Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngay Xua Than Ai - Dust Off - Hong Dieu 259 - CanTho

Collapse
X

Ngay Xua Than Ai - Dust Off - Hong Dieu 259 - CanTho

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngay Xua Than Ai - Dust Off - Hong Dieu 259 - CanTho

    Reposting per request...2004

    Goi Ong Tham TV5050 doc choi cho do buon! Thang "Diec"


    Xin phep tac gia Jo Vinh Nguyen
    Than ai,
    DQ
    ***********************************************

    Chuyện Phiếm

    NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI
    Hồng Điểu JV Nam Úc Phóng tác



    Hoàng là một cựu phi công trực thăng thuộc phi đội tản thương Hồng Điểu 259, Cần Thơ. Hoàng đến Úc định cư từ năm 1980 theo diện tỵ nạn chính trị. Sau ba tháng đến Úc, Hoàng xin được việc làm cho công ty sản xuất dụng cụ điện Kelvinator tại Adelaide. Hai năm sau chàng lập gia đình với một thiếu nữ ở gần nhà Hoàng, chàng an phận thủ thường với gia đình đầm ấm một vợ hai con.

    Chiều thứ Bảy, Hoàng đang ngồi ở nhà một mình nơi phòng family room nhâm nhi ly càphê, tay kẹp điếu thuốc còn đang bốc khói, vợ Hoàng thấy chồng ngồi mơ mộng một mình, nên nàng mở tủ lấy ra một bộ phim video chủ đề NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ do trung tâm ASIA mới sản xuất, chiều qua đi shop nàng ghé vào tiệm bán băng nhạc VINA mua về coi
    trong lúc rảnh rỗi. Vợ Hoàng mang cái băng Video đến chỗ chồng đang ngồi, đưa ra trước mặt Hoàng, rồi nàng nói với chồng: -- "Anh à! Có cuộn phim này hay lắm, ghi lại những hình ảnh ngày xưa của các chiến sĩ VNCH, trong phim có cả Không Quân của anh nữa đó. Con bạn của em coi rồi, nên nó giới thiệu cho em mua. Hy vọng sau khi xem, anh sẽ nhớ lại những ngày xa xưa."
    Rồi nàng nói mát thêm một câu nữa, "anh cứ coi đi, xem hồi đó lúc còn bay bướm, anh nhớ lại đã có bao nhiêu người yêu đi qua đời anh."
    Hoàng liếc xéo vợ, rồi đưa tay ra lấy cuộn băng, đem nhét vào máy video, chàng bấm play cho máy chạy. Coi được một lúc thì Hoàng nghe thấy người MC giới thiệu bản nhạc "Những Ngày Xưa Thân Ái" của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, bản nhạc này Hoàng đã được nghe Duy Khánh hát trên đài phát thanh Sàigòn cách nay cả mấy chục năm rồi. Khi coi đến những đoạn film quay phảng phất phía sau ca sĩ là những hình ảnh chiến đấu anh dũng của những người lính VNCH, những chàng phi công ưu tú của Không Quân đang tham gia trên các trận chiến đầy khói lửa với khí thế hào hùng, đã làm cho trí óc của Hoàng bắt đầu xoay chuyển, nhớ lại những bạn bè, những thời gian chàng đang phục vụ ở phi đội tản thương 259 Cần Thơ trước năm 75, Hoàng liên tưởng nhớ lại những quá khứ từ khi còn là thư sinh, cắp sách đến trường, lúc nhập ngũ vào binh chủng Không Quân, rồi mất nước, vỡ tổ tan đàn, cải tạo lao lý cho đến ngày vượt biển đến Úc.

    Hoàng là người con trai thứ 3 trong gia đình, có 6 chị em, sau khi thi đậu tú tài I, Hoàng ghi danh học lớp đệ Nhất tại trường Văn Học góc đường Phan Thanh Giản và Nguyễn Thượng Hiền, gần bót cảnh sát quận Ba, hiệu trưởng trường Văn Học là bà Trịnh Thúy Nga vợ của thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan, trường nổi tiếng chỉ chuyên dạy các lớp đệ Nhất. Nhà Hoàng lúc đó ở mãi vùng Đa Kao, nên sáng nào đi học, Hoàng cũng đều phải cỡi xe gắn máy Honda chạy trên đường Hiền Vương để đến trường. Mỗi khi băng qua ngã tư Hiền Vương và Công Lý, Hoàng không thể nào tránh khỏi cái bảng quảng cáo to, đập vào mắt. Cái bảng quảng cáo của binh chủng KQVNCH vẽ thật lớn một chiếc phi cơ F5 bay lượn vút lên trên bầu trời cao xanh thẳm, kế bên là một chàng phi công, mặc quân phục phi hành, đeo súng ngắn xệ xuống bên đùi, tay ôm nón bay (helmet), đầu đội mũ Ca Lô hướng mắt đăm chiêu nhìn theo chiếc phản lực. Phía dưới bảng quảng cáo có kèm theo hai câu thơ:

    Phi công mới xứng tài trai
    Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan


    Mục đích của cái bảng quảng cáo là muốn kêu gọi các chàng thanh niên hãy gia nhập vào binh chủng Không Quân để bảo vệ tổ quốc Việt Nam và bờ cõi không gian. "Bảo quốc, trấn không". Tấm bảng này đã gợi cho Hoàng nao nức trong lòng, chàng tự nhủ thầm, nếu chẳng may thi rớt kỳ này, phải trình diện nhập ngũ, chắc có lẽ mình sẽ đầu quân vào Không Quân, cho nó oai phong lẫm liệt. Là một thư sinh trong thời loạn, mỗi năm, mỗi lo âu miệt mài kinh sử cho số phận tương lai, thi rớt thì cửa ngõ quân đội là con đường độc nhất để tiến thân.
    Năm 68 sau thời kỳ VC tấn công tết Mậu Thân, Sàigòn kéo dài tình trạng giới nghiêm. Vào một buổi tối, Hoàng đang gạo bài, chuẩn bị bước sang ngày thi thứ hai, của kỳ thi Tú tài II. Khoảng 8 giờ tối, giờ giới nghiêm bắt đầu, Hoàng đang gạo bài thi, thì cảm thấy mệt mỏi buồn ngủ, nên rủ hai thằng bạn cùng ngồi ôn bài chung với nhau, ra cái quán ở đầu ngõ hẻm uống càphê cho tỉnh ngủ để về gạo bài tới khuya. Số xui cho bọn Hoàng, bị mấy anh lính nhảy dù đang đứng gác ngoài đường làm nhiệm vụ trấn giữ an ninh tại khu vực, thấy bóng một nhóm thanh niên đi qua, đi lại trong đường hẻm vào giờ giới nghiêm, nghi ngờ là đặc công VC, nên một anh lính dù đã thổi còi chặn lại xét giấy tờ tùy thân. Bọn Hoàng chủ trương chỉ đi uống càphê cho mau, rồi trở về học bài, nên không một tên nào đem theo giấy tờ trong người. Hoàng và hai thằng bạn năn nỉ mãi, anh lính dù này vẫn không tha, bất thình lình một chiếc xe tuần tiễu cảnh sát vừa chạy tới, anh ta chặn lại, rồi giao bọn Hoàng cho cảnh sát đem về bót giam, tội không giấy tờ đi trong giờ giới nghiêm. Mãi tới khuya không thấy Hoàng trở về, gia đình lo âu suốt đêm không ngủ, cũng chẳng có ai biết bọn Hoàng đi đâu? Sao mà biệt tăm tích. Đợi đến sáng hết giờ giới nghiêm, ông bố của Hoàng ra bót cảnh sát hỏi thăm tin tức, thì được biết Hoàng đang bị giam trong đó. Ông vội vàng về nhà lấy sổ gia đình và giấy tờ tùy thân đem đến bót chuộc của 3 thằng con dại về. Vì có phiếu báo danh và giấy tờ học sinh đang đi thi, nên bọn Hoàng được thả về ngay, không phải đóng tiền phạt. Về đến nhà, chỉ còn nửa tiếng đồng hồ nữa là tới giờ vào thi, Hoàng và hai thằng bạn vội vã rửa được cái mặt, lấy xe phóng chạy đến trường cho kịp giờ thi. Đây là lần đầu tiên, chạm tới pháp luật, Hoàng bị nhốt ở bót cảnh sát suốt một đêm, muỗi chích, cộng thêm hồi hộp và lo sợ nữa, cả đêm không chợp mắt được lấy một phút, sáng hôm
    sau lúc vào thi Hoàng cứ ngáp dài mệt mỏi, đầu óc trống rỗng, bài thi làm chưa xong thì đã hết giờ. Kết quả kỳ thi năm đó Hoàng đạp phải vỏ chuối, bị rớt lăn quay.

