Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Vòng Tròn Xiếc

Collapse
X

Những Vòng Tròn Xiếc

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Vòng Tròn Xiếc

    Những Vòng Tròn Xiếc
    Khuất Đẩu

    Truyện Những Vòng Tròn Xiếc, tác phẩm mới nhất của nhà văn Khuất Đẩu , gồm 3 phần:
    1. Xiếc Của Người, 2. Xiếc Của Riêng Tôi3. Xiếc Của Làng.



    1. Xiếc Của Người
    Chợ nằm bên bến sông, nhưng không trên bến dưới thuyền mà chỉ có một con đò rách do một ông lão lái. Một năm chỉ có mấy tháng mưa lũ là có khách, còn thường ngày, người ta cứ việc xắn quần lên mà lội. Chợ phiên của làng nên dọc một hàng dài trước chợ ưu tiên cho những gánh cốm đặt kề nhau san sát. Rồi hàng gốm, hàng thổ sản, hàng cá, hàng mắm đều bày ra giữa trời, dưới những tàn cây. Chỉ có hàng xén là được kê lên cao trên sạp bằng tre trong những chiếc lều xiêu vẹo. Những cô gái đẹp thường là chủ hàng, bán được ít lâu các cô theo chồng, để lại không ít ngẩn ngơ cho một vài ai đó.

    Chợ cũng là nơi kéo đến khá đông những mụ ăn xin rách rưới, những lão thầy bói giả mù. Đôi khi còn có thêm một gánh xiếc nhỏ, bày ra một vài trò lạ để bán thuốc. Như cái trò bào thai nằm trong bụng mẹ khá kỳ dị của một cặp vợ chồng nghe đâu ở tận Cà Mâu ra.

    Khi phiên chợ bắt đầu đông người, anh chồng đem ra một chiếc bình thủy tinh to cỡ vò nước đặt lên bàn, hỏi: “Có ai thấy cái bào thai nằm trọng bụng mẹ chưa? Chưa hả? Thì coi này!” Và, một con bé chừng 10 tuổi gần như trần truồng leo lên bàn, chầm chậm cho hai chân vào bình. Rồi em từ từ hạ cái mông teo tóp xuống sát đáy, cùng một lúc co hai chân khẳng khiu lên, hai tay ôm lấy gối, sau cùng là rụt cổ cho đầu vào, nhắm mắt lại. “Mình ơi, anh ta kêu lên, có phải con em nó nằm trong bụng mình như thế này phải không?” Chị vợ đứng gần đó gật đầu nói “phải”. Mọi người đang quây kín vòng trong vòng ngoài cứ trố mắt ra mà nhìn, bàng hoàng như vừa trông thấy một phép lạ. Rồi như bị ma ám, ai cũng đâm ra tin những gì anh ta nói, thì cứ cho là mù quáng đi, nhưng mớ lá cây và rễ cây lộn xộn chẳng biết cây gì mà anh ta bảo là trị bách bệnh, chỉ trong chốc lát đã được bán sạch.

    Đứa bé xong việc chui ra ngồi thụp xuống đất, liền được bọn trẻ con bu quanh. Chẳng những để nhìn mà chúng còn muốn sờ thử xem người thật hay con gì đó như con rắn, con trăn đã biến thành người nên mới chui được vào bình một cách ma mị như thế. Rõ ràng là em đang thở và cái ngực mỏng dính với hai núm vú nhỏ như hai hạt đậu có khác chi mọi đứa bé trong làng, nhưng chúng vẫn cứ hồ nghi. Vì vậy, khi một đứa trong bọn bất ngờ kêu lên: “ma! bay ơi, ma!” thế là cả bọn rùng rùng bỏ chạy như bị ma đuổi.

    Có một đứa chẳng những không chạy mà còn bước tới gần hơn, đưa miếng cốm đang cầm trong tay cho con bé như muốn nói: nó tin em là người thật. Con bé ngước đôi mắt có hai hàng lông nheo cong vút lên nhìn nó. Em ngập ngừng thò bàn tay nhỏ như một búp hoa ra cầm lấy. Rồi lại ngập ngừng đưa lên miệng, cắn một vài hạt, nhai tí tách. Nó nhìn cái miệng con bé, nhìn những hạt cốm thấm nước bọt, nhìn đôi mắt đen to và nhoẻn miệng ra cười.

    Thế là chúng làm quen nhau, con bé ăn mà không nói, nó cũng nhìn thôi chứ không biết nói gì. Nhưng cả hai đứa tưởng chừng như đã quen nhau lâu lắm, còn hơn thế nữa, cùng ở chung một nhà. Khi cha mẹ thu dọn xong đồ đạc kêu con bé đi, nó cũng đi theo. Ra khỏi chợ, đi xuống đò có ông lão ngồi chờ, nó cũng theo xuống luôn. Cứ thế, nó không rời con bé nửa bước cho đến khi người đàn bà nhận ra có một điều gì gần như là của trời cho, chị ta liền kề tai chồng nói nhỏ gì đó và anh ta vội vàng đến bên thằng bé, đưa tay ra nắm chặt lấy tay nó.

    Mãi đến khi chợ tan, người mẹ xao xác kêu con ơi, con hỡi mà không nghe nó “ơi”, mới hay là mình đã lạc mất con!

    Có được thằng bé như bắt được vàng, hai vợ chồng liền dông tuốt vào Nam, bỏ lại sau lưng những phiên chợ quê, mà ở đó sự nghèo đói, sự khờ khạo đã giúp cho cả hai có một thời rủng rỉnh bạc tiền. Chồng, người to khỏe, trên mình xăm rằn rịt như thuồn luồn, có một vẻ gì đó giống như người Miên với nước da nâu bóng, tóc quăn quăn. Hắn làm nghề ăn ong nếu có thể gọi đó là nghề, len lách quanh năm giữa những cánh rừng tràm bạt ngàn trước khi làm cái nghề bán thuốc. Vợ, có cặp mắt lúng liếng chết người, đi ở đợ bị bà chủ dữ như cọp ghen ngất trời xẻo mất một bên vú. Cả hai gặp nhau khi hắn ta cho chị ta một nắm lá (không biết lá gì, hắn bí mật không nói) để đắp lên ngực mỗi khi đau nhức. Hắn bảo hắn thương cái vú tội nghiệp đó, phải nói là tiếc thì chính xác hơn, vì mỗi khi hành sự bàn tay hắn thấy thiêu thiếu và hắn thề là sẽ cắt cả hai khi gặp con mụ đàn bà ác độc kia. Nhưng khi gặp rồi, trong một đêm trăng trên bến sông, thay vì nghiến răng xẻo một phát cho hả giận, hắn lại đặt môi lên hôn rồi làm này nọ các thứ, coi như đã trả thù xong cho vợ. Hắn bảo, đối với đàn bà, làm như thế là đủ nhục lắm rồi. Chị vợ hứ cái cốc, bảo “vậy tôi đã bị anh làm nhục biết bao nhiêu lần rồi, hả?” Hắn nói, “tụi mình thì khác, chuyện đó coi như cơm ăn nước uống, không ăn sao mà sống được!”

    Đứa con gái kia cũng không phải là con đẻ của hai người. Nó là con của một người đàn bà dân tộc, mới sinh chỉ được ba ngày đã bị dân làng bắt phải chôn theo mẹ, vì mẹ chết nó cũng sẽ chết thôi. Hai người, trong một lần luồn rừng ăn ong, đã liều mạng cướp lấy nó đem về nuôi. Đứa bé có nước da màu mận chín chứ không đỏ hon hỏn, được chị vợ bỏ vào gùi đeo miết trên lưng. Ăn, ngủ, thức, ngay cả chơi cũng chỉ ngọ ngoạy trong chiếc gùi chật hẹp. Lâu ngày lưng nó cong vòng, chân tay mềm oặt đến nỗi có thể cuộn lại như một con cuốn chiếu. Thế là, hắn nảy ra cái ý định tập nó chui vào bình như làm xiếc để dụ người ta tới xem mà bán thuốc.

    Để có được cái trò lạ mắt không gánh xiếc nào có được, hắn cũng phải tốn không ít tiền bạc và công sức. Hắn tập ngày tập đêm khiến chân tay đứa bé lúc nào cũng trầy trụa, đau nhức. Muốn mau kiếm ra tiền, hắn cứ giục “ráng lên con, ráng lên chút nữa, chỉ còn cái đầu thôi mà!”. Rồi vì quá nóng ruột, hắn bôi mỡ lên khắp người đứa bé, cố ấn cái đầu bướng bỉnh của nó xuống, mím môi ấn mãi cho đến khi lọt thỏm vào bình. Đứa bé sợ hãi khóc è è còn hắn thì nhảy cẩng lên reo mừng: “được rồi! được rồi đấy con!”.

    Nhưng hắn bỗng kinh hoàng nhận ra đứa bé đã bị nêm chặt như một cái nút chai, coi như nó sắp bị chôn sống một lần nữa. Hắn vò đầu bức tóc, loay hoay mãi mà không làm sao kéo con nhỏ ra được, đành phải xách búa mà nện vào bình. Đứa bé chết hụt, cứ trông thấy chiếc bình là sợ run. Hắn phải dỗ ngon dỗ ngọt, hứa xuống phố mua búp bê, mua quần áo đẹp; rồi lại dọa bỏ vào rừng cho cọp tha hay bị đười ươi bắt dẫn vào hang làm vợ, mãi đến mấy tháng nó mới biết cách tự mình chui vào rồi chui ra như một con ốc mượn hồn. Nó cũng bắt đầu thấy thích thú khi nằm cuộn tròn trong đó, nên thay vì chui vào nốp ngủ, nó lại chui vào bình.

    Đã 5 năm rồi nó giúp hai người không phải sống trong rừng vừa thiếu thốn vừa đói khát: chồng chiều tối nào cũng có bữa nhậu, vợ mặc quần lĩnh cổ đeo kiềng vàng. Giờ nó đã lên mười, sắp bước vào tuổi dậy thì, dù có bắt nhịn ăn nó cũng sẽ lớn phổng lên, biết làm cách nào mà chui cho lọt. Chỉ có cách thay bình to hơn, nhưng cách ấy thì đành dẹp bỏ nghề vì bình cỡ lớn phải đặt mua tận bên Tây, lại thêm tiền chuyên chở nữa, có mà bán nhà nếu hai người có nhà.

    Đang lo con bé lớn quá coi như mất cái cần câu cơm, thì bỗng dưng như từ trên trời rơi xuống, có được một thằng bé bảo đi là đi, bảo xuống thuyền là xuống, răm rắp nghe theo không khóc không la cứ như bị thôi miên. Nó sẽ thay con Mị Lan mà chui vào bình, sẽ nối tiếp cái trò bào thai trong bụngmẹ để kéo khách đến dài dài cho họ. Hai người liền bỏ tên cũ đặt tên mới cho nó là Đông Nhi, vừa hay hơn mà cũng vừa để chẳng còn ai tìm được nó.

    Đông Nhi lúc ấy 5 tuổi mà đã cao gần bằng Mị Lan, nên phải tập ráo riết thôi. Khổ nỗi, đứa bé ấy chỉ nằm cuộn tròn trong bụng mẹ có mỗi chín tháng và mười ngày. Khi sinh ra, nó đâu có lớn lên trong gùi, cùng lắm khi vui mẹ nó lật ngửa cái nắp bầu đựng cốm ra, đặt nó nằm lên rồi lo bán hàng. Đến khi biết đi biết chạy, thì nó như con gà con vịt con chó con mèo, cứ việc chạy nhảy vui chơi thỏa thích. Vì vậy tìm cách bắt nó chui vào bình như Mị Lan là rất khó, nếu không muốn nói là không thể được.

    Nhưng cặp vợ chồng dễ bị kết tội là mẹ mìn này lại cứ tưởng hễ muốn là được, nên chồng thì mua thuốc võ, vợ mua than quạt lò, ngày nào cũng đem nó ra mà thoa bóp hơ hóng. Thuốc gì lạ lắm, gắt gắt cay cay chứ không thơm mùi quế và mật ong như thuốc bắc. Thuốc thấm vào da chạy rần rần, lửa nóng đến nỗi làm tay chân bốc khói, trông nó giờ như miếng thịt đã được ướp gia vị đang nướng trên lò than, chỉ thiếu là không nhỏ xuống những giọt mỡ bắt lửa kêu xèo xèo. Hai người ra sức bóp nặn, phải nói là hành hạ thì đúng hơn, suốt cả mấy tháng cũng chỉ làm cho nó co được hai chân lên ngực, còn đầu và tay thì không cách gì cho vào bình được.

    Đã có lúc đâm ra nản, nhưng rồi cuối cùng hắn cũng nghĩ ra được một trò mới, ấy là thuê thợ thiếc hàn một cái ống thủng hai đầu như cái trống cơm chưa bịt da. Đứa bé bị hắn bẻ gập làm đôi, nhét cả chân và mình vào rồi nhấc cả ống lên mà xóc xóc, một lúc sau nó khó nhọc chui ra như một con bê đẻ ngược. “Vung hai tay lên coi, ờ, giỏi lắm!” Cái ông kẹ mà trẻ con chỉ nghe dọa chứ không thấy giờ đang đứng trước mặt nó, miệng ngọt ngào thế chứ ăn thịt nó mấy hồi!

    Cái trò này tuy không nghẹt thở bằng trò chui vào bình, nhưng xem ra cũng lạ con mắt. Cái khó là đứa bé bị gập làm đôi với tay chân lèo quèo mà vẫn lọt qua được cứ như một viên đạn vọt ra khỏi nòng một khẩu súng thần công, nên hắn đặt tên là súng bắn thịt. Chị vợ đứng xem bảo “ngộ quá ta, mình lập luôn gánh xiếc đi, bán vé một đồng một người, chứ bán thuốc gặp ai cũng bị chửi”. Anh chồng cười, “nếu thế mình mua thêm một con khỉ nữa. Xiếc mà không có khỉ đâu ra xiếc”. Chị vợ hào hứng bảo “mua thêm trăn, anh to con quấn trăn lên cổ, coi đã lắm à”.

