Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một phút suy tư

Collapse
X

Một phút suy tư

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một phút suy tư

    Một chút... Suy tư !!!!!!!



    --------------------------------------------------------------------------------



    Về lại chốn xưa




    Ai đã từng phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn hàng bốn năm chục năm trời khi có dịp trở lại nơi cũ, lòng sẽ nôn nao như thế nào? Trên đường trở lại nơi ấy chắc bạn sẽ bừng nhớ lại những hình ảnh còn lưu lại trước khi ra đi,từ con đường nhỏ quanh co, con sông uốn khúc, cái cầu đá bắc ngang đã từng đưa ta đến ngôi trường làng thời ấu thơ, những gốc đa,ngôi đình, những lũy tre xanh nơi ta đã từng chạy nhảy, nô đùa với bạn bè và những cánh đồng lúa mơn mởn xanh ngắt đang gợn sóng từ những cơn gió hiền hòa buổi sớm mai. Còn những cánh cò trắng nữa chứ, chúng cứ la đà và chậm rãi bay lượn dù ở vài nơi vẫn có những hình nhân bằng rơm đội nón lá đứng chơ vơ giữa cánh đồng. Có lúc ta đã được cưỡi trâu, chăn trâu ăn cỏ nghĩ mình là Đinh bộ Lĩnh và thả diều cho nó bay lượn thật cao và thật xa để hãnh diện với các bạn cùng trang lứa. Những buổi rủ nhau tắm sông vào những chiều hè với lũ trẻ sao vui vẻ và sảng khoái thế. Bạn cũng sẽ không thể nào quên những buổi trốn học đi câu mấy con cá bé tí, quên cả giờ về và bị những roi đòn đau quắn đít. Ôi còn nhiều nhiều nữa những kỷ niệm yêu thương nằm sâu trong tâm trí bao nhiêu năm tháng ngủ yên nay cùng bừng tỉnh để làm cho lòng bạn nôn nao,rộn rã… khi trên đường về,trở lai nơi xưa. Những hồi tưởng thật ấm lòng kẻ xa quê, của một phần cuộc đời đã qua. Nhưng chợt có ai đó ngâm nga:



    Ơi cánh đồng quê
    Trịnh Hoài Giang




    Bây giờ ruộng đã bê-tông 
    Cây đa đã cụt, dòng sông đã què
    Mái đình đã phẳng đường xe 
    Còn đâu cánh võng mà nghe chuông chùa

    Hội làng thì đã ngày xưa 
    Thôi anh đừng có tiễn đưa làm gì
    Em chào thầy mẹ em đi 
    Làm ô-sin chả biết khi nào về

    Heo may thổi dọc triền đê 
    Nghe câu dự án mà tê tái lòng
    Người đi thì đã ngàn trùng 
    Người về, đất có còn không mà về

    Giật mình nửa tỉnh nửa mê 
    Cánh đồng quê, cánh đồng quê, cánh đồng .

    Nhưng chốn xưa đâu còn nữa mà về,quê hương nay đã đổi thay mà Bùi chí Vinh lại thấy nó đổi thay một cách lạ thường ;tâm tình và tình yêu của con người đã không còn như xưa, không còn chịu tìm hiểu và yêu mến quê hương tổ quốc như thế hệ trước! “Một ngày phải khác mọi ngày”:




    Chào một ngày giống hệt mọi ngày
    Sóng truyền hình phủ toàn phim Trung Quốc
    Từ HTV, VTV, BTV, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau… cho đến “cáp”
    Hết “Triều Đại Mãn Thanh” đến “Đại Tống Truyền Kỳ”

    Chào một ngày giống hệt mọi ngày
    Đọc báo thấy cha ông mất hút
    Thấy thiên hạ quỳ mọp dưới tượng đài Binh Pháp Mặc Công, Ngọa Hổ Tàng Long, Họa Bì, Xích Bích…
    Con nít thuộc lòng Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, Diệp Vấn, Diệp tùm lum hơn thuộc sử Tiên Rồng

    Chào một ngày đất nước tự lưu vong
    Cội rễ văn hiến 4000 năm trốc gốc
    Tuổi teen gối đầu giường Lý An, Ngô Vũ Sâm, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca lạ hoắc
    Pano giăng khắp nơi hình ảnh Củng Lợi, Chương Tử Di, Thành Long phơi phới toét miệng cười

    Chào một ngày phát triển giống đười ươi
    Đi trên xã tắc thấy người thua xa khỉ
    Thấy lô cốt ngáng đường, thấy nước ngập tận mông, thấy thánh hiền sợ quỷ
    Thấy truyền thống chống ngoại xâm co rúm lại vì… tiền

