Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những năm tháng khi ra tù

Collapse
X

Những năm tháng khi ra tù

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những năm tháng khi ra tù

    NHỮNG NĂM THÁNG KHI RA TÙ


    Từ Hà Nam Ninh ngoài Bắc bọn cai tù chuyển chúng tôi về trại Hàm Tân Z 30C, những anh em không bị bệnh phải đi lao động tiếp tục, còn tôi loại “bất khiển dụng“ đã có hồ sơ bệnh án từ nhiều năm trước, từ cái ngày bị té trên núi Hoàng Liên Sơn trong khi đi chặt cây phát quang, lăn từ trên cao xuống lưng chừng núi, gây chấn thương thần kinh tọa cốt.

    Tôi được nghỉ lao động vì bị liệt chân phải, đi đứng phải chống nạn gổ do thằng bạn trong tổ mộc làm cho đã lâu lắm rồi.

    Trong trại Hàm Tân Z30C, suốt ngày lanh quanh trong gian phòng, ngoài tôi còn có anh lo vệ sinh lán trại nên cũng đỡ buồn. Trại Z30C được xây dựng sau này với kiến trúc thô sơ, mái bằng tôn, vách bằng gạch đỏ nên được gọi là“ nhà đỏ“. Sàn nhà tù làm bằng nền xi măng cao năm tấc có một đường đi chính giữ, hai bên chính là chỗ ngủ của tù mỗi tối.

    Một bữa nọ trong khi tất cả đều đi lao động bên ngoài, tôi đang trùm mền kín đầu, bỗng nghe tiếng quát, bao giờ tuị nó cũng quát để thị uy: “Ai nằm đây?“ Tôi mở chiếc mền từ từ ra khỏi mặt và nói “Tôi, tôi bị bệnh“.

    Thực ra họ đã đọc hồ sơ bệnh án của tôi từ lúc chuyển trại, nhưng hỏi vẫn cứ hỏi. Anh chàng công an mặt còn trẻ gắt gỏng tiếp: “Bệnh gì“. Tôi có đủ bệnh kinh niên và thương tật trong người mang từ ngoài đời vào và có thêm bệnh do trong tù gây ra, nhưng không muốn trả lời cái kiểu hỏi gắt gỏng như thế này nên nói nhanh “Thì cán bộ đọc hồ sơ thì biết“. Dường như hắn có vẻ khó chịu trước thái độ bất cần đời của tôi; và hắn cũng đã từng nói trong các buổi họp tại hội trường rằng ”tù các anh từ ngoài Bắc vào đây là loại không cải tạo được“. Hắn bị khựng lại trước cách trả lời của tôi.

    Tôi chơi ngẵn hỏi lại chừng nào tôi đuợc về cán bộ?“. Thực ra khi chuyển chúng tôi từ trong Nam ra Bắc là đã hiểu không có ngày về, và cũng có nghe tin đồn từ khi còn ngoài Bắc rằng “nếu đưọc thả ra thì cũng phải ở lại khai khẩn đất hoang trên vùng Hoàng Liên Sơn định cư vĩnh viễn; ai nhắn vợ con ra sống cùng thì cho phép bằng không thì muôn đời xa xứ”.

    Chuyện ngày được thả không còn quan tâm tới nhiều như khi mới tập trung trong trại Long Giao, cho nên hỏi để làm ứa gan tay công an này mặc dù giờ mình đã được chuyển trại vào Nam.

    Khi nghe câu hỏi của tôi, tay này bèn quát lớn tiếng: “Thì bao giờ anh học tập tốt, đủ bốn tiêu chuẩn cải tạo tốt thì được Đảng Nhà Nước khoan hồng cho anh về, hỏi vớ vẩn .. “.

    À, tôi cười thầm trong bụng: “Cái đồ lừa tiếp nữa“, tôi thẳng thừng nói từ từ thật rõ từng tiếng: “Thôi tôi biết rồi cán bộ ơi“. Anh chàng này không ngờ gặp một phản ứng dám nói thật như tôi nên to tiếng hơn gắt tôi “Anh biết gì? “. Anh ta cố ý hỏi gằn lại ”anh biết gì” như kiểu cả vú lắp miệng em không muốn cho tôi nói…

    Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta nói “Cán bộ đừng dùng cái bánh vẽ ấy nói với chúng tôi nữa, này nhé trong đám chúng tôi được chuyển từ Bắc vào đây có người đã từng là lán trưởng đội trưởng, được bình bầu bao nhiêu lần là cải tạo viên xuất sắc, nhưng họ vẫn đi theo chúng tôi đây, họ là cải tạo tốt sao đâu có được về đâu? “.