    Thế là bọn họ lập ra một gánh xiếc thật sự với hai tài tử là Mị Lan và Đông Nhi, đặt tên là Xiếc Lan Nhi.
    Phải gọi là gánh xiếc bỏ túi thì đúng hơn, vì cả người và thú nằm gọn trong lòng một chiếc xe ngựa, sáng chiều lọc cọc từ làng này sang làng nọ. Vật dụng quý nhứt vì đắt tiền và dễ vỡ là chiếc bình thủy tinh, được bọc trong một chiếc mền chuột cắn rách lỗ chỗ. Con khỉ có dây xích được móc vào thùng xe mà vẫn cứ nhảy choi choi, con trăn thì ngoan hơn nằm ngủ im trong một cái lồng sắt.

    Đến một ngã ba thôn hay trước một cổng làng, chủ xiếc gò cương cho ngựa dừng xe lại. Bọn trẻ con lúc nào cũng là những khách không mất tiền nhưng được cái ồn ào vì có mặt sớm nhất, coi như chúng quảng cáo giùm.

    Mở đầu là cảnh bắn súng thịt. Ông chủ dựng đứng cái ống thiếc, bẻ gập Đông Nhi làm đôi, nhét vào như kiểu mấy chú ba Tầu cán mực khô trước cổng trường học. Khi thằng bé bị ép chui qua khỏi đầu, ông vác cái ống lên vai như một chiến binh vác ống phóng lựu quay mấy vòng rồi đưa lên cao, xóc xóc mấy cái miệng hô “đùng” và viên đạn thịt liền rớt xuống đất nghe cái “bịch”! Bọn trẻ con rú lên như chính chúng bị bắt làm như thế. Rồi con khỉ mặc áo chẽn leo lên một chiếc xe đạp con đạp mấy vòng, vừa đạp vừa nhăn nhó. Trò này rất nhộn vì con khỉ đít đỏ cứ chỏng cái đít lên mà đạp chứ không chịu ngồi và bọn trẻ có dịp cười thích thú. Tiếp đến là Mị Lan, tự chui vào bình một cách lặng lẽ như con tằm đang tự trói mình vào trong cái kén. Đây là màn biểu diễn coi như kỳ công và cũng kỳ dị nhứt. Người ta hồi hộp nín thở theo dõi từng cử động của em, cách em co chân rụt tay sao cho vừa khít để còn chỗ cho cái đầu. Giờ em như con gà con sắp nở, đã đến lúc chui ra mà không được làm vỡ một miếng vỏ trứng nào! Sau cùng, ông chủ cởi trần phơi cái bụng có cái rốn sâu hoắm bế con trăn to và dài nặng đến cả trăm ký ra khỏi lồng, nặng nhọc quấn quanh cổ như chiếc khăn lông to sù đi qua đi lại. Thỉnh thoảng ông nắm đầu con trăn đang thè lưỡi chìa vào mặt một đứa nhỏ nào đó đang đứng gần, khiến nó cũng phải thè lưỡi sợ xanh mặt.

    Vậy là xong một cuộc hát xiệc mà không cần rạp hay quảng cáo rình rang. Khách hảo tâm cứ việc bỏ tiền vào tay bà chủ đang ngồi ngáp vặt. Nhưng cái lòng hảo tâm của bọn trẻ là một cái gì quá xa lạ, còn người lớn thì nó cũng teo tóp như cái bụng của họ, nên nhiều khi cái lòng bàn tay chỉ có những đường chỉ ngang dọc và mấy cục da chai sần. Hát không công đã buồn, lại càng buồn hơn khi có điều ra tiếng vào, rằng cái bọn này to đầu mà sao lại sống bám vào những đứa trẻ?!

    Đó là những ngày đầu chệch choạc chưa được tổ đãi, người và thú đều đói meo. Cứ trông cái mặt con khỉ như dài ngoằng ra, không nhảy nhót mà ngồi ôm gối là đủ biết cái nỗi buồn của một gánh xiếc nghèo. Chị vợ một thời quần lĩnh kiềng vàng thấy sao mà nản quá, đã mấy lần định bỏ xiếc để đi theo cải lương. Anh chồng xem ra cũng chẳng tiếc gì cái người đàn bà đã bị xẻo mất một bên vú, nhưng mà công sức đã bỏ ra, nghĩ cũng uổng. Anh ngồi vặt râu, ngẫm ra thấy mình cũng quá dại, thọc tay vào tận túi thiên hạ mà chưa chắc đã moi được tiền huống hồ là ngồi chờ cho họ móc túi ra.

    Sau những lần coi như hát chùa, hắn ta khôn hơn, chọn những sân chùa có cổng tam quan và có tường xây, nhờ sư cụ cho các chú tiểu đứng canh rồi hát ăn chia, chùa 3 xiếc 7. Với trường học, xin hiệu trưởng cho phép diễn trong giờ ra chơi, mỗi đứa chỉ 5 cắc thôi mà cả mấy trăm đứa thì đúng là hốt bạc cắc! Một đôi khi cũng có một vài tay phú hộ chơi ngon kêu vào xiếc cho con cháu và bạn bè coi chơi, cũng kiếm được cả bạc trăm. Hai tài tử còn được xoa đầu hun hít, cho thêm bánh kẹo. Thế là chị vợ lại ỏn ẻn: “em nói chơi chứ dại gì mà bỏ anh!” và hắn lại ưỡn ngực ra mà đấm bình bịch, ra cái điều thằng này chứ phải ai đâu mà giỡn mặt.

    Và rồi, lóc cóc lóc cóc, con ngựa già lại tiếp tục lọc cọc kéo chiếc xe lăn bánh trên những nẻo đường vô định. Và cậu bé mất mẹ từ đây chỉ còn biết trông lên những đám mây mà tưởng tượng rằng đó là dáng mẹ nằm, tóc mẹ xỏa, áo mẹ bay trong những chiều nắng đẹp.

    Thời gian trôi mau, chẳng mấy chốc mà Mị Lan đã trở thành thiếu nữ. Cho dù cô có là người H’rê, người Bana hay người Rhađê mà nhiều người có máu phân biệt chủng tộc bảo là khét nắng, thì ở tuổi 17 cô vẫn đẹp. Cái nước da màu mận chín của cô lúc mới sinh, giờ này quả thật là đang chín, nó nâu sáng chứ không nâu tối, và nó căng phồng lên nhưng vẫn chắc nịch, nhất là ở những chỗ mà cụ Nguyễn Khuyến gọi là con cúi và nữ sĩ Hồ Xuân Hương gọi là hai gò bồng đảo. Cô đẹp và đương nhiên cô biết mình đẹp chỗ nào, và cũng đương nhiên không cần tổ tiên dạy bảo, cô vẫn biết đem cái chỗ tốt nhất của mình ra mà khoe, nói trắng ra là cô cứ để ngực trần, biến mình thành sự thách thức âm ỉ với người mẹ nuôi mà sự che dấu cái đẹp được phong tục ngàn đời ngợi khen là kín đáo.

    Bà không ngớt la mắng cô là đồ hư thúi, rấm rức bảo phải thế này thế kia, nhưng cái cách dạy dỗ không ngọt ngào đó không phải là cách của người mẹ, mà là nỗi ghen tức ngấm ngầm biến thành sự đay nghiến, chì chiết. Cũng ít nhiều do cái việc bà gọi là “bẹo ra” hay “phơi ra” đó, chẳng những làm “ngứa” mắt mà còn làm xốn xang mỗi khi nhìn thấy cô, sao mà đẹp mây mẩy còn mình thì ngực chẳng những lép mà còn bị xẻo mất một bên.

    Còn ông chồng, tức là cha không sinh mà có dưỡng của cô, tuy ngày nào cực kỳ cứng rắn trong việc gò ép cô đóng khung trong một cái bình, nhưng giờ lại tỏ ra dễ dãi buông thả. Chẳng những ông không la mắng mà còn ngầm về hùa với cô khi được dịp châm chích vào nỗi đau của vợ. Ông bảo, “thôi đừng chọc tức bà ấy nữa!”, thực ra là chọc tức quá đi chứ, vì nghe ông nói bà bỗng lồng lên như một con ngựa điên. “Tức cái gì? hả? hả? Nó là con tui chứ có phải mụ đĩ già kia đâu mà tức?!” Rồi bà khóc và nói huỵch toẹt ra cái điều lâu nay bà đã biết tỏng:

    “Biết quá mà, nhìn nó ông “đã” con mắt quá phải không?”
    “Đã” chớ sao không? Nuôi con lớn ai mà không “đã!”
    “Nhưng nó đâu phải con ông!”
    “Thì nuôi cũng “đã” được chớ ai cấm”
    “Ông mà đụng tới nó coi chừng tui thiến!”
    “Thì cũng như xẻo vú chớ gì!”

    Ông cứ cà nhơn, nửa khiêu khích nữa cà rỡn khiến bà càng muốn nổi điên, nhưng Mị Lan thì ghếch tai lên nghe rồi cười lăn, coi như hai người đang tấu hài.

    Thực ra cô cũng ý tứ lắm, vì cái bản năng của người nữ luôn cảnh báo cho cô biết những tai họa có thể gây ra bởi người khác giống. Không phải lúc nào cô cũng phơi ngực ra, nhất là trước những cặp mắt có ý đồ của bọn đàn ông con trai, mà trong đó có cái nhìn không được bình thường của một người luôn miệng gọi cô là con. Cô chỉ phơi ra không những trên mà cả dưới khi cô được tắm mát trong sông hay suối. Lúc đó cô như con cá bơi lội tung tăng, khi thì lượn lờ dưới sâu, lúc lại vọt lên cao, mà cá đâu có cần mảnh vải nào để che thân nên dù dưới ánh nắng hay ánh trăng cô vẫn đẹp rực rỡ. Cô cũng không cần gì phải che dấu bé Đông Nhi, cô coi cậu em như rong rêu, như đá sỏi, như nước mát nghĩa là một trong những thành phần làm nên sông suối. Nhưng nói thế không có nghĩa Đông Nhi vô tư không biết gì, chú bé biết chứ, sau này càng biết rõ hơn, rằng nếu ở trong cuộc đời có một thứ gọi là cái đẹp thì Mị Lan chính là cái đẹp bằng xương bằng thịt.

    Hai chị em rất thân nhau, phải nói là rất thương nhau, vì cùng biết rằng chúng là những đứa trẻ bất hạnh. Ngoài những thiếu thốn thường ngày có thể vượt qua được thì thiếu mẹ là không cách gì vượt qua nổi. Có thể trong một ngày, trong một tháng hay trong một năm, không có mẹ cũng chẳng sao, nhưng cả một đời không có mẹ thì giống như một ngôi nhà không có người ở, nó lạnh lẽo, nó buồn bã, nay viên gạch này rơi, mai viên ngói nọ rụng, mốt cánh cửa kia hư, cứ thế mà rơi rớt dần cho đến ngày đổ sụm.

    Đương nhiên đã đến lúc Mị Lan không còn chơi cái trò chui vào bình để cha cô hốt bạc cắc nữa. Chiếc bình không thể lớn theo cô, mà cho dẫu có lớn theo thì lúc này chiếc bình dù có bằng sắt cũng không thể nào chịu đựng nổi thịt da của một cô gái mười bảy tuổi. Cô chơi trò ò e ma le đánh đu Tarzan nhảy dù, một trò mới hợp với gái rừng gái rú mà đạo diễn tài năng là cha cô bày ra. Một cây bồ đề trong chùa, một cây đa đầu làng, một cây bàng trong sân trường, cứ có cây là cột dây chơi được. Cô vòng quanh hông một chiếc váy lá dừa, có khi là lá chuối, ngực quấn dây bìm bìm rồi đu từ cành này qua cành nọ, tuy không bằng Tarzan nhưng cũng le lói hấp dẫn lắm, vì ngoài lá và hoa, trên người cô không có một thứ gì gọi là vải. Cha cô đặt tên là Công chúa rừng xanh, nhưng mẹ cô mỉa mai bảo mụ điên thì hay hơn.

    Những ngày đầu khá là đông khách, sân chùa và sân trường chật kín người. Cái vẻ rừng rú man dại của cô đúng là có một sức hút kỳ lạ. Nó như đôi cánh bướm cứ khép rồi lại mở, chập chờn giữa mộng và thực, giữa cái hồng hoang nguyên thủy và cái tồn sinh khô cằn. Những ai thiếu giấc mơ thì chỉ một lần đến xem cô diễn là đủ để mơ tới sáng. Nhưng bọn trẻ con thì không chịu nằm mơ giữa ban ngày. Chúng la toáng lên như trong truyện ông vua ở truồng, thế là sư cụ chắp tay mô Phật không cho làm ô uế cửa thiền, nhà trường thì cấm cửa vì thiếu đạo đức, ngoài phố thì bị mã tà đuổi vì công xúc tu sĩ! Cha cô đổi qua cho mặc đầm xòe, rồi tập cô đi trên dây, nhưng dây thì ngắn chỉ mấy bước là cô muốn ngã nhào, còn đầm xòe chỉ làm cho cô trở nên đen đúa vụng về, nên chẳng có ma nào còn muốn đến xem cô diễn nữa.

    Bây giờ gánh xiếc chỉ còn trông cậy vào cái trò bắn súng thịt của Đông Nhi và xe đạp cọc cạch của con khỉ khọt. Lúc này là lúc phải dài cổ ra mà kêu gọi lòng tốt của mọi người, có nghĩa không phải hát kiếm tiền nữa mà là xin tiền. Cái công việc không được đẹp ấy giao cho bà chủ, mà mỗi khi ngửa nón ra, bà cảm thấy cái nỗi nhục này nó thấm thía còn hơn cái nhục vì bị xẻo vú.

    Nghèo không phải là cái tội, nhiều khi nghèo còn là thứ keo kết dính mọi số phận hẩm hiu một cách cảm động như mẹ con nhà mẹ Lê trong những chiều đông lạnh. Nhưng đó là những thân phận có cùng chung máu mủ, còn ở gánh xiếc có cái tên rất dịu dàng này, với những con người năm cha bảy mẹ, thì lại là một khối thuốc nổ rất dễ bắt lửa. Chuyện tan đàn sẩy nghé là chuyện đã được báo trước, nên cũng chẳng có ai ngạc nhiên khi bà chủ bỏ đi.

