Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Kỷ Niệm Khó Quên Trong Đời...

Collapse
X

Những Kỷ Niệm Khó Quên Trong Đời...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Kỷ Niệm Khó Quên Trong Đời...

    NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN TRONG ĐỜI LÍNH CỦA TÔI

    Nguyễn Trãi


    Cuối năm 1966 gần tới ngày lễ Giáng Sinh, tôi ra trường, mãn khóa học Căn Bản Sĩ Quan Pháo Binh tại Trường Pháo Binh Dục Mỹ, quê tôi tại Thành Phố Nhatrang, sống ở đó từ nhỏ cho tới khi tình nguyện vào lính. Được bốn ngày phép sau khi mãn khóa, tôi về thăm nhà trước khi lên đường trình diện đơn vị.

    Bốn ngày nghỉ phép qua nhanh quá, thời gian trong quân trường cũng đã nung nấu trong tôi nỗi nhớ nhà chi lạ, và thèm khát được hưởng cái không khí gia đình, vì thật sự đây là lần đầu tôi biết thế nào là cảm giác xa nhà. Tôi muốn nán thêm vài ngày nữa ngoài những ngày được phép hợp pháp.

    Sự giằng co nên hay không nên nán thêm vài ngày nữa cứ mãi lẫn quẫn trong đầu, đơn vị mà tôi phải trình diện là Tiểu Đoàn 231 Pháo Binh đồn trú tại Thành Phố Ban Mê Thuột; con đường từ Nha trang đi Ban Mê Thuột không xa lắm, dường như chỉ có 180 cây số, nhưng không thể đi bằng đường bộ được vì vấn đề an ninh trên Quốc lộ 21 này. Đoạn từ Khánh Dương trở lên thường hay bị Việt Công ra chận xe đò ngay khúc đèo Phượng Hoàng.

    Tôi cầm trong tay Sự Vụ Lệnh và có quyền đến xin phương tiện Hàng Không Quân sự để di chuyền từ Nha trang đi Ban Mê Thuột, nhưng khi đến xin thì họ bảo phải chờ nhiều ngày nữa mới có chuyến bay. Những chiếc máy bay đều bị trưng dụng cho một vùng hành quân nào đó.

    Tôi đã liều lĩnh tự ý nghỉ thêm bốn ngày nữa sau khi hết phép, thế mà khi xin phương tiện thì bảo phải chờ lâu quá, tôi sốt ruột và trong lòng lo âu khôn luờng.
    Tôi hối hận cho việc nghỉ thêm của mình và cũng mang tâm trạng sợ một thành kiến xấu của Đơn Vị mới dành cho khi “ về đơn vị mới trể phép” như thế này.

    Không thể nào chờ phương tiện máy bay được nữa, tôi quyết định đi Ban Mê Thuột bằng đường bộ mặc dù trước đó cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều người trong gia đình và bạn bè về sự an ninh trên con đường này. Người thì nói nguy hiểm lắm, người thì bảo không sao đâu, tôi nhắm ghiền đôi mắt và lắng đọng tâm tư cầu xin “Đấng Vô Hình “ nào đó phù hộ cho tôi đừng xãy ra chuyện gì trên con đường này.

    Tâm trạng của một người lính mới tò te về trình diện đơn vị đầu tiên nên rất nhút nhát lo sợ đủ điều, tim tôi đập thình thịch mỗi khi nghĩ đến sự bẵn gắt hay ánh mắt thiếu thiện cảm của vị Tiểu Đoàn Trưởng mà tôi phải đối diện lần đầu trong đời lính, thế là tôi dứt khoát đi xe đò.

    Tôi không thể nào mặc nguyên bộ quân phục để đi xe đò, mà phải ngụy trang làm người học trò đi từ Nha trang lên Ban Mê Thuột thăm gia đình trong dịp nghỉ lễ. Tôi có quen với một vị Hiệu Trưởng trường Trung Học Kim Yến tại NhaTrang nên đã năn nĩ với người Hiệu Trưởng cấp cho tôi một Thẻ Học Sinh ( giả ) để đi đường nếu có bị Việt Cộng chận xe xét giấy tờ thì tôi là một học sinh.

