Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Gánh hàng rong và ông Thiên Lôi

Collapse
X

Gánh hàng rong và ông Thiên Lôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Gánh hàng rong và ông Thiên Lôi

    Gánh hàng rong và ông Thiên Lôi

    Chu Mộng Long



    Thời chiến tranh cho đến hòa bình, mẹ tôi từng còng lưng gánh hàng rong đi dạo khắp phố để nuôi anh em tôi ăn học. Nghe ông Thiên Lôi của Quận 1 tuyên bố dẹp vỉa hè dẹp luôn cả gánh hàng rong của người nghèo mà chạnh lòng. Bởi mẹ tôi cũng từng bị đuổi, bị dẹp như vậy.

    Chúng ta cần làm việc lí tính. Nhưng không thể nhìn đời bằng đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ.

    Gánh hàng rong của mẹ


    Bắt đầu từ năm cả nhà tôi tản cư từ vùng giao tranh ra thành phố, mẹ tôi phải đi bán hàng rong. Ba tôi đi lính chiến biền biệt, mẹ tôi phải một thân nuôi mẹ già, nuôi hai con ăn học bằng cái gánh hàng rong còm cõi. Tối nào cũng như tối nào mẹ miệt mài với cối xay bột, sáng dậy sớm đun bếp nấu xong một vò đậu hũ và lon ton đi khắp phố. Có hôm mẹ về sớm, có hôm mẹ về muộn tùy vận hên xui của kiếp hàng rong. Khi về nhà, gần như bao giờ mẹ cũng để lại đủ ba bát, một bát cho nội tôi, một cho anh tôi và tôi.

    Cái cảm xúc cả ngày trông mẹ về háo hức và vui lắm. Quấn quít bao quanh mẹ để được “ăn hàng”. Trẻ con bây giờ không có cái cảm xúc ấy.

    Thời ấy chiến tranh, dăm bữa nửa tháng phải chạy giặc, nhưng không đói. Gánh hàng rong của mẹ đủ nuôi cả nhà. Mà trông mẹ với gánh hàng rong đẹp lắm chứ không nhếch nhác như bây giờ. Chiếc nón bài thơ trên đầu, bộ áo dài tha thướt và đôi guốc gỗ đi hết phố này đến phố khác. Một vài lần mẹ ngồi bán trước cổng trường tôi đang học, tôi và đám bạn chạy ra, mẹ cho cả đám ăn một bữa miễn phí. Cảnh bán hàng rong thời ấy lịch sự, vệ sinh, trật tự chứ không như bây giờ. Và cũng tuyệt đối không có cảnh sát hay đám trật tự đến thu tiền hay săn đuổi nhốn nháo.

    Và những ông Thiên Lôi


    Thiên Lôi, Google

    Sau chiến tranh, cả nhà tôi hồi hương. Mặc dù làm ruộng nhưng mẹ vẫn chưa thoát khỏi gánh hàng rong. Không là gánh đậu hũ dạo phố như thời chiến tranh mà là một gánh củ khoai, gánh chuối luộc hay trái cây… trong chợ phiên ở nhà quê. Đất nước hòa bình nhưng đói khát đến cháy họng. Gì cũng thèm, nhưng nhà có cái gì mẹ đều để dành cho gánh hàng rong chợ phiên. Nhà tôi cách chợ phiên đến 7 cây số, phải băng qua gò sỏi đá bằng đôi chân trần. Đôi dép Bác Hồ cũng không có mà mang. Thường tôi phải theo phụ mẹ gánh hàng rong đi bán từ 2, 3 giờ sáng. Bán xong khoảng 5, 6 giờ, mẹ thường thưởng cho một tô bún ở cửa hàng mậu dịch. Trong lúc ngồi ăn chờ mẹ mua sắm một vài thứ rồi lại lon ton vượt gò dốc 7 cây số về nhà.

    Tất nhiên, những “phi vụ” mua bán hàng rong như mẹ tôi và những người dân ở đây không dễ dàng như thời chiến tranh. Chỉ thị ngăn sông cấm chợ bố ráp khắp nơi và phủ trùm lên cuộc sống của người dân. Các sách báo chỉ nói về sự bố ráp đối với bọn buôn lậu, con phe mà quên rằng, mấy ông Thiên Lôi bố ráp luôn cả gánh hàng rong của dân nghèo. Hợp tác xã thu mua tất cả mọi thứ nông sản để phục vụ cho mậu dịch quốc doanh. Gánh hàng rong như của mẹ tôi cũng thành “phạm pháp”.

