Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trò Chơi Tai Hại

Collapse
X

Trò Chơi Tai Hại

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trò Chơi Tai Hại

    TRÒ CHƠI TAI HẠI

    Tôi vào Sài Gòn để theo học khóa Đại Đội Phó Chiến Tranh Chính Trị, theo nhu cầu của Bô Tổng Tham Mưu lúc bấy giờ đòi hỏi mỗi cấp Đại Đội trong đơn vị tác chiến phải cử một Sĩ quan Đại Đội Phó theo học khóa này. Sau khi học xong trở về đơn vị thì sẽ là sĩ quan Đại Dội Phó kiêm nhiệm Chiến Tranh Chính Trị cho đơn vị mình.


    Tôi đang là Pháo Đội Phó của một Pháo Đội Tác Xạ Pháo Binh thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh đang hoạt động vùng chiến trường Bắc Bình Định chen lẫn Vùng Kontum, Pleiku. Nhận được Sự Vụ Lệnh đi thụ huấn là mừng lắm vì có được thời gian nghỉ xả hơi, vừa đi vừa về cũng phải 3 tháng, nhất là đang có người yêu tại Sài Gòn thì không còn gì hạnh phúc cho bằng.

    Trong suốt khóa học, hể cứ đến cuối tuần là được gặp người yêu ruột, ôi sung sướng lắm, Sở dĩ tôi nói người yêu ruột cũng vì có phân biệt đẵng cấp nhiều loại (người yêu để dành cưới, người yêu chỉ để đi “rước đèn“ dạo phố sau những trận đánh được nghỉ phép một hai ngày, hoặc người yêu không bao giờ dạo phố và không bao giờ tính chuyện tương lai, (chuyện của Lính dài dòng lắm).

    Người yêu của tôi ở SàiGòn thì cưng như trứng mỏng và để dành cho ngày “Ghép chung tên thiệp hồng“ nên những ngày học Chiến Tranh Chính Trị như là vàng son một thuở của đời lính tác chiến.

    Trong cùng khóa học này có trung uý Lâm Xuân Thảo là người bạn Pháo Binh 155 ly khác tiểu đoàn với tôi (105 ly) nhưng cùng một Pháo Binh Sư Đoàn. Chúng tôi thường gặp nhau trong những lần yểm trợ chung cho một cuộc hành quân nào đó trong vùng. Là bạn bè thân nên gặp nhau ở Sài Gòn trong cùng một khóa học thì mừng lắm.

    Đến ngày mãn khóa học, trường Chiến Tranh Chính Trị bao giờ cũng tổ chức buổi lễ Sinh Nhật Tập Thể cho cả khóa như là hình thức mãn khóa, phát bằng cho học viên trúng tuyển sau khi sát hạch cuối khoá. Tổ chức Sinh Nhật Tập Thể cũng để làm bài mẫu cho học viên khi về đơn vị biết cách mà thực hiện cho đơn vị mình.

    Trong ngày này có tiệc tùng, có bánh Sinh Nhật cho cả 200 người ăn chưa kể quan khách, Tướng Tá được mời đến dự, coi cũng xôm tụ lắm, đèn cầy không thể thiếu và quá nhiều cùng với hoa tươi. Một quang cảnh choáng ngộp màu sắc của hoa chen lẫn màu sáng rực của đèn cầy, tôi có cảm giác lung linh huyên ảo, mà từ ngày nhập ngủ đến giờ chưa bao giờ thấy.

    Sau khi phát bằng tốt nghiệp xong, mọi người đang chờ nhà trường cấp phát Sự Vụ lệnh để trở về đơn vị. Hoa và đèn cầy vẫn còn đầy dẫy khắp nơi, buổi lễ đã kết thúc nhưng hiện trường vẫn còn nguyên. Tôi rời khỏi phòng ngủ Sĩ Quan đi ra ngoài đứng dọc hành lang trung tâm huấn luyện, nơi đang có nhiều người cũng chờ như tôi tụ tập từng nhóm chuyện trò trước khi chia tay với những người bạn mới quen trong khoà học. Chiếc túi đựng quân trang to lớn hơn thân người của tôi, dài cũng hơn một mét tôi nhét đầy cứng trong đó đủ thứ áo quần lính, giày dép cùng mọi vật dụng khác của một quân nhân khi thuyên chuyển đơn vị. Nó có hình tròn giống như thân một con người, và chiếc nón sắt thì không còn chổ nhét nên để rời riêng ở ngoài. Tôi để cái túi hình tròn ấy và cái nón sắt trên chiếc giường ngủ của tôi, loại giường đôi hai tầng bằng gổ trong các quân trường nào cũng có.

