Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhưng anh đâu rồi

Collapse
X

Nhưng anh đâu rồi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhưng anh đâu rồi

    Nhưng anh đâu rồi
    Bùi Bích Hà

    Sau đợt nắng nóng hầu như lệ thường mỗi cuối Tháng Mười ở quận Cam, Nam California, buổi chiều Thứ Bảy, ngày 28, bầu trời một màu xám nhạt, gió hiu hiu se lạnh và nắng lụa tơ tằm bỗng dưng gợi niềm thương nhớ xa xôi. Tiếng bạn tôi hân hoan mừng rỡ bên kia đầu dây điện thoại, báo tin Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa sắp được trùng tu. Chị bảo tôi mở email để xem bản tin chính thức loan tải trên báo chí.

    Tôi làm theo lời chị. Bản tin cho biết sau nhiều cuộc vận động chính giới Hoa Kỳ của Sáng Hội Việt Mỹ (VAF) với Chủ Tịch Nguyễn Đạc Thành và ông Phạm Huy Khuê – một thành viên ban chấp hành của tổ chức, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam đã cùng đồng ý mở những cuộc thảo luận về việc trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, bắt đầu với chuyến viếng thăm đặt vòng hoa và dâng hương ở Nghĩa Dũng Đài của phái đoàn nhân viên Đại Sứ Quán Mỹ tại Việt Nam sáng 24 Tháng Mười.

    Bên cạnh nội dung bản tin, có bài thơ nóng hổi lệ mừng của bạn tôi, nhà thơ Trần Mộng Tú, nhan đề “Nhưng Anh Đâu Rồi:”

    Có một điều tốt đẹp sắp xảy ra
    những tan vỡ có bàn tay hàn gắn
    cỏ chết khô sẽ tìm về mọc lên
    cây gục ngã được mang trồng lại
    mỗi ngôi nhà sẽ một con số mới
    đường tới thăm anh đẹp như đường làng

    Nhưng anh đâu rồi em tìm không thấy?

    Nhang mới được thắp lên ngày hôm qua
    hương khói đó có bay vào mắt khép
    những lóng xương của anh còn đủ không
    chiếc thẻ bài còn mang mang thiên cổ
    rễ cây nào như nòng súng đâm ngang
    có xuyên qua những bức tường áo quan
    cho anh thêm vài ba thương tích mới

    Bao hứa hẹn cho điều tốt đẹp tới
    nước mắt nào rửa sạch những vết thương
    tình yêu nào băng bó hết tủi hờn
    ai nhớ thổi cho bay mùi thuốc súng

    Nhưng anh đâu rồi em tìm không thấy?

    Hãy đứng lên hãy chống nạng bước ra
    với bộ ngực gầy như chiếc lồng chim
    những chiếc nan xương có trái tim nhỏ
    trái tim khốn khổ vẫn đập nồng nàn
    trái tim anh vẫn đập nhịp bao dung
    giọt máu đỏ nhỏ trên mồ hoang phế.

    Nhưng anh đâu rồi em tìm không thấy?

    tmt


    Gần 43 năm đã trôi qua kể từ lần cuối tôi chạy xe qua khu nghĩa trang, nhìn bức tượng Tiếc Thương đặt ngay lối vào của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu với những nhát búa xuất thần chỉ thể hiện một lần trong đời người nghệ sĩ.

    Nay được thấy lại một phần nơi này trong loạt hình đăng báo, cỏ khô úa vàng bên lối đi, lá rơi gió vun thành đống xung quanh những nấm mồ rêu xanh, con đường đất bụi bay lên dưới gót giày, cây cối non trẻ năm xưa giờ thành rừng xanh ngăn ngắt…

    Đã hơn 40 năm nơi này tịch mịch. Không còn tiếng kèn đám ma. Không còn tiếng khóc. Không còn xô gai trắng toát trên đầu cô nhi và quả phụ xiêu đổ đi sau áo quan tử sĩ, những anh hùng vị quốc vong thân được tổ quốc ghi ơn.

