Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Canh chua me đất của mẹ tôi

Collapse
X

Canh chua me đất của mẹ tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Canh chua me đất của mẹ tôi

    Canh chua me đất của mẹ tôi





    Mới mấy năm trước, mẹ tôi vẫn còn minh mẫn và linh hoạt lắm. Tuy đã lớn tuổi, nhưng bà vẫn tự nấu lấy thức ăn cho mình. Vợ chồng tôi và mấy đứa em e ngại sợ mẹ tay chân lạng quạng làm đổ nước sôi phỏng tay, hoặc sợ bà quên tắt bếp ga xảy ra hỏa hoạn nguy hiểm… Nhưng nói mấy bà cũng không chịu nghe. Mẹ tôi viện lý do thức ăn tụi tôi nấu không hợp khẩu vị, và nhất là bà cần làm việc để không trở thành kẻ ăn không ngồi rồi, cũng như không vận động chân tay sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Mẹ tôi nói với giọng quả quyết, khó mà thuyết phục cho bà đổi ý. Chúng tôi chỉ còn biết chiều theo ý muốn của bà. Vậy đó mà mẹ tôi đã nấu ăn một cách suôn sẻ, tươm tất. Chẳng những bà nấu cho bà, mà cả lũ con cháu nội ngoại còn được hưởng lây nữa.

    Có những ngày vợ chồng tôi vì bận công việc, buổi sáng tôi mang gởi cháu cho bà trông coi, chiều đến đón hai đứa nhỏ về, rất ít khi tôi không được mẹ tôi bới cho một chút đồ ăn mang theo. Và món mà mẹ tôi thường nấu cho tôi nhiều hơn cả là món canh chua me đất, một món ăn mà tôi rất ghiền từ hồi tôi còn rất nhỏ.

    Chua me đất thường dùng, thuộc họ chua me đất Oxalidan là chua me đất hoa vàng thường gặp ở những nơi ẩm ướt, bờ ruộng, đồng cỏ hoang, chậu hoa…. Chua me đất là một lọai cỏ mọc lan bò trên mặt đất, thân đỏ nhạt, lá cuống dài, gồm ba lá chét, mỗi lá chét có một vết hõm trên đầu thành hình tim ngược. Hoa mọc thành tán, cuống gầy, nhị hai vòng, nở vào tháng 5- 7. Tên khoa học của nó là OxaliscorniculataL. Hay O Repens thumb, thuộc họ chua me đất Oxalidaceae như cây khế. Tên thông thường là me đất, chua me đất, chua me hoa vàng, trong Nam có tên chua me ba chìa, người Tây gọi là sóm hén, người Thái gọi là co kham lin, người Nam Dương gọi là semanggi. Từ Trung hoa có tên tố tương thảo, toan tương thảo, tạc tương thảo, toan vị thảo, toan vị diệp, tam diệp toan. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ(1) tác giả bộ sách nổi tiếng 3 cuốn nhan đề Cây cỏ Việt Nam, phân biệt me đất nhỏ là O,corprniculataL còn me đất thường là O.corymbosa DC. Cây me còn mang tên O.martiana Zucc..một loài cỏ không có thân, lá ở gốc, hoa màu hồng nên còn được gọi hồng hoa tạc tương thảo. Cũng có hoa cùng màu hồng là cây chua me đất hoa đỏ O deppei Sw..còn gọi rau bơ, thân ngầm hình trái tim ngược, hoa năm cánh, nhị hai vành, mọc hoang dại. Ngoài ra có một loại cỏ mọc vùng khí hậu mát như ở Sapa Hoàng Liên Sơn gọi là chua me núi O.acetosella L. hay sơn tạc tương thảo, không có thân, lá kép hoa trắng hay hồng.

    Nhờ có vị chua do thân và lá chứa một số axit hữu cơ... nên món canh chua me đất chính là một thực phẩm giải nhiệt rất tốt. Ngoài ra me đất có chứa các chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lão hóa tế bào. Trong me đất còn có phylloquinon tức là vitamin K (thường do vi khuẩn trong ruột tổng hợp) cùng nhiều loại flavonoid... giúp bền vững các mạch máu, cơ thể. Vì có chứa vitamin C cùng các flavonoid này, ở Ấn Độ và Philippines người ta dùng me đất để chữa bệnh hoại huyết (scorbut), bệnh ngày trước hay gặp ở thủy thủ tàu viễn dương do trong thức ăn của họ thiếu quá nhiều rau xanh. Hỗn hợp có oxalic acid cũng có tác dụng khử diệt vi trùng...