    Tôi vẫn ám thị không nguôi hình ảnh mẹ tôi với chiếc nón cời rách tua tủa, chiếc áo nâu vá chằng vá đụp và cái quần vải tám thô lúc nào cũng xắn lên tận gối để… tháo chạy. Hôm nào không may đến 5 giờ sáng mà chưa bán xong gánh khoai hay gánh chuối luộc là mấy ông Thiên Lôi xuất hiện rượt đuổi nhốn nháo. Giằng xéo, đạp đổ thường xuyên diễn ra, gần như phiên chợ nào cũng có cảnh tượng ấy.

    Mẹ tôi cũng từng không biết bao lần ngồi bệt xuống đất, khóc đến khô nước mắt. Một gánh khoai hay gánh chuối trị giá chẳng là bao, nhưng nó lại là nguồn đổi lấy thức ăn cho đến giáp một phiên chợ 5 ngày. Mấy ông Thiên Lôi giật lấy, hoặc tịch thu hoặc dùng giày giẫm lên cho nát be nát bét để răn đe, trừng phạt tội mua bán ngoài mậu dịch.

    Cần lắm 2 chữ nhân tình

    Hàng rong bây giờ, Google

    Tôi gọi ông Quận phó Quận 1 Đoàn Ngọc Hải là ông Thiên Lôi với nghĩa hoàn toàn tôn trọng, không có ý xách mé. Bởi Thiên Lôi thì sai đâu đánh đó. Nhà nước nào cũng cần những ông Thiên Lôi để thực thi pháp luật một cách nghiêm minh. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ ông. Ông dẹp không nể nang, từ cơ quan nhà nước đến bọn giàu có hợm của, không ai làm tốt hơn ông!

    Nhưng khi nghe ông trần tình, rằng mẹ ông một thời cũng nhờ gánh hàng rong mà nuôi ông ăn học, nhưng bây giờ thì hàng rong cũng phải dẹp thì tôi thật sự chạnh lòng. Tôi hiểu, trong vai trò Thiên Lôi làm không cần nghĩ như ông vẫn còn nuôi sâu thẳm bên trong một chút tình người. Ông không quên thuở hàn vi. Nhưng ông lại tuyên bố đến lúc phải dẹp hết thì thật nhẫn tâm, giống như qua cầu rút ván. Tôi tin chắc những người nhiệt liệt ủng hộ ông dẹp luôn cả gánh hàng rong đều là những người nhẫn tâm. Bởi người ta đang lấy thước đo của lối sống trọc phú đạp lên thân phận những kẻ nghèo hèn. Tất cả đang quên rằng, trong khi mình có tiền ngồi nhà hàng với bữa ăn bạc triệu thì đang có bao nhiêu người dân nghèo, trong đó có cả các em sinh viên, phải dùng nắm xôi vài ba ngàn đồng thay bữa. Dẹp hàng rong theo cách này đúng là “xóa nghèo” triệt để bằng cuộc hủy diệt tất cả những người nghèo, cả phía người bán lẫn người mua, để những kẻ ăn trắng mặc trơn có thừa không gian hưởng lạc? Văn minh như thế là văn minh đểu, văn minh của thằng nhà giàu chỉ biết cầm chổi xua đuổi kẻ ăn mày!

    Một thành phố như xứ ta có đến quá nửa dân nghèo sống nhờ vỉa hè. Không thể bắt ăn mày phải mặc áo gấm. Không thể đang dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá mà khoe khoang sống ở thiên đường.