    Cuối năm giấy hoãn dịch "lý do học vấn" đã hết hạn, Hoàng phải trình diện nhập ngũ. Kịp lúc cho Hoàng, phi trường Tân Sơn Nhất, cổng Phi Long vẫn còn đang mở rộng để chờ đón các thanh niên gia nhập Không Quân như Hoàng. Nếu không, thì quân trường Thủ Đức sẽ đón tiếp chàng. Hoàng vội vã liên lạc ngay với ban tuyển mộ, xin nộp đơn tình nguyện đầu quân vào khóa phi hành. Vài ngày sau Hoàng được gọi vào trung tâm y khoa KQ để khám sức khỏe.

    Ngày đầu đi khám sức khoẻ, lúc 7 giờ sáng Hoàng đã phải tập trung trước cổng Phi Long để ban tuyển mộ dẫn lên xe GMC chở vào trung tâm y khoa KQ khám gia nhập. Trước tiên bọn Hoàng phải sắp hàng, chờ ở phòng khám tổng quát, để thượng sĩ B. người y tá làm việc nơi phòng khám tổng quát, chuyên lo về việc cân đo, kiểm soát áp xuất máu và tim mạch, sau đó bác sĩ Vũ Văn Tr. y sĩ tổng quát cho gọi tên từng đợt, 6 tên một lượt vào phòng khám. Bs. Tr. yêu cầu cả 6 tên cởi hết quần áo ra, trần truồng như nhộng. Ông Đốc Tờ này có nhiều kinh nghiệm về khám tổng quát, nên khi các tân binh thoát y, ông luôn nhắc nhở và yêu cầu tất cả tân binh, cởi quần không được giũ. Người ta hay có thói quen, mỗi khi cởi quần đi tắm hay hành sự về đêm v..v, thì thường hay giũ quần, phạch một cái. Giả dụ 6 thằng tân binh đều cởi quần ra giũ một lượt, chắc Bs. Tr. sẽ phải vọt ra khỏi phòng ngay, nếu không ông sẽ chết ngộp.
    Sau khi tất cả đã thoát y, ông yêu cầu 6 tân binh đứng thành một nửa vòng tròn chung quanh ông, để tập thể thao, theo sự hướng dẫn của Th/sĩ B. tất cả làm theo động tác đứng lên, ngồi xuống, để bác sĩ quan sát từng thằng nhỏ một, vận hành có lên xuống đều đặn không? Hoàng tuy mắc cỡ nhưng cũng phải làm theo, chàng liếc mắt nhìn qua mấy con nhộng đứng bên, thấy 6 qủa lắc đong đưa đều đặn theo thao tác thể dục. Hoàng phải nín cười, mím chặt môi lại không dám cười phì ra. Sau khi làm các động tác thể dục, từng tên một đến trước mặt bác sĩ để ông khám bụng, khám tay chân, Bs. Tr. có cái búa nhỏ bằng cao su đặc, màu trắng đục ông dùng búa gõ nhẹ vào hai đầu gối của từng người, để kiểm soát gân cốt. Khi gõ đến chân Hoàng, chàng bất chợt giật mình thật mạnh, làm thằng nhỏ đong đưa, qua lại như quả lắc đồng hồ, cả phòng khám đều cười ồ lên. Với giọng tiếu lâm của Bs. Tr. ông hỏi Hoàng có đi xả sú bắp lần nào chưa? Dưới con mắt nhà nghề, ông hỏi vậy thôi. Chứ đương nhiên là bác sĩ thì có lẽ ông đã đoán được con bệnh, vì thằng nhỏ của Hoàng vẫn còn origin.
    Đến mục kế tiếp, bác sĩ yêu cầu từng người lại trước mặt, đứng quay lưng về phía ông, lần lượt dạng chân cúi xuống chổng mông, để ông khám hậu môn coi có tên nào bị trĩ hay không? Cái thằng khỉ đột đứng hàng thứ năm bỗng nhiên nổ cái ti.i..ít, như tiếng kèn harmonica, đã làm cho cả phòng khám không thể nín cười được, phải phì ra những tiếng cười khúc khích. Bs. Tr. yêu cầu ông Th/s B. mở quạt máy số 3 ngay tức khắc, để làm loãng tan cái mùi, của quả bom khinh khí vừa mới nổ.

