Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sức mạnh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng - Trọng Đạt

Collapse
X

Sức mạnh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng - Trọng Đạt

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sức mạnh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng - Trọng Đạt

    Sức mạnh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng

    Trọng Đạt



    Trang Hỏa Lực Toàn Cầu (1) đã xếp hạng các cường quốc quân sự trên thế giới. Người ta xếp thứ tự Quốc phòng của một nước dựa trên khả năng tác chiến qui ước cả về hải, lục, không quân và cũng dựa trên tài nguyên, địa lý, tài chính của nước ấy.

    Họ xếp thứ tự 10 nước hàng đầu (top ten) về phương diện quân sự trong số 126 nước trên thế giới như sau:

    1- Mỹ

    2- Nga

    3- Trung Cộng

    4- Ấn độ

    5- Pháp

    6- Anh

    7- Nhật

    8- Thổ Nhĩ Kỳ

    9- Đức

    10- Ý

    Kế đó Nam Hàn xếp thứ 11, Ai Cập thứ 12, Pakistan thứ 13, Brezil thứ 15, Do Thái thứ 16… Đài Loan thứ 19.

    Bắc Hàn rất khiêm tốn đứng thứ 25, nhưng vì Chủ tịch Kim Jong Un la làng lớn quá nên người ta cứ tưởng cái đất nước nghèo đói này là siêu cường nguyên tử. Ngân sách quốc phòng của Bắc Hàn 7 tỷ (Mỹ kim) so với gần 600 tỷ của Mỹ, có nghĩa là Ngân sách quốc phòng Mỹ gấp 85 lần NSQP Bắc Hàn (2015). Ngân sách quốc phòng Bắc Hàn (7 tỷ) thực ra chỉ bằng một phần ba (1/3) tiền đóng chiếc hàng không mẫu hạm nguyên tử (22 tỷ) của Mỹ ngày nay (2). Hoa Kỳ đứng đầu thế giới về Ngân sách quốc phòng với 581 tỷ (2015), kế đó Trung Cộng thứ nhì 155 tỷ, Saudi Arabia thứ ba 56 tỷ, Anh thứ tư 55 tỷ, Nga thứ năm 46 tỷ, Nhật thứ sáu 40 tỷ 3, Ấn Độ thứ bẩy 40 tỷ, Đức thứ tám 36 tỷ, Pháp thứ chín 35 tỷ, Ý thứ mười 34 tỷ…Ngân sách quốc phòng Mỹ (581 tỷ) còn lớn hơn ngân sách quốc phòng của chín nước top ten này cộng lại (498 tỷ)

    Nay dân số Nga chỉ còn một nửa (144 triệu) so với thời Liên bang Sô viết trước 1991, Tổng sản lượng kinh tế GDP Nga nay xuống hàng thứ 13 trên thế giới chỉ còn rất khiêm tốn 1,200 tỷ, vừa bằng 1/15 của GDP Mỹ. Ngân sách quốc phòng Nga nay rất khiêm tốn chưa bằng một phần mười (1/10) Ngân sách quốc phòng Mỹ. Sở dĩ Nga được xếp thứ nhì về quân sự vì họ có kho vũ khí cũ lớn, nhất là về nguyên tử

    Trên đây tôi đã dông dài về các nước hàng đầu về quân sự, nay xin quay về chủ đề chính và so sánh sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ với Trung Cộng.

    Về Ngân sách quốc phòng

    Như trên Mỹ 581 tỷ gấp gần 4 lần NSQP của Trung Cộng (155 tỷ).

    Vũ khí nguyên tử

    Mỹ là nước đầu tiên và duy nhất nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, các nước khác hoặc đánh cắp tài liệu như Nga, Trung Cộng hoặc được Mỹ giúp đỡ chế tạo… Mỹ cũng là nước duy nhất đã xử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh (1945). Về số lượng, Mỹ là nước có nhiều đầu đạn nguyên tử nhất.

    Từ 1940 tới 1996 (3), trong 56 năm Mỹ đã chi 8,890 tỷ đô la (theo giá tiền ngày nay) trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Người ta ước lượng từ 1945 Mỹ đã chế tạo hơn 70,000 đầu đạn nguyên tử, nhiều hơn tổng số đầu đạn nguyên tử của các nước trên thế giới cộng lại. Sô Viết đã chế khoảng 55,000 đầu đạn NT từ 1949, Pháp chế 1,100 đầu đạn NT từ 1960, Anh chế 835 đầu đạn NT từ 1952, Trung Cộng chế 500 đầu đạn từ 1964, các nước khác chế tổng cộng khoảng 500 đầu đạn. Từ 1962 Mỹ thử bom nguyên tử dưới đất (thôi thử trên mặt đất). Kho vũ khí NT của Mỹ nhiều nhất là 31,355 đầu đạn vào năm 1967, nay chỉ còn 4,018.

