Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Miến điện: Một vòng xứ Chùa Tháp

Collapse
X

Miến điện: Một vòng xứ Chùa Tháp

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Miến điện: Một vòng xứ Chùa Tháp

    Miến Điện
    Một vòng xứ chùa tháp

    Lương Nguyên Hiền



    Cuối năm 2016 tôi có cơ hội đi Úc, nhân dịp đứa cháu gái ở Sydney lấy chồng và tôi lại được mời qua dự đám cưới. Nói đi Úc thì không đúng lắm mà phải nói là bay qua Úc. Từ chỗ tôi ở bay qua Úc mất hơn 21 tiếng đồng hồ. Đường tuy xa nhưng không làm mắt mờ, không làm chân mỏi, mà chỉ làm lưng ê ẩm vì ngồi bó gối quá lâu trên phi cơ. Chúng tôi bàn nhau, thôi thì nhân một công mà hai ba chuyện, làm một cái Stopover ở Kuala Lumpur nghỉ ngơi cho khỏe khoắn rồi sau đó bay qua thăm mấy cái chùa vàng ở Miến Điện (Myanmar) trước khi đặt chân tới xứ của mấy con Chuột túi Kangaroo. Tính tới tính lui, chúng tôi chỉ còn đúng 5 ngày cho chuyến đi, thời gian thật ít ỏi cho một quốc gia vốn nổi tiếng với nhiều chùa lắm đền và dư thắng cảnh như Miến Điện. Chúng tôi đành chọn hai thành phố Bagan và Yangon để tới. Một số địa danh khác như thành phố Mandalay với 729 trang kinh Phật được khắc trên bia đá ở chùa Kuthodaw, chùa Đá Vàng Kyaikhtiyo nằm chênh vênh trên một tảng đá hay hồ Inle với non nước hữu tình, đành phải gác lại chuyến sau nếu còn trở lại đây lần nữa. 5 ngày chia đều cho Bagan và Yangon, mỗi thành phố được 2,5 ngày kể cả bay và ngủ ở khách sạn. Mặc dù chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, nhưng tôi cũng tự an ủi, thôi thì 5 ngày vẫn còn hơn là không có ngày nào, nhất là tôi lại đang nóng lòng muốn thăm quê hương của bà Aung San Suu Kyi, nhà tranh đấu bất bạo động cho dân chủ, người mà tôi hằng mến mộ.

    Nhắc đến Miến Điện, tôi chợt nhớ đến hai cuốn phim mà tôi đã xem là “Cầu sông Kwai” (The Bridge on the River Kwai) và “The Lady”. Cuốn phim đầu, “Cầu sông Kwai”, tôi được xem ở quê nhà vào khoảng đầu thập niên 60, lấy bối cảnh tại Miến Điện, thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai, khi quân đội Nhật xâm chiếm xứ sở này và bắt binh sĩ Anh làm tù binh. Trong phim nói lên sự giằng co giữa bổn phận mù quáng của người sĩ quan tù binh quân đội Anh khi được quân Nhật giao cho nhiệm vụ xây một chiếc cầu bắc qua sông Kwai ở gần biên giới Thái và lý trí của người quân nhân yêu nước thúc giục đứng lên chống lại kẻ thù của dân tộc mình là quân đội Nhật. Sự giằng co đó chấm dứt khi chiếc cầu tượng trưng cho thảm họa chiến tranh bị biệt kích Anh giật sập. Ai đã coi phim này thì không thể quên được “Hành khúc cầu sông Kwai”, điệu huýt sáo theo nhịp bước quân hành thật là hay. Mỗi lần nghe điệu huýt sáo đó, tôi lại nhớ đến Miến Điện, một đất nước của những con người hiền hòa chân thật với cảnh trí thiên nhiên tuyệt vời.

