Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Liên Đoàn 1, 4, 5 BĐQ - Trên Chiến Trường Quảng Trị 1972

Collapse
X

Liên Đoàn 1, 4, 5 BĐQ - Trên Chiến Trường Quảng Trị 1972

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Liên Đoàn 1, 4, 5 BĐQ - Trên Chiến Trường Quảng Trị 1972

    Liên Đoàn 1, 4, 5 BĐQ - Trên Chiến Trường Quảng Trị 1972
    Vũ đình Hiếu

    Đến cuối tháng Ba năm 1972, để làm hậu thuẫn cho hòa đàm Paris, quân đội Bắc Việt đã mở trận tấn công đại quy mô, lấy tên là “Chiến dịch Nguyễn Huệ”. Trận đại tấn công này được quân dân miền Nam gọi là trận “Mùa Hè Đỏ Lửa”, nhằm vào ba mặt trận: Quảng Trị ngoài Vùng 1, Kontum trên Vùng 2 (Cao Nguyên), và An Lộc trong Vùng 3 Chiến Thuật.

    Mũi tấn công thứ nhất bắt đầu từ ngày 30 tháng Ba gồm các sư đoàn: 304, 308, 312, 324 và 325 cùng các đơn vị trong quân khu 5 (B5) gồm: bốn trung đoàn và hai trung đoàn biệt lập. Quân đội Bắc Việt chỉa mũi dùi vượt sông Bến Hải, vùng phi quân sự tấn công Sư đoàn 3 Bộ Binh, một sư đoàn mới thành lập vào cuối năm 1972 và hai Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến, 147, 258 tăng phái cho Sư đoàn 3 Bộ Binh.

    Mũi thứ hai bắt đầu ngày 5 tháng Tư, gồm ba công trường (sư đoàn) 5, 7 và 9 thuộc Trung Ương Cục Miền Nam (R), băng qua biên giới Việt-Miên tấn công tỉnh Bình Long mà mục tiêu chính là thị xã An Lộc. Địch quân có ý định đánh chiếm thị xã để làm thủ đô cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hiện đang có đại diện trong hội nghị Paris. Trước sức tấn công của địch, quận Lộc Ninh nơi phiá bắc, gần biên giới Việt Miên, bị thất thủ. Các sư đoàn của địch được các đơn vị Chiến Xa, Pháo Binh yểm trợ bao vậy thị xã An Lộc.

    Mũi tấn công thứ ba bắt đầu từ ngày 6 tháng Tư trên vùng Cao Nguyên với các sư đoàn thuộc mặt trận B3 là sư đoàn 2, sư đoàn 3 (sư đoàn Sao Vàng) và sư đoàn chủ lực 320 (sư đoàn Thép hay Quả Đấm Thép). Quân đội Bắc Việt tấn công, tràn ngập quận lỵ Tân Cảnh nơi phiá Bắc tỉnh Kontum (tỉnh xa nhất trên vùng cao nguyên), các trung đoàn biệt lập cắt Quốc Lộ 14 nơi đèo Chu Pao để ngăn chặn đường tiếp viện cho thành phố Kontum.


    Trước khi trận tấn công của quân đội Bắc Việt bắt đầu, ngoài Quân đoàn I, vùng I Chiến Thuật, nơi phiá Bắc đèo Hải Vân, QLVNCH bố trí sư đoàn 1 Bộ Binh bảo vệ tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế. Sư đoàn 3 Bộ Binh, Lữ đoàn 1 Kỵ Binh, Thiết đoàn 20 chiến xa (M-48), hai Lữ đoàn 147, 258 Thủy Quân Lục Chiến và các đơn vị Điạ Phương Quân phòng thủ, bảo vệ tỉnh điạ đầu giới tuyến Quảng Trị và thành phố Đông Hà.

    Vị Tư Lệnh sư đoàn 3 Bộ Binh chịu trách nhiệm tổng quát việc phòng thủ tỉnh Quảng Trị bố trí các đơn vị trực thuộc như sau: trung đoàn 57BB giữ các căn cứ A1, A2, A3 và C1 (Gio Linh). Trung đoàn 2BB là một trung đoàn tinh nhuệ, được đưa từ Sư đoàn 1BB qua làm đơn vị nồng cốt trong việc thành lập Sư đoàn 3BB. Trung đoàn này được trao cho trách nhiệm nằm giữ các căn cứ A4 (Cồn Thiên), Fuller, C2 và C3. Trung đoàn 56BB trấn đóng các căn cứ Cam Lộ, Khe Gió và Carroll (Tân Lâm, là một căn cứ hỏa lực lớn).