    Theo như lời mẹ tôi chỉ dẫn thì canh chua me đất có thể nấu với cá cơm rửa sạch, xé đôi con cá, lấy tay tước xương và đầu vứt đi, rửa lại nước muối cho cá cứng, vớt ra, dầm cá vào hành giã nhỏ, tiêu, nước mắm, ớt trộn lại để đó. Nấu nửa xoong nước sôi, đổ cá vào nấu, nếu có thêm tôm xào càng ngon. Sôi vài lần cá chín, nhắc xuống, bỏ me đất đã lặt rửa sạch vào, trộn me cho chín đều, thêm hành ngò xắt nhỏ.
    Canh chua me đất cũng có thể nấu với khuyết (tép, ruốc): đổ mỡ vô quánh để nóng, bỏ hành giã nhỏ xào chín, cho khuyết, ớt, tiêu, muối, nước mắm vào xào. Khuyết thấm, đổ thêm một bát nước sôi, nếm vừa, nhắc xuống, bỏ me đất đã lặt rửa sạch vào, trộn me cho chín đều.

    Ngày còn bé, gia đình tôi ở Bến Ngự (trên con đường nhỏ song song với đường rầy xe lửa giữa dốc Nam Giao và dốc Bến Ngự), nguyên là nhà của cố ngoại tôi, chuyên sản xuất mè xửng, trước 1954, bán buôn theo những chuyến tàu hỏa ngược xuôi Bắc Nam từ thời bà cố tôi truyền lại, bà Cả Mè, một thương hiệu đã được biết đến trong nghề làm mè xửng ở kinh thành Huế. Bây giờ ngẫm nghĩ lại, tôi tự hỏi không biết sao thời gian ở Bến Ngự, tôi chưa được nếm canh chua me đất của mẹ tôi, mặc dù tôi vẫn thấy cây chua me đất mọc đầy dưới những chậu hoa, có phải mẹ tôi không nấu vì tôi còn nhỏ chưa biết thưởng thức hay vì hồi đó mẹ tôi quá bận rộn với công việc phụ giúp ông cậu( em ruột bà nội tôi) trong công việc hằng ngày bán buôn ở cửa hàng cạnh chợ Bến Ngự, đến tối mới về nhà.

    Khoảng năm l950, mẹ tôi thôi phụ với ông cậu cùng gia đình chuyển đến khu đất được ba tôi thuê lại và xây dựng làm nhà ở từ một người chuyên kinh doanh cây trồng ở cửa Ngăn (Thề Môn nhân) phường Phú Thạnh, nên ngôi nhà của chúng tôi được vây quanh một rừng hoa, đủ các loại, buổi sáng buổi chiều vươn mình khoe hương sắc trong những ngày nắng dưới ánh mặt trời lấp lánh hay nép mình trong những ngày mưa tầm tã. Phía sau, trên mặt hồ những bông sen ngát hương, lung linh trong gió nổi bật trên cái nền xám của bức tường thành rêu phong, mà anh em chúng tôi kháo với nhau: khu vườn nhà tôi là tiên cảnh. Cảnh sắc đó càng trở nên lung linh hơn, khi từng đàn chim sẻ từ các nơi tụ về ríu rít hót ca, rồi tất cả im ắng, ẩn mình trong hoàng hôn trước khi chìm dần vào trong bóng tối đợi trăng lên. Nửa khuya, chúng tôi thường bị đánh thức dậy bởi tiếng chim Quốc gọi bạn tình từ dưới hồ sen vọng lại, giọng buồn não nuột…Đặc biệt khu vườn ở cửa Ngăn, dù tôi đã được nhìn thấy cây chua me đất mọc tràn đầy trong vườn, chen chúc dưới những liếp hoa, nhưng cho đến ngày tháng đó tôi vẫn chưa được nếm mùi vị của canh chua me đất mẹ tôi nấu cho tôi ăn.

