Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ai mất, Ai được

Collapse
X

Ai mất, Ai được

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ai mất, Ai được

    Ai mất, Ai được


    hoànglonghải


    Ai mất?

    Khác với mọi năm, năm nay, tôi chờ đến ngày 30 tháng Tư, dành một khoảng thời gian nào đó trong ngày để xem thử mình sẽ nghĩ như thế nào về ngày 30 tháng Tư.

    Cũng may, buổi chiêu hôm đó, sau một mùa đông dài giá tuyết, trời có nắng ấm, tôi ngồi ở hiên nhà sau, nhìn trời, nhìn mây và thấy lòng êm ả. Tôi cố quên đi những gì làm nặng lòng tôi, những lời nói, những câu văn người ta thường gọi là “dao to búa lớn”, những gì giận dữ, thù hận, quyết liệt, một sống một chết, v.v…

    Và tôi thấy mọi người, người Việt Nam, người miền Nam, người có tham gia chế độ cũ, quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, gia đình tôi, cha mẹ anh em bạn bè tôi, tất cả, chúng ta mất mát quá nhiều, nếu chưa, - chớ không phải là không -, rằng mất tất cả. “Đất nước mất, mất tất cả.”

    Mất địa vị, mất quyền lợi, mất loon lá, điều có đó đáng chi. Đó là sự được mất thường tình của đời nầy. Có khi, không vì Cộng Sản chiếm miền Nam, trước 1975, không ít người trong chúng ta cũng mất mát như thường. Lên loon, bị lột loon; lên chức rồi mất chức, quyền lợi mất mát, nhà cửa, xe cộ mất mát, làm ăn thua lổ. Tất cả những cái đó, trước khi Cộng Sản chiếm miền Nam, ở miền Nam cũng đã có xẩy ra. Cứ cho đó là chuyện thường, và nếu như những thứ đó, không phải là do mồ hôi nước mắt của mình, không do tài năng của mình mà do bợ đỡ, nịnh hót thì cũng nên để cho nó mất. Người miền Nam bình dân có một thành ngữ khá hay: “Của thiên trả địa.” Vậy là xong !

    Nhưng còn biết bao nhiêu cái chết, bao nhiêu hy sinh xương máu, bao nhiêu người dân oan khuất chết trong trận đánh Mậu Thân ở Huế, trên Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị, bao nhiêu người bỏ thây trên quốc lộ 7 khi rút chạy từ Kontum, Pleiku về Nha Trang, Phú Yên thì sao ? Đó là những sự giết chóc tàn ác điển hình, hàng loạt, tàn nhẫn, vô lương tâm, không kể người bị giết là binh lính hay lương dân thì sao? Dù có muốn quên cũng không quên được !

    Nói chi xa, ngay mẹ tôi. Mẹ tôi sinh bốn người con trai, - không kể con gái vì họ không đi lính -. Người anh cả của tôi bị Tây thủ tiêu năm 1950 ở Huế, khi ông ấy mới 21 tuổi, vì can tội “làm Việt Minh.” Người em út của tôi, Hùng móm, chết gần nhà ga Quảng Trị khi chỉ huy Đại đội 112 - Tiểu đoàn 11 Dù về tái chiếm thành phố Quảng Trị năm 1972. Lúc ấy Hùng mới 28 tuổi. Một người chết cho bên nầy, một người chết cho bên kia. Thế rồi, mẹ tôi, công sinh, công dưỡng, được đền đáp cái gì ?! Với một người mẹ, những cái chết đó của con cái là mất mát to lớn và đau đớn lắm, chưa kể, ba tôi cũng qua đời ở chiến khu Ba Lòng năm 1948, khi ông mới 49 tuổi. Mẹ tôi góa chồng, khi đó cũng mới 41 tuổi. Đó là những sự việc điển hình, ngay trong gia đình tôi, anh em chị em tôi, vì cuộc chiến ba mươi năm mà chết, còn ngoài ra, cả dân tộc Việt Nam nầy thì chết chóc đau thương nhiều lắm, nhiều nữa, kể bao nhiêu cho hết.

