Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tháng ngày Mộc Hóa

Collapse
X

Tháng ngày Mộc Hóa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tháng ngày Mộc Hóa

    Tháng ngày Mộc Hóa


    Nguyễn Phùng


    Hậu Cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh, được dời từ Sa Đéc về Vĩnh Long khoảng giữa năm 1972. Đây là doanh trại do quân đội HK chuyển giao lại nên rộng lớn, tuy nhà cửa đa phần là loại tiền chế nhưng so với Sadec thì có phần bề thế hơn vì dù sao thì ít nhất một Bộ Tư Lệnh cấp Sư Đoàn cũng phải như vậy. Còn như ở Sa Đéc thì quá nhỏ hẹp, không đủ chỗ cho các phòng ban chớ đừng nói chi đến các các đơn vị trực thuộc. Sa Đéc lại là tỉnh nhỏ, trước đây chỉ là quận lỵ của tỉnh Kiến Phong, không có vị trí chiến lược quan trọng như Vĩnh Long. Không hiểu sao lúc đầu thành lập Sư Đoàn dời từ miền Trung về, Bộ Tổng Tham Mưu lại chọn Sa Đéc là hậu cứ cho Sư Đoàn mà chỉ có một Trung Đoàn 16 trực thuộc trú đóng tại Long Hồ, Vĩnh Long.

    Cũng kể từ thời gian 1972 này, cả bốn Tiểu Đoàn Pháo Binh của Sư Đoàn đều đồn trú tại Vĩnh Long. Ngoài ra, còn có một Thiết Đoàn 2 kỵ Binh, và các Tiểu Đoàn cơ hữu như Quân Y, Tiếp Vận, Truyền Tin, Công Binh… Riêng Trung đoàn 15 vẫn ở tại Sa Đéc, và Trung đoàn 14 BB tại Vĩnh Bình.

    Tuy hậu cứ tại Vĩnh Long, nhưng các đơn vị từ cấp Tiểu Đoàn đến Trung Đoàn đều có các tiền cứ là nơi đặt Bộ Chỉ Huy Hành quân ở khắp các nơi khác nhau trên lãnh thổ Miền Tây, tùy theo tình hình hành quân. Riêng Sư Đoàn có Bộ Tư Lệnh Hành Quân, bản doanh tại Biệt Khu 44 cũ, gọi là Trại Quang Trung ngay thị xã Cao Lãnh, Kiến Phong và một Bộ Chỉ Huy nhẹ tại Mộc Hóa, Kiến Tường. Do đó, quân số cơ hữu của BTLSĐ phải chia ra một cảnh ba quê. Tại hậu cứ Vĩnh Long chỉ còn thành phần trừ bị ứng chiến và trực gác. Tại BCH Tiền Phương Cao Lãnh thì đầy đủ các phòng, ban. Tại BCH nhẹ Mộc Hóa chỉ có các sĩ quan đại diện với quân số khiêm nhường, nhưng kể tử cuối năm 1973 và đầu năm 1974 do tình hình chiến trường vùng biên giới sôi động nên BCH nhẹ tại Mộc Hóa lại trở thành chính và ngay cả Tư Lệnh Sư Đoàn là Chuẩn Tướng Huỳnh Văn Lạc cũng ngày đêm hiện diện tại đây.

    Chuẩn Tướng Lạc đang là Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn IV thì về thay thế Thiếu Tướng Trần Bá Di. Tướng Di về QĐ IV phụ trách Tư Lệnh Phó Quân Đoàn. Ngay những thời gian đầu về nhậm chức Tư Lệnh Sư Đoàn 9 BB, Tướng Lạc thường xuyên cho thực tập báo động ban đêm tại hậu cứ Vĩnh Long, BTL/TP Cao Lãnh cũng như tại BCH nhẹ Mộc Hóa. Tại Mộc Hóa ông chỉ thị quân nhân các cấp phải làm hầm trú ẩn xung quanh doanh trại bằng bao cát và thùng đạn pháo binh. Khi có lệnh báo động thì tất cả mọi người đều phải chạy ra hầm trú ẩn sẵn sàng trong tư thế tác chiến. Cũng nên biết, Tướng Lạc năm 1963, từng là Thiếu Tá trong Liên Minh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống và ông đã cùng với các sĩ quan và binh sĩ đảm trách phòng thủ Dinh Gia Long trong biến cố ngày 1 Tháng Mười Một năm 1963.

