Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lữ Đoàn 147 và 258 Thủy Quân Lục Chiến

Collapse
X

Lữ Đoàn 147 và 258 Thủy Quân Lục Chiến

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lữ Đoàn 147 và 258 Thủy Quân Lục Chiến

    Lữ Đoàn 147 và 258 TQLC đổ bộ tử chiến ở ven biển Hải Lăng, Quảng Trị

    Lược trình tình hình chiến trường ở phòng tuyến Mỹ Chánh vào Hè 1972
    Trong tuần trước, chúng tôi đã lược trình các cuộc giao tranh lớn giữa các đơn vị Thủy quân Lục chiến (TQLC) tại phòng tuyến Mỹ Chánh trong ba tuần lễ đầu của tháng 5/1972. Như đã trình bày, sau khi Sư đoàn 3 Bộ Binh và các đơn vị tăng phái rút khỏi Quảng Trị vào đầu tháng 5/1972, Lữ đoàn 369 TQLC đã lập ngay tuyến chận địch ở bờ Nam sông Mỹ Chánh trong khi chờ đợi bộ Tư Lệnh Quân đoàn 1 và bộ Tư Lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến tái phối trí lực lượng để giữ khu vực gần địa giới hai tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên. Chiến trường ở tuyến Mỹ Chánh đã trở nên sôi động khi Cộng quân tập trung lực lượng tấn công vào các vị trí phòng ngự của các Tiểu đoàn 3,8 và 9 TQLC, bộ chỉ huy Lữ đoàn 369 TQLC và các pháo đội của Tiểu đoàn 3 Pháo Binh TQLC vào hai ngày 21 và 22 tháng 5/1972. Những ngày kế tiếp, Cộng quân chuyển mũi dùi tấn công sang phía Tây - vùng trách nhiệm của Lữ đoàn 258 TQLC. Trong ba ngày liền, CQ dàn trận tấn công giữa ban ngày nhưng đã trở thành mục tiêu cho Pháo Binh và Không Quân Việt Mỹ tiêu diệt bằng hỏa lực hùng hậu.

    Cuộc đổ bộ vào bờ biển Hải Lăng và “Dãy Phố Buồn Hiu”
    Trong khi trận chiến ở phía Tây thuộc khu vực trách nhiệm của Lữ đoàn 258 TQLC còn đang sôi động, để tạo yếu tố bất ngờ nhằm triệt hạ lực lượng đối phương ở hướng Đông, bộ Tư Lệnh Sư đoàn TQLC đã mở tiếp cuộc hành quân tại khu vực Duyên Hải quận Hải Lăng. Lực lượng chính là 3 Tiểu đoàn 4,6,7 TQLC thống thuộc quyền điều động của Lữ đoàn 147 TQLC. Theo kế hoạch, ngày 23 tháng 5/1972, toàn bộ Tiểu đoàn 7/TQLC đã từ phòng tuyến Mỹ Chánh di chuyển bằng quân xa đi về phía Nam để đến bến Tàu Tân Mỹ, cách Huế 5km đường chim bay về hướng Đông, từ đó được chở hải vận ra Hạm đội 7 ở ngoài khơi để chuẩn bị cuộc đổ bộ bằng đường biển. Theo phân nhiệm, tiểu đoàn này sẽ phụ trách tuyến ven biển, trong khi đó hai Tiểu đoàn 4 và 6 TQLC được trực thăng vận đổ vào vùng có địa danh chiến sử “Dãy Phố Buồn Hiu”.

