Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đường bay định mệnh

Collapse
X

Đường bay định mệnh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đường bay định mệnh

    Đường bay định mệnh


    Phạm Tương Như


    Những ngày cuối Tháng Tám rực rỡ hoa mùa hè. Lũ ong bướm tha hồ dạo nắng xem hoa, dang đôi cánh mỏng lượn gió theo hương, đắm say sắc màu và mật nhụy ngọt mùi tình tự. Các trường lớp bắt đầu khai giảng. Học trò Tiểu và Trung học tung tăng cùng bạn bè trong những bộ đồng phục mới, màu sắc riêng của trường. Các sinh viên Ðại học ghi danh mùa học tới. Ðặc biệt năm nay, cùng thời điểm này, nước Mỹ được Nàng Trăng cho ngắm dung nhan thật sự của mình bằng cách chen vào giữa Chàng Mặt Trời và Anh Ðịa Cầu làm cả xứ ngẩn ngơ. Một hiện tượng 69 năm mới trở lại. Các đài Truyền hình và Internet tràn ngập hình ảnh hiếm quý của hiện tượng Eclipse và người thưởng ngoạn !

    Tiểu bang Texas, nhất là các thành phố ven biển, trong vịnh Mễ Tây Cơ bàng hoàng nhận hung tin “siêu bão” Harvey, với sức mạnh cấp 4, 130 dặm /giờ sẽ đổ bộ, ủi bờ và oanh tạc toàn diện khu phố biển Rockport và Corpus Christi. Thành phố Houston, lớn nhất miền Nam Hoa Kỳ và các phố phụ cận trong ba ngày đêm liên tiếp phải trầm mình trong mưa gió. Tất cả mọi khu vực nhận từ 25” đến 37”(7 tấc đến 1 m) nước mưa. Cảnh lụt lội, màn trời chiếu nước khắp nơi. Những con đường cây xanh bóng mát, những xa lộ ngút ngàn nay trông như biển rộng, sông dài… Hơn bốn mươi ngàn người phải tìm nơi tạm trú, trong số đó có hơn sáu ngàn người được cứu vớt bằng đủ các phương tiện xe, ghe, ca nô và trực thăng của lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ với hằng ngàn nhân viên hữu trách và tình nguyện… Nhiều bạn trẻ từ các tiểu bang Oklahoma, Louisiana rủ rê bạn bè kéo ca nô về Houston, dầm mưa cứu những người chưa hề quen biết.

    Nhà tôi thuộc vùng Tây Bắc thành phố Houston. Hai lần Thủy Nương Nương thăm viếng mà chẳng hề gõ cửa… Thiệt hại không là mấy so với một số bạn bè và cư dân cùng phố thị. Chỉ cần thay thảm mới ở các phòng không lát gạch ! Riêng cơ xưởng bị thiệt hại nặng hơn nhiều…

    Bạn bè chung lớp, cùng Phi Ðoàn, thân nhân, Thầy Hiệu trưởng, Thầy Cô thời Trung học, bạn văn nghệ, nhiều vị thân quen khắp mọi nơi trên thế giới, có người lâu lắm không nghe tiếng…Nay gọi điện thoại, gửi Email thăm hỏi. Lòng tôi miên man nghĩ đến tình người, những cảm xúc nhớ về dáng xưa, nhớ thời bay bổng, thuở học trò. Giật mình nghe bước thời gian… “Như mùa thu bỏ lá vàng rơi. Như gió mây đã cuối chân trời. Như dòng sông mưa trôi nước lũ. Như tình yêu đang bỏ tim côi…”

    Cô cháu ngoại của tôi vừa vào học lớp Tám được ba hôm thì nghỉ ở nhà chờ bão. Cô thật lo lắng cho lũ chim sau nhà. Không biết chuồng chim có chịu nổi sức gió. Chim sẽ trú mưa nơi đâu? Cô cũng dọn dẹp, gác mấy thanh gỗ cho chim đậu và lấy khăn lót ổ trên kệ, nơi cái chái sau nhà cho mấy cô cậu mèo hoang (?) vẫn thường lui tới ăn ké thức ăn dư… Nhà tôi không bị mất điện nên truyền hình mở liên tục bốn ngày đêm để tiện theo dõi mọi tin tức liên quan đến “siêu bão”.