    Mộc Hóa là tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Tường, nằm sâu trong vùng sát biên giới xứ Chùa Tháp nên Cộng quân luôn quấy nhiễu. Tỉnh Kiến Tường được lập ra dưới thời đệ nhất cộng hòa và quy tụ nhiều người Bắc di cư. Tỉnh có nguồn lợi không nhiều nhưng vị trí chiến lược thì thật là quan trọng. Thông thương bằng đường bộ duy nhất là con lộ nối liền Mộc Hóa - Cai lậy trên Quốc lộ 4. Cũng chính vì vậy nên CQ luôn tìm cách phá rối con lộ này bằng những hình thức đắp mô, gài mìn xe đò, đặt chất nổ giật sập cầu cống… Cũng con lộ này chạy qua một vùng có tên Ấp Bắc mà trong những năm tháng lao tù của CS, chúng tôi đã nhiều lần phải bị “lên lớp” nghe rêu rao về cái gọi là “chiến thắng Ấp Bắc” của chúng. Từ ngày có BTL nhẹ của SĐ 9 BB tại Mộc Hóa thì Sư Đoàn đã cho nhiều đơn vị trấn giữ tại những địa điểm quan trọng trên trục lộ giao thông này nên tình hình an ninh có phần tương đối hơn trước. Dù vậy không vận vẫn là phương tiện quan trọng nhất trong việc chuyển quân và tiếp tế cho tỉnh lỵ Mộc Hóa. Miền Tây trong dân gian thường có câu truyền miệng “nhất Kiến nhì Chương.” Kiến đây là Kiến Hòa, Kiến Phong, Kiến Tường và Chương là Chương Thiện, ngụ ý là những tỉnh có tình hình an ninh kém và Quân Đội Quốc Gia phải mất công khó khăn mới bình định, gìn giữ an ninh được. Riêng tỉnh Kiến Tường những năm 1973-1974 phải nói là tỉnh địa đầu tuyến lửa miền tây. Tỉnh lỵ Mộc Hóa thường xuyên bị uy hiếp quấy rối bằng pháo kích. Nếu đem so sánh thì Mộc Hóa về diện tích chắc cũng chỉ tương đương với An Lộc mà thôi. Còn những vùng xa thì địch quân chuyển quân và vũ khí ngày đêm. Lực lượng Sư Đoàn 9 BB đã nhiều lần khám phá những hầm chôn dấu vũ khí khổng lồ trong vùng Tháp Mười thuộc hai tỉnh Kiến Phong và Kiến Tường. Theo CT Lạc cho biết tại Long Khốt, Kiến Tường, không ảnh chụp được những xác chiến xa của chúng. Tin này được báo về Bộ Tổng Tham Mưu. Chả vậy mà có lần những hãng thông tấn của Mỹ ở Sài Gòn đã mò xuống đây và đòi đi chụp hình những chiến xa bị phá hủy ấy cho được. Dĩ nhiên là yêu cầu của họ không thể thỏa mãn vì tình hình an ninh của vùng đang giao tranh nên không thể đưa họ vào tận nơi. Hơn nữa, thành phần báo chí này đa số không phải phe diều hâu, nên có khi họ tuyên truyền ngược lại rất bất lợi cho Quân Đội Quốc Gia.

