Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Danh Tướng Ngô Quang Trưởng và Tôi

Collapse
X

Danh Tướng Ngô Quang Trưởng và Tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Danh Tướng Ngô Quang Trưởng và Tôi

    Danh Tướng Ngô Quang Trưởng và Tôi

    Pháo Thủ Bảo Tuấn


    Tôi là một pháo thủ,với cuộc đời Binh nghiệp trải dài gần hai mươi năm gắn liền với vùng hỏa tuyến. Những địa danh như Gio Linh, Cồn Thiên, Cam Lộ, Khe Sanh, Làng Vei, Lao Bảo, Ba Lòng, Ashau, A Lưới, Hạ Lào…với những trận đánh đẫm máu sau nầy đều có dấu giầy trận tôi để lại sau những cuộc hành quân dài hoặc ngắn hạn.

    Nhiều bạn bè thân hiểu lầm vì tôi thành hôn với một cô gái Đông Hà, yêu quê vợ nên quên mất nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Sự thật cái xứ khô cằn cày lên sỏi đá này không có điểm nào hấp dẫn bằng Miền Nam trù phú của tôi. Sở dĩ tôi lưu luyến vì nơi đây tôi còn nhiều kỷ niệm khó quên. Nhiều Sĩ quan thuộc cấp một thời sát cánh chiến đấu với tôi đã lần lượt ra đi bỏ tôi lại bơ vơ một mình.

    Họ chết trong trường hợp nào, tư thế lúc chết cũng như những lời trăn trối, gửi gấm vợ con họ lại nhờ tôi chăm sóc giùm trước khi nhắm mắt, vẩn còn in đậm trong tim tôi. Tôi phải ở lại đây đòi cho được nợ máu những kẻ xâm lược đã giết bạn bè và thuộc cấp của tôi, dù phải hy sinh tôi cũng thỏa mãn không chút ân hận. Bởi thế tôi không đành lòng xin thuyên chuyển, rời bỏ nơi này để về sống gần cha mẹ, anh em ruột thịt của tôi ở Miền Nam.

    Giữa năm 1969, tôi được Thượng cấp chỉ định thành lập thêm một Tiểu đoàn Pháo dã chiến 105 ly yểm trợ hỏa lực, thống thuộc Sư đoàn I Bộ binh, theo khuôn mẫu tổ chức của quân đội Hoa Kỳ. Cấp bậc của tôi được thăng tiến từng bước cũng tại Sư đoàn này. Trải qua nhiều trào Tư lệnh, tôi may mắn được sống gần và có nhiều kỷ niệm khó quên với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng.

    Cùng xuất thân từ Binh chủng Nhảy Dù, nhưng tôi cảm nhận được thuật lãnh đạo và tài chỉ huy của ông có phần khác với Tướng Đỗ Cao Trí và Tướng Nguyễn Chánh Thi là những vị Tư Lệnh tiền nhiệm. Có lẽ cường độ của cuộc chiến ở mỗi giai đoạn không giống nhau mà có sự khác biệt ấy chăng? Thuở ấy cấp bậc tôi còn thấp, không có dịp sống gần với hai vị Tướng trên, nhận xét chưa chín chắn nên không dám phê phán.

    Thân xác Ông nay đã biến thành tro bụi. Khi nói về Ông, tôi không muốn dùng chữ “ Cố” đứng trước cấp bậc cuối cùng của Ông trong quân đội. Đối với tôi, Ông vẫn còn sống. Bởi thế trong bài viết này tôi gọi NGƯỜI là Ông cho được thân mật và cũng không kém phần cung kính.

    Nhân tiện tôi xin nêu một chi tiết nhỏ vì sao lại có sự hỏa thiêu khi Ông mất, một sự thay đổi đột ngột vào phút cuối cùng. Thuở còn sinh tiền, Ông Bà lo xa nên đã mua sẵn hai miếng đất trong nghĩa trang Phật Giáo địa phương để phòng việc hậu sự mai sau. Nhưng vào những ngày cuối đời trước khi nhắm mắt, Ông lại đột ngột thay đổi ý kiến, Ông căn dặn kỹ người nhà của Ông hai điều:

    Thứ nhất: Ông chết ngày hôm trước, hôm sau hỏa thiêu ngay. Ý Ông không muốn để ở nhà quàn lâu, phiền người ngưỡng mộ đến thăm viếng, chia buồn. Thứ hai: Ông muốn tro bụi thân xác Ông chia làm hai. Phân nửa chôn ở đây, để sau khi Bà mất con cháu có thể thăm viếng, phân nửa còn lại không phải đem về chôn nơi quê nhà Ông như nhiều người từng làm mà là mang rải rắc xuống nơi vùng lửa đạn thuộc lãnh thổ Vùng I chiến thuật (Đèo Hải Vân).

    Khi sống Ông đã hiến trọn vẹn cuộc đời cho Quân đội, đã sát cánh với anh em ngoài mặt trận và khi chết, Ông cũng muốn một phần tro bụi xương thịt Ông được nằm gần anh em tử sĩ, những người mà Ông yêu thương hơn cả người thân trong gia đình mình.

    Ông là một vị Tướng được nhiều Tướng lãnh Hoa Kỳ kính phục và thuộc cấp quý mến. Ông sống kham khổ không quan liêu. Hồi Ông là Tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh, chương trình làm việc của Ông mỗi ngày đều như nhau, không thay đổi. Mỗi buổi sáng sau khi dự họp tham mưu, nghe Trung tâm Hành quân thuyết trình tình hình trong đêm xong là Ông lên trực thăng bay đi thăm các tiền đồn, các hậu cứ và các đơn vị đang hành quân ở bên ngoài đến chiều tối mới về.

    Mỗi lần được tin báo Ông sắp đến thăm nơi nào. tinh thần mỗi người từ cao đến thấp đều căng thẳng . Khi đến thăm hậu cứ các đơn vị, Ông không để sĩ quan chỉ huy hướng dẫn, Ông tự mình đi trước, kiểm soát khắp nơi, đến phạn xá xem anh em ăn uống ra sao, đến chỗ ngủ xem mùng mền đủ thiếu thế nào. Thỉnh thoảng Ông cũng khám xét vũ khí cá nhân của lính gác xem có được bảo trì đúng mức .

    Vóc dáng Ông gầy gò và khắc khổ, không oai vệ như những dũng tướng thời Trung cổ thét ra lửa. Trái lại Ông trầm lặng, ít nói, không bao giờ khiển trách thuộc cấp trước mặt người khác, vậy mà ai ai cũng nể sợ; sợ nhưng mà quý mến. Hình như trong con người Ông toát ra một sức mạnh vô hình, không diễn tả được.