    Ba giờ rưỡi sáng đêm Chúa Nhật (27 tháng 8, 2017), mưa vẫn rơi, gió vẫn gào nghe thắt ruột. Cơn bão Harvey bắt đầu lui về hướng biển gần giống tuyến không gian nó hoành hành suốt hai ngày đêm qua, đã trút gần nửa thước nước xuống các khu đông dân cư. Một cú điện thoại gọi tới làm tôi vô cùng lo lắng, vì cả tháng qua Má tôi, nay đã chín mươi ba tuổi, đang bệnh và nằm bệnh viện bên Việt Nam.

    - Anh đó hả ? Em Dung nè ! Em theo dõi cơn bão mấy ngày nay và lo cho gia đình anh quá. Nhà cửa, xe cộ và gia đình có sao không ?

    - Mọi người ok em. Nhà bị nước ngập nhẹ thôi ! Ðợi nước rút và tạnh mưa, kéo thảm ra ngoài sân. Ý trời muốn mình thay thảm mới đó Dung.

    - Anh lúc nào cũng vậy ! Em đang lo đứt hơi mà anh thì cứ tỉnh bơ.

    - Không đâu em, anh chỉ tỉnh táo chứ không tỉnh bơ. Nhà hết bơ rồi, chỉ còn táo ăn đỡ khát đó em.

    - Sao trước mưa bão không trữ nước ?

    - Nếu mình trữ nhiều nước uống thì những nhà có con nít sẽ trữ nước mắt đó Dung.

    - Ðúng là anh. Những ngày còn trong trại tỵ nạn, mẹ con em cũng nhờ anh tiếp tế. Khi định cư ở Cali. này, cũng nhờ anh và anh Tùng phụ giúp hai con em mới học thành tài.

    - Không phải chúng mình là bạn chí thân sao ? Thằng Tuấn, nếu không rớt máy bay, chắc cũng lo cho bạn bè như hai thằng anh vậy !

    Tiếng Dung nghẹn ngào nức nở… Nói không thành lời như tôi đã từng nghe mỗi lần chúng tôi nói chuyện. Cuốn phim quá khứ lại hiện về rõ nét trong tâm tư tôi. Ðường gian nan trải khắp kiếp người phụ nữ tên Dung…

    - Thôi ! Ðã mấy mươi năm rồi, Dung đừng khóc nữa. Hay là anh khóc thế Dung mười lăm phút rồi mình nói chuyện tiếp nghen. Các con và mấy cháu bình yên chứ?

    - Cái anh này ! Tụi nó đều an lành và khá giả. Nha sĩ và Dược sĩ mà ! Một phần cũng nhờ anh đó !

    - Sao Dung không dọn về ở chung với con gái cho bớt cô đơn ?

    - Em không muốn nhờ chúng nó. Em sống với quá khứ đau buồn của riêng em và nghĩ về tình người cao thượng của mấy anh. Em may mắn được làm vợ của Tuấn. Ðược anh và anh Tùng lo lắng cho như trong cùng một gia đình. Em may mắn lắm… Vì hai con và hai anh mà em sống đến hôm nay…

    Một khoảng lặng trong khúc nhạc đời người phụ nữ Việt Nam, chứng nhân của thời chinh chiến. Nước mất nhà tan, gia đình ly tán… Tôi để yên cho Dung khóc… “Nước mắt khóc vơi đời buồn. Tiếng hát ru đau chuyện lòng. Ðêm thâu nói lời mưa gió. Làm sao đến được người thương ?”

