Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tan vỡ

Collapse
X

Tan vỡ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tan vỡ

    Tan vỡ


    hoanglonghai


    1) -Tôi được “Tha ra khỏi trại cải tạo” - câu ghi trong “Lệnh tha” ngày 2 tháng 7 năm 1982, tính ra, kể từ ngày “nhập trại” ở trường Taberd, 24 tháng 6 năm 1975 đến khi được tha là 7 năm 10 ngày, kể cả hai ngày nhuận trong các năm đó. Tôi tính từng ngày, cũng dễ hiểu thôi : “Nhất nhật tại tù…” mà.

    Về tới Saigon - bây giờ người ta gọi là thành phố Hồ Chí Minh - Các “chú” Công An, Bộ Đội gọi một cách “thân thương” là “thành phố “bác” - dân Nam bộ chọc quê bộ đội gọi là “thành phố bát” - chữ “t” - người Bắc đọc là “tờ” thay vì chữ “c”, đọc là “cờ”, tôi phải “đi tìm nhà. “Ngày tôi ra đi”, nhà ở đường Trương Minh Giảng - tên cũ - , đã bị tịch thu hồi Đỗ Mười “đánh tư sản”, vợ tôi dắt sáu đứa con “chạy loạn” lòng vòng quanh “thành phố “bát”, như đàn kiến trong truyện Kiều : “Kiến trong miệng chén có bò đi đâu !” “Có chạy đằng trời, khỏi tay “chúng ông”. “Cách mạng cảnh cáo như vậy. Nay “mấy mẹ con” tạm trú ở Cư xá Thanh Đa, lô A. Nhìn quang cảnh chung quanh, tôi nghĩ ngay : “Chỗ nầy không phải nơi con mình ở”. Tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện “Mạnh mẫu dời nhà” (1) trong “Cổ Học Tinh Hoa” và kinh nghiệm 10 năm “gõ đầu trẻ”. Quả thật “mấy đứa học trò ở phố chợ” làm phiền tôi không ít, khác hẳn với mấy đứa “học trò nhà quê”. Cái khôn lanh của bọn trẻ ở phố là con dao hai lưỡi.

    Đó là chuyện ngày xưa - xưa là thời chế độ cũ và trước nữa. còn bây giờ, có hai mái tranh che mưa nắng che mưa ở ngay đất “Sài thành hoa lệ” cũ, đã là may, làm gì có chuyện bà mẹ thầy Mạnh Tử muốn dời nhà đi đâu là chỉ có “ba mươi giây”. “Ngày xưa qua rồi” ! Bây giờ là “đời hộ khẩu” mà, chỉ vậy đó thôi.

    2) - Sự trở về của tôi là một mối thất vọng lớn của vợ và các con tôi.

    Như mọi gia đình miền Nam trước 1975, người chồng, cũng như người cha là nguồn nuôi sống của vợ con. Người chồng đi làm hay ở lính, công chức, tư chức, thợ hồ, thợ mộc, vân vân…, là cột trụ gia đình. Người vợ lo “tề gia nội trợ”, buôn bán thêm “giúp chồng”. Tình hình chung như vậy, nhất là khi chiến tranh chưa khốc liệt, như kể từ sau “biến cố tết Mậu Thân”.

    Gia đình nhỏ của tôi, cũng giống như tất cả các gia đình miền Nam hồi đó, nhất là khi tôi còn cầm cục phấn đứng giảng bài cho học sinh trước bảng đen hay sau khi tôi nhập ngũ, mỗi khi có khó khăn tiền bạc - lương tiền không đủ tiêu - thì mẹ tôi, tôi gọi đùa là “bà già Mỹ quốc viện trợ”. Mẹ tôi gom ở các anh chị tôi, mỗi nơi ít chục ngàn “chi viện” cho tôi, cũng bằng vài tháng lương, coi như lương tháng thứ 13, 14… “dư sức qua cầu”.

    Thế rồi tôi đi ở tù! Vợ tôi ở nhà lo nuôi sáu đứa con đã khó khăn, lại còn bị “đánh tư sản”, nhà bị “khóa chốt”, khó khăn chồng chất. Mẹ tôi thì đã qua đời khi tôi đi tù được hai năm. Vả lại, nếu mẹ tôi còn sống, cũng khó cho mẹ tôi đấy. Dưới chế độ mới, hay nói theo cách nói của “cán bộ Cộng Sản”: “dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin” - mẹ tôi khó tìm nơi các anh chị tôi chút ít “tiền còm” để giúp vợ tôi. Ai cũng khó khăn cả, gian khổ cho toàn miền Nam chớ riêng gì gia đình ai. Các anh chị tôi cũng vậy. Thương mẹ lắm nhưng việc dắm dúi đưa tiền cho mẹ tiêu giảm đi rất nhiều.

