Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cựu quân nhân Mỹ 82 tuổi đi Việt Nam tìm ông hiệu trưởng chỉ vì một bức tranh

Collapse
X

Cựu quân nhân Mỹ 82 tuổi đi Việt Nam tìm ông hiệu trưởng chỉ vì một bức tranh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cựu quân nhân Mỹ 82 tuổi đi Việt Nam tìm ông hiệu trưởng chỉ vì một bức tranh

    Cựu quân nhân Mỹ 82 tuổi đi Việt Nam tìm ông hiệu trưởng chỉ vì một bức tranh
    Đằng-Giao/Người Việt


    Ông Lee Lagda và bức tranh Việt Nam trên tường. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    CYPRESS, California (NV) – Ông Lee Lagda, 82 tuổi, một cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam trước năm 1968, vừa quyết định sẽ quay lại Quảng Trị vào đầu năm 2018 để tìm người tặng ông bức tranh.

    Ông nói: “Đầu năm 1968, ngay sau Tết Mậu Thân, đơn vị tôi, Tiểu Đoàn Xây Dựng Cơ Động 4, thuộc Hải Quân Hoa Kỳ, được điều động từ Đà Nẵng ra khoảng giữa Huế và Căn Cứ Tác Chiến của Thủy Quân Lục Chiến tại Quảng Trị, trên Quốc Lộ 1.”

    Lúc ấy, ông Lagda đã chán ngấy cảnh dân lành vô tội trở thành nạn nhân của chiến tranh.

    “Hồi mới năm tuổi, tôi đã phải thấy cái chết của cha tôi trong Thế Chiến 2 nên tôi muốn làm một cái gì đó cho những đứa trẻ ngây thơ Việt Nam,” ông kể.

    Để làm được việc này, ông huy động một nhóm quân y trong tiểu đoàn và những người thuộc Chương Trình Y Tế Dân Sự (MEDCAP) đến làng Phú Ốc, cách trại chừng 10 cây số về phía Nam và cách Huế 3 cây số rưỡi về hướng Bắc. Cả mấy làng chỉ có một ngôi trường, cả trường chỉ có một lớp học.

    Vợ chồng ông hiệu trưởng và đứa con đến thăm ông Lee Lagda. (Hình:Lee Lagda cung cấp)

    “Mỗi tuần, trung bình, chúng tôi chăm sóc được chừng 100 bệnh nhân, đa số là học sinh của trường, và trẻ em ở lối xóm quanh đó,” ông nói.

    Vào khoảng đầu Tháng Tám, 1968, ông tìm gặp ông hiệu trưởng để báo rằng ông đang chuẩn bị về Mỹ.

    Ông hồi tưởng: “Mặc dù không tiếp xúc nhiều với ông ấy, nhưng tôi muốn cám ơn ông đã cho chúng tôi mượn trường làm trạm y tế và cho phép học trò lên khám bệnh trong giờ học.”

    Ông Lagda nghĩ rằng như vậy là đủ lịch sự với ông hiệu trưởng rồi. Ông cũng nghĩ rằng sẽ không bao giờ muốn quay lại quê hương đầy khổ đau này nữa.

    Hai hôm sau, một việc bất ngờ xảy ra tại căn cứ Hải Quân.

    Ông hồi tưởng: “Tôi hết sức ngạc nhiên khi người lính gác báo rằng có người đang ở cổng chờ gặp tôi. Tôi không thể ngờ đó chính là ông hiệu trưởng, có cả vợ và đứa con khoảng năm tuổi của ông nữa.”

    Ông nhấn mạnh: “Phải nhớ lúc đó khu vực này hết sức bất an, Việt Cộng đặt mìn dọc theo Quốc Lộ 1 rất nhiều, mìn nổ như cơm bữa. Vậy mà ông ấy chịu bỏ thời gian, bất chấp nguy hiểm, đưa cả gia đình đến cám ơn tôi. Cả gia đình ông ăn mặc rất chỉnh tề, trang trọng. Đã vậy, ông còn tặng tôi một bức tranh nữa.”