    Đầu tháng 9 năm 1953,bắt đầu một niên khóa mới, trước khi mẹ tôi đưa tôi vào học lớp ba trường Saint Denise, thuộc dòng Trái Tim (Sacré Coeur) thuộc Phường Đúc, phường Thủy Xuân , thành phố Huế, theo sự gợi ý của cậu tôi. Gia đình tôi lại phải giã từ căn nhà ở cửa Ngăn để chuyển đến căn nhà mới, cạnh nhà bà ngoại tôi ở Phú Xuân, Kim Long.

    Từ cầu Bạch Hổ (1), thay vì đi thẳng lên Chùa Thiên Mụ (2), nhà chúng tôi rẽ phải, xuống dốc, dọc theo sông đào Kẻ Vạn(3), hết bức tường thành thuộc phủ đệ giòng họ Phạm, đến ngôi đình được bao bọc chung bởi bức tường thành xây bằng gạch kiên cố, cao khoảng hơn ba mét. Tiếp đến là đường hẽm đi vào Phú Mộng, đến nhà bà ngoại tôi, đến nhà cô họ tôi, rồi mới đến nhà tôi. Những nhà kế tiếp trên con đường này( sau này đường được đặt tên là Phạm Thị Liên) là những gia đình tôi từng tiếp cận và thân tình cho đến năm 1963, khi tôi vào Sàigòn vừa đi học, vừa đi làm báo kiếm sống…

    Ở khu vườn nhà mới, vốn của bà nội tôi mua lại nhiều năm trước, được bố trí và xây dựng lại cho phù hợp với nhu cầu của chúng tôi, không nặng về phô trương, mà thật sự chúng tôi cũng không có khả năng phô trương, cũng như không có ý đồ phô trương. Tuy không được bao bọc bởi một rừng hoa như ở cửa Ngăn, nhưng bù lại, khu vườn của chúng tôi rộng hơn và có nhiều cây cối đã sinh hoa kết trái. Nhưng ý nghĩa hơn hết, cũng là niềm hạnh phúc của mẹ tôi, vì ngoài việc không phải thuê mướn hàng tháng… mà chỉ cần một nắm rau bình bát hái ngoài rào, một nhúm lá chua me đất mọc hoang trong vườn hoặc nắm bông bí trên giàn tre… qua tay mẹ tôi đã cho chúng tôi một tô canh với hương vị đậm đà, hay đôi khi một nắm rau càng cua trộn dầu giấm với trứng gà và thịt bò xào đã trở thành một món ăn sang trọng hợp khẩu vị với cả nhà, hỗ trợ mẹ tôi một phần đáng kể trong chi tiêu hằng tháng, không như ở cửa Ngăn, cái gì cũng bỏ tiền ra mua. Chính nơi căn nhà mới này, lần đầu tiên mẹ tôi nấu cho tôi bát canh chua me đất. Tất nhiên, mẹ tôi còn nấu nhiều loại canh khác, như canh thơm cá liệt, cá kình (làng Chuồng) hay cá ngạnh (làng Sình), cá lá mít, cá bống thệ, hoặc cá hanh, cá diếc… là những thứ canh mẹ tôi vẫn thường nấu cho cả nhà ăn. Lần đầu tiên tôi được ăn bát canh chua me đất của mẹ tôi với hương vị có phần đặc biệt so với những thứ canh tôi từng ăn. Mẹ tôi mỉm cười và yên lặng ngồi bên cạnh vừa ăn vừa nhìn tôi ăn với tất cả lòng yêu thương và kiêu hãnh tràn ngập trong mắt…

    Tôi ăn bát canh chua me đất của mẹ tôi với tay trái cầm muỗng, tay phải đôi đũa, cả hai tay phối hợp nhịp nhàng. Trước hết tôi gom cơm và rau thành một cụm vừa đủ một miếng, dồn lên, xong rồi cả muỗng lẫn đũa nâng cơm canh lên ngoạm một miếng vô miệng gọn lỏn.. miếng canh mới vào miệng đang nhai là đôi tay đã thực hiện lại động tác gom canh lại như cũ của một chu kỳ nhứt định. Cứ thế tôi không để phí một giây nào.. thỉnh thoảng tôi phải ngưng lại một chút để thở, và để cho mẹ tôi chùi mép dùm, trong khi tôi nhìn mẹ tôi cười… say đắm. Tôi lại tiếp tục ăn, thì thà thì thụp.