    Vóc dáng của tôi ốm yếu nhỏ con và không thay đổi mấy sau chín tháng quân trường, cho nên tôi tin tưởng có thể qua mặt mấy anh du kích trên vùng Khánh Dương nếu có bị chận xe đò. Thật là mạo hiễm chơi trò ú tim, tôi biết vậy nhưng trong lòng lại tin tưởng đến 90% là sẽ không có gì xãy ra.

    Tôi mặc bộ đồ học sinh trông giống ra phết và trong tay cầm chắc cái thẻ học sinh làm bùa hộ mạng khi đi đường, tất cả quân trang thì tôi ngụy trang trong những chiếc túi xách dân sự bình thường và gởi lên mui xe. Người lơ xe đò xếp cho tôi ngồi cạnh một cô gái, khi xe chưa lăn bánh tôi đã nói thiệt về hoàn cảnh trể phép của tôi nên phải đi xe đò và nhờ cô giấu dùm tôi tất cả giấy tờ tuỳ thân của lính.

    Người con gái rất vui lòng đón nhận và giúp tôi, cô ta nhét giấy lính của tôi trong chiếc áo ngực, còn tôi thì bỏ cái căn cước học sinh trên túi áo như là một chứng minh thư duy nhất mình có được. Xe đò chạy ì ạch lên đèo khiến tôi sốt ruột lắm, bụng cứ cầu xin cho bình an đừng có chuyện gì xãy ra. Tôi không bao giờ hình dung ra hình ảnh bị Việt Công bắt vì phát giác tôi là lính rồi dẫn vào rừng, rồi sau đó nữa … mà tôi cứ mường tượng cảnh bình yên, tôi chủ quan … Thế rồi chiếc xe bị dừng lại và đứng dưới đường là lố nhố nhiều người mang AK chân đi dép râu. Tôi không thể biết được sự lo sợ của tôi đang như thế nào nữa, và phó thác cho định phận …

    Thế nhưng một người du kích mang AK bước lên xe nhìn mặt từng người và họ chỉ mặt ai thì người ấy buớc xuống xe. Cũng đã có đến năm người đàn ông bị bắt xuống xe, tôi không biết xuống đất rồi làm gì nữa; phần tôi, tôi cố làm ra vẻ tĩnh bơ coi như tôi còn nhỏ không dính dáng chuyện này.

    Chỉ cần anh chàng du kích mang dép râu này nhìn vào mặt tôi thì biết tôi lo sợ và hồi hộp đến mức nào và cũng có thể quả quyết tôi không phải là học sinh. Người con gái ngồi cạnh tôi chắc chắn trong lòng cũng đánh lô tô lo sợ cho số phận của tôi. Thế nhưng tôi bị bỏ qua không bị kêu leo xuống xe, người mang đôi dép râu sau khi đảo một vòng cuối và bước ra khỏi xe, coi như tôi thoát nạn. Phải nói rằng có một phép màu nào đó đã che chở tôi trong chuyện ú tim nay. Không biết họ đã làm gì dưới đất mà phải gần một tiếng đồng hồ sau mới cho chiếc xe đò lăn bánh và có hai người đàn ông bị giữ lại. tôi không dám liếc ngang nhìn dọc ai hết vì đúng như câu nói ”có tật giật mình” chỉ nghe mọi người bàn tán sau khi xe chạy rằn có hai người đàn ông bị bắt ở lại.

    Mới những ngày đầu trong đời lính đã bắt đầu ”chuyện gian nan” như vậy rồi thì không biết suốt cả cuộc đời lính của tôi sẽ ra sao? được một cái đã trót lọt và tai qua nạn khỏi Một kỷ niệm của những ngày đầu khó phai trong trí nhớ của tôi.