    Ông để tâm nhiều nhất vào các thương bệnh binh. Mặc dù cường độ cuộc chiến ngày càng ác liệt và dù có bận rộn đến đâu nhưng hằng tuần Ông đều đáp trực thăng xuống Quân y viện Nguyễn Tri Phương ( Huế) , đến từng giường bệnh thăm hỏi các anh em thương binh. Cử chỉ này đã làm ấm lòng các anh em thuộc cấp, những người đã hy sinh một phần thân thể mình cho đất nước.

    Ông theo dõi và đánh giá khả năng của mỗi thuộc cấp rất sát. Thông thường hai ba hôm, Ông luân phiên đến thăm các căn cứ hành quân của các đơn vị trực thuộc, nghe các đơn vị Trưởng thuyết trình để nắm vững tình hình trong lãnh thổ trách nhiệm.

    Đôi khi đang bay đi thăm các đơn vị tiền đồn, Ông được báo có đơn vị ở dưới chạm địch trong tình thế rất căng vì ngoài tầm yểm trợ Pháo binh. Bất chấp hiểm nguy, Ông ra lệnh cho phi công trực thăng thả Ông xuống trận địa để cùng chiến đấu với anh em. Các binh sĩ thấy vậy đều nức lòng quật khởi, đổi ngược tình thế.Các sĩ quan tùy viên đi theo Ông nhiều khi họ cũng “đỗ mồ hôi hột” vì sự liều lĩnh nầy.

    Nhiệm vụ chiến thuật của đơn vị tôi là yểm trợ trực tiếp cho Trung đoàn 3, Sư đoàn I Bộ binh. Theo binh thư, Đơn vị Trưởng đơn vị Pháo binh không bắt buộc là luôn ở bên cạnh Trung đoàn Trưởng, vì tôi còn phải chỉ huy và giám sát các đơn vị trực thuộc của tôi. Tôi chỉ cần gửi một toán Sĩ quan liên lạc Pháo binh trách nhiệm phối hợp hỏa lực yểm trợ với Không quân và Hải pháo, đặt bên cạnh Bộ chỉ huy Trung đoàn 3 Bộ binh là đủ.

    Tuy không nói ra nhưng Ông muốn Tiểu đoàn Trưởng Pháo binh phải luôn ở tuyến đầu với Trung đoàn Trưởng. Điều này cũng thích hợp với tôi, vì tôi là một người lính chuyên nghiệp, không ngại hiểm nguy, tôi không có gì thắc mắc, khiếu nại.

    Tôi còn nhớ một hôm Ông đến thăm căn cứ hỏa lực An Đô nằm về phía Tây Nam thành phố Huế. Theo thông lệ chúng tôi ra đón Ông tại sân bay trực thăng. Sau khi nghe Trung đoàn Trưởng thuyết trình xong, Ông lại lên trực thăng bay tiếp thăm các căn cứ khác, thường vài ngày sau Ông mới trở lại. Lần nầy, sau khi trực thăng cất cánh, lợi dụng dịp tốt vị Trung đoàn Trưởng cũng lên xe jeep chạy vội về thăm gia đình ở thành phố Huế. Tôi là người Miền Nam, lại “vô sản”, nên không có nhà cửa gì ở Huế cả. Xin ghi thêm:

    Vào thời điểm 1969 - 1970, khi quân số của lực lượng Đồng minh xấp xỉ 600.000, tệ lắm các ông Đơn vị Trưởng nào cũng có một căn nhà khang trang cho gia đình ở thành phố; con cái có chỗ học hành tốt, an toàn khỏi sợ địch pháo kích hay tấn công. Tôi nghịch đời, để gia đình sống ở một căn nhà tiền chế trong doanh trại hậu cứ Tiểu đoàn. Nhà vợ con tôi ở còn tệ hơn trại gia binh của các thuộc cấp của tôi, mới được xây cất ở cây số 17 (cách Huế 17 cây số) bên ngoài Quốc lộ I. Tôi phó mặc số mệnh gia đình tôi cho Thượng đế. Trên đỉnh căn cứ An Đô với viễn vọng kính, tôi cũng có thể nhìn thấy rõ căn nhà và các con nhỏ của tôi chơi đùa trước sân, khoảng cách chừng 7 cây số đường chim bay.

    Không hiểu sao hôm đó tôi lại không “dù” về thăm gia đình như vị Trung đoàn Trưởng kia. Tôi cũng là con người bằng xương bằng thịt ,có trái tim ,chứ nào phải thần thánh mà lại không có tình cảm gia đình! Nhưng có lẽ do tinh thần kỷ luật và một phần cũng muốn làm gương cho thuộc cấp nên tôi không “dù”.

    Chừng hai mươi phút sau, Ông quay lại giả vờ lấy hộp quẹt máy bỏ quên - ông ghiền thuốc nặng- nhưng thực sự là muốn kiểm soát xem anh em có lợi dụng dịp này để bỏ nhiệm sở hành quân không. Đón tiếp Ông lần này chỉ có ông Trung đoàn Phó và tôi. Vắng mặt nhân vật chính là vị Trung đoàn Trưởng. Kể từ đó Ông bắt đầu để ý đến tôi, theo ngôn từ nhà binh là được “sao chiếu”.

    Tôi có khuyết điểm là ít nói, không “lém lỉnh”, nôm na là không biết “khôn vặt”, đôi khi cũng thiệt thòi. Rất may, Ông không để ý điều đó vì bản tính Ông cũng ít nói như tôi. Ông chỉ thích những người kỷ luật, có óc sáng tạo trong lãnh đạo, luôn cải tiến, dám dấn thân, hy sinh tình cảm gia đình và điều tối kỵ với Ông là tham nhũng và chạy “cửa hậu”.

    Chỉ một thời gian ngắn sau, nhân chuyến viếng thăm căn cứ hành quân, vị Đại úy Sĩ quan tùy viên hỏi nhỏ tôi: “Thiếu Tướng muốn biết Thiếu tá thăng cấp được bao lâu rồi?”. Nghe thế cũng mừng thầm chứ người nào ở Binh chủng chuyên môn như tôi thuở đó, việc thăng thưởng rất chậm. Làm sao tôi vượt qua được cửa ải binh chủng khi ở đó còn nhiều vị có lợi thế hơn tôi vì được gần “Mặt Trời”. Muốn tiến nhanh thì phải xuất binh chủng qua Bộ binh.

    Thời gian trôi qua, với thành tích hiển hách ở Sư đoàn I Bộ binh, Ông được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu điều động về làm Tư lệnh Quân đoàn IV. Trước khi rời Sư đoàn, Ông lần lượt đi thăm các căn cứ hành quân lần cuối, lưu luyến ngủ lại đêm với anh em trước khi từ giã.

