Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trận đánh tiêu diệt 3 tiểu đoàn đặc công ....

Collapse
X

Trận đánh tiêu diệt 3 tiểu đoàn đặc công ....

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trận đánh tiêu diệt 3 tiểu đoàn đặc công ....

    TRẬN ĐÁNH TIÊU DIỆT 3 TIỂU ĐOÀN ĐẶC CÔNG THUỘC ĐOÀN 429 ĐẶC CÔNG VIỆT CỘNG VÀO LAI KHÊ NHẰM TRIỆT TIÊU CĂN CỨ YỂM TRỢ CHO AN LỘC
    Vũ Uyên Giang

    Lời nói đầu: Cuối năm 1971 Bộ Tư Lệnh Miền của Cộng Sản Bắc Việt đã chuẩn bị 1 kế hoạch sử dụng 14 Sư đoàn Bộ binh và trên 1000 chiến xa tấn công toàn diện lãnh thổ VNCH nên đã mở ra các mặt trận Quảng Trị, Kontum và Thị xã An Lộc thuộc Tỉnh Bình Long.Trước hết chúng mở mặt trận DIỆN tấn công vào vùng biên giới Việt Miên ở Tỉnh Tây Ninh (vùng Xa Mát và Tân Biên) vào trung tuần tháng 3/1972 với lực lương gồm Sư đoàn C 30B tân lập (còn có mật danh khác là Đoàn Bình Long hay Công trường Bình Long). Sư đoàn này gồm có 2 Trung đoàn Bộ binh của Công trường 7 và 9 là E 24 và E 271 và được tăng phái 1 Đại đội xe Thiết giáp thuộc Trung đoàn 201 Thiết giáp và Tiểu đoàn D 28 Đặc công nhằm thu hút quân chủ lực của VNCH để chúng thừa cơ tấn công trên một trận địa lớn chiếm Tỉnh Bình Long, hầu ra mắt Chính Phủ Lâm Thời của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một công cụ tay sai do Cộng Sản Bắc Việt nặn ra để che giấu hình tích cộng sản xâm lược của chúng. Kế hoạch này được cộng sản phổ biến cho các cán bộ trung và cao cấp học tập để quán triệt đường lối và chủ trương của đảng cộng sản VN ở Miền Bắc; đó là Chiến dịch Nguyễn Huệ với khẩu hiệu “Khí thế như Mậu Thân, ra quân như Nguyễn Huệ quyết giải phóng Miền Nam thực hiện di tích Hồ Chủ Tịch”…

    Người viết là một sĩ quan Quân báo của Phòng 2/ BTL Quân đoàn III đã trực tiếp tham dự mặt trận Tây Ninh và Lai Khê vào tháng 6/1972 nên ghi lại những giòng hồi tưởng về một chiến tích oai hùng của QLVNCH trong chiến sử tiêu diệt gần như xóa sổ 3 Tiểu đoàn Đặc công cộng sản trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 ở căn cứ Lai Khê điều này đã chứng minh QLVNCH đã chiến đấu quả cảm, anh dũng trong suốt cuộc chiến giữ nước. Chúng ta bị người bạn đồng minh bội phản đê hèn đâm sau lưng nhát dao chí tử nên đành ngậm ngùi thân chiến bại. Vì thời gian trôi qua đã hơn 40 năm, có những chi tiết chỉ còn nhớ mù mờ, xin quý vị đã từng tham dự trận chiến này bổ túc cho tác giả; xin vô vàn cảm ơn.

    Bài viết này chỉ là Phần thứ 3 của loạt bài dài nói về Trận chiến 1972; trong phần này chỉ chú trọng đến diễn tiến trận tấn công của 3 Tiểu đoàn Đặc Công VC vào căn cứ Lai Khê nhằm cắt đứt đểm tiếp viện quan trọng cho Mặt trận An Lôc. Nếu chiếm được Lai Khê, chúng sẽ dễ dàng thanh toán An Lộc.

    Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân đoàn III từ Biên Hòa lên trú đóng ở BTL Sư Đoàn 5BB tại Lai Khê nằm ở phía Bắc của Quận lỵ Bến Cát từ Tháng 4 năm 1972, sau khi VC khai diễn Chiến dịch Nguyễn Huệ vào đêm 31 tháng 3 rạng 1 tháng 4 năm 1972 tấn công chiếm Quân lỵ Lộc Ninh với lực lượng cấp Quân đoàn.