    Tiểu Đoàn Pháo Binh của tôi trình diện đóng tại Ban Mê Thuột đúng vào mùa mưa, miền đất đỏ bụi mịt trời khi trời nắng, nhưng khi mưa thì than ôi khổ sở quá , bùn dày đặt dính như keo dưới đế giày bốt đờ sô nặng chình chịch dỡ đôi chân không muốn nỗi; đúng với câu nói “ Xứ Buồn Muôn Thuở, hay Bụi Mịt Trời “ của ba chữ viết tắt của Ban Mê Thuột.

    Có đến tám người Chuẩn uý mới ra trường về trình diện trong một Tiểu Đoàn, Ông Tiểu Đoàn Trưởng muốn cho công bằng khi phân phối về các Pháo Đội Tác Xạ hay các phần hành trong Pháo Đội Chỉ huy bằng cách bốc thăm, bóc trúng nhiệm vụ gì thì phục vụ công việc đó.

    Một Tiểu Đoàn Pháo Binh có ba Pháo Đội Tác xạ có đại bác, và trấn đóng nhiều tỉnh khác nhau vì tăng phái yểm trợ cho các tỉnh ấy theo nhu cầu chiến trường. Lúc này Pháo Đội A đang đóng tại Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận, nhưng ba trung đội lại đóng ba quận khác nhau trong bình Thuận. Pháo Đội B đóng tại Thị Xã Bảo Lộc, và ba trung đội của Pháo Đội này cũng đóng ba quân khác nhau như là Đại Quay, một trung đội tại quận Di Linh, và trung đội còn lại đóng gần bộ chỉ Huy Pháo Đội tại Thị Xã Bảo Lộc.

    Tôi bóc thăm trúng Ban 5 nhiệm vụ Chiến Tranh Chính Trị, ôi cái vị trí này thì các ông cha bà mẹ nào có con đi lính đều vui lắm vì chắc mẵm là không phải đi ra trận. Thế nhưng làm Ban 5 không thấy Chiến Tranh Chính Tri gì hết, mà hàng tháng phải đi mua hàng Quân Tiếp Vụ tận mãi Nha trang khi có mở đường, phải thức suốt đêm để nhận hàng từ Kho hàng Quân Tiếp Vụ của Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận.

    Sư Đoàn 23 Bộ Binh tại Ban Mê Thuột mỗi khi có bất kỳ người Sĩ Quan nào tử trận được đem về hậu cứ, trong thời gian “ Hậu Sự “ này, các đơn vị chia nhau ra cử các Sĩ Quan của mình đến gác xác 24/24. Lần này tôi lại trúng ngay phiên gác từ 2 giờ đến 4 giờ khuya, một dãy nhà lợp bằng tôle không có vách, đêm khuya gió lùa vù vù nghe rất ghê sợ, mỗi đơn vị có hai Sĩ Quan gác một lúc đứng trước một dãy hòm, đèn cầy cháy lung linh trên nắp quan tài, mùi tử khí xông lên mũi nồng nặc vì các xác này đã bị thối vữa ra từ nhiều ngày trước trong một trận giao chiến trên Di Linh; vì kẹt phương tiện máy bay không có nên phải chờ trên ấy đã lâu, nay thì bị hôi thúi lắm mà đâu có phòng lạnh gì để bảo vệ các xác.

    Đang đứng hai bên một chiếc quan tài, gió Ban Mê Thuột thổi rít trên mái nhà tôle nghe đến rợn người, bỗng chiếc quan tài bị bật ra tạo một tiếng động lớn “ rắc “. Tôi vốn rất sợ ma liền vụt bỏ chạy khỏi quan tài, làm người bạn cùng gác cũng phản ứng tự nhiên bỏ chạy theo. Tôi chấp nhận về đơn vị bị phạt ra sao cũng được vì sợ quá rồi. Thật ra do các xác bị sình lên, tăng thể tích làm bung nắp hòm chứ không phải người chết sống dậy.

