Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân có thật sự bất ngờ hay không?

Collapse
X

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân có thật sự bất ngờ hay không?

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân có thật sự bất ngờ hay không?

    Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân có thật sự bất ngờ hay không?
    Tom Glenn
    Phan Ba dịch


    Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, tôi đã học bằng một cách hà khắc rằng khi tình báo bị phớt lờ thì sẽ có người bị giết chết. Tôi làm việc cho Cục An ninh Quốc gia trong phần tốt đẹp hơn của cuộc chiến, thường là bí mật. Có đôi lúc, tôi và đồng nghiệp của tôi có cảm giác giống như Cassandra, nàng công chúa huyền bí thành Troy, được ban cho tầm nhìn xa thấy trước nhưng lại phải chịu đựng số phận là không được tin tưởng. Một ví dụ là trận Đắk Tô.

    Năm 1967, phần lớn giao tranh ở Nam Việt Nam tập trung ở vùng cao nguyên, miền núi dọc theo biên giới Lào-Campuchia bao gồm các tỉnh Kontum, Pleiku và Đắk Lắk. Lực lượng Mỹ được đưa tới vùng này vì hai lý do. Đầu tiên, đó là nơi kẻ địch hiện diện. Người Bắc Việt sử dụng khu vực này làm nơi trú ẩn. Địa hình ở đó lởm chởm và hoang vu, có ít dân cư mà hầu hết là các bộ tộc người Thượng, không phải người Việt, đã bị đẩy lên đó trước đây nhiều thế kỷ bởi người Việt đã giành lấy vùng đồng bằng về cho họ. Thứ nhì, đó là địa điểm của một đoạn quan trọng trong mạng lưới thâm nhập bí mật được người Bắc Việt sử dụng để lén đưa hàng ngàn quân vào Nam Việt Nam, được người Mỹ biết đến như là Đường mòn Hồ Chí Minh.

    Mùa hè và thu năm đó, tôi cũng ở trên vùng cao nguyên và hoạt động bí mật cùng với quân đội Mỹ. Tôi là chuyên viên về truyền thông của người Cộng sản Việt Nam, tôi nói tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Pháp. Ba ngôn ngữ của Việt Nam. Không như nhiều chuyên viên tín hiệu khác của N.S.A., tôi sẵn sàng ra trận chiến đấu cùng với những đơn vị Mỹ mà tôi được biệt phái đến.

    Tôi được giao nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho đội tình báo tín hiệu Lục quân, hỗ trợ cho Sư đoàn 4 Bộ binh và Lữ đoàn Dù 173, đóng quân trong vùng Pleiku. Nơi chúng tôi bắt tín hiệu là một địa điểm được gọi là Engineer Hill, đủ cao để phát hiện truyền tin của địch quân từ xa; chúng tôi cũng nghe tín hiệu từ các nhóm khác được triển khai cùng với các đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt hoạt động sâu trong vùng cao nguyên.

    Suốt tháng 9 và 10 năm 1967, đối tác quân đội của tôi và tôi theo dõi chặt chẽ thông tin liên lạc của Mặt trận B3, trụ sở chỉ huy cao cấp của Bắc Việt cho vùng cao nguyên; Sư đoàn 1 trực thuộc và hai trung đoàn độc lập 24 và 33. Trong những tháng đó, chúng tôi theo dõi Mặt trận B3 khi họ triển khai một trạm chỉ huy tiền phương có liên lạc với Hà Nội – luôn luôn là tín hiệu của một trận đánh sắp xảy ra. Chẳng bao lâu sau, nó trao đổi một lượng lớn tin tức với Bắc Việt Nam, hầu hết được gửi đi vào ban đêm, khi những trạm truyền tin Cộng sản Việt Nam thường ngưng hoạt động. Trạm chỉ huy và Trung đoàn 24 di chuyển nhanh chóng tới tỉnh Kontum. Trung đoàn 23, hai tỉnh ở phía nam Đắk Lắk, bắt đầu thông tin chiến đấu. Một đơn vị mới, còn chưa được xác định, xuất hiện ở tỉnh Pleiku, gần địa điểm của chúng tôi.

    Nói cách khác, trông giống như kẻ địch đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên toàn cao nguyên.

    Một đêm không trăng cuối tháng 10, chúng tôi xác định được một đơn vị Bắc Việt mới, cách nơi chúng tôi ngồi chừng 20 kilômét. Như thể để nhấn mạnh đến việc kẻ địch đang ở gần kề, chúng tôi bất thình lình bị tấn công bằng súng cối khi đang báo cáo về sự xuất hiện của đơn vị mới. Tổn thất duy nhất có thể xác định được là một ngôi nhà phụ di động. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn sợ.

