Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đứa con Bình Thuận

Collapse
X

Đứa con Bình Thuận

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đứa con Bình Thuận

    Đứa con Bình Thuận


    Bảo Định


    Do một sự tình cờ, tôi được Phạm Hữu Đa, ĐĐT/TS/SĐ18, khóa 25 Võ bị Đàlạt, cho biết Nguyễn Trí Hùng, ĐĐT/ĐĐ3/2, cùng khóa, đã từ trần từ hai năm nay tại Seattle, Washington State. Thương tiếc Hùng, nhớ Hùng, tôi post lại bài viết cách đây nhiều năm, nhân chuyến thăm viếng Hùng.

    Bảo Định Nguyễn Hữu Chế.

    Vào một ngày đầu Thu năm 2009, Hằng Minh (cựu Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ binh), Thái Dương (cựu Đại tá TMT/HQ/SĐ18BB), Bảo Định (cựu TĐT/TĐ2/43), Thành (thuộc TĐ1/43), và một số bạn hữu đến thăm Hùng. Anh sống âm thầm trong ngôi nhà hai phòng với người vợ trẻ và đứa con trai trưởng đã 35 tuổi bị khuyết tật bẩm sinh.

    Hùng là đứa con của Bình Thuận. Cựu Đại úy Nguyễn Tri Hùng theo học khóa 25 Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Hùng và Dương Trọng Khoát cùng khóa, về trình diện đơn vị Tiểu đoàn 2/43, trong thời điểm tình chiến sự trên khắp bốn vùng chiến thuật khá sôi động. Chính những cuộc hành quân tiểu trừ Cộng phỉ với những trận đánh qui mô có lúc đến cấp Sư đoàn đã tôi luyện Hùng trở thành một Sĩ quan dạn dày sương gió, tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến trường.

    Sư đoàn 18BB được thành lập từ năm 1965, trải qua nhiều đời Tư lệnh, nhưng cũng chỉ được xem là một đại đơn vị yếu kém. Sau trận chiến An Lộc hồi mùa hè đỏ lửa năm 1972, đại đơn vị sinh sau đẻ muộn này (chỉ trước SĐ3BB của Tướng Nguyễn Duy Hinh), đã bắt đầu vươn lên để có thể bắt kịp các đại đơn vị khác của QLVNCH. Kể từ ngày Sư đoàn được đặt dưới quyền chỉ huy một vị Tư lệnh trẻ, nhưng giàu kinh nghiệm chiến trường với tài năng thiên phú, đặc biệt nhất là tính xông xáo, Sư đoàn 18BB trở thành một đại đơn vị mạnh của Quân đoàn III. Ông quan tâm ngay cả những cuộc chạm súng cấp Đại đội, đôi lúc cả cấp Trung đội. Mỗi lần được báo cáo có cuộc chạm súng, ông tức tốc dùng chiếc trực thăng C&C bay vào trận địa theo dõi trận đánh, hầu có thể giúp quân bạn có những phản ứng kịp thời để nhanh chóng thanh toán mục tiêu.

    Cũng kể từ ngày đó, Sư đoàn 18BB liên tiếp dành được chiến thắng trên khắp chiến trường Vùng 3 Chiến thuật. Chỉ hai năm sau, năm 1974, SĐ18BB đã được đánh giá là Sư đoàn hàng đầu. Vào những ngày tháng cuối của cuộc chiến, chính Sư đoàn 18BB là đại đơn vị duy nhất đánh bại quân CSBV. Ba sư đoàn : 6, 7 và 341 thuộc Quân đoàn 4/CSBV xâm lăng của Tướng Hoàng Cầm, khi tiến công vào Xuân Lộc đã đụng phải bức tường thép “Tuyến Thép Xuân Lộc”. Chỉ mới giao chiến trong 12 ngày đêm, đã có hơn 6 ngàn Cán binh CSBV vị loại khỏi vòng chiến, 37 xe tăng bị tiêu diệt.