    Năm 1964 Trung Cộng thử bom nguyên tử lần đầu tiên, năm 1967 họ thử bom khinh khí lần dầu. Vào năm 2015 Mỹ ước lượng Hoa Lục có vào khoảng 260 đầu đạn NT (warhead) trong kho (4).

    Người ta ước lượng vào giữa năm 2020 họ sẽ sản xuất hơn gấp hai số đầu đạn hiện có để đe dọa Mỹ.

    Nói chung về số lượng vũ khí hạt nhân Mỹ nhiều gấp 15 lần Trung Cộng, tuy nhiên đây chỉ là ước lượng vì các nước đều giữ bí mật về nguyên tử.

    Không lực

    Mỹ có tổng cộng 13,444 phi cơ quân sự đứng đầu thế giới về số lượng, (chưa kể 6,084 trực thăng và 957 trực thăng chiến đấu). Số máy bay của Mỹ gần bằng số máy bay của 9 cường quốc không quân trên thế giới cộng lại (15,000). Trung Cộng có 2,942 chiếc đứng vào hàng thứ ba sau Nga (thứ nhì 3,547 chiếc)

    Các nước khác: Ấn độ hạng thứ tư 2,080 chiếc, Nhật hạng thứ năm 1,590 chiếc, Nam Hàn thứ sáu 1,451 chiếc….

    Trong tổng số phi cơ Mỹ kể trên gồm 5,093 máy bay chiến đấu, 5,739 máy bay vận tải, 2,771 máy bay huấn luyện.

    Như vậy về số lượng Mỹ gấp 4 lần rưỡi Trung Cộng.

    Toàn bộ không lực của Trung Cộng được ước lượng khoảng 3,000 máy bay, gồm 2,600 máy bay chiến đấu, 782 vận tải, 352 huấn luyện, trực thăng 802, trực thăng chiến đấu 200.

    Nay họ có chương trình chế tạo phi cơ quận sự mới để thay thế các loại cũ trong một tương lai gần (5)

    Hải quân

    Về mặt số lượng thì Bắc Hàn đứng đầu thế giới với 967 tầu, thứ nhì Trung Cộng 714 tầu, thứ ba mới tới Hoa Kỳ 415 tầu ….

    Hải quân Bắc Hàn (6) được coi là một hệ thống Hải quân sông ngòi (Mỹ gọi là Brown-water navy) chỉ chạy trong ngòi lạch hay ven bờ biển thôi. Họ không có chiến hạm, khu trục hạm mà chỉ có nhiều tầu biên phòng tổng cộng 211 cái, về tầu ngầm có 70 chiếc trong đó 20 chiếc lớn 1,800 tấn loại Romeo Class chạy bằng dầu cặn diesel, rất lỗi thời do Nga chế tạo từ 1950 (thời vua Bảo Đại), 40 cái loại nhỏ 300 tấn và 10 cáo loại bỏ túi 130 tấn. Báo Bắc Hàn tháng 10 năm 2013 cho biết một tầu săn tiềm thủy đĩnh và một tầu tuần duyên của họ bị chìm (vì trục trặc hoặc lủng đáy)

    Hải quân Mỹ

    Hoa Kỳ bao bọc bởi đại dương nằm hai bên và có một lực lượng hải quân lớn và mạnh nhất thế giới với toàn bộ chiến hạm có trọng tải lớn nhất.

    Các hạm đội Mỹ được phân chia bảo vệ các khu vực trên thế giới: Hạm đội 3 đóng tại Thái Bình Dương Mỹ ( US Pacific fleet), Hạm đội 4 tại phía Nam Châu Mỹ (Naval Forces Southern Command), Hạm đội 5 tại Ấn Độ Dương, Trung Đông (Naval Forces Central Command), Hạm đội 6 tại Đại Tây dương Âu Châu (Naval Forces Europe), Hạm đội 7 tại Thái Bình Dương (U.S Pacific Fleet), Hạm đội 10, Bộ chỉ huy điện toán các hạm đội (Fleet Cyber Command) (7) Hải quân Mỹ gồm 274 tầu chiến và hơn 3,700 máy bay tính tới tháng 10-2016 (8).