    Đúng 7 giờ 30 ngày 24 tháng 5/1972, cuộc hành quân khai diễn. Mở đầu, các pháo đội Pháo Binh, Hải Pháo và phi tuần Không Quân Chiến Thuật đã oanh kích với hỏa lực tối đa vào các mục tiêu tại các bãi đổ bộ, trong khi đoàn tàu chở tiểu đoàn 7 TQLC còn cách bờ 3 cây số. Cùng thời gian này, hai Tiểu đoàn 4 và 6 TQLC và các phi đoàn trực thăng Hoa Kỳ đã sẵn sàng tại bãi bốc chuẩn bị nhập trận sau đó. Để dọn sạch các chướng ngại vật và triệt hạ hỏa lực phòng không của Cộng quân quanh các khu vực đổ quân của TQLC, theo sự điều hướng của Ủy ban liên bộ Tham Mưu Sư đoàn TQLC và Hạm đội 7 đặt trên chiến hạm chỉ huy USS Blue Ridge, phi vụ B-52 bay tới trải những thảm lửa xuống các bãi đáp, lúc đó đoàn tàu đổ bộ còn cách bờ chưa đến 2 km.


    Khi B-52 vừa chấm dứt đợt oanh tạc, hai đợt tàu đổ bộ, mỗi đợt 40 chiếc cập bãi đổ Tiểu đoàn 7 TQLC lên các bãi ấn định. Vừa đặt chân lên bờ, các Cọp Biển xung phong tiến chiếm các đồi cát cao, nhanh chóng tấn công các mục tiêu. Cộng quân bị tấn công bất ngờ nhưng vẫn cố bám giữ các công sự tác chiến chính để cầm chân Tiểu đoàn 7 TQLC, kịch chiến đã diễn ra quanh các đồi cát khi các trung đội TQLC tràn lên tiến chiếm các cao địa. Với lối đánh tốc chiến, hơn 1 giờ sau, Tiểu đoàn 7 TQLC đã làm chủ trận địa, đánh bật CQ ra khỏi vùng đồi cát ở phía Đông khu vực hành quân, hạ sát tại chỗ hơn 50 CQ, bắt sống 10 tù binh.

    Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 4 và 6 TQLC được trực thăng vận xuống khu vực giao điểm của hai hương lộ 555 và 602, một địa danh đã đi vào chiến sử với cái tên gọi “Dãy Phố Buồn Hiu”. Tại đây, trong thời gian từ 1965 đến 1972 đã xảy nhiều trận giao tranh ác liệt giữa lực lượng VNCH, Đồng Minh và các đại đơn vị csBV, một số trận đánh đã được phóng viên các hãng thông tấn, truyền hình quốc tế tường trình trong các bản tin và phóng sự về chiến trường Việt Nam. Trước tháng 7 năm 1954, tại địa danh chiến sử này đã xảy ra trận chiến kéo dài hơn 1 tuần lễ giữa lực lượng Nhảy Dù Pháp và trung đoàn 95 Việt Minh (csVN).

    Trở lại với cuộc đổ quân ngày 24 tháng 5/1972, ngay khi vào vùng hành quân, TQLC đã đụng độ ngay với 1 đơn vị của trung đoàn 18 thuộc sư đoàn 325 csBV, mà thành phần chủ lực đã rút trước đó. Do Cộng quân đã chiếm giữ khu vực này hơn một tháng nên đã tổ chức được hệ thống phòng sự kiên cố với các cụm giao thông hào liên hòa và các chốt chận đặt ở những vị trí yết hầu.

    Để triệt hạ được các cụm kháng cự của địch quân, các đại đội Thủy Quân Lục Chiến đã phải di chuyển và lưu động chiến, rồi tấn công bất ngờ theo mô thức dương Đông kích Tây. Đến ngày 30 tháng 5/1972, Thủy Quân Lục Chiến đã làm chủ nhiều vị trí trọng yếu tại khu vực giao điểm nói trên. Cuộc hành quân Sóng Thần 6-72 chấm dứt ngày 31/5/1972 sau khi 3 Tiểu đoàn 4, 6 và 7 TQLC trở lại phòng thủ tuyến Mỹ Chánh.