    Bức tranh vô giá của ông Lee Lagda. (Hình: Lee Lagda cung cấp)

    Đây là một bức tranh sơn dầu vẽ trên giấy, khổ 21.5 cm x 28 cm, mô tả cảnh sinh hoạt tại một ngôi chợ thôn quê bé nhỏ.

    “Ông ấy nói ông vẽ cho vui thôi. Nhưng với tôi, đây là một món quà quí giá nhất đời,” ông Lagda khẳng định một cách hãnh diện.

    Vị hiệu trưởng cũng cho ông Lagda tên và địa chỉ mình, với hy vọng hai người sẽ có dịp gặp lại nhau trong một hoàn cảnh tốt đẹp hơn.

    “Thật đáng tiếc, trong lúc di chuyển từ căn cứ này qua căn cứ khác, tôi đánh mất cuốn sổ địa chỉ với hàng trăm tên họ trong đó,” ông nói.

    Là quân nhân, ông đến Việt Nam, tưởng rằng sẽ giúp gì cho đất nước này, nhưng những gì ông chứng kiến “chỉ là sự chết chóc thảm khốc của cả bốn nhóm, lính Mỹ, lính VNCH, lương dân vô tội, và Việt Cộng.”

    Vẫn biết cái chết là hậu quả hiển nhiên của chiến tranh, nhưng tác động của cuộc chiến đã để lại cho ông Lagda những ấn tượng không thể phai nhòa, và ông không hề muốn quay lại Việt Nam bao giờ nữa.

    Chữ ký vị hiệu trưởng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    … Cho đến bây giờ, 49 năm sau.

    “Khi ông hiệu trưởng đưa gia đình đến cám ơn tôi, ông đã cho tôi thấy rằng trong những hoàn cảnh tang thương, điêu tàn nhất, người ta vẫn có thể tử tế, đứng đắn, và lịch sự với nhau,” ông nói.

    Từ ngày về nước, ông Lagda chưa bao giờ rời xa bức tranh “vẽ cho vui” của ông hiệu trưởng này.

    Ông tâm sự: “Tôi luôn luôn treo bức tranh trên tường gần nơi tôi hay ngồi trong nhà.”

    Bà Jeanette, con gái ông, nói: “Tôi chưa bao giờ thấy cha tôi khóc. Lần đầu cha tôi khóc là khi ông nhắc lại chuyện này. Ông hiệu trưởng và bức tranh để lại một ấn tượng quá lớn lao cho cha tôi.”

    Bức tranh này tượng trưng cho những gì đẹp đẽ nhất, cao quí nhất mà ông có được từ cuộc chiến Việt Nam.

    Mới đây, trong lúc lau chùi, thấy bức tranh, tụt xuống dưới trong khung, ông kéo lên thì, không ngờ, ông thấy được chữ ký của người hiệu trưởng. Chữ ký không có dấu, chỉ đọc được là “QUAN.”

    Ông cẩn thận lấy bức tranh ra khỏi khung lần đầu tiên trong suốt 49 năm. Mặt sau bức tranh là phác họa một khuôn mặt đàn ông.

    Mặt sau bức tranh là một phác họa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Từ những khám phá này, ông Lagda chợt bị thôi thúc phải quay lại Việt Nam, mong tìm được vị hiệu trưởng năm nào.

    “Cuộc gặp gỡ của chúng tôi quá ngắn ngủi nhưng tôi rất trân trọng. Chúng tôi giúp trẻ em Việt Nam vì đó là chuyện chúng tôi có thể làm. Tôi chưa bao giờ cần ai cám ơn cả. Nhưng thái độ cảm kích của người hiệu trưởng này đã làm tôi hết sức xúc động,” ông khẽ nói.

    Đầu năm 2018, ông sẽ cùng con trai là Jeff đi Việt Nam tìm vị hiệu trưởng chỉ với cái tên “QUAN” không có dấu và không có địa chỉ chính xác.