    Thì đúng là một cuộc ra đi có báo trước, tuy điềm báo đó đã có từ lâu mà chẳng một ai thèm để ý. Ấy là cái sự hí hửng của ông chủ gánh xiếc khi bày ra cái trò Tarzan nhảy dù cho cô con gái nuôi. Hí hửng không phải vì sẽ kiếm được nhiều bạc cắc mà vì được tận tay kết váy lá dừa, tận tay quấn lá bìm bìm, tận tay kết tràng hoa ti gôn, lại còn tận tay gắn lên người cô nữa. Sự hí hửng đó, một lần nữa sau nhiều lần, làm ngứa con mắt của bà. Thế là bà bắt đầu đờn quyển nỉ non, bắt đầu đay và nghiến với hai hàm răng sít rịt. Rằng “đã” quá mà, “đã” mắt, “đã” tay, rồi còn “đã” cái gì nữa đây? Tiếng “đã” sau cùng bà rít lên như con dao đã bén rồi mà còn liếc thêm một lần nữa khiến sợi tóc đứt làm đôi.

    Cái gì nữa sẽ “đã” đây bà không nói nhưng ông chồng thì quá hiểu bà đang tung một đòn ngầm vào chỗ hiểm. Không chỉ một lần mà nhiều lần, không chỉ một đêm mà nhiều đêm. Vậy là gã rút con dao tuy không bén như dao thiến heo, nhưng dao nào cũng là dao, dao cùn còn đáng sợ hơn nữa, đòi xẻo luôn cái vú còn lại của vợ. Thay vì bỏ chạy như những người đàn bà thường bị chồng ăn hiếp, thì bà bứt tung nút áo, phơi ngực ra áp sát cái vú mồ côi một mình vào tận mặt chồng bảo “có giỏi thì xẻo đi, ăn đi!”

    Thấy hai người không còn diễn tấu hài nữa mà sắp diễn tuồng bi, nữ tài tử hết thời quá sớm bèn can ngăn một câu: “Thôi mà má, con có diễn nữa đâu mà má nói hoài!”. Câu nói đó không phải nước mà là xăng tưới vào lửa, khiến bà cháy phừng phừng, cảm thấy cha con nhà “nẫu” kẻ tung người hứng sắp làm những chuyện mờ ám, thì thôi một lần cho xong, bà lao vào con bé mà bà tin là đã sớm ngứa nghề này, xé toang quần áo cô ra: “diễn! diễn này!” Ông bố chưa kịp can ngăn, nghĩa là chưa kịp vung dao lên bà đã chạy đi, được mấy bước còn quay lại phủi đít mấy cái!

    Bị vợ bỏ đi, cái cảnh gà trống nuôi con, thực ra là gà con nuôi gà trống, rất chi là tội nghiệp. Đông Nhi giờ đã 12 tuổi, tuy chưa phải là gà tồ, nhưng xương cốt của cậu cũng đã bắt đầu cứng cáp. Cho dù mỗi ngày ăn chỉ một phần tư bữa vì cả nhà không đủ gạo ăn ngày hai bữa, mà cậu còn bị ông chủ bắt phải ăn đói để có thể chui lọt qua cái ống thiếc, dù ống đã mấy lần thay như trăn lột vỏ, nên khi bị gập làm đôi nhét vào rồi bị dộng xuống đất bình bịch, cậu ê ẩm cả mình mẩy. Mỗi lần như thế, vì xương nhiều thịt ít, sự cọ xát làm cho cậu đau tận óc, nhưng chẳng dám kêu la vì như vậy coi như bị bể dĩa. Cũng may còn có chị Mị Lan, tối đến ôm em vào lòng, nhè nhẹ xoa bóp cho em những chỗ đau.

    “Nín đi em, rồi chị em mình sẽ có cách ra khỏi cái nhà này”.
    “Cách gì”, cậu thút thít hỏi.
    “Thì từ từ chị sẽ tìm ra”.
    “Bộ chị tính đi lấy chồng hả?”.
    “Bậy nào, chị cười, lấy chồng thì chết sướng hơn”.
    “Sao lấy chồng mà lại chết sướng hơn?”.
    “Ờ, chị nghĩ vậy đó, không thấy má sao, chẳng những bị xẻo vú mà còn suýt bị xẻ thịt nữa kia”.
    “Má cũng đâu có vừa gì!”.
    “Thôi ngủ đi em”.

    Đêm khuya, tiếng con vạc kêu mưa càng làm cho hai đứa trẻ thêm buồn. Ông chủ thì cứ ngáy roọt roọt như nước chảy qua một cái cống đầy rác. Con ngựa đứng mỏi chân thỉnh thoảng gõ móng kêu lộp cộp. Hai đứa chưa ngủ được mà vẫn cứ nằm mơ. Mị Lan mơ được chạy chơi trong rừng, mỏi chân thì ngồi trên gộp đá bên bờ suối. Đông Nhi mơ người nằm ôm mình không phải Mị Lan mà là mẹ.

    Sáng ra, một tai họa nữa lại ập đến: con ngựa không hiểu sao nằm chết nhăn răng. Ông chủ ra coi, giơ chưn đá vào bụng nó, mặt nó mấy cái để biết chắc nó không còn sống nữa, rồi một mình đi xuống chợ. Mị Lan ôm vai em, đứng nhìn đám ruồi nhặng đang bu tới.

    Chừng một giờ sau, ông chủ trở về cùng hai người đàn ông và một người đàn bà. Ông chủ thảy cho mỗi đứa một cái bánh ú, còn mình thì phì phèo một điếu thuốc thơm. Hai người đàn ông lặng lẽ lôi trong bị ra hai cái dao và một cây rìu. Họ chặt đầu con ngựa, chặt luôn bốn chân, rồi họ mổ banh ruột ra, chỉ trong nháy mắt đã xẻ xong thịt con ngựa. Người đàn bà liền lấy những phần thịt xếp vào bao, hai người đàn ông xếp xương, chân, đầu, vào hai bao khác. Xong, họ vác lên vai đi như chạy. Đúng lúc đó, ông chủ kêu: “Ê! để miếng thịt ăn chơi chớ”. Người đàn bà dừng lại đợi, xẻo đưa ông một miếng thịt, nói: “để lại cả bộ lòng rồi kia mà!”. Ông cầm miếng thịt bầm đen, bóp thử: “ờ, cũng phải có thịt chớ”.

    Trưa hôm đó, sau nhiều ngày chỉ ăn toàn rau và mắm mặn, cả nhà được ăn một bữa thịt ngựa, nhưng ông chủ chắc thấy ngon chứ Mị Lan thì thấy nhờn nhợn cứ như muốn ói, còn Đông Nhi chỉ ngồi ngó chứ không dám ăn. Đó là cái cảnh rùng rợn đầu tiên mà cậu thấy trong đời. Dù sao, con ngựa cũng đã là con vật góp công sức khá nhiều cho gánh xiếc. Nó đã trần vai ra kéo cái cổ xe xộc xệch đi qua biết bao nhiêu dặm đường, nó bị đánh bị mắng mà không hề thở than, chỉ một đôi lần cậu thấy hai con mắt tưởng là vô hồn của nó, có vẻ như chìm trong một làn nước mỏng mà cậu tin đó là nước mắt. Để nhớ nó, cậu giữ lấy cái lục lạc đeo luôn bên mình.

    Không rõ bán cái xác con ngựa chết được bao nhiêu tiền, nhưng ông chủ không thèm đi hát nữa. Với lại còn ngựa đâu mà kéo xe, mướn xe thì xe ăn hết, mà cuốc bộ thì cuốc sao nổi. Rồi ai vác bình, ai vác chiếu mền, con khỉ dắt theo nhưng con trăn chẳng lẽ quấn lên cổ mà đi khơi khơi ?! Cái cảnh rã gánh đang bày ra trước mắt sờ sờ, thôi thì nhờ số tiền mới có, sống được ngày nào hay ngày ấy. Ông lại kêu người bán luôn chiếc xe cà tàng, rồi thuê tạm một chiếc thuyền để có chỗ trú mưa đụt nắng. Cả ngày Mị Lan chỉ phải nấu hai bữa cơm, ngoài ra không biết làm gì cho hết thì giờ. Đông Nhi hết câu cá lại chơi với khỉ. Còn ông thì hết nhậu lại lăn ra ngủ.
    Những tháng ngày lênh đênh trên sông nước, Đông Nhi bỗng thèm được đi học. Trong những lần làm xiếc ở các trường, cậu thích nhất là được thấy những đứa bé như cậu ăn mặc sạch sẽ, lưng đeo cặp, đi đến trường một cách hồn nhiên vui vẻ. Giá như có mẹ, cậu chắc mình cũng được đi học như thế. Giờ cầm quyển sách lên, cậu cũng chẳng biết cầm thế nào cho khỏi bị ngược. Một đôi lúc được bọn họ xuýt xoa hoan hô, cậu không thấy vui mà chỉ thấy tủi hờn. Còn Mị Lan, phải chi biết đọc cũng đỡ buồn. Cô sẽ mướn sách về đọc rồi kể lại cho em nghe, hai chị em sẽ có biết bao nhiêu chuyện để nói.

    Tuy vậy được sống trên thuyền vẫn thích hơn là sống trên cạn, vì với sông nước đó, hai chị em muốn tắm lúc nào cũng được. Như chiều hôm nay, chỉ cần một đứa hô “tắm” là đã thấy chúng để nguyên quần áo nhảy ùm xuống sông, té nước vào nhau đùa nghịch. Ông bố ngồi trên thuyền, rót một chén rượu đầy, ngửa cổ ra uống cạn. Khà một tiếng, ông thấy “đã” chi lạ!

    Chợt nhớ tới con trăn, ông quên mất là hãy còn một món tiền. Ông tính trong đầu khi bán được, sẽ mua cho Mị Lan một đôi guốc mới, một cái kẹp tóc, một cái xú chiên, một chiếc xì líp, công việc đó là của con mụ ấy nhưng giờ là của ông. Nó đã lớn rồi, cũng phải sửa soạn cho nó chứ. Rồi còn phải sắm áo quần này nọ các thứ cho nó đi lấy chồng. Bộn tiền chớ đâu phải ít, mà nó đi là mình mất tất cả, mất con mụ vợ lúc nào mặt cũng nhăn như khỉ ăn ớt thì được, nhưng mất nó, uổng quá!

    Nghĩ thế, ông bỗng khóc rống lên làm Mị Lan đang ngồi hong khô quần áo ở đầu thuyền phải giật mình. Cô hỏi,“sao khóc vậy ông già?”. Ông mắng, “mồ tổ cha mày, ai dạy mày kêu tao bằng ông già?”. Cô cười, “thì nghe người ta kêu, bắt chước”. Ông cũng cười, “ờ phải đó, nhưng tao chưa già đâu”.

    Ông lại thấy vui, nhìn cái chai rỗng ông kêu lên: “Hết rượu rồi mày, đi mua thêm, Nhi”. Ông cho tay vào túi áo lấy tiền. “Nè, nhiêu đây đủ mua thêm một con vịt quay nữa của chú Xìn, cho tụi bay mần một bữa, sướng nghen!”. Nhi cầm tiền, miệng “dạ”, chân nhảy lên bờ phóng đi như gió.

    Còn lại hai người trên thuyền, ông lom khom bò ra ngồi cạnh con gái. Gió chiều hây hẩy khiến mặt sông lao xao, ông tưởng tượng lòng sông cũng như lòng mình.

    Ông bảo, “tao quay mặt ra sông, mầy lui vào trong thay quần áo đi”.
    “Khỏi”, cô nói, “sắp khô rồi”.

    Ông đặt tay lên đùi cô, xoa tới xoa lui, miệng nói: “Còn ướt nè, cảm lạnh chết”.
    Cô khó chịu vì bàn tay ông, bảo: “không sao đâu, ông già”.

    Ông vuốt tóc cô, nói đẩy đưa: “Muốn phi dê không? Hôm nào cho tiền xuống phố phi dê!”
    “Quăn rồi, không thấy sao mà phi dê!”

    “Không thì mua đồ mới, guốc nè, quần nè”
    “Cũng khỏi luôn, ngồi trên thuyền chớ đi đâu mà mang guốc”

    “Thì lớn rồi cũng phải sắm sửa chứ.”
    “Sợ lớn lắm, chưa gì mà đã có người muốn xé xác ra, không thấy sao?”

    “Thôi nhắc làm gì con mụ ấy.”
    “Sợ muốn chết luôn!”

    “Giờ còn sợ gì nữa”
    “Sợ chớ sao không, biết đâu ông già…”

    Ông dỗ dành “thôi thì vào trong đi, ngoài này chòng chành quá!”.
    Cô cự nự: “Thì ông già vào đó đi, kệ tui”.

    “Nhưng mà tao say, đỡ giúp tao”, ông lèm bèm hay giả bộ lèm bèm, cũng không ai biết.
    “Thì bò! bò ra được thì bò vào cũng được chớ”
    “Mày rắn mắt quá, thôi để tao vịn mày”.

    Ông vòng tay qua người cô, kéo cô đứng dậy. Cô gạt tay ông ra định nhảy xuống sông, nhưng ông nắm tóc cô giữ lại. Chiếc thuyền lắc lư như con lật đật, làm ngã luôn hai người. Con “cúi” của cô và con dao làm cá nằm trên sàn, cùng một lúc sáng lên trong ánh nắng chiều. Cô nghe ông cười khịt khịt.

    Ông trườn lên người cô, thở hào hễn: “tao thương mày mà!”, miệng ông nói, tay ông luồn vào bụng cô.
    Cô cố gỡ ra, một tay với lấy con dao.

    Ông lại nói: “thương thiệt mà, cho tao…”. Tay ông luồn xuống sâu hơn.
    Cô giữ tay ông lại, nói thầm: “từ từ đã ông già!”.

    “Từ từ hả? !”, ông có vẻ mừng, nhỏm dậy.
    Đúng lúc đó cô chồm lên người ông như một con báo, mắt ông thấy lóe lên một ánh thép và tai ông nghe một tiếng “rẹt”.

    Khi ông hiểu ra cớ sự, ôm bụng kêu rú lên thì Mị Lan đã nhảy tòm xuống sông, mất dạng.

    Một năm sau, giờ Đông Nhi đã là một đứa bé đánh giày. Nó cũng chỉ làm thuê cho một tiểu đại ca thôi. Không phải không sắm nổi đồ nghề, vì có nhiều nhõi gì đâu, chỉ vài cái bót, vài hộp xi thêm mấy miếng vải nhung là đủ, nhưng cái khó là không muốn ngồi đâu mà đánh cũng được. Công viên, vỉa hè và nhất là trước các nhà hàng khách sạn, ngó vậy mà đều có chủ cả. Không được phép đánh, mà xách thùng tới là bị đánh cho bầm mặt.

