Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Dưới chân núi Chứa Chan

Collapse
X

Dưới chân núi Chứa Chan

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Dưới chân núi Chứa Chan

    Dưới chân núi Chứa Chan
    Đăng Nguyên

    Tôi có nhiều quê hương. Truồi là quê hương chôn nhau cắt rốn, Xuân Lộc là quê hương của đời lính chiến. Bến Gỗ là quê hương sau đổi đời. Bây giờ thêm Maryland là quê hương tạm dung nơi đất khách. Quê hương nào cũng đẹp cả. Mỗi nơi một khác. Nhưng lúc nào cũng nhớ. Nhớ núi nhớ sông, nhớ những con đường mình đi qua, con suối mình từng uống nước. Nhất là những con người đã từng gieo vào lòng mình bao kỷ niệm. Từ núi Ngự sông Hương, núi Truồi sông Truồi, đến một ngọn núi khác làm tôi nhớ: núi Chứa Chan.



    Núi Chứa Chan, ở Gia Ray, Xuân Lộc, cao 837 mét,là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Phần.
    Trại giam tù cải tạo Z30A nằm dưới chân núi Chứa Chan.

    Những người lính Sư Đoàn 18 quen với rừng cao su mênh mông, rừng già bạt ngàn miền đông đất đỏ với những trận đánh long trời lở đất chung quanh núi Chứa Chan, Gia Ray, Suối Cát, sông Ray, kéo dài tận núi May Tào, Hàm Tân, Xuyên Mộc…Ngọn núi Chứa Chan như một hình ảnh gần gủi đầy thân thương. Oái ăm thay! Tôi là lính Sư Đoàn18, sau nhiều năm lưu đày nơi đất Bắc xa xuôi, lại bị đưa về ngay dưới chân núi Chứa Chan. Trại giam Z30A Xuân Lộc. Chuyến tàu lửa chở tù cải tạo từ bắc về nam, mà trên tay còn mang còng sắt số 8, cứ hai người còng chung một còng, đổ xuống ga Gia Ray vào một buổi chiều cuối năm. Nhìn lên núi Chứa Chan trước mặt, cao xanh, sừng sửng, mà long buồn mang mát. Mới ngày nào cũng trên mảnh đất này, xa xa là đồi Phượng Vỹ, doanh trại của Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 52, nay biến thành trại giam những đứa con yêu của SĐ18. Buồn rớt nước mắt. Lòng đắng cay, đoàn tù lê thê bước chân vào trại giam mới. Ngồi trong phòng giam nhìn ra trước mặt, núi Chứa Chan cao xanh mây phủ. Chứa Chan ơi! Chan chứa tình sầu…
    Từ Nam Hà về, mang theo khí thế đấu tranh của Nam Hà vào Xuân Lộc. Chỉ vài hôm sau khi nhập trại là xảy ra biến cố. Số là các trại trong Nam thường xử dụng một cải tạo viên có sức khỏe và có võ nghệ làm Trật Tự để đàn áp anh em. Cánh Nam Hà không chịu, anh em đánh lại Trật Tự, cán bộ xuống đàn áp, tìm bắt anh em trong nhóm “hành động”, nên xảy ra cuộc tranh đấu. Tất cả anh em sắp hàng ngồi lì ngoài sân, không chịu vào phòng. Bởi vì cán bộ cầm danh sách gọi từng tên vào, để tên những người họ muốn bắt giam vào trại kỷ luật ở sau cùng, sau khi anh em vào phòng xong khóa cửa lại, số ở ngoài bị bắt đi là chịu thua. Do đó tất cả trại đồng ngồi lì tranh đấu. Tình hình sôi động cực độ, có thể xảy ra bạo động. Cuối cùng trại thỏa thuận cho cử đại diện lên thương lượng, trại đồng ý bỏ Trật Tự. Do mỗi đội tự quản dưới quyền quản giáo. Khi tất cả vào phòng trở lại, bị nhốt luôn, không cho ra ngoài một thời gian dài để trả thù, và một số anh em trong nhóm hành động bị trả thù lẻ, có người bị thanh toán mất mạng. Cuộc đấu tranh tương tự ở trại Hàm Tân cũng do anh em từ Nam Hà về gây tổn thất lớn, nhiều anh em hy sinh tánh mạng.