    Bà Aung San Suu Kyi (Ảnh Internet)

    Cuốn phim thứ hai, “The Lady”, mà tôi coi năm 2011 mới cách đây mấy năm, đã làm tôi xúc động rất nhiều. Cuốn phim nói về cuộc đời của bà Aung San Suu Kyi. Bà được biết đến với cái tên là "Người đàn bà không biết sợ" (Lady of no fear) do thành quả của 21 năm tranh đấu cho nền dân chủ Miến Điện trong đó có 15 năm bị cầm tù. Trong mấy chục năm qua, bà đã trở thành một nhân vật biểu tượng của phong trào đấu tranh bất bạo động tại Miến Điện và được trao tặng giải Nobel Hoà bình năm 1991. Đây là cuốn phim nói về cuộc tình của Suu Kyi và Michael Aris, chồng bà, được lồng trong một bối cảnh chính trị sôi động ở Miến Điện trong thời điểm từ năm 1988 đến năm 1999. Năm 1988 đang ở nước Anh, Suu Kyi trở về Miến Điện khi nghe tin mẹ mình bị bệnh nặng. Như một định mệnh, bà ở lại quê hương không về lại Anh và đứng ra lãnh đạo phong trào đối lập để đòi dân chủ cho Miến Điện. Suu Kyi bị giam cầm, bắt bớ, tù đầy nhưng bà vấn kiên trì không bỏ cuộc. Đoạn kết của cuốn phim làm người xem mủi lòng, năm 1999 chồng bà, Michael Aris, bị bệnh nặng và chết đơn độc ở Anh, trong khi Suu Kyi đang còn bị quản thúc ở Miến Điện. Phải nói phim “The Lady” đã mang lại cho tôi những nhận thức mới về con người ở đất nước này nói chung và người đàn bà Miến Điện nói riêng, họ không chỉ hiền hòa, chân thật mà còn rất can trường, bền bỉ và quyết liệt khi cần đến. Cuộc đấu tranh trường kỳ đã mang lại kết quả, chính phủ quân nhân phải lùi bước. Năm 1962, một số tướng lãnh Miến Điện đã làm cuộc đảo chính và nắm quyền hành cho đến năm 2010 là năm có tổng tuyển cử. Tuy sau đó có một chính quyền dân sự nhưng không có thực quyền, mọi quyền hành vẫn còn nằm trong tay quân đội. Cho đến tháng 11 năm 2015 đảng Liên minh Quốc gia Dân chủ (NLD) do Suu Kyi lãnh đạo chiếm đa số ghế ở Thượng cũng như Hạ Nghị Viện. Rồi tháng 3 năm 2016, ông Htin Kyaw một đồng minh thân cận của bà được lên làm Tổng thống, đây là một vị tổng thống dân sự đầu tiên thực sự do dân bầu, sau 50 năm bị cai trị bởi chế độ độc tài quân sự.


    Miến Điện đất nước chùa tháp:

    Miến Điện còn gọi là Myanmar hay Burma, là tên gọi do người Trung Quốc đặt cho, “Miến” có nghĩa là xa tắp, xa tít, “Điện” là vùng chỉ bên ngoài thành. Miến Điện có ý nghĩa là vùng bên ngoại thành xa xôi [1]. Mấy trăm năm trước lúc người Anh chiếm được Miến Điện, họ đặt tên quốc gia này là Burma. Năm 1989, chính quyền quân sự đổi tên Burma thành ra Myanmar. Nhưng nhiều người Miến không chấp nhận chế độ độc tài quân sự cũng như ở một số nước vẫn còn quen gọi là Burma. Từ năm 2010 tên chính thức là Cộng hòa Liên bang Myanmar (Republic of the Union of Myanmar). Miến Điện thật sự mới mở cửa gần đây cho du khách vào du lịch, sau khi chính quyền quân sự nới lỏng tự do cho người dân.

    Miến Điện là nước nằm trong vùng Đông Nam Á, chung biên giới với Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Một quốc gia có 3.000 năm lịch sử với đầy dẫy các cuộc xung đột giữa các láng giềng, giữa các dân tộc khác nhau. Miến Điện có những giai đoạn rất cực thịnh gọi là 3 thời kỳ đế chế Miến Điện: thời kỳ thứ nhất là triều đại Pagan (849-1287) với 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, thời kỳ thứ hai là triều đại Tangoo (1486 - 1752) với các cuộc chiến tranh chinh phạt Thái Lan, thời kỳ thứ ba là triều đại Konbaung (1752 - 1885) với 4 lần đánh đuổi quân Thanh. Miến Điện cũng không tránh được những quy luật thăng trầm của lịch sử, thời kỳ suy thoái nhất là 3 cuộc chiến tranh giữa Miến và Anh ở thế kỷ 19 đã đưa Miến Điện trở thành nước thuộc địa của Anh từ năm 1886. Cho đến mãi sau Đệ nhị thế chiến, người Miến mới dành lại được độc lập và có quân đội tự trị dưới quyền chỉ huy của tướng Aung San. Tướng Aung San là cha của bà Suu Kyi và vào năm 1947 ông bị các đối thủ chính trị ám sát.