    Sau những ngày lê la ở phố chợ gần như ăn xin, một gã thấy thương tình, dạy cho nó nghề, mua sắm xi bót, chỉ chỗ ngồi làm ăn chia, nó 7 gã 3. Thế cũng được, có đủ ngày hai bữa tối lại có chỗ ngủ, mà cái được nhất là tự do không bị ai sai bảo đánh mắng. Càng tự do thoải mái hơn khi không phải ăn chia nữa mà là nộp khoán. Kiếm đủ tiền nộp xong, muốn làm là làm, muốn chơi là chơi, muốn ngủ là cứ dảnh cẳng ra mà ngủ.

    Như chiều hôm nay, kiếm được ít chục, nó xách thùng đồ nghề leo lên coi mô tô bay. Nó khoái cái trò này tợn. Cũng là ống mà là một cái ống khổng lồ, ghép lại bằng những thanh gỗ lớn, ngoài nịt đai sắt như tang trống. Đúng là một cái trống chưa bịt da, to như cái trống ngày xưa nó nghe kể, kêu to đến nỗi bên Tàu cũng nghe!

    Trong cái ống đó mà cưỡi mô tô bay lên là sướng mê tơi, có đâu như cái ống thiếc, đã mấy lần nó suýt chết vì bị kẹt .

    Đây cũng là xiếc, nhưng tân kỳ hấp dẫn hơn những đoàn xiếc chó xiếc khỉ. Những người lái mô tô đẹp như tài tử xi nê ma. Trai áo giả da, quần đỏ nẹp vàng, giày cao tới gối. Nữ nếu không áo đỏ quần trắng thì váy hồng váy xanh bay phấp phới, cứ như tiên giáng trần. Lại thêm tiếng mô tô gầm gừ nghe mới giục giã làm sao. Chỉ có 5 đồng mà coi thật đã con mắt.

    Khi nó mua được vé leo lên, xuất diễn đã bắt đầu. Hai đứa nhỏ như nó đạp xe chạy trong ống, trông từ trên xuống như hai con chuột nhắt. Rồi một cặp lớn hơn, dám thả hai tay ra mà đạp tỉnh bơ như đi dạo trên đường làng. Và rồi: rịn rịn! cái thùng to thế mà cũng rung lên. Một chiếc mô tô đen mạnh mẽ như con bò rừng lao ra, chạy một vòng trên sàn để lấy đà rồi xoay tít như chong chóng. Theo sau không chỉ một mà hai, cả ba lồng lộn gầm rú trong cái chuồng chật hẹp, muốn phá tung ra mà bay vút lên trời. Đoàn xe lên cao, bay vèo vèo ngang qua mặt khiến có lúc nó hoảng quá nhắm tít mắt lại. Khi mở mắt ra, đoàn xe đang đi xuống, nó thoáng thấy có ai đó ngồi trên xe trông như chị Mị Lan.

    Chị Mị Lan ơi! Nó kêu to lên. Nhưng đứng trên này cao quá, dưới đó chẳng ai nghe được. Nó quyết định mua thêm vé để coi một xuất nữa.

    Đúng là chị Mị Lan! Ôi chị đẹp làm sao! Cái dáng chị ngồi thật hiên ngang mạnh mẽ, chứ đâu có co ro tội nghiệp như khi bị nhốt trong cái bình. Chị không mặc áo, chỉ mặc xú chiên có riềm vàng và quần đỏ nẹp trắng. Chị như con hươu sao chạy trên hoang mạc. Khi chị làm nữ Tarzan, trông cũng đẹp nhưng rừng rú thế nào ấy. Giờ chẳng những chị đẹp mà còn oai như một nữ hiệp sĩ. Khi nhận ra cậu em, mắt chị cười như thắp lửa.

    Sau xuất diễn, chính Mị Lan đã chạy đi tìm Đông Nhi. Hai chị em ôm nhau khóc nức nở. Một lúc cô buông ra, ngó cậu em từ đầu đến chân, như vẫn chưa tin là thật.

    Cô nói: “em đấy à? mới một năm mà lớn quá chị không nhận ra!”
    “Còn em, cậu nói, em nhận ra chị ngay từ đầu, có biết vì sao không?”.
    “Sao?”.
    “Vì chị đẹp quá!”
    “Xạo hoài!”
    “Thiệt mà!”
    “Em giỏi đấy, mới đó mà đã học được cái tài nịnh!”.

    Cả hai cùng cười. Cô rủ cậu đi ăn mừng. Lần đầu tiên cậu được cô đãi bia. Cụng ly chứ không dám cạn, cậu nói:
    “Đến giờ em vẫn còn sợ. Nhiều đêm em khóc đấy, em tưởng ông ta giết chị rồi ném xuống sông!”
    “Chị thì có thể, cô cười, nhưng giết làm gì con người ấy, chỉ để lại thẹo chơi thôi”.

    Cô nâng ly bia lên định uống cạn, nhưng mắc cười quá, phải đặt ly xuống bàn. Rồi chị cười đến đỏ cả mặt.
    “Sao chị cười nhiều vậy?”
    “Lớn lên rồi em sẽ biết, ông ấy chắc hận chị lắm, thà chết sướng hơn!”

    Từ bữa ấy, chiều nào Đông Nhi cũng đi coi mô tô bay để được nhìn chị Mị Lan. Cô cũng thích được gặp cậu nhưng chủ không muốn cô ra ngoài nhiều.

    Rồi cũng đến lúc khách thưa dần, đoàn sắp phải chuyển tới một thành phố khác. Thấy cậu buồn, cô an ủi: “Chị sẽ về lại mà! Xiếc ở đâu bằng xiếc tại Sài Gòn”
    “Ước gì em lái được mô tô như chị”

    “Rồi chị sẽ xin cho em vào học nghề, trước mắt là tập đi xe đạp”.
    “Đạp trên cái thùng dựng đứng ấy chắc khó lắm!”

    “Đâu khó bằng em chui qua cái thùng thiếc!”
    “Ờ, nhớ lại em vẫn còn sợ!”

    “Ông chủ này rất tốt, đúng là ổng coi chị như con”
    “Ổng sẽ cho em ở chung với chị chứ?”

    “Ừ, trong một đoàn mà. Chiều nay, diễn xong chị đưa em đi xi nê, đi không?”
    “Dạ, đi chứ!”

    Cậu vui lắm, liền đi mua một cái áo mới, vì không thể ăn mặc xập xụi mà ngồi bên cạnh một người xinh đẹp như chị, nhất là được ngồi trong rạp hát.

    Xuất diễn cuối cùng, dù là vét, vẫn rất đông khách. Để tạm biệt, đoàn xiếc sẽ mang hoa lên để tặng khách vì trước đó nhiều khách hào phóng đem tiền ra treo thưởng. Những tờ bạc là cách thử tài các hiệp sĩ mô tô vì chỉ có những người rất giỏi và gan dạ mới dám lên cao. Mị Lan là người được thưởng nhiều nhất. Vì vậy, hôm nay chính cô mang hoa lên tặng.

    Cô vẫn xinh đẹp như mọi ngày nếu không muốn nói đẹp hơn. Cô không đội mũ mà để đầu trần, khiến tóc cô bay bay càng đẹp. Tiếng mô tô gầm rú vẫn không át được tiếng reo hò của những người ái mộ. Cô từ từ lên cao, lượn một vòng, rồi hai vòng, chẳng những để chào tạm biệt mà còn có vẻ như muốn chọn người để tặng. Và đúng như vậy, cô cười rất tươi khi lượn qua một chàng sĩ quan mới tốt nghiệp. Chàng chưa ra trận, mũ áo hãy con thẳng nếp tinh tươm như lúc còn đang ở trong quân trường. Mọi chuyện sẽ đẹp biết bao nếu chàng nhận được hoa, biết đâu sẽ có một chuyện tình.

    Nhưng khi cánh hoa chưa đến tay chàng thì một người đàn ông đeo kính đen đã vươn cánh tay dài ngoằng ra, không phải để nhận hoa mà để chộp lấy tay cô, cho dù chỉ nửa giây, nhưng cũng đủ làm cho chiếc xe rơi xuống.
    Cô cũng rơi xuống theo khi ông ta buông tay.

    Tháng 12, 2015
    Khuất Đẩu


    (còn tiếp)

  • #2
    2. Xiếc của con

    2. Xiếc của con

    Cái chết của chị Mị Lan gây cho tôi một nỗi kinh hoàng hơn cả cái chết của con ngựa. Đầu tiên tôi mong sao có một phép lạ, như người ta thường cầu mong trong những khi tuyệt vọng, từ bàn tay thần diệu của các bác sĩ đang mổ xẻ khâu vá cho chị trong phòng lạnh. Phải chi hôm ấy chị đừng để tóc bay như mây chiều mà đội mũ cẩn thận, thì cái hộp sọ mỏng manh ấy đã không bị nứt khiến chị phải hôn mê. Lại còn xương cổ bị gãy, xương chân bị vỡ thì đến ông Trời kia cũng không cứu được chị nữa là bác sĩ!

    Sau đó, tôi mơ màng trong mộng ảo rằng, chị đâu có đi mô tô bay, người con gái xinh đẹp đó đâu phải là chị và chị đang lặn dưới sông để trốn sự săn đuổi của một lão cha nuôi hắc ám. Dĩ nhiên tôi cũng chưa gặp chị, chưa hề hẹn nhau đi xi nê, và một hôm nào đó đang ngồi đánh giày nghe có người gọi: “ê nhỏ, đánh giùm chị đôi guốc coi!”. “Đánh giày chứ không đánh guốc!”, tôi nói cộc lốc, sau đó nghe chị mắng: “Nhỏ này khó bảo quá ta!”, rồi chúng tôi ôm nhau mà cười.

    Cái chết của chị cũng còn để lại cho tôi một mối thù cần phải trả. Tôi tin cái mối thù này to như núi, sâu như biển, mối thù mà không trả được thì còn hận hơn là “quốc thù vị phục đầu tiên bạch” của tráng sĩ Đặng Dung. Ở đây xin mở một cái dấu ngoặc. Tôi lúc 12 tuổi chưa biết chữ nào, sao giờ lại bày đặt nói chữ? Bạn có hỏi khó cũng phải, nhưng cái học ở trong trường và cái học ở ngoài đời nó khác xa nhau lắm. Khi một người bị cướp mất cái tuổi được mẹ âu yếm nắm lấy tay dẫn tới trường trong một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, thì để lấy lại thời gian đã mất người ta có thể học bằng năm bằng mười, và người ta học những gì người ta cần và thích. Cái điều tôi cần lúc ấy là đọc được sách và điều tôi thích là học sử. Có vậy thôi và xin đóng ngoặc lại.
    Cái buổi chiều hôm ấy vẫn chưa phai mờ, cái buổi chiều mà Mị Lan muốn “để lại thẹo chơi” chứ không thèm giết, và lão ta ôm bụng gào lên “tao giết mày, sẽ giết mày!’ khi tôi xách chai rượu và con vịt quay trở về thuyền… “giết mày”, đó là giết chị chứ không phải giết tôi! Vậy thì còn cách giết nào thuận tiện hơn, hợp pháp hơn, vì dù có bị bắt đưa ra tòa, lão cũng chỉ bị kết tội là vô ý giết người. Rõ ràng đối với chị Mị Lan và tôi, lão ta là người có tội, không chỉ có một tội mà rất nhiều tội. Nếu chém thì phải chém đến bảy lần, nếu ngồi tù thì cộng lại cũng phải ngồi đến mấy trăm năm.


    Buổi chiều mà lão xuất hiện trên đài xem mô tô bay không phải là buổi chiều định mệnh. Không có một thứ định mệnh nào như thế cả và vì vậy không có một dấu hiệu nào báo trước. Chị Mị Lan vẫn trang điểm xinh đẹp như mọi ngày, còn hơn mọi ngày vì sẽ đi xi nê với một cậu em cho dù hãy còn bé, nhưng vẫn là một chàng trai trong nay mai. Thế thì buổi chiều hứa hẹn bao nhiêu điều tốt đẹp đó, chỉ vì sự xuất hiện đen tối của lão mà mọi sự đã trở nên hết sức khốc liệt.

    Mối thù đó còn được nhân lên nhiều lần khi tôi hiểu ra rằng, vì lão mà tôi phải xa mẹ. Chính lão chứ không phải cô bé trong bình khiến xui tôi phải rời bỏ quê hương. Chính cái bàn tay to lớn cứng như gọng kềm của lão đã siết chặt bàn tay bé bỏng của tôi, đã lôi tôi xuống thuyền, nhét tôi vào trong thùng xe, rồi đưa tôi đi xa tít mù, đến nỗi mẹ gọi chỉ còn nghe văng vẳng trong mơ mà thôi. Chính lão đã thay tên đổi họ của tôi, biến tôi thành con nhái bén, thành con nòng nọc không còn ai nhận ra được nữa. Đó là chưa nói tới những ngày lão bắt tôi hành xác thành viên đạn thịt để làm trò chơi và trò cười cho thiên hạ.

    Không biết một người mà ngay từ tuổi ấu thơ đã bị cướp mất hai người đàn bà mà mình yêu thương, thì khi đối mặt với kẻ thù sẽ như thế nào? Tôi không thể hình dung ra được và cũng không dám chắc, khi gặp lão tôi có đủ tàn nhẫn để lại cắt thêm một thứ gì nữa trên người lão không, nhưng cứ biết là hãy nuôi chí phục thù trước đã. Không cần phải nếm mật hay nằm gai, mối thù của tôi cũng lớn lên theo ngày tháng. Tôi 13 tuổi thì mối thù tuổi 13. Đến khi tôi 18, nó cũng 18.

    Tôi không còn lê la trên hè phố để đánh giày nữa, mặc dù không còn phải nộp khoán. Tôi đã cao lớn, đủ sức để chọi lại với tiểu đại ca. Ngoài ra tôi còn được hậu thuẫn bỡi đám bụi đời đã từng tập tành uống rượu ăn thề. Sài Gòn dễ sống mà cũng dễ chết. Nhưng tôi bỏ lên Tây Ninh không phải vì sợ chết mà vì nghe phong phanh có lão ta đang làm gì đó ở Thánh Thất Cao Đài.