    Bọn đầu lĩnh Bắc Bộ Phủ đã trơ tráo khi xua quân xâm lăng Miền Nam, ngang nhiên vượt sông Bến Hải, lằn ranh phân chia Nam Bắc theo Hiệp định đình chiến Genève năm 1954, và Hiệp định đình chỉ chiến cuộc Paris năm 1973 mà chúng đã long trọng ký kết. Sự vi phạm thô bạo đó của chúng đã không gặp một phản ứng nào của Thế giới Tự do, nhất là người bạn đồng minh Hoa Kỳ, mặc dù Tổng Thống Richard Nixon đã hứa hẹn với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qua 17 bức thư trao đổi là sẽ can thiệp, sẽ trả đũa Bắc Việt nếu chúng vi phạm. Bộ đội CSBV dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tên Đại tướng CS Văn Tiến Dũng, chỉ để lại Miền Bắc 1 Sư đoàn giữ nhà, tức là để bảo vệ Thủ đô Hà Nội của chúng. Đã có hơn 16 Sư đoàn xâm nhập vào Nam.

    Chúng tiến quân như thế chẻ tre. Vùng 1 và Vùng 2 chiến thuật lần lượt lọt vào tay giặc. Các Quân đoàn I và II buộc phải di tản chiến thuật. Các Sư đoàn 1,2,3,22,23, Sư đoàn TQLC, các Liên đoàn BĐQ cứ lùi dần, lùi dần, lùi đến tận Sài Gòn, như cá bị lùa vào rọ ! Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ đội của Tướng Dũng đã vào đến Bình Thuận, rồi Bình Tuy. Bước chân xâm lăng của Dũng không gặp một sức kháng cự nào đáng kể. Quân ta chỉ có thua và thua, và bỏ chạy. Vì thế trong quyển Hồi ký : “Đại Thắng Mùa Xuân”, hắn đã có dịp khoác lác : “Cán bộ tham mưu đã không kịp vẽ bản đồ cho bước tiến quân của Bộ đội”.

    Nhưng cuối cùng đạo quân xâm lăng của hắn đã bị chận lại tại Xuân Lộc : Tuyến phòng ngự của Sư đoàn 18BB. Cái giọng điệu khoác lác trước đây không còn nữa, đã đổi sang giọng điệu than vãn : “Mặt trận Xuân Lộc đã ác liệt và đẫm máu từ những ngày đầu tiên…” Sau 12 ngày đêm bị cầm chân tại Xuân Lộc, tiến không được mà rút ra cũng không xong, Tướng Dũng điều thêm Quân đoàn 2 của Tướng Lê Trọng Tấn bôn tập vào Nam. Đạo quân này đã xuất hiện ở Rừng Lá, không xa Xuân lộc là bao, chỉ cần ngồi xe Molotova lối một giờ là đã vào đến trận địa. Rất tiếc là Sư đoàn 18BB được lệnh bỏ ngỏ Xuân Lộc, lui binh về lập tuyến phòng ngự Biên Hòa, nếu không, chúng cũng sẽ bị đại bại như Quân đoàn 4 của Tướng Cầm.

    Cuộc chống trả kiên cường của những người lính Sư đoàn 18BB đã làm cộng quân khiếp sợ, đồng minh phải nể phục. Sử gia Hoa Kỳ Harry G. Summers, Jr. trong quyển “Historical Atlas of the Vietnam War” viết : “Although it was not known for its fighting prowess, the 18th Division proved in the end to be the best division in the Republic of Vietnam Armed Forces”.

    Kể từ năm 1972, Sư đoàn 18BB ngoài nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ khu 33 Chiến thuật gồm các tỉnh Biên Hòa, Long Khánh, Bình Tuy, Phước Tuy và Đặc khu Vũng Tàu, còn là đơn vị lưu động, làm lực lượng trừ bị cho Quân đoàn III. Các đơn vị thuộc Sư đoàn hoạt động hành quân khắp lãnh thổ Vùng 3 Chiến thuật, từ Tây Ninh đến Rừng Sát, từ Long An đến Bình Tuy, đâu đâu cũng có dấu dày của những người lính Miền Đông mang phù hiệu Cung Tên, dựa theo truyền thuyết Nỏ Thần thành Cổ Loa thời An Dương Vương vào năm 257 trước Công nguyên, với câu chuyện tình bi đát Trọng Thủy - Mỵ Châu.