    Dù tình hình như vậy, tháng ngày Mộc Hóa đối với tôi vẫn êm đềm bình thường trôi qua lặng lẽ. Ngoài những đêm trực Trung Tâm Hành Quân hay dẫn anh em đi nằm tiền đồn ra thì vẫn không có gì đáng kể, ngoại trừ một vài lần pháo kích ban đêm, đạn réo qua mái nhà chẳng gây thiệt hại nào. Nói là đi tiền đồn cho oai chớ thật ra là mỗi chiều tối dẫn trung đội ứng chiến đi ngủ đêm ngoài doanh trại, thường là trường học nhằm khi hữu sự thì dễ bề hành động. Toán ngoài vũ khí cá nhân cũng có một cây đại liên M 60, một máy truyền tin. Cây đại liên thì đặt trên cao ốc. Sau khi HSQ thường vụ phân chia canh gác xong thì mạnh ai nấy ngủ. Sáng ra kiểm điểm quân số rồi về lại BTL. Phải nói CT Lạc là một vị chỉ huy rất tinh tế cũng như hiểu biết và dự đoán trước được những sự kiện sẽ xảy ra. Bởi vậy khi về giữ chức Tư Lệnh SĐ 9 BB, ông luôn luôn bắt các SQ, HSQ và Binh Sĩ thuộc Phòng Ban Tham Mưu phải sẵn sàng luôn ứng biến với mọi tình thế bất ngờ có thể xảy ra. Sĩ Quan Tham Mưu, ngoài làm việc ban ngày, ban đêm phải luân phiên trực Trung Tâm Hành Quân và dẫn toán ứng chiến. Quân nhân các cấp, hàng tuần hàng tháng đều phải đi thực tập tác xạ ở Trung Tâm Huấn Luyện SĐ. Có lần trực TTHQ một mình bên máy truyền tin rè rè êm ái, mà tình hình cũng yên tĩnh vô sự và mặc dù đèn điện sáng trưng nhưng mệt và buồn ngủ nên tôi đã chợp mắt không biết bao lâu. Khi giật mình mở mắt ra đã thấy Tướng Lạc đứng bên cạnh bao giờ. Chắc ông biết tôi ngủ gục nhưng ông đã không trách phạt một lời nào.