    Bức tượng Tiếc Thương bị kéo sập ngay những giờ khắc “giải phóng” đầu tiên nhưng điều gì đã cầm chân những kẻ phá hoại không cho chúng bước vào Nghĩa Dũng Đài nên các kiến trúc xung quanh khu này còn nguyên vẹn, kể cả cái lư hương lớn không chút sứt mẻ, cũng không có cả chân nhang, ngày đêm đứng trơ gan cùng tuế nguyệt.

    Trong một chừng mực được chính quyền trong nước cho phép, có lẽ sáng hội VAF đã lui tới nơi này nhiều lần nên cảnh quan bớt phần hoang phế.

    Có lẽ không ai thực sự biết có bao nhiêu ngôi mộ đã được cải táng, hiểu theo nghĩa được thân nhân còn sống giúp “di tản” hài cốt để người quá cố không bị chết hai lần dưới “chế độ mới.” Những ngôi mộ thưa thớt còn lại có cái kiến trúc còn nguyên, tên người dưới mộ còn đọc được trên mộ chí và hình ảnh còn rõ nét, có cái phần trên mộ bị sụp hẳn hay sụp một bên, mộ chí chỉ còn lại một phiến đá nhỏ nét khắc phai mờ dưới tro bụi thời gian.

    Có điều rất lạ, trên cái màu hoen ố của vôi gạch cũ kỹ qua tháng năm không có bàn tay ai chăm sóc, những mảng rêu bám nổi lên xanh mướt như nhung xung quanh chân mộ, ở những khe nứt, bồi hồi nguồn sống linh thiêng, tươi trẻ, khiến mắt tôi khi chạm vào, bỗng liên tưởng mấy câu thơ Hữu Loan khóc vợ trong bài “Màu Tím Hoa Sim:” “Gió sớm Thu về, rờn rợn nước sông, đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng nhìn ảnh chị, khi gió thu về cỏ vàng chân mộ chí…” Tuy nơi này không có sông nước chảy nhưng dường như cùng với rừng xanh đang xào xạc thở giữa thâm u, rêu xanh cũng rờn rợn thở…

    Bạn tôi có cuộc tình đầu dâng hiến cho núi sông. Mỹ từ đã được khắc vào bia đá nhưng trong tận cùng nỗi đau tử biệt, chị khước từ mọi chia cắt trong lòng người: “Máu anh và máu địch, xin em cùng xót thương, tmt.” Sự chết đã thanh thỏa cho nhau nợ nần và tội lỗi thế gian, để chỉ còn hư vô. Để chỉ còn những bài học khôn ngoan và đớn đau.

    Tục ngữ nước ta có câu “Trăm năm bia đá thì mòn,” mặc dầu vậy, đối với riêng tôi, mọi nghĩa trang, dân chính hay quân đội, ở bất cứ đâu, đều nhắc tôi một phần liên hệ nào đó của chính mình, khuất lấp nhưng thường hằng, với nơi chốn ấy.

    Ngay cả những người chưa từng gặp gỡ hay quen biết, khi ra đi đều để lại một chút gì của họ trong cuộc sống chung trên mặt đất này, hình thành nền văn hóa chung của cả nhân loại và mọi người đều thừa hưởng lợi lạc từ kho báu lớn lao ấy, cách này hay cách khác, mà không ngờ.

    Người đi qua xe tang, ngả mũ chào để tỏ lòng tôn kính và biết ơn. Xe đi qua nghĩa trang, lặng lẽ không nhấn còi. Một phút giây chậm bước, một phút giây lắng đọng, để nghĩ về thân phận làm người, giúp chúng ta sống tỉnh thức và có ý nghĩa hơn.

    Sau hơn bốn thập niên, giờ đây, những lối đi quạnh hiu trong nghĩa trang lạnh lẽo nghe lại tiếng chân người, không gian thơm lại mùi nhang khói, rừng thấy lại hoa tươi và bạn tôi ngơ ngác thấy mình, trong giấc mơ dài, đi tìm lại người bạn đường ngày tháng cũ: “Nhưng anh đâu rồi em tìm không thấy?”

