Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hai Mặt Trận tại Bình Dương

Collapse
X

Hai Mặt Trận tại Bình Dương

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hai Mặt Trận tại Bình Dương

    Hai Mặt Trận tại Bình Dương


    Đại Tá William E. Le Gro


    Tướng Hiếu, Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn III, chắc hẳn đóng vai trò chính đằng sau hậu trường trong Chiến Dịch Tam Giác Sắt. Trong chiến dịch này, đôi bên đã dốc toàn lực quần thảo nhau tới cấp Quân đoàn với Bộ binh, Thiết giáp, Pháo binh, Không quân và Phòng không: Quân Đoàn III phía QLVNCH và Quân Đoàn 301 phía Cộng Quân. Đại Tá Le Gro, tác giả đoạn trích sách này là Sĩ quan tình báo Trưởng Phòng 2/DAO.

    ***

    Một cái thoáng nhìn bản đồ cho thấy vị trí chiến lược của vùng Tam Giác Sắt. Mặt bắc là rừng rậm và đồn điền cao su của Long Nguyên, mặt tây là Sông Sài Gòn và mặt đông tuy bé nhỏ nhưng là một chướng ngại vật khó khuất phục của Sông Thị Tĩnh. Sông này giao với Sông Sài Gòn gần Phú Hòa, tại mỏm phía Nam của Tam Giác, cách Phú Cường 7 cây số. Còn Phú Cường, thủ phủ Tỉnh Bình Dương, là một trung tâm kỹ nghệ và nông nghiệp quan trọng và nơi có Trường Công Binh QLVNCH. Phú Cường được nối với một căn cứ lớn của QLVNCH ở Phú Lợi (danh hiệu Lam Sơn) bởi một Quốc lộ chính, và xa hơn về hướng Đông, với Biên Hòa. Nằm ngay chính giữa hành lang Sông Sài Gòn, tại điểm giao tiếp của Quốc Lộ 13 và 1A, và chỉ cách ven biên Sài Gòn có 10 miles, Phú Cường là yếu điểm cho việc phòng thủ của Sài Gòn.

    Địa thế trong vùng Tam Giá Sắt phẳng lì, hầu như không sắc thái, và bao phủ bởi bụi cây nhỏ rậm rạp. Những chỗ đất quang, đặc biệt tại phần phía bắc, thì bị phủ kín bởi cỏ lau, cao hơn đầu người. Mặt đất bị loang lổ bởi vô số các hố bom đạn khiến cho việc di chuyển bằng xe cộ ngoài các đường lộ đất cứng và eo hẹp hầu như không thực hiện được. Ngay cả các quân xa trang bị giây xích cũng gặp khó khăn. Một hệ thống đường hầm và hầm hố, hầu hết đã sụp đổ và bỏ phế, chằng chịt khăp khu đất từng là sân khấu các trận đánh từ thủa xa xưa của chiến tranh Đông Dương thứ nhì.

    Một chuỗi giải yếu ớt gồm ba tiền đồn QLVNCH bảo vệ mạn Bắc của Tam Giác, từ Rạch Bắp ở phía tây, gần sát bên Sông Sài Gòn, dọc theo Tỉnh Lộ 7 tới An Điền. Sông Thị Tĩnh đối diện Bến Cát. Mỗi tiền đồn này, kể cả Căn Cứ 82, nằm giữa Rạch Bắp và An Điền, được trấn giữ bởi một Đại đội thuộc Tiểu Đoàn 321 Địa Phương Quân. Một đường lộ khác đi ngang qua tiền đồn Rạch Bắp : Liên Tỉnh Lộ 14 chạy song song với Sông Sài Gòn từ Trị Tam, qua Rạch Bắp, và rẽ về hướng Đông nam qua Tam Giác, băng qua Sông Thị Tĩnh trước khi nối với Quốc Lộ 13 phía bắc Phú Cường. Cộng Quân đã giật xập chiếc cầu trên Quốc Lộ 14 tại Sông Thị Tĩnh vài tuần trước, nhưng có thể vượt qua sông với những khúc cầu nổi. Khoảng giữa Rạch Bắp và chỗ Thị Tĩnh chảy qua Quốc Lộ 14, QLVNCH có một căn cứ hỏa lực nhỏ khác.

    Những cuộc hành quân càn quét và những vị trí phòng thủ bán di động phía bắc Cử Chi do Sư Đoàn 25 và các Lực Lượng Địa Phương Quân Hậu Nghĩa trấn cản cạnh sườn phía Tây của Tam Giác, nhưng sự chống cự của địch quân trong rừng rậm Hố Bò, đối diện Rạch Bắp, và sự cản trở lớn lao của Sông Sài Gòn, thêm vào sự thiếu hụt tài nguyên, giới hạn ảnh hưởng mà Sư Đoàn 25 có thể tạo nên vào tình hình bên trong Tam Giác.

    QLVNCH mạnh với Bộ binh, Thiết giáp, và thế yểm trợ hỗ tương của các căn cứ hỏa lực và tiền đồn tại Quận Bến Cát phía Đông ranh giới Thị Tĩnh của Tam Giác, nhưng chỉ có một chiếc cầu yếu ớt nối kết quận lỵ và ấp xã An Điền của Tam Giác. Đó là tình hình ngày hôm trước của sự khởi xướng chiến dịch tấn kích chiến lược tại phía tây Tỉnh Bình Dương. Như đã nói ở phần trên, đây là một cuộc tấn công phối hợp, với Sư Đoàn 9 BV làm nỗ lực chính tại phía Tây, trong khi Sư Đoàn 7 BV tấn công tại phía Đông chống lại các vị trí QLVNCH dọc Liên Tỉnh Lộ 1A gần Phú Giáo. Khoảng cách từ hai cánh nỗ lực này quá xa; tuy nhiên Tư lệnh Quân Đoàn III cũng có thể quan tâm đến cả hai mặt trận, để có thể cung ứng yểm trợ hỗ tương, và Quân Đoàn III QLVNCH đã có thể đối ứng với những cuộc hành quân tách biệt. Vì những lý do đó, tuy hai cuộc hành quân đó xảy ra cùng lúc và đòi hỏi sự chú ý đồng loạt cho cả hai mặt trận của Tư lệnh và Bộ tham mưu của Quân Đoàn III, hai cuộc hành quân này có thể được mô tả cách hay nhất là theo tuần tự, bắt đầu với cuộc tấn công Tam Giác Sắt của Sư Đoàn 9 BV.

    Cuộc Tấn Công Tam Giác Sắt.

