Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cậu tôi !

Collapse
X

Cậu tôi !

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cậu tôi !

    Cậu tôi !


    Hoàng long Hải


    “Xóm Cũ” (Hồi Ký - Father’s Day - Trích)


    Giới thiệu,

    Cậu mạ (mẹ) tôi sinh 8 người con, 4 trai, bốn gái. Về bốn người con trai thì người lớn nhất (anh cả), làm chủ báo Ý Dân ở Huế, ủng hộ Việt Minh, bị Tây bắt thủ tiêu năm 1950, khi ông mới 20 tuổi Tây, 21 tuổi ta. Người con út “là Hùng Móm”, tức Hoàng Ngọc Hùng, cố Thiếu tá Dù, Đại đội trưởng 112, tử trận ở Cầu Lòn ngày 14 tháng 7 năm 1972, khi đem quân tái chiếm cổ thành Quảng Trị. Một người chết vì phe bên nầy, một người chết vì phe bên kia. Cuộc chiến 30 năm, nhiều gia đình Việt Nam tương tự như thế.

    Người chị đầu của tôi, chết vì bệnh năm 1947, khi đang chạy tản cư. Qua năm sau, cậu (tức là cha) của tôi chết trên chiến khu Ba Lòng, khi ông theo kháng chiến.

    Sau năm 1975, có mấy người bà con bên ngoại đi tập kết về, đến thăm mạ tôi, nói, gia đình tôi cũng là “gia đình Cách mạng” vì có người đi kháng chiến và hy sinh (ý nói cậu tôi chết trên Chiến khu).

    Nguời bà con đi rồi, mạ tôi cười cười nói với anh tôi và tôi : “Cậu mi mà Cách mạng chi ! Hồi nớ (hồi đó), Việt Minh tuyên truyền, Tây bắt được ai thì lấy giây thép xỏ ngang lòng bàn tay dắt đi (vì Tây không có còng). Ông nhát gan, sợ Tây, không dám hồi cư.”

    Vậy thì cậu tôi là “Nhà cách mạng” thế nào được !

    &

    Có lần tôi nói hình như bên nội tôi có máu “lưu lạc giang hồ”, bởi vì ngay như tôi, sinh ra và lớn lên bên bờ sông Thạch Hãn, nhà ở với trường học cũng bên bờ sông Thạch Hãn, cách sông Bến Hải - tức vĩ tuyến 17 - biên giới phía bắc của “nước” Việt Nam Cộng Hòa chưa tới 20km, vậy mà trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi đang ở Hà Tiên. Nhắm bộ tôi không phải là người đi từ đầu (sông) tới cuối (sông) hay sao ? Người xưa thì “Quân tại Tương giang đầu…” đời tôi thì “Sinh tại Hiền Lương giang, tù tại Hà Tiên lãnh…”

    Ngay từ đời nội tổ tôi, ông cũng là người bỏ xứ mà đi.

    Ông sinh ra ở “làng thợ rèn”, tức là làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Đây là “làng của vua”, vì làng có nghề rèn, xưa thường rèn gươm giáo cho binh lính của vua. Nếu rèn cho dân thì có thể dân có vũ khí “đi làm giặc”. Từ vị trí “vua biết mặt, chúa biết tên”, làng có người được đi học, thi đậu, ra làm quan, ông Trương Như Cương làm quốc trượng, tức là bố vợ vua Khải Định. Anh em, bà con, người làng mâu thuẫn nhau là bắt đầu từ đó. Người thi đậu “ra làm quan” thì giàu có, sung sướng, ăn trắng mặc trơn. Người không được đi học hay có học mà thi không đậu gì cả thì tiếp tục nghề rèn, tiếp tục “đập búa đập đe” - “Thợ rèn đập búa, đập đe, đập nhằm con că… ngo ngoe hai đầu” (ca dao) - mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà vẫn nghèo.

    Đó là “tỉnh cảnh” ông nội tôi. Ông thi đậu, không rõ tú tài hay cử nhân, nhưng làm “ngự y” đời Thành Thái. Thế rồi vua Thành Thái bị truất ngôi, ông về quê làm thầy thuốc Bắc. (1)

    Đó là thêm một lý do nữa để ông mâu thuẫn với người làng. Ông bỏ quê của ông, sang cư ngụ bên làng vợ, làng ngoại của “cậu” tôi: Làng Hạ Lang huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông qua đời ở đó, mới 49 tuổi. “Cậu” tôi cũng mới 9 tuổi. “Cậu” tôi là con út, mà lại con trai độc nhất, nên sau khi có con, chúng tôi không gọi ông là ba hay cha hay bố mà gọi là “cậu”, theo phong tục của người Việt ngày xưa - con khó nuôi.