    Xin nói thêm về Hàng không mẫu hạm. Khởi đầu Đệ nhị Thế chiến, nước Nhật có 10 hàng không mẫu hạm được coi là lớn và tối tân nhất thời đó, trận tấn công Trân Châu Cảng (1941) đã gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ và mở đầu cho một thời đại mới, đó là thời đại Tầu sân bay. Nước Mỹ từ sau Thế chiến đã xây dựng một lực lượng Tầu sân bay hùng mạnh và lớn nhất thế giới mà không quốc gia nào làm được vì nó vô cùng tốn kém và đòi hỏi một trình độ khoa học quốc phòng cao, đó là một vũ khí lợi hại, một thành phố nổi có khả năng đem hỏa lực không quân tới những nơi xa xôi toàn cầu.

    Năm 2017 trên thế giới có 37 hàng không mẫu hạm của hải quân thuộc 12 nước.

    Hải quân Mỹ có nhiều Hàng không mẫu hạm lớn và tối tân nhất (trọng tải trên 100 ngàn tấn) với 10 chiếc hiện dịch (đang vận hành) và 2 chiếc trong hạm đội trừ bị và đang đóng thêm 3 chiếc khác. Tầu sân bay Mỹ có khả năng chuyên chở được 80 máy bay phản lực chiến đấu. Ngoài ra Hải quân Mỹ có chín tầu đổ bộ và cũng là tầu sân bay cho trực thăng (helicopter carriers), nó cũng có thể chở được 20 máy bay phản lực lên thẳng, được coi là Hàng không mẫu hạm hạng nhẹ. Nếu tính cả 9 Tầu sân bay cho trực thăng và phi cơ lên thẳng thì tổng cộng hiện là 19 chiếc.

    Mỹ bắt đầu đóng Hàng không mẫu hạm từ tháng 3-1922, cho tới nay họ đã đóng được 78 chiếc, thật khủng khiếp. Trong đó 4 chiếc bị Nhật đánh đắm Thế chiến thứ hai, 2 chiếc bị chìm vì lý do khác, một số để trưng bầy, còn lại đa số bị phế thải lấy sắt vụn (scrapped) vì lỗi thời (9)

    Các nước khác có Tầu sân bay gồm Pháp 4 chiếc, Nhật 3, Ý 2, Ấn 2, Úc 2, Tầu 1, Anh 1, Brezil 1, Tây Ban Nha 1, Thái Lan 1, Nam Hàn 1, Nga 1. Tầu sân bay các nước Trung Cộng, Pháp, Ấn, Nga…vào loại trung bình chỉ mang được từ 30 tới 50 máy bay, trọng tải khoảng từ 30 tới 50 ngàn tấn, một số nước khác chỉ có Tầu sân bay loại nhẹ. Nhiều nước mua lại Hàng không mẫu hạm nhưng không có đủ tiền bảo trì, vận chuyển nên chỉ neo lại một xó vì thiếu chi phí.

    Hải quân Trung Cộng

    Thập niên 50, 60 Hải quân Trung Cộng được chuyên gia Sô Viết giúp đỡ, cố vấn xây dựng kỹ thuật. Cho tới cuối thập niên 1980 Hải Quân Hoa Lục phần lớn chỉ là giang đĩnh trong sông ngòi và duyên phòng, riverine and littorial force (tức brown-water navy). Nhưng thập niên 1990 khi Sô Viết sụp đổ, Trung Cộng không phải lo đương đầu tại biên giới (Nga-Hoa) mà hướng về phía biển. Năm 2009, tức 8 năm trước đây họ mới hướng Hải quân về đại dương (green-water navy) (10), trước thập niên 1990 Hải quân phụ thuộc vào lục quân

    Năm 2013 giới lãnh đạo Hoa Lục phác họa một lực lượng Hải quân phòng thủ và tấn công, Hải quân của họ gồm năm ngành: Lực lượng tiềm thủy đĩnh, Lực lượng tầu nổi, Lực lượng biên phòng, Lực lượng Thủy quân lục chiến, Lực lượng không quân thuộc Hải quân.

    Về số lượng Trung Cộng đứng thứ hai trên thế giới với 714 chiếc kể cả giang đĩnh, tầu biên phòng, có 70 tầu ngầm nhưng đa số cũ kỹ do Sô Viết chế tạo từ thập niên 50, mới đóng chừng 20 chiếc tối tân gần đây do Nga giúp kỹ thuật.