    Qua màn khám tổng quát, đến mục khám mắt bác sĩ Phạm G. L. bắt mỗi người phải đút đầu vào cái máy đo mắt, ông thử tới, thử lui, hết đọc chữ, rồi tới coi màu sắc, xem con mắt của từng ứng sinh có thể xác định khoảng cách tầm nhìn xa, gần, những vòng tròn, cái nào lồi, cái nào lõm v..v..Bs. L. chỉ cho Hoàng sang bên chỗ trung sĩ y tá để anh ta nhỏ thuốc vào mắt từng người, thuốc nhỏ giọt đã làm xốn cả con mắt, nhỡn cầu nở lớn ra, không nhìn thấy gì, mọi người bám lấy vai nhau, ý tá dẫn ra phòng ngồi đợi, chờ tái khám. Tên nào có triệu chứng đau mắt hột sẽ bị loại, bác sĩ nhãn khoa sẽ ký vào hồ sơ y khoa chữ "Inapt",
    nghĩa là không đủ sức khỏe. Khám sức khoẻ phi hành là một màn gay go. Ôi thôi! còn nhiều bộ phận cần phải khám và vượt qua như: tai, mũi, họng, thử nước tiểu v..v...
    Trung bình mỗi tân binh phi hành ít nhất phải khám ba ngày tại trung tâm y khoa KQ. Đây là màn khám sức khoẻ gia nhập nên các bác sĩ khám rất kỹ và cẩn thận. Sau 2 tuần lễ chờ đợi kết quả khám sức khỏe, Hoàng đã có tên trong danh sách nhập ngũ, các khóa sinh được gọi đến Ban Tiếp Liệu lãnh quân trang một túi Sac Marin gồm có các quần áo treillis và các quân trang, quân dụng trước khi đi thụ huấn căn bản quân sự tại trung tâm huấn huyện Quang Trung.
    Ngày nhập trại Hoàng cùng những thằng bạn khám sức khoẻ chung, có mặt đầy đủ trước cổng Phi Long với quân phục chỉnh tề, mũ kết pi còn mới toanh đội trên đầu, vai vác túi quân trang (Sac Marin) đến trình diện phòng nhân viên. Khi các tân binh tập họp đông đủ, sĩ quan phòng nhân viên dẫn đến trình diện Đ/ u H. tại Ngôi Nhà Ma. Khi ông Đ/u H. điểm danh mới thấy lòi cái tên Hoàng ở đâu ra mà nhiều thế, có tới năm, sáu thằng cùng tên Hoàng, lại có thằng trùng cả họ và tên Nguyễn Huy Hoàng nữa, nên mỗi khi điểm danh, hai thằng đều xướng "có mặt" cùng một lúc. Vì thế ba cái thằng tử tiệt khám tổng quát chung với Hoàng, nó moi ngay cái tên Múm ra đặt cho Hoàng, kể từ đó Hoàng có cái tên là Hoàng Múm. Còn một thằng cũng tên Hoàng, hắn có cái sẹo ở trán, nên chúng nó đặt cho cái tên là Hoàng sẹo hay Hoàng Seiko. Trong suốt 4 tuần lễ chờ đợi khoá học. Mỗi ngày trung đội của Hoàng phải đi làm tạp dịch tại khu cư xá sĩ quan độc thân trong phi trường Tân Sơn Nhất. Qua 4 tuần tạp dịch bọn Hoàng được gửi đến trung tâm huấn luyện Quang Trung thụ huấn 9 tuần căn bản quân sự. Vào Quang Trung mỗi khoá sinh có một danh số đặc biệt, nên khi điểm danh trung đội trưởng chỉ gọi số, không còn trùng tên nữa. Hoàng nằm chung giường lầu với thằng bạn cùng toán tên Khương. Khương và Hoàng có thuốc hút hay những món ăn nào được gia đình tiếp tế cũng đều chia sẻ chung với nhau. Hoàng nhớ lại những ngày ở quân trường, khóa sinh đông lên đến hàng mấy ngàn người, không đủ nước tắm, nên cứ mỗi lần vào lúc đang nghỉ, trời đổ cơn mưa là các khoá sinh cởi trần truồng xếp hàng dọc theo mái hiên của barrack để tắm mưa. Lúc này ai cũng như nhau, không còn mắc cỡ như lúc ban đầu nữa. Hoàng nghĩ giả dụ như lúc đó có được cái máy chụp hình ghi lại những tấm ảnh thì tuyệt biết mấy, chẳng khác nào như một cái câu lạc bộ khoả thân, toàn là đực nhựa.
    Mãn khoá căn bản quân sự tại Quang Trung, trung đội của Hoàng lên đường trở về BTL/KQ trình diện, chờ khoá học Anh ngữ để xuất ngoại. Mỗi ngày trung đội của Hoàng phải vào trình diện Đ/u H. đi làm tạp dịch nơi cũ với một vài chuẩn úy mới tốt nghiệp sĩ quan trừ bị từ Thủ Đức được chuyển ngành qua KQ học phi hành, cũng đang chờ đi học sinh ngữ. Sau khi tốt nghiệp khoá căn bản quân sự, trung đội của Hoàng ai cũng được gắn một con cá vàng Alpha và được cấp giấy phép xuất trại hàng ngày sau giờ tạp dịch, không phải ngủ tập trung trong Ngôi Nhà Ma nữa. Đ/u H. là một thương phế binh lưu ngũ, ông bị thương tật ở chân nên được giao cho chỉ huy đám quân binh nằm thặng số chờ đi học hay chờ lệnh thuyên chuyển. Những thằng nào ba gai hay trình diện trễ ông đều phạt móc giò, gác 2 chân lên cửa sổ, đầu và tay chống xuống đất, màn này các khóa sinh thường gọi là "máu chảy về tim". Bọn Hoàng khi bị phạt, thì tức nên hay chửi thầm:
    - "Đ.M Thằng cha Đ/u này không giò, nên ghen với tuị mình, cứ mỗi lần phạt tụi mình, thẳng chả lại cho tụi mình móc giò". Rồi bọn Hoàng lén hát nhỏ với nhau bản nhạc của Phạm Duy:
    Ngày trở về anh bước lê
    trên quãng đường đi đến bên lũy tre.......
    ..Vợ lần mò đưa cái tay nắm
    dế thằng cu cứ tưởng thắng xích lô........

    Thế là cả bọn vừa cắt cỏ vừa cười. Khoảng 1 tháng sau, trung đội của Hoàng được gửi đi trình diện trung tâm sinh ngữ quân đội Nguyễn Văn Tráng trên đường Phạm Ngũ Lão để học Anh văn. Các thầy cô dạy Anh văn là những nhân viên dân chính quốc
    phòng Hoa Kỳ. Họ dạy Hoàng phải uốn lưỡi, méo mồm miệng để tập nói, tập viết những câu căn bản. Học qua bộ sách Learning English từ cuốn Volume 1100 đến 2400 thì phải thi khảo sát Anh Văn. Những khoá sinh nào đạt điểm thi tối thiểu 80/100 được trở về BTL/KQ khám sức khoẻ du học. Nhà thầu may quân phục sẽ vào đo may đại lễ phục cho khóa sinh và
    chờ làm thủ tục xuất ngoại sang Mỹ học lái máy bay. Trước ngày lên đường du học, gia đình Hoàng làm một bữa tiệc để mời bà
    con, bạn bè đến mừng cho chàng được xuất ngoại. Nỗi vui mừng không tả xiết, tất cả bạn bè của Hoàng ai cũng đều tỏ ra
    những khát vọng thèm muốn và hãnh diện có Hoàng. Tàn tiệc Hoàng thao thức trắng đêm để suy nghĩ về tương lai, đất nước Hoa Kỳ mà mình sắp tới. Mấy ngày lo sắp xếp đồ đạc và đi từ giã bạn bè, Hoàng tưởng chừng lâu như một thế kỷ.
    Sự chờ đợi rồi cũng sẽ đến. Vào một buổi chiều thứ Hai, Hoàng trịnh trọng trong bộ quân phục đại lễ màu xanh dương đậm với dây biểu chương trên vai, rồi chàng cúi chào từ giã ba má. Bà con bạn bè tiễn đưa tới tận cổng Phi Long, những lời chúc, những lời chào tạm biệt làm cho Hoàng lưu luyến muốn rơi lệ, lúc phải bước vào trong cổng trại, leo lên những chiếc Bus KQ đang chờ sẵn, Hoàng cảm thấy vừa khoan khoái, lại vừa bùi ngùi vì phải xa nhà.

