Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một lần chuyển trại

Collapse
X

Một lần chuyển trại

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một lần chuyển trại

    MỘT LẦN CHUYỂN TRẠI


    Khi Trung Quốc đưa tin sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học“ gần như tất cả các trại Tù tại Miền Bắc Việt đều chuẩn bị chuyển trại, và bàn giao lại cho Công An coi tù, mà từ trước tới giờ là do Đoàn 776 (Sư Đoàn 776) canh giữ.

    Tất cả chúng tôi gồm một toán 20 người thuộc thành phần không lao động nặng vì đau yếu bệnh tật đang bị ở riêng trong một láng “cách ly“ cũng thuộc Trại 9 Liên Trại 4 Hoàng Liên Sơn.

    Sỡ dĩ phải “cách ly“ với cả trại 9, thành phần khỏe mạnh vì sợ lây nhiễm.

    Trong thời gian tại đây chúng tôi hàng ngày được giao công tác đan rổ, thúng mủng, dần, sàng bằng tre trước hiên của lán mình ở. Trại 9 có nuôi một đàn gà 400 con do một người tù như chúng tôi chăn giữ, ngày ngày đàn gà đi ăn ngang qua chỗ chúng tôi.

    Huỳnh Công Ánh là tay còn tuơng đối khoẻ và nhanh nhẹn lấy một lưỡi câu tự chế móc con sâu vào lưỡi câu, cột ngoài bụi cây. Thế là anh gà mổ dính chặt, Hà Thế Cường vội vã chống cây nạgn bươn bươn ra nắm đầu con gà vặn cổ bỏ vô thùng đạn đại liên.

    Khoảng một giờ sau, cán bộ Quản Giáo đến thăm coi anh em làm việc ra sao thì bất ngờ trong thùng đạn con gà sống lại nhảy rầm rầm liên tục.

    Huỳnh Công Ánh nhanh trí chụp lấy cây đàn guitar đánh hết cở “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng“ lấn ác tiếng gà nhảy trong thùng đạn. Tên Quản Giáo nói “các anh vui quá“.


    Một ngày khác, buổi chiều sau khi nhận phần bo bo xong, ăn vội vàng thì được lệnh “chuẩn bị hành quân“.

    Trong các trại giam dù là trong Nam hay ngoài Bắc thường hay bị ám ảnh bởi bốn chữ “chuẩn bị hành quân“. Hành quân thường lúc ban đêm dễ bị giao động không biết sẽ đưa mình đi đâu, và thường sợ nhất là giữa khuya bọn Quản Giáo đến rọi đèn rờ chân kêu từng cá nhân riêng. Không biết chừng mang đi bắn chăng.

    Chín giờ đêm, tất cả ra sắp hàng ngoài sân lán, họ đọc từng tên tù và ai có tên xếp hàng riêng. Trong tổ “cách ly“ của tôi toàn là loại sứt càng gãy gọng. Huỳnh Công Ánh khai rằng bệnh lao, Phạm văn Thái “Vệ Sinh Viên“ thì hen suyễn. Vệ sinh viên, cái từ ghép rất lạ tai ngộ nghễnh dành cho những tù viên có nhiệm vụ lo về y tế chứ không phải dọn dẹp vệ sinh. Trần Văn Hoà Không Quân cụt chân, Hà Thế Cường bị thương từ còn lính vào tù đã chống nạng từ đầu, Còn tôi bị té trên núi cao lăn xuống khi đi chặt cây phát quang trồng mì, bị chấn thương thần kinh tọa cốt, sau đó suy dinh dưỡng tê liệt một chân cũng phải đi bằng nạng gỗ.

    Tất cả trong tổ “Cách ly“ ai cũng đều có bệnh. thế nhưng khi đọc danh sách chia toán chuyển trại thì chỉ có tôi, Hà Thế Cường, Trần Văn Hoà cụt chân được xếp riêng. Những người bệnh khác bị đưa qua những toán khác có lẽ trong cánh quân lao động nặng. Mãi bao nhiêu năm sau khi được thả ra khỏi tù mới biết người nào đi trại nào.

    Huỳnh Công Ánh không còn liệt vào loại tù có bệnh nữa và chuyển về trại Nghệ Tĩnh, sau đó trốn trại trót lọt về được Sài Gòn và vượt biên thoát.