    Một người như lão mà được vào làm gì đó ở nơi Đức Hộ pháp linh ứng giáng truyền quả là chuyện lạ. Nhưng nếu bạn biết rằng một người dám xông vào một đám ma của người dân tộc để cướp đi một hài nhi, một người giữa ban ngày và giữa chợ dám bắt cóc một đứa bé và cướp đoạt nhiều thứ khác nữa, một người vừa tàn ác vừa xảo quyệt, thì việc lão thay hình đổi dạng từ một con quạ đen sang bồ câu trắng, cũng đâu có khó khăn gì.
    Đến Tây Ninh, trước hết tôi hãy kiếm một việc làm. Đánh giày thì không được nữa rồi. Ở một nơi mà người ta đi chân đất hay đi giày cao su thì đánh giày là một việc làm ngớ ngẩn. Chỉ có một nghề mà lúc nào người ta cũng cần ấy là cạo mủ. Và chỉ trong một tuần học việc, tôi đã trở thành phu đồn điền.

    Có vào đây mới thấy sức của con người thật đáng nể phục. Ngày trước chưa có máy cày máy ủi, chỉ có hai bàn tay mà người ta đã biến những đồi cao lũng thấp thành những rừng cây cao su bạt ngàn. Có thể nói đây là khu rừng do con người trồng, được chăm sóc nâng niu cẩn thận nhất, nhưng cũng tàn nhẫn nhất vì cứ bị hút máu từng ngày.

    Phải nói là rừng cao su quá đẹp, vẻ đẹp của trật tự, của kỷ luật như một đoàn quân trước giờ duyệt binh. Những hàng cây cùng tuổi đứng tăm tắp, ngó ngang ngó dọc ngó tới ngó lui ngó xiên ngó xẹo, ngó chiều nào cũng thẳng. Cũng cần nói thêm là còn có những ngọn roi da lúc nào cũng tươm máu của các ông Tây thuộc địa và những cai đồn điền độc ác. Vì vậy, ngoài cái vắng vẻ đến rợn người của rừng sâu núi thẳm, còn có nỗi sợ mơ hồ khi tưởng chừng những cu li năm xưa hiện hồn về đứng thành hàng, máu hòa cùng nước mắt hãy còn chảy ra từng giọt.

    Giờ, cực thì có cực đó, nhưng vẫn không đến nỗi nào. Người ta gọi tôi là công nhân chứ không phải cu li. Tôi là người trẻ nhất và nhanh nhẹn nhất vì mới vào nghề. Liền tay đổ mủ vào thùng, liền tay cạo, hết cây này đến cây khác nhanh như đánh bóng giày. Chủ rất “chịu”, thay vì để tôi ở trong lán trại thì cho ở ngay trong nhà, dù chỉ là một góc trong nhà chứa đồ. Và tôi có một cái giường, có chăn màn, có một bóng đèn điện để đọc sách, còn muốn gì nữa?!

    Một sáng Chủ Nhật, tôi không đi lễ nhà thờ mà đi Tòa Thánh. Đi cho biết và cũng để dò la tin tức lão ta. Tòa Thánh to rộng như một tiểu vương quốc, có đường ngang lối dọc mang tên thánh chứ không phải tên các danh nhân. Các chức sắc và đạo hữu đều mặc áo dài trắng quần trắng, lặng lẽ di chuyển gần như không có tiếng động, giống như những hình nhân trong đèn kéo quân. Rất đông khách nước ngoài, tây trắng tây đen, có cả Ấn Độ. Người ta đến vì hiếu kỳ, coi như một sự lạ chứ không phải để chiêm ngưỡng hay nguyện cầu. Tòa thánh đồ sộ thật đấy, nhưng thiếu vẻ trang nghiêm, có một vẻ gì đó nửa đình miễu sơn phết vụng về, nửa là hội trường trống trải.

    Nhìn các chức sắc tới lui, tôi không thấy một khuôn mặt nào là của lão hay giống lão. Với các đạo hữu phục dịch đạo sự cũng không. Thì đúng vậy, con người như lão dù có luồn lách như lươn chạch cũng không thể vào đây được. Mà lão vào đây để làm gì mới được cơ chứ? Vào rừng ăn ong thì được, nhưng trộm mủ cao su nếu không bị bắt vào tù cũng bị đánh cho què giò.

    Lúc vào không để ý, nhưng khi ra khỏi cổng tôi trông thấy một người đang quỳ mọp xuống đất, chắp tay vái không biết mệt, trước mặt để một cái thau nhôm lơ phơ vài tờ bạc nhỏ. Thì đúng là ăn xin nhưng phải hạ mình đến thế kể cũng hèn. Mà lại là một người khỏe mạnh còn đủ tay chân, thì thực đáng ghét. Tôi đã định bỏ đi nhưng chợt thấy hai bàn tay có vết xăm nên giật mình dừng lại. Đứng quan sát một hồi, tôi bàng hoàng nhận ra đúng là lão ta, kẻ chỉ trong một phần tư giây đã lạnh lùng giết chết một người con gái.

    Lúc lão ngẩng mặt lên, trông lại càng thảm hại hơn. Tóc râu bờm xờm, lão gần như mù hay giả bộ mù, đưa tay quờ quạng mấy tờ bạc bỏ vào túi. Lão nheo mắt nhìn người đứng trước mặt, không biểu lộ chút gì là đã nhận ra đứa bé ngày nào bị lão bắt làm viên đạn thịt. Cũng có thể lão vờ như không biết vì một con người nham hiểm như lão thì khó mà biết được trong đầu lão nghĩ gì.

    Tôi đã muốn cao chân đá bay cái thau nhôm, nhảy xồ vào lão như một con sư tử cắn vào động mạch cổ của con mồi. Nhưng nhìn cái vẻ tàn tạ và cái cách hèn hạ của lão, tôi thấy cơn giận của mình bỗng lặn mất tiêu. Trước đó, trong tôi tràn ngập những hình ảnh của sự trả thù. Nào là mổ bụng moi gan, móc mắt, lại còn chặt cả chân tay nữa! Nhưng giờ chỉ còn lại sự khinh bỉ, sự ghê tởm đang chực trào lên miệng, nên tôi phun một bãi nước bọt trước mặt lão rồi bỏ đi, không quên ném cho lão tờ bạc 5 đồng.

    Đó có thể là cái giá của một cuộc trả thù.

    Buổi sáng hôm sau, trên đường đi đến lô cao su của mình, tôi thoáng thấy một đôi mắt đen, đôi mắt có cái nhìn vừa hoang dại mà cũng vừa dịu êm rất thân quen. Hóa ra, người con gái Việt gốc Khờ me đó còn có mái tóc quăn quăn, nước da tôi tối, rất giống với chị Mị Lan. Nàng không đẹp hay đúng hơn là không đẹp bằng chị ấy, nhưng có một cái tên rất đẹp: Sơn Mộc Hương. Sơn họ cha, Mộc Hương tên do mẹ đặt, tuy lai nhưng chỉ có tên là của mẹ, còn từ mầu da, mầu tóc cho đến mầu mắt đều giống cha. Nàng biết nói cả tiếng Miên lẫn tiếng Việt như nhiều người ở giáp ranh vùng biên giới.

    Có một sợi dây ràng buộc bí ẩn như thế, nên tôi làm quen không khó, hay không cần làm quen cũng vẫn đến được với nhau. Chúng tôi như hai hạt mầm cùng ủ trong đất ẩm đã đến lúc vươn mình chổi dậy. Cùng một tuổi, cùng một nghề, cùng làm chung một lô từ sáng đến chiều thì cái điều mà người ta gọi là tình yêu nó đến lúc nào không ai hay. Và khi nó đến, hai đứa yêu nhau tối trời tối đất.

    Rồi chúng tôi cưới nhau. Đám cưới nhỏ nhưng theo phong tục của người Miên, có đến 16 quả. Mọi việc đã có các bạn và ông chủ giúp. Chính ông đứng ra thay mặt cha mẹ đi cưới vợ cho tôi. Và cũng chính ông thu xếp một chỗ rộng rãi hơn trong nhà kho cho chúng tôi ở tạm. Ông còn hứa, khi nào có cháu bé sẽ cất cho một ngôi nhà nhỏ bên cạnh rừng cao su.

    Cuộc đời đúng là đẹp như mơ, nhưng tiếc thay đây là giấc mơ mau chóng tan ra như bọt nước!

    Đọc lịch sử, tôi vẫn biết vùng đất Tây Ninh, hơn 200 năm trước là của người Miên. Đất của họ, nên dù đã phân chia ranh giới, họ vẫn thường lẻn qua cướp phá. Đốt nhà, cáp duồn là chuyện xảy ra như cơm bữa. Nhưng đó là những chuyện xa xưa, còn hiện giờ nếu có thì cũng chỉ là vài vụ bắt trộm trâu bò lẻ tẻ. Dân bên này đông, quân lực lại hùng mạnh, nên dù bên kia có muốn cũng ít nhiều e sợ. Người hai bên cư xử khá ôn hòa. Vẫn có những cuộc cưới xin, những buổi tiệc tùng, những trận banh giao hữu. Người bên này có thể sang chơi bên kia một vài bữa mà không cần giấy tờ gì rắc rối. Cũng chẳng thấy đồn bót gì, chỉ rải rác vài cột mốc, có thể gọi đây là biên giới của tình hữu nghị. Nhất là khi Việt Nam đã thống nhất và Campuchia lại là hai nước cộng sản anh em.
    Có ngờ đâu, khắp các vùng biên giới Tây Nam đều bị quân Khờ me đỏ bất ngờ tấn công, mà dữ dội nhất là ở Tây Ninh. Chỉ trong một đêm, khi tôi đi theo ông chủ đem hàng xuống Sài Gòn, thì đồn điền, nhà cửa, lều trại đều bị chúng đốt phá. Trong số hàng trăm xác bị cáp duồn có xác của Sơn Mộc Hương. Xác của nàng và nhiều người đàn bà khác đều bị lấy mất đầu.Theo lời một vài người sống sót, chúng xổ tóc trên sọ ra cột hai cái thành một cặp, xách đi như xách hai trái dừa đem về nước để khoe chiến công!

    Đến thế này thì còn biết nói gì nữa hở Trời!

    Sơn Mộc Hương!
    Sơn Mộc Hương!

    Tôi khản tiếng gọi tên nàng giữa những hàng cao su đang chảy ra những giọt máu trắng như tuyết.
    Tôi đau khổ đem xác nàng chôn dưới gốc một cây cao su mà chúng tôi thường ngồi bên nhau. Trước đó, tôi đã dùng đất sét nặn một cái đầu cho nàng. Tôi nặn không được đẹp, nhưng tôi tin là nàng thích. Cũng đôi mắt hoang dại ấy, cũng đôi môi dày gợi cảm ấy. Hồn nàng đã hòa trộn cùng với nước mắt của tôi, làm nên một khuôn mặt như biết nói biết cười. Tôi áp môi vào, bất giác nhận ra trong mùi đất đỏ có mùi của máu.

    Máu của nàng!

    Một tháng sau, có đợt tuyển quân, tôi đăng ký để được đi Campuchia.

    Chúng tôi vượt qua biên giới như vào chỗ không người. Quân Khơme đỏ được cho là tháo chạy, thực ra là đã âm thầm rút sâu vào các vùng rừng núi. Chúng để lại những thành phố hoang vắng, không trường học không nhà thương. Chỉ có những nhà tù đầy dẫy những xác chết chưa kịp chôn bốc mùi hôi thối. Những nạn nhân bị chúng bắn hay chặt đầu trước khi rút đi.

    Một đất nước với hoàng cung soi bóng trên dòng sông Mê kông, với Đế Thiên Đế Thích hùng vĩ, giờ chìm ngập trong màu đen: màu của những con kên kên, những con quạ ăn xác thối và màu áo đen của những nô lệ khổ sai chưa bị chúng giết kịp, còn sót lại trên các nông trường bất tận. Những đàn ông, đàn bà, con trẻ mà màu da tôi tối lại càng tối hơn, tóc quăn quăn lại càng quăn hơn vì xơ xác dưới nắng gió. Họ có một nửa dòng máu của Sơn Mộc Hương, nhưng có gấp đôi số phận bi thảm của nàng, vì so ra họ khốc liệt hơn nhiều. Họ chưa bị chặt đầu xách đi hay đá lăn lóc như trái dừa nhưng trước khi chịu chung số phận như thế, họ bị hành hạ còn hơn súc vật.
    Tôi chẳng tìm thấy đâu những con quỷ áo đen đã từng giết hại Mộc Hương, để mà ghim vào ngực chúng những viên đạn thù. Chúng đã lẫn vào bóng tối của lịch sử và đang rình rập chờ đợi chúng tôi trong những tháng ngày sắp tới.

    Lúc này trung đội tôi đang đóng quân trên một ngọn đồi thuộc miền Đông Campuchia, bảo rằng để giữ con đường huyết mạch nối liền với Nông Pênh. Ngọn đồi nằm giữa một vùng rừng khộp mênh mông, thưa thớt một vài phum sóc, giống như những bộ lạc Stiêng ở Lộc Ninh.

    Chúng tôi đến vào giữa mùa mưa nên khu rừng ướt đẫm. Ngoài nước thừa thãi đến phát chán, chúng tôi thiếu đủ thứ, từ một hạt muối cho đến một chút xíu đường. Đã không có chợ mà Khơ me đỏ lại dẹp bỏ việc dùng tiền, nên muốn có một con gà hay con heo chỉ có thể đem những gì họ cần ra đổi chác. Mà những gì họ cần như gạo muối đường sữa, chúng tôi lại không có, chỉ có súng và đạn thôi.

    Chúng tôi lọt thỏm giữa một vùng đất bán sơn địa còn sơ khai. Muốn giao tiếp cũng không thể nào giao tiếp được. Họ nghi ngờ chúng tôi và chúng tôi cũng chẳng tin cậy gì ở họ.