    Qua khoảng 20 tiếng hồ ngồi trên chiếc vận tải cơ C141 của quân đội Hoa Kỳ bay trên không trung, phi cơ đã đáp xuống phi trường Lackland bước chân đầu tiên của Hoàng đến đất Mỹ. Sau khi vị sĩ quan liên lạc đã điểm danh, nhóm Hoàng được chuyển lên chiếc xe Bus quân đội đang chờ sẵn, chở đến khu cư xá sinh viên. Ở Hoa Kỳ, trong thời gian đầu tại Lackland, các toán sinh viên mới tới, phải thi lại Anh ngữ, điểm đậu để được đi học bay cũng là 80/100 AFB. Những sinh viên nào thuộc chỉ số pilot học lái máy bay (Fix Wing) thì được chuyển qua Fort Rucker để học lái máy bay có cánh v..v..Những sinh viên nào thuộc chỉ số trực thăng thì được chuyển sang trường bay Fort Wolters học bay căn bản trên trực thăng TH 55, cho đến khi check out đậu bằng bay solo TH 55 thì được chuyển sang Fort Hunter học bay xuyên huấn UH-1H.
    Qua những ngày tháng học bay tại các trường huấn luyện phi hành ở Hoa Kỳ. Hoàng đã tốt nghiệp với cái bằng phi công lái trực thăng và có tên trong danh sách chuẩn bị hồi hương trở về VN phục vụ. Ngày đặt chân trở lại quê hương, Hoàng vui mừng khôn tả, chàng được cấp giấy phép nghỉ xả hơi một tuần rong chơi phù du với bạn bè và lạng vạng nơi các trường nữ sinh để tìm một người đẹp làm ý trung nhân cho le lói với đời.
    Tuần lễ nghỉ phép đã trôi qua rất nhanh, Hoàng phải trở vào trình diện phòng nhân viên BTLKQ để bốc thăm nhận đơn vị. BTL/KQ hồi đó có sáng kiến rất hay và công bằng, mỗi khi thuyên chuyển quân nhân. Họ chia đều quân nhân cho các đơn vị, chẳng hạn như 40 Khoá sinh mới mãn khóa, mà có 8 Phi đoàn của các SĐKQ cần bổ xung. Phòng nhân viên sẽ chia 40 cái thăm cho 8 phi đoàn tùy theo nhu cầu của mỗi đơn vị. Bốc thăm có khi hên xui không chừng, nhưng sau khi bốc thăm tất cả các tân binh được 30' thượng lượng trao đổi thăm cho nhau. Khoá sinh thủ khoa được chọn đơn vị tùy theo ý thích và sau đó cầm giỏ thăm cho các bạn cùng khóa bốc, thăm được bốc theo thứ tự ưu tiên. Khoá sinh nào đậu điểm cao, được gọi lên bốc thăm trước. Hoàng cùng với 2 thằng bạn nữa, bốc trúng cái thăm SĐ4KQ/KĐ84CT/Phi đoàn 227 đang đồn trú tại Sóc Trăng.
    Hoàng đến hậu trạm Không Vận của SĐ4KQ trong Tân Sơn Nhất xin vé máy bay để Hoàng xuống phi trường Sóc Trăng trình diện KĐ84. Phòng nhân viên ở đây trao cho chàng một giấy nhận đơn vị để đi trình ký các ban, các phòng (Ski list). Hoàng đến trình diện thiếu tá Phi Đoàn Trưởng PĐ 227, ông bắt tay chào mừng Hoàng và hỏi thăm qua loa về tình trạng sức khỏe và gia đình. Phi Đoàn 227 lúc bấy giờ là phi đoàn tân lập, chỉ có 4 vị chỉ huy: Phi Đoàn trưởng, Phi Đoàn phó, Truởng phòng Hành Quân và Sĩ quan Huấn luyện là kỳ cựu, còn lại toàn là sĩ quan mới ra trường.
    Sau khi trình diện phi đoàn, các sĩ quan mới đều được gửi đi học bay xuyên huấn hành quân xen kẽ với các phi hành đoàn trực thăng của lục quân Hoa kỳ tại Mỹ Tho, Vĩnh Long và Cần Thơ. Hoàng phục vụ cho phi đoàn 227 được vài tháng, thì được gửi lên phi trường Hải Quân Bình Thủy (Binh Thuy Navy Air Field) học bay xuyên huấn tản thương với biệt đội 57th Dust Off và 82nd Medivac của Bộ Binh Hoa Kỳ. Các PHĐ tản thương phải bay lên các vùng rừng núi như Trảng Lớn, Tây Ninh hay các
    vùng núi Thất Sơn những nơi địa thế hiểm trở trong rừng núi thực tập dùng cần trục (rescue hoist) thả dây cáp dài và nôi xuống đất để bốc thương binh, cùng với người Y Tá phi hành xuống theo để bốc thương binh với các đơn vị bộ binh và nhảy dù v..vv... Hoàng đã thực tập nhiều lần với các đơn vị Nhảy Dù ở Hậu Nghĩa, Bời Lời, Tây Ninh cho đến các vùng đồng bằng xình lầy của sông Cửu Long. Khi quân đội Mỹ rút, Dust Off trao lại cho KQVN thành lập Biệt Đội Tản Thương. Hoàng xin ở lại và chính thức thuộc quân số tản thương. Năm 1972 BTLKQ ký sắc lệnh thành lập phi đội 259, từ đó Hoàng không còn thuộc quân số
    của phi đoàn 227 nữa.
    Nhân viên phi hành thuộc phi đội 259 mà Hoàng đang phục vụ được chia làm 4 toán. –1 toán bay ngày, 1 toán bay đêm, 1 toán nghỉ tại chỗ và 1 toán đi phép 2 ngày tại Sàigòn. Vì thế tuần nào Hoàng cũng có mặt tại Sài Thành đi dạo phố Bonard và nhảy đầm ăn chơi lả lướt, những ngày nghỉ này gọi là dưỡng sức, nhưng thực ra là phí sức. Khi cắt phi vụ lệnh, thỉnh thoảng Hoàng phải lên ca trực bay Cấp Cứu (Rescue) cho Vùng IV, trực Rescue thì ít khi phải bay, nhưng thời giờ rất là bó buộc, suốt 12 tiếng hồ lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng cất cánh, ngày trực rescue ai cũng cảm thấy thời gian dài như gấp hai, ba lần bay thường, hết đọc chuyện, chơi cờ, đánh bida, binh xập xám và xoa mạt chược v..v.. mà vẫn chưa hết giờ trực, đi đâu cũng phải báo cho sĩ quan trực hành quân và luôn ngồi chơi gần các máy điện thoại. Khi hữu sự phi cơ Rescue phải cất cánh và có mặt ngay trên vùng cần cấp cứu.
    Lúc đi ăm cơm cũng phải đi ăn chung với nhau. PHĐ Rescue phải bao giàn cấp cứu cho bất cứ phi cơ nào bay vào vùng trời QĐ4 bị rớt, kể cả các phi cơ dân sự. Ít có anh nào trong phi đội thích trực Rescue, vì nó quá boring. Đi bay tản thương có mệt và nguy hiểm nhưng thoải mái hơn. Cứ cách ngày thì toán của Hoàng lại lên ca bay đêm, Hoàng khoái nhất là các phi vụ Tản thương vào lúc trời mới chập choạng tối nơi các quận lỵ và xã. Khi đáp xuống tải thương, dân chúng ở chung quanh đồn thường hay kéo nhau ra xem rất đông, nhất là các phái nữ đang chuẩn bị đi ngủ, họ mặc những bộ quần áo rất mỏng và tươi mát. Trước khi đáp Hoàng dùng 2 cái đèn pha ở dưới bụng phi cơ để soi bãi đáp. Trong lúc chờ hai chàng Cơ Phi và Y Tá Phi Hành phía sau sắp xếp thương binh lên máy bay, thì Hoàng dùng hai cái đèn pha quét chung bãi đáp rọi thấu vào trong từng người đẹp. Hoàng bấm Microphone để tán dóc với PHĐ. chàng bình luận mỗi người đẹp qua từng đường tơ, kẽ tóc của họ, có lúc Hoàng đang hứng khởi bình luận, thì Cơ Phi và Y Tá báo đã xếp thương binh xong để cất cánh. Hoàng vẫn chăm chú nhìn các bà, các cô đến khi Hoa tiêu phó phải nhắc:
    - "Lên đi cha nội".
    Hoàng mới sực tỉnh trả lời:
    - "Tao đang lên đây thôi !."
    Người Cơ Phi phía đằng sau nói vọng lên, coi chừng ông Hoàng cầm lộn cần lái đó, tàu vẫn còn đứng nguyên mà. Thế là cả PHĐ cùng vui cười với nhau trên suốt phi trình về đến bãi đáp trong bệnh viện.
    Có những phi vụ, Hoàng cùng Phi Hành Đoàn phải hú vía trước những mũi tên lằn đạn của bọn Vẹm. Khi được lệnh tản thương nơi chiến trường đang sôi động hay các đồn bị Việt Cộng tấn công, thương binh lên đến cả chục người cần cấp cứu ngay. PHĐ tản thương phải yêu cầu trực thăng võ trang hộ tống xuống bãi đáp. Lúc còn bay chung với Mỹ, mỗi lần tản thương nơi chiến trường đang sặc mùi khói lửa (Hot LZ), PHĐ tản thương phải xin trực thăng võ trang Cobra hay Gunship Seawolf của US Navy hộ tống để đáp xuống bốc thương binh. Sau ngày thành lập Biệt Đội Tản Thương, Gunships của các phi đoàn bạn có trách nhiệm, hộ tống phi cơ tản thương.
    Hoàng đan hai bàn tay lại với nhau, đưa lại sau gáy làm gối, tựa đầu vào thành ghế mắt chàng lim dim suy tư, hồi tưởng lại quá khứ các phi vụ mà chàng đã từng trải bay qua.
    Hoàng nhớ lại những đêm bay tản thương nơi các đồn bót đang bị bao vây, trên vùng có phi cơ AC47 Hoả Long yểm trợ thả hoả châu, PHĐ Tản thương gọi về Phòng Hành Quân Chiến Cuộc / SĐ4KQ xin võ trang hộ tống.
    Phi Cơ Hỏa Long sẽ nhận được lệnh hộ tống và yểm trợ ngay. Có lần Hoàng nhận phi vụ lệnh bay tản thương cho căn cứ Biện Nhị của trung đoàn 32 SĐ 21 BB trong rừng U Minh đang bị tấn công. Chiếc phi cơ AC 47 Hỏa Long được điều động đến mục tiêu, thả hỏa châu và bắn yểm trợ cho quân bạn. Hoàng liên lạc trực tiếp với Hỏa Long, bên kia chàng pilot của Hỏa Long trả lời, thì Hoàng nhận ngay ra thằng bạn cùng khóa của Hoàng là Khương. Khương và Hoàng thân với nhau khi thụ huấn căn bản quân sự tại Quang Trung, Khương nghe Hoàng nói sẽ vào tọa độ nơi Khương đang yểm trợ để tản thương, Hoàng báo cho Khương biết còn khoảng 15' nữa sẽ đến mục tiêu. Khương dọn bãi đáp thật an toàn để đón Hoàng, 4 cây súng trên tàu của Khương nhả đạn liên tục chung quanh căn cứ Biện Nhị, khi Hòang báo vào cận tiến sẽ đáp xuống từ hướng Bắc, Khương bay ra đón Hòang, chiếc AC47 bay ở cao độ 800 bộ trên đầu của Hoàng để hộ tống cho Hoàng từ từ đáp (touch down), khi máy bay tản thương vừa chạm mặt đất, Khương bay vòng thật thấp chung căn cứ Biện Nhị (orbit low level) tác xạ vào những điểm nghi ngờ để bảo vệ phi cơ tản thương, 4 khẩu đại liên Minigun trên tàu Hỏa Long khạc đạn tối đa 6,000 viên một phút, tiếng gầm thét giống như những con bò đực đang bị thiến, lằn đạn đỏ rực hướng dẫn Khương tác xạ chính xác vào những mục tiêu của VC, làm cho bọn Vẹm hết viá im bặt tiếng súng. Bốc thương binh xong, Hoàng gọi Hỏa Long báo cho Khương biết, chàng sẽ quay đầu trở lại hướng Bắc để cất cánh, chiếc Hỏa Long chuyển hướng bọc hậu về phía Nam, Khương quét liên tục thêm những tràng đạn xuống phía Nam để áp đảo tinh thần địch quân, Hoàng vừa cất cánh rời khỏi mặt đất thì Khương bay vòng lại hướng Bắc để hộ tống cho Hoàng lấy cao độ bay vọt lên trời. Hoàng lên đủ cao độ bình phi, chàng gọi lại cám ơn Khương, Hoàng khen Khương đã làm một màn rất đẹp, rồi hẹn gặp Khương ở Sàigòn sẽ bao Khương một chầu càfe Lữ Quán và đi nhảy đầm ở nhà hàng Tout de L'Amour.
    Sau khi rời vùng Hoàng vẫn còn để tần số FM của đơn vị Bộ Binh dưới đất. Hoàng nghe BB liên lạc với Khương, vị Trung Đoàn Trưởng khen Hoả Long đã biểu diễn rất là ngoạn mục, và xuất sắc làm cho mấy chú Vẹm đang ở thế công đồn phải im bặt tiếng súng, tan hàng tháo lui. Khương vẫn ở lại target thả hỏa châu cho đến khi Hoàng gọi đài radar không lưu Paddy báo rời tần số để đáp Cần Thơ, lúc đó máy bay của Khương cũng hết đạn, Hoàng còn nghe thấy Khương gọi đài Paddy và hành quân chiến cuộc Mékông báo rời mục tiêu về Sàigòn.
    Hoàng ngồi trầm tư nghĩ lại những lúc bốc thương binh nơi các đồn nằm trong vùng đồng ruộng QK4. Hai gunships bay thật thấp, kè hai bên máy bay tản thương đạn rocket và súng minigun của gunship nhả đạn như mưa để bảo vệ cho Hoàng đáp. Những hình ảnh này ôi sao còn lưu luyến mãi. Những phi vụ bốc thương binh khác vào ban đêm mà Hoàng vẫn còn nhớ mãi như một lần tại căn cứ Toàn Thắng của SĐ21BB trong rừng đước. Một khẩu đội Pháo Binh của Trung Đoàn bị cháy thuốc bồi, làm cho 12 pháo thủ bị cháy phỏng nám đen như dân Phi Châu, 10 giờ khuya Hoàng nhận lệnh đến tản thương, chở họ về Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ, 2 chàng Cơ Phi và Y Tá phải đứng khom lưng dành chỗ cho các thương binh, mùi khét của da thịt thương binh bị cháy, làm Hoàng và PHĐ muốn ói mửa ra phi cơ. Thương binh bị cháy họ quá đau đớn, la lối xin nước uống vì khát nước, một thương binh nắm chặt dây Seat Belt của Hoàng kéo cổ chàng muốn nghẹt thở, Hoàng cố gồng lên để giữ cần lái cho máy bay thăng bằng, Hoa tiêu phó thấy vậy phải vội chộp cần lái, bay thế cho Hoàng.
