Thông báo

Collapse
No announcement yet.

“Tôi xin vào… tắm”

Collapse
X

“Tôi xin vào… tắm”

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • “Tôi xin vào… tắm”


    “Tôi xin vào… tắm”
    hoànglonghải


    "Chưa bắt chước chuột, đã lo ỉa bếp". (tục ngữ)

    Ở trại “tù cải tạo” nầy có nhiều điều thật buồn cười đến đau xót.

    Cả chục gian nhà nằm trong vòng rào thứ nhất. Nhà cầu, nhà xí hay cầu tiêu, hay nhà ỉa, như các nói của Bộ đội”, gọi thế nào cũng được lại nằm trong vòng rào lớn, nhưng lại ngoài vòng rào nhỏ.

    Khi đi cầu, anh em ít khi dùng giấy lau đít vì kiếm không ra giấy. Có trường hợp như anh Bùi Thành Trai được quản giáo khen là người “chịu khó nghiên cứu triết học Mác – Lênin” vì anh đã nhờ quản giáo mua một lượt mấy cuốn sách bàn về chủ nghĩa Cộng Sản. Loại nầy giá rẻ lắm. Anh ta có nghiên cứu gì đâu!

    Khi quản giáo khen Bùi Thành Trai chịu nghiên cứ chủ nghĩa Mác, cả đám đang đứng trong hàng cười rúc rích. Anh ta cả đời đọc chưa hết trang sách đã ngáy khì khò rồi, nghiên cứu cái gì được!

    Bùi Thành Trai mua sách để lấy giấy làm cái việc vệ sinh ấy. Anh em khác không tiền hay tiếc tiền thì mỗi lần đi cầu, xách theo một cái loon sắt hay một cái chai bia lớn đựng nước.

    Thấy người ta xách cái chai đi ngang qua, họa sĩ Nguyễn Uyên nói đùa với tôi: “Đi nhậu! Xách bia đi nhậu đấy!” Nói xong, Nguyễn Uyên cười nham nhở, hề hề!

    Ra tới cổng hàng rào trong, người tù đứng lại, ở tư thế “nghiêm”, bỏ cái chai xuống đất, cất mũ, ngó lên cái chòi cao, có “chú bộ đội” chưa đầy 20 tuổi, ngồi canh, “vách đốc củ tỏi” trên đó, nói lớn:
    – “Báo cáo anh! Tôi đi ngoài.”

    Khi còn do “bộ đội quản lý trại giam”, “tù cải tạo” gọi bộ đội bằng anh, dù là sĩ quan cũng vậy. Ở trại do Công an quản lý, không được gọi bằng anh, phải gọi là cán bộ. Cấp chỉ huy thì gọi bằng ban, có nghĩa là ban tham mưu hay ban gì đó, không phải là ban cua hay ban sởi (bệnh sởi).

    Gặp “chú bộ đội” dễ tính, chờ anh ta trả lời “đi đi” thì mới đi. Chưa có lệnh đi mà đã đi có thể bị khiển trách, bị mắng, bị đuổi vào hoặc bị dọa bắn… Chỉ dọa thôi chớ chưa bắn lần nào.

    Gặp “chú bộ đội Bắc Kỳ” từng “đứng lên đánh đổ bọn cường hào ác bá” thì “chú bộ đội”, chỉ mới là “vệ binh”, chưa vào hẳn “giai cấp thống trị”, đã có thái độ không khác gì với giai cấp đã từng bị đánh đổ, chưa thành chuột đã “bắt chước chuột ỉa bếp”. “Chú bộ đội” bắt bẻ:
    – “Đi đâu mà gọi “nà” đi ngoài. Muốn trốn trại hả? Đi ỉa thì báo cáo “nà” đi ỉa. Nhớ không?”

    Anh “tù cải tạo” nói “báo cáo nhớ”, cho xong chuyện. Thế là được nghe hai tiếng “đi đi!”

    Anh ta đội nón lên đầu, cái chai cầm tay đi ra nhà cầu. Khi đi cầu xong rồi, về gần cổng, cũng phải đứng lại, thế “nghiêm”, bỏ mũ và cái chai không xuống, quay mặt về hướng chòi, nói “báo cáo anh! Tôi vào”.

    Chờ “chú bộ đội” bảo “vào đi!” mới được vào. Gặp khi “chú bộ đội đang ngủ gà ngủ gật, không nghe “báo cáo” thì người đi cầu đứng nghiêm chờ cũng… hơi lâu!