    Thế rồi mùa mưa chấm dứt để khởi sự cho một mùa khô kinh hoàng. Suốt 8 tháng không có một giọt mưa. Sông thì ở quá xa, mà suối lại quá nhỏ nên chẳng mấy chốc cũng khô cạn. Phải đào giữa lòng suối mới chắt chiu được ít nước. Nước ăn và uống chưa có đủ, nói chi đến tắm giặt. Chúng tôi khốn khổ vì chấy rận, ghẻ ngứa. Ngồi đâu cũng gãi, đứng đâu cũng gãi, nên có kẻ đang gác ngứa quá phải bỏ súng xuống để gãi đã bị Khơ me đỏ chờ sẵn siết cổ, ngã xuống mà chết không kịp kêu lên một tiếng nào.

    Đây là lúc bọn Khơ me đỏ tấn công. Chúng không dùng chiến thuật biển người cũng không đào giao thông hào để lấn dần như ở Điện Biên Phủ. Chúng chỉ phục kích trên đường đi lấy nước. Đi vài ba người coi như nộp mạng cho chúng. Phải đi cả tiểu đội may ra mới lấy được vài can nước, vậy mà cứ ba lần thì có một lần phải đổi bằng máu.

    Chúng cứ tỉa dần, từ bốn chục còn ba, rồi còn hai và sau cùng còn chưa tới một chục nên phải cuốn xéo mà đi.
    Tôi chỉ là một tân binh quèn, kinh nghiệm chiến trường chưa có, chưa hề tham dự một trận đánh nào gọi là ác liệt. Nhưng một số ít cán binh người miền bắc, những người từng đánh thắng giặc Mỹ thì luôn mồm chửi rủa. Trung đội trưởng bảo “đánh đấm thế này chán bỏ mẹ!” Người khác lại bảo “đánh Mỹ sướng hơn. Đánh với nó thế nào cũng có đồ hộp mà ăn. Thắng thì lấy đã đành mà thua vẫn nhặt được không thiếu thứ gì, chúng bỏ lại cả đống chứ mang theo làm chi cho cực thân!“. Người nữa lại nói: “Đánh với thằng nghèo như thằng Khơ me đỏ này, càng thắng càng mau chết!”. “Sao vậy?” “Thì cứ lấy khẩu phần của mình ra chia sớt cho những đứa vừa được mình “rải phóng” chứ sao!”

    Mà quân đội của ta cũng đâu giàu có gì hơn chúng, cả trung đội chẳng có chiếc xe nào, toàn là cuốc bộ và è vai ra mà khuân vác. Lâu lâu có một chiếc môlôtôva thở như bò rống đến tiếp tế lương thực, mà sắn khô và bo bo nhiều gấp đôi trong khi gạo thì đầy sạn. Kêu xin lắm may ra mới có được một thùng phuy nước đục ngầu.
    Chúng tôi bị vây khốn bởi đất trời, chứ thật ra tụi Khờ me đỏ chưa đến một tiểu đội. Chúng làm khổ chúng tôi để cho thấm thía cái gọi là nghĩa vụ quốc tế, tức là đem quân đi chiếm giữ nước của người. Quân số ít, nhưng chúng rất tự tin và chủ động, cứ cách một vài đêm lại nghe chúng bắc loa lên chửi và dụ hàng. Ngay giữa ban ngày chúng vẫn cầm cờ chạy khơi trong các phum sóc vì biết chúng tôi chẳng dám ra khỏi trại.

    Đói và khát nên tôi chẳng còn hơi sức đâu mà nghĩ tới chuyện trả thù cho Mộc Hương. Mỗi một ngày qua, tôi chỉ mong sao được sống thêm một ngày. Mà là một ngày có cơm ăn nước uống đầy đủ, chỉ vậy thôi. Không Đảng, không Bác, không thằng tây đen nào nữa xía vô. Tôi không ngờ cuộc đời tôi cứ xâu chuỗi những mất mát, những khổ đau triền miên đến như vậy. Từ mất mẹ, mất chị, đến mất vợ mới cưới và giờ là sắp mất mạng. Đã mấy lần tôi chết hụt. Chết vì sốt rét, vì bị thương, vì thiếu nước đến nỗi phải liếm sương trên lá cây.

    Kể ra tôi chịu đựng cũng khá giỏi. Nhưng so với những chiến binh già trong trung đội thì chẳng thấm vào đâu. Nhiều người chẳng những mất cha mất mẹ mà còn mất cả vợ con, nhất là mất con, thì cái nỗi đau ấy họ bảo không núi nào cao bằng. Cũng như không biển nào sâu bằng nỗi đau của dân tộc Campuchia, họ bị chính những người cùng chung một dòng máu cướp đi mạng sống của hàng triệu khi Khơ me đỏ nắm quyền và tiếp tục bị giết hàng triệu khi chúng không còn quyền. Đêm đêm trong các phum sóc vẫn có những con người khổ nạn bị đập chết bằng đai cuốc, bị cắt cổ bằng rựa cùn, vì bị nghi ngờ là tay sai cho bọn Guôn khát máu, tức là chúng tôi. Cho nên, dưới cái nhìn vừa sợ hãi vừa hận thù, chúng tôi không phải là những người giải phóng mà là những kẻ xâm lược, là cái cớ để Khơ me đỏ hoàn thành công cuộc diệt chủng của chúng.

    Một năm sau, chúng tôi bỏ lại trên vùng đất khắc nghiệt nơi xứ người hơn ba chục xác của đồng đội, những người chưa kịp hưởng hòa bình sau hơn 20 năm chiến tranh đã bị ném vào một cuộc chiến vô vọng khác. Những xác thân đó phần lớn an táng trong bụng thú rừng, chim ăn xác thối, chỉ còn lại những bộ xương rã rời lăn lóc đâu đó không được chôn cất, vì những người sống sót lo giữ cái mạng mình chưa xong có đâu lo phần mộ cho người chết. Sau này rộ lên những cuộc kiếm tìm bằng ngoại cảm, làm tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và nước mắt của người thân, nhưng thực ra chỉ có một vài bộ hài cốt may mắn về lại được quê nhà, còn hàng trăm hàng ngàn là những nắm xương súc vật được dán nhãn người này người nọ. Sống bị dối gạt đã đành mà chết rồi còn bị dối gạt thêm lần nữa!

    Thực tình thì tôi không yêu người đến mức phải gói ghém cái nắm xương của đứa bạn xấu số bị giết khi đi lấy nước. Anh ta được cho là đi lạc trong rừng, thực ra bị mìn cắt cụt mất hai chân và bị đồng đội bỏ lại. Phải nói là rất đáng hổ thẹn, nhưng cũng nên thông cảm cho họ, vì vừa phải mang nước về cho cả trung đội vừa phải giữ mạng sống của chính mình trong khi địch đang săn đuổi. Anh ta lê thân mình vào một bụi rậm, nằm đó cho đến khi chảy hết máu thì chết. Xác anh ta không bị thú rừng ăn nhưng chắc là bị kiến, chúng đã thu dọn hết phần thịt thối rữa chỉ còn lại phần xương khô cứng nhẵn bóng. Trừ hai xương ống chân, tất cả còn lại nằm trong bộ quân phục bạc màu với cầu vai hãy còn ngôi sao vàng.

    Tôi mang tất cả về trại. Tôi cũng không báo cáo lên ban lãnh đạo, chỉ lặng lẽ cất dấu trong ba lô. Tôi hành động như vậy vì bức ảnh đã ố vàng anh chụp chung cùng với mẹ. Nhìn thấy bà, tôi nghĩ đến mẹ tôi và tôi tin một ngày nào đó, dù rất đau đớn nhưng khi được tôi trao lại chắc bà cũng mừng.

    Chúng tôi được biên chế vào một đại đội khác, gom lại từ những trung đội bị mất quá nửa, không đóng quân trên núi nữa mà đóng ở gần Nông Pênh để bảo vệ hoàng cung. Lúc này vua Miên đã trở về nước sau khi tị nạn ở Tàu. Vua là ngọn đèn le lói giữa đêm tối mịt mùng. Người dân Miên hoảng loạn, ngơ ngác đã có thể nhìn thấy chút ánh sáng ở phía bên kia của bờ hy vọng. Cả thế giới cũng đang gây sức ép để cái anh hàng xóm không thân thiện phải rút về. Chuyện đó cũng phải mất đến cả chục năm sau. Nhưng tôi, thêm một năm nữa trên đất Chùa tháp cũng đã hết hạn nghĩa vụ, được cho phục viên.

    Người đầu tiên mà tôi cần đi tìm ngay là người mẹ của anh bạn đồng đội. Có làng, có xã rõ ràng nên tôi tìm không khó. Chỉ mất một vài giờ đi xe lửa là tới. Có lẽ không có nơi nào nghèo và buồn như ở đây. Đất không mưa bạc phếch, chỉ có cỏ dại và cây bàn chải, những con bò ốm lòi xương và những con cừu, thật là một giống cừu kỳ lạ, chúng ăn bàn chải thay cỏ.

    Người đàn bà tôi gặp, nói trộm sau lưng bà, cũng ốm như những con bò và cũng buồn như những con cừu. Anh ta là con trai độc nhứt của bà, sinh ra và lớn lên ở đây, nên bộ hài cốt mà tôi mang theo cũng nhẹ tênh.

    Khi thấy tôi mặc đồ bộ đội bà mừng hụt, tưởng con bà đã về. Bà hỏi: “chú biết thằng con tôi chớ?”
    “Dạ biết”
    “Thế sao em nó chưa về?”.

    Thật khổ tâm cho tôi khi sắp phải trao cho bà bộ hài cốt. Tôi ngần ngừ một lúc rồi đánh trống lảng.
    “Nhà mình nuôi cả bò và cừu hả bác?”
    “Không phải đâu, chăn cho người ta đấy”

    “Bác trai đâu hả bác?”
    “Ổng đạp phải mìn, cụt cả hai chân nằm trong kia!”

    Đến nước này, tôi chỉ muốn chào bà, đem nắm xương của anh chôn ở đâu đó, chứ không thể trao cho bà thêm một nỗi đau nào nữa. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, bà sẽ còn đau khổ hơn nếu cứ phải sống trong chờ đợi mỏi mòn.
    Tôi nói: “Thưa bác, biết là bác rất đau lòng, nhưng đây là một phần xương cốt của anh ấy cháu cố mang về từ Campuchia. Cháu xin trao lại cho bác!”

    “Chú nói gì? Áo quần của nó hả? Mang về làm gì?”
    “Dạ, không chỉ có áo quần, còn có…”

    “À, biết rồi, còn có chén bát và bình toong nữa chứ gì?”
    “Dạ, khó nói quá, là …của anh ấy nữa!”

    “Cảm ơn chú đã đem về. Đồ đạc nó đây, còn nó đang ở đâu? chắc là nó bỏ xác bên đó rồi phải không?”
    “Dạ, ảnh đây”, tôi đành phải mở ra.

    Khi thấy cái hộp sọ và những chiếc xương đã vàng xỉn, bà ngơ ngác:
    “Là con tui đây à? Sao mà tội nghiệp vậy hở con!”. Bà ôm tất cả vào lòng, khóc không thành tiếng.

    Ngày hôm sau chúng tôi làm lễ an táng cho anh, chính quyền có đem đến một lá cờ. Nhưng bà không chịu, cởi ngay chiếc áo đang mặc phủ lên chiếc quách. Không có kèn vĩnh biệt, chỉ có tiếng còi của một con tàu đang chạy ngang qua, vang lên thê thiết. Khi mọi người về hết, bà ôm lấy tôi, khóc.
    “Giờ ta coi cháu như con. Lâu lâu nhớ ghé về thăm mẹ nghe!”
    Tôi “dạ!”

    Nhưng rồi tôi không giữ được lời hứa.

    Bạn biết rồi đấy, tìm một người không rõ mặt mũi, không nhớ họ tên, không biết quê quán thì biết tìm đâu cho ra. Trầm còn dễ tìm vì nhờ có ngải, Mục Kiền Liên nhờ có Đức Phật, còn tôi chỉ có mỗi cái chữ hiếu cùng với nỗi ân hận đã dại dột đi theo cái gánh xiếc bậy bạ thuở nào. Nhưng tôi tin rồi sẽ có ngày gặp mẹ, tôi tin không chỉ có mỗi tôi đi tìm mà còn có bà, cũng đang trôi dạt đâu đó để tìm con. Khi hai người đau đáu đi tìm nhau thì thế nào cũng sẽ gặp được nhau, không sớm thì muộn.

    Có thể một buổi sáng, một buổi trưa hay một buổi chiều, ở một nơi nào đó, có một người đàn bà cứ đi theo riết tôi, rồi đến gần xin cởi áo cho xem cái này chút, những cái nốt ruồi nhiều như đậu đen ở trên ngực của tôi ấy mà, rồi ôm choàng lấy tôi mà khóc sau khi đã đếm đủ 19 cái.

    Còn nhiều thứ khác nữa mà một người mẹ có thể nhận ra đứa con của mình. Từ một cái xoáy trâu ở trước trán, từ con mắt hơi bị lé, từ cái chân vòng kiềng… và cũng từ một tiếng gọi thầm nào đó chỉ có người mẹ mới nghe ra được. Như thế, nhiều khi còn hiệu nghiệm hơn cả ngải, linh ứng hơn cả Phật, nên mẹ tìm con dễ dàng hơn con tìm mẹ.

    Tìm mẹ, nhưng không thể nhịn đói mà đi tìm, tôi phải kiếm việc làm để sống. Là một cựu chiến binh, may mắn không bị thương tật, nên tôi tìm việc không khó. Cạo mủ thì thôi không cạo nữa, cái chết tàn khốc của Mộc Hương khiến tôi không thể nào làm cái việc mà mỗi nhát dao như cứa vào lòng tôi. Việc mà người ta cần và thích hợp với một anh lính vừa giải ngũ là bảo vệ. Tôi đóng bộ coi cũng ra dáng lắm và được cho đứng gác trước một ngân hàng.

    Có đứng đây tôi mới biết trên đời không chỉ có những người nghèo như mẹ của bạn tôi, mà còn có rất nhiều kẻ giàu, quá nhiều kẻ chở cả bao tiền đến gửi hay rút ra từng bó bạc lớn cần phải có nhiều người hộ tống. Họ là những chủ cửa hàng, những công ty này, những nhà xuất khẩu nọ, những kẻ mới phất lên sau thời kỳ đổi mới, có nghĩa những tư sản cũ bị đánh gục thì lại có những lớp tư sản mới mọc lên. Thời nào cũng có người giàu của thời đó. Trước kia giàu vì chiến tranh, vì buôn đồ Mỹ, giờ giàu vì nhờ chức nhờ quyền, nhờ chạy mánh, nhờ trúng đất, trúng thầu.