    Sau một lúc lang thang bên ngoài để xem động tịnh gì về chuyện nhận sự vụ lệnh, ai cũng nôn nao nhận cho mau để rời sớm nơi đây, nhất là tôi còn lại thời gian rất ít của lần gặp gỡ sau cùng dành cho người yêu trước khi trở về vùng chiến trận.

    Tôi trở lại căn phòng ngủ, mắt tôi như tưởng không phải thật mà tôi nhìn thấy, cứ tưởng đang trong mơ, một cảnh tượng trước mắt làm tôi choáng váng lạnh xương sống, một cảm giác rợn da gà chạy lan trên xương sống. Tôi vốn không tin dị đoan, nhưng hình ảnh này thú thật làm tôi sợ quá, biết đâu đây là điềm báo trước cho số phận của tôi trong những ngày kế tiếp sau khi về đơn vị và tham chiến.

    Ai đã cố ý đùa giỡn một cách vô ý thức đến như thế này? Tôi hỏi nhanh trong đầu trong khi lòng đang giận lắm. Tôi nghĩ ngay đến thằng Thảo, chỉ có nó là thắng bạn thân duy nhất trong thời gian ở đây, những người bạn khác mới quen không thể nào dám làm như thế này. Tôi cả quyết nhu vậy và không cần tìm hỏi Thảo, cả một đám đông người đa số đều mang cấp bậc Trung uý, chỉ có một hai ông Thiếu uý đứng vây quanh chiếc giường ngủ của tôi. Xung quanh thành giường được cắm những cây đèn cầy dở dang hồi nãy làm Sinh Nhật tập thể, giờ được thấp sáng lên cùng với hai cây lớn hơn trên đầu giường. Một tấm bảng chừng ba gang tay hình chữ nhật bằng giấy bìa cứng màu trắng viết tên tôi đậm nét màu đen: ” Cố Đaị Uý Nguyễn Trãi” nằm gọn gàng chính giữa tấm bảng ấy. Tấm bảng được dán lên vách tường trên đầu giường. Hoa tươi từng bó nhỏ xếp đều khắp xung quanh giường, đặc biệt trên đầu thì cắm hai bình hoa hai bên tấm bảng tên tôi.

    Chính giữa giường là cái túi đựng quân trang của tôi đặt nằm dọc ngay ngắn cùng với cái nón sắt nằm kế tiếp, trông như hình thù cái đầu người ta và thân người. Bên trên được phủ kín tấm Poncho (loại áo mưa nhà binh mà bất cứ ai mới nhập ngũ cũng đều được cấp phát).

    Nhìn vào chiếc giường y chang có một thi thể vừa ngã xuống trên chiến trận nào đó được phủ kín tấm Poncho, trên đầu thi thể ấy đã ghi xác nhận rõ tên và cấp bậc của người vừa vĩnh viễn ra đi. Hình ảnh này rất quen thuộc trong tôi từ năm đầu tiên mới ra trường về Bộ Chỉ Huy Tiểu Doàn 231 Pháo Binh tại Ban Mê Thuột. Thỉnh thoảng có Sĩ Quan nào trong Sư Đoàn chết, tôi và một người sĩ quan nữa được phân chia luân phiên đi gác xác, mỗi phiên gác hai tiếng đồng hồ bất kỳ ngày hay đêm. Có lần trúng vào 12 giờ khuya đến 2 giờ, đêm ấy mưa, từng cơn gió rít lên mái nhà tole nghe rợn người. Căn nhà tiền chế của Trung Đoàn 45 Bộ Binh dùng làm nơi để tạm 15 xác chết từ binh sĩ đến sĩ quan đã chết hơn mười ngày trước đây mãi tận trên Di Linh Dà Lạt trong một trận đánh khá ác liệt. Xác của những quân nhân xấu số này đã phải vất vã lắm mới đem ra được khỏi vùng giao tranh cộng với trở ngại chờ phương tiện di chuyển từ Di Linh về Đà Lạt và từ Đà Lạt về Ban Mê Thuột là bản doanh hậu cứ của Trung Đoàn 45. Do đó các xác chết đã sình thúi ngửi mùi hôi nồng nặc mặc dù nghe nói đã có bọc kẽm bên trong.