    “Tôi hy vọng tìm được ông ấy để nói rằng ông đã cho tôi bài học vô giá về tư cách con người. Không biết ông còn nhận ra tôi không.”

    Bốn mươi chín năm trôi qua với biết bao đổi thay của cuộc sống mà vị hiệu trưởng ngôi trường làng Việt Nam vẫn không phai nhòa trong lòng người lính già.

    Hy vọng chuyến đi của ông sẽ dẫn đến một kết cục có hậu.

    Nguồn:http://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/cuu...mot-buc-tranh/

  • #2
    Nhờ độc giả, cựu quân nhân Mỹ liên lạc được với hiệu trưởng Việt tặng tranh.
    Đằng-Giao/Người Việt


    Từ trái: Bà Lê Thị Yến Tuyết, hiệu trưởng Trương Văn Quảng, Trương Lê Đạo, và ông Lee Lagda​. (Hình: Lee Lagda cung cấp)

    CYPRESS, California (NV) – Cựu quân nhân Lee Lagda, 82 tuổi, từng tham chiến tại Việt Nam, hiện sống ở Cypress, Orange County, vừa tìm được vị hiệu trưởng trường làng Phú Lễ, người tặng ông một bức tranh sơn dầu cách đây gần nửa thế kỷ, bằng sự giúp đỡ nhiệt tình của độc giả báo Người Việt từ khắp nơi trên thế giới.

    Câu chuyện liên quan đến cựu quân nhân người Mỹ muốn tìm lại ông hiệu trưởng người Việt được đăng trên báo Người Việt vào Thứ Bảy 1 Tháng Bảy có thể được tóm lược như sau: Ông Lee Lagda, một sĩ quan Quân Y Hải Quân Mỹ, đến Quảng Trị giúp đỡ trẻ em trường làng vào khoảng năm 1968. Để cám ơn, vị hiệu trưởng trường làng Phú Lễ tặng ông một bức tranh sơn dầu. Bức tranh và cách biểu lộ lòng biết ơn của vị hiệu trưởng này đã làm ông Lee không thể nào quên được trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Trước đây vài tuần, ông Lee dự trù đầu năm 2018 sẽ về Việt Nam tìm vị hiệu trưởng này dù chỉ biết vỏn vẹn tên qua chữ ký trên tranh mà ông đọc thành “Quan.”

    Câu chuyện giản dị nhưng mang đầy tính nhân bản đó gây được sự chú ý đặc biệt với độc giả khắp nơi. Và mọi người cùng bắt tay vào tìm kiếm thông tin giúp ông Lee.

    Với sự nhiệt tình giúp đỡ của độc giả khắp nơi trên thế giới , ngay lập tức, ông Lee nhận được rất nhiều thông tin về vị hiệu trưởng mà ông muốn tìm. Và đã liên lạc được với gia đình này.

    Có rất nhiều độc giả ở Mỹ và các nước khác, mặc dù không quen biết vị hiệu trưởng ở Quảng Trị từ hồi 1968, cũng vội vàng liên lạc bạn bè, thân nhân ở Việt Nam để nhờ tìm giúp.

    Ông Lee kể: “Tôi rất vui khi thấy chuyện tôi và con trai tôi sắp về Việt Nam tìm ông hiệu trưởng được nhật báo Người Việt đăng tin.”

    Ông nói: “Thú thật, tôi nghĩ rằng nếu từ giờ đến cuối năm mà nhận được tin tức gì đó, cho tôi chút manh mối về gia đình này ở Việt Nam thì đã là quá may mắn cho tôi rồi.”

    “Không ngờ chỉ vài ngày sau, con trai ông hiệu trưởng đã liên lạc với tôi qua Facebook,” ông tươi cười nói. “Anh ấy tên Trương Lê Đạo, hiện là bác sĩ giải phẫu ở Sài Gòn. Người hiệu trưởng tặng tôi bức tranh tên Trương Văn Quảng. Tiếc quá, ông đã qua đời năm 2012,” ông tiếp.