    Cuộc tấn công này khởi sự với những tập trung bắn phá đạn pháo nặng, hỏa tiễn và bích kích pháo rớt trên Rạch Bắp, Căn Cứ 82 và An Điền vào sáng ngày 16 tháng 5. Vào buổi chiều Đại Đội ĐPQ tại Căn Cứ 82 buộc phải chui ra khỏi các hầm trú vì một số lớn hầm bị đánh xập bởi pháo kích mãnh liệt. Rạch Bắp cầm cự đến khoảng 3 giờ sáng hôm sau, các quân trú phòng sống sót rút lui về hưóng An Điền. Cuộc giao tranh rất dữ dằn tại An Điền trong ngày 16, nhưng vào khoảng tối ngày 17 tháng 5, các lực lượng Cộng Quân chiếm cứ làng đã bị bắn phá bình địa. Tuy nhiên tàn quân của tiểu đoàn ĐPQ giữ vững đầu cầu Thị Tĩnh tại phía tây trong một tư thế chống cản thiển sơ, trong khi đầu cầu phía Đông tại Bến Cát, được các lực lượng QLVNCH bảo vệ. Địch quân đào hầm hố xung quanh An Điền nhưng không bứng nổi các vị trí ĐPQ tại chiếc cầu.

    Hai Trung đoàn Bộ binh của Sư Đoàn 9 BV, với khoảng mười chiến xa T-54 và PT-76, được tung ra đánh Tiểu Đoàn 321 ĐPQ đã bị tan rã. Trung Đoàn 273 tràn vào Rạch Bắp và tiếp tục tấn công xuống phía nam và Tam Giác dọc theo Quốc Lộ 14, trong khi Trung Đoàn 95C tấn công Căn Cứ 82 và An Điền. Trung Đoàn 271 được giữ làm lực lượng trừ bị.

    QLVNCH tại Bến Cát không có khả năng phản công ngay địch quân tại An Điền vì lực lượng tuyến đầu ĐPQ tại cầu quá yếu ớt để có thể bảo vệ cho bất cứ lực lượng lớn nào vượt qua cầu, nhưng Tướng Thuần khởi sự tăng cường mau lẹ Bến Cát. Chiến Đoàn 318 tới Quận Bến Cát vào buổi chiều ngày 16 và ngày 17 bắt đầu tăng cường cho ĐPQ để giữ cầu và di chuyển chống các vị trí ngăn chận của địch quân tại phía Tây của đầu cầu. Sức yếu ớt của QLVNCH tại đầu cầu và sức mạnh của các vị trí địch quân tại An Điến, bao gồm súng chống chiến xa và xe tăng, khiến không thể phái bất cứ Thiết giáp nào của Chiến Đoàn 318 vượt qua cầu An Điền vào lúc này.

    Trong khi đó, Chiến Đoàn 322 di chuyển từ Tỉnh Tây Ninh tới Phú Cường và được lệnh chuẩn bị tấn công vào Tam Giác dọc theo Quốc Lộ 14 ngõ hầu đương đầu với Trung Đoàn 273 BV đang di chuyển xuống phía Nam từ Rạch Bắp.

    Ngày 17 tháng 5, các Quan sát viên KQVN và các không ảnh phát giác hai chiến xa T-53 bên trong Căn Cứ 82, mà các phóng pháo chiến đấu cơ KQVN đã phá hủy ngày hôm trước, và bốn chiếc khác tại căn cứ An Điền. Phản ứng tiêu cực tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III trước sự rút lui có vẻ hấp tấp, nếu không cho là không cần thiết của các đại đội ĐPG khỏi vị trí vơi nhẹ đi khi nhận thấy số lượng và thành phần của lực lượng địch quân.

    Phải mất sáu tháng mới tái lập được tình trạng an ninh có trước ngày 16 tháng 5 dọc theo mạn bắc của Tam Giác Sắt. Chiến dịch không hề được chính thức phân chia như vậy, nhưng các cuộc hành quân chính được phân loại thành bốn giai đoạn khác biệt nhau. Trong giai đoàn đầụ từ 16 đến 17 tháng 5, Cộng Quân chiếm cứ mạn bắc của Tam Giác và tung ra một đoàn quân lớn vào trung tâm của vùng chiến lược dẫn tới Phú Cường. Trong giai đoạn hai, từ 18 tháng 5 đến 5 tháng 6, QLVNCH phản công và lấy lại thế chủ động tại An Điền. Bốn tháng sau, ngày 4 tháng 10, các toán quân QLVNCH kết thúc giai đoạn ba bằng cách tái chiếm vùng đất hoang tàn trước nay là Căn Cứ 82. Sau chót, ngày 20 tháng 11, Bộ binh QLVNCH trở vào Rạch Bắp, kết thúc giai đoạn cuối của chiến dịch Tam Giác Sắt.

    Cuộc Phản Công An Điền.

    Tướng Thuần đã đánh giá sai lầm trầm trọng sức lực và mức kiên trì của Sư Đoàn 9 BV trong việc phòng thù An Điền, mặc dù ông có được tin tức tình báo chính xác liên quan đến số lượng, thành phần và vị trí địch quân. Các kế hoạch nguyên thủy của ông cho giai đoan 2, sau này cho thấy là không thực tiễn, nhằm tái chiếm cùng một lúc ba căn cứ đã mất vào tay địch quân vào khoảng ngày 22 tháng 5. Có lẽ các thành quả đáng nể của các toán quân của Quân đoàn đã gặt hái được trong việc đẩy lui các cuộc tấn công của Sư Đoàn 7 BV tại mặt trận Phú Giáo đã khiến ông tự tin quá mức.

    Ngoại trừ một vài đơn vị Bộ binh và Công binh QLVNCH đã được thảy qua Sông Thị tĩnh để tăng cường cho tuyến đầu cầu An Điền, đại đơn vị đầu tiên QLVNCH tiến vào Tam Giác Sắt là một Tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 43, Sư Đoàn 18 QLVNCH, dùng Quốc Lộ 14 tại phía bắc Phú Cường. Ngay sau khi được tăng cường bởi số đơn vị còn lại của Trung đoàn, đơn vị này, với sự tiếp sức của Chiến Đoàn 322 Thiết Kỵ, chuẩn bị tấn công Rạch Bắp và Căn Cứ 82. Trong khi đó, Chiến Đoàn 318 sẽ vượt qua cầu An Điền, đi ngang qua An Điền, và tiến tới Căn Cứ 82. Ba tiểu đoàn BĐQ từ phía Nam ngoài Lai Khê, sẽ tấn công Căn Cứ 82 từ phía Bắc. Rốt cuộc, không một kế hoạch nào thực hiện được. Trung Đoàn 43 bị chận đứng sau khi chỉ tiến được bốn hay năm cây số lên phía Bắc. Rồi, các chiến xa giây xích của Chiến Đoàn 322 tiến rất chậm chạp trong khu lồi lõm và cây cỏ rậm rạp. Sợ lực lượng Thiết giáp này bị sa lầy và chiếc cầu phía hậu bị phá sập, Tướng Thuần ra lệnh cho lực lượng rút lui. Trong khi đó, ông khám phá lá chiếc cầu An Điền đã bị hư hại nặng bởi đạn pháo địch quân (kể cả hỏa tiễn AT-3) và sẽ không chịu nổi sức nặng của các chiến xa của Chiến Đoàn 318. Dưới sự quan sát của địch quân và thoảng khi dưới hỏa lực bích kích pháo nặng và pháo binh địch quân, các Công binh chiến đấu QLVNCH cố gắng sửa chữa cầu. Số thương vong gia tăng, và công việc tiến hành rất chậm chạp. Cùng trong lúc đó, Liên Đoàn 7 BĐQ, với ba Tiểu đoàn, phát xuất từ ngoại biên tây nam Lai Khê, vượt qua Sông Thị Tĩnh và tiến tới Căn Cứ 82. Các đơn vị BĐQ bị chống cản ngay bởi các toán quân thuộc Sư Đoàn 9 BV ẩn núp dưới các hầm hố trong khu rừng rậm và đồn điền cao su, và sự tấn công của họ bị chận đứng trước khi tới được mục tiêu.