    Ngày 9 Tháng Ba năm 1975, trong một chuyến công tác cùng phòng Tổng Thanh Tra SĐ, có cả Đại Tá Chánh Thanh Tra đi cùng, chúng tôi chừng mười Sĩ quan từ Mộc Hóa theo tỉnh lộ Mộc Hóa - Cai Lậy thanh tra các đơn vị nằm dọc trên trục lộ này. Buổi chiều, sau khi đoàn xe rời một căn cứ hỏa lực của pháo binh thì được căn cứ này bắn yểm trợ dọc theo hai bên đường. Đạn đại liên nổ dòn dã với những tia lửa vút nhanh trông thật đẹp mắt như đưa tiễn và cũng hổ trợ tinh thần đoàn xe. Tám giờ tối thì chúng tôi đến Quận lỵ Ấp Bắc, hay còn gọi là Bình Thạnh Thôn. Vì đã liên lạc báo trước với chi khu nên đoàn được thiếu tá quận trưởng cho nghỉ đêm tại đây. Bảy giờ sáng thức dậy, tôi một mình xuống sông gần đó rửa mặt đánh răng. Bờ sông ngay dưới chân cầu nước trong và mát. Xong đâu đấy, khi tôi vừa quay lưng bước lên bờ được chừng chục bước thì bỗng một tiếng “Ầm” lớn rung chuyển mặt đất sau lưng. Có tiếng la lớn “pháo kích.” Tôi quay nhìn lại thì cây cầu sắt cao bắc ngang sông đã biến mất. Không gian im lặng không một tiếng nổ thứ hai. Thì ra đó là CQ đã cho đặt chất nổ phá sập cây cầu này. Chúng tôi vào chi khu, từ giã và cám ơn Thiếu Tá quận trưởng. Ra ngoài chuẩn bị lên đường đi tiếp, thấy dưới sông chỗ chiếc cầu sập xuất hiện nhiều chiếc xuồng nhỏ hối hả qua lại. Chả là dân chúng đổ xô ra bắt cá đang nổi lềnh bềnh vì sức ép của chất nổ. Trên không đang lượn qua lượn lại một chiếc trực thãng, có phù hiệu số 9. Chuẩn Tướng Tư Lệnh SĐ 9 BB đã bay đến thị sát kịp thời. Phố quận vẫn sinh hoạt bình thường như không có gì xảy ra. Bà vợ Th Tá quận trưởng đang ngồi xe Jeep có tài xế lái, mặc áo dài trên đường đến nhà thờ làm lễ. Hôm đó đúng là ngày Chủ Nhật, 9 Tháng Ba. Buổi trưa chúng tôi phải ngừng lại tại một xã nhỏ cũng có khu phố chợ với một số hàng quán vì được tin quãng đường gần Cai Lậy bị đắp mô, đang chờ Công binh phá mô mở đường. Vì quá trưa, chợ nhóm sớm nên hàng quán cũng vắng vẻ gần như đóng cửa. Chúng tôi phải vào một nhà dân gần chợ nhờ nấu cơm cho ăn và xin trả tiền. Chủ nhà vui vẻ nấu cơm với hột vịt chiên mà thôi. Như vậy cũng quá tốt rồi. Cơm nước xong, tiếp tục lên đường. Khi gần đến chỗ đắp mô thì xe phải ngừng lại không đi tiếp được. Viên Thiếu Úy Sĩ Quan Địa Phương Quân chỉ huy đơn vị an ninh gần đấy, đề nghị chỉ còn cách bỏ xe và tài xế ở đây. Khi đường thông thương sẽ đi sau. Còn chúng tôi được viên Thiếu Úy dẫn đi tắt vòng xuống dưới bờ ruộng qua khỏi khúc này sang bên kia sẽ có xe đò ra ra Cai Lậy. Chúng tôi đành phải chấp nhận giải pháp này. Đi lòng vòng cũng gần tiếng đồng hồ vừa gần tới được phía bên kia thì “Vút Vù,” một trái đạn bay qua đầu nổ tung trong lùm cây xa xa. Trên đường lộ, có vài chiếc quân xa của Công Binh đang tới lui sửa đường thì lại một tiếng “Rầm” lớn khô khóc. Một trái đạn khác từ bờ kinh bên kia vút qua trúng vào thành xe, nhưng xe và người không hề hấn gì. Có tiếng la lớn “VC.” Tôi nhìn qua bờ kinh trước mặt chưa tới 100 thước, có nấy bóng người mặc quần áo đen, ôm súng đạn đang lủi vào bụi cây khuất dạng. Tôi rút khẩu Colt 45 ra cầm tay, bắn vu vơ theo dù biết chẳng đâu vào đâu cùng lúc với vài tràng M16 của toán Công Binh phụ họa.

    Sau lần ấy, tôi về hậu cứ Vĩnh Long được ba tuần. Trong ba tuần định mạng này, bao nhiêu tin tức dồn dập bất lợi cho VNCH : 12 tháng 3 mất Ban Mê Thuột. 17 tháng 3 Kontum. 19 tháng 3 đến lượt Pleiku, Phú Bổn, Quảng Trị. 20-3 Bình Long. 24-3 Quảng Ngãi. 26-3 Huế. 27-3 Quảng Nam, Quảng Đức. 28-3 Lâm Đồng. 29-3 Đà Nẵng.

