Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chờ ai trên bến Huntington

Collapse
X

Chờ ai trên bến Huntington

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chờ ai trên bến Huntington

    CHỜ AI TRÊN BẾN HUNTINGTON

    Hết hạn visa rồi mà Triệu vẩn chưa tìm được Bích. Tiền mang theo lúc qua đây cũng bắt đầu cạn dần. Ngày nào anh cũng bắt xe buýt từ Costa Mesa qua Huntington đi lòng vòng qua các khu shop, trung tâm thương mại, hàng quán… nơi mà anh nghĩ có thể Bích đang làm việc ở đó. Chiều tối lại quay về căn nhà của anh em Đoàn trong một đường hẻm cụt rẽ vào từ đường E 21 gần Costa Mesa Freeway.

    Mấy ngày đầu Đoàn và ông anh nó còn hỏi han Triệu. Bây giờ thì cả hai xem chuyện anh đi tìm Bích ở Huntington như một công việc hằng ngày nên cũng ít để ý tới. Được một điều là anh em Đoàn vẩn mang tính nghệ sĩ như ngày còn ở Saigon dù qua đây đã hơn chục năm nên Triệu thấy thoải mái. Biết Triệu từ Việt Nam qua đây bằng con đường du lịch rồi ở lại đi tìm người bạn gái cũ ngày xưa ở Saigon vượt biên định cư ở Cali. Họ nói anh liều lĩnh, nhưng trong lòng lại tỏ ra mến mộ một người có tâm hồn phiêu lưu và lãng mạn như Triệu.

    Một tuần anh em Đoàn đi làm thêm buổi tối hết năm sáu ngày để lo bảo lãnh cho gia đình qua Mỹ, nên Triệu lủi thủi ở nhà một mình. Tối hôm nào có Đoàn hay ông anh ở nhà, ăn uống qua loa xong, mổi người nằm ngồi ở nơi mình thích để làm việc riêng. Lúc đầu ở nhà một mình buổi tối Triệu còn hơi sợ nhưng bây giờ thì quen rồi. Đoàn cẩn thận căn dặn anh tối đừng ra đường một mình, cứ ở trongg nhà xem TV, báo … để tránh rắc rối. Cho dù vốn liếng tiếng Anh của Triệu đủ để sống sót ở xứ này. Nếu có chuyện gì thì gọi điện thoại cho Đoàn hoặc ông anh nó để họ nói chuyện với cảnh sát hay hàng xóm và khi có ai đó đến hỏi thăm. Buổi tối nào Đoàn ở nhà, cả hai lại ngồi nói chuyện rủ rỉ những ngày còn đi học và bạn bè ở Saigon. Cuộc sống lao đao của mọi người sau ngày 30/4, hoặc Triệu xoay qua hỏi Đoàn về công việc đang làm ở hãng, những điều mới lạ anh thấy trên đường dọc các khu phố khi đi tìm Bích. Mấy lúc như vậy mà có thêm anh Định, ông anh của Đoàn thì không khí càng thêm vui vẻ. Mổi người lần lượt thổi vài bài nhạc xưa bằng kèn clarinet. Ông anh nó là sinh viên văn khoa tài hoa, cũng chính là người dạy cho Đoàn và anh những nốt kèn đầu tiên. Lúc cách mạng vào Saigon, Đoàn và ông anh nó phải nghỉ học. Nhà Đoàn lúc đó chia ra làm hai. Ba nó dẩn vài người theo nhau lên kinh tế mới ở Long Khánh. Đoàn ở lại bên nhà ông bà ngoại với má nó gần khu Cầu Sơn ở Hàng Xanh. Sau đó Đoàn và ông anh vượt biên qua Thái Lan rồi xin định cư bên Mỹ.

    Anh em Đòan giúp Triệu nhiệt tình trongg việc tìm kiếm thông tin về Bích qua các trang web của các hiệp hội ái hữu người Việt ở Cali. Họ dọ hỏi người quen ở khắp các thành phố khác trong quận Cam. Nhưng tất cả đều bặt vô âm tín như những viên đá ném vào một cái hố sâu thẳm tối đen. Nhiều lúc Đoàn nói với anh là không chắc Bích và gia đình sống ở vùng này.