    Gặp việc khó, vợ tôi nói với các con “Để chờ ba về”. Trong trí óc ngây thơ, “tin tưởng vào cách mạng”, vợ tôi nghĩ tôi chỉ “đi học” năm bữa nửa tháng rồi về, như “cách mạng thông báo” - “Cách mạng trước sau như một” mà, “Nói sao làm vậy” mà, chớ đâu có ngờ “việc học” kéo dài tới 7 năm hơn, mà cái ý kiến về sự trông cậy “để chờ ba về” in đậm trong trí óc cô ấy, như một định kiến từ khi chúng tôi còn yêu nhau, chưa cưới, khó gỡ bỏ đi được.

    3) - Dĩ nhiên, sự trông cậy đó tắt đi rất nhanh khi tôi ra tù được vài tháng. Có lẽ vợ và các con tôi không nghĩ tôi là “người đàn ông bất tài” - tôi hy vọng như thế - nhưng “rồi một hôm”, vợ chồng tôi đến thăm một người bạn, trước kia từng làm “chánh sở giáo dục”, cũng đi cải tạo về. Anh ấy ở nhà ngồi lặt rau muống, trong khi vợ anh ấy “chạy gạo” chưa về, trông cảnh mà nản lòng.

    Ông Trần Tế Xương thời đại chúng ta, trông thê thảm hơn ông Trần Tế Xương hồi đầu thế kỷ 20 nhiều. Dù bà vợ ông Tú Xương ngày xưa “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” thì ông Tú vẫn “giày “dôn” anh diện, ô Tây anh cầm”, có đâu như người đàn ông ngày nay sau khi “học tập” về - ông nào “giác ngộ chủ nghĩa Mác” rồi, “học tập tốt” được tha - thì về ngồi “lặt rau muống” hay “nhặt gạo sâu” mua ở hợp xác xã của phường.

    Cái “hào hoa phong nhã” của người Sĩ quan Phi công nay trở thành “phong đòn gánh” và hình ảnh của người “Cánh bằng lướt gió” bây giờ hiện ra là “tên giặc lái ngụy” trong tù.

    Thời thế đổi thay !

    Trong chế độ ấy, tôi là “người cùi”. Nói theo nghĩa bóng, nghĩa là tôi không làm được việc gì để có tiền giúp - giúp chớ chưa nói là nuôi - vợ con. Vợ tôi vẫn một mình cáng đáng mọi việc : kiếm gạo nuôi con ăn học, như bà Tú Xương ngày xưa : “Một thân buôn bán ở ven sông, Nuôi nổi năm con với một chồng”. Câu thơ tiếp sau đó là hình ảnh một con cò : “Lặn lội thân cò nơi quãng vắng…” Từ xưa đến giờ, hình ảnh con cò thường là hình ảnh người đàn bà Việt Nam. Bà Trần Tế Xương đã vậy. Mẹ tôi cũng vậy và bây giờ chính là vợ tôi. Biết các con tôi ngày sau sẽ ra sao, trong cái “chế độ ưu việt” nầy ! Người Việt chúng ta, đâu có thể nghĩ dễ dàng như người Tây phương : “Qué sera, sera…” như Doris Day thường hát.

    4) - Gần tết rồi mà cái khó chưa chịu buông gia đình tôi, và hàng chục triệu gia đình người dân Nam bộ. Gạo miền Tây không lên được. “Thành phố bác” đang bên bờ vực thẳm của nạn đói. Không lý năm Quý Hợi mà dân Nam bộ đói như dân Bắc kỳ năm Ất Dậu hay sao ? Năm Ất Dậu đói là vì chánh sách cai trị của ngoại bang, là Tây Nhật. Vậy thì năm Quý Hợi nầy mà dân Saigon đói, không phải vì chính sách cai trị của ngoại bang, mà chính là vì ách cai trị của nội bang. Nội bang chính là Việt Cộng. Người miền Nam ngồi trên “đồng bằng sông Cửu Long” - “Vựa lúa của miền Nam” mà đói gạo ăn thì có sự vô lý nào kỳ quặc hơn ?