    “Cậu” tôi là con út, trước ông là ba bà chị gái.

    Lớn lên, ông cũng là người “thất chí”, bỏ làng mà đi năm ông hai mươi tuổi. Ông cưới mẹ tôi, người sinh trưởng ở thị xã Quảng Trị, phường Đệ Tứ. Anh chị em chúng tôi, sinh ra và lớn lên ở đó.

    &

    Tôi không có những kỷ niệm êm đềm, vui tươi với cậu tôi.

    Ông thuộc hạng “người xưa”, có nghĩa là những người khi còn trẻ, có cầm bút lông mà học chữ Nho, “chữ thánh hiền”, câu tôi từng nghe ông nói.

    Ông có những hành động cực đoan về “trọng Nho”. Khi thấy một mảnh giấy co chữ Nho, như một bao hương (nhang), thường màu đỏ, có chữ Nho hay hộp trà “Thiết Quan Âm” thì ông lượm lên - có thể kèm theo tiếng cằn nhằn anh em chúng tôi - ông đem đốt, không bao giờ bỏ vào thùng rác miếng giấy có “chữ của thánh hiền”.

    Cậu tôi tuổi dần, sinh năm 1902, có nghĩa rằng khi ông học chữ Nho là lúc chữ Nho đang thời kỳ suy tàn. “Cái học nhà Nho đã hỏng rồi, Mười người theo học chin người thôi (học).” Năm ông 14 tuổi, là năm có khoa thi Hương cuối cùng của triều đình Huế. Chữ Nho của cậu tôi không biết được bao nhiêu, ông đem bỏ lại một bên lòng, không thì cũng chỉ để viết sớ để đọc khi cúng kỵ, v, v… hoặc để “chấm” Tử vi !!!

    Dĩ nhiên, câu tôi phải theo thời, kết quả của “phong trào Đông Du”, “phong trào Duy Tân”: “đổi bút lông lấy bút chì”. Có lẽ mớ chữ Quốc Ngữ và chữ Tây trong bụng ông cũng lỏng lẻo lắm. Vả lại, con út quan ngự y, lại là con độc nhứt, mồ côi cha sớm, được mẹ cưng, nên tôi không nghĩ cậu tôi là học trò giỏi. Ông đến trường, hay học tại nhà, ông ngồi “đếm” lớp “đếm” thầy nhiều hơn nhét vô bụng năm ba chữ thầy dạy cho. Vì vậy, tuy được coi là “công chức” sở Học Chánh - tên gọi hồi Pháp thuộc - có lẽ cậu tôi ngồi ghế hạng bét mỗi khi có họp hành.

    Những ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về cậu tôi là sự nghiêm khắc và bất công với con cái của ông. Chúng tôi, nhất là ông anh cả, thường bị đánh đòn, - bằng roi mây, roi làm bằng thân cây mây - mà anh em chúng tôi thường bày trò để chơi, nhưng cậu tôi cho là “phá”, chẳng hạn như đào lỗ trước cổng nhà để đánh bi, đánh đáo. Tôi khó quên một trận đòn “dữ dội” mà hai ông anh tôi, và tôi đều là nạn nhân. Hôm đó, ông về quê, đi về hai ngày. “Vắn chủ nhà, gà bươi bếp” Dọc theo con đường vào ngõ, chúng tôi đào những cái hầm nhỏ, vừa hai bàn chân, chơi trò “tàu bay Đồng Minh (Mỹ) thả bom lính Nhật”. Cuộc vui đang hồi hào hứng thì cậu tôi về mà chúng tôi không hay. Ông bẻ một nhánh cây to, đánh tới tấp vào ba anh em chúng tôi “bất đồ vô ý”. Không được “phá” là câu răn dạy thường xuyên của ông, trong khi ba thằng con trai lớn của ông chẳng bao giờ có đồ chơi.

