Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nổi trôi cùng vận nước

Collapse
X

Nổi trôi cùng vận nước

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nổi trôi cùng vận nước

    Nổi trôi cùng vận nước

    Minh Nguyễn


    Chiến tranh đã đi qua và chấm dứt từ lâu. Quê hương thì xa lắc, xa lơ nhưng không biết tại sao trong những giấc ngủ chập chờn, thỉnh thoảng đẩy đưa, đưa đẩy tôi trở về miền quá khứ…

    Có đôi lần về thăm lại quê hương sau nhiều năm xa xứ. Giờ thì cảnh cũ, người xưa đã quá nhiều thay đổi, nhưng trong lòng tôi vẫn nguyên vẹn hình ảnh một Mộc Hóa-Kiến Tường của ngày xa xưa ấy.

    Là một tỉnh lỵ nhỏ bé nằm cạnh quê hương xứ Chùa Tháp, lại là vùng đất thấp. Hằng năm cứ vào khoảng tháng 9-10-11 là mùa nước lụt. Nước từ biên giới bên kia Campuchia đổ theo con sông Vàm Cỏ Tây, mang theo vô số tôm cá đủ loại vào sinh sôi nẩy nở trong các sông rạch, ao đìa và phù sa bồi đấp cho đồng ruộng cùng những cánh rừng tràm xanh bát ngát tận chân trời.

    Từ miền Bắc xa xôi đến đây, Cha Mẹ tôi chọn miền đất nầy làm nơi sinh sống bởi đất rộng, người thưa, ruộng lúa với nguồn cá tôm vô tận. Người dân địa phương thì hiền lành, chất phát, cần cù làm ăn, giúp đở nhau trong tình làng nghĩa xóm. Đời sống lúc bấy giờ thật an vui, hạnh phúc của một thuở miền Nam thanh bình dưới chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

    Lần lượt mấy chị em tôi ra đời, lớn lên, học hành, hồn nhiên bên cạnh những lớp trẻ nơi đó. Vì vậy nên tánh tình, phong cách, giọng nói không khác gì người dân tại địa phương.

    Nhưng không lâu sau đó, tôi thường nghe những người lớn nói về cuộc chiến tranh Quốc-Cộng. Lúc bấy giờ tôi chưa hiểu biết nhiều về điều đó. Tôi chỉ biết và thấy người lính Quốc Gia như : Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn và vài đơn vị chiến đấu khác sống gần gủi bảo vệ người dân thôn xóm.

    Quê tôi vùng sông nước, phương tiện đi lại bằng đò, ghe, xuồng ba lá… Chỉ có một con đường lộ giao thông duy nhất nối liền từ Mộc Hóa ra Cai Lậy, về Sài Gòn hay các Tỉnh lân cận. Đoạn đường chưa tới 50 Km, nhưng xe đò phải chạy cả ngày mới tới, vì ban đêm Việt Cộng nằm vùng thường xuyên về đấp mô, gài mìn, phá cầu, giựt cống , khủng bố dân làng v. v…Vì vậy, những chuyến xe đò phải chờ những người Lính Quốc Gia mở đường, khai thông an ninh trục lộ vào mỗi buổi sáng. Đôi lúc những người lính nầy phải đánh đổi bằng xương máu cho dân lành được an bình đi lại.

    Đầu thập niên 1970. Tiếng súng càng ngày càng về gần phố chợ. Những quả đạn pháo kích của Việt Cộng rót vào khu dân cư, gây nên cảnh chết chóc, kinh hoàng cho người dân vô tội khắp nơi. Nữ thần Hòa bình biến đi, nhường lại cho Thần Chiến Tranh về ngự trị. Lúc bấy giờ đời sống của người dân lành nơi đây không còn an bình như trước, mà họ phải, đang đứng trước thảm họa chiến tranh.