    Gần ba mươi tết vợ tôi bị tịch thu một “xe gỗ ván sàn” từ trong rừng La Ngà mới ra tới Quốc Lộ 15. Đây chẳng phải là “rừng vàng biển bạc” gì cả như lời Hồ Chí Minh thường mượn câu tục ngữ nầy để tuyên truyền “chống Mỹ ngụy”. Nhìn bản đồ, người ta thấy được một “chuỗi mật khu Việt Cộng” ở miền Đông Nam Bộ: sát biên giới Kampuchia - Kampuchia là “hậu cần Việt Cộng - là mật khu Dương Minh Châu - từ Dương Minh Châu đi vào vùng Trị An, nơi bộ đội Việt Cộng thường “tập kết” trước khi vượt quốc lộ 15 ở Đinh Quán. Định Quán là nơi Tây thua liểng xiểng trong cuộc “Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất” khi chúng muốn “khóa” con đường giao liên nầy. Qua khỏi Định Quán là vào La Ngà; từ đó con đường giao liên nối tới Võ Đắt / Võ Xu - là nơi ông Ngô Đình Nhu gặp Phạm Hùng ? Kế Võ Đắt / Võ Xu là căn cứ 5, căn cứ 6 trên Quốc Lộ 1. Bên kia Quốc Lộ 1 là mật khu Mây Tàu.

    Từ kinh nghiệm trong hai cuộc chiến vừa qua, và sợ dân chúng vùng Giốc Mơ, Gia Kiệm - phần đông là dân công giáo di cư – tiếp tế cho Phục Quốc trong rừng La Ngà, Việt Cộng cho “khai thác trắng” - có nghĩa là “triệt hạ rừng” từ vùng Trị An, La Ngà xuống tới Long Khánh: gỗ cho làm ván sàn xuất khẩu, rừng trở thành trơ trụi. Vì vậy, cán bộ có “chỉ tiêu gỗ” bán chui ra ngoài dân chúng, làm giàu rất nhanh. Dân Saigon, trong đó có vợ tôi, qua đó, một thời mua gỗ làm ván sàn xuất khẩu, qua được một mùa đói kém vào những năm 1982, 83. Những tên không có “chỉ tiêu gỗ” bắt những tên có gỗ bán ra, chỉ là tranh ăn mà thôi, chớ có “xây dựng bằng mười ngày nay” như Hồ Chí Minh hứa hẹn đâu ! Người dân đen gánh chịu hậu quả.

    Mất gỗ - là mất cả vốn lẫn lời - vợ tôi về nhà nằm dài, nghĩ đến tết, thương con mà chảy nước mắt.

    5) - Tôi là người chồng bất tài.

    Trưa ba mươi Tết, tôi ghé nhà anh tôi “thắp nhang cho mẹ” và “chúc tết” anh chị tôi. Mẹ tôi thờ ở đây. Tôi không than van gì về khó khăn hiện tại, nhưng anh tôi hiểu rất nhanh về nỗi túng cực của tôi. Khi tôi ra về, anh tôi sai con trai cột vào porte bagage xe đạp của tôi một bao gạo lớn bằng bao cát thời chiến tranh. Loại gạo “hợp tác xã”, nhà anh tôi không ăn : Gạo lẫn nhiều sỏi, cát, trấu và xay không kỹ.

    Trên đường về, tôi ghé lại nhà chị tôi. Tôi dựng xe trước cửa hàng nhà chị. Nói chuyện một lúc, trời tối đã lâu, tôi nói với chị : “Đường xa, thôi em về.”

    Chị tôi hỏi. (như chiếu lệ vì biết gia cảnh tôi hiện nay):

    - “Tết em có mua sắm gì không ?”

    - “Không chị à ! Đi tù 7 năm về, tết cũng vậy !”

    Chị tôi lại hỏi :

    - “Em chở gì sau xe ?”

    - “Gạo “hợp tác xã.” Sau một lúc ngần ngừ, tôi nói tiếp : “Nhà anh L. không ăn gạo nầy, cho em đem về ăn.”

    Chị tôi không nói. Hình như hàm răng trên của chị tôi cắn nhẹ vào môi dưới ! Chị tôi khóc hay sao ? Bỗng chị ấy ôm tôi, gục đầu lên vai tôi. Tôi nghe tiếng chị nói, nghẹn ngào : “Chị đâu có ngờ em cực đến vậy. Xin cái người ta bỏ đem về ăn.”

    Tôi cải chính : “Em không xin. Anh ấy tự cho đó chớ.”