    Chẳng mấy chốc mà tô canh gần hết, tôi ăn chậm lại. Nhưng tôi ăn chậm không phải vì no.. mà vì tôi sợ hết. Như thể tôi muốn ăn hoài ăn hủy miễn có mẹ tôi ngồi bên cạnh.

    Rồi thì bát canh chua me đất của mẹ tôi nấu cũng phải hết. Tôi nhai miếng cuối cùng thật lâu và khi đã bỏ đũa xuống rồi cũng còn dùng tay vét mấy cọng ngò nhét vào miệng một cách tự nhiên như uống từng ánh mắt dõi theo của mẹ tôi, đi qua từng bước chân vụng dại của đời tôi,..những kỷ niệm dẫn dắt tôi trên đường đời, hứa hẹn không ít chông gai, đớn đau mà tôi phải chịu đựng, phải trải qua.. hòa với tình cảm yêu thương trìu mến mà mẹ tôi đã nuôi tôi lớn lên.

    Những lần mang tô canh chua me đất của mẹ tôi về là tôi hầu như một mình chiếm lĩnh trận địa. Hai đứa con gái tôi không ăn đã đành, mà cả vợ tôi cũng chỉ sơ sơ vài muỗng góp vui vậy thôi, còn lại là tôi một mình chém sạch không chừa một cọng hành. Tôi húp tô canh chua me đất với tâm trạng nôn nóng tưởng như ngày mai trời sắp tận thế đến nơi.

    Thấy tôi thích món canh chua me đất như vậy, nên khoảng hai ba tuần mà không thấy tôi mang từ bà nội về là vợ tôi lục đục tìm cách nấu. Tưởng cũng nói thêm vợ tôi có biệt tài học nấu ăn. Nàng vô nhà hàng hoặc đi ăn ở đâu mà gặp món đắc ý, chỉ cần khươi đĩa đồ ăn coi sơ sơ là có thể về nhà nấu giống y chang. Cho nên với tô canh chua me đất đơn giản này là quá dễ dàng, lại nữa cũng may vườn nhà tôi cây chua me đất mọc đầy.

    Hôm tôi thấy tô canh chua me đất dọn lên bàn, ngạc nhiên quá tưởng là mẹ tôi nấu nhờ người nào đó mang qua. Nhưng bà xã tôi nói nàng mới nấu theo kiểu của Bà nội. Tôi thích vô cùng, ngồi xuống chén thả giàn.

    Ăn xong vợ tôi hỏi:

    - Có ngon không anh?

    Tôi âu yếm gật đầu giọng nịnh đầm:

    - Vợ tôi nấu mà sao không ngon được.

    Vợ tôi hất tay tôi:

    -Thôi, anh đừng có lẽo mép nữa. Nói thật đi. Vợ tôi nói với giọng nghiêm trang:

    -Có ngon như bà nội nấu không?

    Tôi thành thực trả lời:

    - Ngon, nhưng mà hình như hơi khác với cách Bà nội nấu một chút.

    Vợ tôi gật đầu nhìn tôi:

    - Em mới nấu lần đầu nên có thể chưa được chỉnh lắm. Hy vọng lần sau chắc chắn sẽ giống.

    Lần sau nữa, tô canh chua me đất của vợ tôi nấu thành thật mà nói thì chẳng những giống mà có lẽ còn đậm đà và thơm ngon hơn tô canh của mẹ tôi. Tôi ăn cũng thấy đậm đà lắm. Thế nhưng, dù vợ tôi có nấu cách nào đi nữa cũng không thể nào giống như tô canh của mẹ tôi. Canh chua me đất của vợ tôi nấu thì tôi ăn bình thường cùng những món ăn khác. Nhưng khi ăn tô canh của mẹ tôi nấu, đặc biệt trọn một bữa cơm tôi chỉ ăn một món này mà thôi như là sợ mấy món kia sẽ làm tô canh chua me đất của mẹ tôi bớt ngon. Tôi vừa ăn mà sợ như nó sẽ…hết. Và khi nó hết, tôi vét đến cọng ngò cuối cùng. Ăn xong mà vẫn thòm thèm thật tức cười. Vợ tôi và hai đứa con gái tôi đều bật cười ra điều đó.