    Trong lúc ấy, độc giả Đặng Hòa Bình liên lạc với phóng viên Người Việt với một thông tin rất chi tiết, được thu thập từ Facebook của một người tên Phụng Hoàng Ngọc, xác nhận rằng người trong hình đúng là ông Quảng, thầy mình.

    “Thật xúc động! Khi đọc nội dung tìm bạn cũ của người cựu binh Mỹ! Cộng đồng mạng ca ngợi Thầy Cô. Và lại là Thầy và Cô mình nữa chứ!”

    Độc giả Đặng Hòa Bình còn cung cấp cho Người Việt những chi tiết chuẩn xác: “Thầy hiệu trưởng trong hình là thầy Trương Văn Quảng, người làng Phú Lễ, xã Quảng Phú, Quận Quảng Điền, Thừa Thiên. Thầy dạy tôi lớp nhì năm 1964. Cô Tuyết vợ của Thầy dạy tôi lớp ba, năm 1963…”

    Độc giả Hồ Mai, vì cảm kích câu chuyện ân nghĩa hiếm có, đã đưa hình ông Lee lên Facebook của bà để quảng bá thông tin. Bằng cách đó, bà có được số điện thoại của con trai ông Quảng ở Sài Gòn, và gửi cho Người Việt số phone đó.

    Độc giả Trương Đình Liêm ở Việt Nam cũng liên lạc và cung cấp cho Người Việt những thông tin hữu ích.

    Độc giả Lâm-Mỹ Hòang Anh, cư dân Anaheim, tình nguyện sẽ đi cùng ông Lee từ Sài Gòn ra Quảng Trị.

    Quan trọng nhất, cô Trương Lê Đoan Trang, con gái ông Quảng, hiện đang sống tại California với mẹ là bà Lê Thị Yến Tuyết, cũng đã gọi điện thoại chào ông Lee.

    Qua câu chuyện trao đổi, cả hai bên cùng biết rằng họ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm nhau, và họ vẫn nghĩ về nhau trong những năm tháng qua.

    Ông Lee reo vui: “Trời ơi. Tôi không ngờ là đứa bé tôi bế trên tay hồi đó, nay trở thành một vị bác sĩ giải phẫu. Chưa hết, cả ba anh em trai họ Trương này đều là bác sĩ cả.”

    Bốn cô con gái của ông Quảng cùng là giáo viên trung học và hiện ở nước ngoài.

    Một trong bốn người này là Trương Lê Đoan Trang. Cô kể: “’Uncle Lee’ đã làm được bao nhiêu việc cho dân mình ở miền Trung mà mình không hay biết.”

    Y tá kiêm hiệu trưởng Quảng khám bệnh cho trẻ em và con ông (áo ca rô) (Hình: Facebook của Lee Lagda)

    Cô cho biết, vì ông Lee lập trạm y tế tại trường của cha cô mà cả cha lẫn mẹ cô đều học khóa y tá để cũng giúp dân làng như ông. Sau đó, làng có một nhóm y tá, khoảng trên dưới 10 người, và đã họ giúp được rất nhiều dân, trẻ em cũng như người lớn. “Người đứng ra huấn luyện ba mẹ tôi là Bác Sĩ Miller, nhưng tôi nghĩ do ảnh hưởng của ‘Uncle Lee mà cha mẹ tôi muốn thành y tá,’” cô nói.

    Vợ chồng ông Quảng còn làm rất nhiều việc khác để giúp làng, nhưng vì bản tính gia đình, cô không muốn nói đến những điều tốt họ làm.

    Thế nhưng, dù họ không kể, nhưng những gì ông Quảng, bà Yến Tuyết đã làm vẫn có người ghi nhớ.