    Năm 1998 Trung Cộng mua lại một tầu cũ bỏ hoang của Ukraine, năm 2002 được kéo về Hoa Lục, năm 2011 mới đóng xong thành Tầu sân bay đầu tiên của họ (Liêu Ninh). Đây chỉ là Tầu sân bay loại nhỏ trọng tải 33,000 tấn chỉ bằng 1/3 một hàng không mẫu hạm Mỹ, chỉ dùng để huần luyện. Cách đây chừng 5 năm, một Tướng bốn sao của Nhật nhận định Hải quân và Không quân Trung Cộng còn lạc hậu từ 10 tới 20 năm so với Nhật về kỹ thuật, huấn luyện…

    Thật vậy, Hải quân Trung Cộng còn hậu tiến, trước đây đa số là giang đĩnh hoặc tầu biên phòng, mới thực sự đóng hoặc mua tầu chiến gần đây (khoảng 8 năm) còn yếu kém cả về kỹ thuật, kinh nghiệm chỉ đủ sức tự vệ chứ chưa thể tấn công.

    Cách đây hơn 20 năm, 1995, cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara nói (11):

    “Nếu Trung Cộng có tham vọng thực hiện được mục tiêu kinh tế của họ vào thập niên 2,000 và giữ được tỷ lệ tăng trưởng cao trong nửa thế kỷ sau, khối dân số 1 tỷ 6 của họ sẽ có một lợi tức và ảnh hưởng tới các nước Tây Âu giữa thế kỷ 20. Tổng sản lượng kinh tế (GDP) sẽ vượt qua Mỹ, Tây Âu, Nhật hay Nga. Trung Cộng sẽ là một siêu cường đáng gườm….”

    Nhận định và tiên đoán của McNamara có thể đúng về kinh tế. Nói về quân sự họ cần bỏ nhiều thập niên để đuổi kịp Mỹ nhất là về khoa học quốc phòng. Nay khoa học, kỹ thuật quốc phòng của Hoa Lục còn thua kém xa Mỹ, Nga, Nhật, Pháp…họ có thể làm được máy bay, đóng tầu nhưng phải mua phụ tùng, máy móc và nhờ các chuyên viên Nga sang giúp, nay nhiều phi cơ, tầu chiến, tiềm thủy đĩnh Trung Cộng đã được mua của Nga hoặc Tây phương

    Ngoài ra họ thiếu kinh nghiệm chiến trường như trong trận chiến với CSVN năm 1978, 79 tại biên giới Việt-Hoa, Trung Cộng đưa một lực lượng trên 30 sư đoàn với xe tăng đại bác hùng hậu gấp 5, gấp 6 lần phía CSVN nhưng đã thảm bại. Chính phía Trung Cộng sau này nhận định họ thiếu huấn luyện, thiếu phối hợp, khi dàn trận xe tăng, pháo binh một nơi, bộ binh một nẻo đưa tới hậu quả thất trận nhục nhã.

    Nhận xét

    Trở lại Hoa Kỳ như ta đã thấy ở trên họ có kho vũ khí nguyên tử nhiều hơn tất cả các nước trên thế giới cộng lại, về ngân sách quốc phòng, vũ khí, phi cơ quân sự, hàng không mẫu hạm…. của Mỹ lớn hơn, tương đương hoặc gần bằng tổng số vũ khí, máy bay, hàng không mẫu hạm… các nước top ten trên thế giới cộng lại, có nghĩa Hoa Kỳ đủ sức mạnh quân sự, quốc phòng đương đầu với cả thế giới hợp lại.

    Nói khác đi về mặt quân sự Hoa Kỳ có thừa khả năng đánh bại hoặc đè bẹp cả Nga và Trung Cộng cùng một lúc ngày nay cũng như thời chiến tranh lạnh nhưng vấn đề quan trọng là có dám xử dụng sức mạnh đó hay không. Trên thực tế các ông Tổng thống Mỹ không có nhiều quyền hạn để xử dụng sức mạnh đang có, họ phải thăm dò ý kiến người dân, phải đưa ra Quốc hội….hễ dân la làng là hỏng việc.

