Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thuở vô trường học, thuở ra trường tù

Collapse
X

Thuở vô trường học, thuở ra trường tù

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thuở vô trường học, thuở ra trường tù

    Thuở vô trường học, thuở ra trường tù
    ~~~



    <img src="https://hoiquanphidung.com/upload_hqpd/hqpd517/1508188679-muaxuanden_bia2.jpg" width="500" height="450">

    Thuở còn ở nhà trường trung học, tôi có vẻ khá Việt văn nhưng lại đi ban B môn Toán, chả biết tại sao. Đời tôi có nhiều chuyện trật đường rầy ngay từ buổi thiếu thời. Có lần làm một bài bình giảng trong truyện Kiều, tôi bài bác ông tướng giặc Từ Hải hết chỗ chê. Tôi chê có lý, có văn, có sách đàng hoàng, đến ông thầy Thế Viên phải cho điểm cao nhất lớp.

    Thuở xưa, hễ ai hùng cứ được một phương là tự nhiên được làm tướng, không cần cái sao nào trên áo trận. Không có ngôi sao nên không thể so sánh được với mấy ông tướng của mình về cấp bực. Cấp bực không so sánh được, nhưng cách hành sử của một ông tướng Từ Hải thì tôi không chịu… Tướng Từ Hải khi chưa gặp Kiều thì:

    Đường đường một đấng anh hào
    Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.


    Cái này tôi chịu. Đến khi mang được Kiều về khu chiến thì ông tướng xìu thấy rõ. Người đẹp nhớ kinh thành, đô hội, bèn bèn làm một màn dụ ông tướng về hàng triều đình để làm quan võ, cho nàng được hưởng chút phú quý, vinh hoa. Tướng Từ Hải không còn “ải ải như ta đây”, hay dọc ngang nào biết trên đầu có ai, mà chỉ than:

    Bó thân về với triều đình
    Hàng thần lơ láo, phận mình ra sao…


    Kiều thấy ông tướng có vẻ xuống tông, bèn rề vô ôm eo ếch năn nỉ, không biết nàng thủ thỉ cái kiểu chi mà ông tướng xụi lơ, nhận lời đề nghị qui hàng:

    Nghe lời Kiều nói mặn mà
    Thế công Từ mới đổi qua thế hàng!


    Trời ơi, làm tướng kiểu gì mà vì đàn bà nói ngọt, đang giáp trận đùng đùng lại xếp gươm giáo qui hàng?! Cái máu con trai của tôi thấy chuyện này không ổn tí nào. Nhưng sách viết như vậy biết làm sao bây giờ. Ông Trần Hưng Đạo, ông Lý Thường Kiệt, ông Quang Trung mà như vậy thì chết cha nước ta. Khi Kiều thành thực tin ở triều đình, tin ở Từ Hải, tin mọi chuyện sẽ an bài; và vì tin nàng, Từ Hải tàn tàn kéo quân về trình diện triều đình. Không ngờ gặp phải thứ triều đình cà chớn, cho Hồ Tôn Hiến ra phục kích.

    Từ Hải bị vây, tấn công bất ngờ, chết đứng giữa trận. Có thể lúc đó ông tướng bị áp huyết cao, cholesterol cao, nhận ra sự lọc lừa phản bội của triều đình, hoặc giả Từ Hải nghĩ Kiều là gián điệp nội phản… Thế là ông tướng uất lên mà chết thẳng lưng trên lưng ngựa, báu kiếm còn nguyên trong vỏ. Tên Hồ Tôn Hiến này cho ngồi chỗ tướng VC Nguyễn Chí Thanh, triều đình tráo trở này cho thế vào chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh thì có lẽ hợp. Cứ coi cái trận Mậu Thân 1968 thì thấy hai cái triều đình này hành sử gian trá, lọc lừa y chang nhau.

    Trong bài bình giảng thuở xưa, dĩ nhiên lúc tôi chưa biết lính tráng là gì, song là con trai có chút máu lý sự, tôi oánh ông tướng Từ Hải thê thảm. Ông thầy hỏi:

    – Tại sao còn nhỏ mà em viết nặng tay như vậy?