    Là chị lớn của gia đình bên cạnh các đứa em còn nhỏ, nên chuyện học hành của tôi dang dỡ. Ra đời sớm, làm nghề thợ may. Cuộc đời tôi bắt đầu bước sang ngã rẽ. Hằng ngày tôi nhận đồ may trong xóm và sửa đồ trận. Có những người lính mang quần áo đến sửa, nhưng không bao giờ trở lại nhận, vì sau những lần hành quân họ không còn cơ hội trở về. Tôi thật sự thương cảm thân phận những người lính và gia đình của họ. Tâm hồn tôi bắt đầu biết suy nghĩ vu vơ, biết cảm thông về đời Lính. Hằng đêm, nhìn lên bầu trời tôi thấy được những đóm mắt của hỏa châu, nếu không có những tiếng súng đì đùng xa xa vọng lại, tôi cứ tưởng đó là những vầng trăng đêm rằm tháng 8. Ban ngày thì tiếp xúc và nhìn thấy những màu sắc của những người Lính từ những vùng xa xôi trở về, ẩn hiện trên gương mặt của họ là những nét buồn, những nụ cười méo mó, những việc làm ngông cuồng…..Nếu hiểu và thông cảm cho những người lính đó, thì mình mới thấy được sự hy sinh to lớn của họ : ra đi trong cái Chết, mang về sự an bình cho cái Sống.

    Mộc Hóa-Kiến Tường, vùng đất bé nhỏ, dân ít Lính nhiều. Từ những người lính các sư đoàn 7, 9, các Tiểu đoàn Biệt Động Quân cộng thêm những đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, đã biến vùng đất hiền lành nầy thành nơi hội ngộ của những chàng trai thời ly loạn. Là con gái mới lớn nơi tỉnh nhỏ, làm nghề may vá, sửa đồ trận cho lính, ít nhiều gì tôi cũng tiếp xúc với họ, những người lính dễ thương và dễ ghét. Nhất là nhà tôi lại có một vài bàn bi-da cho họ giải trí. Thôi thì những câu chuyện vui buồn đời lính và hình như cả những mùi khói súng quanh quẩn đâu đây, đã xáo trộn và phủ lên cuộc sống bình yên, những mơ mộng viễn vông trong một tâm hồn của cô gái vừa mới lớn.

    Từng ngày tháng trôi qua, là thân con gái, tôi vẫn tưởng rằng mình đứng bên ngoài vòng cuộc chiến. Có những lúc nhìn thấy những người lính trận trở về, sao mà oai hùng, lẫm liệt. Thỉnh thoảng, nhìn thấy những người thương phế binh di chuyển trên đường phố một cách khó nhọc, lòng mình bỗng dưng quặn đau, ruột thắt. Chính họ đã hy sinh một phần thân thể của mình để người dân được sống an lành nơi hậu tuyến. Hoặc giả, nhìn thấy những người bạn gái trạc tuổi mình, đầu quấn khăn sô, tay bồng cháu bé đi về hướng Bộ chỉ huy quân sự Tiểu Khu, bỗng dưng mắt mình thấy cay cay, hai dòng lệ chảy dài trên má. Đôi lúc mình tự nhủ thầm : mắc mớ gì mình phải thương vay, khóc mướn. Cuộc đời chỉ có mấy chữ : hy sinh và chấp nhận mà thôi.

    Trai khôn tìm gái chợ Đông.
    Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.

    Câu ca dao của người xưa để lại, hay tại vì mình sống bằng cái nghề may vá, mỗi ngày tiếp xúc với lính thành ra mình có cảm tình với họ. Dù vậy thời gian trôi đi, tim mình vẫn chưa một lần rung động trước những màu áo hoa rừng hay trây di phèn chua nửa ống. Không phải mình quá kén chọn. Thực sự mình cũng mong ước một ngày nào đó có một vị Hoàng Tử đến gõ cửa trái tim mình như trong chuyện cổ tích, thực tế hơn dù quan hay lính mình cũng sẵn sàng chấp nhận, miễn sao họ đến với mình bằng trái tim chân thành, đừng gian dối, ngụy biện : lính - mà - em.

    Lúc bấy giờ đã có những người tứ xứ về đây làm việc. Từ công chức hành chánh, giáo chức, lính tráng hội tụ nơi nầy. Cũng như anh, một người lính mới về nhận đơn vị tại Tiểu Khu Kiến Tường còn bở ngỡ với vùng đất lạ trong mùa nước nổi.