    Trong khi gặp nhiều khó khăn trong việc điều quân, Quân Đoàn III dùng hỏa lực Pháo binh bắn phá An Điền. Cộng Quân cũng dùng Pháo binh đáp lễ trên đầu các ổ Pháo binh QLVNCH và toán quân cứu viện Bộ binh và BĐQ, đồng thời tung các toán cảm tử vào các Bộ chỉ huy ĐPQ ngay phía nam Bến Cát, phá hủy một đại bác howitzer 105 ly và đẩy lui gần trọn một trại quân.

    Trong khi đó, KQVN chỉ yểm trợ được cách hạn chế. Các súng phòng không và hỏa tiễn SA-7 Cộng Quân dầy đặc trong khu vực, buộc các máy bay KQVN phải bay cao. Ngày 24 tháng 5, một Thiết đoàn Kỵ binh thuộc Sư Đoàn 25 QLVNCH phát động một cuộc tấn công nghi binh từ phía đông Gò Dầu Hạ về hướng Khu Rừng Bời Lời. Chủ ý của Tướng Thuần là tạo một mối đe dọa tại đây mạnh đủ để khiến Sư Đoàn 9 BV tung Trung Đoàn 271, một lực lượng trừ bị, vào trận chiến chống lại các Chiến Đoàn 318 và 322. Vào khoảng ngày 25 tháng 5, Thiết đoàn Kỵ binh vượt qua Suối Cầu mà không gặp một đối kháng nào, và một cuộc điều quân yểm trợ khác khởi phát với hai Tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 50, Sư Đoàn 25 QLVNCH, tấn lên bắc từ Phú Hòa dọc theo mạn Tây của Sông Sài Gòn.

    Ngày 25 tháng 5, Tướng Thuần gặp Tư lệnh của Sư Đoàn 18 QLVNCH, Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, và Tư lệnh Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ, Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, để phối hợp cuộc tấn công sang ngày hôm sau. Vào lúc đó, Trung Đoàn 43 đang án ngữ tại khoảng bảy cây số phía nam An Điền, chuẩn bị tấn lên Bắc, trong khi Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ chuẩn bị phái một Chiến đoàn Kỵ binh và một Tiểu đoàn BĐQ vượt qua cầu An Điền.

    Mặc dầu hỏa lực Pháo binh và bích kích pháo địch làm chiếc cầu tại An Điền hư hại nhiều khiến cho Kỵ binh không tiến theo sau BĐQ được, vào chập tối Tiểu Đoàn 64 BĐQ đào hầm hố án ngữ mạn Đông của Làng An Điền. Trung Đoàn 43 lại được lệnh tấn công lại lên phía Bắc và Liên Đoàn 7 BĐQ, tiến xuống từ Lai Khê, được lệnh tấn chiếm Căn Cứ 82 vào ban đêm ngày 27 tháng 5. Vì không có kết quả, ngày 28 tháng 5 Tướng Thuần quyết định thử một phương án mới. Trước hết ông giao cuộc hành quân cho Tướng Đảo, bảo Tướng Đảo đưa Trung Đoàn 52 từ Phú Giáo tới, và ủy quyền chỉ huy hành quân của Liên Đoàn 7 ĐPQ, còn ở phía bắc Căn Cứ 82, và tăng phái cho Sư Đoàn 18 của Tướng Đảo một chiến đoàn tăng cường của Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ. Vì sẽ phải mất hai ngày để giải tỏa Trung Đoàn 52 khỏi mặt trận Phú Giáo và đưa đơn vị đó tới vị trí tại Bến Cát, cuộc hành quân mới ấn định vào ngày 30 tháng 5. Sự trì trệ trong việc thay đổi và di chuyển các đơn vị buộc Tướng Đảo phải sắp xếp lại ngày giờ đến mồng 1 tháng 6.

    Với ĐPQ vẫn án ngữ tại tuyến đầu đối diện Bến Cát và Trung Đoàn 43 ít tiến bộ trong việc tấn công Trung Đoàn 272 BV nằm ngăn chận tại phía nam An Điền, Tướng Đảo phái Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 52, vượt qua Sông Thị Tĩnh trong một cuộc tấn công qua cầu tại phía nam Bến Cát ngày 1 tháng 6. Một khi vượt qua cầu, đơn vị này quay về hướng Bắc để tấn công các vị trí phòng thủ của Trung Đoàn 95C BV tại An Điền. Trong khi đó, Đại đội Trinh sát và một Đại đội Bộ binh từ Sư Đoàn 18 vượt qua cầu An Điên trong khi Trung đoàn trưởng TĐ 52 QLVNCH tung Tiểu Đoàn 1 của mình phía sau Tiểu Đoàn 2. Sư Đoàn 9 BV đáp lễ bằng cách tấn kích Bộ binh QLVNCH đêm đó với Bộ binh và 10 xe tăng. Hai Tiểu đoàn của Trung Đoàn 52 giữ vững vị trí và được tăng cường bởi Tiểu Đoàn 3 chiều hôm sau. Trong khi đó, các toán Công binh chiến đấu QLVNCH mở đường phía trước cầu An Điền. Làm việc ban đêm dưới ánh đèn pin để tránh sự quan sát và hỏa lực địch, họ tháo gỡ 38 mìn chống chiến xa trên con đường tiến quân.

    Bị yếu đi bởi thương vong, Trung Đoàn 52 ít tiến bộ trong ngày 2 và 3 tháng 5, và Trung Đoàn 43 vẫn bị chận đứng bởi Trung Đoàn 272 BV. Tướng Đảo tiếp đó ra lệnh cho Trung Đoàn 48 vượt qua Thị Tĩnh tại phía nam Bên Cát, để vượt qua Trung Đoàn 52 và chiếm cứ An Điền. Trong khi Pháo binh Cộng Quân tiếp tục bắn phá các vị trí của QLVNCH, hai Tiểu đoàn của Trung Đoàn 48 tiến vào Tam Giác Sắt trong đêm ngày 2 và 3 tháng 6.

    Cuộc giao tranh tại An Điền đặc biệt dữ dằn trong ngày 3 tháng 6 khi Cộng Quân xử dụng xe tăng chống lại Bộ binh QLVNCH. Bộ binh QLVNCH dùng súng nhẹ chống chiến xa phá hủy ít nhất bốn xe tăng địch trong ngày chót của trận đánh. Ngày 4 tháng 6, quân lính Sư Đoàn 18 QLVNCH tiến vào An Điền, và ngày 5 đánh bật vị trí chót của Trung Đoàn 85C BV, từng được tăng cường bởi các phần tử của Trung Đoàn 271 thuộc Sư Đoàn 9 BV. Sáng ngày mồng 5, hai Tiểu đoàn của Trung Đoàn 48 và hai của Trung Đoàn 52 chấn giữ An Điền, sẵn sàng cho một cuộc phản công. Một Tiểu đoàn BĐQ ở tại vị trí nút chận phía Bắc của ngôi làng điêu tàn, trong khi một Tiểu đoàn khác bảo vệ cầu An Điền. Trung Đoàn 43 vẫn bị ngăn chận bởi các vị trí phòng thủ của Trung Đoàn 272 BV tại phía nam An Điền. Liên Đoàn 7 BĐQ chưa tiến nổi tới Căn Cứ 82 từ phía bắc, và một cuộc tấn công lớn mới của QLVNCH sẽ đòi hỏi tiến qua các vị trí đóng chốt trong và xung quanh An Điền.