    Tôi cũng không phải vì những mất mát ấy của gia đình tôi mà dững dưng trước những cái chết, những mất mát của những người khác, gia đình khác. Mấy năm trước, anh Nguyễn Văn Khôi, một người đồng hương, ở Philadelphia, không ít lần gọi cho tôi, cũng không ít lần kể cho tôi nghe về Đại Lộ Kinh Hoàng. Hồi ấy, anh Khôi làm đại đội trưởng, thuộc tiểu khu Thừa Thiên. Khi nghe tin dân Quảng Trị chạy loạn vào Huế bị Việt Cộng pháo kích nằm chết la liệt trên cầu Dài (cầu bắt qua sông Diên Trường ngay Đại Lộ Kinh Hoàng - Ngay lúc ấy báo chí miền Nam cũng chưa đặt tên cho đoạn đường ấy là Đại Lộ Kinh Hoàng), anh Khôi thường ra Phú Văn Lâu để đón đồng hương chạy thoát vào Huế được và lo giúp đỡ họ. Khôi nghe người chạy loạn kể lại câu chuyện thương tâm của họ, anh khóc. Thật vậy, mấy chục năm sau, khi anh gọi điện thoại, kể lại chuyện cũ cho tôi nghe, tôi cũng nghe tiếng anh khóc, nghẹn ngào qua ống nghe.

    Nói chung, bất cứ cái chết nào của những người vô tội, dù ngoài bắc, trong Nam, thì đều làm cho chúng ta đau lòng. Chiến tranh thì tàn ác, đó là một định luật. Chiến tranh là đớn đau; đó cũng là một định luật. Dù Brezhnev là người Cộng Sản, tôi vẫn thấy có lý khi nghe ông ta nói : “Mong sao đừng có chiến tranh, không còn chiến tranh, để không còn những tiếng khóc của ngưòi mẹ khóc con, người vợ khóc chồng.” Có thể ông ta giả dối, - khó ai tin được người Cộng Sản -, nhưng nói đựợc như thế, qua ý nghĩa câu nói, cũng là nhân ái vậy.

    Nhưng những đớn đau vì chết chóc chia lìa ấy rồi cũng sẽ vơi đi, phai mờ dần. Vũ Hoàng Chương, trong bài Lửa Từ Bi, viết về cái chết của hòa thượng Quảng Đức tự thiêu ngày 11 tháng 6 năm 1963, có mấy câu rất hay, rất ý nghĩa về sự còn mất :

    Rồi đây, rồi mai sau, còn chi ?
    ngọc đá cũng thành tro.
    lụa tre dần mục nát.
    với Thời gian lê vết máu qua đi.


    Ai được ?

    Người miền Nam thua trận, vậy thì người miền Nam mất !

    Người miền Bắc thắng trận, người miền Bắc được ?

    Nhìn chung, người ta thấy như vậy. Nhưng nói cho thật chính xác hơn, người Cộng Sản thì được; người không Cộng Sản hay nói rõ hơn là người chống Cộng, ngươòi thua cộng Sản thì mất!

    Người thua mất gì ? Tôi đã trình bày ở trên !

    Người thắng được gì ?

    Cuộc chiến tranh Bắc Nam nầy là một cuộc viễn chinh, người miền Bắc đem quân xâm lăng miền Nam thì họ được những thứ y như quân viễn chinh được. Điều đó đâu có gì lạ !

