Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngoại giao Hoa Kỳ - Bơi vào chốn cũ

Collapse
X

Ngoại giao Hoa Kỳ - Bơi vào chốn cũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngoại giao Hoa Kỳ - Bơi vào chốn cũ

    Ngoại Giao Hoa Kỳ - Bơi Vào Chốn Cũ
    Nguyễn Xuân Nghĩa

    Nghỉ hè về, Obama lại đi từ đầu...


    Tháng Tám thường là "tháng trũng" khi các cường quốc dân chủ - đa số ở Bắc bán cầu - đều bận nghỉ hè. Tháng Chín mới là tháng lắm chuyện.


    Tại Hoa Kỳ, việc Tổng thống Barack Obama cùng gia đình đi nghỉ hè cũng được chú ý: ông đi nghỉ tựa như đi trốn cái nóng gay gắt của chính trường thủ đô với những trận phục kích và phản công sôi nổi. Khi trở về, ông phải nghĩ lại về tham vọng cải tổ chế độ bảo dưỡng sức khoẻ (health care) được chuyển sang cải tổ chế độ bảo hiểm y tế và đang đánh sụt niềm tin của dân chúng, về màn hỏa mù để làm dư luận lạc hướng là vụ bộ Tư pháp cho điều tra nhằm truy tố các nhân viên thẩm vấn của CIA - và thượng cấp của họ trong Chính quyền Bush nếu có thể được.


    Nhưng, ông cũng phải nghĩ lại về chánh sách an ninh và đối ngoại của Chính quyền ông. Thực chất là gì?



    ***


    Bất cứ một Tổng thống nào vừa mới nhậm chức tại Hoa Kỳ cũng mất từ vài tuần đến vài tháng để chỉ định ban tham mưu thi hành chánh sách đối ngoại của mình. Sau đó lên đường gặp gỡ các lãnh tụ thế giới và nêu ra một số đường nét chính của ngoại giao và an ninh Hoa Kỳ. Thế giới chờ đợi những chuyện ấy từ tháng Giêng. Qua tháng Chín thì đón chờ những điều chỉnh tác xạ của Tổng thống Mỹ sau bảy tháng học việc, học nghề. Hoặc sửa sai...


    Thế giới bên ngoài còn theo dõi chuyện rất Mỹ ở bên trong là cuộc tranh luận về kế hoạch cải tổ chế độ chăm sóc sức khoẻ. Hai chuyện trong và ngoài đều ảnh hưởng đến uy tín và khả năng lãnh đạo của Tổng thống, nhất là của Obama, một người có tham vọng làm thay đổi bộ mặt thế giới và cải tạo xã hội Hoa Kỳ. Nói chung, dư luận bên ngoài đã bắt đầu hoài nghi khả năng nội trị của Obama - kích thích kinh tế và cải tạo xã hội - nhưng còn hy vọng vào chủ trương đối ngoại được khen là mềm mỏng của ông.


    Sự thật có được như vậy không, hay Hoa Kỳ vẫn rơi vào chốn cũ và Obama sẽ tuột khỏi đỉnh ảo vọng?



    ***


    Khi tranh cử, Nghị sĩ Barack Obama triệt để đả kích chánh sách và phong cách đối ngoại của Chính quyền Bush, với thí dụ điển hình là cuộc chiến Iraq: một chiến trường do Bush chọn lựa: thiếu hậu thuẫn quốc tế và khinh thường đồng minh. "Quốc tế" ở đây là Liên hiệp quốc, "đồng minh" là hai nước Đức và Pháp tại Âu châu.


    Thực tế thì Hoa Kỳ huy động được bốn chục quốc gia gửi quân tham dự chiến dịch Iraq trong lực lượng đa quốc (MNFI) do các đơn vị Mỹ chỉ huy. Ngày nay, các nước đều lần lượt rút quân và lực lượng này sẽ trở thành lực lượng Mỹ (US Force-Iraq). Và ngược với chủ trương của ứng cử viên Obama, Tổng thống mới lại duy trì chiến lược Bush tại Iraq: tiệm tiến rút quân căn cứ trên tình hình tại chỗ và khả năng bảo vệ an ninh của chính quyền Baghdad. Ông lưu dụng Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates và Tư lệnh Quân khu Trung ương CENTCOM là Đại tướng David Petraeus để điều khiển việc triệt thoái này. Tranh cử và lãnh đạo khác nhau ở đó.


