Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sứ Mệnh Tinh Thần

Collapse
X

Sứ Mệnh Tinh Thần

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sứ Mệnh Tinh Thần

    Mời đọc... tiểu thuyết

    SỨ MỆNH TINH THẦN
    Yên Sơn
    1.

    Tôi đã rời xa Quảng Ngãi nhiều năm; bây giờ về đây, thấy đâu đâu cũng đều xa lạ, nhưng trong tôi vẫn như bùi ngùi, luyến tiếc một thứ gì đó. Có lẽ tuổi xuân chăng chứ cảnh cũ không còn và người người đều xa lạ.

    Từ khách sạn Trung Tâm trên đường Lê Lợi, tôi đã đi loanh quanh khu phố cũ để nhớ về một thời… Trên đường Quang Trung, ngày xưa, tôi cũng có “người yêu bé nhỏ” nhà có tiệm bán xe đạp ở trên con đường này. Khi ngang qua trường Trung học Trần Quốc Tuấn – ngôi trường nổi tiếng năm xưa không biết bây giờ có còn được dư hương ngày tháng cũ hay cũng chỉ còn là những kỷ niệm muôn màu như tuổi ấu thơ của tôi đã biệt mù trong thế kỷ trước… Ngôi trường đồ sộ hơn nhiều so với “năm xưa”. Bây giờ đang là mùa Hè, sân trường lác đác người và xe cộ, những tàng phượng vỹ đỏ ối sân trường cho tôi nhiều bồi hồi nhớ tiếc.

    Trời nắng chói chang, tôi bước vào quán cà phê bên đường ngồi xuống. Trong lòng xôn xao lạ. Biết là không gian này không phải là sự chon lựa của tôi. Có bóng dáng của các em bé bán vé số dạo. Tiếng mời chào đủ các âm giọng ba miền đất nước. Đầu óc tôi mụ mị trong không gian hổn tạp tiếng người, tiếng còi xe; trên tay ôm một chiếc bình sành nhỏ đựng tro cốt của Huệ – một người học trò ngoan hiền- đưa về từ Mỹ.

    Vừa ngồi vào bàn thì một đám nhóc bán vé số nhào tới mời chào. Tôi lắc đầu nói không mua mặc dù chúng nó năn nỉ dai dẳng. Tôi ngồi làm thinh, mặt mày nghiêm và buồn được một lúc thì chúng nó bỏ đi. Xong lại có thằng bé đánh giày trờ tới “chú đánh giày không chú”. “Trời đất, chú mang giày thể thao mà đánh nỗi gì?” “Giày thể thao thì đánh theo giày thể thao chú ơi.” “Không đâu cháu, chú cần uống ly nước rồi đi công việc gấp.”

    Thằng bé vừa đi thì một bé gái rất nhỏ – có lẽ chừng 5-6 tuổi là cùng – sà đến bên tôi: “Chú mua giùm con ít vé số đi chú?” “Không, chú không mua đâu cháu.” “Chú làm ơn giúp con; mua mấy tờ cũng được. Con cần bán rất nhiều vé số hôm nay vì mạ con đang bệnh, cần tiền mua thuốc!”

    Tôi nghĩ tụi nhỏ bán vé số bao giờ cũng có những lý do bi đát để câu khách nên tôi chẳng quan tâm gì lắm. Chỉ khi nhìn kỹ con bé, thấy mặt mũi sáng sủa, xinh xắn nhưng gầy gò, chiếc áo bà ba có hai miếng vá ở khuỷa tay và vai, chân đi đôi dép mòn cả gót làm tôi chạnh lòng! Với số tuổi này đáng lẽ cháu ở nhà vui chơi sao lại tả tơi bán vé số! Nhìn quanh một lượt thấy lũ nhóc bán vé số đều không khác gì nhau mấy nhưng tự nhiên tôi có thiện cảm với con bé này. Không biết vì cái giọng Huế nhỏ nhẹ dễ thương của nó có dự phần trong tình cảm bất chợt này không; đối với trẻ con, nhất là các bé gái bao giờ tôi cũng dành nhiều cảm tình hơn. Tôi dạy con nít hơn 40 năm qua nên tôi rất yêu mến trẻ con; thế nhưng, tuổi đời đã đi qua ngả sáu rồi, tôi vẫn chưa có cơ hội thực tập hai tiếng “ông cháu” mầu nhiệm.

    - Chú không mua vé số nhưng chú có thể tặng cháu ít tiền ăn bánh mì được không? Miệng nói tay móc túi lấy ra một ít tiền lẻ đưa cho con bé.