    Cuộc đổ bộ ngày 6 tháng 6, 1972
    Với những người lính Hoa Kỳ, Anh, Pháp trong lực lượng Đồng Minh của Đệ Nhị Thế Chiến thì ngày 6 tháng 6 năm 1944 đã trở thành “Ngày dài nhất”, ngày mà liên quân đổ bộ lên bờ biển nước Pháp để tấn công quân Đức đang chiếm giữ quốc gia này. Còn với những người lính Cọp Biển tại phòng tuyến Mỹ Chánh, ngày 6 tháng 6/1972 đã trở thành ngày lịch sử khi 4 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến vượt sông Mỹ Chánh để mở đầu cho một cuộc hành quân quy mô tái chiếm Quảng Trị.

    Mục tiêu đầu tiên của kế hoạch tái chiếm Quảng Trị do bộ Tư Lệnh Quân đoàn 1 vạch ra là các lực lượng VNCH phải kiểm soát được khu vực phía Bắc sông Mỹ Chánh cách bờ Nam sông Mỹ Chánh ít nhất là 5 km. Để thực hiện giai đoạn này, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã giao trọng trách cho Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến làm lực lượng tiên phong. Khai triển kế hoạch của Quân đoàn 1, Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến đã cho tổ chức cuộc hành quân vượt sông Mỹ Chánh. Ngày 6 tháng 6/1972, 4 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến đã mở đầu cuộc hành quân Sóng Thần 8-72 bằng cuộc vượt sông Mỹ Chánh dưới sự yểm trợ của Không Quân Việt Mỹ và Pháo Binh.

    Từ rạng sáng ngày 6 tháng 6/1972, oanh tạc cơ của Không Quân Việt Mỹ đã dội bom vào các vị trí bắc Mỹ Chánh mà Thủy quân Lục chiến sẽ tiến đánh, sau đó Pháo binh VNCH đã bắn dồn dập vào các khu vực có dấu hiệu là Cộng quân đang trú đóng. Sau đợt oanh tạc của Không quân và đợt pháo dọn đường của Pháo Binh VNCH, 4 tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đồng loạt tiến quân vượt sông Mỹ Chánh. Qua khỏi tuyến xuất phát, các đơn vị tiên phong đã đụng độ các toán tiền tiêu của Cộng quân.


    Giao tranh diễn ra quyết liệt. Các đại đội Thủy Quân Lục Chiến đi đầu đã tràn lên chiếm các vị trí trọng điểm để làm đầu cầu cho toàn đơn vị tiến lên. Gần trưa ngày 6/6/1972, cuộc tiến quân của Thủy Quân Lục Chiến đã gặp sự kháng cự mạnh của các trung đoàn Cộng quân, nhất là cánh quân tiến theo trục Hương Lộ 555 về phía Đông của Mỹ Chánh, thuộc địa phận quận Hải Lăng.

    Theo kế hoạch, tiến sau Thủy Quân Lục Chiến là các đơn vị Công Binh, có nhiệm vụ thiết lập và sửa chữa cầu cống, để các chiến xa của các chi đoàn Thiết Giáp tiến lên yểm trợ. Đến 18 giờ chiều ngày 6 tháng 6/1972, các cánh quân TQLC đã chiếm được các mục tiêu trọng điểm của cuộc hành quân. Theo báo cáo của trung tâm Hành Quân Quân đoàn 1, tính từ ngày 12 tháng 5/1972 đến ngày 6/6/1972, trong vòng 25 ngày, sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến VNCH đã tổ chức 3 cuộc hành quân lớn vào khu vực hậu tuyến của Cộng quân:

    - Cuộc hành quân Sóng Thần 5-1972 với 3 tiểu đoàn của Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến tham dự, đã tấn công vào khu vực đóng quân của trung đoàn 66 Cộng quân. Kết thúc cuộc hành quân, thông tin tình báo chiến trường ghi nhận có trên 240 Cộng quân chết tại trận địa do hỏa lực Phi Pháo.

    - Cuộc hành quân Sóng Thần 6-72 khai diễn ngày 24/5/1972 với lực lượng chính là Lữ đoàn 147 tấn công từ hai mặt vào khu vực cận Duyên gần địa giới của 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên.