    Anh Thạnh tôi - thứ Ba, anh Khương (sau đổi tên là Lợi), thứ Năm là hai đối thủ “triền miên” trong một cuộc chiến không bao giờ ngừng nghỉ, dù đêm hay ngày. Anh Năm, mặt chữ điền trắng trẻo, ngoài mặt thì ngoan hiền, lễ phép, học giỏi… Ông nầy thuộc hàng quái kiệt. Khi tôi đã lớn, một hôm tôi hỏi ông : “Anh Phúc bạn của anh thấy em là mặt hằm hằm, làm như ghét em chuyện gì !” Anh Năm tôi trả lời : “Thằng đó hồi học lớp ba với tau, dốt lắm. Muốn tau cho “cọp dê”, nó phải “hối lộ” bánh cho tau. Nhà nó bán bánh”. Về sau, tôi thường nói đùa với các con tôi : “Bác Lợi ăn hối lộ giỏi lắm. Ngay từ lớp Ba, bác đã có “nghề” rồi”.

    Anh Ba tôi thì ngược lại. Ham chơi, “phá” như cách cậu tôi nói và học dốt. Năm ông thi primaire (tốt nghiệp Tiểu học), bà “đầm” đọc một bài dictée, ông viết có rất nhiều lỗi (faute). Vì vậy, trưa hôm đó, hội đồng thi yết bảng ai đậu hỏng thì buổi sáng, ông đã “rời nhà” rồi để tránh trận đòn của cậu tôi.

    Năm “toàn dân kháng chiến”, sau khi “vỡ mặt trận Quảng Trị” sau Tết Đinh Hợi (1947), cậu tôi “theo cơ quan”. Ban đầu, dự tính rút ra Thanh Hóa theo lệnh của Việt Minh. Chưa ra tới ranh giới hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình thì Tây đã đổ bộ Đồng Hới. Con đường ra Bắc bị kẹt. Tất cả các “Cơ quan Việt Minh” thuộc tỉnh Quảng Trị rút lên Ba Lòng. Mẹ tôi đem các con theo ba tôi, lên ở Chà - Cá, một lưu vực phía dưới thung lũng Ba Lòng, cũng trên sông Thạch Hãn. Tôi có lên Ba Lòng, chỗ cậu tôi ở với cơ quan : Một gian nhà tranh, lèo tèo mấy ông giáo viên, chắc là không có việc chi để làm.

    Mùa xuân năm sau, Mậu Tý/ 1948, cậu tôi bị bệnh thương hàn, về nằm bệnh viện tại Chà Cá, nơi mẹ tôi ở với các con. Cậu tôi qua đời ở đó. Tình hình gia đình tôi bây giờ thì đói, cậu tôi bệnh nhưng không có thuốc điều trị.

    Cậu tôi được chôn tại nghĩa trang của bệnh biên, sát chân núi, bên kia một con suối cạn. Anh Ba tôi kêu tôi đi theo, vô trong khe núi, đào một tấm đá dài hơn một thước, một đầu lớn, một đầu nhỏ. Anh tôi buộc giây, lấy một đòn cây khiêng vô nghĩa địa. Tôi đi trước, khiêng đầu nhẹ, anh Ba tôi đi sau, khiêng đầu nặng, đem chôn ở đầu mộ, làm tấm bia, chôn ở đầu mộ cậu tôi.

    Mùa hè năm đó, Tây lên lùng Ba Lòng và các thung lũng có cơ quan Việt Minh đóng hai bên bờ sông Thạch Hãn. Mẹ tôi đem tất cả các con “hồi cư”, về lại Thị xã, để “các em được đi học lại” như lời khuyên của anh Đội Tháp, trước kia là đội lính Khố Đỏ của Tây, hồi ấy làm “đại đội trưởng Vệ Quốc Đoàn” (lính của Việt Minh) và anh đội Thiều, Trưởng ban truyền tin Trung Đoàn 95 (Việt Minh), trước kia cũng là đội Khố Đỏ, lính Tây).

    Năm 1955, sau khi đậu trung học, tôi về Quảng Trị nghỉ hè. Mẹ tôi biểu anh Năm tôi (Anh Ba tôi đã bị Tây bắt thủ tiêu, khi ông làm tờ báo Ý Dân, chống Tây và Việt Gian năm 1950 ở Huế) và tôi, đi cùng ông đội Sắt, anh em chú bác với cậu tôi, thuê thêm hai người nữa, lên chiến khu bốc mộ cậu tôi, lấy hài cốt đem về.