    Tôi không cương lúc này mà có bằng chứng thật, bao nhiêu người cận kề trong trại trong đội tôi cũng từng tỏ ra tiến bộ, cải tạo gương mẩu, thậm chí còn lập công, làm ăng ten hại đồng đội để được tha sớm; nhưng vẫn đi theo với tôi từ Bắc vô Nam cho nên tôi mạnh miệng bắt chẹt anh chàng hay quát nạt này.

    Tôi tố tiếp: “Đã có những người từng trốn trại bốn lần, mà họ vẫn được thả về sớm hơn chúng tôi nhiều lắm, thế thì đó có phải là cải tạo tiến bộ không? “.

    Sỡ dĩ tôi nói như thế vì tôi biết chính xác bạn tôi, trong đội của tôi khi mới vừa đến trại Thác Bà Hoàng Liên Sơn chỉ sau hai tuần (chờ tích trữ lương khô và muối cho đủ) thì họ trốn ngay vào giờ vừa tắt ngọn đèn dầu đi ngủ.

    Sau 24 giờ bầm dập băng núi rừng trùng điệp của dãy Hoàng Liên Sơn toàn bằng đá vôi, tất cả đều bị bắt trở lại, vì mọi người dân miền Bắc quanh vùng bị nhồi sọ và là tai mắt cho chính quyền.

    Chưa hết họ được chuyển trại đi nơi khác ngay tức khắc, và rồi cũng đã trốn ba lần nữa ở những trại khác cũng chung Liên Trại này. Nhưng có điều may mắn họ không bị xử bắn như hồi một năm đầu ở Long Giao.

    Và cuối cùng họ cũng được thả ra sớm đến mấy năm trước khi chúng tôi được chuyển vào Nam, tôi đoán rằng họ có gia đình thân nhân làm cán bộcao cấp?

    Đuợc chuyển vào Nam cũng có nguyên nhân của nó, nghe đồn phía chính phủ Mỹ đã thương luơng trao đổi có điều kiện với Bắc Việt để đám anh em chúng tôi được qua Mỹ. Nếu không có chuyện này thì chắc chắn chúng tôi phải định cư lập nghiệp suốt đời và chôn vùi ngoài đất Bắc.

    Câu nói của tôi về chuyện các người trốn trại đã được thả ra sớm có phải là “cải tạo tiến bộ không“ đã làm anh chàng công an điên lên; hắn khựng lại trong vài giây để tìm lối thoát, hắn bí lối nên xuống giọng không còn quát nữa: “Thì đó thì là trường hợp cá biệt“.

    Tuy vậy hắn vẫn cố khống chế tôi: Các anh từ Bắc chuyển về đây, tôi biết các anh đại bộ phận đều là thành phần ngoan cố không cải tạo được, mà thành phần không cải tạo được thì đừng bao giờ mơ ước được Đảng,Nhà Nước cho về“. Nói xong hắn lặng lẽ bỏ đi.

    Tôi hiểu vì sao bảo chúng tôi là thành phần ngoài Bắc chuyển vào là thành phần không cải tạo được, vì mới vài tuần đây thôi, trại Z30D gần cạnh trại tôi chừng hai cây số đã bùng phát một cuộc nổi đậy chống đối,, họ tuyệt thực, không đi lao động. Họ là những người tù của trại A Hà Nam Ninh cùng trại với chúng tôi mới chuyển vô Z30D Hàm Tân.

    Ngay ngày hôm ấy bọn cai tù và cả Bộ Chỉ Huy nhường một buớc chấp nhận yêu sách để làm dịu tình hình; sau đó điều tra từ những người làm ăng ten để bắt tất cả những thành phần chủ mưu đem chuyển họ ra trại Xuân Lãnh tuốt ngoài miền Trung khắc nghiệt hơn.