    Những cuộc hành quân nói trên mang tính chiến thuật, nhằm tấn công vào các hậu tuyến của các đơn vị Cộng quân và làm suy yếu khả năng của địch, còn cuộc hành quân Sóng Thần 8/72 mang tính chiến lược nằm trong kế hoạch tái chiếm thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị - đã bị thất thủ vào đầu tháng 5/1972.

    Theo tài liệu tổng hợp, tính từ đầu tháng 5/1972 đến ngày 6 tháng 6/1972, tại mặt trận tỉnh Quảng Trị đã có trên 2,100 Cộng quân bị hạ sát tại trận địa, gần 1,100 vũ khí bị tịch thu và hơn 70 chiến xa của Cộng quân bị bắn cháy và bị “bắt sống” trong khi đang giao tranh.

    Vương Hồng Anh


    __________________________________________________ ________



    Trận Kịch Chiến Cuối Cùng Của Lữ Đoàn 147 TQLC tại Ái Tử

    Mặt trận Quảng Trị giữa tháng 4/1972
    Như đã lược trình trong số trước, cuộc tổng tấn công của 45 ngàn Cộng quân vào khu vực giới tuyến tỉnh Quảng Trị đã diễn ra vào ngày 30 /3/1972. CQ đã khởi động trận chiến với hàng ngàn quả đạn pháo kích dọn đường cho chiến xa và bộ binh tấn công cường tập cùng một lúc vào tuyến phòng ngự của các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) và các Trung đoàn 2, 56, 57 thuộc Sư đoàn 3 Bộ Binh. Sau hơn hai tuần lễ kịch chiến, trước áp lực quá nặng của đối phương, để bảo toàn quân số, lực lượng VNCH đã triệt thoái các căn cứ hỏa lực tại quận Gio Linh và phía Tây quận Cam Lộ. Đến giữa tháng 4/1972, tuyến phòng thủ của lực lượng VNCH tại Quảng Trị giới hạn từ bờ Nam sông Đông Hà trở vào.

    Tại khu vực phía Tây căn cứ Ái Tử, trong thời gian từ 9 đến 11/4/1972, CQ đã tung nhiều đợt tấn công bằng chiến xa và bộ binh vào căn cứ Phượng Hoàng (Pedro) do Tiểu đoàn 6 TQLC phòng thủ nhưng đã bị quân trú phòng và lực lượng tăng viện đẩy lùi. Đối phương bị tổn thất nặng: hơn 600 CQ bỏ xác tại trận địa, 21 chiến xa bị bắn cháy (chi tiết về trận đánh này đã được trình bày trong số báo thứ Sáu ra ngày 23/7/1975). Khi chiến thắng trên được báo về bộ Tư Lệnh Quân đoàn 1 ở Đà Nẵng, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm - Tư Lệnh Quân đoàn 1 đã lạc quan cho rằng cuộc tấn công của csBV đã bị chận lại và lực lượng VNCH có thể phản công đẩy lùi địch về bên kia sông Bến Hải.

    Một kế hoạch phản công toàn diện được hoạch định, trong đó có thêm một số đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Thiết Kỵ tăng viện Sư đoàn 3 Bộ Binh. Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ cũng được lệnh gia tăng các hoạt động yểm trợ cho mặt trận Quảng Trị. Về phía Cộng quân, sau khi bị thất bại trong trận tấn công vào căn cứ Phượng Hoàng, đối phương biết rằng nếu tấn công trực diện sẽ bị thua nên đã thay đổi chiến thuật: gia tăng mức độ pháo kích vào căn cứ Phượng Hoàng, gây tổn thất cho đơn vị trú phòng, tạo áp lực để lực lượng phòng thủ phải triệt thoái. Cùng với các trận hỏa công, đối phương điều động một tiểu đoàn len lỏi vòng ra phía Đông để phục kích đường về của tiểu đoàn TQLC đang phòng thủ căn cứ này.