    Lữ đoàn 147 TQLC được giao trọng trách nằm giữ các căn cứ chiến lược, núi Bá Hổ, Sarge, Holcomb và Mai Lộc (nơi đặt BCH Lữ đoàn 147/TQLC). Lữ đoàn 258 TQLC làm dơn vị trừ bị, đóng trong các căn cứ, Pedro (Phượng Hoàng), Anne, Jane, Barbara và Nancy. Các đơn vị Điạ Phương Quân trong tiểu khu Quảng Trị có trách nhiệm bảo vệ những chiếc cầu và nằm giữ các trục lộ gia thông.

    Ngoài vùng I, bộ Tư Lệnh Quân đoàn I có Liên đoàn 1 Biệt Động Quân là một đơn vị Trừ bị Chiến thuật cho Quân khu. Sau khi sư đoàn 3BB và TQLC đã phải rút bỏ một số vị trí chiến lược, bộ Tư Lệnh Quân đoàn I mới đưa Liên đoàn 1 BĐQ ra Quảng Trị và sau đó bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH gửi ra tăng cường thêm hai Liên đoàn 4 BĐQ với hai Tiểu đoàn 43 và 44 (đang hành quân dưới Vùng 4 Chiến Thuật, Tiểu đoàn 42 BĐQ vẫn còn ở bên Miên), và Liên đoàn 5 BĐQ (trong vùng 3). Sau đó, bộ Tổng Tham Mưu gửi ra Vùng I Liên đoàn 6 BĐQ, đến khi tình hình ngoài Quân khu I lắng dịu, Liên đoàn 6 BĐQ được đưa lên tăng cường cho vùng Cao Nguyên.

    Khi tình hình ngoài Quân khu I lên mức độ khẩn trương, bộ Tổng Tham Mưu ra lệnh, không vận Bộ Tư lệnh Sư đoàn TQLC, Lữ đoàn 369 TQLC (lữ đoàn còn lại), Liên đoàn 4 và 5 BĐQ (đã nói ở trên). Lúc đó cả sư đoàn TQLC đã ở ngoài vùng I nhưng hai lữ đoàn vẫn còn đặt dưới quyền chỉ huy của Sư đoàn 3 Bộ Binh. Hệ thống chỉ huy kiểu này rất lủng củng, các đơn vị TQLC và BĐQ tăng phái cho Sư đoàn 3 Bộ Binh chỉ thi hành lệnh sau khi đã “xin phép” BCH “gốc” của mình.

    Ngày 6 tháng Tư, một Tiểu đoàn BĐQ vào căn cứ Pedro (Phượng Hoàng) thay thế cho iểu đoàn 1 TQLC, để tiểu đoàn này di chuyển về căn cứ Ái Tử. Ngày 10 tháng Tư, quân đội Bắc Việt tấn công dữ dội vào tuyến phòng thủ của Sư đoàn 3 Bộ Binh. Bộ binh cùng chiến xa địch tấn công Tiểu đoàn 1 và 6 TQLC nơi hướng Tây Nam căn cứ Pedro. Phòng tuyến TQLC đứng vững, nhưng tổn thất về phiá TQLC lên cao (cần bổ xung). Nơi hướng Bắc tỉnh Quảng Trị, về phiá Cửa Việt, bộ binh cùng chiến xa Bắc Việt tấn công hai tiểu đoàn còn lại thuộc Liên đoàn 1 BĐQ không thành công. Biệt Động Quân chiến đấu dũng cảm, giữ vững phòng tuyến mặc dầu bị thiệt hại vài thiết vận xa M-113 và một chiến xa M-48 (tăng cường cho BĐQ).

    Ngày 11 tháng Tư, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm dự định mở trận phản công về phiá Tây (vùng rừng núi dọc theo dẫy Trường Sơn). Cuộc hành quân mang tên “Quang Trung 729”, gồm lữ đoàn 147 TQLC, ba Liên đoàn 1, 4, 5 BĐQ, và hai Thiết đoàn Kỵ Binh (Thiết Giáp). Áp lực của địch vẫn còn rất mạnh, các đơn vị VNCH tiến lên thận trọng. Chỉ có liên đoàn 5 BĐQ chạm địch và đánh đuổi được một tiểu đoàn lính Bắc Việt, phiá BĐQ tổn thất nhẹ.