    Thời gian từ từ lắng đọng, nguội dần. Khoảng một năm sau, tôi được biên chế vào đội lâm sản, nói nôm na chỉ là đội chuyên môn đi cưa cây ngoài rừng để trại lấy gỗ bán, làm giàu. Anh em cũ ở đây đã có một đội như vậy rồi, nay thêm một đội mới thuộc cánh Nam Hà về. Anh em cũ nói, được vào đội này là những người sắp được tha, do đó dù đi ra ngoài rừng làm nhưng không ai trốn trại.
    Đi cưa cây rất vất vã, nhiều khi gặp nguy hiểm, cây đè bị thương hoặc chết, vào rừng bị rắn cắn, ong đốt vân vân… nhưng được thoải mái hơn. Sau một thời gian làm tốt, vượt chỉ tiêu số gỗ ấn định hàng tuần, được quản giáo dẫn ra chợ Xuân Trường cho mua đồ ăn mang về, dĩ nhiên là phải dấu hàng cẩn thận, vì lúc vào cổng trại bị xét rất gắt. Mỗi tuần vào ngày Thứ Năm, khi đã hạ mấy cây bằng lăng, hoặc cây dầu rái xong, thế là dư số mét khối ấn định. Quản giáo tập họp anh em lại, dặn biểu vài điều cần thiết khi ra ngoài chợ phải tuân hành, xong quản giáo và vệ binh dẫn cả đội khoảng 25 người ra chợ.
    Đường đi từ rừng cưa cây ra đến chợ Xuân Trường khoảng bốn cây số. Lội bộ bốn cây số đường rừng để ra chợ uống một ly cà phê đen giá một đồng bạc lúc đó, kể cũng thú vị lắm chứ! Nhất là những người bị nhốt lâu năm, nay được nhìn thấy xã hội ngoài đời, có một cảm giác rất lạ. Anh đội trưởng thì có nhiệm vụ lo cho quản giáo và vệ binh, cũng cà phê cà pháo hoặc ăn nhậu tùy thích, phí tổn do anh em hùn góp (bí mật). Mua hàng thì phần lớn cho anh em bạn bè quen biết trong trại gửi tiền mua. Phần nhiều là thuốc lào, thuốc lá, đường, sửa, cá khô, lạp xưởng vân vân…Có khi đem về đến khu sản xuất của đội, phải đào lỗ chôn dấu hàng, hôm sau mới mang vào để tránh bị tịch thu khi vào cổng trại. Kể lể dài dòng mà chưa nói đến phần chính, là tình cảm của người dân Xuân Trường đối với tù cải tạo.
    Xã Xuân Trường nằm dưới chân núi Chứa Chan, dọc theo hai bên đường số 2 từ ngả ba Ông Đồn đi Hoài Đức - Tánh Linh. Ngày xưa vùng này chỉ là rừng tre rậm rạp. Kể từ năm 1972 trong trận mùa hè đỏ lửa, Sư Đoàn 18 đã đưa dân di tản từ An Lộc - Bình Long về đây lập nghiệp, nên dân ở đây rất nhớ lính Việt Nam Cộng Hòa, có cảm tình đặc biệt với những người tù cải tạo.
    Hôm đầu tiên chúng tôi được ra đây, do các anh em bên đội lâm sản cũ thông tin trước, dân đứng hai bên đường vẫy tay chào chúng tôi, rất mừng vui. Anh em vào tất cả các quán trong chợ. Phần tôi thường chậm chạp, đứng nhìn.
    Có một quán bên góc đường của một bà già, không ai vào, tôi vào quán đó. Bà cụ khoảng ngoài sáu mươi, chào đón tôi rất nồng nhiệt, hỏi thăm anh em tù cải tạo. Như là tha hương ngộ cố tri! Vì tôi mua nhiều đường, nên bà cụ gọi người cháu gái đang đứng ngoài đường vào, biểu vềnhà lấy thêm mấy ký đường cho chú. Thì ra cô gái mặt bộ đồ màu hồng đẹp nhấtđứng bên đường vẫy tay chào chúng tôi hồi nảy là cháu gái của bà cụ. Cháu tươi cười bảo tôi :
    - Chú đi theo cháu.
    Tôi ngại ngùng, vì lần đầu tiên ra đây, vừa ngại, vừa sợ. Cháu bảo:
    - Đừng sợ, ở đây công an, cán bộ cháu quen hết,chú đừng sợ.
    Một tay dẫn xe đạp, một tay cầm lấy tay tôi kéo đi. Tôi líu ríu đi theo như một đứa trẻ. Cháu vừa đi vừa trò chuyện. Gia đình cháu gốc bắc kỳ ba mươi, vào Bình Long lập nghiệp từ thuở đồn điền cao su mới phát triển. Ba cháu là Thượng sĩ Sư Đoàn 5, sau 75 về Sài Gòn ở chợ Vườn Chuối. Bà ngoại cháu (sau này chúng tôi gọi là Má Năm) muốn lên đây ở với nhiều bà con dân Bình Long. Nhà cháu có hai chị em, người chị lúc đó đang học lớp 12, không thể đi theo bà ngoại được, nên cháu phải hy sinh, đi theo bà ngoại lên vùng kinh tế mới. Xã này lúc đầu chỉ có cháu là học lực cao nên được chọn làm cô giáo. Cháu tên Mai Hoa, một cái tên rất đẹp. Đẹp như người của Mai Hoa vậy.