    Tuấn, Tùng và tôi là ba thằng bạn chí thân. Chúng tôi xuất thân trong ba gia đình hoàn toàn khác biệt. Tuấn là dân thành phố. Ông Nội người Minh Hương. Ba Tuấn là Ðại tá làm việc ở Tổng Tham Mưu QLVNCH. Mẹ Tuấn có vựa trái cây trong chợ Bình Tây. Tùng là người Bắc di cư 54. Ba làm Thầy giáo Trung học. Mẹ làm Thư ký hãng nước ngọt. Chỉ có tôi là dân quê mùa Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ba Má lam lũ với ruộng vườn và lò gạch để lo cho đám con cả chục đứa ăn học thành người hữu dụng.

    Tùng và tôi vừa đậu xong Tú Tài toàn phần là tình nguyện vào quân ngũ. Thằng Tuấn đang học Ðại học Văn khoa năm thứ hai, cũng xếp áo sinh viên, vui bước đăng trình… Ba đứa tôi đều có tên bắt đầu vần T và họ Phan, họ Phạm nên dù xuất thân từ Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang hay Võ Khoa Thủ Ðức, cùng được học chung lớp ở trường Sinh Ngữ Quân Ðội và chung khóa nơi trường bay Không Quân Hoa Kỳ, T28 khu trục Keesler, Biloxi, Mississippi.

    Sau khi hoàn tất khóa học theo tiêu chuẩn Không Quân Mỹ, đeo đôi cánh bạc Không Quân Hoa Kỳ. Chúng tôi được chọn xuyên huấn trên các loại máy bay cánh liền khác nhau mà Không Quân Hoa Kỳ đang chuyển giao cho Không Quân Việt Nam. May mắn là ba đứa tôi về phục vụ tại ba Phi Ðoàn khác nhau, nhưng lại cùng Không Ðoàn 53 Chiến Thuật/ SÐ 5KQ/ TSN… Không Ðoàn 53 Chiến Thuật có 6 Phi Ðoàn tác chiến hoạt động ngày đêm trên toàn lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa. Từ năm 1970 các chiến trường trở nên khốc liệt, mặc dù trận Tổng Công Kích Mậu Thân 68 đã gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng cho cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

    oOo

    Ba đứa tôi, tuy khác Phi Ðoàn nhưng luôn gắn bó với nhau đến nỗi chúng tôi tưởng chừng mình đang có chung các Ba Má. Cha Mẹ chúng tôi tuy không liên lạc qua lại nhiều nhưng cưng chìu và lo cho chúng tôi tận tình như nhau. Ba chiếc Vespa của tụi tôi sơn cùng màu xanh da trời… Những buổi ăn sáng, cơm chiều đầu tháng sang trọng. Ðến cuối tháng đi bay sáng gặm bánh mì, chiều về mì gói mà vui hết biết! Hình như không nơi nào ở Sài Gòn Chợ Lớn thiếu vết xe của ba chàng phi công “Thiên Lôi” chúng tôi !

    Rồi Tuấn lấy vợ khi Dung vừa tốt nghiệp Sư Phạm. Cuộc tình của nó thật là lận đận vì Dung con nhà nghèo. Tuấn quen Dung khi còn học Văn Khoa. Hình của Dung với nụ cười duyên dáng lúc nào cũng “hiện diện” trên night stand (bàn để đèn) kế đầu giường trong BOQ nơi trường bay. Tuần nào tôi và nó cũng “thơ thẩn, hoa lá cành” để gửi “nỗi nhớ” về cho người yêu còn đi học! Rồi tôi cũng vai “balô”, eo súng lục (chứ đâu có gì khác) theo người yêu! Khi Tuấn xin phép Ba Má nó để cưới Dung thì Má nó phản đối quyết liệt. Cho rằng hai gia đình không “môn đăng hộ đối”. Tuấn lại nhất định cưới Dung, nên sau đám cưới, vợ chồng nó ra riêng, mướn nhà gần khu Nhà Thờ Tân Sa Châu để tiện đi bay và Dung đi dạy học ! Hình như Má Tuấn không muốn nhận Dung làm con dâu !? Thằng Tùng nhiều máu nghệ sĩ nhất, ngón “Tây Ban Cầm” của nó có thể “rung chuyển nhân gian”, làm rụng bao trái tim giai nhân… Nhưng không hiểu sao “chỉ tay tình duyên” của nó toàn cõi duyên thừa !!! Tình bay theo tiếng đàn, trở thành mây gió lang thang… Cái “thiếu ngủ” và “tóc dài” của nó nhiều khi gây rắc rối với Thượng Cấp, nhất là những Thứ Hai đầu tháng, phải diện áo bay đen, khăn quàng xanh lên sân cờ Sư Ðoàn 5 KQ chào Quốc Quân Kỳ.