    Một hôm vào dịp lễ Thanks Giving, đúng vào dịp vợ chồng tôi có mặt bên cạnh các con tôi. Lớp học của Phương Thi, con gái út của tôi tổ chức một buổi pot luck ăn trưa. Mỗi phụ huynh tham dự mang một món ăn tới góp vốn cùng ăn chung.. Tôi sợ làm phiền vợ, tự ý ra tiệm mua mang theo món mì xào từ một tiệm mì nổi tiếng ở Little Saigon mà tôi biết rất ngon. Tới giờ ăn, các phụ huynh phải phục vụ cho các cháu ăn trước. Món mì của tôi được tất cả ủng hộ nhiệt liệt trừ một cậu bé có vẻ là người Tàu hay Philippines… gì đó. Khi tôi mang đĩa mì tới, nó thờ ơ lạnh nhạt nói “Không ăn”. Tôi thầm nhĩ :Quái, thằng nhỏ này làm phách dữ. Chắc là nó không đói. Nhưng tôi vẫn cố thuyết phục “Cháu thử ăn đi, mì ngon lắm” Cậu bé vẫn một mực lắc đầu lia lịa: “Không ăn. Mì má cháu làm ngon hơn nhiều”.

    Đúng lúc đó mẹ của cậu bé cũng vừa tới bàn. Bà giở nắp hộp đồ ăn của cậu ra thì quả nhiên là…một hộp mì xào. Tôi tò mò nhấn nhá đứng gần hai mẹ con để coi món mì gì đặc biệt mà cậu con quảng cáo dữ dội đến thế. Khi tôi nhìn thấy tô mì rồi thì trong lòng tôi dậy lên một nỗi…thất vọng não nề. Trời ơi, tưởng là có gì ghê gớm lắm, té ra là những cọng mì trắng nhách, nhạt nhẽo, thêm chút trứng chiên thái mỏng rải ở trên, và chan xì dầu. Chỉ vậy thôi mà cậu ta làm như cao lương mỹ vị không đâu có. Tôi bị chạm tự ái. Nó dám chê mì mua ở nhà hàng nổi tiếng của tôi để ăn cái tô mì … dở ẹt này. Cho nên tôi vẫn tiếp tục nhấn nhá đứng gần để để quan sát phản ứng tiếp theo của cậu bé..

    Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cậu bé mắt sáng rỡ khi mì của cậu được mẹ xúc ra chén. Kỳ thật. Đĩa mì tôi mua ở tiệm mang tới sợi vàng óng ánh hấp dẫn, lại thêm tôm, xá xíu, rau cải đầy đủ, ngon lành thì cậu không thèm ngó tới, trong khi mì của mẹ cậu thì lưa thưa vài miếng trứng với xì dầu mà cậu làm như nem công chả phụng không bằng. Chưa hết, nhìn cái dáng điệu cậu ăn mới đã. Cậu ngồi sát vào mẹ như một con gà con. Tay trái cậu cầm muỗng, tay phải đôi đũa, cả hai tay phối hợp nhịp nhàng. Trước hết cậu gom mì thành một cụm vừa đủ một miếng, dồn thêm vài sợi trứng, xong rồi cả muỗng lẫn đũa nâng cụm mì lên ngoạm một miếng vô miệng gọn lỏn. Nói thì lâu chứ cậu ta làm lẹ lắm. Cụm mì mới vào miệng đang nhai là đôi tay đã thực hiện lại động tác gom mì lại như cũ của một chu kỳ nhứt định. Cứ thế cậu không để phí một giây nào. Ngay cả một vài cọng mì dính bên mép cậu cũng không thèm chùi. Chỉ thỉnh thoảng cậu phải ngưng lại một chút để thở, và để cho mẹ chùi mép dùm, trong khi cậu nhìn mẹ cười… say đắm. Ôi trên đời này sao lại có thằng con nào sung sướng, hạnh phúc đến như vậy được cà.” Cậu lại tiếp tục ăn, thì thà thì thụp. Thấy cậu bé ăn mì làm tôi cũng cảm thấy đói bụng theo và nước miếng kéo tận lên cổ muốn chảy ra, thiếu điều muốn lên tiếng năn nĩ nó: “Cháu có thể cho chú thử một miếng, được không?”