    Tâm tư tôi không màng đến ngày được trả tự do nữa một khi họ đã cố ý kết tội. Cả nhóm 38 người bị bệnh cùng chung với tôi ở Yên Bái di chuyển về Quãng nInh, rồi về Hà Nam Ninh đã được thả ra hết chỉ còn một mình tôi bị giam giữ tại đây.


    Một buổi sáng cả năm sau, cả trại được nghỉ đi lao động và dồn lên hội trường. Ngồi xếp hàng ngay ngắn để được gọi rằng “được lên lớp“. Nói lòng vòng giải thích chuyện Cách Mạng, Đảng Nhà Nước khoan hồng nhân đạo đối với những người “có tội ác, có nợ máu với nhân dân“. Cái mửng này đã nghe chật lỗ tai và nghe để mà nghe không chú ý đến thì bỗng nhiên họ tuyên bố hôm nay trại thả một số anh có hiện tượng cải tạo tốt.

    Tôi vẫn chắc như đinh đóng cột rằng không có tên mình, nhưng sau khi đọc đến tên thứ bảy mươi hai thì bỗng có tên Nguyễn Trãi. Anh chàng đọc tên hôm nay chính là người đã đến chỗ ngủ của tôi năm trước gắt gỏng tra khảo tư tuởng tôi. Quả thật họ nhớ dai để bụng lâu vậy, vì vừa đọc tên tôi, liền nói tiếp câu nữa: “Như cái anh này nà, tư tưởng cũng có mặt này mặt khác, còn lấn cấn, nhưng nhờ ơn Đảng Cách Mạng, Nhà Nước và Trại cũng xét cho anh ta về đoàn tụ với gia đình“ .

    Tôi có mừng trong bụng khi nghe tên mình trong danh sách nhưng liền nghĩ “Ối cái đồ gian ngoa, thả tôi là do quyết định từ Bộ Nội Vụ ngoài Bắc, chẳng liên quan gì tới chúng mày“.

    Họ dồn những người được thả vô ở chung trong một hai dãy nhà gọi là “cách ly“ với những người còn ở lại vì sợ “trao đổi linh tinh, hay gởi gấm thư từ “.

    Chưa được thả ra ngay mà còn giữ lại thêm 10 ngày nữa để “làm lao động Xã Hội Chủ Nghĩa“ mà chúng tôi gọi là lao động bóc lột công sức cuối cùng. Riêng tôi vẫn được ở nhà không đi lao động vì thuộc thành phần bất khiển dụng từ ngoài Bắc đã sáu bảy năm trước.

    Ngày cuối cùng của một cuộc đời tù, mỗi ngưòi được lần lượt gọi lên Ban Chỉ Huy Trại để nhận lại "quân Tư Trang“ của mình mang theo từ lúc nhập trại của bảy tám năm trước, và được phát 25 đồng tiền đi đường.

    Không có nổi một chiếc xe để chở chúng tôi ra quốc lộ, phải đi bộ trên con đường đất gồ ghề từ trại ra tới đường lớn đón xe đò đi về Sài Gòn.

    Ôi chao ôi, bên ngoài thấy cái gì cũng lạ lẫm, cũng mới mẻ nhứt là chiếc xe đò chạy bằng than đá mà từ khi cha sinh mẹ đẻ tới giờ chưa bao giờ thấy. Xe yếu quá chạy lên dốc Ông Đồn không nổ , nó muốn tụt xuống trở lại, mọi người hành khách phải xuống xe phụ đẫy cho xe lên dốc.

    Chúng tôi cảm động muốn rơi nước mắt khi thấy tình của người dân dành cho chúng tôi khi vừa bước lên xe. Họ hiểu ngay là mới được thả tù (nhìn áo quần và thân thể ốm nhom là biết ngay).

    Hai mươi lăm đồng tiền trại phát đi xe chỉ xài được tới dốc Ông Đồn là hết sạch. Người lơ xe thu tiền xe thông cảm và không thu tiền xe tiếp tục cho đến Sài Gòn, họ tự ý nói “tiền của anh hai mươi lăm đồng này chỉ đủ trả tới đây thôi, nhưng em không lấy tiền thêm nữa đâu”.

    Phải nói rằng tâm trạng tôi lâng lâng và xúc động lạ thường cho ngày đầu tiên ra khỏi chốn lao tù, rồi đây tôi sẽ làm cho cả nhà tôi nhứt là người vợ chờ đợi trên bảy năm sẽ phải ngạc nhiên và sung sướng hạnh phúc biết dường nào, vì tôi về mà không hề có biết trước.