    Khi dạy bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, tôi thường nhấn đi nhấn lại hình ảnh “mẹ già nua còm cõi gánh hành rong”, “dăm miếng cau khô/ mấy lọ phẩm hồng”, “bước cao thấp bên bờ tre hun hút” và nhắc nhở các em: mẹ của chúng ta đấy, mẹ của miếng cơm manh áo và mẹ của cả nền văn hóa chân quê! Đừng bao giờ để tái hiện hình ảnh Lũ quỷ mắt xanh trừng trợn/ khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo/ xì xồ cướp bóc/ tan phiên chợ nghèo/ lá đa lác đác trước lều/ vài ba vết máu loang chiều mùa đông…

    Hai bất cập trong việc xử lí vỉa hè



    Trả vỉa hè cho người đi bộ là đúng, không phải bàn cãi. Dẹp thẳng tay bọn giàu có tham lam, đập thẳng cánh lợi ích nhóm, thậm chí có thể truy tố ra tòa bọn quan lại cho thuê vỉa hè để thu tiền bất chính, là điều nên làm rốt ráo.

    Và để làm được điều ấy, rất cần những ông Thiên Lôi như Đoàn Ngọc Hải.

    Tuy nhiên, nếu xét tổng quan, cách làm như hiện tại đang chứa đầy bất cập.

    Một là, dẹp vỉa hè dẹp luôn những gánh hàng rong của những người nghèo khó là đạp đổ miếng cơm của hàng triệu người. Có triệu gia đình nhờ gánh hàng rong để chạy ăn từng bữa. Có triệu ông cha bà mẹ ở quê theo con lên phố nhờ gánh hàng rong mà nuôi con ăn học. Nay coi như hết kế sinh nhai.

    Những cửa hàng lấn chiếm vỉa hè thì thu gọn vào trong. Những người buôn bán tạp hóa thì gom về các chợ. Nhưng những gánh hàng rong thì biết về đâu?

    Hai là, dẹp vỉa hè dẹp luôn chỗ để xe của khách hàng là gây khó cho gần như tất cả hộ kinh doanh ở mặt tiền. Kinh tế của một thành phố như Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các hộ kinh doanh kiểu này. Tôi tin cứ duy trì kiểu chơi rốt ráo cấm luôn khách hàng để xe vỉa hè, thành phố sẽ không khác thời cải tạo tư sản, nhà nhà đóng cửa để nhường phần kinh doanh cho cửa hàng mậu dịch. Khi ấy, xem chừng nền kinh tế đô thị sụp đổ!

    Siêu thị có chỗ để xe, còn cả dãy phố nhà liên hoàn không khoảng trống, khách hàng để xe ở đâu khi đến mua hàng? Một thành phố đa số vỉa hè chật hẹp, chưa có quy hoạch chỗ để xe, thì cũng chẳng khác gì không có công trình vệ sinh công cộng nhưng lại đòi phạt người đái đường.

    Với hai bất cập ấy, tôi tin đợt ra quân này cũng chỉ là chuyện Thiên Lôi ngồi buồn vác búa gây sấm chớp cho vui rồi đâu lại vào đấy. Muốn có một thành phố văn minh phải có giải pháp đồng bộ chứ không duy ý chí mà được.

    Tầm Thiên Lôi như ông Đoàn Ngọc Hải thì cứ thấy chướng là phang. Chứ tầm lãnh đạo có trí tuệ mà cứ mạnh tay phang búa tùy tiện thì coi chừng tự phang vào đầu mình.

    Thiên Lôi làm không cần nghĩ. Lãnh đạo phải nghĩ trước khi làm.

    Một là phát triển kinh tế với phúc lợi dồi dào, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người đang sống lây lất vỉa hè. Hai là quy hoạch cơ sở hạ tầng đảm bảo các không gian công cộng, trong đó có các khu vực, bãi để xe thuận tiện, kể cả nhà vệ sinh công cộng cho người đi bộ.

    Nhưng tôi tin giải quyết được hai bất cập trên phải thêm một thế kỉ nữa. Trước mắt, theo tôi, vẫn nên duy trì gánh hàng rong và để xe tạm thời nơi vỉa hè cho khách hàng. Điều quan trọng là trật tự, gọn gàng, vệ sinh. Đừng nói không làm được. Đội trật tự của phường thay vì đi thu tiền bất chính hãy lo làm tròn chức trách của mình thì mọi sự sẽ đi vào nề nếp!

    Mà nói thật, có khi cái gánh hàng rong lại là vẻ đẹp độc đáo của khu phố Việt. Người giàu có ăn nhà hàng hạng sang, sao có thể cấm người nghèo ăn hàng rong? Không tin cứ hỏi mấy ông Tây ba lô xem? Các ông ấy cũng thích hàng rong đấy!


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X