    Chẳng mấy chốc mà tô mì gần hết, cậu ăn chậm lại. Nhưng cậu ăn chậm không phải vì no. Cứ nhìn cái miệng nhỏ nhắn nhai ngấu nghiến thì biết. Cậu sợ hết. Như thể cậu muốn ăn hoài ăn hủy miễn là có mẹ ngồi bên cạnh.

    Rồi thì tô mì xào của cậu cũng phải hết. Tôi thấy cậu nhai miếng cuối cùng thật lâu, và khi đã bỏ đũa xuống rồi cũng còn dùng tay vét mấy cọng hành nhét vào miệng một cách tự nhiên. Bà mẹ ngồi bên cạnh không cản mà chỉ nhìn tôi cười bẽn lẽn để tôi thông cảm cho thằng con háu ăn.

    Tôi thẫn thờ nhìn hai mẹ con và chợt hiểu ra mọi việc. Hành động vét mấy cọng hành cuối cùng của cậu bé sau khi đã làm sạch sẽ tô mì làm tôi nhớ những lúc tôi vét mấy cọng ngò cuối cùng của tô canh chua me đất do mẹ tôi nấu. Tôi nhớ lại hồi nãy đứa con ăn mì say sưa và thỉnh thoảng nó nhìn mẹ nó một cách trìu mến như thể nếu được nó cũng ăn luôn mẹ nó vào bụng. Và tôi nhớ lại lúc ăn canh chua me đất của mẹ tôi, tôi có một cảm giác man mác, êm đềm. Tô mì của cậu bé chắc chắn là không bằng mì tôi mua ở tiệm, cũng như canh chua me đất của mẹ tôi chắc cũng không đậm đà, ngon ngọt như vợ tôi nấu. Nhưng mà cả hai đã được nêm vào một gia vị trân quí nhất trên đời: Gia vị MẸ.

    Khi ăn canh chua me đất của mẹ tôi nấu, thì ra tôi đã nuốt vào người tất cả tình thương yêu của mẹ tôi gởi gắm trong tô canh. Tôi đã vào cái tuổi mà người ta gọi là tri thiên mệnh. Trên đầu hai thứ tóc: muối tiêu. Nhưng trong mắt mẹ tôi, tôi luôn luôn chỉ là một thằng con bé dại mà mẹ tôi muốn nâng niu chiều chuộng. Tôi chợt nhận ra rằng mỗi tô canh chua me đất của mẹ tôi không những đã được nêm đầy gia vị MẸ trong đó, mà nó còn chan chứa cả một quãng đời niên thiếu của tôi. Tôi đã ăn canh chua me đất như một con bò già ngấu nghiến nhai lại quảng đời ấu thơ mà nuối tiếc những chuỗi ngày vẫn còn trong vòng tay của mẹ.

    Sau năm 1972, toàn bộ gia đình tôi đều được chuyển vào Saigon sinh sống. Ban đầu tất cả gồm ba mẹ tôi và các em tôi đã sống ở căn nhà tôi thuê sẵn từ trước, có phần chật hẹp, phải đợi gần hai tháng sau, chúng tôi mới tìm được căn nhà tương đối phù hợp. Nói là phù hợp, nhưng nhà ở đây là phố, không có vườn, không có cây cối và cũng không rộng rãi thoáng mát như nhà cũ của chúng tôi ở Huế, và cũng không tìm đâu ra cây chua me đất cho mẹ tôi nấu canh. Đó là một trong những điều đau khổ của mẹ tôi mà có thể vì tế nhị hoặc sợ làm đau lòng tôi khi phải sống ở đây trong không gian gò bó mà mẹ tôi không bao giờ nói ra. Thỉnh thoảng có ai đó mời mẹ tôi đến thăm nhà có vườn có đất ở vùng ngoại ô, mẹ tôi không bao giờ từ chối dù hơi xa. Đồng thời, mẹ tôi hình như không che giấu ý định nhân cuộc viếng thăm tình cờ tìm thấy cây chua me đất để có thể nấu cho tôi một bát canh mà tôi yêu thích không chút ngại ngùng… Hình như trong đầu mẹ tôi lúc nào, ở đâu cũng thấy hiện ra những chất liệu cần thiết để nấu một bát canh chua me đất… cho tôi. Tôi hiểu đau đáu tình yêu thương mà mẹ tôi dành cho tôi qua bát canh mà mẹ tôi luôn muốn nấu cho tôi, muốn săn sóc tôi như ngày tôi còn thơ dại, cũng như mẹ tôi muốn tìm lại bóng dáng của quá khứ và niềm hạnh phúc của chính mẹ tôi khi có tôi trong cuộc đời.