    Mùa hè đỏ lửa 72 đã lấy đi nhiều đôi cánh bạc của mấy Phi Hành Ðoàn thuộc Không Ðoàn 53. Trong đó có đôi cánh “có râu” (trên 10,000 giờ bay) của vị Phi Ðoàn Trưởng PÐ 425. Tin tức chiến sự lan tràn trên các làn sóng Radio và truyền hình. Má Tuấn muốn Ba nó lo cho Tuấn về làm việc văn phòng hay một chức vụ gì đó để khỏi đi bay. Tuấn cương quyết từ chối. Ba Tuấn cũng nói:

    - Tôi từng là Tiểu Ðoàn Trưởng. Nếu chân tôi không bị thương nặng, đi đứng nhanh nhẹn, thì giờ này tôi cũng phải có mặt ngoài trận địa. Ai cũng nghĩ như Má mầy thì ai đánh giặc. Việt Cộng vô tới đây thì đâu còn ai sống sót !

    Năm 1973, tôi nhờ nhà thơ Nguyễn Bạch Dương lo in ấn thi tập đầu tay “Vầng Thơ Chớm Nở Trên Mây”, gồm những bài thơ viết khi ngồi trên ghế lái Phi Cơ C123K, thơ tình yêu (của cả 3 đứa), chiến tranh và bay bổng. Ba đứa tôi hẹn về Vĩnh Long và Cần Thơ ra mắt sách. Thằng Tùng còn rủ được mấy em ca sĩ quen cùng đi… Ðêm Noel 73, đáng lý ra là thời kỳ ngưng bắn, Việt Cộng lại tấn công một đồn Biệt Ðộng Quân biên phòng. Vị Ðại Ðội Trưởng thuộc khóa 23 Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, cùng sinh viên Văn Khoa với Tuấn. Trong lúc nóng lòng cứu bạn, cứu lính và giữ đồn. Tuấn bay thấp hơn độ cao thường đêm, vòng bay cũng nhỏ hơn, cánh nghiêng nhiều hơn để đạn Ðại Liên làm hàng rào sát thủ, không cho Việt Cộng tiến sát vào đồn. Chiến thuật “tiền pháo hậu xung” bị bẻ gãy vì phi cơ nhìn thấy lằn đạn nên bắn thẳng vào hàng quân địch và bắn chận hướng tấn công của bọn cuồng ngông, chuyên thí quân đánh “biển người” !

    Trời gần rạng đông mà địch quân vẫn chưa rút về bên kia biên giới. Phi cơ của Tuấn cũng không chịu rời vùng. Nguyên tắc của phi cơ AC yểm trợ hành quân đêm, bảo vệ vị trí đóng quân… là phải ẩn mình trong bóng tối, hoặc giữ cao độ an toàn. Phi hành đoàn của Tuấn đã anh hùng vượt qua những yếu tố an toàn cho mình nên đã anh dũng hy sinh vì súng phòng không của Việt Cộng… Và buổi ra mắt sách cũng không còn nghĩa lý gì nữa…. Gia đình nhỏ của ba đứa chúng tôi giờ đã bị Chủ Nghĩa Cộng Sản chọc thủng. Chiến tranh càng lúc càng gia tăng trên khắp lãnh thổ VNCH. Dung âm thầm chịu khổ vì Mẹ chồng không thương, Mẹ mình cũng giận “lẫy”. Con trai Dung ra đời không biết mặt Cha. Tuấn cũng không biết Dung đã cấn thai khi “Ðường Bay Ðịnh Mệnh” lướt gió tung mây của nó gãy cánh giữa vùng trời lửa đạn !