    Ngày 12 tháng 4/1972, trước áp lực quá nặng của pháo CQ, tiểu đoàn 6 TQLC đã phải bỏ căn cứ Phượng Hoàng rút về Ái Tử. Trên đường rút quân, tiểu đoàn Cọp Biển đã phản phục kích đánh tan 1 tiểu đoàn CQ đang khai triển đội hình. Trong trận kịch chiến này, một số chiến binh Cọp Biển tử trận, trong đó có 1 Đại úy. (Tài liệu của cựu Đại Tá Turley ghi rõ sĩ quan đã hy sinh là Đại úy Nê, Tiểu đoàn Phó, tuy nhiên khi đối chiếu với danh sách các sĩ quan giữ chức vụ Tiểu đoàn Trưởng, Tiểu đoàn Phó TQLC từ tháng 1/1972 đến tháng 1/1973 được ghi trong tạp chí KBC, chúng tôi không tìm thấy tên của cố sĩ quan này).

    Sau khi TQLC rút khỏi Phượng Hoàng, CQ đè nặng áp lực ở tuyến Đông Hà và mặt Đông Ái Tử. Kế hoạch phản công do bộ Tư Lệnh Quân đoàn 1 hoạch định đã không tiến hành được, khó khăn chính là tổng số quân sĩ và vũ khí cần thiết để bổ sung khẩn cấp cho các đơn vị VNCH bị tổn thất trong các trận giao tranh vẫn chưa kịp đáp ứng, trong khi mức thương vong tiếp tục gia tăng.

    Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến, trận chiến cuối cùng tại Ái Tử và Quảng Trị
    Ngày 23 tháng 4/1972, Lữ đoàn 147 TQLC với 2 Tiểu đoàn 4 và 8 và Tiểu đoàn 2 Pháo Binh TQLC, sau một thời gian ngắn dưỡng quân để tái chỉnh trang và bổ sung quân số, đã được điều động đến thay thế vùng trách nhiệm của Lữ đoàn 258 TQLC ở phía Tây căn cứ Ái Tử và tiếp nhận thêm Tiểu đoàn 1 TQLC đang phòng thủ tại căn cứ Phượng Hoàng. Bộ chỉ huy Lữ đoàn 258 và 2 Tiểu đoàn 4 và 8 Thủy quân Lục chiến về Huế tái bổ sung. Riêng Tiểu đoàn 2 cũng được đặt thuộc quyền điều động của bộ chỉ huy Lữ đoàn 147 TQLC.

    Từ ngày 23 đến 26 tháng 4/1972, CQ liên tục pháo kích vào vị trí đóng quân của 4 tiểu đoàn TQLC. Đến đêm 26 tháng 4/1972, Cộng quân mở cuộc tấn công cường tập vào cụm tuyến phòng ngự của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 8 TQLC. Sau nhiều đợt pháo kích, CQ tung bộ binh và chiến xa mở nhiều mũi tấn công vào tuyến đóng quân của hai tiểu đoàn nói trên. Trận chiến đã diễn ra trong đêm tối, chiến xa và bộ binh CQ cố tiến sát đến công sự phòng thủ của các đại đội Cọp Biển. Hỏa tiễn M 72 và lựu đạn đã được sử dụng rất hữu hiệu để chận đứng cuộc tấn công ồ ạt của đối phương. Suốt đêm 26/4/1972, dù sự yểm trợ của Không Quân và Pháo Binh bị hạn chế, nhưng với tinh thần chiến đấu quyết tử, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 8 TQLC đã chận đứng và đẩy lùi nhiều đợt xung phong của đối phương, bắn cháy 12 chiến xa T 54.