    Những tù binh Cộng Quân Sư Đoàn 18 QLVNCH bắt được ở An Điền kể lại những thiệt hại kinh khủng trong ba Tiểu đoàn - 7, 8 và 9 - thuộc Trung Đoàn 95C. Mười bốn phần tử sống sót của Tiểu Đoàn 9 bị bắt khi cứ điểm cuối cùng bị cưỡng chiếm ngày 5 tháng 6. Họ nói là số thương vong của các Tiểu Đoàn 8 và 9 giữa 16 tháng 5 và 4 tháng 6 lên tới 65 phần trăm, là một Đại đội thuộc Tiểu Đoàn 7 chỉ còn sống sót một tên, là một Đại đội thuộc Tiểu Đoàn 8 hoàn toàn bị tiêu diệt, và là Tiểu Đoàn 9 mất trọn hai Đại đội. Những lời tường thuật này được kiểm chứng bởi số lượng to tát xác chết bỏ lại tại chiến trường và bởi số lượng súng ống và quân cụ tịch thâu được. Sự thiệt hại phía QLVNCH cũng đáng kể, nhưng không một đơn vị nào bị tổn hao như mức độ của Sư Đoàn 9 BV. Hơn 100 quân lính QLVNCH bị chết trận, và các Bệnh viện điều trị hơn 200 Quân nhân bị thương từ An Điền, trong khi 200 Quân nhân bị thương nhẹ không đòi hỏi phải tản thương.

    Cuộc phản công trông đợi của Cộng Quân xảy ra đêm của 5-6 tháng 6 khi hai Tiểu đoàn của Trung Đoàn 271 thuộc Sư Đoàn 9 BV, dưới sự yểm trợ của 14 xe tăng, tấn công từ hai hướng. Sư Đoàn 18 QLVNCH giữ vững vị trí và triệt hạ 5 xe tăng và làm hư hại 5 chiếc khác.

    Giai đoạn hai của chiến dịch Tam Giác Sắt chấm dứt với việc tái chiếm An Điền, và Tướng Thuần nóng lòng muốn tấn công lại về phía Căn Cứ 82 và Rạch Bắp. Mặc dù chiếc cầu An Điền đang được sửa chữa sắp có thể gánh vác các xe tăng của Chiến Đoàn 318 - một Đại đội Thiết vận xa trở quân lính đã vượt qua cầu tiến vào An Điền - một xe tăng T-54 bị triệt hạ chấn ngang con đường hẹp từ cầu tiến vào An Điền. Mặt đất sình lầy hai bên đường không cho phép chiến xa đi vòng, và chiếc xe tăng đó cần phải được dọn dẹp đi bằng mìn phá. Công binh Chiến đấu QLVNCH lo thi hành công tác này trong khi Bộ binh của Sư Đoàn 18 trấn giữ vòng đai quanh An Điền.

    Căn Cứ 82.

    Nỗ lực tấn chiếm lại Căn Cứ 82 đầu tiên trong giai đoạn ba khởi sự ngày 7 tháng 6 năm 1974 khi Chiến Đoàn 318 rốt cuộc đưa được các xe tăng vượt qua Sông Thị Tĩnh và đi ngang qua vị trí của Sư Đoàn 18 tại An Điền. Trong khi Trung Đoàn 52 thuộc Sư Đoàn 18 duy trì tư thế lực lượng trừ bị án ngữ tại ven biên An Điền, hai Tiểu đoàn của Trung Đoàn 48 tiến về hướng Tây nam để bảo vệ cạnh sườn nam của Chiến Đoàn 318 đang khi Chiến Đoàn tấn công dọc theo Quốc Lộ 7B tiến tới Căn Cứ 82. Về phía Nam, Trung Đoàn 43 tiếp tục giao tranh với Trung Đoàn 272 BV. Trong khi đó, Sư Đoàn 9 BV đã rút đi tàn quân của Trung Đoàn 95C và đặt Trung Đoàn 271 tại Căn Cứ 82, kết hợp thành những vị trí phòng thủ hỗ tương chuẩn bị chống lại cuộc tấn công của QLVNCH. Trung Ương Cục Miền Nam tỏ rõ quyết chí chống cự dọc theo Quốc Lộ 7B trong Tam Giác Sắt bằng cách phái Trung Đoàn 141 thuộc Sư Đoàn 7 BV xuống phía Nam từ vị trí dọc theo Quốc Lộ 13, bắc Lai Khê, để tăng cường Sư Đoàn 9 BV tại phía bắc Căn Cứ 82. Trong khi đó, Sư Đoàn 9 BV bắt đầu chuyển di Trung Đoàn 272 lên phía bắc từ phần đất phía Nam của Tam Giác Sắt để yểm trợ cho việc phòng thủ Căn Cứ 82 và Rạch Bắp.

    Mùa mưa ướt át đã tới Tỉnh Bình Dương. Mưa và mây bao phủ thấp giảm thiểu hiệu năng của KQVB yểm trợ cho cuộc tấn công. Khu đồn điền cao su dầy đặc phía Tây bắc Căn Cứ 82 che dấu kỹ các vị trí phòng thủ và quan sát của Cộng Quân dọc theo Quốc Lộ 7, con đường tiến tới duy nhất dành cho Thiết giáp QLVNCH. Bụi cây rập rạm bao phủ ngõ lối phía Nam tiến tới căn cứ và che dấu các vị trí phòng thủ và quan sát của địch quân. Địa thế quang đãng nhất nằm hai bên Quốc Lộ 7 nơi cỏ lau cao không che dấu đoàn quân QLVNCH nhưng lại hạn chế tầm nhìn của các xe tăng và Bộ binh QLVNCH có vài ba thước. Hơn nữa, ngõ lối này lại nằm dưới tầm nhìn và hỏa lực Pháo binh yểm trợ của Sư Đoàn 9 BV, gồm có bích kích pháo 120 ly, đại bác howitzers 122 ly, howitzers 105 ly, và súng ống Dã chiến 85 ly. Cộng thêm vào hỏa lực gián tiếp là các bích kích pháo Bộ binh 82 ly và 61 ly, và súng phóng lựu chống chiến xa B-41 cùng súng không giựt 82 ly cực hại Sô Viết mà bộ binh Cộng Quân được trang bị dồi dào.