    Điều lạ, ngày xưa, quân viễn chinh cướp bóc không có luật pháp. Họ lấy cái quyền của kẻ thắng lợi mà cướp bóc tài sản và cả vợ con người thua trận. Ngày nay thì hơn thế, quân viễn chinh cướp bóc vừa không có, lại vừa có luật pháp. Cái không có luật pháp là cái họ ưa gì lấy nấy: Tiền bạc, tài sản, vật dụng trang bị trong các lâu đài dinh thự. Sau 30 tháng Tư, xe molotova ùn ùn chở hàng ra Bắc, có ai không biết! Còn nói rằng cướp bóc có luật pháp thì đó chính là việc đánh tư sản ở miền Nam, việc đổi tiền. Sau những lần cướp bóc bằng pháp luật do Việt Cộng đặt ra, có biết bao nhiêu người trắng tay, điêu đứng, tự tử. Theo Nayan Chanda trong cuốn “Brother Enemy”, sau lần đánh tư sản ở Saigon năm 1976, có 15 đại xì thẩu ở Chợ Lớn tự tử.

    Dù người ta mất ít hay nhiều, tài sản là do mồ hôi nước mắt, bị tước đoạt ai chẳng tiếc nuối, đau lòng !

    Người Cộng Sản được thì nhiều. Và cứ cái đà đó, họ xua quân qua Kampuchia và “được” thêm một lần nữa khi họ tìm ra những kho báu do Khmer Đỏ để lại. Một người cháu bên vợ tôi, bị bắt “nghĩa vụ quân sự”, đi bộ đội qua Kampuchia thuật lại, ở Phnom Pênh có không ít kho tàng, có một kho cất giữ toàn đồng hồ đeo tay. Khmer Đỏ cấm dân chúng dùng đồng hồ. Nông trường đã có kẻng báo thức. Tất cả đồng hồ phải nộp cho angkar, angkar nộp vào kho. Thế là ông thiếu tá Việt Cộng tên Th., Trung đoàn trưởng của người cháu vợ tôi, hốt hết đồng hồ đó đem về Bắc. Vậy cũng là cái được của quân viễn chinh vậy !

    Chiến tranh đem lại đau khổ cho mọi người. Đó là hậu quả. Nhứt là với một cuộc chiến tranh dài 30 năm như cuộc chiến tranh xảy ra ở Việt Nam, hậu quả khốc liệt hơn. Một người sinh ra năm 1945, đến khi miền Nam mất vào tay Cộng Sản, họ được 30 tuổi. Ba mươi năm đó, người ấy, nói chung, sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, đi trong chiến tranh, và có thể tù tội sau chiến tranh nếu như có tham gia quân đội, chính quyền miền Nam. Họ từng sống và chứng kiến biết bao nhiêu cảnh tên bay đạn lạc, chết chóc, tàn sát, bóc lột, đàn áp. Vậy mà trong lòng họ còn nhân ái, từ bi, thì phải nói rằng, phẩm giá của một con người như thế là quí lắm, đáng trọng lắm.

    Thật ra, sau chiến tranh, con người bỗng sinh ra tàn ác hơn, nhẫn tâm hơn, lạnh lùng hơn, và người ta mất nhân tính đi khá nhiều. Chiến tranh là ly loạn, là nhân tâm ly tán, là giá trị đạo đức bị đảo lộn.

    Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhứt đất nước, ra ân xử oán, bèn đem những người từng theo Tây Sơn trước kia ra xử tội. Ông Đặng Trần Thường, nhân sĩ Bắc Hà, vào nam theo Nguyễn Ánh. Ông Ngô Thời Nhiệm, cũng nhân sĩ Bắc Hà, lại theo Tây Sơn. Hai người trước kia là bạn đồng song.

    Khi xử tội Ngô Thời Nhiệm ở văn miếu, Hà Nội, Đặng Trần Thường hỏi :

    - “Nhà người không biết đâu là chánh, đâu là tà mà theo Tây Sơn, để đến nỗi ngày nay ra thế nầy hay sao ?”

    Ngô Thời Nhiệm trả lời :

    - “Mấy chục năm nay giặc giả triền miên, nhân tâm ly tán, thế sự đảo điên, làm sao ta biết đâu là chánh, đâu là tà mà bảo ta theo ?!”

    - “Thế sự đảo điên, nhân tâm ly tán” chính là hậu quả cuộc những cuộc chiến tranh cuối cùng trong mấy trăm năm Trịnh Nguyễn Phân Tranh.