    Ngày rời Bộ Tư lệnh Sư đoàn, Ông tập hợp nhân viên tham mưu, phát biểu vài lời từ giã nhưng vì quá xúc động đành bỏ dở nửa chừng. Ông xúc động là phải vì trong thời gian ông là Tư lệnh đã có biết bao anh em vĩnh viễn nằm xuống để đưa tên tuổi Sư đoàn I Bộ binh trở thành một Sư đoàn thiện chiến nhất của QLVNCH thời bấy giờ. Trước khi về Quân đoàn IV, Ông cũng vào BTL/QĐ I để chào từ giã Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm đúng theo phép xã giao. Dịp này, Tướng Hoàng Xuân Lãm có tán dương Ông như sau: “ Trong Quân đội mình có được một Tướng lãnh tận tuỵ như anh rất hiếm.”

    Biến cố mùa Hè 1972 đến. Quân Cộng sản tràn qua sông Bến Hải, chiếm thành phố Quảng Trị; sẵn đà tiến xa đến sông Mỹ Chánh, chỉ cách Huế khoảng 40 cây số. Về phía Tây Nam thành phố Huế, áp lực địch cũng không kém. Ta phải rút bỏ căn cứ Bastogne, chỉ còn lại căn cứ Birmingham nằm gần sông Hương. Nếu Sư đoàn I Bộ binh không giữ được căn cứ cuối cùng này, địch sẽ vượt sông chiếm Quận lỵ Nam Hòa, uy hiếp thành phố Huế, cắt đứt đường rút lui của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang giữ tuyến Mỹ Chánh.

    Trước tình hình nguy ngập như vậy, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không còn chọn lựa nào khác hơn là đành phải đưa Ông trở lại Quân đoàn I, không ngại chạm tự ái của Tướng Hoàng Xuân Lãm.

    Tôi không biết nhiều về Tướng Lãm, chỉ qua vài lần thăm viếng của Ông. Tính Ông ôn hòa, dễ dãi với thuộc cấp chứ không nghiêm nghị như Tướng Trưởng. Thuộc cấp phong cho Ông thêm hai chữ “bon papa”.

    Nghe tin Tướng Trưởng trở lại Huế, tinh thần dân chúng và anh em quân nhân rất phấn khởi.

    Ông rất tế nhị. Trước kia Ông là Tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh, dưới quyền Tướng Lãm. Bây giờ tình hình nguy ngập, Tổng thống Thiệu làm như vậy Ông rất e ngại. Ông khẩn khoản xin Tổng thống Thiệu cho Ông làm Tư lệnh Phó cho Tướng Lãm, điều khiển BTL Tiền Phương Quân đoàn đóng ở thành Mang Cá (Huế), phụ trách hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, lãnh thổ mà địa thế ông rất quen thuộc lúc Ông làm Tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh.

    Làm sao Tổng thống Thiệu chấp nhận đề nghị ấy được khi đương quyền một Tư lệnh Quân đoàn khác lại về làm Tư lệnh Phó cho Tướng Lãm. Chỉ có trường hợp tương tự như vậy với Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi sau này nhưng lúc đó, Trung tướng Nghi đã rời chức vụ Tư lệnh Quân đoàn IV.

    Chắc Tổng thống Thiệu cũng biết đó chẳng qua là đức tính khiêm nhường, nên đã không chấp nhận.

    Ngày Ông trở lại Huế trong chuyến viếng thăm đầu tiên ở căn cứ hỏa lực An Đô, chúng tôi đứng hàng ngang đón chào vị tân Tư lệnh Quân đoàn. Đứng đầu hàng là Trung đoàn Trưởng, kế Trung đoàn Phó, đến tôi, tiếp theo là Sĩ quan trong Bộ chỉ huy Trung đoàn.

    Đến ngang tôi, Ông thân mật hỏi: “Tuấn cũng còn ở đây à? Đơn vị cũng còn tốt như xưa chứ?”. Tôi ấp úng nhỏ nhẹ đáp “Dạ” chứ không biết nói gì hơn. Thông thường các quân nhân có đũ hai năm quân vụ ở một vùng nào đó, có quyền xin thuyên chuyển nếu mình muốn.

    Thời gian ngắn sau, một hôm tôi về họp hành quân ở BTL Sư đoàn đóng ở căn cứ Dạ Lê, bàn thảo kế hoạch tái chiếm căn cứ Bastogne.

    Trong lúc chờ đợi các bạn đồng sự đến đông đủ, tôi ra đứng trước phòng họp, nói chuyện đùa với một bạn đồng cấp. Bất ngờ nhìn về phía trái, tôi chợt thấy Tướng Phú – thay thế Ông làm Tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh- từ phòng Tư lệnh tiễn Ông ra trực thăng. Nếu hai vị Tướng này thấp thoáng ở xa thì chúng tôi lẻn trốn đi rồi. Trễ quá, hai Ông đã đến gần, chúng tôi chết đứng đành phải đứng nghiêm chào . Ông dừng lại thân mật bắt tay tôi và nhìn qua Tướng Phú chỉ thị : “Lần tới, ưu tiên đề nghị thăng cấp cho Tuấn”. Tướng Phú đáp: “Tôi đề nghị cho “ổng” ba lần rồi mà không hiểu sao không được”. Tôi hiểu và thông cảm.

    Như tôi trình bày ở phần trên, vì không có “gốc bự” ở Sàigòn nên tôi bị xếp xó là phải.

    Tình hình quân sự ngày càng sáng sủa hơn. Địch bị cầm chân mọi nơi, không tiến xa hơn được. Những điểm tập trung của đại đơn vị địch đều bị B 52 và phi pháo ta tiêu diệt. Trong chiến dịch này, địch dồn tất cả lực lượng chính quy vào cuộc chiến, chỉ để lại các đơn vị địa phương.

    Theo kiểm thính nhận được, địch cũng đưa vào chiến trường Quảng Trị trọn Khóa sinh viên Sĩ quan của Trường Võ bị Bắc Việt để thử lửa và học hỏi kinh nghiệm chiến trường. Đau đớn thay, số mạng của họ cũng bị B52 và phi pháo ta tiêu diệt sạch. Địch bị thiệt hại nặng vì hỏa lực hùng hậu của ta. Tinh thần chiến đấu của họ suy sụp nặng! Chỉ đợi dịp hiếm có này ta bắt đầu phản công.

    Hành động đầu tiên là ta phản công tái chiếm căn cứ Bastogne (Tây Nam Huế), đẩy lui địch xa về phía thung lũng Ashau, A Lưới. Lực lượng tái chiếm căn cứ này do Trung đoàn 3 Bộ binh đảm trách, tuyển chọn toàn anh em thiện nguyện, tinh thần chiến đấu rất cao.

    Hôm đó tôi bay trên trực thăng chỉ huy (Command and control) với Trung tá Nguyễn Bùi Quang, Trung đoàn Trưởng và Trung tá cố vấn Trưởng. Nhiệm vụ của tôi là điều hành và phối hợp hỏa lực yểm trợ giữa Không quân và Pháo binh.

    Chi tiết kế hoạch hành quân như sau. Đúng thời điểm ấn định, sĩ quan điều không tiền tuyến trên phi cơ quan sát L19 phóng một quả khói trắng đánh dấu bãi đổ quân. Khởi đầu là hai phi tuần Phantom từ Hạm đội 7 dọn bãi đáp trước bằng những quả bom nặng ký.