    Cũng may có một người thanh niên anh ta bắt chuyện lúc còn trên xe than, anh nói “tôi nhìn anh là biết ngay anh mới được ra tù“ Anh như sợ tôi nghi ngờ điều gì đó nên mới trấn an “Tôi cũng là người lính như anh, nhưng chỉ cấp bậc chuẩn uý nên không bị đi cải tạo lâu “.

    Tôi hỏi anh ấy: “Một lát nữa làm sao tôi biết cách nào, xe nào để về nhà tôi ở Nhà Thờ Ba Chuông trên đường Trương Minh Giảng, anh làm ơn chỉ giùm“.

    Người thanh niên như hiểu được sự lo lắng của tôi: “Anh yên tâm đi, khi nào tôi xuống xe thì anh cũng xuống và đi theo tôi“ .

    Thế rồi chiếc xe ì ạch cũng bò về tới Ngả Tư Hàng Xanh, và mọi người xuống hết. Tôi vẫn phải chống cái nạng và đi theo anh ấy, mà trên vai cũng còn có một cây đàn Guitar thùng tôi tự làm lấy từ ngoài Hoàng Liên Sơn, cùng với chiếc túi xách đựng đồ lặt vặt mà tôi đã mang từ ngày vào trình diện Trường Kỹ Thuật Phú Thọ hôm tháng sáu năm 1975.

    Anh bảo tôi lên một chiếc xe Lambretta đi theo anh về Chợ Bà Chiểu, chợ này thì tôi có biết và còn nhớ, nhưng quang cảnh đều khác lạ trong tôi.

    Xuống xe Lambretta anh bảo tôi: “ Tôi muốn đãi anh ăn một bữa hôm nay sau khi ra khỏi tù“. Tôi bị bất ngờ và rất cảm động trước tình cảm của anh dành cho tôi. Tôi nghĩ bụng “sao đời vẫn còn đẹp quá“.

    Mèn ơi, thấy ngon tuyệt vời với tô bún măng vịt mà hơn bảy năm rồi đâu có biết tới, anh mua một gói thuốc capstan cho anh hút và cả tôi, xong anh bảo tôi giữ lấy để mà hút.

    Chưa hết đâu, anh cầm tờ giấy một trăm đồng nâng bàn tay tôi lên đặt vào trong đó và nói: “Tôi biếu anh chút tiền để đi về xe“. Thật là bất ngờ và tôi thực sự cảm động trước cử chỉ giúp đỡ này, mà dường anh cũng đã biết tôi không có tiền để đi xe ngay từ Dốc Ông Đồn. Tôi không ngờ trên đời này vẫn còn có nhiều người tử tế quá, trừ cái bọn… Tôi xúc động gần như muốn khóc, khóc vì hạnh phúc đầu tiên khi buớc ra khỏi nhà tù.

    Anh dặn dò tôi rất kỷ lưỡng: “Anh ra khỏi chợ này anh gọi xích lô bảo chở về Nhà Thờ Ba Chuông nha anh, chúc anh trở về an lành“.

    Sao tôi ngớ ngẩn đến dại khờ, có lẽ vì rất xúc động trước tấm lòng của anh, cho nên quên mất hỏi tên anh và địa chỉ, sau khi rời xa rồi mới thấy mình ngu.

    Tôi chưa về ngay mà chống cái nạng len vào chỗ bán hoa, tôi mua một bó hoa loại người đã bó sẵn để mang về tặng cho người vợ đã đợi chờ tôi hơn bảy năm tù tội. Người mà đã từng lần mò ra tận miền đất Bắc thăm tôi mấy lần và khi vô trong Nam cũng đến thăm nuôi nữa. Nếu không có sự thăm nuôi mang quà từ ngoài vào chắc có lẽ tôi không có thể còn sống để trở về vì cái đói. Tôi muợn bó hoa này thầm cám ơn vợ, người mà đã chờ đợi tôi đúng tám năm từ ngày quen nhau cho đến ngày cưới, một năm sau khi cưới thì đi tù mãi tới bây giờ sẽ được hạnh ngộ chừng nửa giờ hay một tiếng nữa đây.