    Miến Điện là một quốc gia có 51 triệu dân với 90% theo Phật giáo và khoảng 500.000 tăng ni. Phật giáo đã có mặt ở Miến Điện khoảng 2.500 năm và từ thế kỷ 12 cho đến thế kỷ 19 đã trở thành Quốc giáo[2]. Có truyền thuyết cho rằng Phật giáo được chính thức du nhập vào Miến Điện thời Ashoka (A Dục Vương), vị vua kiệt xuất Ấn Độ ở thế kỷ 3 TCN. Phật giáo đã ăn sâu, bám rễ vào nếp sống, nếp nghĩ người dân và được thể hiện qua tinh thần từ bi, chân thật và hay làm việc thiện của người Miến. Các trẻ em ngay từ nhỏ đều được cha mẹ hướng dẫn đến chùa để học giáo lý, kinh điển. Lớn lên lập gia đình, họ cũng mang nhau vào chùa làm đám cưới. Mỗi người thanh niên Phật tử khi trưởng thành đều phải thọ lễ xuất gia “Shinpyu” để vào chùa tu tập có thể vài tuần, vài tháng hay vài năm. Đối với người Miến nhất là nam giới, nếu trong đời chưa một lần xuất gia sẽ chưa phải là một Phật tử tốt.

    Miến Điện còn được gọi là “đất nước chùa tháp”, cả nước có hơn mấy chục ngàn ngôi chùa và bảo tháp. Ở thị xã, làng mạc nào cũng có ít nhất một ngôi chùa, riêng ở Bagan đã có khoảng mấy ngàn chùa tháp lớn nhỏ khác nhau. Chùa không chỉ là một địa điểm thờ cúng Phật mà còn là một trung tâm văn hóa xã hội, nơi con cái tới học chữ học kinh, người lớn tới làm công quả, nghe giảng kinh điển, ngoài ra chùa cũng còn là một trung tâm tư vấn cho Phật tử khi họ có vấn đề trong đời sống xã hội, gia đình. Trong những thời kỳ sôi động, bà Aung San Suu Kyi thường hay tới chùa để nghe các vị chân tu đưa ra lời khuyên về những giá trị tinh thần Phật giáo trong công cuộc đi kiến tạo một xã hội công bằng và dân chủ. Bà kể rằng có một lần đến thăm một vị sư trụ trì một ngôi chùa ở tỉnh Pakokhu. Vị sư già đã lập lại những lời khuyên như đã từng dặn dò cha của bà cách đây hơn 40 năm:

    Con chớ khiếp sợ khi người ta tìm cách dọa nạt con,
    Thế nhưng con cũng không nên hoàn toàn không sợ hãi.
    Con không nên say sưa mỗi khi người ta tán tụng con,
    Thế nhưng con cũng không nên hoàn toàn không say sưa.


    Một cách khác hơn, vị thầy khả kính đã chỉ cho bà đâu là con đường để không rơi vào cực đoan và cố chấp, nếu muốn giữ được lòng can đảm và sự khiêm tốn thì cũng không nên loại bỏ sự thận trọng và cả sự kính trọng chính mình một cách đúng mực [3].

    Những lễ hội ở Miến Điện cũng mang đậm màu sắc Phật giáo và được tổ chức quanh năm suốt tháng. Những lễ hội mà nhiều người biết đến nhất là Lễ hội hương hoa (Wazo), Lễ hội ánh sáng (Thadingyut), Lễ hội té nước (Thingyan),…. Lễ hội té nước là lễ hội đón mừng năm mới, khoảng tháng tư dương lịch tính theo âm lịch Miến Điện. Lễ hội té nước có ý nghĩa là rửa sạch những bụi bậm, buồn phiền của năm cũ để đón chào năm mới với sự thanh khiết trong tâm và thân. Lễ hội này, được người Miến đón nhận trong tinh thần Phật giáo nên được tổ chức trong không khí long trọng và trang nghiêm. Trong mấy ngày Tết phần đông họ đi tới chùa và làm việc phước đức.