    Cũng tâm sự đó, Phạm Thái, tục gọi là Chiêu Lỳ, có mấy câu thơ, khá cảm động :

    Năm bảy năm nay cứ loạn ly,
    Cảm thương thân thế nhỡ qua thì,
    Ba mươi tuổi lẻ đà bao chốc,
    Năm bảy đời vua thật chóng ghê,
    Một tập thơ sầu ngâm cũng chán,
    Vài be rượu nhạt uống ra gì,
    Thôi về tiên phật cho xong quách,
    Đù ỏa trần gian sống mãi chi !


    Theo lịch sử, cuộc phân tranh Nam bắc kéo dài hơn 200 năm. Phân tranh thì kể từ khi Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558. Đánh nhau thì kể từ khi Đào Duy Từ, trốn vào Nam, làm quân sư cho chúa Sãi, bày mưu trả sắc lại cho vua Lê chúa Trịnh, mở đầu cuộc chinh chiến, mãi đến khi Nguyễn Ánh thống nhứt sơn hà 1802. Hai bên đánh nhau tất cả là 7 trận. Thật ra, chiến tranh chỉ gia tăng sau khi Tây Sơn khởi nghĩa năm 1775 ở Qui Nhơn, Hoàng Ngũ Phúc nhân cơ hội ấy, đem quân vượt sông Gianh. Thế rồi Nguyễn Huệ đem quân vào Nam đánh quân Nguyễn và quân Xiêm, lại ra Bắc diệt quân Thanh và chỉ chấm dứt sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế. Tính chung, từ 1775 đến 1802 là 27 năm.

    Mấy chữ “Năm bảy năm nay” trong bài thơ trên của Phạm Thái chỉ có tính cách ước lệ, không định rõ năm hay bảy năm mà chỉ là nhiều năm nay. Cuộc chiến ấy, theo nhãn quan của Phạm Thái, chủ yếu là nhắm vào đất Bắc Hà hơn là toàn quốc vì theo quan điểm hồi ấy, xứ Đằng Trong là thuộc về một lãnh địa khác. Cũng vì lý do đó, sĩ phu Bắc Hà, điển hình là Nguyễn Du, đâu có muốn ra làm quan với nhà Nguyễn, mặc dù khi ấy, Gia Long đã lên ngôi cửu ngũ, cai trị cả nước từ Nam chí Bắc.

    Mấy năm đầu trong trại tù cải tạo, tôi thường đọc bài thơ trên của Phạm Thái, cho chính tôi nghe và một số anh em khác cùng nghe. Tâm trạng những người miền Nam thua trận, không khác mấy với nỗi chán chường của Phạm Thái, mặc dù anh em chúng tôi chẳng ai được như Phạm Thái. Tuy nhiên, cơ đồ thất bại thì Phạm Thái ngày xưa đã vậy, ngày nay anh em tù chúng tôi cũng vậy thôi. Nỗi thất vọng của người miền Nam như anh em binh lính chúng tôi, những năm tháng đầu khi miền Nam Việt Nam mới sụp đổ là thật to lớn, đau khổ và chán chường, và không ít người bi quan, tiêu cực.

    Sau khi mưu việc bất thành, Phạm Thái mất Trương Quỳnh Như là người yêu của ông. Chúng ta, sau khi miền Nam thua trận, biết ai còn vợ, ai còn chồng. Mai kia, những người tù như chúng tôi, khi được tha về, ai còn vợ cũng là may. Đàn bà bị người đời chê là “ôm cầm thuyền ai” như trong một câu Kiều, lấy ý từ Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị. Thế đàn ông ? Lỡ như khi vợ mắc nạn, có ai không “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ.”

    Tâm lý của người thua trận bao giờ cũng nhiều nỗi đắng cay, chán chường. Phải có ý chí mạnh mẽ mới vượt qua được nó. Đông Tây, xưa nay đều vậy thôi.