    -​Thành phần chỉ huy của VNCH ở Lai Khê gồm: Đích thân Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Quân đoàn III và Quân khu 3 làm Tư lệnh Mặt trận An Lộc. Các Phòng 1, 2, 3, 4, 5 và 6 trực thuộc BTL Quân Đoàn. Ngoài ra có các sĩ quan cao cấp của QĐ III như Trung tá Trần Văn Bình, Trưởng Phòng 2; Trung tá Nguyễn Ngọc Ánh, Phụ tá Hành Quân của Tư Lệnh đặc trách chiến trường ngoại biên và An Lộc; Trung tá Huỳnh Văn Bé, Giám đốc Trung Tâm Hành Quân QĐ III; Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh SĐ 5BB trực tiếp chỉ huy trong An Lộc; Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, Tư lệnh SĐ 21BB v.v…

    Bộ chỉ huy chiến dịch của phía VC gồm:
    a-​ Trung tướng Trần Văn Trà (bí danh Tư Chi) – Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch.
    b-​ Thiếu tướng Đồng Văn Cống (bí danh Ba Hồng) – Phó Tư lệnh
    c-​ Trần Văn Phác – Phó Chính uỷ
    d-​ Lê Ngọc Hiền – Tham mưu trưởng
    e-​ Bùi Phùng – Chủ nhiệm hậu cần
    f-​Thường trực tại Bộ chỉ huy còn có: Thượng tướng Hoàng Văn Thái (bí danh Mười Khang), Bí thư Trung Ương Cục Phạm Hùng, Trung tướng Trần Độ (bí danh Chín Vinh, Chính ủy Bộ Chỉ Huy Miền) và Trung tướng Hoàng Cầm (bí danh Năm Thạch)

    Các đơn vị VC tham dự Mặt trận An Lộc, Bình Long dưới sự chỉ huy của Trung tướng VC Hoàng Cầm (tên thật là Đỗ Văn Cầm, sinh năm 1920 tại Hà Tây) bí danh Năm Thạch gồm:

    a-​Công trường 5 – ký hiệu F 5 (quân số: 9,320 gồm 3 Trung đoàn E 275, E 174, E 6). Tư lệnh F5 là Thượng tá Bùi Thanh Vân.
    b-​Công trường 7 – ký hiệu F 7 (quân số: 8,600 gồm 3 Trung đoàn E 141, E 165 và E 209). Tư lệnh F7 là Đàm Văn Nguỵ
    c-​Công trường 9 – ký hiệu F 9 (quân số: 10,080 gồm 3 Trung đoàn E 271 mới được bổ sung quân số từ 1 đơn vị xâm nhập từ Miền Bắc vào, E 272 và E 95). Tư lệnh F9 là Nguyễn Thới Bưng.
    {Ghi chú: VC gọi Công trường tức Sư đoàn}
    d-​2 Trung đoàn E 201 + E 203 Thiết giáp gồm T 54 và PT 76
    e-​Đoàn 429 Đặc công (tương đương Lữ đoàn)
    f-​Trung đoàn 271 Phòng Không
    g-​2 Trung đoàn E 28 & E 42 Pháo Binh
    h-​1 Trung đoàn Truyền tin
    i-​Trung đoàn 208 Hỏa tiễn
    j-​1 Trung đoàn Công binh
    k-​2 Trung đoàn độc lập: Q 16 (còn gọi là Trung đoàn 101 hay Đoàn Thừa Thiên) và Trung đoàn E 205 có biệt danh Cánh Cửa Thép Miền Đông (Trung đoàn này trước trực thuộc Công trường 7, nhưng đã được tách ra thành Trung đoàn E 205 độc lập trực thuộc Bô Tư Lệnh Miền).
    Nhiệm vụ của các đơn vị CSVN xuống đường tham gia chiến dịch lần này nhằm chiếm An Lộc và Tỉnh Bình Long làm Thủ Đô cho Chính Phủ Lâm Thời của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Nếu thành công, chúng sẽ dễ dàng chiếm lĩnh Tây Ninh, Bình Long, Phước Long và uy hiếp Bình Dương cũng như Saigon. (An Lộc chỉ cách Saigon 130 cây số đường chim bay)
    Trong khi lực lượng trú đóng của QĐVNCH ở Lộc Ninh chỉ có 1 Trung đoàn 9 Bộ binh/ SĐ 5BB do Đại tá Nguyễn Công Vĩnh chỉ huy đóng tại căn cứ Hoa Lư phía Bắc của Quận Lộc Ninh , 1 Tiểu đoàn 74 Biệt động quân, 1 Thiết đoàn Thiết giáp do Trung tá Nguyễn Đức Dương làm Thiết đoàn trưởng và lực lượng Địa Phương Quân thuộc Chi khu Lộc Ninh. Tương quan lực lượng quá chênh lệch nên quân phòng thủ đã không chống cự nổi sự tấn công tiền pháo hậu xung biển người của chúng .
    Sau khi chiếm Lộc Ninh ngày 1 tháng 4 năm 1972, lực lượng VC đã triển khai quân bôn tập xuống vây Thị xã An Lộc, Tỉnh Bình Long và khai diễn trận tấn công với hàng ngàn trái đạn pháo kích vào một diện tích nhỏ hẹp diện tích chừng 4 cây số vuông của Thị xã An Lộc, cùng xe tăng phối hợp với Đặc công và các Công trường Bộ Binh. VC áp dụng chiến thuật chốt chặn với quân số áp đảo, bố quân như sau:
    -​Mũi tấn công gồm Công trường 9 VC phố hợp cùng Trung đoàn 203 Tăng gồm 2 Tiểu đoàn tham chiến là D 20 TG và D 21 TG và lực lượng Đặc công
    -​Mũi trừ bị: Công trường 5 VC uy hiếp mặt Bắc An Lộc
    -​Mũi Chốt chặn: Công trường 7 VC chốt chặn từ Bầu Bàng(Bắc Chơn Thành) làm tuyến phục kích dài 26 km từ Chơn Thành lên đến
    An Lộc để chặn đường tiếp viện bằng Quốc lộ 13 của QĐVNCH.
    Nhưng chúng bị sự chống trả dũng mãnh và kịch liệt của quân trú phòng do Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh SĐ 5BB phụ trách phòng thủ chiến trường An Lộc và Đại tá Trần Văn Nhựt, Tiểu khu trưởng Bình Long. Chiến cuộc An Lộc từ tháng 4 đến khi chấm dứt vào tháng 9/1972, Cộng quân tung ra 8 đợt tấn công cũng không chọc thủng được phòng tuyến của QLVNCH ở Thị xã An Lôc…