    Gặp “chú bộ đội” nhiễu sự, nếu báo cáo là “đi ỉa” hoặc đi cầu, “chú” lại bắt bẻ:
    – “Ăn nói gì mà bất “nịch” sự thế”. Không được “lói” “nà” đi ỉa. Phải gọi “nà” đi ngoài. Nghe không?”

    Thế là trái nghịch với “chú bộ đội” trước, nhưng anh tù cải tạo cũng cứ “báo cáo anh! Tôi nghe!” không cần thắc mắc. Thế cho xong để được đi…ỉa.

    Anh bạn Cường của tôi gặp trường hợp khá buồn cười. Tại anh ta đãng trí hay hôm đó bị tào tháo đuổi gấp quá nên khi “báo cáo anh”, anh bạn tôi quên… cất mũ. Vậy là “chú bộ đội” nổi sùng vì cái tội vô lễ không cất mũ. “Chú bộ đội” “giáo dục” sự “vô lễ không cất mũ” bằng cách:
    – “Đứng đó, không đi đâu hết!”

    Anh bạn tôi đành đứng đó, như trời trồng, mặt mày nhăn nhó, khó chịu, vặn vẹo thân mình. Anh ta chẳng dám đi ra mà cũng chẳng đi vào vì “chú bộ đội” bảo “đứng đó”. Hồi lâu, “bài học tập giáo dục” đứng nghiêm tại chỗ chấm dứt. “Chú bộ đội” nói:
    – “Đi đi!”

    Anh bạn tôi bèn nói:
    – “Báo cáo anh, tôi xin vào đi… tắm.”

    Nói xong, không cần “chú bộ đội” nói thêm gì nữa, anh ta ba chân bốn cẳng chạy nhanh ra giếng, mượn gầu của người ta đang múc nước ở đó mà dội ào ào lên người, không cần cởi quần áo.

    Câu chuyện anh ta xin vào đi… tắm trở thành đề tài cho anh em vui cười, chọc quê. Có lần, Cường bực mình nói:
    – “Đ. má nó. Tao hận cái thằng bộ đội nầy suốt đời.”

    Không biết về sau, nếu khi Cộng Sản hô hào “Hòa hợp hòa giải”, anh ta có thể quên câu chuyện ỉa… trong quần để hòa hợp với họ được không!?

    Nhà cầu nầy mới xây, theo kiểu Tây, nghĩa là chỗ ngồi thì trên cao, phân người rơi vào những cái thùng sắt đặt bên dưới. Hằng ngày, những cái thùng phân ấy được lôi ra, đổ xuống hố, vài ba tuần, có khi phân chưa kịp “hoai” thì đã được moi lên, đem bón rau muống để “làm giàu quê hương, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”.

    &

    Chúng tôi được chia thành từng đội ở trong các nhà số 2, số 3, số 4, v.v… Nhà 1 đã có người ở trước, tại đây có hai “nhân vật” đặc biệt, một là “Hùng Con”, dân “Bắc Kỳ ri-cư”, như người ta thường đùa với nó, hai là “Quảng Què”, dân Saigon lâu năm, nhân vật nào cũng có thành tích lạ lùng như sau:

    Gọi là “Hùng Con” vì anh ta nhỏ tí chút, cở bằng đứa bé 11 hay 12 tuổi, nhưng theo anh ta thì anh đã lớn tuổi.

    Có lần anh ta nói:
    – “Em cháu mới lấy chồng!”

    – “Uở, mầy chừng đó mà có em gái lấy chồng. Sao nó lấy chồng sớm thế?” – Có người hỏi.

    – “Không! Cháu lớn rồi, cháu gần 20 tuổi, bởi vì “Mỹ Ngụy” chích thuốc làm cho cháu không lớn để cháu dễ đi vào những chỗ đánh nhau lấy tin cho họ nên cháu mới nhỏ con vậy.” “Hùng Con” giải thích.

    Lắm người không tin, mắng nó:
    – “Mày nói tằm bậy! Mỹ Ngụy nào mà làm thế. Mày nghe Việt Cộng tuyên truyền đấy! Biết chửa? Người ta thiếu gì phương tiện tình báo.”

    “Hùng Con” nói:
    – “Thật ra, cháu cũng không biết đâu! Khi “cách mạng” bắt cháu điều tra, họ nói vậy nên cháu tin như vậy!”

    Có người nói to, cười:
    – “Chết cha rồi! Tin Dziệt Cộng là đời mày tiêu luôn. Mày ở tù là phải.”