    – Thầy coi, đường đường là một ông tướng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” mà chỉ vì “nghe lời Kiều nói mặn mà. Thế công Từ mới đổi ra thế hàng”. Làm tướng gì mà hèn yếu, kỳ cục vậy? “Nhất tướng công thành vạn côt khô”, ổng làm tướng như vậy là chết cha ba quân. Bài bình giảng em viết hơi bạt mạng mà thầy lại cho em điểm cao là sao?

    – Vì cách diễn giảng và phê bình của em có những lý lẽ vững vàng. Trời cho sau này mà em làm tướng, chắc em gắt gao và nguyên tắc?

    – Em làm tướng sao nổi thầy. Cha mẹ em là nông dân mà, sau có đi lính bò lên tới quan là phúc đức ông bà!

    – Tướng mạo em hiền, thẳng tính, nhưng biết đâu!

    Trong suốt quãng đời thơ ấu bậc trung học, về môn văn, khi đụng tới truyện Kiều là tôi đâm bực cái câu:

    Nghe lời Kiều nói mặn mà
    Thế công Từ mới đổi ra thế hàng!


    Từ Hải đã chết vì hai cái câu này. Nhiều lần tôi nghĩ bụng, tôi mà làm tướng thì muôn lần không, vạn lần không, sẽ không có chuyện mấy bà rớ vô chuyện nhà binh, chuyện đại sự. Thành ra, sau này, khi tôi vào lính, tôi ghét cay ghét đắng chuyện mấy bà lớn chỉ huy ông lớn, nhúng tay vào chuyện thuyên chuyển, bổ nhiệm, chuyện chạy cửa hậu. Tổng tư lệnh mấy cái cửa hậu đều do mấy bà nắm. Mà bình tâm xét lại, Kiều là nạn nhân tin người, Kiều không gian ác, tàn hại ai. Không thấy sách nói Kiều nhúng tay đày ải bất cứ người lính nào của Từ Hải…

    Tuy nhiên, sau nầy tôi đã trải qua cái chết đứng cứng người như Từ Hải thuở xưa giữa tiếng hò reo của quân Hồ Tôn Hiến: Trên con đường trăng giữa mật khu Lê Hồng Phong dẫn ra biển, mấy chục cây AK của bộ đội và công an Việt cộng bất chợt ùa ra từ bụi rậm, chĩa thẳng lưỡi lê lạnh ngắt vào người tôi: ”Đứng lại! Đưa tay lên” Tôi thành Từ Hải giữa mật khu Lê Hồng Phong, chân trụ trên đất, hai tay không một tấc sắt, đưa ngược lên trời, toàn thân lạnh người chết cứng. Có thể Từ Hải thuở xưa đã chết đứng như vậy!

    o O o

    Từ Tổng Trại 8 Tù Tàn Binh Sông Mao, tôi được tạm tha để về nơi cư trú trình diện và làm lại cuộc đời. Cuộc đời thực ra đã tả tơi, tan nát từ cái ngày miền Nam sụp đổ, nên sau những tháng năm tù, tôi không biết phải làm lại từ đâu, ngoài cái nghề đốn củi, làm tiều phu. Tiều phu trong sách vở là hình ảnh mấy ông già sống cái nghề lao động vô cùng tội nghiệp, còn tôi, bao nhiêu tuổi đầu còn lại chỉ thấy một mầu tang dưới khung trời xã hội chủ nghĩa.

    Sầu đời, tôi chỉ biết chẻ nửa câu thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác mà than “Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc. Trăm năm thân thế bóng tà dương!” Còn cái chuyện “vỗ tay mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất man man, ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường...” thì khỏi. Ngông nghênh, thất chí kiểu này thì công an tóm cổ tống lên trại trở lại là cái chắc. Sự kiểm soát, cai trị của cộng sản khắt khe và tàn độc hơn thời Pháp thuộc hàng ngàn lần. Không thể “nghiêng bầu mà hỏi để cạn hồ trường” như người xưa được!