    Một ký ức không bao giờ phai lợt trong trí của Hoàng, khi chàng bay vào mật khu Ba Dừa vùng Cái Lậy Mỹ Tho để bốc thương binh cho Trung Đoàn 11 SĐ7BB. Phi cơ đang đáp thì bị VC bắn rớt ngay trên đầu quân bạn, lao xuống vũng xình gẫy nát. Đơn vị bạn chạy đến cứu cấp kịp thời, kéo PHĐ ra khỏi đống sắt vụn của phi cơ, rất may cho PHĐ là máy bay không cháy, nên chỉ bị thương nhẹ. Sau lần tản thương này PHĐ được SĐ7BB tặng chiến thương bội tinh. Cũng tại mật khu Ba Dừa năm đó, vào một buổi chiều Hoàng đang bay chiếc số 3 tản thương cho Biệt Khu 44 gần Cao Lãnh, thì được lệnh của Dust Off Control bay trở về Cai Lậy để tìm chiếc phi cơ Hồng Điểu 22 do Nguyễn Hữu Tài bay, mới bị bắn rớt cách chừng 20'. Tài là con trai lớn chuẩn tướng nằm vùng Nguyễn Hữu Hạnh tham mưu trưởng cuối cùng của QLVNCH. Sau khi Tài bị bắn rớt Biệt Đội Tản Thương phải liên tục bay trên vùng trời Cai Lậy cùng với chuẩn tướng Hạnh điều động Bộ Binh vào kiếm xác Tài và PHĐ. Vì trời mưa tầm tã nên hai ngày sau mới kiếm được xác và phi cơ. Việt Cộng sau khi bắn rớt phi cơ, chúng chặt cành cây che phủ hết chiếc máy bay, trên trời mây âm u. L19 cũng như trực thăng bay trên cao không thể nhìn thấy. Bộ chỉ huy trung đoàn 11BB phải cho Pháo Binh, Khu Trục cơ đánh bom, đổ quân ào ạt lục soát mới tìm thấy. Tài trưởng phi cơ, Tâm hoa tiêu phó, Sơn Lai cơ phi và Hữu Nghệ y tá, 4 anh bạn này là những người rất hiền lành và dễ thương trong phi đội. Sau 2 ngày nằm chết trong máy bay, xác của các bạn bắt đầu chương xình, mùi hôi không khác gì mùi chuột đã chết lâu ngày. Hoàng vừa bay vừa xức dầu cù là cho bớt nôn, muốn ói. Đó là những kỷ niệm mà giờ này Hoàng ngồi suy tư muốn nấc nghẹn trong hơi thở. Có những phi vụ đã làm cho Hoàng phải ngậm ngùi, nấc nghẹn, nước mắt cứ tuôn trào mà không thể cầm nín được. Hôm đó Hoàng trực phi cơ cấp cứu (rescue), khỏang 1 giờ chiều, Hoàng nhận được lệnh báo động khẩn cấp của Phòng Hành Quân Chiến Cuộc lên vùng cấp cứu ngay. Khi vừa cất cánh rời phi trường, Hoàng mở tần số liên lạc đài radar control Paddy lấy heading trực chỉ hướng Tây Bắc đến tọa độ, lúc liên lạc với Dust Off Control nhận đầy đủ chi tiết, thì Hoàng xác định được ngay PHĐ lâm nạn là Hồng Điểu 49. Khi đến mục tiêu, từ trên cao nhìn xuống Hoàng thấy một đống sắt vụn vẫn còn đang bốc khói. Hoàng liên lạc với Bộ Binh dưới đất, yêu cầu giúp lôi tất cả 4 xác người bạn ra khỏi phi cơ, họ khiêng ra 4 xác Tước, Sơn Đằng, Triệu. Hoàng nhìn thấy 4 người bạn, chàng đã nấc nghẹn khóc tức tưởi, xác Tước và Đằng bị cháy đen cong queo, thun lại như con chó thui, nhìn cảnh tượng thật hãi hùng, Sơn và Triệu bị cháy nám da vàng, mùi còn khét lẹt. PHĐ ai cũng dợn tóc gáy và không thể cầm được nước mắt. Bốn người bạn vừa mới cười dỡn với Hoàng cách chừng 1 tiếng đồng hồ trước đây, thế mà bây giờ đã thân tàn ma dại. Hôm đó vào giờ nghỉ trưa sau khi ăn cơm, Tước, Sơn, Đằng, Triệu còn thụt Bida, đánh bóng bàn trong cư xá độc thân gần phòng trực hành quân với Hoàng. Họ chỉ mới nghỉ tay để tiếp tục phi vụ tản thương. Khi bốc xong xác của 4 người bạn, Cơ Phi và Y Tá kiếm mãi được một mảnh vải Poncho phủ cho 4 xác bạn xếp chồng lên nhau, vì trên tàu chỉ vỏn vẹn có 4 băng ca mà thôi.
    Sau khi chở PHĐ Hồng Điểu 49 về nhà xác, Hoàng thẫn thờ ngày đêm lúc nào cũng lẩn quẩn nghĩ đến 4 thi thể của những người bạn thân thiết, đã từng bay chung một phi vụ vào sinh ra tử với mình. Cả tuần chàng không thể nào nhai và nuốt nổi miếng cơm, nghĩ đến là nước mắt cứ chảy ròng. Phi vụ tản thương này thật buồn thảm không giấy bút nào Hoàng có thể tả cho xiết. Kiếp bay bổng của Hoàng là phải chứng kiến nhiều cảnh tang thương như những lúc thương binh hấp hối chết trên tàu, họ đã ngồi chồm dạy ôm xiết chặt người Ý Tá Phi Hành trước khi nhắm mắt lìa đời trong lúc phi cơ chỉ còn cách bên kia bờ sông Hậu Giang khoảng 5' là đáp xuống bệnh viện. Hai chàng Cơ Phi và Y Tá là người cùng đạo Công Giáo với Hoàng, họ đã làm dấu Thánh Giá trên các tử sĩ và đọc kinh giã biệt người bạn cùng chiến tuyến, Hoàng lắc đầu thở dài. Sau những phi vụ như vậy mỗi tối Hoàng thường cầu nguyện trước tượng Chúa để đọc kinh xám hối và cầu cho những anh em đã tất tưởi ra đi vì chiến tranh cốt nhục tương tàn.
    Có một đêm PHĐ của Hoàng ghé xuống cái đồn gần quận Năm Căn, Cà Mau để bốc thương binh, Hoàng đã bị tụi Vẹm pháo kích và bắn sẻ, đến nỗi máy bay chỉ còn cách mặt đất 100 mét, mà Hoàng vẫn không dám mở đèn pha rọi bãi đáp. Hoàng dặn Hoa tiêu phó khi nào đồng hồ cao độ ALT chỉ 30 mét cách đất thì pha đèn lên ngay để đáp. Lúc Hoàng vừa chạm mặt đất, thì bọn Vẹm lại rót những qủa pháo 82 ly rất gần đồn, Y Tá và Cơ Phi phải vội vã người thì chộp áo, người thì kéo các thương binh lên tàu tức khắc, bất kể tiếng la hét đau đớn của thương binh, Hoàng kéo cần lái cho máy bay cất cánh phóng thật nhanh, lao dọc theo bờ sông về hướng chi khu Năm Căn để lấy cao độ bay về Cà Mau. Rời vùng, thoát hiểm, người Y Tá Phi Hành lấy lại bình tĩnh, rọi đèn để săn sóc các thương binh, băng bó và chuyền nước biển lại cho họ. Hoàng hỏi người Y Tá về tình trạng sức khoẻ của các thương binh, để quyết định vết thương nặng nhẹ, đưa đến những Quân Y Viện thích hợïp. Trên đường bình phi về Cần Thơ, Hoàng giao cần lái cho hoa tiêu phó, rồi chàng châm điếu thuốc hút, một tay Hoàng vặn chiếc Radio chuyển nút qua đài phát thanh Sàigòn, để nghe chương trình tân nhạc về khuya, nút vặn vừa đúng tần số, thì giọng ca Duy Khánh nơi cặp ear phone trong nón bay của Hoàng (flight helmet) cất cao tiếng hát trầm bổng:
    Những đường xưa lối cũ, ôi nỡ đành quên sao?
    Xin gọi lại tên anh giữa trời sao long lanh,
    xin bình yên giấc ngủ
    Xin hờn căm tắt thở cho mẹ già ru đời mới