    Một buổi chiều, sau khi đi làm về mệt tôi nằm trên ghế, ngủ thiếp đi lúc nào không biết, hình như có tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái... Giữa không gian tưởng như tĩnh lặng đó, tôi bỗng nghe tiếng gọi từ một nơi nào đó rất xa vọng lại: “Con ơi!”rồi im bặt. Tôi mơ hồ nhận ra tiếng gọi của mẹ tôi, tôi thầm nghĩ mẹ tôi đã đi xa rồi sao quay trở về? Một phút trôi qua.Tôi không nghe tiếng gọi tiếp. Chỉ thấy mẹ tôi xuất hiện trong chiếc áo dài lụa trắng mà mẹ tôi vẫn thường mặc mỗi khi đi chợ về, bước tới trước mặt tôi, mẹ tôi vẫn im lặng không nói với tôi câu nào, cầm lấy tay tôi dẫn tôi đi khắp nhà, từ nhà trên xuống nhà dưới, hết trong nhà, ra đến ngoài vườn, thì ra mẹ tôi dẫn tôi trở về căn nhà cũ của chúng tôi ở Huế: mọi vật vẫn giữ nguyên vị trí, không thay đổi, vẫn những cây măng cụt sau vườn, cành lá sum sê, trái chĩu nặng,..những cây ổi trái chín mọng, những trái mít non treo lũng lẵng, buồng chuối già vẫn không đổi thay, vẫn cây sầu đông cao vút trước cỗng im gió… vẫn tiếng cu gáy trầm buồn, tiếng ve sầu rã rích vào giữa trưa hè và trên tay mẹ tôi một nhúm lá me đất và nụ cười ánh lên trên đôi môi ngọt ngào và già nua với giọng nói quen thuôc của mẹ tôi: “Mẹ không ao ước gì hơn là muốn được trở về căn nhà cũ để hái một nhúm lá me đất nấu một bát canh nóng cho con kịp ăn bữa cơm chiều nay”

    Có một chút gì hoan hĩ mơ hồ như cánh bướm mỏng đáp nhẹ lên tim. Khi đất trời còn mang mang chưa định hình rõ nét sau cơn mê ngủ, khi ngày chưa đến và đêm chưa qua… khói sương còn là mộng ảo, tất cả tri giác của con người ở nơi chốn mông lung tôi bất chợt được nhìn thấy lại khuôn mặt yêu kiều thân thiết của mẹ tôi dù không thật, cũng là điều may mắn.

    Có phải hạnh phúc thật gần nhưng hình như khó thể với tới?