    Vào khoảng chiều ngày 8 tháng 6, Chiến Đoàn 318 tiến tới mục tiêu đầu tiên, Đồi 25, khoảng 1.000 thước trước khi tới Căn Cứ 82. Tại đó, Chiến Đoàn giao tranh với một Tiểu đoàn của Trung Đoàn 271 BV, giết 30 và bắt 10 trong khi chỉ hứng chịu thiệt hại nhẹ. Viễn ảnh coi bộ sáng sủa sẽ tái chiếm Căn Cứ 82 ngày hôm sau, và Tướng Thuần nói với Tướng Đảo của Sư Đoàn 18 QVNCH là Rạch Bắp phải được tái chiếm ngày 25 tháng 6. Nhưng ngày 10 tháng 6, Chiến Đoàn 318 tiến tới rất chậm với hai đội hình, một Bắc và một Nam của Quốc Lộ 7, bị chận đánh bởi một Tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 271 BV yểm trợ bởi bốn chiến xa và hỏa lực tập trung bằng bích kích pháo, đại bác howitzer, và hỏa tiễn. Bốn xe tăng và một Thiết vận xa của Chiến Đoàn 318 bị phá hủy nhưng thiệt hại về nhân mạng thì nhẹ. Vào khoảng chập tối, Chiến Đoàn chỉ tiến lên được 200 thước, bị chận đứng bởi bãi mìn và súng không giựt 82 ly địch quân, khiến cho Chiến Đoàn phải dừng lại tại 800 thước cách Căn Cứ 82.

    Không có tiến bộ nào được thực hiện ngày 11 tháng 6, nhưng Pháo binh QLVNCH và KQVN bắn phá căn cứ. Hỏa lực phòng không rất mạnh khiến cho các phóng pháo chiến đấu cơ KQVN phải bay ở mức độ cao hơn tầm hữu hiệu nhất. Trong khi đó, Tướng Thuần quyết tâm đẩy tới cuộc tấn công, chỉ thị cho Chuẩn Tướng Khôi, tư lệnh Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ, tập trung Chiến Đoàn 315 tại Bến Cát và tung Chiến Đoàn vượt qua Sông Thị Tĩnh để tăng cường cho cuộc tấn công. Chiến Đoàn được điều di chuyển theo hướng Tây nam và tấn công Căn Cứ 82 từ phía Nam, trong khi Chiến Đoàn 318 tiếp tục xung phong trực diện. Xa hơn về phía Nam, một thay đổi khác xảy ra. Khám phá được tất cả các Tiểu đoàn của Trung Đoàn 272 BV, ngoại trừ một Tiểu đoàn, đã di chuyển lên hướng Bắc tiến tới Quốc Lộ 7, Tướng Đảo chỉ để lại một Tiểu đoàn của Trung Đoàn 43 ở lại khu vực Phú Thứ, và đặt số còn lại của Trung đoàn làm lực lượng trừ bị.

    Khoảng trưa ngày 12 tháng 6, Chiến Đoàn 315 tiến tới một vị trí khoảng 1.600 thước Đông nam Căn Cứ 82. Vào thời điểm này, Tướng Đảo thay đổi khái niệm nguyên thủy của một cuộc tấn công hai mặt từ Đông và nam. Ngay khi Chiến Đoàn 315 sẵn sàng tấn công, ông sẽ rút Chiến Đoàn 318 để bảo vệ các ngõ lối phía Đông đưa tới Bến Cát trước đây đã từng bị suy giảm bởi đã tung Chiến Đoàn 315 chống Căn Cứ 82. Bụi cây, mặt đất lồi lõm, và độ chính xác của hỏa lực Pháo binh địch khiến cho Chiến Đoàn 315 không thực hiện được bước tiến ngày 13 tháng 6. Quả thật vậy, trong khi Chiến Đoàn 318 rút lui khỏi giao tranh, các vị trí bên cánh trái tiến gần tới mục tiêu hơn là các vị trí của Chiến Đoàn 315.

    Trong một thế thay đổi kế hoạch khác, Tướng Đảo đề nghị với Tướng Thuần cho hai Tiểu đoàn của mỗi Trung Đoàn 43 và 52 đảm nhận vai trò tấn công, trong khi Chiến Đoàn 315 duy trì ở vị thế phòng thủ tại chu vi Đông nam của Căn Cứ 82. Các Tiểu đoàn Bộ binh sẽ di chuyển vào các đồn điền cao su và tấn công từ phía Bắc. Tướng Thuần chấp thuận và bay về Bộ TTM để xin thêm đạn dược cho cuộc tấn công. Ông trở lại bản doanh không mấy vui, vì Tướng Khuyên, Trưởng Khối Tiếp Vận QLVNCH, không thể thỏa mãn yêu cầu của ông.

    Khoảng ngày 15 tháng 6, hai Tiểu đoàn Bộ binh dẫn đầu của Trung Đoàn 43 QLVNCH, mà một trong hai Tiểu đoàn tìm cách chuyển về phía bắc Căn Cứ 82 từ An Điền, tiến bước rất ít trước sự kháng cự mạnh mẽ và dưới hỏa lực nặng của pháo binh địch. Vào ngày 17 tháng 6, trong các cuộc đụng độ phía Nam Quốc Lộ 7, các tù binh bắt được của Trung Đoàn 272 BV là những Binh sĩ mới xâm nhập Nam Việt Nam và được sung vào Trung Đoàn 272 chỉ mới ba ngày trước khi bị bắt. Số thương vong phía QLVNCH tiếp tục gia tăng, Binh sĩ trở nên mệt mỏi và chán nản, yểm trợ Pháo binh bị hạn chế tối đa, và thời tiết khiến mọi không yểm bị hủy bỏ. Ngày 21 tháng 6, Tướng Thuần ra lệnh ngưng nỗ lực tái chiếm Căn Cứ 82, trong khi chờ điều nghiên đợi một giải pháp mới với yểm trợ pháo binh khá hơn. Ý nghĩ thay thế Sư Đoàn 18 với binh sĩ chiến đấu không ngừng trong thời gian một tháng, bởi Sư Đoàn 5 cũng được xét tới.

    Thay vì thay thế Sư Đoàn 18, Tướng Thuần quyết định thử dùng lại Thiết giáp một phen nữa. Cầm giữ lại Bộ binh ở tại vị trí cố định, Tướng Thuần phái các Chiến Đoàn 318 và 322 trở lại vào Tam Giác Sắt, một phía bắc Quốc Lộ 7, một dọc theo đường lộ. Các ổ chống cự chống chiến xa địch, xử dụng chính yếu súng không giựt 82 ly, chận đứng cuộc tấn công một lần nữa, phá hủy 13 Thiết vận xa và 11 xe tăng M-48 giữa ngày 27 tháng 6 và 1 tháng 7, mặc dù Pháo binh QLVNCH và KQVN yểm trợ cuộc tấn công với 43.000 đạn pháo và 250 phi xuất. Một lần nữa Bộ binh mệt mỏi của Trung Đoàn 43 cố gắng tái chiếm Căn Cứ 82 từ phía Nam vào ngày 1 tháng 7, nhưng không đi tới đâu.