    Khúc nhạc lâng lâng đã làm cho Hoàng suy tư: Tại sao chúng ta là con người với con người, mà không nỡ đối xử với nhau như anh em, sao cứ chém giết lẫn nhau, gây chiến tranh huynh đệ tương tàn, máu chảy ruột chẳng mềm, không có một ngày hoà bình. Mỗi phi vụ của Hoàng cất cánh bay đi, là phải đón nhận những tương tàn, không bị thương thì cũng chết chóc. Phi đội của Hoàng đang phục vụ là phi đội mà hàng giờ, hàng ngày phải va chạm với đau thương tang tóc, tóm gọn hai chữ "Tản Thương" .....là di tản các thương binh. Bay tản thương có lúc buồn nhưng cũng có lúc vui. Hoàng là một phi công có bộ óc khôi hài và rất có duyên khi kể chuyện tiếu lâm, PHĐ nào cũng đều khoái nghe cái dọng dí dỏm của Hoàng mỗi khi điện đàm liên lạc với quân bạn. Hoàng liên lạc với đơn bị bạn qua những cuộc đối thọai ngụy trang thật vui đã làm cho PHĐ và các đơn vị bạn nghe bùi tai. Những lúc bay đêm trở về Cần Thơ, các tiểu khu hoặc các đơn vị bạn hay tác xạ pháo binh để yểm trợ cho các đồn bót đơn vị của họ, Hoàng phải liên lạc thường xuyên với các Trung Tâm Hành Quân để tránh đạn pháo binh bắn bất tử vào lúc ban đêm. Bản TAC wheel ngụy tần số của các Tiểu Khu, Chi Khu và Bộ Binh, luôn sẵn sàng kẹp trên đùi áo bay của Hoàng. Chàng bay tới đâu là phải liên lạc nơi đó. Trên đường từ Cà Mau bay về Cần Thơ phải qua các tiểu khu Bạc Liêu, Sóc Trăng hay các quận Giá Rai, Phụng Hiệp trên quốc lộ 4. Nhưng nơi này thường hay bắn pháo binh yểm trợ các đồn bót trong khu vực lúc đêm khuya. Hoàng liên lạc với họ một cách vui vẻ và tình tứ.
    Phòng Hành Quân tiểu khu Cà Mau có danh hiệu là Hoàng Hà, trên đường về Cần Thơ, Hoàng mở tần số liên lạc với Cà Mau để xin ngưng pháo binh cho phi cơ bay qua, chàng bấm máy gọi cho Hoàng Hà qua cuộc điện đàm thật vui:
    - Hoàng Hà! Hoàng Hà! Đây Hồng Điểu gọi.
    - Quân bạn trả lời: Hồng Điểu! Đây Hoàng Hà tôi nghe thẩm quyền 5/5!!
    - Hoàng lên tiếng nói tiếp: Hồng Điểu chúng tôi vừa đi nhảy 4 lần tango (trực thăng tản thương) từ nhà đứa em của bạn, đang trên đường qua Ba Lê (Bạc Liêu) về nhà Cô Thư (Cần Thơ) trong gia đình bạn có chỗ nào nấu phở bắc giờ này không? Quân bạn tiếp:
    -Nhận rõ rồi Hồng Điểu! Gia đình Hoàng Hà giờ này giới nghiêm nên mấy đứa con của tôi không có ai mở tiệm phở hết, Hồng Điểu cứ an tâm.
    – Hoàng nói tiếp: Hồng Điểu nhận 5/5, là nhà bạn không có nấu phở giờ này. Nếu bạn có nấu phở thì làm ơn báo cho Hồng Điểu ngay, đừng bỏ Hồng Điểu vào nồi nước lèo nấu xíu quách nghe bạn.
    - Quân bạn đối thoại tiếp: - Hồng Điểu!!! Hoàng Hà không nỡ làm xíu quách Hồng Điểu đâu! Hồng Điểu là người tình của Hoàng Hà mà!! ban ngày có rảnh Hồng Điểu ghé Hoàng Hà nhâm nhi ly nước mắt quê hương cho ấm lòng.
    - Hồng Điểu! Nhận hiểu rồi, bây giờ Hồng Điểu đang phải chở mấy chai Whiskey bể (thương binh) về nhà Cô Thư, hẹn gặp bạn khi khác.
    - Hoàng Hà! !! Cám ơn Hồng Điểu.
    Những cuộc đàm thoại về đêm vui như vậy, làm cho PHĐ đỡ buồn ngủ trong lúc càng về khuya, bầu trời chung quanh tĩnh mịch cô quạnh, chỉ còn tiếng động cơ và cánh quạt chém gió lướt nhẹ trên không. Trên bầu trời hoang vắng chỉ có độc nhất phi cơ tản thương với đầy thương binh. Nhìn xuống dưới đất thấy những ánh đèn leo lét nơi thôn quê cô tịch. Bay tản thương ngày thì còn nhìn và quan sát được bầu trời bao la và cảnh vật chung quanh mỗi khi đáp. Bay về khuya thì trời tối đen âm u cô tịch, nhờ những ánh đèn điện đặc biệt của các phố xá, trên không phi cơ mới nhận định được mình đang ở đâu. Phi trình nhờ đài radar Paddy hướng dẫn. Mỗi lần bay tản thương về khuya chuẩn bị đáp, Hoàng thường từ từ hạ cánh bay dọc trên