    Quê Hùng ở Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận. Bình Thuận không xa Xuân Lộc, chỉ cách khu Rừng Lá, chỉ cần vài giờ ngồi xe hơi. Có lẽ đó là lý do Hùng chọn về phục vụ Sư đoàn 18BB. Hùng có người mẹ già đang sống tại thành phố biển này.

    Từ Trung đội trưởng, Đại đội phó rồi Đại đội trưởng, Hùng luôn luôn là một Sĩ quan ưu tú, câu châm ngôn : “Tự Thắng để Chỉ Huy” trên phù hiệu chiếc nón Casquette của người SVSQ/VB/Đà Lạt, Hùng vẫn thuộc nằm lòng.

    Năm 1974, trong cuộc hành quân giải tỏa xã Thái Hưng, quận Công Thanh thuộc tỉnh Biên Hòa, Hùng đã chứng tỏ là một cấp chỉ huy gan dạ và mưu lược. Đại đội 3/2 của Hùng, sau khi hoàn tất cuộc vượt sông, khi toán quân cuối cùng đặt chân lên bờ vào lúc 1 giờ sáng, ngay trong đêm tối, dù lạ địa thế, Hùng đã chỉ huy đại đội đánh thốc vào đội hình của cộng quân. Đánh đêm là sở trường của VC, chúng không bao giờ ngờ rằng lính cộng hòa cũng có thể đánh đêm. Hùng và quân sĩ dưới quyền đã tiến công như vũ bão, đè bẹp đối phương. Bọn chúng ngơ ngác, bất ngờ và hoảng sợ, chỉ kịp tóc hầm bỏ chạy, không kịp mang theo vũ khí cộng đồng và đồng đội thương vong. Nhiều kẻ địch bị hạ sát, nhiều vũ khí bị tịch thu, nhiều gói cơm nắm nằm rải rác… Mũi tấn công Đại đội 3/2 của Hùng và Đại đội 2/2 của Trung úy Võ Văn Mười, đã tiến xa, tiến sâu vào vùng đất do Trung đoàn 165/CSBV chiếm đóng, vượt xa ngoài sự mong ước của Tiểu đoàn trưởng.

    Khi trời sáng, hai mũi tiến công của Mười và Hùng đã đến tận cuối làng 2 (xã Thái Hưng có 4 làng, chỉ trong nửa đêm, quân ta đã chiếm được hai làng :1 và 2). Tại đây họ đã chạm phải một đơn vị cấp Đại đội đang bảo vệ 1 khẩu thượng liên 12ly7 và 1 khẩu cối 82ly. Nhưng đơn vị VC này đã bị Đại đội 1 của Trung úy Nguyễn Mỹ thanh toán ngày hôm sau. Những ngày kế tiếp, đám Cộng quân bố trí ở làng 3 và làng 4 lần lượt bị đánh bật ra khỏi làng. Xã Thái Hưng hoàn toàn được giải tỏa. Mười một ngôi nhà thờ bị ăn bom đạn nghiêng ngã xiêu vẹo. Vì đó là những vị trí tốt nên cộng quân đặt súng phòng không, và những khẩu thượng ly 12ly7 bắn cản bước tiến của quân bạn. Chính các cha xứ đã gặp Tướng Đảo và cho phép quân bạn được đánh bom và bắn pháo để triệt hạ những dàn súng cộng đồng đó. Các cha còn nói rằng miễn sao tiết kiệm được xương máu của quân sĩ và nhanh chóng đánh đuổi Cộng quân, để người dân có thể trở về làng cũ.

    Nhà cửa, thánh đường bị hư hại, nhưng các cha và dân làng đã rất hoan hỷ, cám ơn người lính Cộng hòa đã đuổi được Cộng quân, mang lại thanh bình về cho thôn xóm. Ngay trong những ngày khói lửa mịt mù, người dân làng hầu hết đã tản cư qua bên kia sông Đồng Nai, tụ họp tại bến đò xã Đại An, nấu khoai sắn, và xôi gởi qua sông giúp lính Cộng hòa đánh giặc. Sau trận chiến, những người chiến binh vừa buông tay súng, đã kịp thời giúp dân làng xây dựng lại nhà cửa từ những đổ nát.