    Trận chiến đã kéo dài đến tháng 6/1972 gần 3 tháng nhưng VC đã không chiếm được mục tiêu An Lôc khiến chúng tổn thất nặng nề. Lực lượng VNCH trú đóng trong An Lộc được tăng cường thêm Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, Lữ đoàn 3 Dù, Sư đoàn 21 BB, Chiến đoàn 15 /Sư đoàn 9 BB (Trung đoàn 15) do Đại tá Hồ Ngọc Cẩn làm Chiến đoàn trưởng… để chống trả sự tấn công của VC và đã giữ vững được An Lộc qua bao đợt tiền pháo hậu xung của chúng. Trong khi đó tại Hòa Đàm Paris (Pháp), Nguyễn Thị Bình, Ngoại trưởng của cái gọi là Chính Phủ Lâm Thời MTGPVN của VC, đã tuyên bố là chỉ trong vài ngày VC sẽ chiếm lĩnh An Lộc và sẽ ra mắt Chính phủ Lâm Thòi của chúng tại đây. Có những lúc đơn vị Công trường 9 VC đã xâm nhập vào sâu trong thành phố, QĐVNCH phòng thủ và VC đã phải giành nhau từng tấc đất, từng căn nhà hoặc phía ngoài thành phố những địa danh Đồng Long, Đồi Gió, Đồi 169, Cầu Cần Lê v.v.. . đãđổi chủ giữa ta và địch từng ngày. Cuối cùng các lực lượng tiếp ứng của QĐVNCH như Dù, SĐ 21 BB, SĐ 9 BB đã làm chủ được những cứ điểm quan trọng này và bắt tay được với quân bạn phòng thủ bên trong An Lộc. Vì vậy sau 7 cuộc tấn công, Cộng quân quyết định tập trung 3 Tiểu đoàn Đặc công và 2 Trung đoàn BB định bất ngờ đánh chiếm căn cứ Lai Khê nhằm chặn đường tiếp viện của QĐVNCH. Chúng cho rằng nếu chiếm được Lai Khê thì An Lộc sẽ bị cắt đường tiếp viện và sẽ bị thất thủ.
    Vào một ngày thượng tuần Tháng 6/1972, Trung úy Diên, Trưởng ban Thẩm Vấn Tiền Phương của Phòng 2/ BTL QĐ III vừa tiếp nhận 1 Hồi Chánh Viên (HCV) ra trình diện hồi chánh với QĐVNCH trú đóng ở Lai Khê. Người hồi chánh tên là Mai Văn Kiếm, y khai chức vụ là Đại đội trưởng Trinh sát thuộc Công Trường 7 VC. Nhiệm vụ của Đại đội Trinh sát của Kiếm đặt 1 Đài Quan sát ở Suối Bà Tứ để theo dõi số lượng trực thăng lên xuống ở phi trường Lai Khê, xem chở bao nhiêu binh lính, trang bị như thế nào v.v… Là một sĩ quan Quân báo xuất sắc của QĐ III, Trung úy Diên đã nhận thấy Kiếm đã khai láo nên chặn y lại và hỏi:
    -Anh là Trinh sát hay Quân báo? Đó không phải là nhiệm vụ của Trinh sát mà là nhiệm vụ của Quân báo. Vậy anh đúng là Quân báo rồi.
    Kiếm phải thú nhận đã man khai và khai y chính là Quân báo của Công trường 7. Nhiệm vụ của Quân báo Công Trường F 7 điều nghiên căn cứ Lai Khê để chuẩn bị cho 3 Tiểu đoàn Đặc công tấn công căn cứ này với chiến thuật “Nở hoa trong lòng địch”. Ba Tiểu đoàn Đặc công sẽ cho 1 Đại đội xâm nhập vào trong căn cứ bằng cách cắt hàng rào phòng thủ, đột nhập vào bên trong giữa đêm khuya để đánh bộc phá, chất nổ và lựu đạn hòng làm rối loạn bên trong căn cứ khiến tinh thần binh sĩ và các sĩ quan chỉ huy hoảng sợ, ngay sau những tiếng nổ, VC sẽ pháo kích ào ạt vào căn cứ để ta không thể ngóc đầu lên được. Cũng chính thời điểm này, 3 Tiểu đoàn Đặc công thuộc Lữ đoàn 429 Đặc Công sẽ tấn công căn cứ Lai Khê vào 3 hướng:
    – 1 Tiểu đoàn D 28 Đặc công tấn công hướng Tây của căn cứ nơi phía ngoài xa hàng rào phòng thủ có một bãi sình lớn.
    – 1 Tiểu đoàn Đặc công khác thuộc Lữ đoàn 429 ĐC tấn công vào hướng Đông căn cứ.
    – 1 Tiểu đoàn Đặc công khác thuộc Lữ đoàn 429 ĐC tấn công vào hướng Nam căn cứ.
    – 2 Trung đoàn Q 16 và E 205 biệt lập rút từ mặt trận An Lộc về (vì quân số của 1 Tiểu đoàn Đặc công chỉ có 150 quân, ít hơn quân số của 1 Tiểu đoàn Bộ binh nên lúc nào cũng có đơn vị bộ binh tháp tùng để chiếm lĩnh trận địa). Trung đoàn E 205 giữ nhiệm vụ chốt chặn Quốc lộ 13 từ Bấn Cát lên Lai Khê để chặn đường tiếp viện của quân ta.