    Sâm Thương




    1. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ: Sinh năm Kỷ Tỵ (1929) tại An Bình, Cần Thơ, Việt Nam. Thuở nhỏ ông theo học tiểu học ở các trường Bassac, Nam Hưng và College de Cần Thơ. Năm 1946 sang Pháp tiếp tục bậc Trung học lấy bằng Tú Tài I và II. Sau đó, ông theo học ở Đại học Sorbonne Paris, đậu Cử nhân Khoa học vào năm 1953 và Cao học (Thạc sĩ) về Khoa học thiên nhiên (Sciences naturelles) vào năm 1956. Năm 1957, ông về nước và được bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Hải học Viện Nha Trang và trong thời gian làm việc ở đây (1957 - 1962), ông đã thực hiện công trình nghiên cứu về rong biển Việt Nam và một phần của công trình nghiên cứu này được dùng cho luận án Tiến sĩ Khoa học mà ông đệ trình vào năm 1961 cũng tại Đại học Sorbonne.
    Năm 1962-1963, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Khoa Trưởng trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1964, GS. Phạm Hoàng Hộ trở về giảng dạy tại Viện Đại học Sài Gòn. GS. Phạm Hoàng Hộ kiên trì vận động thành lập Viện Đại Học Cần Thơ từ rất sơm và đến ngày 1-3-1966 thì cuộc họp trù bị cho việc thành lập được diễn ra tại tỉnh Phong Dinh. Ngày 8-3-1966, Viện Đại học Cần Thơ được thành lập, GS. Phạm Hoàng Hộ trở thành Viện trưởng đầu tiên của trường Đại học Cần Thơ.
    Năm 1970, GS. Phạm Hoàng Hộ về Sài Gòn và tiếp tục công trình giảng dạy và nghiên cứu thực vật đến năm 1984. Sau năm 1984, GS. Phạm Hoàng Hộ sang Pháp và từ đó ông sang Canada sinh sống và tại đây ông hoàn tất công trình nghiên cứu cây cỏ Việt Nam của mình. Có thể nói ông là người đầu tiên ở Việt Nam hoàn thành công trình nghiên cứu cây cỏ miền Nam và Việt Nam, đây là công trình có tầm cỡ khoa học lớn trong nước và trên thế giới.
    Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, ông là tác giả của nhiều sách về thực vật học Việt Nam như Rong Biển Việt Nam (1969), Tảo học (1972), Sinh học thực vật (tái bản lần thứ tư,1973), Hiển hoa Bí tử (tái bản lần thứ nhì,1975) và Cây cỏ miền Nam Việt Nam (An illustrated flora of South Vietnam: Nấm, khuyết thực vật và song tử diệp cánh rời và vô cánh; Quyển 1, 1972) và nhiều bài nghiên cứu có giá trị khác. Phạm Hoàng Hộ là giáo sư Thực vật học của Việt Nam, ông nổi tiếng với bộ sách ba quyển "Cây cỏ Việt Nam" (An illustrated flora of Vietnam, 1999) và quyển "Cây có vị thuốc ở Việt Nam" (2003) cùng do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
    Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã từ trần ngày Mùng Hai tháng Giêng năm Đinh Dậu, nhằm ngày 29 tháng Giêng năm 2017, tại Montréal, Canada, hưởng thọ 89 tuổi. Linh cữu được quàn taị: Magnus Poirier, 6825 rue Sherbrooke Est, Montréal, Québec. Lễ di quan vào ngày Thứ Hai 6 tháng hai 2017, lúc 9:00 sáng.
    Vĩnh biệt người Thầy đáng kính, một nhà khoa học lớn của nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam và quốc tế, về Khoa Học Thực Vật.

    2. Cầu Bạch Hổ: Cầu mang tên Bạch Hổ hoặc Lợi Tế là cầu nhỏ bắc qua sông Kẻ Vạn. Con sông đào nối sông Hương với sông An Hòa, tạo nên nhánh phía Tây của tuyến thủy lộ gọi là Hộ Thành Hà. Cầu vốn được dựng bằng gỗ khoảng năm Mậu Thìn 1808, đời vua Gia Long. Thoạt tiên, công trình được nmang tên cầu Bạch Hổ. Tới đời vua Mênh Mạng, năm 1839, cầu được đổi tên là cầu Lợi Tế.

    3. Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là Chùa Linh Mụ là ngôi chùa nằm trên đồi Hà Khê, tả nạn sông Hương, cách trun tâm thành phố Huế khoảng 5 km, đối diện bên kia sông là làng Nguyệt Biều.Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu(1601)đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Vị Chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.Đây có thể là ngôi chùa cổ nhất ở Huế.

    4. Sông Kẻ Vạn: Sông đào ở phía Tây kinh thành, còn gọi là Hữu Hộ Thành Hà, thuộc Vạn Xuân, Kim Long, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Sông được đào năm1805 dưới thời vua Gia Longg. Thời ấy dọc bờ sông là các trại thủy quân, có âu thuyền để neo đậu và tu sửa định kỳ các loại thuyền bè. Sau đó gia đình lính thủy dần dần định cư ven khu vực làng Vạn Xuân, từ đó khu vực này thành bến đò và chợ Kẻ Vạn.Sông Kẻ Vạn còn gọi là sông Kim Long, sử ghi là Hữu Hộ Thành Hà.Phía Nam thong với Sông Hương.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X