    Ngày 1 Tháng Tư, tôi trở lên Mộc Hóa lại bằng trực thăng từ Cao lãnh. Đường thủy tắc ráng Cao Lãnh Mỹ An kẹt, mất an ninh. Vợ tôi không vào nhiệm sở dạy học được. Sau khi tôi đi rồi vợ tôi lại về Sa Đéc ở với Má. Ngày 2 Tháng Tư được tin mất Nha Trang là nơi tôi trưởng thành cùng với Thầy Mẹ và các em tôi. Không tin tức gia đình. Ngày 4 Tháng Tư mất Đà Lạt. Tôi được phép của Trung Tá TMP về Cao Lãnh để đi Sài Gòn cùng vợ tôi đang mang bầu đứa con đầu lòng dò hỏi tin tức gia đình. Chủ Nhật 6 Tháng Tư, đang trên đường Lê Lợi Sài Gòn, thì Lê Văn Chính, anh bạn ngày trước học chung trường Võ Tánh, Nha Trang, ở đâu chạy chiếc Honda dame trờ tới. Mừng quá, tưởng có tin tức Nha Trang, nhưng anh vừa từ Lâm Đồng chạy xuống sau khi mất tỉnh này. Anh đang là Sĩ Quan của chi khu Lạc Dương trên đó. Anh đang là Sĩ Quan của chi khu Lạc Dương trên đó. Thất vọng, vợ chồng tôi lại trở về Sa Đéc và qua hôm sau tôi lên lại Mộc Hóa. Chiều Chủ Nhật, 13 Tháng Tư, tôi mang một cuốn film truyền hình âm bản mới quay xong về Cần Thơ cũng bằng trực thăng, để ban truyền hình Quân Đoàn rửa trước khi đem chiếu trên đài Truyền Hình Cần Thơ. Xong xuôi, tôi vào Hội Quán Sĩ Quan trình Sự Vụ Lệnh xin ngủ trọ. Tắm rửa xong, lên giường nghỉ ngơi chưa kịp ngủ, chợt có tiếng chân người chạy xôn xao rầm rập, rồi tiếng đạn nổ lung tung đâu đó trong thành phố. Ngoài đường phố xe hụ còi chạy inh ỏi không biết chuyện gì xảy ra cùng với tiếng người la “VC về”. Tôi nhỏm dậy, mặc quần áo đi giày, không quên dắt theo khẩu Colt 45. Cùng vài người nữa, chúng tôi leo lên đài quan sát và cũng là vọng gác của hội quán nhìn về phía bến cầu bac Cần Thơ theo dõi mấy chiếc trực thăng gunship của Không Quân đang nhào lên nhào xuống xả hàng loạt đạn xẹt lửa sáng rực bầu trời trong ánh hỏa châu. Chừng tiếng đồng hồ sau thì tình hình trở lại yên tĩnh. Chúng tôi xuống vọng gác về phòng ngủ lại. Sáng hôm sau, tôi liên lạc TTHQ Sư Đoàn xem có chuyến trực thăng về Mộc Hóa nhưng không có. Đường bộ thì bac Cần Thơ không chạy vì đêm qua, CQ đặt pháo từ nơi nào đó thuộc quân Bình Minh gần cầu bac pháo vào thành phố Cần Thơ. Do đó tôi phải dùng xe đò đi đường Cần Thơ-Lấp Vò để về lại Sa Đéc. Từ đây, qua ngày hôm sau, tôi mới lên Cao Lãnh và bay vào Mộc Hóa. Cuốn phim ấy có được rửa và có được phát hình không thì không rõ vì không còn thời gian để hỏi.