    Lần đầu tiên tôi xem cuốn phim “Cuốn Theo Chiều gió” là năm 1956, và hình ảnh cô Scarlett O’Hara, (do tài tử Vivien Leigh đóng), khi cô ta trở về trang trại Tara của thân phụ, tan hoang vì chiến tranh là điều khó quên. Trong cảnh thiếu thốn và đói khát khi chiến tranh vừa chấm dứt, cô con gái ông chủ nông trại tìm moi được trong vườn một củ cải ăn cho đỡ đói. Cô ta cầm củ cải đó đưa lên cao, - hình ảnh thân hình và cánh tay cô ta hiện rõ trong cảnh trời chiều rực rỡ -, và cô hứa làm lại cuộc đời, giàu có như cha mẹ cô ngày trước.

    Từ đó, cô ta lao vào việc làm giàu, say mê làm giàu để rồi quên đi thiên chức làm mẹ, bổn phận làm vợ, đến khi con chết, chồng bỏ đi, cô ta mới tỉnh ngộ thì mọi sự đều tan vở, lỡ làng.

    Hình ảnh đó, nói cho đúng chính là sự tàn phá của chiến tranh đối tâm hồn con người.

    Nhân việc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Tranh và Hậu Quả Xã Hội William Joiner tại Massachusetts tổ chức cuộc Hội Luận lần thứ 11 qui tụ khoảng 60 nhà văn, nhà thơ và nghiên cứu văn học từ nhiều quốc gia chịu đựng chiến tranh. Về phía Việt Nam có 4 nhà văn từ trong nước ra và 3 nhà văn đang cư ngụ tại Tiểu bang Massachusetts và New Jersey tham gia, nhận thấy đây là một đề tài quan trọng, và không thỏa mãn với những bài tham luận của các nhà văn hải ngoại, đặt vấn đề không đúng trọng tâm, tôi đóng góp ý kiến bằng bài viết “Chiến Tranh và Hậu Quả” và đưa ra vài ý kiến như sau :

    “… tinh hoa của tác phẩm tiểu thuyết mà các nhà làm phim đã thấy được và chuyển thành tác phẩm điện ảnh : Sự tàn phá của chiến tranh với tâm hồn con người sâu sắc và lâu dài hơn cả sự tàn phá về vật chất.” (1)

    Chiến tranh là mất mát, mà mất lương tâm con người là cái mất lớn nhứt. Tuy nhiên, bên cạnh cái mất to tát đó, người Việt chúng ta còn mất gì nữa.

    Mất tình thương?

    Đây là yếu tố thứ hai, ngoài hậu quả chiến tranh là yếu tố thứ nhứt như đã trình bày ở trên.

    Trong mấy chục năm Việt Cộng cai trị đất nước, để giữ vững chế độ, Việt Cộng gây mâu thuẫn dân tộc bằng hận thù giai cấp, hận thù giàu nghèo, hận thù thành thị thôn quê, hận thù kẻ có học người ít học… Chính bởi hận thù, người ta cướp bóc, giết chóc lẫn nhau mà không xót xa cho nạn nhân, không một chút xúc cảm đối với người bị giết. Tôi xin đơn cử một ví dụ thôi: Cải cách ruộng đất là một hình thức đấu tranh giai cấp, đấu tranh giàu nghèo. Qua đó, sự tàn ác được thực hiện mà không có một chút xót xa, thương cảm. Ngoài đấu tranh giai cấp, còn biết bao nhiêu sự tàn ác khác, do Việt Cộng xúi biểu, khuyến khích, đôn đốc dân chúng làm mà không động mối từ tâm.

    Yếu tố thứ ba xô đẩy dân tộc vào nỗi thống khổ là sự hà khắc của chế độ. Sự hà khắc đó được thi hành một cách triệt để, về tất cả mọi lãnh vực: kinh tế bao cấp, chính trị độc đoán và phân biệt giai cấp, địa phương Nam-Bắc. v.v…

    Tại sao các nước khác, như Nhựt Bổn, Đức và các quốc gia Đông Âu, trong chiến tranh thứ hai, bị tàn phá vô cùng khủng khiếp mà họ phục hồi nhanh vậy?