    Sáng kiến mới của Tổng thống phải được thấy tại chiến trường mà ứng cử viên Obama cho là "sạch" và có "chính nghĩa" quốc tế: Afghanistan. Vào cuối nhiệm kỳ, Bush muốn thử nghiệm chiến lược Petraeus tại Iraq, là dùng quân sự tìm giải pháp chính trị cho Afghanistan. Obama đẩy mạnh chiến lược đó với việc tăng quân. Khác biệt nếu có là Bush cố giữ thế thủ, Obama chuyền qua thế công nên đôn quân vào chiến trường này. Kết quả tất nhiên vẫn chưa ngã ngũ và sau cuộc bầu cử Tổng thống tại đây người ta bắt đầu nói về Afghanistan như vũng lầy mới của Obama. Một vũng lầy lan rộng tới Pakistan, và dư ba sẽ ảnh hưởng tới quan hệ của Mỹ với Ấn Độ và Trung Quốc, một nước lăm le đưa quân vào đấy để xí phần tại Trung Á.


    Khi tranh cử, Obama than phiền về quan hệ của Mỹ với hai đồng minh Đức và Pháp vì thái độ ngang bướng của Bush. Khi nhậm chức, ông muốn cải thiện mối quan hệ này. Mà không xong.


    Cả hai nước đều từ chối tăng viện cho chiến trường Afghanistan, riêng Thủ tướng Angela Merkel thì không che giấu được sự khó chịu của Đức với Tổng thống Mỹ, điển hình là dị biệt quan điểm về kích thích kinh tế và việc cứu nguy hãng xe Opel - doanh nghiệp Đức của tổ hợp General Motors vừa bị vỡ nợ. Hoá ra là quan hệ Mỹ-Âu không chỉ bị chi phối bởi thái độ ngang ngược hay hòa hoãn của Tổng thống Mỹ.


    Một cách nhìn khác là ở bên Liên bang Nga, Đức và Pháp không coi quan hệ với Hoa Kỳ là ưu tiên đáng kể. Một Tổng thống đầy tương kính với Âu châu như Barack Obama vẫn không xoay chuyển được thực tế thuộc về địa dư chính trị đó.


    Khi tranh cử và cầm quyền, Obama nhấn mạnh tới việc cải thiện quan hệ với Liên bang Nga - chuyện "reset button" - với ước mong đảo ngược xu hướng trước đó của Mỹ là thách đố quyền lợi Nga qua các cuộc cách mạng muôn màu đã thấy từ năm 2000 rồi 2004 và 2005. Xu hướng ấy khiến Vladimir Putin tổng phản công với chiến dịch tấn công Georgia năm ngoái và gây sức ép với Ukraine từ đầu năm nay. Việc cải thiện đó, do Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Hillary Clinton đề xướng và tiến hành, chưa mang lại kết quả.


    Ngược lại, Nga không muốn cải thiện quan hệ với Mỹ để trở lại tình hình từ 1991 đến 2001 là thời kỳ Putin cho là suy sụp toàn diện về kinh tế lẫn an ninh chiến lược. Khi Phó Tổng thống Biden thăm viếng Georgia và Ukraine trở về và trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal (ngày 25 tháng Bảy) rằng Nga đang và sẽ còn kiệt quệ nên chẳng có lý do gì mà đòi hỏi, ông đã bật lại cái nút của quan hệ đầy mâu thuẫn với Nga từ thời Chiến tranh lạnh - qua tới thời Bush.


    Đối sách mới của Chính quyền Obama với Liên bang Nga không vượt khỏi thực tế của quyền lực ở tại chỗ.