    Tôi cũng không quên mua một hộp bánh dành cho mấy đứa cháu con của những người chị vợ sống chung một nhà lúc này. Chiếc xích lô về tới Nhà Thờ Ba Chuông sau đó đi ngang cái cổng mói xây của cư xá Kiến Thiết mà tôi không nhận ra. Người xích lô cứ chờ tôi bảo dừng lại mà tôi không nói vì không còn nhận chỗ nào với chỗ nào.

    Cuối cùng chạy mãi tới Giáo Xứ Tân Sa Châu mới vòng trở lại. Tôi đi bộ một đoạn để tìm căn nhà gia đình vợ. Một tay tôi chống nạng, một tay tôi cầm bó hoa và hộp bánh, cây đàn thì máng trên vai, bước chân khập khễnh khi tới trước cửa nhà thì nghe tiếng một người đàn bà cạnh nhà vợ tôi đang dổ đứa con đang khóc: “con nín đi chớ không ông ăn xin này bắt đó“. Vì tôi giống y hệt một người đi xin ăn, dạo đó có phong trào đi xin ăn mang theo cây đàn để ca hát dạo khắp các ngả đường.

    Tôi đặt bước chân lên bậc thềm nhà, lòng tôi hồi hộp vô cùng, tim đập mạnh và xúc động vì sẽ bất ngờ làm cho gia đình ngạc nhiên. Một người nhận ra tôi trở về, cả nhà uà ra la lên trong nước mắt của sự vui mừng khôn siết nhất là vợ tôi ôm lấy tôi và nghẹn lời không ai nói được lời nào.

    Trụ sở Hội Đồng Nhân Dân Phường 14 Quận Phú Nhuận nằm chình ình trước nhà tôi, tiệm chụp hình Mai Anh, hằng ngày có tên Chủ Tịch cứ lai vãng thường xuyên trong tiệm hình, tôi khó chịu lắm, không muốn gặp mặt. Nhưng tại tên này đang cố tình tán tỉnh bà chị vợ goá chồng nên không làm khó dể cho tôi, mà tôi cũng khỏi phải đi trình diện tại Phường.

    Một tháng phải trình diện dưới Thành Phố một lần thì vợ tôi lo đi với viện dẫn tôi bị bệnh chân cẳng khó khăn. Mỗi tuần cả hai vợ chồng phải vào Bệnh Viện Chợ Rẫy chạy chữa cái chân bị bại liệt vì chấn thương thần kinh toạ cốt.

    Sáu tháng sau thì tôi bỏ đi nạng, tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện sinh nhai. Gia đình là tiệm chụp hình, cả nhà đều sống bằng nghề ấy, ngay cả vợ tôi cũng đi chụp hình đám cưới mỗi khi có người ta mời. Tôi đã biết chụp hình từ khi trong lính, khi hành quân bao giờ cũng mang theo máy ảnh và chụp những pha đánh nhau ngay tại chiến trường; do đó tôi nhanh chóng dành lấy công việc của vợ.

    Cơ quan Văn Hoá Thông Tin Quận Phú Nhuận ra sắc lệnh bắt buộc mọi tiệm chụp hình phải có bằng Nhiếp Ảnh và giấy chứng nhận hành nghề mới được chụp hình trong tiệm hình, và ngay cả những khi chụp đám cưới đám tang hay đám sinh nhật.

    Luật còn bắc buộc những người có bằng phải vào trong Hội Nhiếp ảnh trực thuộc Nhà Văn Hoá Thông Tin thì mới được cấp giấy phép hành nghề.

    Tôi có người bạn đang làm Hội Trưởng Nhiếp Ảnh của Quân Phú Nhuận nên đã ém nhẹm lý lịch của tôi, không khai rằng tôi là Sĩ Quan chế độ cũ trong hồ sơ gia nhập hội Nhiếp Ảnh. Vì rằng hồi này Chính Quyền CS cấm những người đi tù về làm ba nghề: hớt tóc, vá xe đạp và chụp hình. Họ sợ làm những nghề này là cơ hội tuyên truyền bôi nhọ chế độ.

    Hai lần thi tay nghề, tôi đều đậu hạng thứ 5 trong số 150 thí sinh cho cả Quận, một lần cho Quân Tân Bình và một lần cho quân Phú Nhuận đều được xếp hạng khá cho cả thi chụp ảnh, rửa ảnh phòng tối và chấm sửa ảnh (không có photoshop như bây giờ).