    Thời gian ấy Cộng sản đã trang bị cho những đơn vị tiền tuyến của họ hỏa tiễn tầm nhiệt S.A 7 để chống lại phi cơ. Hoa Kỳ biết tin này nhưng chưa thông báo cho ta. Mỗi lần Phantom chúi mũi xuống thả bom xong, trước khi cất cánh lên cao đều kích hỏa một hỏa châu, rơi lơ lửng phía sau đuôi, mục đích để làm mồi cho S.A 7. Trực thăng chỉ huy của chúng tôi bay chậm hơn phi cơ quan sát L19, địch mà “phơ” cho một quả chạy đàng trời cũng không thoát!

    Sau đợt Phantom, kế là đoàn trực thăng võ trang (Gunships) luân phiên oanh kích bãi đổ quân bằng hỏa tiễn không địa. Sau cùng đến lượt Pháo binh. Tôi điều khiển tác xạ nổ đồng thời (T.O.T) với một Pháo đội 155 ly, một Pháo đội 105 ly đóng ở căn cứ An Đô và một Pháo đội 175 ly cơ động ở căn cứ Dạ Lê.

    Địch không chịu nổi hỏa lực hùng hậu của ta, thiệt hại nặng về nhân mạng, số còn lại tháo chạy về hướng thung lũng Ashau-Alưới bỏ trống căn cứ. Dứt hai loạt đạn sau cùng lập tức cuộc đổ quân tái chiếm khai diễn nhịp nhàng. Chúng tôi nín thở, chờ đợi giây phút quan trọng nhất, thần kinh căng thẳng. Chiếc trực thăng đầu tiên đáp an toàn, tiếp theo là những chiếc kế cho đến chiếc cuối cùng. Căn cứ Bastogne đã được giải tỏa. Cuộc tái chiếm thành công, mở màn cho một loạt phản công sau này.

    Trực thăng chỉ huy đưa chúng tôi về lại căn cứ An Đô. Bước chân xuống khỏi trực thăng, chúng tôi bắt tay chúc mừng lẫn nhau, lòng nhẹ nhõm. Tinh thần còn quá căng thẳng sau cuộc đổ quân, chúng tôi về hầm trú ẩn cá nhân nằm nghỉ cho tinh thần thư giãn.

    Chừng hai mươi phút sau, có tin báo Trung tướng Trưởng và Thiếu tướng Phú đến thăm. Sau khi Trung tá Quang thuyết trình diễn tiến cuộc hành quân tái chiếm, Ông đến bắt tay tôi khen ngợi: “Tôi có theo dõi việc làm của các anh em. Các anh em hoàn thành nhiệm vụ rất tốt, đáng được ban thưởng”. Chúng tôi không ngờ Ông và Tướng Phú theo dõi cách điều quân của chúng tôi trên cả hai tần số Bộ binh và Pháo binh tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn.

    Khi tiễn hai Ông ra trực thăng, Thiếu tá Phạm Huấn, sĩ quan báo chí của Tướng Phú và cũng là niên đệ cùng Trường Võ Bị Đà Lạt với tôi, ghé sát tai tôi nói nhỏ: “Chuẩn bị mua champagne đãi anh em là vừa”.

    Sau đó không lâu lực lượng Thủy Quân Lục Chiến cũng tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, đẩy lui địch về phía bờ Bắc sông Thạch Hãn với sự bảo vệ của lực lượng Dù, trách nhiệm về phía Tây Quốc lộ I.

    Được tin chiến thắng, Tổng thống Thiệu bay ra ủy lạo anh em TQLC. Nhân dịp này, Ông chỉ thị Tướng Phú gọi tôi về BTL/ Sư Đoàn I để Tống thống gắn cấp hiệu, thăng cấp mặt trận cho tôi, khỏi phải tốn giấy tờ đề nghị mà cứ rớt lên rớt xuống hoài!.
    Tôi nghĩ, cuộc đời binh nghiệp của tôi cũng gặp nhiều may mắn và vinh dự. Tôi là Pháo thủ thuộc quân chủng Lục quân mà cũng được BTL Hoa Kỳ ở Việt Nam ân thưởng Phi dũng bội tinh với V (Valor), với chiến tích bay trực thăng điều khiển hỏa lực yểm trợ tái chiếm căn cứ Bastogne.

    Tái chiếm căn cứ hỏa lực Bastogne.

    Mùa hè đỏ lửa 1972. Thăng cấp mặt trận. Huy chương này thường dành cho anh em bên Quân chủng Không Quân. Tôi được thăng cấp mặt trận cũng là một việc hiếm đối với một pháo thủ như tôi, vì sự tưởng thưởng này thường chỉ dành cho các ông Bộ binh với mỹ danh là Hoàng hậu của chiến trường.

    Binh chủng chúng tôi là binh chủng bạc bẽo nhất, theo ngôn từ của cựu Trung tướng Lâm Quang Thi lúc Ông làm Chỉ huy Trưởng Trường Pháo Binh Thủ Dầu Một. Tác xạ hiệu quả, diệt được nhiều địch, thu được nhiều chiến lợi phẩm, chiến thắng đó các ông Bộ Binh giành phần trước. Rủi ro tính toán nhầm lẫn, gây thiệt hại cho quân bạn thì mình chịu trách nhiệm!. Bạc bẽo là ở điểm đó.

    - Đầu năm 1973, trong một dịp ra thăm SĐ I BB, Ông chỉ thị Tướng Lê Văn Thân lúc ấy thay Tướng Phú vì kiệt sức với chiến trận mùa Hè vào dưỡng bệnh ở Sàigon:

    - Đưa Tuấn vào cho tôi!

    Thế rồi nửa tháng sau, tôi vội vã bàn giao đơn vị xách ba lô vào trình diện Quân đoàn. Trước khi rời S.Đ I B.B , tôi vào chào từ giã Tướng Thân. Ông ta nguyên thuộc binh chủng Pháo binh và cũng là Tiểu Đoàn Trưởng của tôi thuở 1956.

    Gặp tôi, Tướng Thân thắc mắc:

    - Ông làm gì mà Ông Trưởng để ý vậy?

    Tôi lúng túng không biết trả lời sao cho ổn; sẵn dịp tôi hỏi thăm dò:

    - Thưa Chuẩn tướng, Chuẩn Tướng có biết Trung tướng điều động tôi vào Quân đoàn để làm gì không? Tôi ở đơn vị tác chiến quen rồi, về Bộ Tham Mưu sợ không thích hợp .

    Tướng Thân trả lời ngắn, gọn:

    - Tôi cũng không biết.!

    Vào trình diện Ông ở Quân đoàn, Ông chỉ nói vắn tắt:

    - Qua nói với Đại tá Tham Mưu Trưởng tìm cho một chỗ ở tạm trong cư xá sĩ quan, xong về Phòng 3!