    Ngày tôi về, gia tài duy nhất tôi mang theo từ trại, đúng ra phải nói là từ những khu rừng âm u của trại tù tàn binh Kà Tót, là hàng hàng lớp lớp những trùng sốt rét nằm vùng trong máu, cứ lâu lâu “nghe lời Bác dạy“, hành tôi lên cơn một phát. Thế là hồng cầu nhen nhúm được nhờ những bữa cơm nhà tiêu đi mất trong một buổi chiều nóng lạnh. Sau cơn sốt, cơ thể tôi như cọng bún, chân bước không qua nổi một cục gạch bông. Cũng may, bà xã tôi vẫn còn được cho dạy học ở trường Phan Bội Châu Phan Thiết nên còn chút ít phương tiện sinh sống cầm hơi.

    Khi tôi còn trong trại, phiên họp nào ở trường cô cũng có mặt. Cái gì cũng phải tốt để khỏi bị ảnh hưởng xấu đến ngày về của chồng. Khi tôi về và bị sốt rét nặng, cô lơi đi việc họp hành, chia bớt thời giờ để lo thuốc men cho chồng. Thế là đảng đoàn ở trường kết tội cô bị chồng ảnh hưởng tư tưởng tiêu cực nên không còn “năng nổ” như xưa.

    Vậy là mấy năm “học tập cải tạo”, dù cho về, đảng vẫn coi tôi là thành phần ngụy ngập, không tin được. Nghe tin bí thư đảng đoàn gì đó của trường phán như thế, dù chưa đến kỳ lên cơn, tôi cũng thấy lạnh người như vừa bắt đầu lên cơn sốt rét.

    Nhà tôi ở trên đường Trần Quí Cáp, Phan Thiết; mỗi khi có lễ lộc gì của nhà nước cộng sản, thiên hạ đều phải treo trước cửa một cây cờ đỏ sao vàng. Đường phố rực một màu đỏ rợn người. Trong những dãy cờ treo dọc phố, cây cờ của nhà tôi là bạc màu nhất, chẳng biết ông già vợ tôi kiếm ở đâu đem về. Ý ông là treo cho có lệ, người ta treo thì mình treo, không treo thì công an hỏi thăm sức khỏe.

    Bên góc phải cửa trước nhà tôi có một hộp thư. Thỉnh thoảng nhà vẫn nhận thư bưu điện gởi đến, thỉnh thoảng lại có mấy cái thư dán tem gởi về Hà Nội. Thì ra các đồng chí nhà ta tưởng đây là “hòm thư bưu điện“. Những cái thư đồng chí gởi đồng chí kiểu này, tôi xé ra coi và cho vào bếp lửa. Đúng sai gì tôi không cần biết, chỉ biết đó là hành động tôi “trả thù” đảng kể từ ngày ra khỏi tù.

    Đến một hôm, tôi bóc một bao thư đề gởi cho Ban Quân Quản Phan Thiết, người gởi là một bà cán bộ từ miền Bắc vào, ở sát hẻm nhà tôi. Nội dung thư tố cáo căn hộ của tôi ở là căn hộ của một tên sĩ quan ngụy mới về từ trại, coi thường lá cờ tổ quốc, để lá cờ bạc màu và tua rách, và yêu cầu trên lưu ý, xử lý thích đáng.

    Đọc thư, tôi hoảng hồn, phóng xe đạp tìm ông cụ, và nhà tôi lại phải ra phố mua cây cờ mới. Dĩ nhiên lá thư tố cáo tôi cũng chui vào bếp lửa để phi tang. Tôi nghĩ bụng sống như thế này sẽ có ngày chết, không chết vì sốt rét thì chết vì đứng tim, không chết vì đứng tim thì chết vì cộng sản hốt vô lại trại tù đày ải, bệnh hoạn mà chết. Hàng trăm lý do để bị chết oan nghiệt.

    Mỗi khi tôi lên cơn sốt rét, tôi đều dặn gia đình là kêu y tá dạo tiêm thuốc, tuyệt đối không chở đi nhà thương, tôi sợ mấy cô y sĩ cách mạng nhớ thù xưa cho một phát thuốc bậy bạ là tên sĩ quan ngụy này chết không nhắm mắt! Căn nhà tôi trọ là của ông già vợ, gia tài của tôi còn lại duy nhất là chiếc solex. Cái gia tài này cũng làm tôi khốn đốn không ít. Cứ mỗi lần tôi kiếm được một xị xăng chạy ra phố là y như rằng có sự dòm ngó của công an, bộ đội:

    – “Địt mẹ, thằng đó nó đi chiếc xe gì mà tớ không thây nó đạp, không thấy máy cơ hành giây xên mà xe lại chạy phom phom! Quái nhỉ!”