    Chị không hỏi cho riêng mình câu hỏi xé nát tim gan ấy, chị hỏi giùm cho tất cả những ai, trong mọi cuộc chiến tranh, có người thân yêu từng ra đi, hẹn về nhưng lỗi hẹn: “Anh bảo em đợi chờ rồi anh không về nữa! tmt”

    Thật ra, anh còn nơi nào để về ngoài trái tim em anh chưa bao giờ rời xa? Ngôi mộ không nắng mưa hư hoại, nghĩa trang không khói lạnh hương tàn, là tấm lòng của đấng sinh thành suốt đời cưu mang, của người vợ hiền can đảm sống giùm nhau cuộc đời ngắn ngủi.

    Cho nên, nghĩa trang là việc của người ở lại. Người đi trả nợ núi sông an nghỉ cùng một cách, hiển linh cùng một cách, trở về cùng một cách, bất kể trong poncho buồn hay trong hòm gỗ cài hoa hay vùi nông ở một nơi nào tưởng không còn vết tích.

    Như anh Nguyễn An Khang, số quân 68/144.681, loại máu B.Rh+, hy sinh tại chi khu Kiến Đức, tỉnh Đắk Lắk, di cốt vừa được anh Long, chị Nhung tìm thấy và loan báo trên mạng tìm thân nhân đón anh về. Họ đều là anh hùng được tổ quốc ghi ơn. Họ ở khắp nơi. Họ trong lá cờ tổ quốc, dẫu lưu vong, vẫn lồng lộng tung bay.

    Họ trong bài quốc ca vẫn được đàn con luân lạc hát lên bằng lửa trong tim và lệ trên mắt. Họ trên những tầng mây cao. Họ trên những đỉnh cây vi vu gió. Họ là mặt đất bình an dưới bước chân trẻ thơ chập chững đi. Họ trong nụ cười buồn vui của người vợ cũ, của người tình chưa kịp đeo nhẫn cho nhau nên nhớ thương khôn nguôi.

    Họ ở trên bàn thờ ấm áp dưới mái nhà của cha, của mẹ. Họ trong cả bát cơm, hớp nước có khi nghẹn ngào cố nuốt. Họ trong mỗi bàng hoàng thức giấc nửa khuya ở xứ người. Họ trong từng ngụm khí trời không mùi vị, không màu sắc, cần cho mọi hơi thở. Họ ở khắp nơi trên quê hương vẫn rừng vàng biển bạc. Lớn lao là thế, cao cả là thế nên họ ở ngoài mọi tranh cãi, kèn cựa, mặc cả một cái giá để vinh danh hay không vinh danh họ, chân thành hoặc giả dối.

    Bản tin sáng 24 Tháng Mười vừa qua khiến trái tim bạn tôi bồi hồi kêu đòi được trả lại một điều không ai có thể trả lại và bạn tôi, thật sự, cũng không cần ai trả lại vì bạn tôi chưa bao giờ mất. Đối với tôi, có lẽ đối với cả “Anh” ở một nơi nào đó trong vũ trụ bao la này, bài thơ viết trong hối hả của bạn tôi là tượng đài vinh danh lộng lẫy nhất, bền bỉ nhất, đáng quý nhất, là nước mắt đẹp như những hạt châu nhỏ xuống tách trà người vợ góa uống một mình không bao giờ cạn.

    Cảm ơn VAF đã kiên trì với nguyện vọng xây lại ngôi làng tử sĩ trên mảnh đất mà chính các anh hùng này, thuở bình sinh, đã đem xương máu thanh xuân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của người Việt Nam với quyết tâm nối chí tiền nhân.

    Người đi rồi không cần nữa nhưng người còn ở lại sẽ cảm thấy được an ủi và hãnh diện với một Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa có những con đường làng ấm cúng, yên ả, đẹp đẽ (như thơ Trần Mộng Tú) dẫn tới những ngôi mộ xếp hàng thẳng tắp (như ngày nào người dưới mộ cùng chiến đấu bên nhau, cùng rập bước bên nhau trong những cuộc diễn binh hào hùng, lẫm liệt).

    Về phía Hoa Kỳ, ít ra công việc trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa cũng là lời tạ lỗi tuy muộn màng, nhưng nước Mỹ không thể bỏ qua. Để trả lại các chiến binh Việt Nam (và gia đình họ) đã hy sinh trong một thời khoảng lịch sử nhiều oan khiên cho cả hai quốc gia, sự công chính xứng đáng với họ. (Bùi Bích Hà)

    Nguồn:https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-l...g-anh-dau-roi/


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X