    Trong một sự gặp gỡ tình cờ, chúng tôi quen nhau khi thì sửa bộ đồ, khi thì may vài phù hiệu. Đời lính rày đây mai đó. Thỉnh thoảng anh ghé lại thăm tôi. Tôi mến anh qua nét phong trần, sương gió của người lính. Tôi thương anh qua tính tình hiền lành, giỏi tài hùng biện, nhất là gương mặt còn vương nét thư sinh, chưa có kinh nghiệm sống vùng sông nước. Anh đã để ý và thương tôi bởi vì tôi là cô gái quê mùa chân chất.

    Như vậy đó, hai đứa thương nhau và tiến tới hôn nhân chưa đầy 5 tháng. Một đám cưới đơn sơ được tổ chức. Cha Mẹ và Cô Bác của anh từ Thủ Đức lên tham dự cùng gia đình hàng xóm của tôi trong buổi tiệc cưới nho nhỏ. Tôi mặc áo cô dâu chờ mãi không thấy anh về. Gia đình cũng phải làm lễ đãi khách. Khi tan tiệc, mọi người ra về với lời ái ngại:” không biết nầy là đám cưới hay đám ma đây.” Vì anh vẫn còn nơi tiền đồn biên giới. Ruột gan tôi như lửa đốt, nước mắt chực muốn tuôn trào…Họ hàng bên nhà trai cáo từ vì đường xa, chỉ còn cha mẹ chú rể ở lại ngóng tin con. Bổng nhiên, lúc đó trước cửa nhà có chiếc xe đò ngừng lại. Từ trên xe, một người nhảy xuống, quần áo giày vớ còn dính bùn phèn ướt tới đầu gối, trên người còn mang súng đạn, đầu đội nón sắt đi thẳng vào nhà. Từ bên trong, tôi chạy vụt ra lao tới ôm anh mà nước mắt chảy dài, khóc tất tửi, nghẹn ngào trong sự vui mừng của người thân và gia đình.

    Chúng tôi chỉ sống trọn vẹn với nhau chỉ một thời gian ngắn, mặc dù anh có một tuần nghỉ phép cưới vợ. Vì nơi đóng quân xa, đường đi hiểm trở, nên ngày nào anh cũng liên lạc với Tiểu Khu để biết có chuyến tiếp tế mở đường cho anh đi theo để trở về đơn vị. Ba ngày sau khi cưới. Trên đường tiển anh, tôi nói với anh : hai đứa mình làm đám cưới không có một tấm hình kỷ niệm, thôi tiện trên đường đi ghé qua chợ, mình ghé tiệm chụp hình “ Nam Phương” chụp một tấm làm kỷ niệm nha anh.

    Tôi chấp nhận làm vợ người lính đơn giản như thế, biết thế nào là sự chờ đợi của người Chinh Phụ. Chấp nhận tất cả, vì tôi thương anh, thương màu áo LÍnh.

    Sau khi tiển anh trở về đơn vị, hằng đêm tôi sống trong sự mong nhớ, trở mình khi nghe tiếng súng xa xa vọng về, những đóa hỏa châu bây giờ không còn là những vầng trăng rằm tháng 8, mà nó là nổi lo âu hồi hộp. Nơi nào có những hỏa châu soi sáng là vùng chiến trận, nhìn hỏa châu, lòng người vợ vô cùng lo sợ an nguy cho người lính.

    Mỗi ngày, khi nghe tiếng xe Hồng Thập Tự hú còi là tim tôi đau nhói. Có lần tôi nghe người vợ lính cùng đơn vị với chồng tôi rủ đi thăm chồng. Tôi vội vả khăn gói, mang theo chút quà để đến đơn vị thăm anh.