    Một dọc các quan tài xếp hàng ngang trong căn nhà tole có vách che nhưng vách không cao tận mái nhà mà chỉ lửng hơn hai phần ba. Các chỗ ra vào hai bên vách có nhiều và để trống không có cửa, gió cùng với mưa thay nhau tạt vào, tiếng rít của gió từng cơn tạo nên thứ âm thanh ma quái, mùi hôi thúi nồng nặc.

    Tất cả các quan tài đều được thắp sáng bằng những bóng đèn điện tròn màu vàng không sáng mấy nắm trên những thanh sắt ngang dọc trên trần nhà cùng với ánh sáng lung linh của những cây đèn cầy cắm trên nắp quan tài. Phía trước mỗi quan tài đều có một vòng hoa thương tiếc đầu tiên của Trung Đoàn đặt ngay ngắn cùng với tên và cấp bậc của người ngã xuống kèm theo câu Tổ Quốc Ghi Ơn phía trên.

    Tôi vốn rất sợ ma từ nhỏ, nhưng đã gác xác nhiều lần nên cũng dạn dỉ bớt. Tuy nhiên lần này tôi ớn lạnh xương sống và thấy sợ thiệt tình vì cái không khí ma quái làm sao ấy. Cũng may mà mỗi lần gác xác như vậy bao giờ cũng có hai sĩ quan với nhau mặc quân phục tiểu lễ (loại quân phục màu vàng của Trường Bộ Binh Thủ Đức, với mũ casquette dùng để đi nghỉ phép cuối tuần trong thời gian thụ huấn).

    Tôi nhìn người bạn đang chung nhiệm vụ với tôi cũng tỏ vẻ sợ sệt ra mặt, không ai nói với ai , làm ra vẻ bình thường đứng hai bên chiếc quan tài của một sĩ quan lặng lẽ gồng mình với thế Thao Diễn Nghỉ.

    Khoãng chừng 30 phút đi qua bỗng dưng chúng tôi nghe tiếng rắc rắc thật lớn phát ra từ một trong những quan tài. Tim tôi đập mạnh vì hồi hộp, chưa định thần được là tiếng kêu gì và phát ra từ đâu. Tôi quay đầu nhìn thằng bạn coi xem phản ứng của nó ra sao, mặt nó cũng tái mét lộ hẳn sự sợ sệt, cả hai cùng chung một ý nghĩ cùng cảm giác nhưng không ai nói với ai lời nào. Bỗng tiếng rắc kế tiếp vang lên, tôi chợt nghĩ rằng có một nắp quan tài nào đó đang bật ra và một xác người từ từ ngồi dậy...

    Bên ngoài trời vẫn mưa và gió mạnh, khí hậu miền cao nguyên đang lạnh nhiều thế mà tôi đã thấy những giọt mồ hôi lăn từ trên ót xuống dưới lưng. Chỉ kịp nói sang người bạn đứng bên kia quan tài (chúng tôi bao giờ cũng đứng hai bên đầu quan tài ): ”CHẠY”, và tự động tôi chạy lẹ ra cửa, mà không dám nhìn lại phía sau. Tôi cũng thấy người bạn như phản xạ tự nhiên chạy theo. Hai đứa chạy nhanh đến chiếc xe Jeep cách đó khoảng 20 mét và nổ máy chạy nhanh mặc cho nhiệm vụ không hoàn thành và không hề sợ bị cấp trên phạt.


    Bây giờ nhìn lại chiếc giường của tôi đã từng ngủ nhiều đêm trong suốt khoá học lại thấy tên tôi, thấy những hoa tươi cắm trên đầu giường, và xung quanh giường chen lẫn với đèn cầy sáng trưng mang tôi trở về với bốn năm trước trong hình ảnh ghê rợn, cũng màu sáng vàng vọt, cũng đèn cầy cũng hoa tươi và nhất là tiếng kêu RẮC của chiếc quan tài.