    Bagan cố đô ngàn tháp:

    Du khách trên chùa Shwesandaw để ngắm hoàng hôn (Ảnh tác giả)
    Để tới Bagan, chúng tôi phải bay từ Kuala Lumpur đến Yangon, rồi từ Yangon bay tới Bagan bằng máy bay cánh quạt. Đây là loại máy bay ATR-72 do Pháp chế tạo để chở khách bay những đoạn đường ngắn. Yangon cách Bagan khoảng 1 giờ bay nên rất hợp với loại máy bay ATR-72 này. Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp được ngồi trong một chiếc máy bay kiểu cánh quạt, nên có cảm giác thật thú vị như khi ngồi trong một Oldtimer vừa vui vừa lo ngại vì không biết có tới nơi được không. Rồi chúng tôi cũng tới Bagan vào một chiều cuối tháng 11, trời trong mát và nắng ấm. Nơi đây từng là cố đô của triều đại Pagan thuộc đế chế Miến Điện lần thứ nhất, một trong những thời kỳ hưng thịnh nhất của đất nước này. Các nhà vua của triều đại Pagan đã có công gìn giữ đất nước và mở mang bờ cõi, đã đánh tan 3 lần quân xâm lược Nguyên Mông. Vào thời kỳ này, Phật giáo phát triển mạnh mẽ và có trên 10.000 ngôi chùa lẫn bảo tháp được xây cất lên. Thế kỷ 13 quân Mông Cổ xâm lăng Miến Điện, chấm dứt triều đại Pagan sau hơn 300 năm trị vì. Họ tàn phá kinh đô Bagan và đốt phá rất nhiều chùa chiền. Trải qua 1.000 năm cho đến ngày hôm nay, Bagan vẫn còn 4.000 ngôi tháp cổ kính nằm trong một thung lũng có diện tích 40 cây số vuông.

    Theo tôi thấy Bagan có 3 cái quyến rũ để níu chân du khách lại. Cái quyến rũ thứ nhất là đi đâu cũng thấy tháp, thấy chùa, cho ta cái cảm giác như đi ngược lại với thời gian, lạc vào một cánh rừng toàn chùa cổ tháp xưa để quên đi những giây phút hiện tại. Cái quyến rũ thứ hai là ngắm “thành phố ngàn tháp” trong hoàng hôn. Buổi chiều chúng tôi đi xe taxi tới chùa Shwesandaw. Đây là ngôi chùa cổ cao nhất ở Bagan, được xây dựng từ thế kỷ 11 bởi vua Anawrahta. Chùa Shwesandaw nổi tiếng không chỉ vì lối kiến trúc đặc biệt mà cũng vì nằm trên 1 ngọn đồi có vị thế rất thuận tiện để du khách có thể phóng tầm nhìn đến tận chân trời xa xôi. Mới 5 giờ chiều, khách thập phương đã lũ lượt kéo tới chật ních, người nào cũng tay xách nách mang máy ảnh hăm hở trèo lên 4 cầu thang gạch dốc thẳng đứng để lên trên đỉnh. Ngồi trên từng thứ 4, chùa có 5 từng, tôi lặng ngắm nắng chiều đang từ từ mờ nhạt, chập chờn trên tháp cổ, cảnh đẹp như tranh vẽ. Niềm cảm xúc bất chợt dâng trào, tôi nhớ đến câu thơ của bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ tả „Cảnh chiều hôm“:

    Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
    Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn


    Ở đây không có tiếng ốc xa đưa hòa lẫn trống dồn, chỉ một không gian tĩnh lặng làm cho tâm hồn mình chùng xuống, lắng đọng, mênh mông. Trên cao, hòa nhập trong thiên nhiên vô tận, tôi thầm cảm nhận tâm thức mình đang bừng nở. Trong giây phút sâu thẳm bất chợt đến, tôi muốn hét lên một tiếng thật to cho „lạnh cả hư không“ như thiền sư Không Lộ thời Lý xa xưa:

    Muốn leo lên tận đỉnh cao, và hét lên một tiếng cho lạnh cả hư không
    (Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh. Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư) [4]


    Cái quyến rũ thứ ba là sáng sớm tinh sương thức dậy, ngắm mặt trời mọc chen giữa những kinh khí cầu bay lơ lửng trên rừng tháp cổ giữa những cánh đồng mênh mông bất tận. Tiếc thay mấy chuyến bay liên tục vừa qua đã làm tôi ngủ thiếp đi đến gần trưa và sáng hôm sau chúng tôi phải lên đường sớm trở về lại Yangon.