    Tôi thực ra không bảo vệ được ai, chẳng qua đứng đó để tăng thêm cái vẻ bề thế, uy lực của tòa nhà có treo biển ngân hàng vậy thôi. Dĩ nhiên không cách gì tìm được mẹ trong số những con người ấy. Mà cũng chẳng có ai trong số họ để mắt tới tôi, ngờ rằng có thể là con của họ đang đứng kia. Dòng đời cứ trôi đi, đây là khúc quanh mà của cải cứ tới lui lượn lờ như những bọt nước.

    Rồi tôi cũng phải làm lại cuộc đời. Tôi yêu hay tưởng rằng yêu một người con gái khác. Nàng kém tôi hai tuổi, không đẹp nhưng khá xinh, lại là nhân viên của ngân hàng. Xét về thứ bậc trong xã hội, nàng hơn tôi nhiều bậc, nên có nhiều tiếng xì xào chê không xứng đôi. Nhưng nàng nửa đùa nửa thật, bảo: “sau chiến tranh mà kiếm được một người chồng nguyên lành là khó lắm!”.

    Thế ra cái giá của tôi là còn có đủ tay chân trong khi đầy ra đấy những kẻ què cụt, hậu quả của hai cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước. Bề ngoài thì tôi không thương tật gì, nhưng bên trong tức là cái tâm hồn tôi đấy, lại có một vết thương không bao giờ lành. Nàng không biết đã đành mà chính tôi cũng không ngờ.

    Đêm động phòng tôi chỉ ngồi hút thuốc và uống rượu khan. Vợ tôi trong bộ đồ ngủ thơm tho ngọt ngào là thế, nhưng khi gần nhau, tôi lạnh mình thấy nàng chỉ là một cái xác không đầu!

    Xác của Sơn Mộc Hương!

    Đêm sau, rồi đêm sau nữa, cố gắng lắm tôi cũng chỉ dám ve vuốt, hôn hít nàng chút đỉnh rồi thôi. Nàng thở dài: “có phải anh bị thương ở…?”. Tôi đành ậm ừ: “có lẽ!”.

    Chúng tôi chia tay nhau sau nửa năm. Ngần ấy cũng đủ cho vị đắng thấm sâu vào cuộc đời của cả hai. Nàng mang tiếng là đã qua một đời chồng mà hãy còn trinh, còn tôi nặng trĩu một nỗi đau thầm kín. Tôi không còn dám gần ai, yêu ai được nữa. Tôi sống phất phơ cho qua ngày, làm đủ nghề mà chẳng ra nghề gì. Đã có lúc quá buồn, tôi muốn đi tu.

    Tôi mon men đến chùa, muốn được gần các nhà sư để học cách thoát khỏi khổ đau. Nhưng dường như các vị tìm đến chuông mõ không phải để giải thoát mà để ràng buộc thêm. Chùa, chỉ mong chùa to và đẹp. Bổn đạo chỉ cần đông và giàu. Các vị cũng ngấm ngầm tranh nhau chức nọ chức kia không khác gì các quan ở ngoài đời. Đêm cứ ngủ kỹ, có băng cát xét thay các vị tụng kinh gõ mõ. Trong mơ các vị không thấy Niết Bàn mà chỉ thấy hòm công đức mở ra đầy ắp tiền.

    Nhưng mẹ tôi, một người tuyệt vọng vì không tìm thấy con, có thể tìm đến Đức Phật để được an ủi. Nghĩ thế nên tôi tìm đến các tịnh xá của ni sư. Biết đâu trong số các bà vãi mặc áo già lam kia có mẹ của tôi. Chùa của sư nữ thanh tịnh và nghèo hơn chùa của các sư ông. Có vẻ họ đã tìm được, hay gần như tìm được sự giải thoát cho riêng mình, nên họ vui vẻ bận rộn với những bữa ăn từ thiện cho những người nghèo đói không nơi nương tựa.
    Có một người đàn bà tôi tưởng không bao giờ gặp nữa mà lại gặp. Đó là người mà trong gần 10 năm tôi phải gọi bằng “má”, người tưởng tượng cái bụng bầu của mình là một cái bình đựng đứa bé đã biết đi biết chạy. Thực tình mà nói thì bà không hề ác với tôi. Bà có la mắng đấy, đôi lúc đánh đập nữa đấy, nhưng bà không như ông chồng tàn bạo của bà. Tuy nhiên, cái cảnh bà nhào vô xé hết áo quần của chị Mị Lan, vẫn khiến cho tôi kinh hãi mỗi khi nhớ tới.

    “Ê, Nhi! ai cho mày vào đây?”
    “Dạ thưa, con vào thăm má!

    “Bậy! má con gì nữa! Tìm mẹ phải không?”
    “Dạ!”

    “Không có đâu. Chỉ có những người tội lỗi như tao chứ mẹ mày tội gì mà vào đây!”
    “Dạ, thử tìm đại, may ra!”

    “Lớn dữ a! vợ con gì chưa?”
    “Dạ chưa”

    “Có gặp bả, cho tao xin lỗi, ngay cả mày nữa. Thôi đi đi!”
    “Dạ, bà ở lại mạnh giỏi”

    Thế đấy, cuộc đời mà tôi biết lại có những chuyện ngược đời như vậy. Tôi tin là đã bay đi những cơn ghen cuồng nộ trong lòng bà.

    Tôi cũng có xuống Cà Mâu, ra tận chỗ giống như cái lưỡi cày trên bản đồ của tổ quốc. Chỉ thấy ba mặt là biển lao xao sóng vỗ.

    Đây là nơi cuối cùng của đất, còn ngoài kia, là nơi cuối trời! Như thế, dẫu có đi ra biển và đi hết biển cũng không tìm được mẹ, thì thôi quay về tìm lại nơi bà đã sinh ra tôi.

    Nhớ có lần chị Mị Lan bảo “tao nhớ cái chỗ mày ở có nhiều tháp lắm, lại có cốm nữa, mày đã cho tao một miếng cốm rất ngon”. Thế là tôi đi ra miền Trung, nơi có những ngọn tháp không biết chờ ai mà cứ đứng mãi trong nắng mưa đến cả ngàn năm.

    (còn tiếp)

    Comment


    • #3
      3. Xiếc của mẹ


      3, Xiếc của mẹ

      Con đường đất mà người bộ hành xa lạ đang đặt những bước chân bồi hồi, giống như một con trăn dài bất tận, nó lặng lẽ trườn mình qua những thôn xóm với những cau, những chuối, những rặng tre, những mái nhà… tưởng chừng là giống nhau nhưng có ở quê ra mới biết mỗi làng mỗi khác. Chẳng những khác về mức độ giàu nghèo, về phong tục tập quán, mà còn khác về cái mùi vị rất riêng của từng làng. Không phải mùi hoa bưởi hoa cau trong những đêm trăng, cũng không phải mùi trầm nhang trong những ngày tết, mà có khi là mùi bột chua chua của những lò bánh tráng, mùi hèm nồng nồng của các lò rượu, mùi đậu chín thơm béo của các lò ép dầu…

      Làng, ông không còn nhớ tên, nhưng nhớ nó nằm cạnh một con sông mà hàng tre chạy theo ven bờ lúc nào cũng rì rào lá rụng. Thời gian bạc bẽo gần như đã xóa mờ đi tất cả chút ký ức mơ hồ của ông, ngoại trừ cái mùi mật đường của những lò cốm trong làng, một mùi đậm và gắt như mùi của những xóm vạn làm nước mắm, nhưng ngọt ngào và thơm tho hơn.

      Khi nghe cái mùi không thể nào quên ấy, ông tin là đã về tới làng của mình.

      Ông bước vào một hàng quán thấp đến nỗi phải cúi gần như sát đất mới chui vào được. Bà chủ quán, mà tuổi già và cái sự nghèo cũng giống như mái tranh mục nát, đang ngồi cời lửa bên cạnh ba ông táo bằng đất cùng đội trên đầu một cái om lọ nghẹ đen xỉn. Không cần hỏi cũng biết khách cần gì, nên bà liền đặt một chiếc bát sành trên cái chõng tre, với lấy cái gáo múc nước lạnh trong vò đổ vào chừng nửa bát, rồi dùng một cái kẹp bằng tre nhấc cái om đang sôi rót xuống long tong một thứ nước màu cánh gián. Bọt sủi lên tràn vun miệng bát, thơm mùi lá khô gọi là chè, vừa đủ chát để làm miệng bớt đắng và vừa đủ ấm để trôi qua cổ họng.

      Thay vì, như những khách đường xa, bưng bát nước lên thổi bớt bọt rồi nín thở uống cạn một hơi, khà một tiếng, lại chìa bát ra cho bà rót thêm bát nữa thế mới đã khát, thì ông cứ ngồi nhìn những bọt trắng chậm rãi tan đi như bọt xà phòng. Có điều gì đó gần như niềm xúc động, vì đây là lần đầu tiên ông uống một bát nước chè, mà lại là bát nước chè mộc mạc của nơi chôn nhau cắt rốn.

      “Uống đi kẻo nguội, mất ngon”, bà chủ quán giục.
      “Ờ, bà cho xin thêm miếng cốm”.

      “Cốm bắp hay cốm gạo?”
      “Cốm gì cũng được”.
      “Cốm bắp nghe, còn răng ăn cốm bắp ngon hơn”

      Ông nhìn bà, hơi bất ngờ vì lời khuyên thật thà của một người mà hai hàm răng chỉ còn trơ hai cái lợi. Thực ra ông cũng chẳng còn đủ răng, nhưng nghe lời bà ông cũng cố mà nhai và cũng là lần đầu tiên ông thấy còn răng ăn cốm bắp ngon hơn, vì ngoài mùi vị ngọt thơm ông còn nghe thấy tiếng kêu rào rạo của những hạt bắp vỡ ra dưới những chiếc răng còn khỏe mạnh.

      Ông ăn hết miếng cốm, uống cạn bát nước, định lân la hỏi thăm bà về người mẹ mà ông chỉ còn nhớ loáng thoáng hai hàm răng đen bóng sáng lên mỗi khi cười. Đúng lúc ấy, bà lão hỏi: “ngó bộ, chú không phải người quanh đây?” Ông định buột miệng: “tui là người của làng này mà”, nhưng cứ nghe cái giọng lúc nào cũng nẩy tưng tưng như những đồng bạc cắc rơi trên mặt đá khác hẳn với cái giọng bè bè ngang ngang của mình, ông nói:
      “Ờ, không phải, tui ở nơi khác tới”.
      “Thăm bà con hử?”
      “Ờ, thăm bà con”, ông đáp lửng lơ.

      Ông định nói “tui đi tìm mẹ”, nhưng chẳng biết mẹ tên gì, cao thấp ra sao, cùng lắm là phải biết vợ của ai, làm ông gì bà gì, chứ nói khơi khơi thì đố ai mà biết được, nên ông chỉ ngồi im nhìn bà lão, tự hỏi không chừng đây là mẹ của mình chăng? Ờ, biết đâu đấy, ông nghĩ, mẹ mình chắc cùng lứa tuổi với bà và ước chi bà là mẹ của mình, ông sẽ quỳ xuống bên cạnh, nắm lấy bàn tay nhăn nheo của bà mà nói, “con đây mà mẹ!”

      Cũng có thể nãy giờ bà ngờ ngợ sao đó, cố đem cái hình ảnh của đứa bé đã mờ đi quá nhiều vì năm tháng ra so với người đàn ông đang ngồi trước mặt, rồi chợt mếu máo hỏi: “có phải chú là…là con của tui phải hôn?!”.

      Nhưng chẳng có dấu hiệu nào báo trước một cuộc đoàn tụ đầy nước mắt, bà chỉ lặng lẽ cầm lấy bát úp lên chỗ cũ, tắt bớt lửa trong bếp, rồi lấy cái cối giã trầu ra ngồi ngoáy như thường lệ. Ông đành đứng dậy trả tiền, ra khỏi quán, tiếp tục bước đi.

      Lúc này đang vào giữa Ngọ, trời nắng chang chang, cái bóng của ông như một bãi hắc ín xê dịch giữa hai bước chân. Vào giờ này mà đi như thế, ông giống như một lão thợ hoạn, chỉ khác là không có tiếng rao heo thiến hôn? mà cái tiếng “thiến” lúc nào nghe cũng lạnh và sắc như con dao.

      Giờ là lúc những nong bắp phơi trước mọi nhà đang nóng rực lên, chờ được đổ vào những chiếc chảo rang. Bắp nóng gặp cát nóng liền đồng loạt nổ bung, cho ra một thứ gọi theo tiếng nhà nghề là “nổ”, trắng và thơm như bông bưởi. Ông nhận ra mình đã từng nghe tiếng nổ rào rào ấy, từng hít thở cái mùi thơm của nắng, của gió, của đất và cả mùi mồ hôi của mẹ trong những năm đầu đời. Nhưng người đàn bà nào trong làng này là mẹ của tôi? Và, trong số những mái tranh nghèo này, mái tranh nào là mái nhà của mình? Những câu hỏi bật lên một cách vô vọng khiến mắt ông như mờ đi.

      Cuối cùng người khách lạ cũng tìm ra được ngôi nhà của mẹ mình, phải nói là nơi đã từng là nhà của mẹ thì đúng hơn vì chỉ còn trơ lại cái nền nhà với cỏ vàng hiu hắt. Khi ông bảo mình là đứa bé năm xưa theo mẹ ra chợ rồi đi lạc thì có một người già như bà lão đổi nước, nói: “vậy hả?, hồi đó trong làng xao xác dữ, té ra chú mầy là thằng Quạ đó sao?”, ông gật đầu và mơ hồ nhớ lại cái tiếng mẹ kêu “Quạ ơi, Quạ ơi, về nhà ăn cơm” vang lên văng vẳng, mà tiếng “ơi” bao giờ cũng ngân dài tha thiết.

      “Chao ơi! bà ấy chết lên chết xuống! Ai cũng nói chắc là nó bị bắt bỏ vào bình để ngâm rượu, nghe nói thế sao mà không chết ruột chết gan!”.
      “Rồi sau đó mẹ tôi ra sao?”, ông hỏi thêm.