    Cuối tháng 4-1954, quân Pháp đồng minh của Mỹ bị bao vây nguy khốn tại Điện Biên Phủ. Ngày 29-4 TT Eisenhower họp cùng giới chức quân sự hàng đầu duyệt lại tình hình lần cuối để có thể cho oanh tạc ồ ạt bằng 60 oanh tạc cơ hạng nặng B-29 và 450 máy bay hộ tống cứu nguy ĐBP. Riêng TMT liên quân hoàn toàn ủng hộ kế hoạch đơn phương oanh tạc (không cần thông qua Quốc hội) nhưng các Tướng lãnh TMT hải, lục, không quân chống đối sợ sa lầy, cuối cùng TT quyết định không oanh tạc cứu nguy ĐBP. Quyết định này khiến ĐBP thất thủ, Việt Minh và Trung Cộng đã lập một chiến thắng rung động cả thế giới không những nó đã khiến Pháp mà cả Thế giới tự do phải mất mặt. Việc Hoa Kỳ không dám oanh tạc cứu nguy ĐBP đã ám ảnh theo đuổi chính phủ Eisenhower một cách kỳ lạ năm năm sau, họ hối tiếc đã bỏ lỡ cơ hội để phía CS Quốc tế đạt được chiến thắng to lớn vẻ vang

    Người dân Mỹ mới thực sự quyết định đường lối quân sự của đất nước, năm 1965 Tổng thống Johnson đưa hàng trăm nghìn quân Mỹ vào VN vì theo thăm dò số người ủng hộ cuộc chiến VN khá cao (60% hoặc hơn nữa). Nhưng mấy năm sau, họ biểu tình phản chiến dữ dội vì số lính Mỹ tử trận đã lên tới hơn ba chục ngàn năm 1968 khiến chính phủ phải tìm hòa bình. Năm 1969 khi Nixon làm Tổng thống, người dân biểu tình bạo động đổ máu khiến chính phủ bó tay không làm gì được.

    Nước Mỹ rất hùng cường về quân sự, quốc phòng nhưng lại rất yếu về tinh thần, thí dụ năm 1968 khi CS Bắc Việt chết như rạ hàng mấy trăm ngàn người hoặc nửa triệu trong khi Mỹ chỉ mất vài chục ngàn nhưng người dân biểu tình la làng. Người dân sợ chết quá nên chính phủ Mỹ rất khó đưa quân vào những cuộc chiến tranh lớn trừ khi địch tấn công trực diện vào đất nước như năm 1941 quân Nhật đánh Trân Châu Cảng. Trong một cuộc chiến tranh lớn có chết chóc, tổn thất nhân mạng là điều không thể tránh khỏi. Đã chấp nhận binh đao khói lửa là phải có máu chẩy thịt rơi nhưng người dân Mỹ sợ chết lại nắm quyền quyết định như thế Hoa Kỳ có thực sự là siêu cường quân sự hàng đầu không?

    Cách đây mấy năm Nga chiếm Crimea, Trung Cộng xây đảo nhân tạo tại biển Đông khi ấy Mỹ chỉ phản đối xuông không dám động chân động tay hoặc sợ dân chống đối, hoặc sợ mất phiếu….chứng tỏ một quốc gia hùng cường về quân sự như Mỹ chưa hẳn đã là một ưu thế.

    TT Nixon nói về đường lối xử dụng sức mạnh của ông đối với CS Hà Nội năm 1972 như sau:

    “Chúng ta có hỏa lực để phá hủy bộ máy chiến tranh của địch. Chỉ có vấn đề là ta có đủ ý chí (can đảm) để xử dụng sức mạnh ấy. Tôi xin nói rõ là tôi có ý chí xử dụng sức mạnh và sẵn sàng chấp nhận hậu quả” (12)

    Nixon có đường lối cứng rắn xử dụng hỏa lực Mỹ tối đa để đạt kết quả và ông đã thành công, cuối năm 1972, trận oanh tạc ồ ạt táo bạo bằng B-52 xuống miền Bắc đã kéo Hà Nội lại bàn Hội nghị Paris.

    Nhưng không phải rằng các Tổng thống Mỹ đều có chính sách như Nixon, vũ khí của Mỹ được chế tạo đầy kho nhưng có mục đích răn đe hơn là xử dụng.


    Trọng Đạt

    (1) http://www.globalfirepower.com
    (2) http://www.whatitcosts.com/nuclear-powered-aircraft-carrier-nimitz-costs
    (3) Wikipedia -Nuclear weapons and the United States
    (4) Wikipedia- China and weapons of mass destruction
    (5) Wikipedia- People’s Liberation Army Air Force
    (6) Wikipedia – Korean People’s Navy
    (7)) Wikipedia-Structure of the United States Navy
    (8) Wikipedia- United States Navy
    (9) Wikipedia-List of aircraft carriers of the United States Navy
    (10) Wikipedia- People’s Liberation Army Navy
    (11) Robert S. McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, trang 325
    (12) No More Vietnams trang 148


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X