    Ananda một ngôi chùa không thể bỏ qua, một ngôi chùa cổ đẹp nhất Bagan, được xây từ năm 1105 thời đại Pagan. Chùa Ananda có một lối kiến trúc thật độc đáo, không giống bất cứ một ngôi chùa nào ở nơi này. Trong chùa có cửa sổ trên cao chiếu ánh sáng xuống 4 tượng Phật cao 10m dát vàng quay mặt về 4 hướng tạo nên sắc thái lung linh khác biệt. Ngoài ra còn rất nhiều bức tranh vẽ được khắc trên tường, trên trần nhà rất tinh vi đến kinh ngạc.

    Shwezigon cũng là một ngôi chùa cổ đặc biệt, được xây dựng vào thế kỷ 11-12. Đây là một ngôi chùa được dát vàng đầu tiên và lớn thứ hai ở Miến Điện, đã thành mẫu mực kiến trúc cho tất cả các chùa vàng sau này ở Miến Điện

    Cổng và tượng Phật ở chùa Ananda (Ảnh tác giả) Chùa Shwezigon (Ảnh tác giả)
    Một số chùa khác như Thatbyinnyu, Dhammayangyi, Sulamani,... cũng là những nơi đáng tới để chiêm ngưỡng. Muốn di chuyền từ chùa này qua chùa khác, du khách có thể đi bằng taxi, xe thổ mộ hay mướn một chiếc xe gắn máy 2 bánh chạy bằng điện. Xe gắn máy chạy bằng xăng dầu bị cấm chạy ở đây, nên Bagan giữ được không khí trong sạch và yên lặng.

    Điều đáng ngạc nhiên, mặc dầu Bagan là thành phố cổ kính với bao nhiêu di tích văn hóa lịch sử, nhưng lại không được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nguyên nhân sau này tôi được biết là việc trùng tu ở đây không theo đúng quy định của UNESCO đòi hỏi. Người Miến quan niệm ngôi chùa không phải là lăng tẩm xưa, thành quách cũ mà phải gắn bó với dòng sinh mệnh của dân tộc, phải đáp ứng được nhu cầu cần thiết hiện đại của Phật tử.

    Lối kiến trúc chùa chiền ở Miến Điện bị ảnh hưởng rất nặng vào kiến trúc Ấn Độ, nhưng đến thời kỳ Pagan người Miến đã tạo nên bản sắc riêng biệt của họ. Có 2 thể loại chính trong kiến trúc chính ở Miến Điện là Stupa (Bảo tháp hay phù đồ) và Gu (chùa hay đền). Bảo tháp được xây hình chuông, bán cầu và đỉnh nhọn là nơi để xá lợi của Đức Phật và của các vị cao tăng. Chùa là nơi để thờ phượng, người Miến gọi là Gu có nghĩa là hang, có hình vuông hay là hình chữ thập, được chồng chất lên nhau, dưới lớn trên nhỏ. Theo truyền thuyết kể rằng khi Đức Phật được các đệ tử hỏi là làm sao để bảo tồn xá lợi của Ngài. Đức Phật ngồi xuống gấp tư cái áo cà sa, úp bát khất thực lên, rồi cắm cây gậy trên cái bát, sau đó nhập tịch. Sau này người ta cứ theo đó mà xây Stupa.

    Bagan thành phố tâm linh của Miến Điện, một thành phố nhỏ không đông đúc như Yangon, cuộc sống ở đây rất êm đềm và tĩnh lặng. Tới đây du khách cảm nhận được thời gian như chậm lại. Chậm lại để cảm nhận được nhiều hơn. Tôi rời Bagan mà vẫn nhớ đến ánh nắng lung linh chạy dài trên mái chùa của một buổi chiều sắp tắt.


    Yangon cố đô ngàn năm:

    Từ Bagan bay ngược trở về Yangon cũng bằng máy bay cánh quạt ATR-72, chúng tôi tới Yangon vào một buổi sáng đầu tháng 12, một ngày nắng ấm và khô ráo. Từ phi trường quốc tế Yangon, chúng tôi lấy Taxi về Hotel. Hotel nằm ở trung tâm thành phố, gần khu China Town và không xa phi trường lắm chỉ cách khoảng mười mấy cây số.Yangon là thủ đô của Miến Điện cho đến năm 2005, sau khi chính quyền quân sự quyết định rời thủ đô về Naypyidaw, một thành phố cách Yangon 320 km về phía bắc. Tuy nhiên Yangon vẫn là thành phố đông dân cư nhất, là trung tâm thương mại, du lịch phồn thịnh nhất của Miến Điện. Yangon khi xưa là một cái làng đánh cá mang tên là Dagon của người Mon. Năm 1755 vua Alaungpaya chinh phục được Dagon, thống nhất đất nước, lập lên triều đại Konbaung, đế chế Miến Điện lần thứ ba, và đổi tên Dagon thành Yangon có nghĩa là “kết thúc hận thù”. Dưới thời thực dân Anh, thành phố bị đổi tên lần nữa là Rangun (Rangoon) cho đến năm 1989 Yangon mới chính thức được dùng lại.