    Thế là tôi bon chen và trở thành tay nhiếp ảnh chuyên nghiệp cho cả hai quận và được giấy phép đi chụp khắp Sài Gòn Gia Định khi có đám cưới đám tang hay sinh nhật được mời.

    Công việc trở nên khấm khá, phát đạt, suốt bảy ngày không nghỉ, nhất là cuối tuần chụp đám cưới không có tuần nào mà không có đám cưới họ mời. Có khi phải chạy Show, và vợ phải đảm nhận một đám tôi một đám.

    Công việc chụp hình đám cưới có nhiều thú vị, vì là ngày vui nên tất cả ai cũng diện áo quần thật đẹp, và công việc của tôi luôn luôn tiếp xúc với những người đẹp, nhất là cô dâu chú rể trong ngày cưới hay ngày đưa họ ra các công viên để chụp Chân Dung Nghệ Thuật Có Chủ Đề trước vài tuần hay một tháng và làm cho họ một tấm hình lớn để chưng ngày đãi tiệc tại nhà hàng.

    Bữa nọ đang chụp cho Cô Dâu Chú Rể cùng gia đình thân nhân hai họ trước cửa nhà hàng Lê Lai (gần Ga xe lửa cũ); một người bồ cũ của chú rể phát giác chú rể đang làm đám cưới với người khác trong khi đã có với mình một đứa con ba tuổi. Cô bồ này đi mướn đến 50 người toàn là dân anh chị kéo đến “tấn công“ đám cưới. Tôi đang cùng vợ phụ với tôi chụp cho dâu rể đi chào bàn trên lầu hai, một đám cưới của con ông chủ trại cưa rất giàu có nên vô cùng sang trọng và to lớn. Bỗng nhiên 50 người đánh ghen này kéo tới, mặc dù Nhà Trai đã dặn trước đám bảo vệ Nhà Hàng Lê Lai có súng AK rằng bằng mọi giá không cho bất cứ ai lên lầu.

    Một cô trong đám 50 người được mướn, đã đánh lừa đám Bảo Vệ và đã chạy được lên lầu 2 tay cầm bịch át xít âm mưu tạt cô dâu và ba của chú rể mà thôi.

    Tôi đang đưa cao chiếc máy ảnh lên chưa kịp bấm thì vụt thấy chú rể hớt hãi mặt lấm la lấm lét rời khỏi chỗ đứng cùng với cô dâu và hai bên cha Mẹ trong lúc chuẩn bị chụp lúc đi chào bàn.

    Bằng một phản xạ tự nhiên, tôi nhìn sang bên trái ngay dưới chân tôi là một “đống người“ đang vật cô gái trong đám đánh ghen lén lên được. Có cả chục thanh niên bạn của chú rể không biết tại sao mà phát giác ra cô này, tay cầm bịch át xít còn trong tay.

    Sự dằn co xảy ra bịch át xít bị mở miệng túi bằng nylong; chất màu vàng ngệ chảy ra, tôi vội kéo tay vợ tôi rời xa chỗ ấy kẻo văng dính. Ngay sau khi ấy đã thấy cô dâu đã thay bộ đồ bộ, cô ta muốn nguỵ trang để không nhận ra cô là cô dâu.

    Một cô con gái được mướn tạt át xít dù có dữ dằn cỡ nào cũng không làm lại mười chàng thanh niên. Át xít đã bị tung toé nhưng tôi không thể nhận ra được có ai bị thương.

    Cảnh náo loạn trong đại sảnh xảy ra, gần cả ngàn thực khách xô đẩy nhau tìm lối thoát, bởi vì nghe át xít ai cũng kinh hoàng họ nhớlại vụ tạt át xít cô vũ nữ Cẩm Nhung đã một thời nổi đình nổi đám tại Sài Gòn.

    Cuối cùng bằng một lối cửa sau của lầu hai, người bồi bàn đã nhanh chóng chỉ cho hai vợ chồng tôi ra khỏi, bằng cầu thang nhỏ phía sau nhà hang. Hai chúng tôi tìm lối ra mặt sau để đón taxi về nhà mà không dám đến phía trước nhà hàng Lê Lai để xem sự thể đang ra sao.