    Ngày 2 tháng 7, Tướng Thuần rốt cuộc lấy quyết định thay thế Sư Đoàn 18 với Sư Đoàn 5. Các Chiến Đoàn Thiết kỵ sẽ được triệt thoái để an dưỡng và tái trang bị. Tướng Thuần cho phép các Tư lệnh mười ngày phải thực hiện xong quá trình thay đổi; ông muốn thực hiện động tác này cách tiệm tiến và khéo léo để duy trì áp lực thường xuyên trên đầu địch quân. Để khỏi làm suy yếu các vị trí phòng thủ của Sư Đoàn 5 tại phía bắc Lai Khê, các phần tử của Trung Đoàn 52 thuộc Sư Đoàn 18, tới nay không tham gia nhiều trong cuộc giao tranh, và hai Tiểu đoàn của Trung Đoàn 50 thuộc Sư Đoàn 25 được tăng phái cho Sư Đoàn 5 tại Tam Giác Sắt. Cuộc tiếp cứu được thực hiện đúng theo thời khóa biểu, và yên tịnh tương đối được vãn hồi trên chiến trường tại Căn Cứ 82. Sư Đoàn 9 BV cũng thực hiện một số điều chỉnh trong thời gian cuối tháng 6 và những tuần đầu của tháng 7. Trong khi Trung Đoàn 272 BV án ngữ tại các vị trí phòng thủ tại phần đất phía nam Tam Giác Sắt., Trung Đoàn 95C, đã được tái trang bị và tăng cường thêm tân binh, trở lại vùng Căn Cứ 82 và đảm nhận trọng trách bảo vệ vùng này. Trung Đoàn thứ ba của Sư Đoàn 9 BV, TrĐ 271, án ngữ tại các vị trí phòng thủ trong vùng Căn Cứ 82, nhất là về phía Bắc và Đông bắc. Trong khi đó, Trung Đoàn 141 thuộc Sư Đoàn 7 BV trở lại vùng hành quân cố hữu phía bắc Lai Khê, và pháo binh yểm trợ cho Sư Đoàn 9 BV được giao cho Trung Đoàn 42 Pháo Binh BV. Trung Đoàn 75 Pháo Binh BV di chuyển từ vùng Bến Cát để yểm trợ cho Sư Đoàn 7 BV tại phía tây Quốc Lộ 13.

    Sư Đoàn 5 QLVNCH không chủ ý cố gắng trong tháng 7 và 8 để thay đổi tình trạng hiện hữu. Tuy nhiên, Cộng Quân rút Trung Đoàn 95C khỏi Căn Cứ 82 và thay thế vào với Trung Đoàn 141 thuộc Sư Đoàn 7 BV, kịp để đối ứng với nỗ lực hiệp đồng của QLVNCH tái chiếm Căn Cứ 82.

    Vào mùa Thu, Trung Đoàn 8 thuộc Sư Đoàn 5 QLVNCH được tuyển lựa để thử cắm cờ vàng ba sọc đỏ Nam Việt Nam tại Căn Cứ 82, sau khi thay Trung Đoàn 7, tại Tam Giác Sắt. Trước một cuộc tấn công ấn định vào ngày 7 tháng 9, các đội toán thám thính QLVNCH thành công tiến tới chu vi căn cứ. Trung Đoàn 8 thiết lập một chiến đoàn xung quanh các Tiểu Đoàn 1 và 2, tăng cường bởi Đại Đội Trinh Sát thuộc Sư Đoàn 5 và một toán quân nhỏ với ba Chiến xa M-41, ba chiến xa M-48, và ba Thiết vận xa M-113. Tiểu Đoàn 1 từ phía Nam tiến lên Quốc Lộ 7, trong khi Tiểu Đoàn 2, với Đại đội trinh sát và các toán Thiết kỵ, tiến theo trục Bắc của đường lộ. Không gặp kháng cự và di chuyển nhanh, hai Tiểu đoàn tới phạm vi ngoại biên của các vị trí phòng thủ của Căn Cứ 82 sáng sớm ngày 7 tháng 9 nhưng không tiến lên xa hơn được trong ngày. Gặp phải giây kẽm gai và mìn và dưới hỏa lực từ phiá trước mặt và hai bên cạnh sườn, Trung Đoàn 8 đào hố cá nhân ẩn núp. Trong khi mưa đạn địch quân tiếp tục rót trên đầu, hầu hết là đạn bích kích pháo hạng nặng 120 ly Sô Viết, Trung Đoàn 8 tiếp tục ẩn nấu và cải tiến các vị trí chiến đấu với các thân cây gỗ đắp trên đầu.

    Ngày 8 tháng 9, pháo kích Cộng Quân giảm thiểu, và vào 4 giờ chiều bắt đầu mưa, chấm dứt mọi yểm trợ quan sát và phi yểm của KQVN đối với Sư Đoàn 8 QLVNCH. Trong khi mưa càng nặng hột, pháo địch cũng gia tăng, 1.600 quả rớt trên đầu trong một tiếng, và chiến trường bị mù bởi khói. Bộ binh QLVNCH không nghe thấy tiếng xích chiến xa địch đang tiến gần. Một toán chiến xa T-54 phát xuất từ đồn điền cao su và rừng rậm tiến về hướng Bắc, và một toán khác gồm sáu chiến xa tiến từ phía Nam. Ba xe tăng M-48 tháo lui, và vào lúc 6 giờ chiều, hầu như bị kẹp vào giữa, Sư Đoàn 8 rút lui, trước hết khoảng 300 thước nơi các Chỉ huy trưởng định thiết lập một tuyến phòng mới, sau rồi thêm 300 thước xa hơn noi các toán binh thuộc Trung Đoàn 8 kết hiệp và giữ vững tại triền đồi phía tây Đồi 25.

    Với chiến thắng hầu như gần kề, Tướng Thuần thất vọng tràn trề bởi cuộc tẩu tán của Trung Đoàn 8, và nỗi thất vọng của ông đổi thành cơn tức giận khi ông nghe báo cáo về tổn hại nhẹ của Trung Đoàn 8: 6 chết, 29 mất tích, và 67 bị thương. Nhưng cho dù các cấp chỉ huy của Trung Đoàn 8 tại chiến trường có giữ được binh sĩ họ ở những vị trí trống trải trước mặt Căn Cứ 82, chắc Trung đoàn cũng không sống sót được trước sức phản công của Cộng Quân. Dù sao đi nữa, Tướng Thuần ra lệnh tiến hành ngay cuộc điều tra về những hoàn cảnh của sự thất bại của Trung Đoàn 8 và tiếp đó giải nhiệm viên Trung đoàn trưởng. Ngày 11 tháng 9, Trung Đoàn 8 được thay thế tại Tam Giác Sắt bởi Trung Đoàn 9, và giai đoạn cuối của giao tranh để tái chiếm Căn Cứ 82 sắp sửa bắt đầu xảy ra.