    Trước hết là nhờ tự do kinh tế, chính trị.

    Ngoài kinh tế, chính trị, vai trò của tôn giáo khá quan trọng. Tôn giáo đóng vai trò lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, hồi phục lòng nhân đạo, từ bi, bác ái đã bị mai một trong chiến tranh.

    Ở nước ta thì ngược lại. Tôn giáo bị cấm đoán, thu hẹp nên không thực hiện được vai trò đạo đức của mình. Tôn giáo có những khuyết điểm của nó, nhưng vai trò quan trọng nhứt của tôn giáo là đạo đức. Có tôn giáo mới có đạo đức. Đó là một nguyên lý căn bản. Vì vậy, từ xưa, tôn giáo bày ra thiên đường địa ngục, niết bàn, cực lạc, nhân quả, v.v… mục đích cuối cùng cũng chỉ là để dạy con người làm lành tránh ác, thực hiện nhân đạo, từ bi, bác ái.

    Việt Cộng đàn áp tôn giáo để xây dựng một tôn giáo mới: Chủ nghĩa Cộng Sản. Xóa bỏ đạo đức cũ để xây dựng đạo đức mới, cái mà họ gọi là “Đạo đức xã hội Xã hội Chủ nghĩa”.“Muốn có đạo đức Xã hội Chủ nghĩa thì phải có con người Xã hội Chủ nghĩa”. Đó là lời “dạy” của Hồ Chí Minh. Trong khi chưa xây dựng được con người mới xã hội chủ nghĩa mà xóa bỏ đạo đức xã hội cũ, lại triển khai “hận thù” thì làm sao con người còn lương tâm.

    Chính bởi không còn lương tâm nên mới có câu ca dao thời đại nghe thật đau lòng :

    Lương chồng, lương vợ, lương con,
    Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm
    Lương tâm đem chặt ra hầm
    Chồng chan, vợ húp khen thầm là ngon.
    Lương tâm trở thành một món ăn !
    Chẳng ai được,
    Chỉ có dân tộc mất !


    Ba yếu tố quan trọng : Chiến tranh, hận thù và chế độ độc tài Cộng Sản Việt Nam đã đẩy tình trạng dân tộc Việt đến tình trạng bi thảm như hiện nay.

    Từ việc tham nhũng, cướp đất, cướp tài sản của người dân, lường gạt, buôn gian bán lận, hàng dỗm hàng giả ở trong nước, cho tới những việc buôn người, bán người núp lén dưới nhiều hình thức, đặc biệt là việc thành lập các cơ quan, công ty mội giới hôn nhân; nhìn chung, người ta rất ngán ngẩm về mọi sinh hoạt thiếu lương tâm của một số đông người Việt Nam hiện nay, nhất là người Việt ở trong nước. Những việc sai trái nầy lại còn được chính Việt Cộng, những người có quyền khuyến khích, che chở.

    Nước Mỹ là một quốc gia đa chủng. Họ mới lập quốc từ sau cuộc chiến tranh giành độc lập năm 1776, tính ra mới quá 200 năm. Nó không phải là một nước có “bốn ngàn năm văn hiến” như Việt Nam để nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội thường khoa trương, nhưng ở đây không có những phương cách xử sự tán tận lương tâm như ở Việt Nam hiện nay.

    Ấy là tại sao?

    Trước hết, họ có luật pháp, người dân cũng như “người đầy tớ của Nhân dân” ai ai cũng phải tôn trọng luật pháp. Ở Mỹ không có ai “ngồi xổm trên luật pháp” dù người đó có là tổng thống đi nữa. Hễ có luật pháp, có sự tôn trọng luật pháp thì có an ninh trật tự, có công lý, mà công lý thì do lương tâm mà ra. Bên cạnh đó, mỗi dân tộc đến định cư ở đây, họ có văn hóa của họ. Nhờ đời sống kinh tế cao, nhờ xã hội có an ninh, có luật pháp, nhờ có sinh hoạt tôn giáo mạnh mẽ, nhờ tinh thần bác ái Thiên Chúa Giáo nên người Mỹ, tuy không cùng một chủng tộc mà ở với nhau được, không ai làm chuyện tán tận lương tâm, không dám làm chuyện tán tận lương tâm. Có một yếu tố quan trọng là nước Mỹ giàu, người Mỹ giàu. Như tục ngữ nói : “Phú quí sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Đó là hai tình cảnh trái ngược nhau giữa Mỹ và Việt Nam.