    Nhà cháu không xa chợ bao nhiêu. Đi chẳng bao lâu mà đã tới nhà. Vườn ở kinh tế mới được chia thành từng ô vuông. Căn nhà tranh nhỏ rất gọn gàng, ở giữa là bộ bàn với bốn ghế. Mai Hoa mời tôi ngồi ghế, rồi lấy chiếc quạt bằng lá phe phẩy quạt cho tôi. Lần đầu tiên sau ngày đứt phim, gãy gánh cho tới bây giờ tôi mới dược một người con gái đẹp chăm sóc thân tình như vậy, làm tôi cảm động ứa nước mắt.
    Cháu rất hồn nhiên, pha nước trà, dọn thức ăn, nói năng dịu dàng, như đã quen thân từ lâu, tôi thật không tin vào mắt mình được. Tưởng như đang mơ. Tôi ngồi ăn, bởi không thể từ chối được.
    Mai Hoa lấy cái đàn ghi ta treo bên vách, vừa đàn vừa hát nhạc vàng cho tôi nghe. Thời giờ đi qua mau lắm, mới đó mà đã tới giờ tập họp để về trại . Mai Hoa dẫn tôi trở lại quán bà ngoại,còn nhét vào túi xách đầy thức ăn. Má Năm hỏi cháu:
    - Có dọn cơm cho chú ăn không?
    Mai Hoa nói dạ có.
    Má Năm dặn tôi: mỗi tuần ra đây là cứ vào nhà, nhà không có ai, chỉ có hai bà cháu, đừng ngồi la cà ngoài quán, cháu nó thích mấy chú ra đây lắm. Ở đội cũ mấy chú ấy cũng vậy, hễ Thứ Năm là cháu nghỉ dạy học, ở nhà đón mấy chú…
    Thời gian trôi qua như vậy. Cả đội chúng tôi tình cảm khắn khít với dân xã Xuân Trường. Không chỉ một mình cô giáo Mai Hoa, mà còn các cháu Lệ, cháu Thủy, gia đình chị Long, v.v. rất thương quý chúng tôi. Ngày đầu còn bỡ ngỡ,những lần sau, cứ ra tới chợ là anh em mạnh ai nấy đi, lẫn vào nhà dân cho tới giờ tập họp vào rừng trở lại, nào là tay xách nách mang, đủ thứ đồ ăn.
    Cũng hơn một năm dài như vậy mới đến ngày chúng tôi được tha về, hầu hết anh em trong đội cưa cây đều được tha một lượt với tôi. Khỏi nói, ra tới ngả ba Ông Đồn, tất cả anh em cưa cây chúng tôi đón xe quay lại chợ Xuân Trường để từ giã bà con. Nhà chị Long đầy khách tới chúc mừng anh em được về với gia đình. Các cháu Lệ,Thủy lo nấu nướng đủ thứ, anh em bị cầm giữ suốt đêm cho tới ngày hôm sau mới về được. Riêng tôi, vừa ra tới nhà, cháu Mai Hoa lục túi lấy tấm giấy ra trại dấu đi, rồi tổ chức tiệc mừng, tôi cũng phải ở lại qua đêm với Má Năm và cháu Mai Hoa.
    Sáu giờ sáng hôm sau, đón chuyến xe đò sớm nhất, Má Năm, Mai Hoa, Lệ, Thủy, chị Long,... và nhiều bà con chợ Xuân Trường tiễn đưa chúng tôi về nhà với những lời cầu chúc may mắn.
    Xe lăn bánh, chúng tôi ai cũng bồi hồi xúc động. Núi Chứa Chan trong sương mờ buổi sáng, xa dần, mờ dần…Nhưng trong lòng chúng tôi, tình cảm của những người mẹ, người chị, người em, người cháu… của xã Xuân Trường không bao giờ phai nhạt. Chúng tôi đã nợ những chén cơm Phiếu Mẫu mà chúng tôi chưa làm gì được để đền ơn. Giờ đây ở hải ngoại, anh em phân tán mỗi người mỗi nơi. Nhớ nhau không biết làm gì. Hướng vọng về quê hương, nhớ núi Chứa Chan, nhớ xã Xuân Trường…
    Huế có câu ca dao:

    Núi cao chi lắm núi ơi
    Núi che mặt trời không thấy người thương
    .

    Đăng Nguyên
    Virginia, Thu 2011

    Nguồn:http://www.nvbonphuong.com/forums/sh...E1%BB%A9a-Chan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X