    Chỉ vỏn vẹn mấy lời như vậy thôi. Ông điều chỉnh thẳng với Bộ Tổng Tham Mưu cho tôi xuất khỏi binh chủng Pháo binh để qua Bộ Binh.

    Lúc ấy, các sĩ quan ở BTL/ QĐ I hiểu nhầm, thấy tôi người miền Nam, nghĩ tôi chắc cũng bà con liên hệ gì đó với Ông nên được Ông rút về gần, bảo vệ chữ thọ.

    Ông quê ở Bến Tre, gia đình địa chủ, tôi quê ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nghèo mạt, không có một mảnh vườn nhỏ để trồng chôm chôm, sầu riêng, làm sao tôi có liên hệ gì với Ông được. Họ không biết tính Ông chứ ai có họ hàng mà về dưới quyền Ông là một đại họa!

    Tôi có biết một chuyện thật như sau. Thuở Ông là Tư Lệnh SĐ I BB, có một người cháu bên Bà chẳng may thuyên chuyển về đó, nghĩ được Ông để ở chỗ an toàn. Phòng nhân viên cũng nể, thuyên chuyển anh này về Phòng Chiến Tranh Chính Trị. Biết được, Ông chỉ thị lập tức đưa anh này ra vùng hỏa tuyến Đông Hà trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Đau buồn thay! Vài tháng sau anh ta tử trận. Sau vụ này Ông bị bà con không tiếc lời trách móc. Ông hành sự đúng chức năng của một cấp chỉ huy, không máu mủ, không nể nang, không thiên vị.

    Chuyện trên đây gợi tôi nhớ lại chuyện Đại tướng De Lattre de Tassigny, Tổng Tư Lệnh Quân đội Pháp ở Đông Dương cũng có một người con, Trung úy Bernard, chết trận ở Bắc Việt và Trung tá John Mc Cain, từng là ứng cử viên Tống thống của Đảng Cộng Hòa, thuộc Không lực Hải quân Hoa Kỳ cũng bị bắn rơi ở Bắc Việt trong khi thân phụ Ông là Đô Đốc Hải quân. Điểm đáng nói là với tính cương trực, tôi cũng có thể đưa các con tôi ra tuyến đầu dễ dàng như các vị tướng kia, nhưng người thân bên vợ thì chắc tôi không làm được. Ông làm được việc này, tôi xin giở nón cúi đầu khâm phục.

    Cùng lượt về Đà Nẵng với tôi, cũng có một vị Trung tá nữa. Ông ta được trao cho chức vụ Chỉ huy Trưởng Cảnh sát Quốc gia Vùng I chiến thuật. Thời gian ngắn sau, thăng Đại tá. Riêng tôi về ngồi ở Phòng 3/ QĐ I “ngáp ruồi, đập muỗi”, chờ thời.

    Phần lớn anh em ở BTL/ QĐ thuở đó đều có cơ sở làm ăn ở ngoài để phụ vào đồng lương quân đội mới đủ sống. Hồi tôi làm Đơn vị trưởng đơn vị tác chiến, anh em ở hậu cứ lo cơm gạo đầy đủ cho gia đình tôi. Do đó tôi khỏi phải bận tâm, chỉ lo đánh giặc, diệt Cộng sản.

    Con người tôi hiếu động, thích không khí sôi động nơi chiến trường, là người đang có quân trong tay để chỉ huy mà nay về đây “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”, ngồi bó gối một chỗ nên chịu không nổi. Tôi là lính chuyên nghiệp, lý tưởng hóa quân đội, hy sinh tình cảm gia đình, sống gần thuộc cấp mà không nghĩ đến hậu vận như ngày hôm nay.

    Ngân quỹ gia đình ngày càng cạn kiệt, vợ tôi đay nghiến: “Hồi có quyền trong tay, ai bảo bắt chước Ông Tướng thanh liêm làm chi để bây giờ vợ con khổ”.

    Tôi cắn răng chịu đựng, nhìn nhận vợ nói đúng nhưng cũng cố chống chế: “Có tiền nhiều làm chi em? Nghèo mà được Tướng Tư lệnh để ý có phải vinh dự hơn không? Anh em binh sĩ lương ít hơn mình, em thấy đó, họ chết trận thì có, chứ có ai chết vì đói đâu?”.

    Thường thì những vị nào được Tướng Tư lệnh quý, không sớm thì muộn cũng thăng tiến nhanh trong Quân đội, ít ra cũng xin xỏ được những chỗ ngon xơi! Đôi khi tôi cũng muốn liều lên gặp Ông để xin thuyên chuyển về lại đơn vị tác chiến. Mà tôi biết chắc, có xin cũng không được vì tính Ông quá nghiêm nghị, chỉ làm Ông thêm bực. Tôi cũng biết Ông thuyên chuyển tôi qua Bộ binh là cũng có một chủ đích tương lai nào đó dành cho tôi. Tôi âm thầm chịu đựng, hy vọng ngày mai trời lại sáng, chờ đợi một ngày nào đó…

    Ngày đó Ông và tôi ngẫu nhiên cùng định cư ở miền Bắc Tiểu bang Virginia, sát ranh Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Lúc đầu, Ông định cư tại Thành phố Falls Church, sau di chuyển về Thành phố Alexandria và cuối cùng về địa hạt Springfield.Vì đông con,vi phạm qui đinh nên bị quản lý chung cư tống xuất.

    Lúc Ông ở Thành phố Alexandria thì tôi ở Quận lỵ Arlington. Tuy hai địa danh khác nhau nhưng Ông và tôi chỉ ở cách nhau một tỉnh lộ huyết mạch trong vùng (Route 7), và cũng là ranh giới của hai địa phương. Đứng ở bên này nhà, tôi cũng nhìn thấy được căn chúng cư của Ông bên kia đường.

    Truất bỏ bộ Quân phục hơn 30 năm rồi nhưng Ông còn giữ đúng tác phong, quân kỷ của một Quân nhân. Đàm đạo với các vị Tướng khác cùng cấp bậc nhưng thâm niên hơn, Ông xưng tụng Trung tướng rất kính trọng. Ngược lại, đối với ai có cấp bậc thấp hơn, Ông thân mật gọi cấp bậc trước rồi tên sau, dù là một Hạ sĩ quan. Ông trân quý cấp bậc trong Quân đội dù nhỏ hay lớn. Ngày xưa Ông nghiêm nghị bao nhiêu thì hôm nay với bộ thường phục, Ông lại bình dị, hòa nhã bấy nhiêu, ai cũng mến. Những ai có dịp đến thăm, Ông rất quý, khi về, Ông tiễn ra tận xe như một thượng khách. Tuy nhiên Ông sống ẩn dật, từ chối khéo những cuộc xin phỏng vấn ồn ào.

