Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bông Hồng Đỏ, Bông Hồng Trắng

Collapse
X

Bông Hồng Đỏ, Bông Hồng Trắng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bông Hồng Đỏ, Bông Hồng Trắng

    Bông Hồng Đỏ, Bông Hồng Trắng


    Trần Bang Thạch


    Ngày Vu Lan Báo Hiếu người ta gắn trên áo mình một hoa hồng đỏ hay một hoa hồng trắng. Màu đỏ tượng trưng cho niềm vui còn mẹ. Màu trắng nói lên nỗi buồn mất mẹ.

    Trong đời tôi chưa hề nhận được một bông hồng đỏ hay một bông hồng trắng nào. Điều đó có quan trọng lắm không khi cha mẹ còn sinh tiền mình chưa lần nào cầm tay cha mẹ, âu yếm nhìn vào mắt Người mà nói rằng : Con yêu thương cha mẹ. Người ta cho mình một vật dù bình thường mình biết nói : "cám ơn". Cha mẹ đã cho mình hình hài, trí óc và khó nhọc trăm chiều nuôi mình khôn lớn, có mấy ai, trong cử chỉ thân tình hay trang trọng, quỳ trước hai bậc sinh thành mà nói rằng. "Con cảm ơn cha mẹ đã cho con thành người". Tình yêu thương và lòng biết ơn cha mẹ đã có sẵn trong lòng mỗi người. Có lẽ người mình ít khi bộc lộ tình cảm của mình đối với song thân chớ không phải mình không nghĩ hay không muốn nói ra những lời ấy. Tự nghĩ nếu có thêm một lần làm con, chưa chắc tôi nói được lời này, dù biết đó là điều nên nói, sẽ làm cha mẹ vui cả ngày đêm, vui hơn ai cho vàng cho bạc.

    Tháng Bảy âm lịch sắp đến rồi. Ngày 15 tháng Bảy là rằm Trung Ngươn, còn gọi là Trung Ngươn Thắng Hội, nguyên thủy là ngày Thánh Quân Đại Hiếu là vua Thuấn, một vị vua huyền thoại thời Trung Quốc cổ đại nằm trong Ngũ Đế, nổi tiếng là minh quân, nhân từ, hiếu tử, đã thay trời xá tội cho các vong hồn nơi Địa Phủ. Vua Thuấn còn được tôn vinh là Địa Quan xá tội. Qua câu chuyện hành giả Mục Kiền Liên, chúng ta còn biết rằm tháng Bảy còn là Lễ Vu Lan Bồn. Ngày các con báo hiếu cha mẹ đời này và bảy đời trước bằng cách cúng dường chư Phật và chư Tăng để hồi hướng công đức cha mẹ hiện tiền và Cữu Huyền Thất Tổ.

    Công ơn cha mẹ lớn lắm. Chúng ta đã nghe những lời ca quen thuộc từ nhạc phẩm Lòng Mẹ của Y Vân: "Lòng mẹ bao la như biền Thái Bình" hay câu ca dao "Công cha như núi Thái Sơn". Thử đưa ra vài con số cho vui chuyện. Thái Bình Dương rộng hơn 165 triệu cây số vuông, hay là 64 triệu miles vuông, lượng nước bằng 50% lượng nước trên toàn địa cầu, chiếm 28% bề mặt trái đất, rộng lớn hơn tất cả đất đai của trái đất gộp lại. So với nước Mỹ thì biển Thái lớn gấp 15 lần. To lớn như vậy nhưng ngày nay người ta vượt Thái Bình Dương là chuyện nhỏ. Cho nên biển Thái tuy lớn nhưng không thể vượt được lòng mẹ bao la vô bến vô bờ.

    Núi Thái Sơn ở trung bộ tỉnh Sơn Đông bên Trung Hoa cao chỉ có 1.500 thước tây, thua xa độ cao 8.850 thước của núi Everest trong dãy Hi Mã Lạp Sơn. Tưởng Thái Sơn cao lắm, nhưng chỉ cần bước lên 7000 bậc đá, trung bình mỗi bậc mất 1 giây, vừa đi vừa nghỉ thì trên dưới 2 tiếng là ta lên tới đỉnh núi Thái Sơn rồi, nào có cao lớn hùng vĩ gì đâu ! Chắc chắn núi Thái cũng không thể so sánh được với công cha. Thực tế là không ai lấy thước mà đo được lòng cha mẹ. Kinh Tăng Chi I, đức Phật dạy rằng : "Nếu ta suốt đời cõng mẹ một bên vai, cõng cha một bên vai, từng giây săn sóc miếng ăn, giấc ngủ, nâng niu, đấm bóp... dù cha mẹ có vãi tiểu tiện trên vai, thì nếu ta có sống tới trăm năm cũng không trả hết công ơn cha mẹ.

    Có một người thợ điện bên Ấn Độ không biết có đọc những lời trong Kinh Tăng Chi I trên đây hay không nhưng anh đã có hành động tương tự như vậy ở thời điểm bây giờ. Tin tức này tôi vừa đọc trên net sáng nay. Anh thợ điện ở New Delhi tên là Sanjay Kumar, 42 tuổi, đã thực hiện lời tự hứa là sẽ phụng dưỡng cha mẹ suốt quãng đời còn lại của mình. Cha 95 tuổi, mẹ 80 tuổi. Cha mẹ anh ước muốn đi tắm nước sông Hằng ở Haridwar, anh để cha mẹ nặng tổng cộng 115 kg lên 2 đầu quang gánh thực hiện chuyến hành hương đường bộ gập ghềnh, trơn trợt dài 216 cây số.