    Tôi trình bày thật với vị Tiểu Đoàn Trưởng, Trung Tá Trịnh Lê Triễn rằng xin ra khỏi ban 5 để đi làm Tiền Sát Viên tức là đi Dề Lô cho các cánh quân thuộc Trung Đoàn 45 đang hành quân tại vùng Buôn Hô. Được toại nguyện với điều yêu cầu và tôi bắt đầu với một cuộc hành quân cấp Sư Đoàn lần đầu tiên trong đời Lính tại đây.

    Tâm trạng rất thích thú với những bước chân ngang dọc trên rừng núi Tây Nguyên. Vừa nhập cuộc đưọc một ngày thì chạm địch, vì bấy giờ còn là năm 1967 đang trong thời kỳ truy kích tiêu diệt địch trong các vùng địch xa cư dân. Tôi bắn khá chính xác, các tràng đại bác bắn hiệu quả không biết do “ hay hoặc hên “ mà đã làm văng xác địch nằm treo trên cành cây trong cánh rừng già. Đây là một chiến tích và là hình ảnh tôi nhớ mãi trong tâm khảm khi nhìn thấy hình hài bị bể nát nằm treo lên cành cây. Đồng thời vào cuối cuộc hành quân, cũng chính tôi là một trong tám người Sĩ Quan cùng khoá 22 khiêng cái quan tài của người bạn cùng khoá, anh Chuẩn Uý Nguyễn Thơ ra phi trường Phụng Dực để về quê nhà an táng tại Phan Thiết.

    Vì nhu cầu chiến trường, và muốn thay đỗi vùng hoạt động, tôi xin được thuyên chuyển về Pháo Đội B đồn trú tại Bảo Lộc, ở đây tham dự được nhiều cuộc hành quân thường xuyên hơn với Trung Đoàn 44, và nhất là với Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân.

    Tin tức tình báo cho biết có địch hiện diện trong vùng Tây Bắc quận Di Linh, tôi làm Sĩ Quan Đề Lô cho Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân mà ông Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu Tá Nguyễn Văn Huân rất thích tôi vì bắn Pháo Binh mau lẹ khi chạm địch, và cả hai đã trở thành đôi bạn thân lắm từ lúc nào. Tiểu Đoàn được trực thăng vận vào vùng hành quân, lệnh hành quân chỉ có bốn ngày, sau đó sẽ có trực thăng đến bốc về khi hết hạn.

    Chỉ có chạm địch lẻ tẻ với những du kích địa phương sau khi tìm thấy một khẩu đại bác phòng không rất lớn đang còn nằm trên triền núi, càng súng của nó còn lớn hơn càng súng 105 ly của đơn vị tôi. Tôi đã từng nghe nói về các xạ thủ của Cộng Sản bị xích bằng giây sắt vào càng súng, thì bây giờ là hình ảnh chứng kiến tận mắt. Tôi không thể hiểu nỗi tại sao họ làm vậy, tàn nhẫn quá, hay là các pháo thủ “ phải chết theo đại bác?” Khi đơn vị chúng tôi đến nơi thì những anh chàng pháo thủ đã chết gục bên càng súng mà chân họ vẫn còn đang bị xích bằng một sợi giây xích.

    Tiểu Đoàn Biệt Động Quân báo cáo đã phá huỷ đại bác phòng không địch và đã đến ngày hết hạn hành quân ở đây. Nhưng sự bất mãn bực mình thể hiện trên từng khuôn mặt mỗi người lính khi họ biết tin” không có trực thăng đón về vì dồn hết trực thăng cho một cuộc trực thăng vận tại nơi khác trong Quân Đoàn”. Vậy là phải lội suối băng rừng tự tìm đường về lại phố thị Bảo Lộc ròng rã bốn ngày, thành ra cuộc hành quân lên đến tám ngày.