    Chúng không tấn công vào mặt Bắc vì mặt này tiếp giáp với Chơn Thành được phòng thủ kiên cố vì sợ VC từ vùng An Lộc tràn xuống. Khi Trung úy Diên hỏi người Hồi chánh viên (HCV):
    -Chừng nào chúng mới khởi sự tấn công vào căn cứ Lai Khê?
    Người HCV đã trả lời là ngay trong đêm nay.
    Tin tức này được báo cáo lên BTL Tiền phương QĐ III và phổ biến đến tất cả các đơn vị trú đóng trong căn cứ Lai Khê. Một kế hoạch phòng thủ được cấp thời thi hành. Thời điểm Tháng 4/1972, khi VC tấn công Lộc Ninh và sau đó tập trung một lực lượng đông gấp 4, 5 lần quân phòng thủ ở An Lộc hòng đè bẹp QĐVNCH một cách nhanh chóng giống ở Lộc Ninh; chúng đã xử dụng Thiết giáp để tấn công ta; vì vậy căn cứ Lai Khê đã được Công Binh đào 1 giao thông hào bề ngang 3 mét, sâu hơn 3 mét để đề phòng Thiết giáp của VC tấn công vào sẽ bị sa xuống hố. Đất đỏ đào lên được xexúc của Công binh ủi thành một bờ đê cao dọc theo hào sâu, chạy quanh căn cứ.
    Mìn claymore được các tuyến gài dày đặc ngoài hàng rào phòng thủ. Các đơn vị Pháo binh đã chuẩn bị sẵn sàng khi có báo động địch tấn công sẽ cho pháo chụp lên đầu chúng. Chiến thuật chống đặc công nở hoa trong lòng địch đã được Trung úy Vĩnh, một sĩ quan Quân báo của QĐ III, sau khi thẩm vấn 1 HCV là Thiếu tá giáo viên Phòng Quân Huấn/ Cục Tham Mưu Bộ Chỉ Huy Miền của VC viết toàn bộ chiến thuật Nở Hoa Trong Lòng Địch và phương pháp không chế chiến thuật này trước khi khai diễn chiến dịch Nguyễn Huệ của VC; sau đó đã phổ biến đến tất cả các đại đơn vị của QĐVNCH để hướng dẫn cho các đơn vị chống lại Đặc công xâm nhập vào doanh trại của ta nên các đơn vị đã được huấn luyện phương pháp chống đặc công VC xâm nhập; nhờ thế các đơn vị trú đóng bên trong căn cứ Lai Khê đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với địch quân.
    Thời gian trôi qua chậm chạp trong sự căng thẳng đợi chờ của toàn thể các quân nhân trú phòng ở Lai Khê.Khi những ánh sáng cuối cùng của ban ngày chỉ còn le lói ở hướng Tây; màn đêm chuẩn bị buông xuống là lúc tất cả các tuyến phòng thủ vô cùng rộn rịp, căng thẳng chờ màn đêm buông xuốngkhi VC khai hỏa là lúc các đơn vị sẽ tiêu diệt quân thù khi chúng vào bẫy của các đơn vị phòng thủ VNCH… Toán Quân báo và Phòng 2/ BTL QĐ III Tiền Phương trú ngụ ở Biệt Đội Quân Báo của Sư Đoàn 5BB thuộc phía Tây của căn cứ Lai Khê nên Trung úy Diên phải xin Trung tá Trần Văn Bình, Trưởng P2/BTL QĐ III tăng phái cho 1 Tiểu đội Trinh Sát /Trung đoàn 8 để bảo vệ.
    Từng giờ, từng giờ trôi qua… Những cặp mắt ở các tuyến phòng thủ căng lớn tưởng chừng xóa toạc màn đêm hướng về hàng rào kẽm gai chung quanh căn cứ. Mười hai giờ đêm, rồi 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ… tứ bề vẫn im lặng như tờ. Người ta có thể nghe được tiếng xào xạc của lũ vạc bay đêm hòa với tiếng côn trùng rền rỉ trong đêm khuya vắng lặng và tiếng chó sói tru đêm làm cho người yếu bóng vía cũng phải rợn người…
    Vừng dương đã le lói ở phương tây, một đêm nghẹt thở chờ đợi đã trôi qua không có chuyện gì xảy ra, mọi người thở phào nhẹ nhõm vì đã không bị VC đột kích như tên HCV khai báo.
    Trung úy Diên không kịp uống cà phê và ăn điểm tâm sang, cho lính mang tên HCV lên để hỏi tại sao y khai VC tấn công đêm hôm trước mà không xảy ra? Tên HCV nói là y đã tính sai ngày, nên tưởng đêm hôm qua, nhưng thực ra bọn VC sẽ tấn công vào căn cứ đêm hôm nay chứ không phải đêm qua. Trung úy Diên liền gọi điện thoại báo cáo cho Trung tá Trần Văn Bình, Trưởng P 2/BTL QĐ III.