    Buổi chiều, chúng tôi lên một chiếc đò nhỏ, có mui, chèo tay, đi ngược sông Thạch Hãn. Tôi đem theo cây đàn ghi-ta, tưởng tượng đò đi ngược sông, tôi ôm đàn mà hát, giữa cảnh sông nước mênh mông, có lẽ thích thú lắm. Hoàng Xuân Định đi trên bờ sông, thấy vậy, nói to : “Đi bốc mộ chớ đi chơi hay răng mà đem đàn đi theo.” Câu nói cua Định làm tôi mất hứng nên tối đó, tôi ngủ một giấc dài, chẳng đàn ca gì hết.

    Sáng hôm sau, đò lên tới bến. Tôi dẫn đường mọi người đi tới nghĩa địa. Dĩ nhiên, nghĩa đia bỏ hoang mấy năm, cây cối mọc um tùm; cũng may cây toàn là sậy đế, cây tàn cũng đã nhiều, khung cảnh nghĩa địa cũng dễ nhận ra. Thân nhân đến dời đi cũng đã nhiều mồ mả. Tôi đi tới một cái cây to. Mộ cậu tôi nằm gần ở đó. Nhờ có tấm bia đá ngày đó tôi và anh Ba tôi chôn làm dấu nên tôi nhận ra mộ cậu tôi dễ dàng. Có điều lá, hồi đó, tôi thấy tấm đá lớn lắm, sao bây giờ nhỏ hơn nhiều. Có lẽ cái nhìn của môt đứa bé khi mới hơn mười tuổi và bây giờ 16 tuổi khác nhau đi chăng ? Hồi bé thấy cái gì cũng lớn hơn bây giờ.

    Hai người làm công đào đất lấy hài cốt. Hồi ấy, khi cậu tôi qua đời, bó chiếu mà chôn (cậu tôi theo Việt Minh mà ! Bó chiếu mà chôn là còn may !), nên bây giờ người đào mộ chẳng phải moi hòm cậy nắp gì cả. Khi nhìn thấy sọ và xương, tôi thấy lòng tôi vừa thương vừa sợ. Tôi vốn sợ ma !

    Trưa hôm đó, chúng tôi ra về. Chiều thì tới bến sông ngay nhà.

    Mẹ tôi sai dựng một cái mái lá, phía trước nhà, bên kia đường. Cái “va-li” mới - mẹ tôi mua một cái va-li mới để đựng hài cốt đem về - được đặt trên cái ghế nhỏ. Bác tôi thắp nhang, khấn vái xong cắm vô lư hương (bình nhang) để sẵn trên cái bàn nhỏ. Bên cạnh bát nhang có nãi chuối, dĩa trái cây, chén cơm trắng, cái trứng vịt luộc để trong cái dĩa nhỏ với chút muối hột giả nhỏ, đôi đũa. Không có bài vị hay phướn gì cả.

    Theo phong tục, hài cốt người chết không đem vô nhà được. Sáng hôm sau, sau khi cúng sáng xong, bác tôi và anh em chúng tôi “ôm” va-li - chớ không “xách va-li” như người ta thường nói - đi bộ lên ga xe lửa, “đưa Người về quê”.

    Chúng tôi xuống ở ga Sông Bồ - bên kia sông Bồ là ga Hiền Sĩ -. Từ ga sông Bồ, chúng tôi đi bộ về làng, chỗ có một chỗ đất rộng, sau nầy, anh Năm tôi lập “Nghĩa trang gia đình”.

    Khu vực nầy là một cái truông lớn, đất cát, chỉ có lùm bụi lúp xúp, không có cây lớn, không trồng trọt gì được vì thiếu nước, là khu nghĩa địa của làng tôi, thường gọi “Rú Câu Bang” nhưng không thuộc làng Câu Bang.

    Làng tôi “cướp” đất của làng Câu Bang đấy. Chuyện “lịch sử” là như thế nầy.