    Sáng nay như mọi ngày, Triệu ra khỏi nhà đón xe buýt xuống khu thương mại gần bờ biển. Đi ngang qua góc đường Walnut – 1st Street thì gặp Jim đang đứng thổi kèn xin tiền khách qua đường. Anh giơ tay chào ông ta rồi đi thẳng qua mấy khu cửa hàng thương mại, nhà hàng nằm dọc con đường đại lộ nhìn ra bờ biển Huntington. Jim là cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam. Từng là lính thủy quân lục chiến ở trận đánh Khe Sanh năm 1968, sau đó giải ngũ và quay về Mỹ. Triệu quen ông ta cùng là vì hay lặn lội qua lại vùng này để tìm kiếm Bích. Có một lần đi qua anh nghe Jim chơi bài “Lệ đá” nên dừng lại cho đến hết bản nhạc và bỏ vào nón của ông ta một ít tiền và giơ tay chào rồi tiếp tục đi. Từ đó hầu như mổi lần đi ngang qua góc đường này, thấy có Triệu là ông ta chuyển sang chơi vài bài nhạc Việt Nam. Khi thì Vũ Thành An, Phạm Duy… khi thì Trịnh Công Sơn làm anh rất nể. Có lúc anh ghé vào cửa hàng gần đó mua hai cái hamburger hoặc hai ly cà phê ra cho Jim và cùng ngồi xuống ăn uống bên bậc thềm. Triệu vừa ăn vừa hỏi chuyện nên biết Jim cũng có gia đình sau khi về từ chiến trường Việt Nam. Có công ăn việc làm, nhưng anh và các đồng đội năm xưa cảm thấy buồn chán vì bị xã hội quên lãng. Cuối cùng mất việc và bị vợ ly dị nên sống đời nghệ sĩ lang thang kiếm sống với cây kèn clarinet. Biết Triệu từ Saigon qua đây và cũng biết thổi kèn nên Jim tỏ ra thích thú, nói lúc nào anh đi đâu gần khu này thì ghé qua ông ta thổi cho nghe. Còn anh thì giấu chuyện đi tìm bạn gái năm xưa trên đất Mỹ của mình.

    Anh đi một vòng hết các nơi buôn bán, cửa hàng sầm uất dọc bờ biển cho đến đại lộ Beach rồi quay lại chổ Jim. Thấy Triệu đến, Jim vui vẻ cười nói anh ngồi đây một lát với cây kèn. Ông ta chạy qua khu thương xá mua cà phê rồi quay lại, rồi nói thêm anh lấy kèn thổi vài bài trong lúc chờ đợi. Anh ngồi xuống bậc thềm, lấy cây clarinet thổi một bài nhạc tiền chiến. Vài bà Mỹ da trắng đi ngang dừng lại lấy vài đồng tiền lẻ bỏ vào cái nón của Jim. Vài người Á châu, Mễ đến gần nghe rồi cũng cho ít tiền trước khi đi. Triệu mỉm cười nghĩ thầm, chắc mình nhìn cũng giống dân thất nghiệp không nhà cửa ở đây nên khá nhiều người bố thí. Có chiếc xe cảnh sát chạy chậm qua và dừng lại bên lề đường. Người cảnh sát da trắng mang kính đen mở cửa bước xuống đi về phía Triệu. Biết visa mình vừa hết hạn vài hôm, nhưng anh không định trốn chạy vì biết hành động này là vô ích. Ông ta hỏi giấy tờ Triệu, anh lấy passport ra đưa cho ông ta xem. Vài người ở xung quanh đó đứng lại xem. Sau khi biết visa đã hết hạn, nhân viên cảnh sát yêu cầu anh lên xe theo ông ta về đồn. Anh nói đang giữ cây kèn của một cựu chiến binh hay đứng ở góc phố này, ông ta có thể chờ một chút để JIm vừa đi mua cà phê sẽ quay lại. Người cảnh sát tỏ vẻ khg hiểu ý hay không tin lời anh. Triệu bỏ cây kèn vào hộp và định bước theo viên cảnh sát thì Jim cũng vừa quay lại với hai ly cà phê và bánh tacos trên tay. Thấy anh sắp bị đưa về đồn, Jim chạy đến hỏi viên cảnh sát vì sao bắt anh. Ông ta nói visa của Triệu hết hạn nên bị bắt chờ bị trục xuất sau khi bị phạt. Jim quay sang hỏi anh có thật vậy không. Anh gật đầu đành nói thật là qua đây đi tìm bạn gái Việt Nam chưa ra mà visa vừa hết hạn vài ngày. Triệu giao lại hộp kèn, buồn bã chúc anh ta may mắn và sức khỏe rồi bước vào phía sau xe. Jim đến nói chuyện với người cảnh sát rồi cúi xuống nói qua ô cửa là sẽ gặp lại Triệu trước khi chiếc xe mở đèn hiệu lao đi.