    Chị tôi nói, không còn tiếng khóc : “Gạo đó nhà cậu L. dành nấu cho chó ăn đó em. Thời buổi nầy mà nuôi một bầy chó !”

    Bây giờ tới phiên tôi : Tôi thấy nghẹn ở cổ.

    Tôi vội bước ra cửa, kéo chiếc xe đạp đứng lên, rồi lên xe phóng đi, không nhìn lui để xem thử chị tôi có đứng trông theo hay không !

    6) - Chiều mồng một tết, các con tôi đi đâu cả. Có lẽ chúng sang chơi nhà cậu mợ ở phía bên kia chợ Thanh Đa. Chỉ còn tôi và vợ tôi ở nhà !

    Nhà tôi không thờ ai để người ngoài có thể biết trên bàn thờ có thắp sáng nhang đèn hay có chưng dưa hấu, thịt mỡ, dưa hành… Giữa nhà chỉ thắp một bóng đèn điện như ngày thường.

    Suốt từ sáng tới trưa, nhà không đỏ lửa. Suốt từ tối qua tới giờ, vợ tôi nằm im trong buồng, trừ vài lần vợ tôi vào toilet. Xong, cô ấy lại vào buồng nằm. Tôi biết vợ tôi buồn lắm. Tôi cũng không nói gì. Tôi nể vợ hay tôn trọng sự đau khổ của người mẹ, người vợ thấy mình bất lực.

    Chiều lại, tôi mở bao gạo đem về chiều hôm qua, đong ba loon, đổ vào cái thau nhựa, ngồi lượm sỏi, trấu. Vợ tôi đi ngang, nhìn liếc, nhắm bộ không vui, nhưng không nói gì! Lượm gạo xong, tôi nấu cơm. Biết chừng không ăn hết, nhưng tôi cứ nấu cả ba loon; biết đâu các con về, sẽ có gì ăn đỡ đói.

    Cơm chín; tôi mở tủ, lấy hũ ruốc Huế ra. Kinh nghiệm bảy năm tù cải tạo dạy cho tôi nhiều việc mà trước kia, tôi chưa từng làm bao giờ: Múc một muỗng ruốc, “tao” với nước trong, gạn lấy nước đổ vào cái chảo nóng - có “tóp” mỡ thì càng tốt - chờ sôi, đổ ra chén, thêm một ít ớt trái, chút đường, ăn với cơm, có rau lang hay rau muống luộc, là món ăn ngon tuyệt của nhà nghèo.

    Xong, tôi đi vào buồng, gọi vợ tôi ra cùng ăn với tôi. Vợ tôi trả lời : “Anh ăn đi, em không đói !”

    Không đói ! Không phải vậy. Vợ tôi giận anh tôi mấy năm nay ! Sau bị đánh tư sản, gặp hoạn nạn, khó khăn, nhất là sau khi mẹ tôi qua đời, anh chị em cắn đắng nhau. Ai cũng quên câu mẹ tôi thường dạy khi chúng tôi còn nhỏ “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Câu ca dao đơn giản như vậy mà không ai nhớ lời mẹ dạy cả hay sao ?

    Biết khó nói gì thêm với vợ, tôi ra bàn, ngồi ăn một mình. Gạo đã dở, mà hình như có thêm vị đắng vì tình cảm anh chị em sứt mẻ. Tôi cố nhai, cố nuốt cho xong chén cơm.

    Anh chị em nhà tôi vậy là mắc bẫy Cộng Sản cả đấy. Đánh phá gia đình người miền Nam không phải là mục tiêu của người Cộng Sản Bắc Việt khi tấn công miền Nam để xây dựng “Xã hội xã hội chủ nghĩa” hay sao ? “Cách mạng triệt để” mà ! Trong chế độ mới, làm sao Cộng Sản có thể để tồn tại cái khung cảnh gia đình đầm ấm mà chúng ta từng đọc trong “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”: Cha tôi ngồi đọc báo, mẹ tôi ngồi đan áo, chúng tôi ngồi học bài, v.v… Đó là hình ảnh một gia đình tư sản hay tiểu tư sản, thành phần “giai cấp bóc lột và… phản động” mà Cộng Sản cần triệt hạ !

    Khi người chồng đi cải tạo về, ngồi lặt rau muống hay lượm gạo cho vợ con, làm sao họ còn được cái ý chí mạnh mẽ đề kháng hay phục hồi chế độ cũ, một chế độ mà Cộng Sản cho rằng “giai cấp thống trị miền Nam hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi”.