    Tiền đồn biên giới Long Khốt - Tuyên Bình thuộc tỉnh Kiến Tường, hằng ngày đều ăn pháo kích từ phía bên kia biên giới Miên. Nhiệm vụ giữ đất và an ninh thủy lộ, tiếp tế duy nhất bằng đường thủy, không có đường bộ. Vì vậy khi tôi theo người vợ lính thăm chồng bằng chuyến đò tắc ráng, cũng là lúc tôi bắt đầu hiểu được sự an nguy của đời lính. Dọc theo dòng sông, những người lính đóng quân dọc theo bờ vẫy tay chào, không biết họ báo về đồn như thế nào mà khi vừa tới nơi tôi thấy anh đã đứng đợi sẵn. Ghe cặp vào bờ, bắt ván cho tôi lên, thì vừa lúc đó nghe tiếng đề ba của đạn pháo, anh vội ôm tôi lao nhanh vào đồn xuống hầm trú ẩn. Nhiều tiếng nổ lớn chung quanh đồn, bùn sình nước văng tứ tung. khi tiếng pháo tạm ngưng anh nói với tôi: em phải về thôi, không được ở đây, nguy hiểm lắm. Chưa kịp hỏi han, tâm sự, thì anh vội vã đưa tôi đón đò tắc ráng trở về, bỏ lại phía sau anh và những người lính ngày đêm đối mặt với bao nhiêu hiểm nguy bất trắc.

    Biến cố 30-4-75, tôi không bao giờ quên được cảnh tang thương chia lìa của hàng triệu gia đình và anh cũng cùng chung số phận như những người lính khác.

    Từ bộ đồ trây di bê bết bùn phèn, đổi sang bộ đồ sọc. Từ thân phận của người vợ lính đổi sang thân phận vợ của người tù không bản án.

    Anh đi trình diện “ Học tập cải tạo”, cũng là lúc tôi mang bầu đứa con đầu lòng được 6 tháng. Tôi ở nhà chờ anh 10 Ngày như lời họ nói. Rồi Một tháng, Ba tháng, Sáu tháng, Một năm…vẫn biệt vô âm tín. Không một lá thư, không một tin tức về chồng của mình hiện nay đang ở đâu, sống chết ra sau ? Sau khi sinh cháu gái đầu lòng, chịu đựng những lời ong bướm, những lời cay độc, những cạm bẩy rình rập, của những người bên thắng cuộc. Mình tự nguyện một lòng chung thủy, chấp nhận hoàn cảnh đơn chiếc nuôi con ở vậy chờ chồng, tự hứa trong lòng không bao giờ thay đổi, dù đờI đã đổi thay.

    18 tháng sau. Nhận được giấy báo thăm nuôi từ trại tập trung cải tạo Kà Tum-Tây Ninh gởi về. Tôi mừng quá, vội vã một chút quà cho chồng, tay bồng con thơ, tay dắt Mẹ chồng lặn lội xuống từng địa ngục. Từ Mộc Hóa lên Sài Gòn đi Tây Ninh, qua núi Bà Đen đến Kà Tum vào trại cải tạo thăm anh. 15 phút ngắn ngũi cho buổi tao phùng, chồng vợ gặp nhau, cha con bùi ngùi nhìn nhau lần đầu tiên kể từ khi cháu mở mắt chào đời mới biết mặt cha. Sau buổi trùng phùng đầy uất lệ, anh vẫn còn sống bên cạnh những chiến hữu của mình, tôi nguyện một lòng thay anh làm cha, nuôi nấng con thơ đợi chờ anh trở về dù 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa.

    Kà Tum -Trãng Lớn - Tây Ninh, sóc Bom Bo Bùi gia Mập-Phước Long, căn cứ Rừng Lá - Z 30D Hàm Tân, nơi nào có anh là nơi đó có bước chân mẹ con tôi đến thăm.

    5 năm sáu tháng. Chuyến đi thăm anh nhưng không gặp. họ bảo đã thả anh về, nhưng tôi không tin, đến khi gặp được người bạn tù của anh, trao món quà thăm nuôi nho nhỏ cho người bạn, tôi mới trở về.