    Về đồn cảnh sát nằm trên đường Main cách chổ Jim đứng ở góc đường Walnut – 1st Street khá xa. Triệu cho viên cảnh sát số điện thoại của Đoàn để thông báo về trường hợp của anh. Sau đó anh bị đưa vào một phòng tạm giam với ba người khác vừa Mỹ và Mễ. Anh đến ngồi trên băng ghế trong góc. Nhớ lại bên cảnh sát nói mình sẽ bị phạt rồi sau đó sẽ bị trục xuất về Việt Nam, và vĩnh viễn không được nhập cảnh vào đất Mỹ. Triệu ngồi cúi đầu tuyệt vọng nhớ đến Bích. Bây giờ thì không còn hy vọng gì quay lại nơi này. Anh mệt mỏi nhắm mắt tựa đầu vào tường nhớ đến những ngày đi qua các khu thương mại, cửa hàng ở các nơi có nhiều người Á châu buôn bán đến chân cẳng rã rời. Chiều xuống mùa hè Huntington nắng nóng, Triệu hay ra cầu tầu nhìn sóng theo gió biển chạy vào bờ. Anh nghĩ có lẻ chỉ có mình anh mới “điên khùng” đến độ đi tìm Bích giữa một vùng đất bao la đầy người như thế này. Một người cảnh sát dẩn Jim đến gọi tên và mở cửa cho anh ra. Triệu ngạc nhiên nhìn người cựu chiến binh tay cầm hộp kèn đang mỉm cười. Đến ngồi trên băng ghế dài gần đó, Jim kể cho anh biết là ông ta đến đồn cảnh sát mượn điện thoại gọi cho một người bạn cựu chiến binh đang là thành viên trong hội đồng thành phố Huntington nhờ can thiệp cho anh. Chưa biết kết quả ra sao, nhưng có thể anh sẽ không bị phạt và sau này sẽ không bị cấm vào Mỹ. Triệu mừng hết lớn, bắt tay ông ta thật chặt và nhìn thẳng vào khuôn mặt đầy râu ria có vài nếp nhăn nhuốm mầu sương gió của người cựu chiến binh. Jim cho biết cảnh sát đã liên lạc với bạn anh và chiều nay Đoàn xin hãng về sớm để ghé thăm anh. Khi người cảnh sát đến, Jim mỉm cười cám ơn và xin thổi một bài tặng mọi người ở đây. Ông ta đồng ý và gọi cho đồng nghiệp đến nghe người cựu chiến binh chơi bài “Green sleeve” với tiếng kèn clarinet trầm bổng da diết. Tiếng vỗ tay vang lên khi tiếng kèn chấm dứt. Các nhân viên trong đồn bắt tay và cám ơn với vẻ chân tình làm Jim cảm động. Ông ta chào hết mọi người và quay sang nói với Triệu là ngày anh ra phi trường, ông ta sẽ đến tiển. Buổi chiều Đoàn đến thăm với cái va-li của anh và cho biết trong vài ngày nữa hy vọng có tin tức về Bích. Anh nghĩ không biết lúc đó mình có còn ở đây hay đã lên phi cơ về Saigon rồi.

    Buổi sáng cảnh sát và nhân viên liên bang đưa Triệu ra đến phi trường LA thì đã gặp Jim cầm hộp kèn đã đứng chờ sẳn. Anh chào ông ta rồi theo nhân viên hướng dẩn vào bên trong làm thủ tục lên máy bay. Triệu sốt ruột nhìn quanh tìm Đoàn trong biển người qua lại. Một lúc sau thì Đoàn chạy tới chen nhanh qua đám đông. Đến gần anh, Đoàn cầm một phong thư nói lớn là đã tìm được Bích. Cô bị tai nạn xe hơi cách đây nửa năm, mất hai chân và bị phỏng nhiều chổ trên người. Biết anh đi tìm, Bích viết cho anh một bức thư. Triệu cầm vội bức thư trước khi theo nhân viên liên bang vào bên trong khu cách ly. Anh đưa tay chào Jim và người bạn thân rồi mất hút trong dòng người đông đúc.

    Tháng sáu Saigon oi bức xen lẩn các cơn mưa đầu mùa. Triệu cầm bức thư Bích viết cho anh. Bích cho biết bây giờ cô đã trở thành người tàn phế, khuyên anh nên quên cô và hãy yêu người khác thì hạnh phúc hơn. Những lúc đọc xong những dòng ngắn gọn đó, Triệu lại nhớ đến những buổi chiều đứng bên cầu tầu trên bờ biển Huntington sau những giờ đi tìm Bích. Biển ngoài khơi xa thật hoang vắng và nhiều gió. Chắc sắp tới anh sẽ trở lại Cali cho dù số phận chờ đợi mình ở đó là bất cứ chuyện gì.

    Vũ Phan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X