    Sau khi chia toán xong, có lẽ chưa phải giờ lên đường nên được vào lán nghỉ nằm chờ... Bốn giờ sáng bị đánh thức dậy và tập trung chung với một toán tù từ ở đâu chuyển đến trong đêm. Có tất cả 37 người cũng toàn là thứ bệnh nặng gần đất xa trời và một ông Bác Sĩ Nguyễn Vĩnh Bình hoàn toàn khỏe mạnh. Chính Bác Sĩ Bình là người đi theo để săn sóc cả toán 37 người bệnh nặng này.

    Tám người đi bằng nạng gỗ, ba người bị bệnh Hansen (bệnh phong cùi họ đã khai như vậy từ lâu trong trại của họ), tám người bệnh lao phổi, hai người bị sơ gan cổ chướng cái bụng to hết chỗ nói. Chính hai người bệnh gan này mà trại phải cho chở hai chiếc quan tài đóng sơ sài đi theo, vì họ sợ chết dọc đường. Còn lại nhiều người bị bệnh suyễn và một số bệnh khác tôi không được biết bệnh gì bên trong.

    Trong suốt thời gian chuyển trại của 37 người bệnh tật này đã làm cho tôi vô cùng cảm động trước tấm lòng nhân ái hy sinh của Bác Sĩ Nguyễn Vĩnh Bình, chỉ mỗi mình ông ta là người khoẻ mạnh đảm đương hết thảy những sự giúp sức đối với toán tù bệnh tật, nhứt là ông ta phải ẵm bồng hai người bị sơ gan nặng nhứt cũng như tắm rửa cho hai người này.


    Sau khi lên phà qua hồ Thác Bà rời Cẩm Nhân, có hai chiếc xe Molotova chờ sẵn bến phà. Bác Sĩ Nguyễn Vĩnh Bình trợ sức giúp cho nhiều người mới lên được xe vì đau yếu bệnh tật. Lòng ai cũng biết sẽ đi về một trại khác, nhưng không ai biết sẽ đi về đâu.

    Xe chạy xuyên qua nhiều cánh rừng, nhiều đồng ruộng làng mạc, Tôi thật ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh điêu tàn vô cùng nghèo khổ của đời sống người dân Miền Bắc. Một anh Trung Tá Bắc Kỳ 54 di cư nói với tôi: Tất cả những gì của trước năm 54 vẫn còn y nguyên như vậy, không hề thay đổi nhưng còn bị rêu phong bởi bụi thời gian.

    Tôi không thể nào ngờ được Miền Bắc khổ đến như thế. Họ dồn hết mọi tài nguyên sức lực xua và Nam xâm lược mà thôi.
    Không hiểu vì đường quá xa hay xe chạy chậm mà mãi đến chiều xuống xám xịt mới đến được trại Tổng Hành Dinh của Sư Đoàn 776 Yên Bái. Nơi đây có sẵn Đại Tá Thọ Nhảy Dù bị bắt tù binh trận Hạ Lào, đã thả ra rồi bắt lại những ba lần và còn đang ở đây. Chúng tôi nhận ra ông nhờ những người trong trại này cho biết. Đại Tá Thọ sống trong một căn chòi nhỏ như mấy cái chòi của người chăn vịt ở quê trong Nam. Ông ta bị biệt lập và đang nuôi heo.

    Tưởng đến đây là được dừng chân hẳn, Không phải, mà là nơi dừng tạm chờ đi tiếp. Trại nơi đây là trung tâm đầu nảo của Sư Đoàn 776 coi hết thãy các tù nhân miền đất Bắc.

    Mười lăm ngày tạm nơi đây không phải làm gì hết vì họ biết chúng tôi là dân gần chết. Có một bữa lùa lên hội trường cùng với hơn năm trăm con người tù khoẻ mạnh khác gọi là “bồi dưỡng tư tưởng“ vì Trung Quốc sắp đánh VN.

    Hơn năm trăm cái đầu toàn là Sĩ Quan từ cấp Đại Uý đến Đại Tá QLVNCH ngồi ngay hàng thẳng lối im thin thít nghe tên Đại Tá “Sư Trưởng“ Việt Cộng (Tư lệnh Sư Đoàn 776) giảng bài.