    Sau đó có lệnh của Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh QĐ III kêu mang tên HCV lên văn phòng cho ông đích thân hỏi y. Trung úy Diên cho người mang y lên văn phòng ông Tướng. Sau khi hỏi xong, Kiếm cũng xác nhận với ông là 3 Tiểu đoàn Đặc công + 2 Trung đoàn bộ binh sẽ đánh vào căn cứ ngay đêm hôm đó. Ông đã thưởng cho Mai Văn Kiếm 30 ngàn đồng và cho trả đương sự về Ban Thẩm Vấn. Lệnh phòng thủ vẫn được giữ nguyên như cũ, các đơn vị vẫn được bố trí những vị trí của đêm hôm trước.
    Màn đêm buông xuống, bóng tối bao phủ vùng Lai Khê và cái nóng oi bức của trời tháng 6 khiến sự đợi chờ giờ địch khai hỏa càng thêm căng thẳng. Dọc theohàng rào ụ đất đỏ do Công binh xúc đổ lên như bức thành nhạt nhòa dưới ánh nhờ nhờ của một vài ngọn đèn điện le lói chạy theo hàng rào kẽm gai và concertina; càng về khuya, không khí càng ngột ngạt căng thẳng. Những người lính ở những lô cốt và các vọng gác chăm chú nhìn ra hàng rào chờ đợi… Khoảng 1 giờ 30 đêm một tiếng nổ lớn bên trong căn cứ về hướng Đài Phát Tuyến và liền sau đó có tiếng bộc phá nổ ngoài hàng rào phía ngoài căn cứ đồng thời pháo binh của địch cũng đồng loạt bắn dồn dập vào doanh trại của ta … Tất cả mọi quân nhân phòng thủ đã được phổ biến kế hoạch chống đặc công VC là khi nghe bất cứ tiếng nổ nào phát xuất giữa căn cứ; mọi người cần bình tĩnh không được chạy nhốn nháo; mà phải ôm súng nằm tại chỗ; nhưng phải tránh nằm trong các hầm hố vì VC có thể liệng lựu đạn hoặc chất nổ vào. Tất cả những ai chạy trên mặt đất; đó chính là đặc công của VC hoặc lính ta làm nội tuyến cho giặc. Bọn Đặc công VC đã cho nổ bộc phá để phá hàng rào kẽm gai của căn cứ để chuẩn bị tràn vào. Lập tức những trái hỏa châu được bắn lên không soi sáng rực cả một vùng trời. Tiếng Pháo binh của ta bắn nổ chụp lên đầu giặc hòa lẫn với tiếng mìn claymore được binh sĩ phòng thủ bấm con cóc cho nổ và đủ loại súng cùng nhau nhả đạn về các phía VC tấn công vô. Với ánh sáng của hỏa châu soi sáng, những tên VC nổi bật trên nền đấ đỏ còn mới rõ mồn một, làm bia bắn cho những chiến sĩ VNCH phòng thủ căn cứ.
    Bên trong căn cứ, chỗ Đài Phát Tuyến nơi 1 Đại đội đặc công xâm nhập vào bên trong để “nở hoa trong lòng địch” đã bị diệt gần hết, 4 tên bị bắt sống. Trong số xác chết để lại có xác của tên Đại đội trưởng chỉ huy đại đội ĐC xâm nhập vào Đài Phát Tuyến.
    Buổi sáng khi quân ta đi lục soát 3 mặt bị tấn công, xác giặc nằm kín cả trên bờ đất đỏ, trong hàng rào và xa xa bên ngoài hàng rào cũng đầy xác giặc. Nhiều tên đã không còn toàn thân xác vì bị trúng pháo của ta; ; trong số các xác chết khi lục soát thì thấy 1 xác là Tiểu đoàn trưởng và 1 xác khác là Chính Trị Viên Tiểu đoàn. Riêng mặt phía Tây của căn cứ Lai Khê là nơi có một bãi sình lớn, những kẻ bị thương hoặc sống sót chạy về đây lại bị lún sình chết la liệtXác của chúng không được mang đi nên hôi thối sực nức cả một vùng.