    “Hùng Con” láu cá nói:
    – “Cháu thì tin chút ít nên bị bắt còn mấy chú tin nhiều nên đóng tiền để đi ở tù.”

    Thấy nó nói vậy, nhiều anh em bỏ đi. Có người nói: “Thằng láu cá!”
    Thật ra thì “Hùng Con” có làm tình báo cho Sư Đoàn Dù. Hồi Mậu Thân, nó khoảng tuổi giống như tuổi người ta đoán bây giờ, được một đơn vị Dù nào đó đang hành quân ở An Phú Đông, nhờ nó đi vào xóm nhà dân, giả làm người chạy nạn để dò xét binh lính Cộng Sản còn núp lén trong đó.

    “Hùng Con” “hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc”, được thưởng tiền, được giới thiệu về sư đoàn để tiếp tục công việc do thám ở nhiều nơi khác, giúp cho Dù nhiều trận đuổi Việt Cộng chạy có cờ. “Hùng Con” được phong làm “Hạ Sĩ Danh Dự” và được tướng Dư Quốc Đống nhận làm con nuôi. Đấy là anh ta nói vậy, không biết trúng trật vào đâu nhưng có điều thật là sau ngày 30 tháng Tư, “Hùng Con” bị bọn “Dziệt Cộng nằm vùng” tố cáo. Bộ Đội tới tận nhà bắt “Hùng Con” đem đi điều tra, xong cho vô tù, trại Suối Máu.

    “Hùng Con” có một màn biểu diễn rất hay làm mọi người để ý, thích thú.

    Tối tối, “Hùng Con” sang các nhà khác chơi, xin một điếu thuốc lào. Thằng bé 11 tuổi hút thuốc lào thành thạo như một dân ghiền điệu nghệ. Nó cầm cái điếu, thổi vào nõ cho tàn thuốc còn sót lại bay ra; xong, hai ngón tay nhỏ của nó xe xe viên thuốc lào cho thật tròn, gọn, đặt vào nõ. Nó lấy ngón tay ém viên thuốc cho chặt, một tay thì cầm đóm lửa đang cháy, một tay từ từ đưa cái điếu lên miệng, đặt ngay ngắn vào giữa hai hàng môi. Nó rít một hơi thật dài. Ngọn lửa bị sức hút kéo vào nõ, đốt cháy hết thuốc trong nõ. Tiếng nước trong điếu kêu lên sọc sọc, giòn giã. Xong, “Hùng Con” đặt điếu xuống, nhẹ nhàng nằm ngữa người xuống chiếu, nhắm mắt lim dim. Có người nói to: “Phê! Phê! Nó phê (1) rồi đó.”

    “Hùng Con” vẫn nhắm mắt, miệng nở nụ cười thật tươi. Nhìn nó, ai cũng vui và lần sau, “Hùng Con” chưa kịp xin, người ta đã gọi nó cho thuốc hút. Không chắc người ta thương nó, nhưng người ta muốn xem một hoạt cảnh ngộ nghĩnh. Một thằng bé 11 tuổi hút thuốc điệu nghệ còn hơn cả người lớn, những anh mới tập hút thuốc lào. Người lớn có thể say, có lần té vì đứng dậy khi vừa hút xong. “Hùng Con” thì khác. Kéo xong hơi thuốc lào, bao giờ nó cũng nằm ngã xuống chiếu, nhắm mắt để thưởng thức cái “phê” của thuốc lào.

    Khỏi đi “lao động”, hằng ngày “Hùng Con” vui chơi từ nhà nầy qua nhà khác. Đôi khi “Hùng Con” cũng thuật lại những trận đánh ngày trước “Hùng Con” có tham dự, nhất là những trận đánh hồi tết Mậu Thân. Có khi, “Hùng Con” kể: “Dziệt Cộng nằm chết đầy đường, máu chảy lênh láng. Không có chỗ để cháu đặt chân đi qua. Cháu sợ muốn chết, nhưng cháu vẫn đi. Đã có lệnh sai đi thì cháu đi.”

    Có lần, một anh chàng tinh nghịch nói:
    – “Mầy nói mầy hai mươi tuổi. Mầy nói láo. Để tao coi cu mầy có lông chưa.”

    Nói xong, anh ta xông tới. Mọi người cười hô hố, hưởng ứng. “Hùng Con” giận, bỏ đi. Không bao giờ “Hùng Con” trở lại nhà đó vì “mấy chú bất lịch sự.”

    Một năm sau, khi tôi rời trại đi nữa thì “Hùng Con” vẫn còn đó.