    Thú thật tôi sợ quá, tôi hình dung đây là điềm báo trước đối với tôi mai này khi trở về đơn vị. Hình ảnh gác xác năm nào trở về nhanh trong trí, tôi thấy như có ai đang chạy đuổi sau lung... Tim đập mạnh nhịp thở không đều, tôi giận run người. Tôi nhìn một lượt xung quanh thấy mọi người cười to, như hả hê khoài chí lắm với thành tích sáng tạo này. Họ tìm một cơ hội để vui đùa sao vô ý thức đền không hiểu nổi.

    Tôi giật mạnh chiếc Poncho, kéo cái túi quân trang cùng chiếc nón sắt xuống đất, đống thời vói tay giật mạnh tấm bìa giấy cứng ghi tên tôi ném mạnh xuống đất trong thái độ giận dữ, nhanh như cắt tôi dùng bàn tay gạt thật nhanh các đèn cầy và hoa rơi tung tóe. Tôi muốn xoá tan ngay đi hình ảnh ghê rợn này để không còn chứng tích của một điềm báo xui quẫy kéo dài thêm hơn với hy vọng chưa hiệu nghiệm trong thế giới tâm linh. Những người đi chiến đầu dĩ nhiên khi lâm trận đều hầu như không sợ và không nghĩ đến cái chết lúc bấy giờ, mà chỉ biết làm sao diệt được kẻ thù và một phần vì mùi khói thuốc súng làm hăng say thêm.

    Nhưng với bối cảnh hiện tại không phải đang đánh nhau, không có mùi khói thuốc súng, nhất là mình nhìn thấy thi thể của nình nằm trong Poncho, nhìn thấy tên mình với hoa và đèn cầy làm sao không lạnh cả người không giận cho được.

    Biết ngay là thằng Thảo nó đùa với mình và cố tạo trận cười cho bạn cùng khoá trước giờ chia tay. Tôi đã cố ý hành động phản kháng phá tan mọị thứ trên chiếc giường như là gởi thông điệp: “tao không bằng lòng mày làm như thế “. Ném các thứ xuống giường và lặng lẽ ra ngoài hàng hiên cho đỡ tức. Tôi biết Thảo và đồng bọn đang vui sướng lắm, nhưng tôi lại không hề nhìn lên mặt bất cứ người nào đang hiện diện ở đó, những gương mặt vô cùng đáng ghét đối với tôi lúc này.

    Tôi bỏ ra ngoài hành lang và nghĩ rằng cử chỉ giận dữ của tôi vừa rồi đã đủ làm cho Thảo, hay chúng nó hiểu và ý thức được sự quan trọng về điều đùa giỡn như thế là rất tai hại (tự nhiên làm cho mình tin dị đoan, như một điềm xấu được báo trước). Tại sao nó có thể ngu ngốc đến độ như vậy nhỉ, tôi giận run lên, nhưng tôi cũng tụ nhủ “mình đã phản ứng như vậy cũng đủ rồi, và lòng cố xua đi hết hình ảnh vừa xảy ra".

    Khoãng mười lăm phút sau, tôi trở lại căn phòng và yên tâm là mọi thứ đều trở lại bình thường. Nhưng hỡi ôi tất cả đều diễn lại như cũ. Vẫn đèn cầy sáng trưng, vẫn “cái thân người“ nằm đắp kín dưới tấm áo mưa nhà binh, vẫn có tấm bảng đề tên tôi hồi nãy tôi đã quăng xuống đất, giờ được gắn trở lại như trước. Hoa tươi vẫn rộ khoe sắc khắp xung quanh giường. Tôi vẫn nhìn thấy tôi đang nằm chết ở đây một lần nữa.

    Tôi không ngờ là Thảo hay cả bọn này đùa dai quá, quái ác quá trong sự đau khổ của tôi. Nếu lúc ấy trong tay tôi có súng chắc không kềm hãm nổi cơn tức nghẹn lên tới cuống họng. Tôi sững sờ đến độ tưởng mình trong mơ, không tin vào mắt mình có thật đã nhìn thấy hình ảnh ghê rợn này một lần nữa chăng? Thú thật tôi sợ quá, vì nó được lặp lại như thể một điều xác nhận rằng chắc chắn tôi sẽ chết trong nay mai khi trở lại chiến trường.