    Chính quyền Bush bị phê phán là quá tập trung vào chuyện khủng bố trong thế giới Hồi giáo mà ít quan tâm đến sự lớn mạnh đầy bất trắc của Trung Quốc. Thật ra, đối sách với Bắc Kinh của Bush chỉ là một nối tiếp của chủ trương "kết hợp có cảnh giác" cùa thời Clinton: tăng cường quan hệ kinh tế mà không gây mâu thuẫn chính trị. Chính quyền Obama cũng không ra khỏi nếp đó khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tránh nói đến nhân quyền và nhấn mạnh tới hợp tác kinh tế. Vụ Bắc Kinh đàn áp tại Tân Cương cũng không làm thay đổi đối sách này.


    Ngay cả khi Nghị sĩ Jim Webb báo động dư luận và Hành pháp về mối nguy Trung Quốc tại Đông Nam Á sau cuộc điều trần và chuyến công du tháng Bảy của ông, người ta cũng không chờ đợi nhiều thay đổi, ngoài việc giải toả dần chánh sách cấm vận với Miến Điện - và một số hợp đồng kinh doanh với xứ này hay với Việt Nam. Nhân danh an ninh, nhân quyền vẫn trở thành thứ yếu và chuyện làm ăn mới là thứ thật! Hoa Kỳ thời Obama vẫn mẫn cán làm ăn như thời Clinton hay Bush.


    Sôi nổi nhất trong đối sách Obama là với Cuba hay Iran và nói chung là toàn khối Hồi giáo sau diễn văn của Tổng thống tại Cairo ngày bốn tháng Sáu.


    Kết quả? Cuba và Iran đều cự tuyệt bàn tay rộng mở của Obama và Hoa Kỳ vẫn vận động quốc tế đòi hỏi Tehran chấm dứt kế hoạch hạch tâm - với kết quả rất mỏng mà ta có thể thấy trong tháng Chín này. Việc hăm dọa trừng phạt Iran để gây sức ép - như dưới thời Bush - sẽ lại không có kết quả, như cũ.


    Hệ quả của chiến lược dọa đánh để đàm với Tehran là gây khó cho một đồng minh chiến lược của Mỹ tại Trung Đông là Israel. Hoa Kỳ thời Bush và thời nay đều yêu cầu Israel chấm dứt định cư dân Do Thái trong khu vực sinh hoạt của dân Palestine trong khi vẫn trông chờ vào nguồn tin tình báo của Tel Aviv để canh chừng an ninh với Iran và tại Lebanon. Khác biệt nếu có là Israel hoài nghi chánh sách hoà dịu của Obama với Tehran nên lâu lâu lại bắn tiếng là có thể phải tự cứu lấy thân: giải quyết mối nguy nguyên tử của Iran, bằng quân sự.


    Chúng ta quay trở về chốn cũ.



    ***


    Thông thường, Tổng thống nào của Mỹ cũng có tham vọng vượt qua những giới hạn của đối lập hay người tiền nhiệm. Tới ngày tuyên thệ và nhậm chức, tân Tổng thống mới phát giác là thực tế vốn cứng đầu và ngày càng thông cảm với vị tiền nhiệm. Thực tế sở dĩ cứng đầu và khó xoay nên Tổng thống nào cũng phải thỏa hiệp khi ứng xử. Là người có tham vọng cao hơn kinh nghiệm, Barack Obama lại có thuật hùng biện nên tạo ra ấn tượng sai là ông có thể đi trên nước và đánh ngược sóng.


    Bảy tháng sau, người ta thấy ông cũng phải nương theo sóng - mà bơi. Những người chủ quan duy ý chí mà cứ đòi xoay ngược tình hình thì thường chết chìm và làm Tổng thống một nhiệm kỳ. Obama không muốn như vậy, nên sau lễ Lao động, ông sẽ ra khỏi bờ ảo vọng. Chỉ mong là khi ấy dân Mỹ không tuyệt vọng vì thành tích nội chính rất tệ của ông về kinh tế và xã hội mà còn thu hẹp khả năng xoay trở về ngoại giao của Tổng thống. Một kịch bản kém huy hoàng.


    Và một nguồn cổ võ đáng ngại cho các chế độ hung đồ...


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X