    Ở Yangon, dấu vết mấy trăm năm đô hộ của người Anh vẫn còn rõ nét, những tòa nhà được kiến trúc theo lối thuộc địa từ thời nữ hoàng Anh Vicoria, nhà thờ xây kiểu Gothic, những công viên xanh rì, đường xá thẳng tắp rộng rãi và điểm thêm những ngôi chùa cổ ngàn năm dát vàng sáng chói một vùng trời. Yangon có cái nét đẹp của một cô gái mang hai dòng máu Anh Miến.

    Đám cưới và ngọn tháp cao nhất ở chùa vàng Shwedagon (Ảnh tác giả)
    Khi du khách đến Yangon, công việc đầu tiên là đi thăm chùa vàng Shwedagon. Chùa nằm trên ngọn đồi cao Singuttara, nên từ xa du khách có thể thấy được ánh vàng của ngôi chùa như một lời mời gọi. Có câu nói là chưa đặt chân tới Shwedagon thì chưa tới Yangon. Rất đúng là vì Schwedagon là một ngôi chùa linh thiêng và lộng lẫy nhất Miến Điện. Gọi là chùa thì có thể không mường tượng ra được sự to lớn của nó, đúng hơn đây là một quần thể của chùa, của bảo tháp. Shwedagon rộng 21 ha, có 4 chùa lớn, 74 bảo tháp, hơn 1.000 tượng Phật. Nhiều tháp và tượng được dát vàng, tổng cộng lên đến 60 tấn vàng được xử dụng. Ở giữa là một tháp cao 99m, có nạm 5.448 viên kim cương, và trên đỉnh cao nhất có để một viên kim cương to nhất là 76 carat. Ở Shwedagon có thờ 8 sợi tóc của Phật Thích Ca, bát khất thực của Phật Câu Na Hàm, cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, áo cà sa của Phật Ca Nhiếp. Chùa được xây cách đây 2.500 năm. Tương truyền rằng, khi Đức Thích Ca Phật còn tại thế, bên Ấn Độ bị nạn đói, có hai anh em nhà Khoa Ca Đạt Phổ Đà từ Miến Điện mang thuyền chở gạo đến để phát cho dân nghèo. Họ gặp được Đức Phật và được tặng cho 8 sợi tóc của Ngài. Hai anh em mang về Miến Điện và xây lên một ngôi bảo tháp để giữ xá lợi của Đức Phật. Ban đầu bảo tháp chỉ cao 8m, nhưng dần với thời gian các vị vua, chúa đã cho xây cao thêm và cuối cùng là ngọn tháp cao nhất với 99m. Trong chùa còn có thờ những vị Phật ứng với ngày trong tuần (thứ hai, thứ ba,…), như ngày thứ tư là ngày sinh của Phật Câu Na Hàm. Những ai sinh ngày thứ tư sẽ tới bàn thờ Phật Câu Na Hàm để khấn nguyện. Schwedagon không phải chỉ là nơi linh thiêng mà còn là niềm tự hào của dân tộc Miến Điện. Có một truyền thuyết nói về chuông Maha Gandha (“Âm thanh tuyệt diệu") hay là còn gọi là chuông Singu Min do vua Singu Min cho đúc năm 1779. Năm 1824, quân đội Anh xâm lược Miến Điện, họ chiếm chùa và định lấy quả chuông đem đi chỗ khác. Nhưng trong lúc chuyên chở trên sông, chuông bị chìm xuống nước. Người Anh không cách nào kéo lên được, sau cùng họ phải nhờ người Miến kéo lên và cuối cùng phải trả về cho chùa. Một buổi tối sau khi ăn cơm xong, tôi trở lại Shwedagon một lần nữa trước khi quay về Kuala Lumpur. Nắng đã tắt và những ánh đèn được đốt sáng để đẩy đêm tối ra ngoài, cái ồn ào đông đúc của ban ngày cũng từ từ theo chân du khách ra đi, Schwedagon trở nên tĩnh mịch và lặng lẽ lạ thường. Tôi đi lòng vòng trong sân chùa. Đâu đây một số Phật tử ngồi thiền im lặng trong bóng tối hay đang cúi đầu khấn nguyện, tiếng đọc kinh vang lên rất nhẹ chỉ đủ cho họ nghe. Trong giờ phút tĩnh lặng, tôi nhớ đến bài kệ của Hòa Thượng Thích Thiện Siêu mà tôi rất thích:

    Phật biết Phật không,
    Tâm biết tâm không,
    Khi Phật chuyển thân,
    Tâm biết Phật không.


    Và tôi tự hỏi tôi, bây giờ ở đây, trên đất Phật, tôi biết Phật không?

    Một Phật tử đang khấn nguyện (Ảnh tác giả) Chùa Sule ở trung tâm Yangon (Ảnh tác giả)
    Chùa Sule cũng là một nơi lôi cuốn du khách vì đây là một ngôi chùa vàng lâu đời nhất ở Myanmar, hơn 2500 năm. Chùa cao 48 m và có mái vòm và đỉnh tháp đều mạ vàng. Đặc biệt là chùa có hình bát giác, một kiến trúc đặc thù của dân tộc Mon. Thế kỷ thứ 19, người Anh đã quy hoạch lại Yangon, đặt chùa Sule nằm ở vị trí trung tâm thành phố. Chung quanh là những công trình kiến trúc theo phong thái châu Âu như đài Độc Lập, Tòa thị chính, công viên Mahabadola… Một sự hòa hợp giữa Âu và Á, giữa Tân và Cổ cũng là đặc thù của Yangon mà ít quốc gia nào có được. Chính vì thế Yangon được mang danh là “London của Đông Nam Á”.

    Tượng Phật ở chùa Chauk Htat Gyi (Ảnh tác giả)
    Một địa điểm khác không thể bỏ qua, chùa Chauk Htat Gyi nổi tiếng với tượng Phật nằm dài 72m, cao 16m được tạc năm 1906 và trùng tu năm 1957. Đầu tượng quay về hướng đông và mặt qua hướng Nam. Du khách tới đây hay trầm trồ khen đôi mắt của tượng mà họ gọi là “Vị Phật có đôi mắt từ ái” (“Sweet-Eyed Buddha”). Đôi mắt này đã được các nghệ nhân làm bằng thủy tinh đặc biệt. Ở lòng bàn chân có trạm 108 biểu tượng mô tả 108 tướng tốt của Đức Phật Thích Ca. Người dân Miến sau một ngày làm việc mệt nhọc thường tới đây cầu nguyện, đọc kinh.

    Thành phố Yangon không phải chỉ toàn là chùa chiền như Bagan. Du khách có thể tới hồ Kandawgyi để ngắm cung điện Karaweik có hình dáng một chiếc thuyền rồng, mua đồ lưu niệm Miến Điện ở chợ Bogyoke Aung San Market (hay còn gọi là Scott Market) được xây 1926 theo lối kiến trúc của nước Anh, đến phố Tàu (China Town) ăn các món đặc biệt của châu Á hay đi bộ trong khu Little India.

    Cung điện Karaweik ở hồ Kandawgyi (Ảnh tác giả) China Town về đêm (Ảnh tác giả)
    Tới Yangon, nên dừng chân lại một quán bên đường để thưởng thức một ly nước mía. Đây là món giải khát thường được dùng ở một xứ nóng và hầm như nơi đây. Cái chất ngọt thơm mùi mía mới và mát rười rượi thấm vào cổ, làm tôi nhớ lại những ly nước mía ngày nào uống ở khu Viễn Đông thành phố Sài Gòn. Yangon đối với tôi có cái gì rất quen của Sài Gòn năm xưa. Nhưng Yangon cũng có nhiều cái lạ lẫm, đi đâu cũng gặp các cô gái Miến mặc váy Thummy đủ màu, đi đôi dép Lào lẹp xẹp và trang điểm trên má một lớp bột làm từ cây Thanaka để chống nắng hay gặp các chàng trai Miến mặc váy Longchy với áo Taipon. Lạ hơn nữa là người Miến ăn trầu nhiều nhất thế giới, đàn ông, đàn bà, trẻ già lớn bé ai cũng nhai trầu. Người Miến vẫn giữ được lối sống từ ngàn xưa của họ, họ vẫn chưa bị Âu hóa như một số đông các nước châu Á khác. Nếu nói Yangon có cái nét đẹp của một cô gái mang hai dòng máu Anh Miến, thì đó là một cô gái e dè thướt tha vẫn giữ được nề nết nho nhã của mình khi bước ra ánh sáng.