    Tất cả đều được phóng viên Nguyễn Cầu của đài truyền hình Quân đội ghi lại trong một cuốn phim nhựa dài 23 phút với tựa đề “Trở Về Làng Cũ”. Anh đã bám sát theo đơn vị ngay từ lúc vượt sông, đã ghi lại những thước phim sinh động, nhất là hình ảnh cảnh quân ta và quân địch dằn co nhau khẩu thượng liên 12ly7, nhưng quân ta đã thắng. Trong những ngày cuối cùng, khi Sài Gòn hấp hối, cuốn phim này đã được chiếu đi chiếu lại nhiều lần trên đài truyền hình Quân đội, có lẽ với dụng ý Quân đội ta anh hùng, lúc đầu bất ngờ có thể thua, nhưng cuối cùng nhất định sẽ thắng. Cộng quân nhất định sẽ bị tiêu diệt. Nhưng đã quá muộn ! Định mệnh đã an bài.

    Cuối tháng 12 năm 1974, Trung đoàn 33 Long Khánh tiến đánh xã Võ Đắc, quận lỵ Hoài Đức thuộc tỉnh Bình Tuy. Cùng với Trung đoàn 812 Sông Mao, chúng đã chiếm được quận Tánh Linh, các xã Sùng Nhơn, Võ Su. Tại xã Võ Đắc, chúng đã kiểm soát toàn bộ, chỉ còn một lõm nhỏ là Quận đường và BCH/CK là chưa bị chiếm. Sau 33 ngày đêm bị vây hãm, tình trạng thật bi đát, nhưng “tin vui đã đến giữa giờ tuyệt vọng”. Đó là lúc quá trưa ngày 4 tháng 1 năm 1975, Đại đội 3/2 của Hùng, Đại 1/2 của Trung úy Nguyễn Văn Hào, cũng là một đứa con Bình Thuận, và các đơn vị khác của Tiểu đoàn 2/43 , từ ấp Trà Cổ hoang phế bên kia sông La Ngà thuộc quận Định Quán, trực thăng vận nhảy lên ngay trên đầu giặc, đánh từ trong ra, theo kế hoạch nở hoa. Hai đứa con Bình Thuận, một đứa con Gò Công (Trung úy Võ Văn Mười), và hai đứa con của Long Khánh (Trung úy Hà Văn Dương và Trung úy Võ Kim Thạch), là những Đại đội trưởng ưu tú, những chiến sĩ oai hùng của QLVNCH, xem cái chết “nhẹ tựa lông hồng”, đã cùng quân sĩ dưới quyền, quyết tâm giành lại mảnh đất quê hương đang bị giặc cộng xâm chiếm. Họ đã chiến đấu dũng mãnh. Sau 4 ngày đêm tử chiến với cộng quân, được sự yểm trợ hữu hiệu của Pháo binh Sư đoàn, Không quân Biên Hòa, Phan Rang, và từ Cần Thơ, đã loại nhiều Cộng phỉ khỏi vòng chiến đấu. Số thương vong của cộng quân theo người dân cho biết, lên đến con số ngàn, chất đầy trên những chiếc xe bò, xe trâu, ngày đêm liên tục kéo vào khu rừng Tánh Linh. Trong trận đánh đêm để dứt điểm đám tàn quân, cánh quân của Hùng và Hào, khi truy đuổi địch, đã phát hiện một đống vũ khí đủ loại với một mảnh giấy viết vội, nét chữ nguệch ngoạc, nhưng có vẻ tiếu lâm : “Tặng các anh. Chúng tôi chịu thua phen này. Hẹn gặp lại !” Cuối cùng Võ Đắc đã được giải tỏa, các xã Võ Su và Sùng Nhơn lần lượt được tái chiếm. Cuộc sống thanh bình đã trở lại thôn xưa.