    Hồi chúa Nguyễn Hoang vô Nam, năm 1558, có một người đàn bà góa chồng, dẫn bốn người con trai đã khôn lớn đi theo chúa. Chúa cần gia đình nầy đi theo, không phải vì người đàn bà góa chồng có nhan sắc, nhưng gia đình nầy, kể cả người mẹ và bốn con, đều có nghề rèn, là nghề rèn dụng cụ nông nghiệp và binh khí cho chúa. Dụng cụ thì để binh lính của chúa phát đất hoang làm ruộng, làm rẫy. Binh khi thì lính tráng dùng để canh gác hay chống giặc, v.v…

    Bốn người con trai sau mở ra bốn nhánh của họ Hoàng bên nội tôi. Bốn nhánh đó là: Như, Văn, Đăng, Thế. Thế là nhánh chót họ của tôi, nên tên cúng cơm của tôi là Hoàng THẾ Đức. Hoàng Long Hải là tên “tào lao” do anh Ba tôi, ưa văn nghệ văn gừng mà đặt bậy ra.

    Sau khi người mẹ đã già, bốn người con dựng cho mẹ một ngôi chùa để mẹ tu. Bà cũng qua đời ở đấy. Cho tới giờ, qua bao nhiêu biến thiên và giăc giã, ngôi chùa vẫn còn. Người ta là “Chùa làng Hiền Lương”, hơn bốn trăm tuổi.

    Nhờ nghề rèn mà dân làng tôi “gần gũi” vua quan. Làng đã ít ruộng mà không có đất sinh nhai, bèn nghĩ ra một kế để cướp đất của làng Câu Bang ở bên cạnh. Kế làng Câu Bang là một cái truông - trong nam gọi là Trảng, như Trảng Lớn, Trảng Sụp chẳng hạn - Truông không có nước, chỉ có lùm bụi, loại cây mộc nhưng thân không lớn vì thiếu nước. Bị cướp đất, làng Câu Bang thưa lên tới vua. Làng tôi khai là cần các loại “cây rú” để thổi lò rèn vì thiếu than. Bên làng Câu Bang thì rú để hoang, làng Hiền Lương cần rú để “thụt bệ thợ rèn”. Làng Câu Bang lại chẳng có ai làm quan trong triều, phần đông là nông dân cày sâu cuốc bẫm. Làng Hiền Luơng có người được vua ban áo mão. Ấy, làng Câu Bang không thua kiện thế nào được !

    Dù khi thợ rèn không còn cần thiết như ngày xưa nữa, gốc củi cũng đã hết, làng tôi ùdung đất làng Câu Bang làm nghĩa địa. Khi làng tôi có người chết, đem chôn trên rú, đám ma phải đi ngang qua làng Câu Bang, dân làng Câu Bang cũng chỉ có thể đứng nhìn. Chuyện xưa qua rồi, không ai “hưỡn” để kiện tụng lôi thôi.

    Khi còn là học sinh ở Huế, mỗi năm, đến tháng Chạp, là tháng 12 âm lịch, tôi theo bà con trong họ về chạp mộ cho ông nội và cậu tôi ở rú Câu Bang.

    Gió Bác mùa đông lạnh lắm, rét thấu xương. Ngọn gió từ hướng Đông - Bắc thổi tới, tức là ừ phía Ưu Điềm, Thanh Lương, từ hướng làng Chí Long là làng ông Nguyễn Tri Phương cùng hai phò mã Nguyễn Lâm và Nguyễn Duy.

    Có phải vì “méo mó nghề nghiệp” - tôi dạy môn sử cho học sinh - chương nói về Tây xâm lược nước ta vào đời Tự Đức, nên mỗi khi về chạp mộ ở rú Câu Bang nầy, hứng cái gió Bấc lạnh như Thạch Lam mô tả rong nhà mẹ Lê : “nhưng đến mùa rét, khi các ruộng kia đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống ra dưới gió Bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ; vì không ai mượn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói” - bao giờ tôi cũng nghĩ tới ba vị danh nhân lịch sử nầy.

    Father’s day ở bên Mỹ,

    Năm 2017
    Hoàng long Hải


    __________________

    (1) - Khi làm ngự y, nội tổ tôi “tiến cung” một người em gái của ông. Tôi không rõ ông muốn làm quốc trượng hay cho em ông tham gia “đội nữ binh” của vua Thành Thái để lo việc nước. Sau khi vua bị đày, người em gái ông lên ở trên lăng để lo hương khói cho các tiên đế. Về già, bà về tu ở chùa Sư Nữ / Huế. Khi tôi đã lớn, các o (cô) của tôi có đi thăm bà. Tôi xa Huế từ năm Mậu Thân, các bà nầy qua đời lúc nào tôi cũng không hay. Thiệt là “hiếu tử” !


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X