    Công ơn cha mẹ vô cùng trọng đại nên thực hành chữ hiếu chính là làm điều thiện, và sự bất hiếu chính là điều ác. Kinh Nhẫn Nhục có mô tả :

    "Cùng tột điều thiện, không gì hơn hiếu,
    Cùng tột điều ác, không gì hơn bất hiếu".


    Cũng có người dưỡng nuôi cha mẹ, nhưng tính tháng tính ngày: "Mẹ nuôi con quản chi ngày tháng, con nuôi mẹ tính tháng tính ngày". Vế thứ hai tưởng như là chuyện không hề có ! Thật trớ trêu !

    Người không biết lấy chữ hiếu làm đầu thì dù người có làm hàng trăm việc tốt thì cũng như không: "Nhơn sanh bách hạnh tiếu vi tiên".

    Nhớ ngày trước học Nhị Thập Tứ Hiếu, nghe chuyện ông Ngô Mạnh Tông thấy ông này thật là đại hiếu nên hâm mộ ông mà học thuộc bài này cho đến nay còn nhớ: Ngày đông tháng giá, ngài Mạnh Tông nằm trên đất khóc cho đến khi đất ấm nứt ra mụn măng non để dâng lên mẹ đang yếu đau mà thèm canh măng. Nay hiểu ra thì lòng hiếu thảo ấy cũng chưa đi đến đâu so với tình mẫu tử của Ngô lão bà :

    Giữa bình địa, phút giây bổng nứt.
    mấy rò măng mặt đất nõn xanh.
    Đem về nấu được bữa canh.
    Ăn rồi bệnh mẹ, lại lành như xưa.
    Cho hay hiếu động cao dày.
    Tình sâu nên khóc, cỏ cây cũng tình...


    May mà ngài Mạnh Tông còn mẹ để báo hiếu. Trên đời này có biết bao người đã lỡ dịp; khi nhớ lại thì đã quá muộn. "Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng, con thì mồ côi. Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm, khát nước con thời cậy ai"; hay : "Còn cha gót đỏ như son, mất cha đi sớm về hôm một mình". Ca dao đã ràng ràng như vậy. Tục ngữ cũng nói rằng : "Con có cha như nhà có nóc".

    Có một chuyện đạo nói về công cha nghe thật thấm thía. Chuyện kể một anh chàng thua lỗ nợ như chúa chỗm, khi chết Diêm vương cho làm con trâu để trả nợ, hắn không chịu làm trâu mà muốn làm cha người chủ nợ. Diêm vương thắc mắc, hắn trả lời: Làm trâu đời sống chỉ có chín mười năm, không đủ để trả nợ. Xin để con phải làm cha ông ấy để chăm sóc ông ấy đến già, rồi tiếp tục lo từ cái ăn, cái mặc, dạy dỗ điều hay lẽ tốt cho con cháu ông ấy; cho đến hết đời cũng chưa chắc trả hết nợ. Câu chuyện cho ta thấy người cha hết lòng lo cho con rồi lo cho cháu, chất... Công ơn ấy lấy gì mà so sánh được.

    Dù có biết mà tận tụy báo hiếu cũng không khi nào đủ. Phật đã dạy :

    "Có hai người trên đời mà ta không bao giờ trả ơn được, đó là cha mẹ". Người con hiếu chỉ có thể thi ơn nhưng không thể trả hết được. Càng nghĩ đến công ơn đấng sinh thành mà càng thương, càng nhớ :

    Tám mươi năm Má sống với đời.
    Nhận tân khổ, dành sướng vui cho con cháu.
    Gang chân nứt, da nhăn nheo rướm máu.
    Bàn tay chai, khô sạm, sần sùi.
    Lưng gập cong, da mặt trổ đồi mồi.
    Bao thay đổi dồn lên màu tóc Má.
    ("Má Tôi", Lê Cần Thơ)


    Dù Mẹ đã ra đi nhưng cái dịu dàng, đằm thắm của Mẹ vẫn ẩn tàng trong sắc hoa màu tím để mỗi lần nhìn hoa tím là thấy Mẹ đang ở bên mình :

    Bao giờ trong quảng đời hiu quạnh.
    Bãi cỏ đời tôi lúc úa vàng.
    Mẹ tôi như sắc hoa màu tím.
    Lẫn vào vạt cỏ buồn mênh mang.
    ("Mẹ tôi hoa tím giữa mùa Xuân", thơ Nguyên Nhung)


    Không có đóa hoa hồng nào trên áo, nhưng trong lòng tôi mỗi mùa Vu Lan, mỗi ngày Mother's Day, hay ngày Father's Day... tôi có cảm nghĩ hiện giờ màu đỏ, màu trắng của hoa hồng pha trộn nhau thành cầu vòng rực rỡ ẩn hiện những nụ cười, lòng thương yêu, sự hy sinh, tính cần cù, nhẫn nại, chịu khó... của cha mẹ tôi trộn lẩn với niềm hạnh phúc của tôi đã được một lần làm con của các Người. Cho nên qua thời gian, tôi đã dần dần nhạt đi nỗi buồn mất cha mẹ, nhưng lòng tiếc nuối thì không trôi đi mất vì không còn cha mẹ để phụng dưỡng. Càng đi cuối đường đời, càng thấm thía với mấy câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân :

    Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.
    Con sẽ không đợi một ngày kia có người cài lên áo cho con.
    Một nụ hồng bạch.
    Mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ.


    Mùa Vu Lan này, cũng xin đốt nén trầm hương nhớ ơn Cha Mẹ của mình và của người.


    Trần Bang Thạch


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X