    Cả một Tiểu Đoàn phải hái lá rừng ăn và có lúc múc nước đái voi mà uống, đoàn quân bước lê trong mệt mõi gần như lã người vì thiếu lương thực, thiếu nước uống. Một kỷ niệm không quên trong đời lính.

    Một lần truy quét địch sâu trong rừng phía đông Bắc vùng Đại Nga thuộc Quận Di Linh, cũng với một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân mà tôi là sĩ Quan Tiền Sát viên, lệnh hành quân sáu ngày cho một cuộc lùng địch, vùng này nỗi tiếng nhiều con vắt, một loại động vật giống như con đĩa nhưng nhỏ chỉ bằng cọng nhan biết bò trên lá cây và có cảm nhận được thân nhiệt của con người. Khi có người đi ngang là vắt nhanh nhẹn búng thân nó lên cao để nhảy bám vào cơ thể con người rồi hút máu như loài đĩa. Nó nhả ra khi hút no và máu không bị đông lại cho nên cứ chảy hoài sau khi bắt nó hay tự động nhả ra. Tôi ăn cơm trong đêm tối khi dừng quân, nhai cơm hoài sao thấy lạ trong miệng, nhả ra xem thì thấy có vắt trong chén cơm và cả trong miệng mình, có lần đã chấm dứt hành quân về đến hậu cứ mà vẫn còn thấy con vắt đang đeo và hút máu.

    Đến hết sáu ngày cánh quân kéo ra đường tại cây số 16 giữa Di Linh và Đại Nga chờ đoàn xe đến rước về Bảo Lộc nghỉ sau hành quân. Đâu có ngờ rằng lệnh ban ra tiếp lên vùng Phú Hiệp tiếp viện cho một Đại Đội Địa Phương Quân tháp tùng một Trung Đội Pháo Binh và ba chiết Thiết vận xa đến Phú HIệp để yểm trợ cho một cánh quân đang bảo vệ sửa chiếc cầu Đại Lê vừa bị giật sập đêm qua.

    Đoàn xe Pháo Binh có Địa Phương quân hộ tống bị phục kích tại Phú Hiệp bởi một Tiểu Đoàn chính quy Bắc Việt. Gần Như 98% quân ta bị thiệt mạng và mất tất cả vủ khí. Vậy là Tiểu Đoàn Biệt Động Quân thay vì về Bảo Lộc nghỉ ngơi sau hành quân sáu ngày, giờ đây tiếp tục đi tiếp viện cho một trận chiến khác. Đã là lính thì phải biết thi hành lệnh mà không bao giờ khiếu nại, ngay trong quân trường đã dạy như thế“ thi hành trước khiếu nại sau’. Dẫu bực tức trong lòng chăng nữa vẫn phải leo lên xe để ra vùng chiến trận.

    Khi đến nơi xãy ra trận phục kích tôi lạnh người đi vì cảnh hỗn độn tang thương giữa nhưng pha cận chiến xáp lá cà, máu đổ thịt rơi khắp các chỗ, tôi có chiếc máy chụp hình Canon QL trong tay chụp được hình một anh Việt Cộng bị chết cháy da vàng như con heo quay không có áo quần có lẽ bị cháy hết rồi đang đứng với tư thế ném trái lựu đạn vào nắp chiếc xe thiết vận xa cũng đã bị cháy thành đống sắt. Anh ta chết vẫn còn đứng nguyên với tư thế ném lựu đạn. Hình ảnh có một không hai chỉ có trong chiến tranh. Tấm hình này về sau chính Đại Tá Trương Quang Ân Tư Lệnh Sư Đoàn 23 ngay sau khi xãy ra cuộc phục kích đã thị sát mặt trận và thiết lập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn để truy kích địch trong những ngày kế tiếp. Thông qua Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn, Ông ta đã xin tôi tấm hình đã phóng lớn 8x10 ấy.