    Có người nói “Không thể giam tù một thằng bé con lâu như thế!” Có người lại nói: “Dziệt Cộng mà lớn bé gì. “Lao động là vinh quang” tuốt, chẳng chừa thằng nào.”

    &

    Nhân vật thứ hai là “Quảng Què”. Gọi như thế vì anh ta tên Quảng và què một chân. Anh nầy tuy lớn tuổi nhưng không lễ phép như “Hùng Con”. Với ai, “Hùng Con” cũng gọi bằng chú, bằng bác và xưng cháu.
    “Quảng Què” chẳng thèm gọi ai bằng anh hoặc bằng ông. Anh ta cứ gọi trổng: “Ê! Xích ra!”, “Ê! Đưa đây!” tùy theo trường hợp. Anh ta làm như mọi người đều có chung một cái tên “Ê”

    “Quảng Què” thuộc thành phần thương phế binh, giải ngũ từ trước 1975, khi cái thời “huy hoàng của thương phế binh” được “anh râu kẽm” (2) ủng hộ, xúi bậy đã qua. Tuy nhiên, cái dư âm thương phế binh biểu tình, giành đất, làm nhà, đòi hỏi nọ kia khiến người ta ngán vẫn còn.

    Với cái “hào quang” đó, “Quảng Què” trở thành cái bang ở chợ Thái Bình, ngang ngược lắm, ai cũng sợ.
    Sau ba mươi tháng Tư, anh ta xoáy đâu đó được một cái ví trong chỉ có ít tiền và một cái “Chứng Chỉ Tại Ngũ” tên là Nguyễn Quảng, cấp bậc đại úy. Họ tên thì trùng với anh ta, nhưng cấp bậc chức vụ thì không. Trước khi bị thương và bị cưa chân, cấp bậc của “Quảng Què” là “binh nhì”, chức vụ là … “khinh binh”. Anh ta nhớ mang máng như vậy.

    Mới “đứt phim” (3) được nửa tháng, anh ta đang hành hiệp ở chợ Thái Bình, giựt cái bót của một chị phụ nữ. Chị ta hô hoán lên. Mấy “chú bộ đội” cùng mấy chú “cách mạng ba mươi” (4) bắt “Quảng Què” đem về trụ sở phường.

    Cán bộ Dziệt Cộng hỏi:
    – “Anh là lính “Ngụy”, có giấy tờ gì không? Nếu thật là lính “Ngụy” sẽ được đưa đi học tập.”

    Nghe nói “học tập”, “Quảng Què” nghĩ ngay tới quân trường, chỗ đó anh ta có đi học và học lâu hơn ở nhà trường khi anh ta còn nhỏ.

    Ở quân trường thì lính ăn uống cực khổ, ngày nào cũng chỉ có cơm, cá mối, rau muống luộc hoặc canh su, canh cải. Nghe nói người ta học ra sĩ quan ăn uống sướng hơn. KBC Thủ Đức sang hơn nhà hàng. “Bốn người một mâm”. Thịt gà, thịt heo, thịt bò ê hề (5).
    Bây giờ “Quảng Què” được đi học tập với sĩ quan. Vì vậy, Quảng Què chìa ngay ra cái “Chứng Chỉ Tại Ngũ” của Đại úy Nguyễn Quảng.

    Cầm cái “Chứng Chỉ Tại Ngũ”, cán bộ hỏi:
    – “Anh tên là Nguyễn Quảng?”

    – “Dạ! phải!”

    Cán bộ lại hỏi:
    – “Cấp bậc Đại úy?”

    Quảng Què cũng ừ luôn để được “đi học” chung với sĩ quan cho được ăn uống sung sướng, đầy đủ, như ở “trường Thủ Đức”. Thế là anh ta bị đưa vào trại Suối Máu. Vô tới đây thì Quảng Què mới biết mình đi ở tù.

    Tù Dziệt Cộng thì khổ sở không thể nào kể xiết. Vậy là “Quảng Què” có ba, bốn mối hận: Hận ông trời bắt anh ta què, hận chế độ cũ bắt anh ta đi lính, hận dân chúng hô hoán khiến bộ đội đến bắt anh ta đi tù, hận “cách mạng” đã bỏ tù anh.

    Anh ta kêu oan rằng anh chỉ là binh nhì, không biết tại sao người ta ghi anh là đại úy. Bộ đội ghi nhận, nhưng cho rằng anh khai dối với “cách mạng”. Tội khai gian là tội lớn nhưng cũng hứa sẽ giải quyết.