    Chào một ngày vong bản vì… hèn
    Sống chết mặc bây, túi thầy vô cảm
    Ải Nam Quan nằm ngoài ranh giới Việt Nam, xưa rồi Diễm…
    Nước mắt Nguyễn Trãi khóc Nguyễn Phi Khanh rơi ở tận… nước Tàu

    Chào một ngày bãi biển hóa nương dâu
    Thác Bản Giốc rời Cao Bằng như có cánh
    Thắng cảnh để lại của tiền nhân bị cháu con ghẻ lạnh
    Các di tích, kỳ quan cứ mất tích đều đều

    Chào một ngày hình chữ S tong teo
    Tài nguyên bôxit bị bới đào như… bọ xít
    Nhôm và đô la chẳng thấy đâu, chỉ thấy đất Tây Nguyên rên xiết
    Ô nhiễm mạch ngầm, nước sông làm nghẹt thở Chín Con Rồng.

    Chào một ngày long mạch bị xới tung
    Máu bầm đất đỏ bazan, máu tràn ra hải đảo
    Ai cho phép Hoàng Sa Trường Sa thành Tam Sa lếu láo
    Tội nghiệp rừng cọc nhọn của Hưng Đạo Đại Vương trên sóng Bạch Đằng

    Chào một ngày giống hệt cõi âm
    Những xác chết anh hùng bật dậy
    Máu trả máu, đầu trả đầu. Nhớ đấy
    Mãi quốc cầu vinh tất quả báo nhãn tiền

    Chào một ngày soi rõ mặt anh em!

    Cho nên nếu ai đã đi xa nay trở về sẽ thấy chốn xưa rất khác,không còn vết tích gì trong ký ức tuổi thơ hoặc lúc ra đi ;còn người sắp cất bước ra đi thì :

    Người đi thì đã ngàn trùng 
    Người về, đất có còn không mà về

    Giật mình nửa tỉnh nửa mê 
    Cánh đồng quê, cánh đồng quê, cánh đồng.




    Hiện nay 70% dân số Việt Nam là nông dân, mà theo nhà văn Nguyễn quang Thiều, một người vốn xuất thân từ nông thôn và vẫn liên tục gắn bó với họ hàng nơi làng quê (làng Chùa,Hà Tây) đã kể về thân phận người dân quê VN ngày nay ở quê ông vẫn không thay đổi như từ bao đời, vẫn nghèo khổ,thiếu thốn,cơ cực đủ điều như: thu nhập chỉ có 40.000$vn/thá ng (tương đương 2USD/tháng)!



    Vẫn con trâu đi trước cái cày đi sau,vẫn có 3 sào bắc bộ (360m2x3) cho mỗi hộ gia đình nhưng manh múm hàng chục miếng khác nhau, vẫn nước giếng ô nhiễm mà khi múc lên phải đeo khẩu trang để tránh mùi hôi.
    Số phận người phụ nữ ở quê Nguyễn quang Thiều thì ông đã mô tả trong bài thơ dưới đây dù ông đã viết ra từ năm 1993 nhưng nay 2009 ông vẫn thấy đúng y nguyên như cũ:




    Trên đại lộ

    Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
    Người họ bọc kín bởi những lớp vải nâu và đen
    Chỉ đôi tay, đôi chân và đôi mắt lộ ra
    Nhưng tất cả cùng một màu như thế
    Những chiếc dậm trên vai họ như vầng trăng khuyết vớt từ bùn lên
    Những cái giỏ bên hông như những cái đầu trọc lắc lư theo nhịp bước
    Bóng họ đổ xuống đường thành những vũng đen

    Họ lặng lẽ đi như đội quân thất trận
    Cán dậm chúi xuống mặt đường - Những nòng súng gỗ hết đạn
    Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc làng giã đám
    Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huân chương
    Họ chẳng cần tung hô, cũng chẳng đợi đón chào

    Như mây trước cơn giông trôi nặng nề, oi bức
    Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
    Họ đến từ đâu và sẽ đi đâu?
    Với mùi tanh cua ốc tỏa quanh người.





    Ốm đau người nông dân không có thuốc,đa số thanh niên thiếu nữ phải lìa quê ra thành thị tìm việc làm và làm bất cứ việc gì kể cả bán dâm để có chút tiền về quê lấy chồng. Đám trẻ sau khi tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học lại tiếp tục cuộc sống giống như cha ông,chút chữ nghĩa được học xếp vào một xó..Nếu không chấp nhận cuộc sống như thế thì chỉ còn con đường đi vào các thành phố làm những công việc tạm bợ như ra khu chợ lao động chờ người có nhu cầu đến gọi đi làm,như phụ thợ hồ hoặc lao động phổ thông,nhặt ve chai,đồng nát,làm oshin v.v... nghĩa là những công việc tạm bợ,bữa có bữa không.Tối về chui rúc ở những cái ổ chuột bẩn thỉu hôi hám và những bữa ăn tồi tàn.Họ là người nhưng không được sống như mọi người khác trên thế giới.