    Ở Mộc Hóa chưa được mấy ngày thì lại được lệnh về Vĩnh Long. Đồng thời toàn bộ Bộ chỉ huy tiền phương tại Mộc Hóa cùng với Tư Lệnh Sư Đoàn đều đã di chuyển về Mỹ Tho. Ngày 21 Tháng Tư, tôi đi Mỹ Tho lên trình diện BTL/SĐ. Ngày Thứ Ba 22 Tháng Tư, TT Thiệu từ chức, tôi có thu toàn bài diễn văn từ chức của Ông và ra Ty Thông Tin Mỹ Tho mượn thêm một cuốn nữa tính làm tài liệu. (Khuya 30 Tháng Tư, người HSQ mang máy ghi âm và băng nhựa về đến cầu bac Mỹ Thuận thì bị tụi VC chận đường tịch thu cả máy lẫn băng casset). Ngày 26 Tháng Tư, tôi đi cùng Trung Tá TMP về Vĩnh Long bằng xe jeep do ông lái, tôi ngồi kế bên. Người HSQ tài xế thủ cây M16 ngồi băng sau. Ra đến Ngã Ba Trung Lương, tôi thấy tay Tùy Viên Mỹ của cơ quan DAO, trong bộ thường phục cũng tự tay lái một chiếc jeep dân sự, có lẽ đang trên đường về Sài Gòn. Tôi có linh cảm người Mỹ đã bỏ đi nhưng không nói ra. Quốc lộ 4, xe cộ vẫn xuôi ngược bình thường không có vẻ gì là chiến tranh đang đến cả. Trung Tá TMP kể với tôi về việc Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi bị bắt ngoài Phan Rang và lên đài phát thanh VC kêu gọi binh lính VNCH đầu hàng. Lúc bấy giờ tôi vẫn nghĩ rằng VNCH không thể nào mất được. Ngay cả khi Tổng Thống Trần Văn Hương đọc diễn văn trong uất nghẹn bàn giao cho Dương Văn Minh, tôi cũng vẫn nghĩ như vậy. Nào ai ngờ chưa đầy hai mươi bốn giờ đồng hồ sau, tình hình đã xoay chuyển nhanh quá sức tưởng tượng. Tối 28 VC pháo kích vào phi trường Vĩnh Long, hậu cứ BTL, nhưng không thiệt hại nào vì bị pháo binh SĐ 9 trả đũa tức thì. Tôi cầm chiếc radio nhỏ ra ngồi ngoài trời theo dõi tình hình. Sài Gòn xôn xao thay đổi tổng tham mưu trưởng liên tục. Sáng 30 Tháng Tư, Dương Văn Minh ra lệnh buông súng. Nguyên ngày cấm trại trăm phần trăm. Không có lệnh lạc gì từ BTL SĐ ở Mỹ Tho cũng như Quân Đoàn. Một vài chiếc trực thăng lượn trên bầu trời thật thấp. Phi hành đoàn giơ tay vẫy vẫy nhưng không đáp xuống. Các Phòng Ban đang thủ tiêu giấy tờ tài liệu. Đêm 30 Tháng Tư không ngủ. Sáng sớm 1 Tháng Năm, dân chúng đổ xô vào hôi của. Cổng BTL tự động bỏ ngỏ từ lúc nào không lính gác. Tôi thay đồ dân sự, bỏ lại vũ khí súng đạn trên bàn cùng với mọi người, trong đó có cả phi hành đoàn của chiếc Xich-Na vừa đáp xuống hôm qua khi bay từ Sóc Trăng lên. Vì hết nhiên liệu nên phải hạ cánh ở đây. Tôi chạy chiếc xe gắn máy Honda ra đường trước cổng BTLSĐ. Trong bóng mờ của một ngày chưa kịp sáng rõ, tôi thấy ĐT chánh thanh tra SĐ cũng trong bộ đồ dân sự, tay xách một chiếc cặp táp đang đi bộ cùng vài người về phía thành phố Vĩnh Long. Về tới Sa Đéc, mới vào nhà, vợ tôi mừng mừng tủi tủi thấy tôi về bình an, thì vợ Đại Úy Thu ở cùng xóm đến hỏi có biết tin tức gì chồng chị không. Tôi trả lời tôi rời Mộc Hóa từ mấy hôm trước nên không biết tin tức gì về anh Thu cả. Khi BTL/TP SĐ dời về Mỹ Tho thì Đại Úy Thu là trưởng toán TTHQ vẫn ở lại Mộc Hóa. Mắt chị đỏ hoe. Xa rồi những tháng ngày ngắn ngủi Mộc Hóa nhưng vẫn mong có một ngày trở lại.



    Nguyễn Phùng
    (Hoa Kỳ, Tháng Tư, 2017)

    Nguồn Người Việt


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X