    Đến 11 giờ đêm tôi tìm anh Nhung, người lái xe hoa ở cạnh nhà tôi cho biết, Công An Phường Bến Nghé (trước chợ Sài Gòn) dùng xe áp sát cửa cầu thang nhà hàng để áp tải cô dâu, lẫn cô tạt át xít vào xe. Đặc biệt cô dâu được trùm kín cả thân thể.

    Xe Công an chạy trước, cả đám người của hai họ Nhà Trai Nhà Gái chạy theo sau, từ Nhà Hàng Lê Lai về Phường Công An Bến Nghé rất gần. Sau khi vào bên trong xét hỏi giấy tờ cả cô tạt át xít lẫn cô dâu thì mới biết tất cả đều thuộc Quân 11 và Quận Tân Bình. Công An không muốn giây dưa vào vụ này bèn bảo rằng “không thuộc địa bàn trách nhiệm“ và họ áp tải tất cả về Quận của hai đương sự.

    Nhà Gái huy động toàn lực lượng rất đông những thanh niên chạy xe Honda 67 làm hậu thuẫn cho họ Nhà Gái chạy đàng sau xe Công an, Họ Nhà Trai cũng không kém và tạo thành một đoàn xe tràn ngập đầy đường. Riêng cô được mướn tạt át xít mặc dù trước đó có cả gần chừng 50 người do cô bồ cũ của chú rể đi cùng xem như một lực lượng rất đáng ngại cho trận đánh ghen, thế nhưng lúc này thấy tình hình bất lợi vì đã bị Công An bắt giữ người chủ chốt nên họ đã dạt ra tản mát không còn chạy theo yểm trợ cho người tạt át xít là bao.

    Cảnh náo loạn trên những con đường kéo dài từ Chợ Bến Thành về Quân 11 như là một cuộc đua xe vô cùng ồn ào. Phe của Nhà Gái quyết chí bảo vệ Cô Dâu cho tới cùng, họ cảm thấy như bị nhà Trai lừa mình trong khi chú Rể đã có một con ba tuổi với cô bồ cũ. Sau khi về đến Công An Quận 11, vì đêm đã khuya họ hẹn ngày mai giải quyết và giữ cô tạt át xít lại, hai họ được mạnh ai về nhà nấy.

    Cha Mẹ Chú Rể, một chủ Xưởng cưa giàu có không muốn mất mặt hàng xóm láng giềng “tại sao hôm nay lễ Rước Dâu mà không có cô dâu về nhà chồng“ nên năn nỉ họ nhà Gái và kể cả đơn vị Công An bằng lòng cho Cô Dâu về nhà Chú Rể chỉ một đêm nay thôi rồi ngày hôm sau trở về nhà của mình để chờ giải quyết phân xử.

    Họ nhà Gái biết rất rõ Ba Mẹ Chú Rể muốn đặt con gái mình vào cái thế đã rồi “sau một đêm Tân Hôn“ tức là biến con gái mình thành đàn bà và như thế sẽ chịu nhiều điều kiện thiệt thòi không thỏa đáng do nhà Trai đưa ra trong khi phân xử. Gia Đình Cô Dâu nhất định giữ Cô Dâu “còn nguyên vẹn“ cho tới cùng, có như thế mới ở thế thượng phong bắt buộc gia đình chú rể phải chịu điều kiện. Họ nói “trước sau gì Con gái của chúng tôi cũng là con Dâu của anh chị, không phải vì về nhà anh chị một đêm nay thì mới là con dâu, và nó sẽ về với gia đình anh chị với một điều kiện duy nhất rằng anh chị phải giải quyết dứt khoát chuyện cô bồ cũ của con trai của anh chị trước đã“.

    Trước áp lực của hàng trăm người bên họ nhà Gái đang bao quanh, và với cái lý lẽ cứng rắn của Cha Mẹ Cô Dâu, gia đình bên nhà trai đành phải để cho Cô Dâu về nhà của Cha Mẹ ruột.

    Tại Công An Quận 11 họ đã tìm ra nguyên nhân tại sao có chuyện tạt át xít. Cách đây ba năm chú rể cặp bồ với một người con gái cùng phường, đã ăn ở với nhau trong sự vụng trôm và đã có đứa con trai ba tuổi. Gia đình chú rể thuộc nhà danh giá không thể cưới con dâu cho con trai mình mà tình trạng gia thất và tư cách xã hội không đứng đắn, cô bồ thuộc diện ăn chơi cờ bạc hút xách y như gái giang hồ.