    Đang lúc khói lửa mịt mù, những tràng AK nổ ngay trên đầu, những quả đạn súng cối 61 ly, 82 ly của địch rớt sát bên tôi đã nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ như bây giờ tôi đang sợ. Cái hình ảnh một thân người nằm yên dưới lớp nhựa màu ô liu của tấm áo đi mưa nhà binh, xung quanh cắm đầy đèn cầy lung linh huyền hoặc cùng với vô số hoa tươi dọc theo thân người, và ngay trên đầu có hai cụm hoa cắm đứng song song với hai cây đèn cầy phía trong và cao hơn một chút là tấm bảng đề tên người tử trận giống y như cái bàn thờ tạm thời dành cho người vừa ngã gục sau trận đánh mà chưa kịp di chuyễn hình hài về hâu cứ.

    Cái hình ảnh quen thuộc này tôi đã chứng kiến nhiều lần trong suốt bốn năm lính, giờ đây cái xác ấy chính lại là tên tôi “Cố Đại uý Nguyễn Trãi“, nó tự động thăng cấp cho tôi lên một cấp nữa, nhưng có chữ cố phía trước để dành cho quân nhân vừa tử trận. Làm sao tôi không rợn da gà được, giận quá tôi không hãm được thêm, tôi dùng hết sức mạnh của mình, hai tay nhấc bổng chiếc giường lật nghiêng một bên cho tất cả đổ tung rơi xuống nền nhà như trút cơn giận. Những hoa những đèn cầy đổ lăn lóc và cháy dở. Tôi thấy có những đôi giày trận vội chạy đến đạp lên những đèn cầy cho tắt đi vì sợ cháy căn phòng. Tôi muốn xóa đi dấu vết tên tôi trên tấm bảng giấy nên chụp thật nhanh và xé nát ra từng mãnh như bày tỏ nỗ căm giận ghê gớm lắm.

    Không đủ bình tĩnh để quan sát những khuôn mặt đang cười toe toét, tôi vội chụp lấy cái nón sắt và túi quân trang kéo lê ra khỏi phòng như cố không cho chúng nó có phương tiện đùa tiếp. Từ đó tôi không bao giờ bén mãng vô trong phòng ấy nữa và không biết cảnh cũ có tái diễn hay không vì tôi rất sợ nhìn cảnh ấy nữa.


    Trở về đơn vị tôi hoàn toàn không nhớ những gì đã xãy ra trong ngày cuối cùng tại Trường Chiến Tranh Chính Trị trong Biệt Khu Thủ Đô.

    Một tháng sau đó đơn vị tôi là Pháo Đội 105 ly trấn đóng trên căn cứ Dakto, một căn cứ hoả lực nằm giữa đường chạy từ Tân Cảnh ( Kontum) đến tiền đồn Benhet (gần ngã ba biên giới Viêt Miên Lào. Từ Tân Cảnh trước khi đến căn cứ hỏa lực Dakto phải ngang qua căn cứ Phượng Hoàng, một căn cứ do quân đội Mỹ thiết lập trước đây, có cả phi trường cho máy bay C130 đáp để tiếp tế vũ khí đạn dược lương thực cho cả vùng Tam Biên này gồm có cả những căn cứ trên các đỉnh núi cao, như căn cứ 5 căn cứ 6, căn cứ Charlie mà chỉ mấy hôm sau này Đại tá Nguyễn Đình Bảo đã “ở lại vĩnh viễn“.

    Căn cứ Phượng Hoàng tương đối an ninh dù bây giờ đã bỏ trống không có quân trú đóng chỉ còn lại dấu vết của một phi trường dã chiến hoang tàn Tôi thường hay lái xe xuống phố Tân Cảnh chơi hay mua sắm những gì cần thiết trong một hai tiếng đồng hồ những khi tình hình yên tĩnh và khi chạy ngang qua Phượng Hoàng đều yên tâm là rất an ninh, vì nó cũng nằm sát Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Sư Đoàn 22 Bộ Binh trú đóng trong doanh trại chung của Trung Đoàn 42 Bộ Binh kế cận quận lỵ Tân Cảnh.

    Mấy ngày nay tình hình trở nên ồn ào hơn, các cánh quân Nhảy Dù, cùng với những cánh quân của Trung đoàn 47 và Trung đoàn 42 xin tác xạ yểm trợ liên miên. Tin tình báo cho biết Sư Đoàn Sao Vàng và Sư Doàn 320 Bắc Việt đã kéo về hoạt động quanh vùng này.