    Ông là một hiện tượng kỳ lạ, nhiều khi có những quan niệm, quyết định nghịch đời. Tôi còn nhớ, lúc mới qua tỵ nạn ở xứ người, số lượng cựu quân nhân còn rất ít, tuy nhiên cũng cố tập họp lại mừng Xuân tha hương lần đầu và tưởng nhớ bạn bè còn ở lại.

    Buổi lễ được tổ chức tại một hội trường trường Trung học trong vùng. Ông Bà được vinh dự, xếp ngồi hàng đầu với các vị Tướng khác. Trời mùa Đông, tuyết phủ đầy đường, cái xe cũ, hai đời chủ mới mua của tôi cứ hư lên hỏng xuống nên vợ chồng chúng tôi đến trễ, ngồi hàng sau cùng. Thấy Ông ngồi hàng trên với các vị Tướng khác, tôi lên chào Ông Bà. Ông hỏi tôi: “Ngồi đâu?”. Tôi đáp: “Dạ! Hàng sau cùng”. Nghe thế, Ông liền đứng dậy kéo tay Bà theo xuống ngồi với vợ chồng tôi ở hàng cuối. Cử chỉ thân mật đó đã làm ban tổ chức lúng túng không ít. Ông phân trần: “Qua bên này còn phân biệt Tướng, Tá làm chi. Anh em còn nhìn nhau là quý lắm rồi”.

    Cũng có một sự kiện tương tự như vậy khi Ông làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV. Thuở ấy, trong dịp mừng ngày Quân Lực 19/06, các Quân Đoàn đều tuyển chọn chiến sĩ xuất sắc, lập được nhiều thành tích diệt cộng, đưa về Sàigon để tưởng thưởng và cho đi du ngoạn Thủ đô Đài Bắc (Đài Loan).

    Quân đoàn nào cũng chọn anh em ở các đơn vị chủ lực: Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân … Riêng Quân Đoàn IV, Ông chỉ thị cho Quận Trưởng một quận nào đó có thành tích bình định tốt nhất, tuyển cho Ông một Nghĩa quân xuất sắc. Người được tiến cử là một cụ già ngoài 60, râu tóc bạc phơ, chắc là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo mà Cộng Sản coi là kẻ thù không đội trời chung của chúng. Ông còn liên lạc trực tiếp với Trung Tướng Trần Văn Trung, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, vinh danh ông nầy trên báo Quân Đội.

    Không ngờ, ảnh hưởng của sự kiện này lại có tác động mạnh. Các xã ấp ở vùng IV chiến thuật thấy vậy thi đua nhau diệt địch, đẩy địch ra xa thôn xóm. Công tác bình định với kết quả rất tốt so với các nơi khác.

    Nhờ ở gần gũi, nên thỉnh thoảng vào dịp nghỉ cuối tuần, tôi thường qua vấn an sức khỏe của Ông. Một hôm, một ngày mùa Hè, Ông và tôi ngồi dưới mái hiên của căn chung cư, nhìn xe cộ qua lại dưới đường, bên ly rượu nhưng thiếu đồ đưa cay, ngôn từ Ông thường dùng ám chỉ đồ nhắm (nhậu).

    Sau vài câu chuyện thời sự nóng bỏng và nhắc lại những trận đánh lẫy lừng của SĐ I BB thuở Ông làm Tư lệnh, tôi mạnh bạo hỏi Ông: “Thưa Trung tướng, hồi đó Trung tướng điều động tôi về Quân đoàn với Trung tướng để làm chi vậy?”. Đây là một thắc mắc mà tôi muốn biết từ lâu nay mới có dịp. Ông có vẻ hối tiếc, ôn tồn đáp: “Tôi thấy Tuấn ở Pháo binh khó thăng tiến. Tôi tính cho Tuấn đường dài nhưng chưa có dịp”.

    Rồi Ông nói về ý định tương lai mà Ông sẽ dành cho tôi theo từng giai đoạn, thời gian. Đúng là đường dài thật, mười năm sau là ít, nếu mọi việc suông sẻ. Tôi xin phép được miễn ghi lại đây những dự định gì mà Ông sẽ dành cho tôi, sợ quý vị cho tôi khoác lác. Ông muốn tôi tiến nhanh trong binh nghiệp như Ông.

    Nghe Ông nói xong, tôi rùng mình ớn lạnh. Ông không hiểu cho tôi. Trường hợp của Ông là một ngoại lệ trong Quân đội, có mấy người được như Ông. Tôi chỉ là một quân nhân thuần túy, không phe cánh, phi chính trị, không đảng phái thì làm sao lên Tướng cho được trừ khi Ông là Tổng thống!

    Thấy tôi nhíu mày khó chịu, Ông nhỏ nhẹ: “Thì kể như Tuấn giúp tôi vậy mà”. Bình thường khi còn ở trong nước, tôi sợ Ông hơn sợ cọp mà bây giờ tôi thấy lời nói của Ông có vẻ nhún nhường, dễ xúc cảm làm sao. Tôi cảm thấy thỏa mãn, thầm cảm ơn mỹ ý của Ông dành cho tôi, dù sự việc chưa thành và tôi không còn thắc mắc nữa.

    Rồi Ông và tôi chuyển sang đề tài khác, nhắc lại trận tái chiếm Quảng Trị. Trước khi phản công tái chiếm Ông phải vất vả bay ra Đệ Thất Hạm Đội, rồi căn cứ Không quân Mỹ ở Utapao (Thái Lan) để phối hợp hỏa lực yểm trợ giữa B52, hải pháo và không lực của Hải quân Mỹ.

    Phải nhìn nhận Mỹ yểm trợ Ông tối đa hỏa lực, nên ta mới tái chiếm có phần dễ dàng, ít tốn xương máu. Có nhìn được không ảnh Thành phố Quảng Trị những ngày sau cùng trước cuộc phản công tái chiếm, ta không khỏi rùng mình. Cứ khoảng 30 thước là một hố bom thì một ngọn cỏ cũng cháy khô, không một sinh vật nào sinh tồn được dưới sức ép của thuốc nổ. Đối với Mỹ, một dải đất từ sông Mỹ Chánh đến sông Thạch Hãn không có một giá trị chiến thuật, chiến lược gì về mặt quân sự trong khi Mỹ đã muốn bỏ rơi chúng ta từ khi họ bày ra trò Việt nam hóa chiến tranh. Vậy động lực nào Mỹ đã bỏ công, bỏ của yểm trợ Ông hết mình như vậy? Đây là một câu hỏi cần phải được đào sâu tận gốc.

    Sở dĩ Mỹ yểm trợ Ông tối đa không ngoài mục đích tạo cho Ông một huyền thoại, một danh tướng có nhiều uy tín nhứt trong quân đội lúc bấy giờ, được toànQuân dân khâm phục và ngưỡng mộ hầu dễ dàng lợi dụng Ông sau này khi có dịp.