    Tại mặt trận Định Quán tháng 3/75, khi Tiểu đoàn 2/43 từ Xuân Lộc, được lệnh di chuyển đi Định Quán để bảo vệ điểm trọng yếu này trên QL20, một tiền đồn xa bảo vệ Thủ đô Sàigòn. Ngay trong đêm đầu tiên đến Định Quán, Đại đội 1/2 của Trung úy Nguyễn Văn Hào đã tiêu diệt gọn một toán Cán binh cao cấp cộng quân đang đi thị sát thực địa lần chót trước khi mở cuộc tấn công Định Quán vào lúc 5 giờ sáng. Sau một ngày dù chiến đấu kiên cường, Quận lỵ đã bị Cộng quân chiếm, các cao điểm chung quanh lần lượt lọt vào tay giặc, chỉ còn lại vị trí TĐ2/43 (gồm Đại đội Chỉ huy & Yểm trợ và Đại đội 2/2 của Trung úy Võ Văn Mười). Tiểu đoàn bị bao vây. Trung đoàn 141 thuộc Sư đoàn 7/CSBV liên tục mở cuộc tấn công. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Chế cho lệnh vị Trung đội trưởng pháo binh bắn trực xạ, và xử dụng những trái đạn chống biển người (được biết mỗi trái đạn pháo chống biển người chứa 3,000 mũi tên). Nhưng cấp chỉ huy cộng quân vốn coi rẻ sinh mạng con người, lớp này ngã, chúng lại xô đẩy lớp khác tiến lên. Chúng như những con thiêu thân lao vào ánh đèn.

    Vị trí phòng thủ của Tiểu đoàn tưởng sẽ bị tràn ngập, nếu vị Tiểu đoàn trưởng không táo bạo xin đánh bom ngay trên đầu mình. Những chiến đấu cơ F5E, A37 thay nhau trút bom lên đầu giặc, phá tan đội hình tấn công của chúng. Những trái bom đánh táo bạo cũng đã gây một số thiệt hại cho quân bạn. Lợi dụng lúc địch quân đang bối rối, Thiếu tá Chế cho lệnh đại đội của Trung úy Hùng đang nằm tiền đồn bên ngoài, kéo nhanh về phòng thủ chung với tiểu đoàn. Hùng đã chỉ huy đơn vị đột phá vòng vây địch, đưa được Đại đội về với tiểu đoàn, lập tuyến phòng thủ cùng với Đại đội 2/2 của Trung úy Mười và Đại Chỉ huy & Yểm trợ của Trung úy Võ Kim Thạch. Đoạn tuyến vỡ do hai trái bom đánh gần đã được nối lại. Nhưng cộng quân mỗi lúc lại tập trung thêm quân quyết tiêu diệt TĐ2/43. Sau một ngày đêm chống trả kiên cường, đây là cứ điểm cuối cùng còn đứng vững. Quận đường, BCH/Chi khu, các cao điểm do ĐPQ và NQ trấn giữ đều lọt vào tay giặc. Thiếu tá Chế xin lệnh trên cho Tiểu đoàn phá vòng vây địch, lui về một cụm đồi xa về hướng Tây hầu tìm cách rút về cầu sông La Ngà để tái bổ sung và tản thương.

    Tháng 4/75, trận chiến Xuân Lộc, cũng là trận chiến thắng cuối cùng của QLVNCH trước quân xâm lăng CSBV, đơn vị của Hùng được chỉ định phòng thủ khu vực Đông Nam của căn cứ Núi Thị. Trong những ngày chuẩn bị trận chiến, Tướng Tư lệnh đã cho kéo lên đây 12 khẩu pháo, vừa 105 và 155ly. Chính dàn pháo hùng hậu này của sư đoàn là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi. Nhưng điều quan trọng, TĐ2/43 đã bảo vệ vững chắc căn cứ hỏa lực này trong suốt trận chiến.

    Trận Điện Biên Phủ năm 1954 Pháp thua Việt Minh không phải vì quân bộ chiến mà vì pháo. BTL Tối cao của lực lượng Pháp đã không tiên liệu được khả năng vượt trội của các đơn vị pháo đối phương. Ngay các đơn vị pháo của mình trong lòng chảo ĐBP cũng không bảo vệ tốt, đã để cho bộ đội Việt Minh khống chế ngay từ những ngày đầu của trận chiến. Rút kinh nghiệm xương máu đó, Tướng Đảo đã cho thiết lập những căn cứ hỏa lực được sự bảo vệ vững chắc của đơn vị phòng thủ. Do đó pháo của ta đã hoạt động hữu hiệu và góp công tạo chiến thắng trong suốt trận chiến.