    Trong chế độ mới, tôi là người bị “cùi”. Cả triệu người, sau khi được “tha ra khỏi trại cải tạo” đều bị “cùi”. Đó là chính là cái mục đích sau cùng của việc cải tạo. Sức đề kháng hoàn toàn bị triệt tiêu. Nếu cái sức đề kháng đó được phục hồi, nó sẽ có sức mạnh gấp trăm lần trước kia, vì nó được tăng thêm sức mạnh bởi lòng hận thù.

    Tôi cảm nhận một cách rõ ràng sự tan vỡ của gia đình tôi, bởi những đòn đánh chí tử vào cái bao tử của từng người, từng gia đình miền Nam.

    Ba mươi tháng Tư, sau khi đất nước bị Cộng Sản đánh tan tành, tới phiên người miền Nam lần lượt vào trại cải tạo. Họ bắt đầu một sự tan vỡ mới : Tan vỡ gia đình. Khi họ được “tha ra khỏi trại cải tạo” thì mọi sự đã thay đổi, gia đình tan vỡ, ít ra là về mặt tinh thần.

    Rõ ràng “Mất đất nước, mất tất cả.”

    7) - Uống nước xong, tôi vào buồng nằm phía sau lưng vợ tôi. Cô ấy nằm quay mặt vào tường. Tôi đưa tay bỏ lên ngang hông vợ, sờ thấy cái bụng vợ tôi lép kẹp. Hai hôm nay, cô ấy không ăn gì. Có lẽ cô ấy buồn, như câu mẹ tôi thường nói ngày xưa vậy : “Tết nhứt mà cái bếp lạnh tanh.”

    Tôi rụt tay lui, rồi đưa mắt nhìn qua khe hở của hai cánh cửa sổ. Ngoài kia, trời tối lúc nào mà tôi không hay. Trời mùa Đông mau tối. Giữa bầu trời đen, lấp lánh xa xa nhiều vì sao, làm tôi nhớ một ý văn tôi đã đọc hồi còn đi học. “Mỗi người đi về huyệt mã đều mang một chuỗi hột sao, kết tinh bằng những giọt nước mắt từ nơi mẹ, và chấm dứt bằng những giọt nước mắt nhỏ trên ván quan tài. Giữa lúc thoát thai và giờ quá vãng, đời người đếm biết bao nhiêu giọt mồ hôi và nước mắt. Mồ hôi và nước mắt biểu hiện cho lao khổ và thương đau, nhưng cũng biểu hiện cho sức sống. Con người không đổ mồ hôi và nước mắt trong đời mình là con người bằng gỗ, chất gỗ mất lần nhựa sống, tan rã lần vì mục nát, người đó có cũng như không.” (2)

    Tôi lại đưa tay gác lên ngang hông vợ. Cô ấy vẫn nằm im. Tôi lại nhìn qua khung cửa. Những vì sao vẫn lấp như nó đã lấp lánh từ cả mấy ngàn năm trước. Có phải nỗi khổ của con người cũng đã có từ ngàn xưa… và cả ngàn năm sau nầy nữa. Nhưng, như đoạn văn trích dẫn trên, nó là biểu hiện cho sức sống của con người, mà tác giả muốn nhắc nhở chúng ta về ý hương tích cực với cuộc sống. Cũng nhờ cái ý hướng tích cực đó, những người tù cải tạo phải gánh chịu bao nhiêu gian khổ trong tù để được về với gia đình, trong khi gia đình đang tan rã lần vì sự tàn ác và mục rửa của chế độ.

    Rồi tôi cảm nhận một cách rõ ràng sự bất lực của chính tôi và cái ý hướng tích cực với cuộc sống đã bị hao mòn lần hồi. Sự bất lực của chính tôi làm tôi thêm thương vợ và các con, một tình thương chân thật và sâu sắc từ trước khi tôi cưới cô ấy, cũng như trước khi các con tôi lần lượt chào đời.


    hoànglonghải

    _______________

    Chú thích :

    (1) - Mạnh mẫu dời nhà (Cổ học tinh hoa - Liệt nữ truyện)

    Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ, nhà ở gần bãi tha ma. Thấy người ta đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy thế nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”. Rồi, dọn nhà ra gần chợ.

    Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước buôn bán điên đảo. Bà mẹ thấy thế lại nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được”. Bèn, dọn nhà đến ở cạnh trường học.

    Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, sách vở. Bây giờ bà mẹ mới vui lòng, nói : “Chỗ này là chỗ con ta ở được đây”.

    (2) - “Mùa sao”. Lưu Nghi.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X