    oOo

    Vợ chồng tôi dọn nhà vào khu Sĩ Quan Phi Hành KÐ53CT, trong căn cứ Tân Sơn Nhất. Ba giờ sáng đêm 28 tháng 4 năm 75, phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích khắp nơi, lửa cháy, khói bay đầy trời…. Khung trời xanh mơ mộng tan rồi. Mây trắng thôi bay… chỉ còn có máu và lửa. Ôi! Những sáng tinh sương cất cánh đón nắng đầu ngày! Bốn làn sương mỏng từ bốn máy bán phản lực phản chiếu ánh hồng bình minh đâu còn nữa! 30 tháng 4, 75 gia đình tôi đến phi trường Utapao, Thái Lan. Sáng hôm sau đến “thành phố lều vải” ở đảo Guam…”Vì hai chữ Tự Do, ta thành người lưu vong ( nhạc Nam Lộc)”

    Sau 30 tháng 4, Ba của Tuấn bị bắt đi tù. Vì chân yếu lại phải lao động khắc nghiệt. Ông cũng không chịu phục tùng lệnh quản giáo, nên bị đưa tới trại “Cổng Trời” và vùi thây nơi đó! Tùng ở tù trong Nam, sau 5 năm “quên bẵng nhân gian” được xuất trại về tạm trú nhà Ba Má. Má của Tuấn giờ đã sáng mắt, ghét cay ghét đắng chính quyền mới. Của cải bị tịch thu, phe thắng cuộc chỉ cho Bà “ở nhờ” nơi nhà xe một thời gian. Ðến khi có lệnh đi kinh tế mới thì Bà trốn về ở với người bà con bạn dì. Bà tìm được mẹ con Dung, giúp Dung vốn thuê nhà và mua bán nuôi con. Thỉnh thoảng Bà lén tìm đến nhà Dung để nựng cháu và tìm cách cho mẹ con Dung vượt biên. Bé Tú trong giống y như Tuấn thời còn bé bỏng nên Bà Nội cưng lắm. Tùng ra khỏi trại tù nhỏ về lại vùng “địa ngục trần gian”. Thành phố giờ mang tên HCM nên trông thảm não. Từ “Hòn Ngọc Viễn Ðông” xuống thành “phố của người rừng”.Mọi người sợ hãi, chẳng ai tin ai. Phố “rù rì” ai cũng nói lén chế độ ! Thằng ngu dạy thằng khôn! Phố của đói triền miên và khổ kinh niên. Mặt tiền treo giẻ rách, sân trước trồng rau muống! Ða số những gì đẹp đẽ đều được “giải phóng” chở về Bắc.

    Tùng đang hành nghề “xe đạp ôm” ngang qua khu “chợ trời chạy (nếu thấy Công an)” thì gặp Dung đang gạ bán thuốc Tây… Dung vẫn còn nét duyên dáng năm nào, nhất là khi giả bộ cười lấy lòng khách tìm mua thuốc. Tùng nhận ra Dung ngay, nhưng Dung không nhìn ra Tùng. Khi hai người nhận mặt nhau thì trận mưa nước mắt do Dung “gọi mây về đổ xuống hạt ngâu”!

    Má của Tuấn đã chuẩn bị sẵn sàng cho mẹ con Dung và Tùng vượt biên bán chính thức. Bà giỏi móc nối và lanh trí nhờ quen nghề mua bán. Bà muốn cháu Bà có tương lai nơi xứ người. Riêng Bà muốn ở lại tìm xác chồng và con đem về an táng cho hương linh người quá cố “Vãng Sinh Cực Lạc!” Bà nói :

    - Má nhờ Tùng (chúng tôi quen gọi Bà là Má) và Dung đưa Tú ra nước ngoài cho nó ăn học. Hồi nẳm Má muốn Tuấn học Y khoa mà nó cứng đầu không nghe! Cái gì cũng được Ba bao che nên ra nông nổi !