    Sau chuyến đi:

    Một em bé Miến, trên má thoa một lớp bột Thanaka (Ảnh tác giả)
    Rồi năm ngày ở Miến Điện trôi qua thật nhanh. Cũng như mọi chuyến đi khác, dù ngắn dù dài, đã để lại trong tôi ít nhiều những kỷ niệm khó quên. Mỗi lần đi là mỗi lần tâm thức tôi như cánh buồm được thổi căng phồng ra để đón nhận nhiều hơn nữa những điều mới lạ. Tôi không quên được những khuôn mặt mộc mạc hiền hòa của người dân Miến, khác với khuôn mặt của người Ấn Độ mang nhiều nét chịu đựng bởi cái “nghiệp” vẫn còn phải trả. Người Miến khác, ở họ toát ra một cái gì rất “an nhiên tự tại” của một con người được thấm sâu triết lý đạo Phật. Nhìn họ đi vào chùa, thấy một sự cẩn trọng, trang nghiêm, họ không khói nhang mù mịt, không nói chuyện ồn ào, họ yên lặng tĩnh tâm cầu nguyện, niệm kinh hay ngồi thiền. Cái không khí đó tôi ít được thấy ở những quốc gia khác tôi đã đi qua.

    Giáo lý Đạo Phật là “đến để thấy” (ehi-passika). Tôi đã đến đây và đã thấy những duyên lành trên đất Phật. Triết lý sống của đạo Phật đã thấm nhuần xuống từng tâm hồn của con người Miến: những con người chất phác ở trong tâm, mộc mạc ở trong trí.

    Xin giã từ xứ Miến Điện, đất nước của chùa chiền, xin giã từ Bagan, cố đô của ngàn tháp và xin giã từ Yangon, cố đô của ngàn năm. Không biết bao giờ tôi mới trở lại đây để thấy lại những con người ở quê hương này. Trên máy bay, tôi thầm nói “Thwa dau me”, giã từ bằng tiếng Miến.

    (Mùa đông 2016)


    Tài Liệu Tham Khảo:
    [1] Wikipedia
    [2] “Miến Điện và Phật Giáo“, Hòa Thượng Thích Như Điển
    [3] “Lợi ích của thiền định và sự hy sinh”, bà Aung San Suu Kyi viết, Hoàng Phong chuyển ngữ
    [4] “Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh. Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư“. Đây là câu trong bài thơ chữ Hán “Ngôn hoài” của thiền sư Không Lộ (1016-1094) thời Lý. Trong bài “Tiếng Hú Trên Đỉnh Cô Phong” tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh có viết về câu thơ chữ Hán này: “Vì rằng đây là tiếng hú, tiếng cười trên đỉnh cô phong, đỉnh cô liêu của tuệ giác! Tiếng hú, tiếng cười ở biên cõi này vốn không có người hú, người cười! Chỉ có năng lực của sự giác ngộ tự nó bùng vỡ thành băng giá làm đông lạnh cả thiên nhiên ngoại vật….Tiếng hú từ ngàn năm trước ấy - chính là sự bùng vỡ của tuệ giác - đã bay qua sông dài, biển rộng, sử lịch, thời đại, văn học, thiền học, khổ đế của trần gian” - cho đến hôm nay, tôi vẫn còn bị chấn động, bồi hồi và nghe buốt lạnh cả từng con chữ!“

  • #2
    TS Lương Nguyên Hiền du hoc và làm việc tại Frankfurt, Cộng Hòa Liên Bang Đức khoảng 50 năm tròn. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng Anh hiện vẫn có nhiều sinh hoạt xã hội thiện nguyện và văn học nghệ thuật tại quê hương thứ hai này. Hồng Điểu 31 hân hạnh giới thiệu đến các Niên Trưởng và các bạn đồng ngũ một số bài vở đóng góp có giá trị trong lãnh vực tham khảo cũng như trong làng thi văn VN Hải Ngoại này. Trân trọng kính trình!

    Hồng Điểu 31
    (K. Hoàng Đạo)

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X