    Trước khi hết tháng 10, Sư đoàn 1 Bắc Việt và ba trung đoàn phụ thuộc đã di chuyển tới vùng Đắk Tô của tỉnh Kon Tum – một vùng với đồi dốc đứng và thung lũng rừng sâu. Có một căn cứ của Lực Lượng Đặc Biệt ở Đắk Tô, một mục tiêu hấp dẫn, nhưng chúng tôi thấy rõ đó không phải là mục tiêu duy nhất. Liên lạc trinh sát cấp thấp xuất hiện, một dấu hiệu chắc chắn cho thấy trận đánh sắp xảy ra. Rồi sở chỉ huy sư đoàn phái một trạm chỉ huy tiền phong tiếp nhận quyền kiểm soát trung đoàn. Họ đã sẵn sàng.

    Chúng tôi thông báo cho Sư đoàn 4 Bộ binh Mỹ và Lữ đoàn 173 rằng một cuộc tấn công vào vùng Đắk Tô rất có thể sẽ xảy ra trong khoảng thời gian từ 30 tháng 10 đến 4 tháng 11, những ngày tháng mà chúng tôi nhận biết được từ tin tức của đơn vị trinh sát. Nhưng chúng tôi cũng cảnh báo rằng các đơn vị khắp vùng cao nguyên đang chuẩn bị để chiến đấu. Chúng tôi nói sẽ có đánh lớn.

    Tại thời điểm đó, chúng tôi gặp phải một chướng ngại bất ngờ: sự tin tưởng. Vài người trong số chúng tôi đi gặp viên chỉ huy của Sư đoàn 4 Bộ binh, Trung tướng Wiliam Peers. Tôi cảnh báo ông ấy rằng một cuộc tấn công gồm nhiều sư đoàn Bắc Việt vào Đắk Tô sẽ xảy ra vào bất cứ lúc nào, song song với nhiều cuộc tấn công khác trên khắp vùng cao nguyên. Ông ấy lắc đầu và chỉ vào trại của chúng tôi trên Engineer Hill. “Tôi được nghĩ là sẽ tin vào những phép ảo thuật nào đó mà đã cho phép một lũ chuột hoang, – girb, viết tắt của “G.I. rat bastards” – khác nhau qua nước bọt nhiều hơn là lớp xi đánh bóng và bị một thằng dân sự xúi giục, dùng một mớ ăngten lộn xộn và chuyện đùa vui để tiên đoán kế hoạch tấn công của kẻ địch ư?” Ông ấy phẩy tay đuổi chúng tôi đi. Cuộc gặp gỡ chấm dứt.

    Nhưng chúng tôi đã đúng. Vào ngày 1 tháng 11, một quả bom từ một chiếc B-57 rơi xuống một nơi nào đó ở gần Đắk Tô. Nó đánh trúng một kho đạn tiếp tế của quân địch, gây ra một loạt vụ nổ phụ tiếp theo, chứng tỏ rằng có một con số đáng kể của quân đội Bắc Việt đang ở đây. Tướng Peers gửi một đơn vị từ Lữ đoàn 1 của Sư đoàn đi điều tra và liên lạc với trại của Lực Lượng Đặc Biệt ở Đắk Tô. Hai ngày sau đó, một tiểu đoàn của Lữ đoàn được trực thăng vận lên Đồi 978 gần Đắk Tô, dự đoán sẽ gặp ít phản kháng. Thay vì vậy, họ đụng độ với hàng ngàn lính Bắc Việt đã đào hầm hố thật tốt và đã sẵn sàng. Tiểu đoàn bị thiệt hại nặng. Cùng ngày, một tiểu đoàn khác của Mỹ cũng gặp khó khăn tương tự ở gần Đồi 882. Chẳng bao lâu sau đó, Tướng Peers và các tướng lãnh khác nhận ra được trọng lượng của những gì chúng tôi đã cố gắng nói cho họ biết: rằng người Bắc Việt đang tập trung trong khu vực này và đang ngứa ngáy muốn chiến đấu.