      “Thì bả lặn lội đi tìm chớ sao. Ban đầu là hỏi ông Sáu chèo đò, ổng bảo là có chở nó cùng với vợ chồng thằng cha hát xiệc. Sau đó bả đi coi thầy, thầy nói đại nó chưa chết đâu, bả cũng mừng”

      Dừng lại bập bập điếu thuốc vấn bằng lá chuối khô, ông già nói tiếp: “Rồi bả bỏ cái chỗ này mà đi, chắc là đi tìm chú mầy chớ đi đâu, nhưng tận trong cái xứ Cà Mâu xa xôi, chắc gì tìm được! Còn chú mầy sao mãi bây giờ mới về? Muộn quá rồi!”.

      Ừ muộn quá rồi! Từ khi đặt bước chân ở đầu làng, ông lờ mờ cảm thấy cái ngày trở về của mình đã quá muộn. Ông đứng nhìn những tàu lá chuối gió thổi te tua, nhìn lên nền trời bàng bạc, cố hình dung cái dáng hớt hơ hớt hãi của mẹ mình bương bả đi tìm con, thấy búi tóc mẹ sổ ra, thấy chiếc nón không đội trên đầu mà cầm trên tay, thấy đôi bàn chân không giày dép, hai gót chân nứt nẻ bám đầy bụi…

      “Mà bả không bỏ đi lúc đó, ít năm sau cũng phải bỏ đi thôi”, ông già lại trầm ngâm tiếp tục câu chuyện của xóm làng trong đó có chuyện của chính mình, “làng bị thả bom cháy sạch trơn không còn cái nhà nào, bà vợ tui, tội nghiệp cũng bị chết thảm!”. Có dịp nhắc lại chuyện cũ, mắt ông đỏ hoe nhưng cũng chẳng còn giọt nước mắt nào để làm cho nó dịu bớt.

      Ông đứng lên, “thôi tui về, chú mầy chắc còn ở lại lâu, bữa nào ghé lại tui chơi.”.
      “Dạ, cụ về, cảm ơn cụ đã cho cháu biết ít nhiều về mẹ cháu.”
      ”ờ”, ông vẫn còn nấn ná, “bà ấy cũng tội nghiệp lắm, hết khổ vì chồng lại khổ vì con!”

      Thế ra mình cũng có một người cha làm khổ mẹ như mình! Mình thì ham chơi mà đi lạc còn cha mình thì sao? Ông nghĩ rồi sẽ hỏi lần ông cụ, lâu nay ông chỉ nghĩ tới mẹ, mà quên mất mình hãy còn một người cha cũng cần phải nghĩ đến.

      Ông tính mình sẽ mua tranh tre, cất một ngôi nhà nhỏ. Không gì quý hơn là có một mái nhà ngay tại nơi chốn mình đã sinh ra. Chính trên mảnh đất già cỗi này, cha mình đã cầm lấy cuốc ra góc vườn, đào lỗ đặt một cái nồi đất trong đó có đựng nhau của mình. Nó tuy không còn dính với khúc ruột, nhưng nó chưa chịu lìa xa, chưa chịu mất hẳn, nó hãy còn đâu đó và nối với mình bằng một dây rốn dài, nên chi, khi ông già nói “đây là vườn nhà của chú mầy”, thì tự dưng lòng ông nôn nao, tưởng chừng như mỗi cọng cỏ, mỗi lá cây đều có chút gì hơi hướng của ông.

      Những ngày sau, khi phát cỏ dọn vườn ông bắt gặp một cái chảo gang đã bị vỡ, chảo rất to dùng để thắng mật trộn bắp, một cái nồi đất cũ để nấu cơm có con cóc làm hang ngồi trong đó, một con dao đã rỉ sét, mấy cái chén sành sứt mẻ. Ông cẩn thận lau chùi để qua một bên, hơi buồn khi nghĩ rằng đây là gia tài của mẹ. Rồi ông lại nhặt được một con dao găm, mấy hạt nút bằng đồng có hình mỏ neo, một khung ảnh lồng kiếng ố mờ, ông tin chắc là của cha mình xúc động đến muốn khóc, nhưng khi mở ra chỉ thấy lẫn lộn một thứ bột xam xám như tro chứ chẳng có hình ảnh nào cả.

      Có mấy người bảo là bà con nghe ông về tới thăm, rồi giúp ông làm nhà. Một người là cậu họ, một người là em bạn dì, chẳng có ai là người bên nội. Hóa ra đây là quê ngoại, mảnh đất này là của ông bà ngoại cắt cho con gái, mẹ ông đã ở đây sau khi không sống được với chồng.

      “Sao vậy?”, ông hỏi.
      “Thì ghen chớ sao! Cha mầy đi lính Tây, hết giặc đem theo về một con đầm lai, ở sao nổi!”.

      “Dạ cháu biết có nhiều người hai ba vợ mà vẫn ở chung”.
      “Ở thì cũng được, nhưng phải hầu hạ nó như đầy tớ, chịu sao nổi!”

      “Bà đầm ấy chắc đẹp?”
      “Ờ, cũng đẹp và nó nghĩ rằng mình đẹp nên nó bắt ai cũng phải hầu hạ nó, kể cả chồng, cha mẹ chồng chứ không riêng gì mẹ mầy”.

      “Thế, ông già của cháu giờ ở đâu?”
      “Ở trong mả chớ còn ở đâu nữa. Hồi đó mà, dính tới Tây và Nhựt là bị giết!”

      Người cậu họ ngần ngừ một lúc rồi thở dài, nói:
      “Ông già mầy chắc cũng còn thương mẹ mầy, nên xác nằm trong bao bố rồi mà hồn vẫn cứ lẩn quẩn. Sáng hôm đó đứng giặt đồ dưới sông, mẹ mầy thấy một cái bao tấp vào chân không chịu trôi đi. Bớ làng bớ xóm kéo lên, mới tá hỏa thấy cha mầy nằm trong đó!”

      Những trang sách của đời ông cứ dần dần được mở ra, cho dù qua lớp bụi thời gian, nó như vẫn còn mới nguyên, ở đó mẹ ông, cha ông đã để lại những thứ mà không ai muốn, là những tai ương, những đắng chát làm của để dành!

      Ngôi nhà chừng 10 ngày đã làm xong, một cái nhà tranh vách đất. Bữa cúng mừng nhà mới còn có thêm ông cụ hôm nào. Cụ khen: “giỏi đấy, mới về mấy bữa mà đấ cất được nhà. À, có ông Bảy Quế đây, hèn nào cất nhà chẳng mau”. Ông Bảy Quế té ra là tên của cậu họ, giờ ông mới biết.

      Ông rót rượu vào chén của mọi người, trịnh trọng: “xin mời cụ, mời cậu, mời chú em, xin cảm ơn đã thương mà hết lòng giúp đỡ”. Ông cạn chén, mắt rưng rưng. Đây là chén rượu mà ông tưởng chừng như đựng đầy nước mắt. Phải chi là chén cơm của mẹ thì ngon biết chừng nào!

      Ông cụ cũng cạn chén nói: “Qua cũng mừng cho chú mầy, bị mẹ mìn bắt cóc mà nay vẫn tìm về được quê cha đất tổ là giỏi. Chớ mầy trôi nổi những đâu, vợ con thế nào rồi, mà nay về có một mình vậy?”

      “Dạ!”, ông đáp lời, “chuyện của cháu dài lắm, thì cứ biết cháu còn sống ngồi đây với cụ, với cậu và chú em này là quý lắm rồi, chuyện gì nữa thì để nói sau”.

      Ông Bảy Quế cũng nói thêm; “chắc là chuyện không vui, tôi cũng có hỏi nhưng cháu nó không nói, thôi uống đi anh Chín”.

      Ông cụ thứ chín cạn thêm chén nữa, ngồi trầm ngâm không ăn, ông nói:
      “Xứ này là xứ của Hời, ông bà mình nói, Hời nó đi để của lại nhiều lắm. Bao nhiêu là vàng bạc, châu báu, vua quan lấy hết đem về Bắc. Còn lại cái đất này, toàn rừng thiêng nước độc, thì dành riêng cho những kẻ tội đồ, những người bị án chém mà chưa chém. Họ bị đưa vào đây nếu không chết vì bị dân Hời giết thì cũng chết vì lao dịch. Muốn sống họ cũng phải giết người”.

      Ngừng một lúc, ông cụ lại thở dài:
      “Tổ tiên ông bà mình đấy, sống như thế bảo sao con cháu không buồn!”

      Tan bữa rượu, ai cũng bảo ông ráng kiếm một người đàn bà, đẻ vài đứa con để nối dõi. Ông cũng ậm ừ vậy vậy.
      Cái buổi trưa hôm đó đã quét ngang qua đời ông như một cơn gió lớn. Chẳng những nhổ bật hết mọi gốc rễ mà còn ném ông vào cái dòng đời xa lạ, với những thác những ghềnh, khác hẳn cái ao làng bé nhỏ và tĩnh lặng này.
      Giờ đây cái chợ quê nghèo nàn đã không còn, chẳng có gì làm chứng cho cuộc chia ly ngoài cái bến đò mà ông lái đã chết từ lâu. Trên khúc sông đó, nay vắt vẻo một cây cầu, nơi bọn trẻ ngày nào cũng chạy ùa ra nhảy tòm xuống tắm.

      Ông về tới làng đã gần tròn năm. Cây trái trong vườn cũng đã lên xanh. Đã ra vẻ một gia đình, nhưng chỉ có mỗi mình ông ra vào thui thủi.

      Ông hãy còn một người mẹ, thật khó mà tin rằng bà vẫn còn sống đâu đó trên cái đất nước nhiều đạn bom và bất trắc này, nhưng ông vẫn cứ thấp thỏm chờ.

      Một buổi chiều nắng đẹp, ông đang ngồi nhìn những đám mây trắng trên trời, bỗng có một người da đen đi vào sân. Đó là một người đàn bà chừng hơn 40 tuổi, da đen nhưng không đen lắm, dáng người vừa phải thon gọn chứ không to bè.

      “Xin cho hỏi, đây có phải nhà bà Lữ không?”
      “Ờ, à…phải, nhà của bà ấy” ông lúng túng “nhưng bà ấy không có ở đây”

      “Tôi biết rồi, bà ấy ở Mỹ!”
      “Ở Mỹ?”, ông hỏi lại như chưa tin vào tai mình.

      “Vâng, ở Mỹ. Và ông là Quạ?”
      “Ờ, vâng..vâng” ông bối rối. “nhưng mà cô là ai?”

      “Tôi là con bà ấy!”
      “Ơ! Và cha cô là…?” Ông nghĩ rất nhanh: sao lại như thế hở Trời, sao mẹ tôi đi lấy Mỹ mà lại là Mỹ đen!

      “Vâng, cha tôi là người Mỹ, nhưng không phải là giặc Mỹ! Ông ấy là một bác sĩ tình nguyện đến chữa bệnh sốt rét ở Cà Mâu. Ổng gặp một người đàn bà đi tìm con lưu lạc xuống tận dưới đó. Hai người lấy nhau ra sao tôi không biết, chỉ biết khi sinh tôi ra được một tuổi thì ổng bị giết. Việt cộng bảo là CIA!”

      Ông thở dài, định nói “cô cũng chẳng khác gì tôi, cả hai có cha cùng bị Vixi giết” nhưng kịp dừng lại.

      “Chúng tôi qua Mỹ theo diện con lai. Được 29 năm thì mẹ tôi mất.”

      Ngừng một lúc, nhìn ông, nhìn căn nhà, bà nói tiếp.
      “Chắc ông cũng mới về làng?”
      “Ờ, mới về”. Ông áy náy về cảnh nhà cửa trống trơn.

      “Mẹ nói, dễ tìm ra làng mình lắm, cứ nghe mùi cốm là tới đúng làng An Đông. Có phải là An Đông không?”
      “Phải!” Ông sực nhớ ra mình cũng mới biết tên làng.

      “Mẹ nhớ anh khóc miết. Gần chết thì khóc nhớ làng”.
      Bà ngừng nói, đặt vào tay người anh không cùng cha một chiếc hộp nhỏ.
      “Đây là tro của mẹ!”

      Gần như choáng váng, ông không thể ngờ là mẹ lại trở về tìm con trong chiếc hộp này. Ông ngập ngừng muốn mở ra xem nhưng lại thôi. Ông chỉ nhẹ nhàng ghì sát vào ngực, thầm kêu lên nho nhỏ: “Mẹ ơi, con đây mẹ!”

      Sau một lúc yên lặng, người em nói:
      “Mẹ dặn, nếu không gặp được anh thì rải tro xuống sông”
      “Rải xuống sông à?” ông vẫn chưa hết bàng hoàng.

      “Vâng, nhưng gặp được anh thì…“
      “Thì sao?” ông lo lắng hỏi.

      “Thì vùi đâu đó trong vườn”
      “Sao không đặt trong mộ?”
      “Mẹ muốn như vậy”

      Ông muốn đắp cho mẹ một ngôi mộ nhỏ, dựng bia, để rồi có những lúc buồn đến ngồi bên mẹ. Nhưng mẹ đã muốn không còn ai biết đến mình nữa, thì đành vậy. Ông nói:
      “Ờ, tôi, à anh sẽ làm theo ý mẹ”.

      Ông lấy cái nồi đất đã nhặt được hôm dọn vườn, đặt vào lòng nó chiếc hộp tro. Ngó ra vườn, thấy không có chỗ nào sạch và đẹp như khoảng sân trước nhà, ông liền đào ở đó một cái lỗ vừa đủ đặt cái nồi vào. Lấp xong đất, mỗi người cắm ba nén nhang.

      Trong khi mùi nhang hòa cùng mùi cốm thơm đến nghẹn ngào, họ chìm trong yên lặng. Hai người ngồi lại rất lâu, ngồi mãi cho đến khi nắng tắt hẳn trên sân.

      Bên ngoài có một chiếc xe đang chờ sẵn. Người em đứng lên chìa tay ra, ông hiểu ý nắm lấy.
      “Thôi chào anh, em đi!”

      Ông cũng nói: “Đi mạnh giỏi!”

      Còn lại một mình ông cố hình dung ra mẹ, nhưng chỉ thấy những hạt bụi cuốn sau xe bị gió thổi tung lên cùng với rác trên đường, cuộn tròn như đang làm xiếc.

      Tháng 12, 2015
      Khuất Đẩu


      - Hết -

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X