    Đang bắn yểm trợ cho các cánh quân bạn đụng địch thì nhận được công điện từ Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Lực Sư Đoàn 22 Bộ Binh gởi đến ra lệnh cho pháo đội tôi chuẩn bị di chuyển một trung đội PB 105 ly đến chiếm đóng vị trí Căn Cứ Phượng Hoàng. Phải sẵn sàng ngay bây giờ và chờ lệnh di chuyển khi có lệnh.

    Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư Đoàn Trịnh Lê Triễn còn nói rõ ”Hãy giao cho trung đội của Trung Uý Trãi nhận nhiệm vụ này, vì tôi là trung uý thâm niên nhất trong pháo Đội, vừa là Trung Đội Trưởng kiêm Pháo Dội Phó và là Sĩ Quan Tác Xạ có nhiều kinh mghiệm. Ông Trung tá này là vị Tiểu Doàn Trưởng của tôi ngày tôi mới ra trường tại Ban Mê Thuột giờ đây chỉ định đích danh tôi kéo trung đội đến Phượng Hoàng trong chiều nay.

    Tôi nhớ lại điềm xấu mà thằng Thảo cũng Trung uý trung đội trưởng kiêm Pháo Đội phó như tôi đã bày cái trò để cười cho thoả thích ngay ngày mãn khóa Chiến Tranh Chính Trị. Không lẽ giờ đây được ứng nghiệm? Tôi đã cho lệnh Trung Dội chuẩn bị “Thế Lên Đường“.

    Chuyện nhà binh ra trận mạc sống chết là chuyện thường tình, chỉ lo lắng khi chưa lâm trận, nhưng trong lúc giao tranh thì hầu như mọi người đều hăng say chiến đấu mà không sợ gì cái chết sẽ đến với mình.

    Thế nhưng khi nhận lệnh “Thế Lên Đường“ đến căn cứ Phượng hoàng chiều nay, lòng tôi bỗng bồn chồn âu lo có cái gì vương vấn trong đầu, và liên tục hình ảnh chiếc nón sắt, cái tuí xách nhà binh được phủ trong chiếc Poncho và đầy dẫy đèn cầy cùng hoa cắm đầy xung quanh thi thể tôi kèm với cái bảng tên tôi ”Cố Đại Uý Nguyễn Trãi” cứ chập chờn. Tôi cho rằng đó là điềm báo trước cho số phận của tôi trong cái lệnh chiều hôm nay sao?

    Mình tự trấn an thầm kín trong lòng “coi dó là chuyện tào lao đừng để ý nữa để yên tâm chờ lệnh từ Đài Tác xạ cho biết: “di chuyển”.

    Mãi đến hai tiếng đồng hồ sau, vẫn không thấy động tĩnh, tôi vào Đài Tác Xạ bắt máy hỏi Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn Tiền Phương ra sao với lệnh DI CHUYỄN vừa qua.

    Lúc này họ cho biết đã thay đổi lệnh và đưa súng 155 ly đến đó thay vì 105 của tôi. Tôi không tìm hiểu đơn vị nào đã thay tôi vừa kéo đến căn Cứ Phượng Hoàng.

    Ngay đêm hôm đó lúc 10 giờ diện văn” XIN TÁC XẠ” tới tấp gởi về tôi bắn yểm trợ cho Căn Cứ Phượng Hoàng bị tấn công tràn ngập biển người. Bắn suốt đêm cho tới 5 giờ sáng mới tạm ngưng trong khi quân tiếp viện đang tiến vào Căn Cứ truy đuổi Cộng quân.

    Qua hệ thống vô tuyến tôi đã biết Trung Uý Lâm Xuân Thảo khoá 21 đã vĩnh viễn nằm xuống sau khi bị tràn ngập bởi những quả beta của địch. Và chính trong cuộc yểm trợ này buộc lòng phải bắn đầu nổ cao ngay trên căn cứ theo lệnh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn để diệt địch.

    Tin Trung Uý Lâm Xuân Thảo ngã xuống tôi lặng người, tiếc thương cho bạn và tự hỏi “tại sao có sự thay đổi lệnh để rồi nó chết thay cho tôi” và tôi cũng liên tưởng tới trò chơi lúc ngày ra trường khoá học Đại Đội Phó Chiến Tranh Chính Trị.

    Đúng là cái số của tôi chưa chết.

    Nguyễn Trãi


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X