    Ông Nguyễn Hữu Anh Tài viết trên Facebook về người thầy mình: “Phía sau tấm huân chương? Phía sau bức tranh sơn dầu của 49 năm… Phía trước là chữ ký thầy hiệu trưởng, là trí thức, là nhân văn. Câu chuyện từ trái tim đến trái tim vẫn luôn nhớ và biết ơn thầy cô trường làng Phú Lễ bên sông Bồ… Phú Lễ: Giàu lễ nghĩa, nhân tình, nhân ái, nơi làng quê nguyên quán của thầy…”

    Giữ những điều tốt đẹp mà cha mẹ mình đã làm vào trong lòng, như một niềm tự hào riêng, giờ đây cô Đoan Trang chỉ muốn nhấn mạnh đến những ảnh hưởng tốt đẹp mà ông Lee để lại ở làng cô cho biết bao nhiêu người.

    “’Uncle Lee’ tưởng mình chỉ gieo một hạt giống thôi mà không biết nó đã mọc thành một khu rừng,” cô nói.

    Để gởi lời cám ơn độc giả Người Việt bốn phương, bà Yến Tuyết viết trong phần “Comment” ở cuối bài:

    “Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm ơn bài viết về người quân nhân Mỹ 82 tuổi tìm người thầy Hiệu Trưởng ở Việt Nam của ông. Nhờ đó, chỉ trong một vài ngày, gia đình chúng tôi đã nhận được bài viết này từ rất nhiều người ở mọi miền trên thế giới (Ý, Việt Nam, Úc, Canada, Mỹ..). Gia đình chúng tôi đã nhanh chóng liên lạc được với vị quân y này.”

    “Cuộc gặp gỡ trên điện thoại xúc động vô ngần! không ngăn được nước mắt, tưởng dường như chồng, cha của chúng tôi vẫn đang hiện diện đâu đây, bên cuộc nói chuyện với ông Lee Lagda. Thật cảm động khi biết rất nhiều người tốt bụng đã liên lạc với tòa soạn để đưa tin về gia đình của chúng tôi. Xin chân thành cảm tạ những tấm lòng nhân ái, thông cảm, và đầy yêu thương trong dòng đời bận rộn này.”

    Cô Đoan Trang cũng nhắc đến những người có công báo tin về ông Lee cho cô.

    Người đầu tiên cho cô hay tin là Võ Sư Bảo Lan ở Ý, rồi Bác Sĩ Thanh Thảo ở Huế. Sau đó là bao nhiêu học trò cũ của ông Quảng từ Anh, Pháp, Đức.

    “Những người ở Việt Nam cũng rất có lòng. Người trong nước không đọc tin trên báo Người Việt trực tiếp được, nhưng nhờ có người đã copy bản tin rồi gởi email từ Mỹ về Việt Nam rồi họ chuyền cho nhau. Có người chạy ngay đến gia đình tôi ở Sài Gòn để báo tin,” cô nói.

    Cũng để cám ơn sư tận tình giúp đỡ của độc giả Người Việt, cô Jeanette Lagda, con gái ông Lee, viết trong email: “Tôi xin cám ơn bài báo về cuộc tìm kiếm ông hiệu trưởng mà cha tôi được gặp gần 50 năm trước giữa cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Tôi xin cám ơn TẤT CẢ những ai đã đọc bài báo này và nhanh chóng liên lạc phóng viên Người Việt với những tin tức về gia đình ông Quảng. Cuộc tìm kiếm của cha tôi đã chấm dứt và ông hiện đang trông đợi ngày hội ngộ với gia đình ông Quảng tại Mỹ cũng như với những người hiện còn ở Việt Nam.”

    Ông Lee cho biết rằng ông vẫn về Việt Nam như dự tính để nhìn lại đất nước này lần nữa và để thăm thân nhân ông Quảng.

    Trong điện thoại, cô Đoan Trang hỏi ông Lee: “’Uncle Lee’ có biết vì sao cả ba người đàn ông trong gia đình cháu cùng thành bác sĩ không? Vì cả ba người cùng muốn có cơ hội đi giúp người khác như ‘Uncle Lee’ đó.”