    Sáng ngày 27 tháng 4/1972, tuyến phòng thủ của TQLC thu hẹp lại, chỉ còn cách Ái Tử từ 2 đến 3 km. Đêm 27/4/1972, pháo binh CQ bắn trúng kho đạn Ái Tử, một khối lượng đạn dược dự trữ bị phá hủy. Ngày 28 tháng 4/1972, CQ áp lực nặng phòng tuyến Đông Hà do 1 đơn vị Biệt động Quân án ngữ, khiến đơn vị này phải rút quân về Ái Tử, trách nhiệm phòng thủ mặt Đông tiếp giáp với Tiểu đoàn 8 TQLC. Trong đêm 29 tháng 4/1972, CQ tiếp tục tấn công vào tuyến phòng thủ của các đơn vị Lữ đoàn 147 TQLC. Sáng ngày 30 tháng 4/1972, các chi đội chiến xa M48 được điều động sang phía Tây của TQLC, do thiếu phối hợp, đơn vị bộ chiến phòng thủ mặt Đông nghĩ rằng đơn vị Thiết Giáp bạn rút lui, nên cũng triệt thoái về Quảng Trị, chỉ còn lại các đơn vị TQLC phòng thủ căn cứ Ái Tử, 2 mặt Bắc và Đông bị bỏ trống.

    Trưa ngày 30 tháng 4/1972, Lữ đoàn 147 TQLC được lệnh rút khỏi Ái Tử để tăng cường cho lực lượng phòng ngự thị xã Quảng Trị. Theo tài liệu của cựu Trung Tá Trần Văn Hiển, nguyên Trưởng Phòng 3 Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, đối chiếu với tài liệu của Ủy ban Quân sử Hoa Kỳ, thì kế hoạch triệt thoái đã được bảo mật và thi hành nghiêm chỉnh. Nhưng cũng do thiếu phối hợp, toán Công Binh của Sư đoàn 3 Bộ Binh theo lệnh của bộ Tư Lệnh Sư đoàn đã đặt chất nổ làm sập cầu Quảng Trị trên Quốc Lộ 1 và cầu xe lửa bắc qua sông Thạch Hãn trước khi đoàn xe của Tiểu đoàn 2 Pháo Binh TQLC với 12 khẩu đại bác 105 ly kéo theo sau đi qua. Đoàn Cơ Giới và Pháo Binh bị kẹt lại ở bờ Bắc đã được phá hủy tại chỗ. Ba Tiểu đoàn 1, 4, 8 Thủy Quân Lục Chiến vượt sông Thạch Hãn, bố trí chiếm giữ các vị trí trọng yếu ở bờ Nam.

    Cuộc triệt thoái về hướng Nam
    Sáng ngày 1 tháng 5/1972, bộ Tư Lệnh Sư đoàn 3 Bộ Binh, đồng thời là bộ Tư Lệnh chiến trường Quảng Trị thông báo cho các đơn vị trú phòng nguồn tin: “5 giờ chiều cùng ngày địch sẽ pháo trên 10,000 đạn Pháo binh và Hỏa tiễn vào thị xã Quảng Trị” và cho lệnh các đơn vị lui quân khỏi thị xã để tránh Pháo. Chính lệnh lui quân trong tình hình nguy kịch, đã dẫn đến sự triệt thoái hỗn loạn của các đơn vị. Theo ghi nhận của các cố vấn TQLC thì vào sáng đó, chỉ còn Lữ đoàn 147 TQLC là còn đầy đủ các đơn vị với quân số đầy đủ và vẫn kiểm soát, phòng ngự chặt chẽ các tuyến trọng điểm trong thị xã.