    “Các anh biết không Đất nước ta giàu Đẹp, rừng vàng biển bạc, cái gì cũng có. Ta có mỏ dầu đầy dưới biển, khi nào ta cần thì chỉ việc cắm ống nứa xuống lấy lên là xài“. Cả hội trường cười ồ lên và im ngay sau đó khi tay Đại Tá quát lớn “tại sao các anh cười“.

    Thật không thể nào tưởng tượng được một tên Tư Lệnh Sư Đoàn mà có thể nói như thế này: “Các anh biết không, Quân đội ta anh hùng, anh hùng lắm, hồi năm 72 Đế Quốc Mỹ ném bom miền Bắc nước ta, quân đội ta đã cho máy bay Mít 17 lên đậu sẵn trên mây phục kích, chờ máy bay Mỹ bay ngang qua là ta nhào ra bắn hạ thôi“. Lại một trận cười nữa ồ lên. Suốt bốn tiếng đồng hồ phải bị nghe những điều khôi hài ngây thơ từ một người có chức cao quyền lớn như tay Sư Trưởng này. Thật không ngờ. Thiệt không còn cái ngu nào hơn.

    Bốn giờ sáng, cả đám tù bệnh tật còn đang say ngủ, nhiều tên bộ đội súng AK lăm le trong tay, vai mang balô nặng triũ xuống quát tháo ầm ĩ: “Chuẩn bị hành quân, chuẩn bị hành quân“ Chúng tôi nhủ thầm “rồi lại đi nữa“.

    Bọn họ giục thét làm ra vẽ như trễ giờ, chúng tôi tưởng sẽ lên đường đi nơi khác nên phải dọn hết mọi thứ mà bọn họ thường gọi là quân tư trang“ không có thể giấu lại nơi này. Chính bọn bộ đội cũng dàn dựng mang balô nặng trĩu cho chúng tôi tin là hành quân đi xa thực sự. Nhưng kỳ thật bên trong balô chỉ toàn đất cát.

    Đến trước sân Bộ Chỉ Huy trại, họ tuyên bố “trong các anh còn có người không thật thà khai báo, còn giữ vòng vàng đá quý không giao nộp. Hôm nay chúng tôi tiến hành kiểm tra các anh . Ngay từ bây giờ nếu các anh thực thà giao nộp thì sẽ được Cách Mạng khoan hồng. Ngược lại các anh sẽ bị “kỷ nuật lặng lề“.

    Tôi có chiếc nhẫn cưới trong tay mà từ lúc ở trại Cẩm Nhân bị mọc mụt nơi ngón tay đeo nhẫn nên không tháo ra được. Bây giờ suy nghĩ mãi, có nên giao nộp hay cất giấu tiếp. Tôi định nuốt vô bụng, nhưng nhà vệ sinh trại tù không thể nào cho mình tìm lại được, giấu ở đâu cũng sẽ bị khám phá, vì mỗi tù nhân có tới hai tên cán bộ khám.

    Trời mùa đông đất Bắc lạnh cắt da, có khi xuống Zerô độ C , thế vậy mà họ bắt chúng tôi cởi hết áo quần chỉ còn mỗi cái quần xà lõn, nên ai cũng run lặp cặp.

    Tôi quyết định liều không khai mà giấu bằng cách nắm chặt trong tay khi tay ấy cầm cái nạng gỗ rất tỉnh bơ. Khi Quản giáo khám đến tôi, tôi vịn cớ ngồi khó khăn nên phải đứng, có như thế tay mới giữ được chiếc nhẫn trong tay.

    Có một vài anh em bị bắt tịch thu tiền và vàng, nhưng không ai bị đem đi nhốt. Bọn CS chỉ giỏi hù doạ mà thôi. Bọn họ chỉ cốt lục soát nhằm tịch thu làm của riêng. Những cái lược, cái trâm cài, những ống điếu thuốc lào làm bằng ống nhôm bóng loáng được khắc vẽ rất xinh đẹp đều bị tịch thu, mà cũng chỉ cho họ xài.

    Khi đến phiên khám tôi, tôi không giấu những bản nhạc ngày xưa viết thành tập mà liệng ra đống rác trước mặt. bọn họ tưởng là rác không dòm đến, còn chiếc nhẫn thì vẫn trong lòng bàn tay.