    Sau đó, địch quân đưa những đơn vị cấp lớn đến tấn công, quân đội VNCH bị khựng lại và chiến trường trở nên quyết liệt. Liên đoàn 5 BĐQ được tăng cường chiến xa thuộc Thiết đoàn 20 Kỵ Binh bị một trung đoàn địch cầm chân. Thiết đoàn 20 Kỵ Binh bị mất vài chiến xa vì súng B-40, B-41 và hỏa tiễn Sagger. Liên đoàn 1 BĐQ và Tiểu đoàn 3 TQLC cũng báo cáo có chiến xa của địch di chuyển nơi hướng tây.

    Được thêm quân ra tăng cường (BĐQ và Lữ đoàn 369 TQLC), quân đội VNCH củng cố lại tuyến phòng thủ trong tỉnh Quảng Trị. Ngày 23 tháng Tư, Lữ đoàn 147 TQLC sau thời gian được nghỉ ngơi, bổ xung, gồm Tiểu đoàn 4, 8 và tiểu đoàn 2 Pháo Binh TQLC vào thay cho Lữ đoàn 258 TQLC, phòng thủ hướng Tây căn cứ Ái Tử. Lữ đoàn nhận thêm Tiểu đoàn 1 TQLC đang nằm giữ căn cứ Pedro (Phượng Hoàng). Lữ đoàn 258 TQLC với hai Tiểu đoàn 3 và 7 được đưa về Huế nghỉ ngơi và bổ xung.

    Trung đoàn 57 BB, Lữ đoàn 1 Kỵ Binh, Liên đoàn 4 và 5 BĐQ bảo vệ phòng tuyến Đông Hà, hướng Bắc và hướng Đông căn cứ Ái Tử. Trung đoàn 2 BB phòng thủ hướng Nam căn cứ Ái Tử về đến sông Thạch Hãn. Liên đoàn 1 BĐQ lập phòng tuyến nơi phiá Nam sông Thạch Hãn và bảo vệ thành phố Quảng Trị.

    Ngày 27 tháng Tư, quân Bắc Việt mở đợt tấn công mới, mạnh mẽ về hướng Nam, thành phố Quảng Trị. Từ sáng sớm, địch quân đẩy mạnh mũi dùi tấn công vào tuyến phòng thủ của Liên đoàn 4 BĐQ, nơi chính giữa phòng tuyến của quân đội VNCH. Mười lăm phút sau, một đơn vị khác tấn công Tiểu đoàn 1 TQLC nơi phiá Nam. Nơi hướng Tây Bắc, tuyến phòng thủ của Sư đoàn 3 BB, Lữ đoàn 1 Kỵ Binh giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong phòng tuyến. Đúng 6:00 giờ sáng, Pháo Binh Bắc Việt bắn phủ đầu lên các vị trí của quân đội VNCH bằng hỏa tiễn 122 ly, và đại bác 130 ly.

    Đến 7:15 giờ, bộ binh cùng chiến xa T-54 Bắc Việt tấn công vào phòng tuyến do Liên đoàn 5 BĐQ đảm trách. Biệt động Quân giữ vững phòng tuyến, Trung Tá Ngô Minh Hồng Liên đoàn Trưởng, xông xáo ra lệnh, thúc đẩy binh sĩ BĐQ chống trả với chiến xa T-54 của địch. Nhưng quân đội Bắc Việt tiếp tục tràn vào, nhất định chọc thủng phòng tuyến của quân đội VNCH. Ba Tiểu đoàn 30, 33, 38 BĐQ chống đỡ không xuể, phải lui về phiá sau khoảng ba cây số. Tiểu đoàn 33 BĐQ được điều động lên tiếp viện cho Tiểu đoàn 30 BĐQ, nhưng tiểu đoàn bạn đã rút về hướng Đông. Còn lại một mình, không có đơn vị Thiết Giáp yểm trợ, Tiểu đoàn 33 BĐQ vẫn tiếp tục chống cự cho đến tối, rồi rút theo Tiểu đoàn 30 về hướng Đông. Đến 9:45 tối, bộ binh cùng chiến xa Bắc Việt tràn ngập phòng tuyến của Tiểu đoàn 38, tiểu đoàn còn lại của Liên đoàn 5 BĐQ. Các đơn vị Biệt Động Quân thuộc liên đoàn 5 phải rút lui về căn cứ Ái Tử, lập phòng tuyến mới bên cạnh phòng tuyến Tiểu đoàn 8 TQLC. Theo các cố vấn Hoa Kỳ trong các đơn vị BĐQ, các chiến sĩ Mũ Nâu đã chiến đấu hết mình, họ không còn lựa chọn nào khác (rút lui).