    Đại đội của Hùng bố trí quân trên một thế đất thoai thoải, phía Đông Nam của Núi Thị. Nhưng Đại đội không phải bố trí quân trên một tuyến đơn giản, mà thiết lập nhiều tuyến, với nhiều tiền đồn và tổ phục kích. Nhờ những toán tiền đồn và tổ phục kích xa, trong suốt trận chiến, cộng quân không thể nào vào gần để đặt súng cối bắn quấy phá. Do đó dàn pháo 12 khẩu đã có thể yểm trợ đắc lực cho quân bạn, và không hề bị khống chế do pháo của Cộng quân. Nhưng tuyến phòng thủ đơn vị Hùng là nơi bị ăn đạn pháo của cộng quân nhiều nhất. Những trái đạn pháo oan nghiệt và tàn bạo của cộng quân đã cướp mất mạng sống của vị Thiếu úy ĐĐP (kế đến là vị Đại úy ĐĐT thay Hùng) và làm Hùng bị thương nặng. Hùng bị nhiều mảnh đạn ghim vào người, và một mảnh nằm trong đầu. Hùng được trực thăng tải thương về Quân y viện. Vết thương chưa lành, Hùng bị xuất viện khi ngày oan nghiệt 30/4/75 đến.

    Hùng định cư tại tiểu bang Washington. Cuộc sống tưởng đã ổn định nơi đất khách quê người. Nhưng một tai họa đã giáng xuống đầu Hùng và gia đình Hùng. Hùng bị tai nạn xe hơi, cũng không nặng lắm. Tan sở, trên đường về nhà, mệt nhọc và buồn ngủ, Hùng bị lạc tay lái, đâm vào một gốc cây bên vệ đường. Vết thương nhẹ, nhưng phải vào Bệnh viện. Tại đây, mảnh đạn oan nghiệt còn nằm trong đầu từ trận chiến Xuân Lộc năm xưa đã làm hại đời Hùng. Khi phát hiện ra mảnh đạn trong đầu, Bác sĩ quyết định giải phẩu. Nhưng cuộc giải phẩu không thành công, khiến Hùng trở thành một phế nhân.

    Chúng tôi đến thăm Hùng vào một buổi sáng. Đó là một buổi sáng đầu thu năm 2009. Nhà Hùng ở cách trung tâm thành phố Seattle lối một giờ xe. Nhà có hai phòng, khá khang trang, nằm sâu trong khu dành cho những người handicap. Hùng có 3 người con, hai người con kế đi làm xa, ở riêng. Đứa con trai đầu lòng sống chung với bố mẹ trong căn nhà lạnh lẽo đó. Đúng là căn nhà lạnh lẽo! Nhà không có tiếng nói cười. Cậu con trai bị khuyết tật bẩm sinh, nói năng không thành lời, chỉ ú ớ. Còn Hùng thì trở nên trầm lặng, ít nói, bị bại liệt nửa người, đi lại khó khăn trên chiếc xe lăn. Chị Hùng còn trẻ, dáng người nhanh nhẹn. Tội nghiệp cho người vợ trẻ, từng là vợ lính, vợ tù cải tạo, tháng ngày thấp thỏm đợi chờ mong tin chồng.

    Bây giờ chồng đó, con đó, nhưng hạnh phúc gia đình đã vuột khỏi tầm tay. Chị Hùng bây giờ không những là một người vợ, một người mẹ, còn là một nữ điều dưỡng, hằng ngày săn sóc cho hai bệnh nhân đặc biệt. Có lẽ ngôi nhà thiếu tiếng nói, vắng tiếng cười, nên khi gặp chúng tôi, chị đã nói năng không dứt lời. Có chúng tôi đến thăm, những đồng đội của chồng năm xưa, nhất là sự hiện diện của Bảo Định, cấp chỉ huy trực tiếp, đã bao lần vào sinh ra tử với chồng, làm cho chị ấm lòng, và là một dịp hiếm có để chị tâm sự, mà ngày này qua ngày khác, chị phải sống âm thầm, câm lặng trong ngôi nhà lạnh lẽo và buồn thảm như một nấm mồ. Chị Hùng là mẫu người vợ lính đảm đang và can trường.