    Anh trở về với thân xác hao gầy bởi lao tù đói khổ. Từ nhà tù nhỏ bước vào nhà tù lớn. Là tù cải tạo, anh không có quyền được ở gần cha mẹ nơi thành phố mà phải chấp nhận đi vùng kinh tế mới. Một lần nữa, anh trở về Mộc Hóa quê tôi. Suốt một năm bị quản chế tại địa phương, họ đã bắt anh khi thì đi gở mìn, khi đi làm thủy lợi. Mỗi tháng phải trình diện đồn công an một lần, hạn chế tối đa sự đi lại.

    Anh muốn tìm một công việc làm để ổn định cuộc sống, nhưng thật không dễ lúc bấy giờ với cái lý lịch Tù Cải Tạo. Cuối cùng, Trời không phụ người hiền. Anh được nhận vào làm phụ hồ, mộc cho một nơi cần người làm công việc nặng nhọc mà ai cũng phải sợ.

    Ngày qua ngày. Nghề dạy nghề. Anh đã học hỏi được nhiều cộng thêm vào vốn kiến thức căn bản của ngành Công Thôn từ thời còn đi học dưới mái trường Nông Lâm Súc Bình Dương dấu yêu. Anh đã đem ra áp dụng cho công việc, kiếm được chút đỉnh tiền phụ giúp tôi nuôi con. Anh đã vượt qua tất cả, vì người vợ hiền và những đứa con thơ.

    Năm 1995, gia đình tôi đến được miền đất Tự Do qua chương trình H.O. Định cư tại thành phố Chattanooga thuộc Tiểu Bang Tennessee, cách thành phố Atlanta, Tiểu Bang Georgia hai tiếng lái xe. Georgia là Tiểu Bang có số lượng cộng đồng Người Việt đông đảo và các hội đoàn sinh hoạt, tổ chức hằng năm những ngày lễ, ngày kỷ niệm của QLVNCH. Các chương trình gây quỹ dành cho các anh em Thương Phế Binh QLVNCH còn sống lây lất nơi quê nhà, có dịp là chúng tôi đến tham dự và ủng hộ. Dịp để chúng tôi nhìn lại màu cờ, sắc áo, nhớ lại quãng đường gian khổ của chồng tôi và những chiến hữu của mình đã đi qua, nhắc nhở và giải thích cho con cháu mình hiểu được vì sau mình phải bỏ Quê Hương sống tạm dung nơi đất khách quê người. Cũng tại nơi nầy, anh đã tìm liên lạc với một số bạn cùng khóa Bất Khuất 8B+C, và quí Thầy Cô, các bạn học cùng trường NLSBD ngày xưa. Hằng năm chồng tôi đều dành thời gian đi họp mặt ở khóa Bất Khuất hay cuộc họp mặt của hội cựu học viên NLSBD tổ chức ở Nam Cali.

    Mùa Thanksgiving nữa lại về. Cám ơn Cha Mẹ đã sáng suốt, quyết định rời bỏ quê hương nơi chôn nhau cắt rốn vào miền Nam Tự Do, để mong sau con cái lớn lên được hưởng cảnh thanh bình, no ấm. Được hưởng quyền căn bản Tự Do của con người. Cũng như tôi luôn luôn biết ơn Cha Mẹ gia đình hai bên đã ở bên cạnh chúng tôi trong những lúc khó khăn nhất. Xin cám ơn quí Thầy Cô và các bạn học cùng chung dưới mái trường NLSBD đã hướng dẫn, đào tạo những con người sống có trách nhiệm với đất nước, với xã hội và gia đình. Cũng không bao giờ quên những người Lính đã hy sinh hay thương tật hiện giờ đang sống lây lất đâu đó nơi quê nhà. Rất trân trọng đối với những người đã từng cầm súng chiến đấu bảo vệ miền Nam Việt Nam thân yêu, cho chúng tôi được sống an lành trong suốt hai mươi năm.

    Những lời nầy nói ra tuy có muộn màng, nhưng cũng xin nói lên một lần cho tất cả : “ Nếu có một kiếp sau là người con gái, người chồng của tôi cũng vẫn là người Lính, người lính Việt Nam Cộng Hòa."

    Chattanooga, Mùa lễ Tạ Ơn -Thanksgiving 2016.
    Tâm sự người vợ Lính.



    Minh Nguyễn


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X