    Sáng hôm sau, Trung úy Diên và Trung tá Trần Văn Bình đi quan sát khắp nơi, khi đến khu vực Đài Phát Tuyến thì gặp 1 Thiếu úy gốc Nùng, phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị nên cả hai đứng hỏi han đôi chút về trận đánh ở Đài Phát Tuyến. Sau khi 2 người từ giã đi nơi khác; mới đi được khoảng vài trăm mét thì nghe một tiếng nổ lớn, cả hai quay lại thì không còn thấy viên Thiếu úy đâu nữa. Anh Thiếu úy đã trúng nguyên một trái 105 ly chết không toàn thây .Trung úy Diên bỗng thấy ngậm ngùi và xót xa thương cho thân phận những người lính chiến VNCH phải chịu đựng muôn ngàn gian khổ, nhưng trong hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu và niềm tin tất thắng của chính nghĩa quốc gia. Sinh mạng của người lính chiến như chỉ mành treo chuông, họ đã khoác lên mình bộ quân phục để phục vụ đất nước, bảo vệ phần đất tự do Miền Nam chống lại sự bạo tàn của cộng sản xâm lược miền Bắc nhưng dù gian khổ, thiếu thốn, họ vẫn nở nụ cười trên môi và phục vụ với lòng hăng say và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Họ sẵn lòng hy sinh tính mạng cho đồng đội trong những trận chiến ác liệt trên khắp mọi miền đất nước. Trung úy Diên thấy thân phận con người nhỏ nhoi giữa vòng tử sinh mà cảm thấy lòng buồn da diết.
    Trận tấn công của 3 Tiểu đoàn Đặc công phối hợp cùng 2 Trung đoàn bộ binh đã bị bẻ gãy. Hầu như cả 3 Tiểu đoàn Đặc công đã bị xóa sổ . Quân số chết la liệt quanh căn cứ Lai Khê vào thượng tuần tháng 6 năm 1972 đã phá tan cuồng vọng của CSVN muốn chiếm Tỉnh Bình Long để ra mắt Chính Phủ Lâm Thời của chúng.
    Thất bại trong trận tấn công 3 Tiểu đoàn Đặc công và 2 Trung đoàn độc lập E 24 và E 205 cũng đều bị tổn thất nặng nề hầu như bị xóa sổ . Thất bại này cũng khiến những nỗ lực chiếm Am Lộc trở thành vô vọng; địch quân đã phải cố bào chữa bằng luận điệu do Trung tướng VC Trần Văn Trà phải thú nhận về trận An Lộc:
    “Trận An Lộc, quân giải phóng đã chịu nhiều bất lợi: hành quân gấp; vũ khí, đạn dược thiếu thốn; công tác tiếp vận kém. Địch có hỏa lực áp đảo do Hoa Kỳ hỗ trợ, đặc biệt là máy bay B-52. Quân giải phóng đã chịu một thiệt hại không nhỏ nhưng từ đó chúng ta đã rút ra được những bài học vô giá cho các chiến dịch sau này, đồng thời cũng nhận ra sự yếu kém của địch nếu không có sự yểm trợ từ hỏa lực của Hoa Kỳ”. Chiến dịch Nguyễn Huệ của VC mở ra từ đầu tháng 4/1972 trên các mặt trận Quảng Trị, Kontum và Bình Long đã phải chống chế bằng cách tuyên bố là chúng chuyển sang làm nhiệm vụ bao vây và cầm chân QLVNCH ở An Lộc từ cuối tháng 6/1972; sau đó đã chấm dứt vào tháng 10/1972.
    Với chiến công vang dội của các đơn vị QĐVNCH trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật đã chứng minh sự quả cảm anh dũng của quân ta không thua bất cứ đạo quân tinh nhuệ nào trên thế giới. Vậy mà chúng ta đã bị người bạn đồng minh Hoa Kỳ phản bội, đâm sau lưng để Miền Nam bị chết tức tưởi trước lũ cộng sản lưu manh xảo quyệt và đê hèn. Hậu quả đó cho đến nay đã trên 40 năm, dân tộc ta vẫn phải đắm chìm trong tủi nhục hằng hằng.
    Nhân dịp Tháng Tư Đen, người viết bài này muốn khơi lại một chiến tích oai hùng của Quân Đội VNCH để tô son trang quân sử Việt thêm rạng rỡ và cũng để tưởng nhớ đến các quân cán chính và đồng bào đã bỏ mình trong cuộc chiến chống cộng 1955 – 1975 để bảo vệ nền tự do, dân chủ và nhân quyền của Miền Nam dưới 2 chính thể Việt Nam Cộng Hoà.

    Vũ Uyên Giang
    Bonaire, Georgia – Tháng 4 năm 2016
    http://www.nvbonphuong.com

    Nguồn:https://bienxua.wordpress.com/2017/0...ro-cho-an-loc/


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X