    Tùng vâng dạ và cám ơn ! Dung lại khóc ròng làm Tùng nhớ đám tang không xác của Tuấn nên cùng bé Tú khóc theo! Thật tội cho người Mẹ Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc! “Vì hai chữ Tự Do, bao nhiêu người phơi thây !”

    Tàu vượt biển không bị chết máy nhưng hai lần bị hải tặc Thái Lan cướp. Lần thứ nhất chúng lục soát và lấy hết tư trang, của quý rồi bỏ đi. Lần thứ hai thật là kinh khiếp! Anh tài công là một cựu Trung úy Hải Quân, gốc khóa 24 Võ Bị. Anh không muốn bị cướp thêm lần nữa, nên xả hết tốc độ chạy bán sống bán chết. Rồi tàu hải tặc cũng rượt kịp và bắn phát súng thị oai, làm một thuyền nhân bị thương. Khi vừa cặp vào tàu vượt biên, một tên hải tặc hung hăng, xách rìu nhảy qua và rọc một đường vào ngực anh tài công. Cũng may anh này mặc hai lớp áo Jacket nên bị thương chứ không chết ! Khi lục lọi không tìm được gì quý giá. Bọn hải tặc vô cùng giận dữ. Chúng trói nhiều người đàn ông lại. Hai tên cầm súng canh chừng. Chúng bắt tám phụ nữ qua tàu của chúng để hãm hiếp. Trong số đó có Dung ! Tùng bị trói tay, đứng lên nói mấy câu tiếng Anh và sấn tới mũi tàu. Một tên hải tặc dùng bá súng đánh anh rơi xuống biển. Một phụ nữ lớn tuổi liều mạng liệng cho Tùng miếng móp làm phao. Cuối cùng tàu cũng đến được Mã Lai và thuyền nhân vào trại tỵ nạn.

    Tùng và tôi học chung Thầy Smith ở trường bay. Trước khi vượt biển, nó học thuộc địa chỉ Thầy phòng khi cần liên lạc. Nhờ vậy nên đến đảo được 40 ngày, Tùng, Dung và cháu Tú nhận được tiền trợ cấp của vợ chồng tôi hằng tháng. Vì Thầy Smith cho tôi địa chỉ của Tùng bên đảo. Không muốn làm phiền bạn bè nên Tùng đưa mẹ con Dung sang định cư bên Cali. Tôi hoàn toàn không hay tin Dung bị hãm hiếp và ngỡ rằng Tùng và Dung là vợ chồng như trong giấy tờ xin tỵ nạn !

    Khi Tùng và gia đình tạm yên nơi ăn chốn ở. Tùng vừa đi làm vừa đi học. Dung ở nhà trông con và nhận đồ về may. Tú bắt đầu vào lớp Một. Vợ chồng tôi cùng hai con dọn từ Jacksonville, Florida qua Houston, Texas và mua nhà chung khu với thằng bạn trong Phi Ðoàn 435/C130. Tôi mua vé sang Cali. thăm gia đình Tùng và Dung.

    Thật là ngỡ ngàng khi biết Tùng và Dung đang “chia” phòng trong một chung cư. Họ chỉ là vợ chồng trên giấy tờ. Và Trời ơi! Dung sanh thêm đứa con gái mà cha là hải tặc không tên. Cả hai đứa, Tú và Mimi đều gọi Tùng là Daddy! Tôi chỉ còn biết cùng Dung, Tùng khóc một trận cho đã đời! Tất cả những tai ương này đều vì Cộng Sản mà ra ! Chúng là loài quỷ đỏ ! Từ đó vợ chồng tôi lại cần kiệm để mỗi tháng gửi qua Dung chút tiền còm. Tôi biết tiền không đáng là bao, nhưng nghĩa sẽ giúp Dung vượt qua chính nỗi lòng của mình. Buổi chiều, viện lẽ đi thăm bạn Không Quân. Tôi và Tùng ra quán để “xả bầu tâm sự”. Tùng hiểu ý tôi nên sau một hớp beer, nó kể hết những gì xảy ra trong chuyến hải hành đầy bất trắc mà tôi tóm lược như bên trên. Tùng nói thêm:

    - Cũng tại tao mà Dung mới bị hãm hiếp. Nếu Dung còn ở Sài Gòn thì Má sẽ lo cho mẹ con nó đầy đủ. Má nói với tao là có mệnh hệ gì Má sẽ tiếp tục lo cho bây và cháu của Má.

    oOo

    - Mày nghĩ vậy không đúng đâu ! Tại là tại Việt Cộng ! Ai không muốn sống Tự Do. Nếu thằng Cộng Sản không bần cùng hóa nhân dân, nhất là tạo xã hội bất ổn, công an trị, cuồng tín khát máu thì ai ra biển, xuyên rừng, năm sống, mười chết bỏ xứ ra đi ! Hỏi thiệt mày ! Mày có khinh Dung vì Cô ấy bị nạn không? Tại sao giấy tờ là vợ chồng mà sống riêng tư như vậy ?

    - Mày nghĩ coi ! Dung là vợ thằng Tuấn, làm sao tao chung chăn gối như vợ chồng được. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào tao cũng không lấy vợ bạn được đâu ! Tao sẽ lo cho mẹ con Dung như tao là thằng Tuấn vậy ! Tao ghép Mẹ con nó vào gia đình là vì thế !

    - Mày nghĩ Dung yêu mày không ? Dung sẽ khổ vì yêu đơn phương đó !

    - Dung khóc với tao rất nhiều và nói nó không xứng đáng được tao lo lắng nhiều như vậy. Người nó nhơ nhớp và tủi phận làm người! Tao khuyên Dung rất nhiều. Nhiều đêm khuya nghe Dung khóc một mình tao đau lòng lắm. Mimi sẽ không bao giờ biết cha của nó không phải là tao. Tao và Dung mãi mãi là hai người bạn cao quý nhất! Mày cũng vậy nữa ! Thôi hai thằng ngoéo tay đi!

    Hai đứa tôi ngoéo tay thật chặt. Ngửa cổ uống một hơi hết chai beer. Tôi muốn bẻ cổ chai beer cho đỡ tức, nhưng đành theo Tùng ra xe về nhà… Dung dọn sẵn cơm tối và chờ hai đứa tôi. Nàng đang cặm cụi may dưới ánh đèn vàng nhạt màu thời gian…

    Khi tôi bay trở về Houston thì thư của Dung cũng vừa mới đến…

    Kính Anh Chị,

    Dung xin lỗi và mong anh tha thứ vì Dung giấu anh những điều không may xảy ra trong cuộc đời tỵ nạn. Anh chị đã lo cho mẹ con Dung nhiều vậy mà Dung không thố lộ hết mọi tâm tình thật là đáng trách! Tất cả vì Dung không muốn Anh Chị thêm buồn. Thêm nát lòng vì sự xấu số của Dung.

    Anh Tùng là thần tượng của em từ những ngày bọn mình chung vui, ăn uống, ca hát, du lịch Ðà Lạt, Côn Sơn do Phi Ðoàn tổ chức. Anh Tùng càng xứng đáng được tôn vinh trong tình bằng hữu của các anh. Anh Tùng là Cha đỡ đầu của con em. Nếu không có anh Tùng chắc gì em còn sống đến hôm nay. Em không tính được tình cảm riêng mình vì anh Tùng luôn bay trên vòm trời “cao thượng” của lý trí. Phải chăng con tim có những lý lẽ riêng mà lý trí khó giải thích ? Dù sao đi nữa ba anh mãi là “Người Tình Trăm Năm” của riêng em !

    Mong Anh Chị hiểu lòng Dung và tha thứ cho đứa em bất hạnh này…

    Thy Dung mắt ướt của Anh Chị


    Khóc nữa đi Dung ! Khóc nữa đi Dung ! Khóc dân bị trị chịu ngàn nỗi khổ. Mưa vẫn mưa sa trên rừng cờ đỏ. Giết ! Giết ! Giết ! Ðến người dân cuối cùng. Nếu họ không biết đoàn kết chống bạo quyền !



    Phạm Tương Như
    02/09/2017.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X