    “Sẽ” có nghĩa là việc chỉ có thể xảy ra ở “thì tương lai”, còn khi nào thì chưa “cụ thể”. Hai năm rồi mà “thì tương lai” vẫn chưa tới.

    Tuy vậy, anh ta cũng được “cách mạng” chiếu cố.

    Trước hết là kêu anh ta lên văn phòng làm việc, khơi sâu mặc cảm giữa sĩ quan và binh lính để giao cho “Quảng Què” công tác theo dõi những phần tử phản động, phát biểu linh tinh, âm mưu trốn trại, v.v… “Cách mạng” sẽ khoan hồng cứu xét, sớm cho về sum họp với gia đình. Không biết “Quảng Què” có thực hiện công tác gì không nhưng lời hứa thì coi như hứa… chùa. Hai năm rồi, chưa thấy gì.

    Buổi chiều, dãy nhà bếp chỉ còn lại vài ba anh em lui cui hâm nấu món ăn gì đó trên những cục than đang tàn dần trong bếp, “Quảng Què”, tay cầm nạng, tay cầm gầu nước, không nói một lời báo động cho ai, tạt nước vào bếp cho lửa tắt hẳn, bỏ ghét những người có đồ ăn đem nấu nướng. Nước tạt vào tro than nóng kêu xè một tiếng lớn, bụi bay lên mù mịt. Có người bỏ đi, cũng có người cự nự. “Quảng Què” không những thấy mình sai còn chưởi thề, nói năng thô lổ. Thấy thái độ “Quảng Què” như vậy, người ta cũng đành thôi. Người ta biết “Quảng Què” chẳng biết phù thịnh phù suy gì chi rắc rối.

    Những người chung trại với anh ta bây giờ là ngang hàng với cấp chỉ huy của anh ta ngày xưa. Ngày đó, anh sợ họ khiển trách, phạt tạ, v.v… Bây giờ họ sa cơ thất thế, anh ta làm vậy cho bỏ ghét. Chỉ là bỏ ghét! Cái ghét đó được “đường lối và chính sách” của “cách mạng” “bồi dưỡng” thêm cho thật sâu sắc và triệt để..

    &

    Lần thăm nuôi đầu tiên, “Quảng Què” cũng gởi thư về cho vợ, bảo lên thăm và tiếp tế lương thực cho anh ta. Vợ anh ta ở Saigon, trại Suối Máu ở Biên Hòa nên đường đi thăm gần, xe đò cũng tiện.

    Bộ đội đặt một cái bàn ngay cổng nhà thăm nuôi, có khối trưởng hay đại diện khối ngồi bên cạnh để giúp dò tên “cải tạo viên” được thăm.

    Khi vợ “Quảng Què” đến thăm, bộ đội hỏi:
    – “Chị thăm ai?”

    – “Dạ, tui thăm anh Quảng.”

    Anh bộ đội dò tên trong danh sách, lại hỏi:
    – “Chồng chị là anh Nguyễn Quảng có phải không?”

    Vợ Quảng Què xác nhận:
    – “Dạ phải! Chồng tui là Nguyễn Quảng.”

    “Chú bộ đội” lại hỏi:
    – “Anh Nguyễn Quảng là Đại úy phải không?”

    – “Không! Chồng tui là Binh Nhì.”

    “Chú bộ đội” xác nhận:
    – “Ở đây không có anh Nguyễn Quảng nào là Binh Nhì. Chỉ có anh Nguyễn Quảng Đại úy.”

    Vốn quê mùa, vợ “Quảng Què” thật thà nói:
    – “Chắc là anh Quảng đi học tập lâu ngày, nay lên Đại úy!”

    Dĩ nhiên, “chú bộ đội” không tin như vợ “Quảng Què”, hồi lâu mới tìm ra anh khai gian cấp bậc, cố “xác minh” một lần nữa:
    – “Có phải chồng chị bị què phải không?”

    Chị vợ nhanh nhẩu:
    – “Dạ đúng! Đúng chồng tui què một chân.”
    Nhờ “xác minh” cái chân què đó, chị vợ được vào khu thăm nuôi.

    Mới thấy vợ, “Quảng Què” tức giận:
    – “Mày ở nhà lấy thằng nào mà bụng mầy to vậy?”

    Chị vợ ra dấu biểu chồng im. “Quảng Què” tức tối chống nạng quày quả đi vào, không cần thăm. Chị vợ chạy theo nói nhỏ:
    -“Không phài có bầu anh ơi! Mì! Mì gói!”