    Và dường như cái phong thái ngồi trên chiếc solex của tôi nó cũng có vẻ tiểu tư sản, phản động giữa cái thời mà cả nước xuống cấp, nón cối, dép râu, lao động phờ người. Một hôm, hai tên công an biên phòng đến nhà. Hắn hỏi xã giao trên trời, dưới đất và hắn tò mò hỏi cơ hành chiếc solex tôi dựng trong phòng khách. Tôi phải giải thích làm sao mà xe chạy được, chỉ cho hắn cái trục lăn cạ bánh trước khi nó lăn thì bánh xe quay, và xe chạy. Hắn lấy làm thích thú, song sau đó, hắn làm tôi lạnh người, hắn yêu cầu tôi cho hắn xem lại giấy ra trại. Hắn tịch thu, mang đi và tôi không có một mảnh giấy lộn trong người suốt một tuần lễ.

    Tôi nằm nhà, mỗi đêm vài cơn ác mộng. Cứ mỗi sáng ra, tôi nhận diện cuộc đời, và chưa bao giờ trong đầu tôi chờn vờn nhiều ghe thuyền bằng lúc này, chiếc nào cũng có mũi nhắm hướng Mã Lai.

    Không thể kéo dài cuộc sống đau tim này được. Biển cả và tự do thôi thúc, như một sức hút vô hình, tôi chợt nghĩ, rồi ra, đời mình chỉ còn có hai hướng đi mà định mệnh chọn sẵn, một là lên núi, hai là ra biển. Thử con đường Sơn Tinh mấy lần, thấy khó ăn, thế là tôi theo Thủy Tinh ra biển. Chết sống có số, chết bỏ! Ra đi may mà có đường sống.

    Chuyến đi được chuẩn bị hàng mấy tháng trước. Bãi bốc là một địa điểm hẹn trên bờ biển phía Nam Phan Rí chừng 10 cây số, gần bìa rừng dựa lưng mật khu Lê Hồng Phong. Gia đình tôi gồm đứa con 3 tháng, đám em và một nhóm bạn bè từ Sài Gòn ra, được đổ ban đêm trên quốc lộ 1 phía Bắc Chợ Lầu vài cây số, từ đó băng ruộng, vượt sông qua một động cát ở hướng đông, nơi tôi sẽ gặp mọi người bằng một con đường đi riêng chỉ có tôi và người bạn đồng hành biết.

    Là một sĩ quan tù cải tạo ra trại không bao lâu, cơn ác mộng của tôi là bị bắt trở lại. Do đó, tôi và người bạn đồng hành đã dùng địa bàn bộ binh lội nát lộ trình tôi định đi, để nếu lỡ chuyến đi bị phát giác, tôi có cơ hội thoát một mình Nhưng lưới đảng lồng lộng, tôi đã bị tóm.

    Mẹ tôi đã khóc hết nước mắt khi em tôi kể lại chuyện tôi bị phục kích và suýt bị bắn trong mật khu Lê Hồng Phong Riêng tôi, tôi không hở một lời. Kể từ ngày bỏ nước ra đi năm 80, tôi chưa một lần về lại Việt Nam.

    Tôi vẫn biết, mỗi lần Tết đến, bà cụ vừa rang nổ làm cốm Tết, vừa khóc. Bà biết chút ít câu Kiều, nhưng chắc bà không biết Từ Hải trong truyện Kiều chết đứng ra sao, bà cũng không làm sao biết được cái oan nghiệt lạnh người của tôi khi bất ngờ bị phục kích giữa rừng, bà chỉ biết tôi suýt chết, nhờ ông bà phù hộ mà còn sông và nay thì biền biệt cuối chân trời.

    Sài Gòn nắng hạ mưa tuôn
    Cũng không rửa sạch mối hờn trăm năm
    Hỡi ơi, tóc loạn không cầm
    Mà tim còn hực lửa hồng sục sôi.



    Hải Triều
    (Trích trong "Mùa Xuân Đen")


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X