    Đến giữa trưa, bộ Tham Mưu Sư đoàn 3 BB và 8 cố vấn Hoa Kỳ của Sư đoàn vẫn còn ở lại trong Cổ Thành. 14 giờ 30 chiều ngày 1/5/1972, bộ Chỉ huy Lữ đoàn 147 TQLC và 4 tiểu đoàn thống thuộc cùng với gần 30 chiến xa và thiết vận xa còn lại của Lữ đoàn 1 Kỵ Binh khởi sự triệt thoái khỏi Quảng Trị tiến về Huế theo Quốc Lộ 1 (đoạn đường bộ từ trung tâm thị xã Quảng Trị đến Huế dài 59 km). Sau khi Thủy Quân Lục Chiến triệt thoái, Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai - Tư lệnh Sư đoàn 3 BB kiêm Tư lệnh chiến trường Quảng Trị và các sĩ quan Tham mưu lên 3 thiết vận xa trong cố gắng theo kịp các đơn vị của Sư đoàn 3 BB đã triệt thoái trước đó. Sự việc xảy ra đúng vào khi các trực thăng Hoa Kỳ được gọi đến khẩn cấp để giải cứu các vị cố vấn Hoa Kỳ và nhân viên Việt Nam của họ.

    Theo tài liệu của cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, sự cố gắng của Tướng Giai để theo kịp đoàn quân Sư đoàn 3 Bộ Binh đã gặp trở ngại lớn. Quốc lộ tràn ngập người và xe, thiết vận xa chở Tướng Giai đã không tiến lên được, cuối cùng ông phải quay về Cổ Thành và sau đó được trực thăng Hoa Kỳ bốc đi cùng với vài sĩ quan thân tín. Chuyến trực thăng cuối cùng chở Tướng Giai cất cánh vào lúc 16 giờ 55 phút cùng với vị Đại Tá Cố vấn Trưởng Sư đoàn 3 Bộ Binh trên phi cơ. Vừa rời khỏi mặt đất, chiếc trực thăng này đã bị CQ đã đột nhập vào thị xã bắn hàng loạt đạn bằng vũ khí cá nhân.

    Một ghi nhận đặc biệt về hệ thống chỉ huy tại chiến trường Quảng Trị là quyền điều động các đơn vị Thủy quân Lục chiến: theo tài liệu của cựu Trung Tá Trần Văn Hiển, ngày 3 tháng 4/1972, bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH đã không vận bộ Tư Lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến và lữ đoàn 369 ra tăng cường cho Quân đoàn 1, thế nhưng 2 Lữ đoàn 147 và 258 TQLC vẫn đặt thuộc quyền điều động của bộ Tư Lệnh Sư đoàn 3 Bộ Binh. Từ khi bộ Tư Lệnh Sư đoàn TQLC đặt bản doanh hành quân tại Huế, đã có những trường hợp, các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến chỉ thi hành lệnh của bộ Tư Lệnh Sư đoàn 3 sau khi đã trình và được sự chấp thuận của bộ Tư Lệnh Sư đoàn TQLC.

    Tình trạng nói trên này kéo dài cho đến khi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, từ Quân đoàn 4 ra giữ chức Tư Lệnh Quân đoàn 1 thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm vào đầu tháng 5/1972 thì việc sử dụng các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến mới được điều chỉnh lại. Theo chỉ thị của Trung Tướng Trưởng, các Lữ đoàn TQLC nhận lệnh trực tiếp của bộ Tư Lệnh Sư đoàn TQLC. Với sự chỉ huy thống nhất này, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ vững vàng phòng tuyến Mỹ Chánh trong các tháng 5 và 6/1972, cũng như đã cùng với Sư đoàn Nhảy Dù chiến đấu hữu hiệu trong cuộc tiến quân tái chiếm Quảng Trị.


    Vương Hồng Anh

  • #2
    Bản đồ Dãy Phố Buồn Hiu

    Xin click vào địa chỉ này để xem bản đồ gốc: http://vnwarstories.com/Odyssey/vn.A...05April68.html
    Lưu ý: LZ Pedro trong bản đồ là Căn cứ Phượng Hoàng của TQLC viết trong bài chủ.


    Note: Street Without Joy hay Dãy Phố Buồn Hiu là hương lộ 555 chạy dọc bờ biển quận Hải Lăng- Quãng Trị, khác với Đại lộ Kinh Hoàng nằm trên quốc lộ I từ cầu Sông Nhùng tới Bến Đá.
    Last edited by TH-72G; 08-14-2017, 04:39 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X