    Như một chuyện cổ tích với kết thúc thật có hậu, gia đình ông Lee ở miền Nam đang nóng lòng mong đợi ngày gia đình bà Yến Tuyết từ miền Bắc Cali xuống thăm, dự tính là cuối tháng này.

    Nguồn:http://www.nguoi-viet.com/little-sai...et-tang-tranh/

    Comment


    • #3
      Ông Lee Lagda hội ngộ bà Yến Tuyết, kết thúc nhân hậu một tình bạn thời chiến
      Đằng-Giao/Người Việt


      Ông Lee cầm bức ảnh chụp tại Huế năm 1968 . Bà Yến Tuyết (trái) và vợ ông, bà Raquel (phải). (Hình: Jeanette Lagda cung cấp)

      CYPRESS, California (NV) – Cựu quân nhân 82 tuổi Lee Lagda, người có ý định về Việt Nam tìm ông Trương Văn Quảng, hiệu trưởng trường làng Phú Lễ mà ông gặp 49 năm trước ở gần Huế, vừa đón tiếp phu nhân của vị hiệu trưởng này là bà Lê Thị Yến Tuyết tại nhà ông, ở Cypress, California, hôm Thứ Bảy 22 Tháng Bảy.

      Sau khi được độc giả Người Việt giúp đỡ bằng cách thu thập và chia sẻ thông tin, hai bên đã liên lạc với nhau qua Facebook và điện thoại, nhưng đây là lần đầu tiên ông Lee chính thức gặp bà Yến Tuyết.

      Lần duy nhất ông Lee gặp vợ chồng bà Yến Tuyết trước đây là năm 1968, tại Huế, Việt Nam.

      Bà Yến Tuyết báo trước rằng bà sẽ đi xe từ miền Bắc California xuống để gặp gia đình ông Lee.

      Ông Lee cùng vợ là bà Raquel đã dọn sẵn mấy căn phòng trống từ mấy hôm trước để gia đình bà Yến Tuyết ngủ lại.

      Sau khi bàn tính kỹ lưỡng, ông quyết định sẽ đãi khách tại nhà vì ông tiên liệu cuộc hội ngộ này sẽ đầy xúc động, ở nhà thân mật hơn.

      Giờ hẹn gặp nhau là 5 giời rưỡi chiều, vậy mà mới 3 giờ rưỡi, ông Lee đã thấp thỏm tìm người uống với ông ly bia.

      Ông nói: “Sao chưa thấy ai cả? Gần 4 giờ rồi. Đợi lâu quá, tôi hồi hộp quá. Phải uống thêm ly bia nữa cho bớt hồi hộp.”

      Trước 4 giờ, cô Jeanette, con gái ông, đem thức ăn đến.

      Thức ăn gồm nửa Philippines, nửa Huế. Phần Philippines có gà adobo, là món thịt gà ướp gia vị rồi kho khô; pancit, là món bún xào thịt heo; và heo lechon, là món rất giống heo quay quen thuộc với người Việt. Phần thức ăn Huế gồm có hến xào, bánh nậm, bánh bột lọc, và bánh ít trần.

      Trong phòng khách, ông Lee chưng một bình hoa lớn do con trai ông, Jeff, gởi về từ Washington, DC, chào mừng gia đình người khách quý.

      Ông Lee (ngồi, thứ nhì từ phải) bên bà Yến Tuyết và gia đình mới của ông. (Hình: Jeanette Lagda cung cấp)

      Khoảng 6 giờ, bà Yến Tuyết cùng gia đình sáu người gồm con gái, con rể, và các cháu nội ngoại đến nơi.

      Gặp ông Lee lần đầu mà các con bà Yến Tuyết đều thân mật gọi ông là “Uncle Lee.”

      Cuộc gặp gỡ đợi mong suốt nửa thế kỷ diễn ra trong không khí đầm ấm, đầy xúc động nghẹn lời như dự đoán. Thật nhiều nỗi niềm muốn sẻ chia nhưng vẫn không thốt nên lời. Cả hai bên cùng cảm nhận được điều này.

