những năm mười lăm mười sáu tuổi, thỉnh thoảng cuối tuần, ngày rằm, em đã đến chùa này làm công quả rồi. Không hiểu sao, nhưng rồi từ từ em không còn muốn lập gia đình, không còn muốn ở ngoài đời. Em chỉ muốn đi tu thôi! Và Lan cứ tiếp tục nói chuyện đi tu.

    Thấy Lan cứ nói chuyện tu, buồn quá, nên Giang đổi đề tài:
    - Thầy, em nói hồi nãy là ai? Sư ông hay sư bà?
    - Thầy là một sư cô, ở nơi khác đến tu, không phải người làng mình. Thầy đang đi công chuyện Phật sự. Anh ngồi chơi đây một lát nữa chắc sẽ gặp thầy.
    - Sao em lại phải ngồi đánh Đại Hồng Chung trong ngày hôm nay?

    Mặt Lan lộ ra nét vui:
    - Em xin thầy cho phép để em làm công quả đó! Ngồi thỉnh 108 tiếng Đại Hồng Chung sẽ có nhiều phước báu lắm! Em chỉ rảnh có ngày cuối tuần.

    Lan cười:
    - Dọn đường cho sau này em xuất gia.
    - Trong tuần em cũng đi làm? - Giang nhỏ nhẹ hỏi Lan.
    - Dạ. Em là cô giáo dạy ở nhà trẻ.
    - Cũng sống được?
    - Dạ, cũng sống được anh. Còn cuộc sống của anh ở Anh chắc là sướng rồi, phải không?

    Mấy ngày sau Giang hẹn Lan vào một ngày chủ nhật, sau buổi thỉnh Đại Hồng Chung ở chùa, sẽ có một việc quan trọng mà anh muốn bàn cùng Lan trước khi anh trở lại Anh. Trên con đường mòn vào núi, buổi chiều vắng hoe, hai người vừa đi vừa trò chuyện:
    - Nãy giờ anh đã nói hết hoàn cảnh và ý định của anh. Bây giờ Lan tính sao? Có chịu để anh làm giấy bảo lãnh em qua bên Anh không?

    Lan không nhìn thẳng vào mắt Giang. Đôi mắt cô hướng về phía trước mặt, hướng đỉnh núi, nơi có một tảng đá khổng lồ màu trắng, nghe nói là nơi mấy ông “cách mạng” trốn bom B52 thời còn chiến đấu ở trong rừng. Vùng dưới tảng đá là cây rừng với màu xanh sậm.
    - Thôi anh! Đừng làm giấy bảo lãnh em làm gì. Em đã nói với anh, em không còn muốn lập gia đình!

    Biết nói gì thêm với Lan đây, khi cô cứ một mực từ chối. Chuyện vợ chồng của Giang đã “rã gánh”, không còn hợp nhau nên đường ai nấy đi, không hận thù, chỉ còn xem nhau như bạn. Kỳ này đi về Việt Nam anh định tìm một người vợ khác, không ngờ biết ra Lan chưa có gia đình, anh lại thao thức nhiều đêm để đi đến một quyết định sẽ xin cưới Lan. Dù muộn nhưng vì là chỗ quen biết trước, nên anh nghĩ tình yêu hai đứa chắc là không đến đổi nào nhạt nhẽo, còn thi vị nữa là khác.

    Lan cười chọc Giang:
    - Ngày xưa, sao lúc đi anh không rủ em. Lúc đó anh chưa có vợ mà. Nếu anh rủ em cùng đi vượt biên lúc đó, biết đâu bây giờ chuyện đã đổi khác.
    - Lúc đó anh cũng vội vàng. Hơn nữa vì sợ công an nên anh cũng không dám rủ ai. Nhưng mà chuyện cũng đã qua lâu rồi!
    -.....!
    Đường vào gần chân núi sương chiều càng đậm đặc. Giang vòng tay ngang qua vai Lan để cản bớt sương lạnh cho cô, chứ không phải anh muốn đổ trút những buồn vui trong cuộc đời mình lên đôi vai nhỏ bé của người bạn gái thuở thiếu thời. Lan để yên bàn tay Giang trên vai cô. Anh hít được mùi hương thơm, mà cũng không biết hương thơm từ Lan, hương thơm của núi rừng về chiều, hay hương thơm ngày cũ. Và khi trên đường trở lại về làng thì trời đã tối hẳn, không kìm hãm nổi cảm xúc, cộng lối sống Tây phương đã quen, Giang đã ôm Lan vào lòng và hôn trên đôi má nàng đã lấm tấm sương. Giang đành chia tay Lan từ buổi chiều tối hôm đó.

    Năm ngoái có cơn bão lớn thổi ngang qua làng Lan, nên sau đó, khi nghe nói có người trong thành phố Giang ở về Việt Nam làm công tác từ thiện, nhân vụ bão lụt vừa qua, dịp này anh nhờ họ về ghé đến chùa của Lan để giúp đở dùm, nếu chùa có bị thiệt hại vì bão. Khi họ trở qua Giang được biết, đến chùa ngoài hai sư trụ trì cũ họ còn gặp một sư cô mới vào tu, Pháp danh là Thích Nữ Trí Vân, tên ngoài đời là Lan, người của làng.

    Dù biết Lan đã vào chùa tu như lời thư cô đã viết, nhưng khi nghe những người vừa gặp Lan nói ra, Giang cũng thấy buồn buồn. Giang biết kể từ đây, khi gặp lại Lan anh không có quyền áp má, quàng vai như lần gặp trước, mà phải chấp tay Nam Mô A Di Đà Phật. Giờ Lan đã là sư cô. Một sư cô chưa từng vẩn đục bởi chuyện thế gian trần tục. Duyên nghiệp của Lan được sinh ra trong đời này là để đi tu. Có người bạn, khi nghe Giang kể chuyện Lan, đã nói với anh như vậy.

    Một anh bạn trong toán về Việt Nam làm công tác từ thiện còn nói giỡn: Sư cô mới đi tu này chỉ khoảng tuổi trên dưới bốn mươi, rất vui vẻ và còn đẹp lắm! Mọi người đều cười ồ lên, trong khi chỉ mình Giang biết là Lan đã đi trên con đường cô đã chọn, nên cô vui khi tiếp chuyện với khách thập phương cũng là chuyện thường tình, còn chuyện đẹp xấu chắc cô không màn.

    Tự dưng Giang có cảm giác không vui, như ngọn gió bấc muộn, lạc loài, đang mang hơi lạnh về trên khắp thành phố anh đang cư ngụ, dù trời đang bước những bước chân chậm chạp vào xuân.

    Vũ Nam


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X