    Khám xét xong tất cả trở về lán của mình và mọi thứ sinh hoạt trở lại bình thường. Nói láo là chuyện chuyện nghiệp của CS không bao giờ biết trơ trẽn.


    Một đêm khuya mấy ngày sau, cũng cái màn đánh thức “chuẩn bị hành quân“ Chắc là bổn cũ soạn lại, nhưng không, lần này bị dồn lên hai chiếc xe bus quá cũ lúc chạy thiếu điều rã từng mãnh thùng xe ra. Trên mui xe vẫn có hai chiếc quan tài mang theo từ hồi trại Thác Bà.

    Mỗi người một nhúm khoai mì luộc ăn sáng, và một khẩu phần dành ăn trưa mang theo. Xe chạy rất chậm có lẽ vì quá cũ hay đường xấu. Xe ngang qua những cánh rừng bạt ngàn, xe len vào những phố thị bụi đất mịt mù, nơi nào cũng phô bày cảnh nghèo đói không thể nào tưởng ra được. Nhà cửa loang lổ vết bom đạn, vách tường rớt rụng lớp hồ tô bên ngoài đâu đâu cũng như vậy phơi bày một khung cảnh tổng thể xác xơ chưa từng thấy bao giờ.

    Đến quá trưa, xe dừng lại giửa cánh đồng ven hai bên đường, chỗ này là miền đồng bằng. Tất cả những người tù què quặt bệnh tật ngồi hoặc nằm dài mép đường tay quơ quào những khúc khoai mì cho buổi trưa.

    Một người dân, mặc áo quần lam lũ dừng chiếc xe đạp đứng nhìn một hồi lâu rồi bỏ đi. Không ngờ chửng một giờ sau dân ở đâu kéo tới bu quanh đông nghẹt chúng tôi. Người nào cũng nhìn chăm chăm vào thân thể chúng tôi như muốn tìm hiểu một điều gì.
    Bỗng tôi nghe được họ bàn tán với nhau cũng vừa cho mình nghe “Ủa cũng người mầy ạ“ Tôi nghe câu ấy tự nhiện lòng chùng hẳn xuống. Vậy là chính quyền miền Bắc tuyên truyền chúng tôi không phải là con người, là cái thứ quái vật nào đó, ăn gan uống máu người. Nên chi bây giờ họ nhìn tận mắt chúng tôi thì mới vỡ lẽ chúng tôi “cũng là người mày ạ“.


    Xe chạy từ tờ mờ sáng đến tối mịt thì chui vào một doanh trại có tường gạch bao quanh kiên cố nằm giữa rừng thuộc vùng đất Quảng Ninh. Nơi đây biết được có 600 anh em “Nguỵ Quyền“ toàn là dân Hành Chánh mới vừa chuyển trại rời khỏi đây.

    Chúng tôi được nhốt chung một phòng 38 người, Không bị đi lao động, xung quanh nhiều tiếng ồn ào của đám tù hình sự mỗi chiều đi làm về. Từ bên kia bức tường họ cũng cố nói sang cho chúng tôi hiểu đây là trại tên gì ở đâu: Một trại tù Hình Sự kiên cố của tỉnh Quảng Ninh tận trong rừng sâu.

    Gần sát ngày Trung Quốc đánh VN, họ chuẩn bị chuyển chúng tôi về một trại khác. Trong những ngày ở Quảng Ninh, Bác Sĩ Nguyễn Vĩnh Bình đã phải cõng những anh em bệnh nặng không đi được ra chổ hồ nước để tắm cho họ, và mỗi ngày ngồi kiên nhẫn đút bo bo cho họ ăn,

    Trong hoàn cảnh khốn cùng này mới thấy được tấm lòng nhân ái của con người với con người và đặc biệt Bác Sĩ Bình mà trong lòng ai cũng khâm phục. Tôi từng chứng kiến nhiều cảnh đời cư xử thật tê giữa những người tù với nhau trong một hoàn cảnh khốn cùng vì cái bánh vẻ hảo của bọn CS vẻ ra để dụ dỗ mọi người “học tập tiến bộ“ để Cách Mạng sớm tha về, và có biết bao anh em đã “sập bẫy“ ấy.