    Hùng ngồi đó, yên lặng trên chiếc xe lăn, gần như bất động. Trông Hùng đờ đẫn, khuôn mặt trắng bệch, vì đã nhiều ngày thiếu ánh nắng mặt trời, thật đáng thương. Nét tinh anh ngày nào của một sĩ quan oai hùng không còn nữa. Mới ngày nào, Hùng cùng đồng đội, những chiến binh Tiểu đoàn 2/43, trong một thời gian dài, đã làm khiếp vía cộng quân, nhất là Trung đoàn 33 Long Khánh (đơn vị VC thưòng xuyên chạm súng với TĐ2/43). Một trong những tên tù binh bị bắt cấp B trưởng, tức trung đội trưởng, khi thấy quân ta đối xử tử tế, đã thành thật tâm sự: “Bọn em được lệnh của thủ trưởng E (tức Trung đoàn trưởng) chỉ thị rằng khi giao chiến với TĐ2/43 thì phải tìm cách đoạn chiến và chém vè”.

    Là đứa con của Bình Thuận, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Hùng đã đóng góp chính xương máu của mình để làm rạng danh vùng đất biển mặn này. Bình Thuận là nơi dừng chân vào lúc cuối đời của Nguyễn Thông, một sĩ phu yêu nước thời kỳ thực dân Pháp mới đặt chân đến Việt Nam.

    Bình Thuận cũng là nơi đã cưu mang Nguyễn Tất Thành, đứa con oan nghiệt, tức Hồ Chí Minh sau này, trên đường tha phương cầu thực, đã ghé lại Phan Thiết kiếm ăn một thời gian ngắn trước khi vào Sài Gòn, xuống tàu làm bồi đi sang Pháp, lê gót chân đi ta bà thế giới, cuối cùng dừng chân tại Nga, bị nhuộm đỏ, để rồi trở thành chủ tịch đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Cộng sản.

    Ngô Đình Diệm, vị Tổng Thống đầu tiên của VNCH, từng làm Tuần Vũ Bình Thuận trước khi được triệu về Kinh đô Huế giữ chức Thượng Thư Bộ Lại, nhưng rồi từ chức, suýt bị Hồ Chí Minh giết, bôn ba khắp trời Âu, trời Mỹ hoạt động, vận động ngoại giao, mưu cầu cứu nước.

    Chúa Nguyễn Ánh, người có công thống nhất giang sơn sau gần 3 trăm năm phân tranh Nam Bắc, đế hiệu Gia Long (Gia : Gia Định, Long : Thăng Long) là biểu trưng của Việt Nam thống nhất, đã từng dừng chân tại Bình Thuận trong thời kỳ phục quốc đánh nhau với nhà Tây Sơn, và vết chân của vị Chúa này như còn ẩn hiện đâu đây.

    Nguyễn Văn Thiệu, vị Tổng Thống của nền Đệ nhị Cộng Hòa, sinh trưởng tại Phan Rang, vùng đất thuộc Bình Thuận ngày trước.

    Ngoài ra không ai trong chúng ta là không nghe tiếng Dũng Chinh, tác giả bản nhạc nổi tiếng “Những Đồi Hoa Sim” (thơ Hữu Loan), với tiếng ca ngọt ngào của ca sĩ Phương Dung; nhạc sĩ kiêm ca sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh với hằng trăm bản nhạc ngợi ca người lính VNCH, anh chết đi là một mất mát lớn của Bình Thuận, đã để lại muôn vàn thương tiếc cho những người yêu nhạc Lính.

    Mong rằng hồn thiêng sông núi sẽ phù hộ cho Hùng sớm có những ngày vui, sớm khôi phục, để trở về cuộc sống đời thường của một kẻ lưu vong tỵ nạn, chờ ngày trở lại Quê hương, như bao nhiêu triệu người đang phải tạm nhận quê người làm quê mình.


    Michigan, một ngày cuối Thu năm 2009
    Bảo Định


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X