    Nhìn lại những dữ kiện lịch sử được phơi bày gần đây, trước năm 1972 nhân dân Mỹ đã hết kiên nhẫn, sinh viên biểu tình chống đối, đảng Dân Chủ áp lực đòi phải chấm đứt ngay cuộc chiến ở Việt Nam. Do đó muốn có hy vọng tái đắc cử, Nixon phải ký cho được hòa đàm Ba Lê bằng bất cứ giá nào, trước ngày 7/ 11/ 1972 là ngày bầu cử.

    Trong lúc đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với lập trường 4 không, tìm cách trì hoãn vì nhận thấy nhiều điểm bất lợi cho ta. Trước đó Kissinger đến Sàigon, mang theo bản thảo hòa ước đã được soạn thảo trước với Bắc Việt để thuyết phục Tổng thống Thiệu chấp thuận nhưng bị ông ta cương quyết bác bỏ.

    Lê Đức Thọ, con cáo già của Bắc Việt thấy khó nói chuyện với Tổng thống Thiệu, bèn thúc đẩy Kissinger lật đổ ông ta bằng một cuộc đảo chánh.

    Trở lại câu chuyện dở dang về cuộc tái chiếm Quảng Trị ở phần trên, đột nhiên Ông nói: “Sau khi tái chiếm Quảng Trị xong, Mỹ có thúc đẩy tôi đảo chánh Ông Thiệu”. Được dịp tôi hỏi dồn: “Sao Trung tướng không làm để anh em được nhờ?”. Với vẻ tư lự trên gương mặt Ông phân trần: “Tuấn nghĩ coi, Ổng gắn cho tôi “ba sao” trên ve áo, bây giờ tôi làm như vậy coi sao được”!

    Nghe vậy tôi rất cảm phục Ông. Trường hợp gặp một vị Tướng nào nhiều tham vọng, được Mỹ gạ gẫm, như vậy khó mà từ chối. Tôi hiểu Ông nhiều. Ông là một vị Tướng thuần túy, chỉ chuyên đánh giặc giữ nước, không có tham vọng chính trị. Sở dĩ Ông không đảo chánh vì Ông không muốn mang danh là một phản tướng, mặc dầu Ông không phải là một trung thần thờ một vua.

    Nếu Ông gật đầu ưng thuận, cuộc đảo chánh chắc chắn sẽ thành công vì mọi việc đã được Mỹ móc nối, sắp xếp sẵn.

    Nhưng Ông đã không làm và cuối cùng Ông từ chối khéo. Mỹ đinh ninh Ông khó từ chối vì thọ ơn Mỹ quá nhiều trong việc giúp Ông tái chiếm Quảng Trị, tạo cho Ông thành một huyền thoại với toàn cả Quân dân.

    Thất bại trong việc thúc đẩy Ông làm đảo chánh, liền sau đó Tướng Haig mang thông điệp của Nixon áp lực mạnh Tổng thống Thiệu dọa cúp viện trợ quân sự, kinh tế, đơn phương ký hòa đàm… làm Tổng thống Thiệu phải nhượng bộ. Hòa đàm được ký ngày 27/ 01/ 1973 và vận mạng nước ta trong cơn hấp hối, chờ ngày khai tử!

    Hành động lén lút của Mỹ thúc đẩy Tướng Trưởng đảo chánh cũng không qua được cặp mắt tình báo của Tổng thống Thiệu. Tổng thống Thiệu đánh chận trước, triệu hội bào huynh của Ông là Đại sứ Nguyễn Văn Kiểu từ Đài Bắc về, ra thăm Ông Trưởng ở BTL/ QĐ I với đoàn tùy tùng thu hẹp.

    Tôi thực sự không rõ Ông Kiểu và Ông Trưởng thảo luận những gì ở bên trong nhưng tại văn phòng của Chánh văn phòng Tư lệnh, trong lúc chờ đợi Ông Kiểu, nhân viên trong đoàn tùy tùng đã nói bóng gió, đại để như sau: “Đại tướng Cao Văn Viên xin giải ngũ nhiều lần, để trống chức Tổng Tham Mưu Trưởng lâu, không tiện. Tổng thống đang tìm người thay thế. Tổng thống không thích Trung tướng Lê Nguyên Khang, chỉ muốn đưa Trung tướng Trưởng về thay thế chức vụ đó”.

    Bên trong không rõ hai Ông đàm đạo những gì, chỉ biết khi tiễn Ông Kiểu ra về, chúng tôi nghe Ông Trưởng nói: “Tôi xin cam đoan với Ông Đại sứ, không bao giờ có chuyện đó đâu” (ý nói đảo chánh).

    Tổng thồng Thiệu muốn dùng chức Tổng Tham Mưu Trưởng để nhử mồi, hy vọng Ông bỏ ý định đảo chánh. Không rõ có phải đây là một lời hứa “cuội”, câu thời gian để Tổng Thống Thiệu tìm giãi pháp ứng phó hay không.

    Nhân câu chuyện này, anh em trên văn phòng Tư lệnh lại suy đoán, chắc Ông rút tôi về để làm Chánh văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng cho Ông trong tương lai. Như tôi đã trình bày ở phần trên, con đường mà Ông sắp đặt cho tôi dài chứ không ngắn như vậy.

    Tuy không đảo chánh, nhưng khi cùng qua tỵ nạn ở xứ người, Ông cũng đối xử có trên có dưới; một Tướng lãnh đối với vị Tổng Tư Lệnh tối cao. Khi Tổng thống Thiệu từ trần, Ông Bà cũng gắng lên chia buồn cùng tang quyến ở Foxborough (Massachusetts). Trong số những Tướng cận thần, có mấy ai làm được như vậy?

    Theo sự hiểu biết nông cạn của tôi, nếu Ông Trưởng thuận làm đảo chánh, lên thay Ông Thiệu, Ông cũng không xoay ngược được thế cờ, trừ khi trong tay Ông có chiếc đũa thần. Mỹ đã muốn bỏ rơi Việt Nam, áp lực chúng ta ký hòa đàm Ba Lê với nhiều bất lợi, thì số phận nước ta đã an bài, có làm đảo chánh cũng không giúp ích gì được. Trái lại còn bị Mỹ lừa vào bẫy.

    Đảo chánh thì dễ, chỉ cần một lực lượng quân sự đáng kể ủng hộ là thành công nhưng hoàn cảnh hậu đảo chánh (aftermath) sẽ gây hoang mang trong quân đội cộng thêm khoảng trống (Vacuum) chính trị, gây nên tình hình quân sự và chính trị sụp đổ nhanh hơn để Mỹ được cuốn gói sớm.

    Như vậy ngày nào là ngày Quốc hận ? Tôi nghĩ ngày Quốc hận là một ngày nào đó trong năm 1973 hay 1974 chứ không phải 30/04/1975 !