    Tất cả ba Tiểu đoàn của Trung Đoàn 9 di chuyển tới vị trí trên triền Đồi 25. Các thiệt hại từ khởi thủy của cuộc tấn công của Cộng Quân tháng 5, cộng với sự tiệm tiến trong quá trình thay thế các đơn vị cho Trung đoàn, đã giảm thiểu lực lượng của Tiểu đoàn chỉ còn không đến 300. Giữa 12 và 18 tháng 9, Trung Đoàn 9 tập trung tình báo, kế hoạch, và cải tiến các vị trí. Trong khi Trung Đoàn 9 chuẩn bị tấn công, Cộng Quân bắt đầu thực hiện một cuộc thay đổi quân tại chiến trường Bến Cát. Trung Đoàn 141 thuộc Sư Đoàn 7 BV chuẩn bị rời khỏi vùng Căn Cứ 82 và chuyển giao lại việc phòng thủ một lần nữa cho Trung Đoàn 95C thuộc Sư Đoàn 9 BV.

    Với Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh bảo vệ cạnh sườn phải (bắc), và hai Tiểu đoàn BĐQ bảo vệ phía trái, Trung Đoàn 9 QLVNCH bắt đầu tấn công về hướng Căn Cứ 82. Hai tiểu đoàn tấn công, Tiểu Đoàn 3 bên phải, phía bắc Quốc Lộ 7, và Tiểu Đoàn 2 bên trái, vượt qua ranh khởi hành trên Đồi 25 ngày 19 tháng 9. Di chuyển từ từ, với yểm trợ tình báo tốt và pháo yểm hữu hiệu, Bộ binh QLVNCH giải trừ cách có phương pháp, từng cái một, các hầm trú yểm trợ hỗ tương địch quân trải theo một mô thức dầy đặc dọc theo đường tiến quân. Mặc dù Bộ binh Cộng Quân chống trả kiên trì và pháo yểm của chúng rất nặng và chính xác, chúng dần dần nhượng đất. Ngày 29 tháng 9, Tiểu Đoàn 1 thay thế Tiểu Đoàn 3 mệt mỏi, và cuộc tấn công không dứt tiếp tục. Ngày 2 tháng 10, Tiểu Đoàn 2 của Trung Đoàn 46 thuộc Sư Đoàn 25 QLVNCH được tung vào trận để tăng cường cho Tiểu Đoàn 2 thuộc Sư Đoàn 9. Trước nửa đêm ngày 3 tháng 10, trong khi pháo kích và bích kích pháo địch quân vẫn còn bắn phá dữ dội, một đội toán 12 người xung phong từ Tiểu Đoàn 1 thuộc Sư Đoàn 9 cố gắng chọc thủng hàng rào giây kẽm gai và trèo lên tường phía Đông. Một ổ mìn chống cá nhân phát nổ, phát hiện vị trí của đội toán, và hỏa lực mạnh từ căn cứ ghìm đội toán xuống tại chỗ. Thật sáng sớm hôm sau, Bộ binh Cộng Quân phản công, buộc đội toán phải tháo lui. Nhưng Tư lệnh chiến trường QLVNCH thấy rõ là chiến thắng nằm trong tầm tay với. Một cuộc hỏa tập 100 quả đạn của đại bác 155 ly, mà ông yêu cầu, tạo nên kết quả mong muốn: sức kháng cự địch quân và hỏa lực đáp lễ giảm thiểu khả quan vào lúc 1 giờ trưa, và một nửa giờ sau Bộ binh Cộng Quân leo ra khỏi các pháo đài đổ nát và chạy về phía sau. Lúc 3 giờ chiều ngày 4 tháng 10, Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 9 QLVNCH thượng cờ Nam Việt Nam trên Căn Cứ 82, chấm dứt một cuộc giao tranh cay đắng kéo dài bốn tháng ròng, và giai đoạn 3 của chiến dịch Tam Giác Sắt.

    Trở lại Rạch Bắp.

    Yên tĩnh trở lại Tam Giác Sắt sau khi tàn quân của các Trung Đoàn 95C và 272 BV rút khỏi Căn Cứ 82. Trong ba ngày, ngay cả pháo binh BV cũng im tiếng. Trong khi đó, xa trên phía Bắc chiến trường Bến Cát và tại vùng hậu cần của Trung Ương Cục Miền Nam, một biến cố quan trọng xảy ra. Nhận thức được nhu cầu cho một kế hoạch và phối hợp các cuộc hành quân của các lực lượng gồm nhiều Sư đoàn, Trung Ương Cục Miền Nam tổ chức một Bộ tư lệnh Quân đoàn tại vùng Tây Ninh - Bình Long và đặt tên lực lượng này là Quân Đoàn 301. Quân Đoàn này sẽ sớm điều khiển các cuộc hành quân tác chiến của các Sư Đoàn 7 và 9 BV, các trung đoàn biệt lập, và cộng thêm các đơn vị đang trên đường xâm nhập từ Bắc Việt.

    Sau chiến thắng lâu dài và mắc mỏ tại Căn Cứ 82, Tướng Thuần quyết định cho binh sĩ mệt mỏi của Sư Đoàn 5 QLVNCH nghỉ ngơi và chuyển chú tâm vào việc phái Sư Đoàn 25 càn quét các căn cứ địch quân tại vùng Hố Bò phía tây của Tam Giác Sắt. Các vị trí phòng thủ của QLVNCH quanh An Điền và Căn Cứ 82 có các Lực Lượng Điạ Phương Quân và Biệt Động Quân đảm trách. Ở giai đoạn bốn này của chiến dịch, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III hoạch định các kế hoạch phục hồi cuộc tấn công tái chiếm Rạch Bắp, tiền đồn cuối cùng của ba tiền đồn còn nằm trong tay địch quân. Tướng Thuần cũng nhìn nhận được nhu cầu càn quét địch quân khỏi phần đất phía nam của Tam Giác Sắt, xung quanh Phú Thứ, và một kế hoạch bao chùm Rạch Bắp, Phú Thứ và vùng Phú Hòa phía tâu Tam Giác Sắt bắt đầu hình thành. Nhưng ngày 30 tháng 10, trước khi thực hiện kế hoạch, Tổng Thống Thiệu giải nhiệm Tướng Thuần khỏi chức tư lệnh Vùng 3 Chiến Thuật và Quân Đoàn III và thế Trung Tướng Dư Quốc Đống vào đó. Các thay đổi tư lệnh quan trọng khác cùng ngày. Tư Lệnh Quân Đoàn II, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn bị thay thế bởi Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam trở nên Tư Lệnh Quân Đoàn IV thay thế cho Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi. Chỉ có Quân Đoàn I là vẫn giữ y nguyên, với Trung Tướng Trưởng nắm quyền chỉ huy.

    Tướng Đống lập tức duyệt xét tình hình tại Tam Giác Sắt và tái xét kế hoạch của vị tiền nhiệm, và cải đổi thành hành quân Quyết Thắng 18/24. Các tiểu đoàn của tất cả ba sư đoàn thuộc quân đoàn được tung vào cuộc hành quân; ngày N là ngày 14 tháng 11. Trung Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn 5 QLVNCH, đơn vị chiến thắng của Căn Cứ 82, khởi phát từ An Điền và tiến về hướng tây, dọc theo Quốc Lộ 7, đi ngang qua Căn Cứ 82 tiến về Rạch Bắp. Các Trung Đoàn 28 và 52 thuộc Sư Đoàn 18 vượt qua Sông Thị Tĩnh tại phía nam Bến Cát và tiến vào Tam Giác Sắt và tấn công phía tây hướng về Sông Sài Gòn. Các phần tử của Trung Đoàn 50 thuộc Sư Đoàn 25 đã có mặt sẵn trong vùng này. Trong khi đó, Trung Đoàn 46 và một Tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 50 di chuyển vào các đồn điền phía bắc Thủ Phủ Quận Phú Giáo để ngăn chận sự xâm nhập của địch qua Sông Sài Gòn.