    Bây giờ mói là bắt đầu cho một cuộc hành quân cấp Sư Đoàn, dường như Đại Tá Trương Quang Ân quyết phục thù trận phục kích vừa qua đã làm thiệt hại không nhỏ, trọn một đại đội Địa Phương Quân, một trung đội Pháo Binh và ba chiếc xe thiết giáp. Bộ Tư Lệnh Tiền Phương được thành lập ngay tức khắc với hai Trung Đoàn được trực thăng vận từ Ban Mê Thuột xuống và một Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân đang có sẵn. Tôi đang là toán Tiền Sát Viên của một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân mà đáng lẽ ra sau sáu ngày hành quân được nghỉ ngơi cho lại sức thì nay phải bắt đầu từ khởi điểm.

    Những bất thường xãy ra cho đời lính nhất là lính đánh nhau ngoài trận mạc thì không bao giờ biết chắc được chuyện gì sắp tới sẽ xãy ra. Thế nhưng không bao giờ buồn vì nhiệt huyết và tình yêu quê hương có thừa để sẵn sàng buông bỏ tất cả mọi phiền hà và bất hạnh xãy đến với mình. Tuổi trẻ và tình yêu lính chiến thật cuồng nhiệt trong những ngày chiến đấu không biết mệt mõi.

    Buổi sáng trên căn cứ Hỏa Lực Dak một thuộc địa bàn Dakto Kontum, cả Pháo Đội đang lau chùi súng đại bác, đó là công việc bắt buộc phải làm sau một đêm dù trước đó có bắn hay không. Một quả 75 ly không giật của địch từ ngọn đồi sau lưng căn cứ cách xa 900 mét pháo kích vào. Cả một cụm khói từ nồng súng còn bay lên nhìn thấy rõ, tôi tức tốc hô lớn “ Phản Pháo, Phản Pháo”.

    Tôi có một bản tính rất nhanh nhẹn mỗi khi phản pháo, bằng giá nào cũng phản pháo bất kể địch quân pháo kích bằng súng gì đến, chỉ trừ có 130 ly của địch là tôi bó tay vì nó ngoài tầm của súng 105 của tôi.

    Khi tôi nhìn được cụm khói từ súng của quân địch, tức thì cho quay nòng về đó và hạ thấp xuống để trực xạ. Địch cũng bắn trực xạ nhưng quả đầu tiên nó “ dài” và rớt ra ngoài ụ súng đại bác của tôi. Trong khi nó chưa kịp bắn quả thứ hai thì bên tôi cho bắn quả thứ nhứt đáp trả. Quả thứ nhứt của tôi cũng “ dài” và qua khỏi đầu bọn chúng, tức là “ trật mục tiêu “ Chính tôi là người nhìn trực tiếp xuyên qua nòng đại bác để điều chỉnh tác xạ và hạ thấp góc độ nòng súng hay tăng lên.

    Trong khi điều chỉnh cho quả đạn thứ hai (chưa được rời nòng súng) thì địch đã bắn quả thứ hai. Bọn nó rút ngắn lại thì ngắn quá nên quả đạn nổ trước mặt mà không trúng chúng tôi đang đứng trong ụ súng 105 ly. Vậy là địch bắn DÀI một quả , sau đó bắn NGẮN lại một quả . Còn tôi cũng DÀI khi quả đầu tiên , và bây giờ hạ nòng thấp xuống một chút xíu để trúng mục tiêu, ai ngờ lại NGẮN hơn. Vậy hai bên đồng đều. Quả thứ ba tôi lồng khung mục tiêu một cách chính xác trúng ngay cây súng và bốn người chết tại chỗ. Trong khi địch bắn quả thứ ba cũng bị DÀI hơn nên chúng tôi không bị hề hấn gì.

    Chuyện này xem như ai bắn nhanh hơn thì người đó sống, và đôi khi cũng nhờ may mắn, tôi nhớ rất rõ cứ vào 5 giờ sáng là địch cứ pháo kích đạn 82 ly vào Căn Cứ Hỏa Lực Vạn An của tôi khi tái chiếm.


    Nguyễn Trãi


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X