    Té ra vì “bộ đội” không cho gia đình tiếp tế mì gói, sợ trốn trại, nên khi viết thư gởi về nhà, người viết thư giúp khéo léo báo cho vợ “Quảng Què” biết là “Quảng Què” cần có mì gói nhưng phải kín không cho bộ đội thấy. Vợ “Quảng Què” lanh trí lận hai chục gói mì vào bụng, làm như người có bầu.

    Việc “học tập lâu ngày lên Đại úy” và vợ “Quảng Què” có bầu trở thành câu chuyện vui của nhiều người.

    “Quảng Què” không được thăm nuôi nhiều vì vợ anh ta nghèo. Mỗi lần đi thăm, vợ “Quảng Què” tiếp tế cho chồng cũng ít ỏi. Vừa thiếu ăn, vừa tức tối và ganh tị vì những người khác được thăm nuôi nhiều đồ ăn, lại quen thói chôm chỉa từ trước, nên bây giờ “Quảng Què” “hành hiệp” ngay trong trại giam.

    Ban đầu thì người ta không biết, sau tìm ra thủ phạm. Quản giáo bắt “Quảng Què” làm tờ kiểm điểm, nhưng cái chứng tật “Quảng Què” đã quen, nên anh ta cứ bị anh em bắt tội ăn cắp nhiều lần. Cuối cùng, trong một buổi lên lớp toàn trại 4, trong phần khen thưởng, vài cá nhân, vài tổ được bộ đội khen “học tập tốt, lao động tốt”, riêng “Quảng Què” thì bị “cảnh cáo trước toàn trại”.

    Anh ta bị gọi lên trình diện trước anh em, ông Đại úy Chính trị viên đọc lệnh như sau:
    “Nay cảnh cáo có ghi hồ sơ học tập anh Nguyễn Quảng, cấp bậc: Đại úy, chức vụ: Khinh binh…”

    Cả trại cùng cười về mục cấp bậc và chức vụ trái khoáy như vậy.

    Thời gian một năm ở tù tại Suối Máu, chúng tôi chỉ được thăm nuôi một lần. Nhà tôi và 6 đứa con đều được gặp nhau ở khu vực dành cho tù cải tạo và gia đình, cùng với tất cả tù cải tạo T4. Các ngày khác thì dành cho các T1, T2, T3… Hôm T2 được thăm, đội tôi đi tưới rau phía ngoài bờ suối.
    Khi ra tới cổng, thấy thân nhân vào cổng đông lắm. Có người đi xe hơi lên thăm tù.

    “Chương Rồng” hỏi:
    – “Ai mà giờ nầy còn đi xe hơi, sang vậy?”

    Có người giải thích:
    – “Bà Nga, vợ ông Trung Tá Lê Ngọc Trụ. Ông Trụ chết trong vụ trực thăng Mỹ “bắn lầm” ở trường Phước Đức trong Chợ Lớn, nay bà lấy một ông Đại úy đang ở T2.”

    Tôi nhớ cô nầy, là em vợ ông Nguyễn Đôn Dương, chủ nhà sách Gia Long ở Huế. Khi còn đi học, tôi hay tới nhà sách nầy, gặp em ông Dương là Nguyễn Đôn Hà, bạn học, sau nầy cùng binh chủng Thiết Giáp. Nghe nói ông Trụ thuộc phe ông Kỳ. Khi ông Kỳ làm Thủ Tướng, ông Trụ làm Cảnh Sát Trưởng quận 5. Trong chế độ cũ, làm Cảnh Sát Trưởng ở một quận toàn “chú Ba xì thẩu”, vợ đi xe hơi thì có gì lạ mà phải hỏi!

    hoànglonghải
    (trich trong Vết Nám (12))

    (1) Nói tắt chữ effet, có hiệu quả, kết quả, tiếng Pháp.
    (2) “Anh râu kẽm” hay “tướng râu kẽm” là tiếng báo chí hồi 1964, 65 dùng để gọi Nguyễn Cao Kỳ. Khoảng năm 1970, 71 vì mất ăn Kỳ dùng thương phế binh để phá Thiệu.
    (3) Đứt phim, tiếng lóng, để gọi ngày 30 tháng Tư.
    (4) “Cách mạng ba mươi”, tiếng lóng để gọi những người mới theo Cộng Sản sau khi đứt phim.
    (5) KBC của trường Bộ Binh Thủ Đức là 4.100. Bốn ngàn một trăm, đọc trại để đùa là “Bốn người một mâm”


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X