    Gia đình chú rể khuyên ngăn cách nào cũng không được, đã vậy chú rể còn về nhà ăn cắp ba cây vàng của cha mẹ sang làm đám cưới với cô bồ, trong đám cưới có quay phim chụp hình ngõ hầu làm bằng chứng để hợp thức hoá cuộc hôn nhân.

    Trong lúc đám cưới xảy ra, cha Mẹ chú rể biết được bèn thưa công an Phường bên nhà cô bồ. Công An bèn bắt chú rể và cô bồ về phường trong khi chờ để giải quyết thì chú rể dùng tiền đút lót Công An Phường và coi như “được trốn mất“. Xem như gia đình chú rể “bó tay” trước hoàn cảnh bi đát này, phải ba năm sau thời gian chung sống, cơm không lành canh không ngọt đã bắt đầu xảy ra, chú rễ bỏ về lại gia đình mình trong tâm trạng buồn chán cảnh sống với bồ xưa.

    Lợi dụng tình cảnh này Ba Mẹ chú Rể cho ba cây vàng bảo đem đến trao cho cô bồ yêu cầu “nhả con mình ra“ và tự lo đời sống bản thân của cô ấy. Ông Bà sẽ lo đám cưới gấp ở một chỗ danh giá khác.

    Cô bồ bằng lòng nhận ba cây vàng và chịu sống một mình nuôi con, thế nhưng trưa hôm nay người bạn của cô bồ khi đi ngang qua nhà hàng Lê Lai đã nhìn thấy chú rể làm đám cưới với một ngưòi con gái trẻ đẹp khác. Họ về báo tin cho cô bồ hay và tức tốc hình thành một đám gần 50 người do cô bồ thuê đến nhà Hàng Lê Lai đánh ghen và tạt át xít.

    Rất may là chuyện tạt áy xít chưa thực hiện được, vì gia đình chú Rể đã dự liệu có thể đám anh chị của cô bồ đánh phá cho nên đã huy động rất nhiều thanh niên bạn bè của chú rể làm vòng đai rào cản, hộ tống cho đám cưới.

    Họ đã dùng tiền để chi trả cho nhân viên bảo vệ nhà hàng không cho bất kỳ kẻ nào ngoài thực khách được bưóc lên lầu hai sau khi khai mạc tiệc cưới. Chính vì lý do đề phòng này mà chỉ có một người con gái dùng cửa cầu thang khác lén lên được phòng đang diễn ra tiệc cưới.

    Nhờ đám cận vệ của chú rể như những vệ sĩ luôn đề cao cảnh giác cho nên khi vừa phát giác có một cô lạ đang trà trộn trong lúc đang đi chào bàn, cả chục người thanh niên xúm nhau đè cô người lạ này xuống nền nhà trong khi tay còn cầm bịch át xít.

    Hôm nay tôi cảm thấy vui vì chụp hình được một đám cưới lớn nhà giàu, thay vì một bàn tròn khi đi chào bàn chỉ cần chụp hai tấm, bên này một bên kia một là đầy đủ 10 người khách có mặt trong hình với Cô Dâu Chú Rể và gia đình hai họ. Nhưng chú rể bảo tôi mỗi người khách cô dâu chú rể cụng ly là chụp một tấm. Có một ngàn người khách chắc chắn phải một ngàn tấm hình , mà tính tiền thì tính số lượng hình.

    Mới chụp được có hai bàn thì xãy ra cớ sự và hai vợ chồng tôi lo tìm cửa hậu của nhà hàng để thoát thân.

    Công An không thể giải quyết được chuyện riêng tư giữa hai họ, cuộc dải quyết dứt khoát tình trạng cô bồ cũ xong xuôi thì mới cho về nhà chồng.

    Sau năm ngày thương lượng, Ba Mẹ chú Rễ đồng ý trao năm cây vàng cho cô bồ tự sống và nuôi con, và làm giấy cam kết trước chính quyền không tái diễn những hành động phá hạnh phúc người cũ.

    Nguyễn Trãi


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X