    Một loạt đụng độ kéo dài hàng tuần, được gọi chung là Trận Đắk Tô, một trong những trận đánh lớn nhất của cuộc chiến và là một trong số ít những trận đánh được chuẩn bị trước. Người Bắc Việt đã thiết lập các vị trí phòng thủ trên vài ngọn đồi, buộc lực lượng Mỹ và Nam Việt Nam phải chiến đấu xông lên đồi, đạt tới đỉnh điểm trong một cuộc giao chiến đẫm máu khủng khiếp ở đồi 875 từ 19 tháng 11 cho tới 23 tháng 11. Đến cuối trận Đắk Tô, chín tiểu đoàn Mỹ của Sư đoàn 4 Bộ binh và Lữ đoàn Dù 173 – chừng 16.000 người – đã tham chiến. Máy bay ném bom Mỹ đã bay hơn 2.000 phi vụ. Người Mỹ cuối cùng đã chiến thắng, nhưng với một cái giá đắt cho cả hai bên: hơn 2.100 người Bắc Việt bị giết chết, cũng như 376 người Mỹ và 61 người lính Nam Việt Nam.

    Tôi rời vùng cao nguyên trong tháng 12 khi đợt tấn công gần kết thúc. Tôi đi về phía nam để làm việc với một nhóm khác ở gần Biên Hòa, ở ngay phía bắc Sài Gòn. Khi đến đó, tôi nhìn thấy cùng những chỉ dấu thông tin liên lạc mà chúng tôi đã nhận bắt được trên cao nguyên trước Đắk Tô. Không chỉ chúng tôi, các đơn vị tình báo vô tuyến Mỹ ở miền cực bắc của Nam Việt Nam cũng nhận bắt được những tín hiệu tương tự. Chúng tôi nhận ra rằng một đợt tấn công sẽ xảy ra trên khắp nước bắt đầu vào cuối tháng 1.

    N.S.A. gom tất cả các chỉ dấu lại và chúng tôi trình bày chúng cho giới lãnh đạo quân sự thêm một lần nữa. Và lại thêm một lần nữa, các tướng lãnh không chịu tin chúng tôi. Trong thời gian đó, lính Thủy Quân Lục Chiến đang bị bao vây ở Khe Sanh, và giới chóp bu ở Sài Gòn tin chắc rằng bất cứ hoạt động nào khác của Bắc Việt cũng chỉ là đánh lạc hướng, một nỗ lực lôi kéo lực lượng Mỹ ra khỏi điều mà họ và Washington cho rằng đó là kế hoạch của Hà Nội để lập lại chiến thắng Điện Biên Phủ 13 năm trước đó. Mặc dù càng lúc càng có nhiều chỉ dấu cho điều ngược lại, họ vẫn không chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công, và vào cuối tháng 1, họ bị cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân ném bật trở lại.

    Nói cách khác, khi cho rằng Tết Mậu Thân đã làm cho người Mỹ và Nam Việt Nam bất ngờ thì không hoàn toàn đúng. Tình báo đã có mặt ở đó, và những kinh nghiệm mới nhất dẫn đến Đắk Tô lẽ ra nên thuyết phục được tướng William Westmoreland xem xét nó một cách nghiêm túc. Thay vì vậy, ông đã quyết định không tin vào nó.

    Vấn đề lớn hơn là các tướng Peers và Westmoreland; tám năm sau đó, cùng sai lầm đó đã xảy ra khi Sài Gòn sụp đổ. Vào lúc đó, tôi là trưởng chi nhánh N.S.A. trong thành phố. Tôi cảnh báo Graham Martin, đại sứ Mỹ, về những chỉ dấu thật rõ ràng, cho thấy Sài Gòn sẽ bị tấn công. Ông ấy từ chối không tin tôi và không yêu cầu di tản hàng ngàn người Mỹ dân sự còn ở lại trong thành phố cùng với cộng tác người Nam Việt của chúng tôi. Khi người Bắc Việt tấn công vài ngày sau đó, thành phố rơi vào hoảng loạn. Tôi trốn thoát dưới lửa đạn. Các cộng tác người Nam Việt của tôi, những người làm việc chung với tôi, không có được may mắn như vậy. Khoảng 2.700 người trong số họ đã bị giết chết hoặc bị bắt và đưa vào các trại “học tập cải tạo”.

    Cassandra đã ban phước lành hay nguyền rủa? Những người trong số chúng tôi mà đã làm việc trong ngành tình báo thời Việt Nam đều biết câu trả lời.

    Tom Glenn
    Phan Ba dịch

    Tom Glenn là cựu nhân viên của Cục An ninh Quốc gia và là tác giả của quyển tiểu thuyết “Last of the Annamese”

    Nguồn:https://www.nytimes.com/2017/11/03/o...offensive.html

    https://phanba.wordpress.com/2018/01...ngo-hay-khong/


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X