      Giữ đúng phong tục Việt Nam, bà Yến Tuyết trịnh trọng tặng ông Lee một bức tranh sơn dầu do chính tay con gái bà là Đoan Trang vẽ và một số tặng phẩm khác.

      Điểm đặc biệt về bức tranh trừu tượng này là cô Đoan Trang vẽ bằng cảm xúc chứ không bằng thị giác như thông thường.

      Cô giải thích: “Tôi cố tình bịt mắt khi vẽ vì tôi nghĩ có những cảm xúc không thể diễn tả được mà chỉ có thể truyền đạt từ trái tim đến trái tim thôi.”

      Ông Lee khoe bức tranh do cô Đoan Trang vẽ tặng. (Hình: Jeanette Lagda cung cấp)

      Đây là một xúc động vừa bất ngờ, vừa lý thú cho ông Lee. Nửa thế kỷ trước, cha cô đã tặng ông một bức tranh mà ông còn trân trọng giữ đến hôm nay.

      ‘Bây giờ, tôi sẽ treo hai bức tranh này cạnh nhau,” ông Lee chia sẻ.

      Với ông Lee, bà Yến Tuyết chia sẻ cảm tưởng của mình về thời gian 49 năm xa cách: “Tôi cứ ngỡ như chuyện xưa chỉ mới vừa xảy ra hôm qua. Và tôi có cảm giác như nhà tôi đang có mặt tại đây, chung vui với mọi người.”

      Cả hai người cùng rất tiếc vì ông Quảng đã qua đời năm 2012 tại Việt Nam.

      Sau bữa ăn, vì các con phải đi làm ngày Thứ Hai nên bà Yến Tuyết kiếu từ, ra khách sạn để mai về sớm.

      Bữa ăn tối kết thúc nhanh chóng vì ai cũng thích nói hơn là ăn.

      Gặp nhau chỉ có vài giờ, “hàn huyên chưa kịp giải bày hết tâm sự,” nên cuộc chia tay đầy bịn rịn, lưu luyến.

      Mấy hôm sau, ông Lee vẫn chưa hết cảm động chuyện bà Yến Tuyết, đã lớn tuổi rồi mà có thể ngồi xe từ miền Bắc California để xuống thăm ông.

      “Bà ấy ngồi xe suốt 9 tiếng, ngồi ăn bữa ăn với tôi rồi sáng hôm sau, lại ngồi thêm 9 tiếng nữa để quay về,” ông xuýt xoa thán phục.

      Mắt dõi xa xăm, ông khẽ nói: “Phải là người thật tình lắm mới làm được như vậy.”

      Ông Lee ngắm nghía từng món quà rồi nói: “Tôi không hiểu vì sao bà ấy biết tôi thích trà xanh. Bà ấy tặng tôi một túi trà xanh loại ngon, to lắm, chắc uống mấy năm cũng chưa hết.”

      Đêm hôm ấy, ông Lee cứ ôn đi, ôn lại cuộc hội ngộ ngắn ngủi này với vợ nên cả hai cùng thức trắng.

      Niềm vui lớn lao của vị lính già là giờ đây, ông có thêm một gia đình Việt Nam nữa.

      Có độc giả Người Việt viết rằng: “Kết thúc có hậu như một câu chuyện cổ tích thời đại.”

      Ông Lee vẫn giữ ý định sẽ đi Việt Nam đầu năm tới để gặp mấy người con trai bà Yến Tuyết còn ở trong nước.

      Ban đầu, chỉ có ông và anh Jeff đi thôi, nhưng vì thấy có cảm tình với người Việt, vợ ông là Raquel quyết định sẽ đi chung.

      Ông nói: “Lấy lòng tử tế mà đãi nhau thì bao giờ cũng đưa đến kết thúc tốt đẹp.”

      Nguồn:http://www.nguoi-viet.com/little-sai...an-thoi-chien/

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X