    Nguồn gốc người Việt xuất phát từ nông thôn,từ những làng quê truyền thống,lưu giữ những phong tục tập quán,hay có dở có,nhưng thuần phong mỹ tục là ưu thế, nay làng quê đang bị phá vỡ vì bị áp đặt những dự án phát triển kinh tế làm cho người dân không còn đất đai để sản xuất, không có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức; khác nào như đàn ong bị phá tổ, biết bay về đâu, biết trú ẩn nơi đâu.

    Chúng ta dù có phải gian khổ bao nhiêu cũng sẵn sàng chịu đựng, để sau cùng hy vọng cũng có ngày, có chỗ mà trở về trú thân, yên ổn nơi chốn quê hương, dưới mái nhà êm ấm, có tình yêu thương gia đình, nhưng quê hương nay không còn là khái niệm bền vững, thì làm gì còn mái nhà yêu thương và những tình cảm ấm áp ?

    Tại sao các cô gái chàng trai không gắn bó với quê hương,với đồng ruộng, chỉ vì đồng ruộng không nuôi sống nổi họ hoặc họ không còn đồng ruộng để canh tác nên mới xảy ra hiện tượng hàng trăm thôn nữ trong một căn phòng cho vài người nước ngoài “kiểm tra” trước khi được chọn làm vợ mà qua trung gian, cha mẹ cô gái lấy chồng nước ngoài chỉ còn nhận được vài trăm đô la! Giá trị con người VN ngày nay thấp chưa từng có. Đấy là chưa kể đến những tin tức vừa xấu hổ vừa đau lòng của các cô gái VN đứng trong tủ kính chào hàng ở Singapore mà báo chí đã từng đề cập. Thậm chí nữ du khách VN tới Singapore còn bị hiểu lầm là gái điếm !

    Số phận người nông dân là như vậy, nhưng mấy chục năm qua, Việt nam đã có những nhà giầu mà chưa bao giờ có người lại giầu như thế và giầu nhanh đến thế :chỉ cần trúng một dự án đất đai thì đã bỏ túi hàng nhiều tỷ đồng,nhưng có hàng ngàn nông dân trắng tay !




    Về đâu hỡi những nông dân khốn khổ của đất nước Việt Nam thân yêu ?

    Người đi thì đã ngàn trùng,
    Người về đất có còn không mà về ?




    Nói như Bùi chí Vinh thì thế hệ trẻ VN hiện nay thuộc lịch sử Tàu hơn lịch sử Việt, biết mặt các minh tinh, nghệ sĩ Tàu hơn các văn nghệ sĩ VN, dùng hàng hóa Tàu nhiều hơn hàng sản xuất trong nước, các tin tức xảy ra bên Tàu được phổ biến nhanh hơn ở các trang báo VN, những gì Tàu thực hiện thì một thời gian ngắn sau VN cũng bắt chước. Chúng ta không thể thoát ra cái bóng của Tàu như đã từng, như từ ngàn xưa hay sao ? Hiện nay hàng ngày kẻ thù của chúng ta rình rập ngoài khơi chờ ngư dân ra là bắt cóc hoặc phá tàu rồi đòi tiền chuộc y như hải tặc Somali. Chúng ta chỉ biết trơ mắt đứng nhìn không làm gì được chúng, không dám báo động cho thế giới biết nạn cướp biển này. Còn trong đất liền thì kẻ thù nghênh ngang đi lại, cướp công ăn việc làm của công nhân VN và còn quậy phá xóm làng mà chẳng ai dám đụng tới chúng! Chúng ta có còn là chủ nhân của đất nước này hay đã âm thầm đổi chủ? Tệ hơn nữa,những chiến sĩ hy sinh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, đã 30 năm qua,những ngày Thương Binh Liệt Sĩ, họ chưa bao giờ được nhắc tới để tri ân !

    Đại bộ phận những kẻ giầu có khá giả hiện nay chỉ cắm cúi làm giầu cho bản thân, thỏa mãn với hiện trạng,yên tâm hưởng thụ,không thấy cái nhục và nguy cơ mất nước,không thấy nỗi đau của đồng bào chúng ta. Tổ tiên đã đổ ra bao nhiêu xương máu để bảo vệ mảnh đất này nay con cháu dửng dưng như người ngoài cuộc cố giữ lấy miếng cơm hàng ngày như vậy sao?

    Đất nước địa linh anh kiệt,các bậc thức giả, sĩ phu trong và ngoài nước cứ thả trôi vận nước như thế này mãi sao?

    Quê hương còn đâu nữa mà về !

    Chu Trinh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X