    Dọc theo Quốc Lộ 7, Trung Đoàn 9 QLVNCH tiến quân an lành cho tới ngày 19 tháng 11 thì xảy ra cuộc giao tranh bén nhọn tại phía tây Căn Cứ 82 khiến cho 20 binh sĩ QLVNCH bị thương. Địch quân rút lui để lại 14 xác chết và nhiều súng ống và máy phát thanh. Ngày hôm sau, Đại Đội Trinh Sát thuộc Trung Đoàn 9 tiến vào Rạch Bắp không một kháng cự. Chiến dịch Tam Giác Sắt kể như chấm dứt, mặc dù các cuộc hành quân càn quét tiếp diễn tại phía Nam dọc theo Quốc Lộ 14 cho tới ngày 24 tháng 11. So với giá và mức độ tàn bạo của các giai đọan đầu của chiến dịch, chương cuối này kể hoạch quả là đối nghịch. Tổn thất cả hai bên đều nhẹ và các cuộc đụng độ ít ỏi và ngắn hạn. Cộng Quân đã bỏ lại căn cứ cuối cùng tại Tam Giác Sắt với chỉ một ít kháng cự ngõ hầu thay thế các mất mát, tái tổ chức, tái trang bị, và tái huấn luyện các lực lượng chính của Quân Đoàn 301 tân lập chuẩn bị cho các cuộc chiến sắp tới.

    Phú Giáo.

    Như đã nói ở trên, cuộc tấn công của Cộng Quân tại Tỉnh Bình Dương ngày 16 tháng 5 là một cuộc tấn công thực hiện bởi hai Sư đoàn, với Sư Đoàn 9 BV phía tây Quốc Lộ 13 trong Tam Giác Sắt và Sư Đoàn 7 BV phía đông, nhắm vào Quận Phú Giáo. Mục tiêu chính của Sư Đoàn 7 BV là chiếc cầu trên Liên Tỉnh Lộ 1A bắc qua Sông Bé phía Nam một căn cứ lớn của QLVNCH tại Phước Vinh và phía Đông bắc chiến trường Bến Cát -Tam Giác Sắt.

    Ngày 5 tháng 4, Sư Đoàn 7 BV chiếm cứ tiền đồn QLVNCH tại Chí Linh. Sau khi lấy Chí Linh, Trung Đoàn 141 của Sư đoàn ở lại trong vùng Chơn Thành cho tới khi được phái tới Tam Giác Sắt dưới quyền Sư Đoàn 9 BV. Trong khi đó, hai Trung đoàn kia của Sư Đoàn 7 BV chuẩn bị cho cuộc tấn công tháng 5 trong rừng rậm xung quanh Phú Giáo. Trung Đoàn 165 Bộ Binh BV ở phía tây Liên Tỉnh Lộ 1A và phía bắc Sông Bé; Trung Đoàn 209 Bộ Binh BV ở phía nam Sông Bé, với hai Tiểu đoàn trải ra cả hai bên Liên Tỉnh Lộ 1A. Nhưng vào lúc trước ngày 16 tháng 5, Trung Đoàn 165 vượt qua Sông Bé và dàn quân trong một tư thế tấn công trong vùng Bò Là, nam Phú Giáo, và Trung Đoàn 209 di chuyển lên Bắc tới các vị trí gần sát cầu Sông Bé. Kế hoạch của Sư Đoàn 7 BV ấn định Trung Đoàn 165 sẽ tấn công các vị trí QLVNCH và khóa chốt Liên Tỉnh Lộ 1A tại phía Nam cầu, trong khi Trung Đoàn 209 sẽ chiếm lấy cầu và vùng đất quanh bên.

    Trách nhiệm bảo vệ cầu Sông Bé thuộc về Tiểu Đoàn 322 ĐPQ, trong khi các Trung Đoàn 7 và 8 thuộc Sư Đoàn 5 và Chiến Đoàn 318 sẵn sàng ứng chiến để yểm trợ từ căn cứ Phước Vinh phía Nam vùng Bò Là. Dựa vào tin tình báo, Trung Đoàn 8 QLVNCH tấn công các vùng tập trung do các phần tử thuộc Trung Đoàn 209 Bộ Binh BV chiếm cứ vào ngày 15 tháng 5. Sự phá rối gây nên bởi cuộc tấn công này có lẽ là nguyên do hai tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 209, sáng hôm sau, đã tấn công một cách yếu ớt các tiền đồn ĐPQ xung quanh cầu Sông Bé. Dù sao đi nữa, các quân binh thuộc Tiểu Đoàn 322 ĐPQ đẩy lui cuộc tấn công, mất một ít vị trí nhưng duy trì được kiểm soát vùng đất quan yếu và chiếc cầu.

    Trong khi đó, Trung Đoàn 165 Bộ Binh BV đạt kết quả tốt hơn trong cuộc tấn công vùng Bò Là, chiếm cứ đủ khúc đường trên Liên Tỉnh Lộ 1A để ngăn chận các quân tăng viện xuyên qua cầu. Nhưng thành quả này rất ngắn ngủi. Sư Đoàn 5 QLVNCH lập tức phản ứng và phái Trung Đoàn 7 Bộ Binh và Chiến Đoàn 315 tấn lên Bắc để phá vỡ nút cận trên Liên Tỉnh Lộ 1A. Tổn thất phía bên QLVNCH nhẹ, nhưng Cộng Quân thiệt hại nặng; đặc biệt Trung Đoàn 209 bị pháo binh và KQVN bắn phá nặng nề quanh vùng chiếc cầu. Vào khoảng ngày 23 tháng 5, mặc dù tăng viện cho Trung Đoàn 165 BV bởi một Tiểu đoàn của Trung Đoàn 141, cuộc phản công của xe tăng và Bộ binh QLVNCH đã khai quang đường lộ dẫn tới cầu và quá tới Phước Vinh. Tuy Sư Đoàn 7 BV giữ các Trung Đoàn 165 và 209 tại vùng Phú Giáo trong thời gian còn lại của mùa Hè, chiến dịch tấn kích chiến lược trong tỉnh Bình Dương là một thất bại, thật ra chỉ hơn có một tuần sau khi khởi sự, và QLVNCH đã thành công chống lại các cuộc tấn công rời rạc địch quân tiếp tục thực hiện dọc theo Liên Tỉnh Lộ 1A trong vùng Phú Giáo.


    Đại Tá William E. Le Gro
    Vietnam : Cease Fire To Capitulation
    US Army Center of Military History

  • #2
    Bản đồ Tam Giác Sắt

    http://www.rjsmith.com/Iron_Triangle_Complete_01.html





    Last edited by TH-72G; 07-17-2017, 05:15 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X