    Như tôi trình bày ở đầu bài, tôi dành một ngày 30 tháng Tư để cho lòng mình thật thanh thản, tránh đi những điều do tình trạng xã hội Việt Nam đã có ảnh hưởng đến lòng tôi, phần lớn là vì chiến tranh và Cộng Sản, để tôi gạt đi những thù hận, oán trách, v.v… để thấy rõ hơn, - không phải cho riêng cho trường hợp gia đình tôi -, mà chính là đồng bào Việt Nam, nhất là những người nghèo khổ ở quê nhà, để thấy rõ một điều, họ đang khổ về vật chất, đã đành, và rất đau khổ về tinh thần. Tôi cảm thấy lo sợ: Biết đâu mai kia, trong số những nạn nhân của những hành động vô lương tâm lại có cháu chắt, bà con xóm làng hay thân tộc mình, biết đâu có đứa lấy chồng Đài Loan mà thực tế thì như ai nấy đều biết, lao động nước ngoài mà thực chất làm người lưu lạc như số đông người Việt đang sống chui nhủi ở Mã Lai, v.v… Có biết bao nhiêu tai họa đang chờ con cháu mình vì người ta sống với nhau bây giờ chẳng có chút lòng thương, chẳng còn chút lương tâm.

    Tôi cũng thấy buồn cho những Việt Kiều mặc áo gấm về làng. Họ không biết rằng khoe khoang sự giàu có trước những người nghèo khổ là điều bất nhân hay sao?!

    Một dân tộc qua đó, người dân sống với nhau chỉ cốt về lợi, không còn lương tâm, thì tương lai dân tộc đó sẽ như thế nào, tồn tại được bao lâu nữa?

    Sự suy đồi đó, Việt Cộng phải chịu trách nhiệm. Chính họ phải thấy và biết, và có chính sách sửa chữa, hồi phục. Đó là một công việc to lớn và hết sức nghiêm trọng.

    Không ai tin tưởng Việt Cộng có thể làm được điều đó.

    Vậy thì còn để họ cầm quyền làm gì? Tại hại đó sẽ lớn hơn, kéo dài hơn. Hậu quả biết thế nào mà lường được?!

    Nhìn chung, ai được, ai mất? Chẳng ai được hết. Chỉ có dân tộc nầy mất. Họ mất đi cái cốt lõi để dân tộc tồn tại!

    Đó là những suy nghĩ của tôi nhân ngày 30 tháng Tư về lương tâm của người Việt Nam chúng ta ngày nay. 30 tháng Tư chỉ là một cái cột mốc để nhìn lại. Vấn đề lương tâm của một Dân tộc, không phải là vấn đề của một ngày, một tháng hay một năm. Nó cũng không phải là vấn đề của một đời người, của một hay nhiều thế hệ. Nó nằm trong dòng sống của dân tộc. Một dân tộc sống với nhau không bằng tình thương, thì đó chính là cuộc sống ở địa ngục. Bà con chúng ta đang sống trong địa ngục đó!


    hoànglonghải

    _____________

    (1) Cuốn tiểu thuyết mà các nhà làm phim dựa vào đó để dựng phim là cuốn sách “Cuốn Theo Chiều Gió”, tác giả là bà Margaret Mitchell. Năm 1936, bà bị tai nạn xe hơi, nằm liệt một chỗ, bà đã đọc lại lịch sử Mỹ và viết thành cuốn tiểu thuyết nầy.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X