    Hay vì cái đói trong tù, nhất là tù ngoài miền Bắc vùng sơn lam chướng khí đói đến tận cùng bằng số, bất cứ lúc nào cũng cảm thấy đói, dù vừa mới bỏ vào miệng một chút gì như bo bo, như sắn xắt lát phơi khô còn ẩm móc vẫn thấy cồn cào đói như thường.

    Đói cho đến độ có “con gì nhúc nhích thì bắt ăn hết “, tôi không bắt an hết mà thường khi đi lao động bên ngoài chỉ quơ quà ít cây cỏ có thể ăn được mà “cải thiện“ cho bớt đói.

    Người ta thường nói nước rặt mới biết cỏ thúi, đất nước loạn mới biết quân trung. Trong cảnh tù khốn cùng mới hiểu thấm thía thế nào là tình người đối với nhau.

    Tôi cảm phục tấm lòng của người Bác Sĩ họ cho đi theo chúng tôi với nhiệm vụ săn sóc cho những anh em bệnh hoạn trong khi chuyển trại. Người ta có thể đoạn trường đổi lấy chén bo bo duy nhất dể nuôi sống một con người đang ghiền hút thuốc lào, thì ông Bác Sĩ lại bỏ ra mấy chục đồng để mua mấy chục tô phở cho tất cả anh em chung chuyến chuyển trại này. Tôi cảm phục vì vị Bác Sĩ này cõng mỗi ngày anh Quan bị sơ gan cổ chướng cái bụng to đùng chờ ngày chết đi ra sau nhà giam để tắm rửa va đút ăn cho anh ta. Không phải chăm sóc cho một người mà hầu như tất cả, tôi thương quá.

    Trong trại Quãnh Ninh, Bác Sĩ Bình phân công tuỳ theo tình trạng sức khỏe từng người một mà anh nào cõng anh nào, ai dìu anh nào còn đi được nếu như Trung Quốc đánh và đây (vì Tỉnh Quảng Ninh nằm sát cạnh biên giới Việt Trung) .

    Cũng may quân Tàu chưa đánh thì bọn CS đã di tản chúng tôi về Hà Nam Ninh. Một con đường khá dài nên phải đi từ sáng sớm đến 10 giờ đêm mới tới Phủ Lý.

    Trại Phủ Lý là một trại do quân Pháp xây cất dung để nhốt cán bộ CS ngày trước. Xung quanh trại có tường gạch kiên cố, và ngoài những phòng giam bằng tường gạch, có một khu biệt giam dành cho những tù nhân đặc biệt. Chỉ bốn ngày đêm trong khu biệt giam thì khi thả ra không thể đứng được nữa và thân người bị lở loét.

    Chúng tôi những người bệnh bị nhốt trong hai buồng 13 và 12. mỗi buồng 26 người, đêm nằm phải nằm nghiêng vì chỉ được ba tấc chiều ngang chiếc chiếu. Tháng nóng, thường hay nghẹt thờ vì thiếu dưỡng khí nên hay gọi cấp cứu...

    Tại trại Mễ - Phủ Lý một chi nhánh thuộc hệ thống trại giam do Công An coi quản, gồm có nhiều trại A, B C, D và Trại Mễ. Trong các trại của Hà Nam Ninh thì trại A lớn nhất có tường kín bao quanh và là trai mẩu của Bộ Nội Vụ.

    Mỗi khi có các phái đoàn từ các nước khác muốn xem xét hệ thống giam giữ của CS VN thì Hà Nội đều đưa tới trại A- Hà Nam Ninh. Ở Đây cũng từng có các tướng và 52 ông Đại Tá bị giam chung với chúng tôi nhưng khác buồng.

    Thời gian bị nhốt tại trại Mễ / Phủ Lý, họ cho biết thư về Nam và cho phép thăm nuôi. Lần đầu tiên vợ tôi và chị vợ từ Sài Gòn ra Hà Nội rồi xuống Phủ Lý thăm tôi. Tôi được gọi ra thăm nuôi, ôi xúc động hồi hộp vô cùng, Hai người thân vừa nhìn thấy tôi với cây nạng gỗ đi khập khễnh bước đến gần khu thăm nuôi là đã chảy nước mắt ra rồi.

    Câu chuyện “thăm nuôi" cũng rất hồi hộp và lý thú sẽ viết trong một bài khác.

    Nguyễn Trãi


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X