    Liên đoàn 4 Biệt Động Quân (chỉ có hai tiểu đoàn) vẫn chống cự quyết liệt, đẩy lui nhiều đợt tấn công của chiến xa và bộ binh quân đội Bắc Việt. Tuy nhiên, các chiến xa tăng phái bị trúng hỏa tiễn Sagger (tầm nhiệt, chống chiến xa), thiệt hại gần hết. Đến 4 giờ 15 phút chiều, hai tiểu đoàn lính Bắc Việt tấn công tràn ngập phòng tuyến của tiểu đoàn 43 BĐQ. Liên đoàn 4 Biệt Động Quân phải lui về lập một tuyến phòng thủ mỏng nơi phiá Nam Đông Hà, gần sông Miếu Giang.

    Trong đêm 29 tháng Tư, Pháo Binh Bắc Việt pháo kích quấy rối lên tuyến phòng thủ của Thủy Quân Lục Chiến và Trung đoàn 2 Bộ Binh nơi hướng Tây và Tây Nam căn cứ Ái Tử. Sáng hôm sau, các chiến xa M-48 tăng phái cho Biệt Động Quân được điều động di chuyển qua phiá Tây để yểm trợ cho phòng tuyến TQLC. Vì không được thông báo trước, Biệt Động Quân tưởng lầm bị bỏ rơi. Thiếu chiến xa yểm trợ chống lại các chiến xa T-54 của địch, Biệt Động Quân tự động rút về Quảng Trị.

    Đến ngày 1 tháng Năm, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được cử ra thay Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư Lệnh Quân đoàn I. Ông ta yêu cầu bộ Tổng Tham Mưu trong Saigon gửi thêm quân trừ bị và được gửi ra tăng cường thêm Lữ đoàn 2 Nhẩy Dù. Để thống nhất hệ thống chỉ huy, Lữ đoàn Nhẩy Dù cũng như các Liên đoàn Biệt Động Quân được đặt dưới quyền chỉ huy của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến.

    Khi Lữ đoàn 2 Nhẩy Dù ra đến Quảng Trị, tình hình chiến trường đã tạm thời lắng dịu. Hai Liên đoàn 4 và 5 Biệt Động Quân được đưa về Saigon nghỉ dưỡng quân và bổ xung. Riêng Liên đoàn 1 BĐQ vì là đơn vị trừ bị trực thuộc Quân đoàn I nên được đưa về Huế nghỉ và bổ xung. Liên đoàn này tiếp tục được đặt dưới quyền xử dụng của Sư đoàn TQLC trong trận phản công tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị.

    Sau khi được nghỉ ngơi, trở ra phòng tuyến Quảng Trị, ngày 26 tháng Năm, địch quân tấn công mạnh vào phòng tuyến của Liên đoàn 1 BĐQ nhưng bị đẩy lui. Đó cũng là trận tấn công lớn cuối cùng của quân đội Bắc Việt.

    Đến cuối tháng Năm, bộ Tư Lệnh Sư đoàn Nhẩy Dù cùng Lữ đoàn 3 Nhẩy Dù được không vận ra tăng cường cho quân đoàn I. Từ đó trở về sau, quân Bắc Việt đã dừng lại lo việc phòng thủ những phần đất đã chiếm.

    Vũ đình Hiếu

    Theo tài liệu:
    - Col. G.H. Turley, “The Easter Offensive”, Warner Books Inc. New York, N.Y. 10103, 1989
    - Hien Van Tran, “The RVN Marines in the battle Spring-Summer 1972 in MR-I”, KBC magazine 10/96
    - Dale Andrade, “Trial By Fire” , Hippocrene Books, Inc, New Yok, 1995

  • #2
    bản đồ LZ vùng giới tuyến

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X