    - Nó khoa tay từ chối và đi thụt lui vài bước:

    - Dạ không được mô chú. Chú mua vé số thì con rất vui. Rất cám ơn chú nhưng con không xin tiền.

    - …? Tôi bỡ ngỡ, chưa biết ứng xử sao.

    - Mạ con dặn không được lấy tiền của người khác.

    - Thì cháu có lấy của ai đâu, chú tự nguyện, kể như tiền chú mua vé số thôi mà?

    - Chú mua vé số thì con bán. Còn không mua thì con không lấy mô. Chú mua giùm con một ít đi?

    - Chú không thích vé số. Người ta nói trúng số xui lắm!

    - Con mới nghe chú nói lần đầu. Chú không mua thì con đi nghe.

    - Con bé mới chừng ấy tuổi mà đối đáp như người lớn. Nó dợm bước đi, tôi vội vã nắm tay con bé giữ lại:

    - Được rồi, được rồi! Chú mua.

    - Con bé nhoẻn miệng cười dễ thương hết sức:

    - Chú mua mấy vé nì?

    Thấy con bé cầm trên tay một xấp, tôi hỏi:

    - Một tấm bao nhiêu tiền cháu?

    - Dạ 10 ngàn!

    - Phần cháu lời được bao nhiêu mỗi tấm

    - Dạ tám trăm!

    - Từ sáng tới giờ cháu bán được bao nhiêu?

    - Dạ tệ lắm! Chắc chỉ khoảng hơn 10 tấm thôi!

    Trong đầu tôi làm vội một con toán: 10 tấm được 8 ngàn, khoảng 40 xu Mỹ.

    – Bán bao nhiêu mới đủ tiền thuốc cho mẹ cháu?

    – Dạ không biết nơi, nhưng chắc cần bán nhiều lắm

    – Cháu đếm thử cháu còn bao nhiêu tờ?

    Con bé mở to đôi mắt có vẻ ngạc nhiên, quẹt ngón trỏ bé tý vào miệng, cắm cúi đếm một hồi rồi ngước lên nói:

    – Dạ còn đúng 86 tờ.

    – Nếu hết ngày mà cháu bán không hết thì làm sao?

    – Cuối ngày phải trở lại đại lý để thanh toán. Số không bán được sẽ bị phạt 10%.

    – Vậy làm sao? Bây giờ đã xế bóng?

    – Có lẽ con phải bán tới khuya!

    – Cuối ngày! Tới khuya!?

    Như hiểu ý tôi nó nói liền:

    – Dạ cuối ngày là lúc mình đem tới đại lý thanh toán. Con xin người ta tới 10 giờ đêm. Nếu hết sớm thì được về sớm. Chú mua giùm con 10 vé nghe?

    – Nếu chú mua hết thì cháu về nhà với mẹ hay đi bán tiếp?

    Con bé trố mắt như không tin những gì nó vừa nghe:

    – Chú noái thiệt không?

    Tôi không nói gì, chờ đợi câu trả lời tiếp của nó.

    – Rứa thì con sẽ về mua thuốc cho mạ trước rồi tính tiếp. Con bé nói như reo.

    Tôi đưa tay đỡ tập vé số trên tay con bé, móc bóp đưa cho nó tờ 50 đô. Nó ngập ngừng một thoáng xong cầm tờ giấy bạc rồi móc cục tiền bó bằng dây thun trong túi đưa hết cho tôi và nói: “đây là tiền thối lại cho chú nè.” “sao cháu chưa đếm mà đưa hết cho chú vậy?” “đó là tiền con bán 14 tấm vé số từ sáng giờ đó.” Tôi đẩy tay nó, bảo giữ luôn không cần thối lại, nó không chịu; nó nhất định chỉ lấy đúng số tiền vé số mà thôi.

    Vì thấy nó có vẻ ngập ngừng khi cầm tờ 50 đô nên để chắc ăn, tôi dắt nó qua tiệm vàng kế bên đổi ra tiền VN và đưa cho nó đúng con số nó muốn. Nó đếm lại lần nữa rồi ngước mắt lên nhìn tôi nhỏen miệng cười nói:

    – Con đếm lại cho chắc chú không đưa hơn số tiền vé số.

    Tôi cười méo vì thương tính nết ngay thẳng và hồn nhiên của con bé; tôi đưa tay xoa đầu tạm biệt con bé với nhiều lưu luyến, và cũng không quên chúc mẹ nó chóng lành bệnh.
    ...

    Truyện còn rất dài, xin mời nhấn vào link để đọc tiếp:

    Sứ Mệnh Tinh Thần
    Mời bạn ghé thăm nhà:
    http://thovanyenson.com


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X