    Mỹ cũng ngạc nhiên, không ngờ với tình trạng viện trợ quân sự và kinh tế bị cắt giảm nghiêm trọng, quân dân ta vẫn bất khuất, kiên cường chiến đấu lâu được như vậy. Riêng Tướng Trưởng, tôi nghĩ Ông đâu cần phải làm đảo chánh để tên tuổi Ông đi vào lịch sử, vì với tính liêm khiết, tài thao lược, đức cần mẫn, tên tuổi Ông cũng đã đi vào lịch sử từ lâu.

    Hôm nay sắp đến ngày Húy nhựt của Ông (22/01), tôi viết bài này như một nén hương lòng, tưởng nhớ đến một danh Tướng Khả Kính, chẳng những của riêng tôi mà cũng là của toàn dân và toàn quân ở hải ngoại này vậy.



    Tháng 3/ 2009
    ​​​​Hiệu chỉnh tháng 2/ 2017

    ​​​​​​​​Bảo Tuấn.

  • #2
    Như vậy thì tác giả bài này là Tiểu đoàn Trưỡng TĐ 14 pháo binh đóng ở căn cứ Hòa Khánh cây số 17 An Lổ ,đọc xong DQY bồi hồi nhớ lại một quảng đời đã qua ,tôi cũng là một quân nhân cấp nhí cũng ở đây, nhưng là 14 quân y cũng yễm trợ cho Trung đoàn 3 bộ binh ,căn cứ hỏa lực An Đô hay còn gọi là căn cứ T-Point là một đỉnh núi nơi đặt bộ chỉ huy hành quân của Tr/Đ 3 BB ,trên đó có một Đài kiểm báo của Hải quân có nhiệm vụ quan sát ,phát hiện và báo động nếu có phi cơ từ ngoài Bắc bay vào ,tầm radar có thể kiểm soát ra tới địa phận Vinh ,Đồng Hới..Tr/tá Quang Trung đoàn trưỡng Tr/Đ 3 thường ngũ đêm trên An Đô để có thể điểu động các tiểu đoàn trực thuộc hoạt động bên trong vùng Bagstone ,King ,Mài nhà ,Birmingham ,Xích Mích dọc theo con đường 547 qua Đèo Sơn Na ra tới Ashau A lưới ,cái khác nhau là ông Tuấn ngồi trên trực thăng qua các vùng này ,còn DQY lội bộ hành quân cũng đi qua khắp các nơi đó.ngày tái chiếm Bagstone thì tác giả ngồi trên đỉnh An Đô cho các pháo đội bắn yễm trợ ,DQY tôi thì theo các cánh A quân chủ lực tấn công lên chiếm đồi Mài nhà kế bên ,cánh B do tiểu đoàn phó chiếm căn cứ Xích Mích,là 2 cạnh của hình tam giác 3 điểm là Mài nhà-Xích Mích-Bagstone , riêng cánh quân nhảy xuống bằng trực thăng lên căn cứ Bagstone thì không chạm địch vì VC đã rút chạy trước rồi ,không còn ai trên căn cứ !!!, cuối cùng là trực thăng phải quay lại bốc toán lính đổ xuống ngoài đường lộ phía ngoài căn cứ Bagstone ,vừa chạy vừa bắn nhào lên cho quay phim gỡi về thủ đô cho mọi người xem ,sau đó gắn lon thăng cấp đặc cách cho toán lính may mắn đó,còn tụi này đánh đấm thật thì trớt quớt.!! Các bạn có tưởng tượng được là khi lên chiếm đồi Mài nhà ,cả một ngọn đồi lớn mà không có một thước đất nào không có xương người !!,DQY đang đứng nói chuyện chợt nhìn xuống thấy là đang đứng trên mặt một xác chết chỉ phủ lớp đất mỏng ,kêu lính và y tá đào lên đem chôn chổ khác ,mẹ ơi cả một hầm hơn 30 xác,,sau đó lo củng cố hầm hào phòng thủ ,DQY có riêng 1 hầm chử A ,khi anh lính y tá dọn hầm kêu cho hay, bên dưới hôi thúi lắm ,nhưng rải bột DDT rồi chui xuống mắc võng, nằm nhìn lên nóc hầm còn nguyên 1 cục óc người dính vào nóc to cở ngón chân cái ,đành lấy cây gạt xuống đem chôn .Mấy đêm sau nghe râm ran chuyện ma phá và nhát ,mà DQY không thấy ,ông th/úy tiền sát viên 14 PB bị nên đêm sau qua xin ngũ ké với tôi ,Có lẻ ma sợ tôi nên không thấy phá phách gì hết ,cả đời DQY không sợ gì ,từ đánh đấm ,ma cỏ tới đám vịt con, mấy tên tù trật tự hay kỷ luật khi trong tù ( DQY gỡ hết 6 cuốn lịch sau 75 ) ,chỉ có SỢ VỢ thôi .
    Gia đình DQY cũng có quen biết với Tr/T Ngô quang Trưỡng ,ông già tôi khóa 2 còn Tướng Trưỡng khóa 4 ,năm 56 ông già là Đ/úy đóng ở Thủ Đức, hình như khi đó ông Trưỡng còn là Tr/úy ,chính phủ cấp cho ông già tư dinh rộng rải ,và ông Trưỡng dãy phía sau .ngày tôi ra trình diện S Đ 1, ghé qua Quân đoàn 1 ở Đà nẵng ,Tướng Trưỡng bận bay đi họp với bên các sỉ quan Úc và Đồng Minh , tới trưa về thì ông bảo tôi ngày mai theo trực thăng ông ra Huế ghé BTL S Đ 1 luôn, tôi thoái thác viện cớ phải thu xếp vài việc rồi ra sau .Tr/tá Đứch Chánh văn phòng viết thư đưa tôi cầm ra cho văn phòng Tư lịnh S Đ 1, ngoài bì thư đề : Văn phòng Tư lịnh Q Đ 1 Kính gỡi Văn phòng Tư lịnh S Đ 1 BB . nhìn thấy phẻ quá tôi vù luôn mấy hôm mới theo trực thăng của P Đ 233 ra Dạ Lê thay CNC của Tướng L.V.Thân ,không hiểu sao mà ông già tôi biết nên gọi ra nói chi đó ,kết quả tôi được ưu tiên nhảy vào vùng khói lửa Bagstone mặt trận Tây Nam Huế với chức vụ Trưỡng toán quân y xung kích !! Mấy quan thời TT Diệm là thế ,ba mẹ có 2 thằng con đi lính ,ông già gỡi gấm cho ra vùng 1 CT hết ,ông anh pilot ra S Đ 1 KQ ,tôi Quân y ra S Đ 1 BB .Nhưng con người có số mạng ,qua bao nhiêu hiểm nguy tù đày DQY vẫn bình yên cho đến ngày hôm nay ,nhớ lại một thời đã qua tuy không có gì hơn ai, nhưng vẫn hảnh diện về quá khứ của mình với con cái gia đình ,máu lính trong tôi vẫn còn cùng thú vui lả lướt trên sàn nhảy không bỏ được .

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X