xa lộ Nguyễn Viết Thanh song song với phi đạo của phi trường 31 Cần Thơ (down wing). Hoàng hay rọi đèn pha xuống đường để xem những cặp tình nhân đang ngồi ôm ấp với nhau dọc theo hai bên lề đường. PHĐ tản thương đêm thường gọi cái màn này là đi "rọi ếch." Xa lộ Nguyễn Viết Thanh nối liền từ Cần Thơ xuống quận Cái Răng, tối âm u, không có cột điện trên đường, nên dân chúng Cần Thơ đặt cho cái tên là "Xa Lộ Không Đèn", nổi tiếng cho những cặp tình nhân hẹn hò tình tứ nơi đây. Đầu xa lộ gần thành phố có nhiều quán càfe lý tưởng, ghế Sa lông ngồi uống cà phê có chỗ tựa lưng rất cao qua khỏi đầu, nên các cặp tình nhân ngồi bàn này làm gì, thì bàn khác không thể thấy được, đó cũng là cái hay đặc biệt của Cần Thơ xứ Tây Đô dễ thương của Hoàng.
    Ban ngày, mỗi khi hoàn tất các phi vụ, Hoàng thường dùng chiếc xe Mini Vespa chạy ra phố Cần Thơ chơi. Một hôm Hoàng ghé vào một cái xe bán thuốc lá lẻ, của bà Tư đặt trước cửa tiệm bán tủ, bàn ghế trên đường Trần Hưng Đạo để mua bọc kẹo Chewing Gum và bao thuốc Dunhill. Chàng thấy một người thiếu nữ có mái tóc thề như tơ liễu phủ xuống trên vai, khuôn mặt thùy mị, duyên dáng đứng phía đằng sau. Hoàng lân la lại làm quen. Sau nhiều lần nói chuyện và dò hỏi mãi, Hoàng được biết tên nàng là Oanh con chủ tiệm bán bàn ghế Thúy Oanh. Oanh có một người anh trai tên là Dũng tính tình điền đạm và dễ mến. Trái lại Oanh có hai cô em gái thì rất là lý lắc, đang tuổi ô mai tên là Yến và Thoa. Yến kế Oanh nên dáng người thon, nét mặt hao hao giống Oanh, nhưng Yến thích cắt tóc cụt theo kiểu Mi nhon, còn Thoa thì đang tuổi trổ mã, nên tướng tá hơi phát triển hơn hai chị.
    Từ ngày quen Oanh, mỗi lần Hoàng đến thăm, Hoàng đều mua Ô mai hay kẹo chewing gum để trám miệng hai cô em, chiêu dụ chúng thành đồng minh bênh vực mình, mỗi khi Oanh giận hờn chàng. Yến và Thoa thường là luật sư để bào chữa cho Hoàng. Trái lại hai cô em này cũng thường hay chọc quê Hoàng với những bài hát tự chế, nhái theo bản nhạc hành quân mà ca sĩ Hùng Cường vẫn thường hát trên đài phát thanh:
    Người lính phong sương, phải bận hành quân
    Khiến em đợi lâu, em giận anh luôn T
    hư anh rằng không bao giờ muốn thế
    Hành quân hoài đấy chứ.
    Lính!Lính mà em
    Mỗi lần thấy Hoàng đến thăm Oanh thì Yến và Thoa hai đứa xúm lại với nhau cùng hát Chuyện lính Không Quân giặt quần đàn bà
    Tay cầm bàn chà, tay cầm xà bông
    Anh mong làm sao cho quần nó trắng
    Rồi phơi ngoài nắng.
    Lính! Lính hào hoa
    Hoàng tức mình, bèn nói với mấy đứa em của Oanh:
    - Mấy cô xí xọn nó vừa vừa chứ, mai mốt tôi sẽ kiếm mấy thằng cà chớn cùng phi đội, rồi gả mấy cô cho tụi nó, để các cô bỏ cái tật chê KQ. Yến và Thoa cũng đâu có chịu thua Hoàng, chúng kể tội mấy chàng không quân, rồi thêu dệt ra những thiên tình sử vợ lính không quân đánh ghen, anh này hai vợ, anh kia có mấy cô bồ, làm Hoàng cũng hơi nhột. Yến, Thoa kết luận người ta nói lính không quân các anh như thế này có đúng không:
    Tình phi công là tình không chung thủy
    Mỗi đường bay thay đổi cánh hoa tiêu
    Hoàng phản pháo lại, sao các cô biết? Các cô thấy không? Tôi với chị Oanh của các cô vẫn tắm chung một dòng sông Hậu Giang đấy thôi, cả các cô nữa, ai bảo không quân là không chung thủy chứ! Hai cô em của Oanh vẫn chưa chịu thua, còn bồi thêm:
    Đường nào dài như đường phi đạo
    Lính nào xạo như lính không quân
    Cần thơ có một khu vườn mận gần cầu Bắc là nơi rất thơ mộng và lý tưởng cho những cặp tình nhân vào dạo chơi, dân địa phương đặt cho cái tên là Vườn Ổi. Nhưng thực sự không hiểu tại sao trong vườn lại trồng toàn là mận, từng rẫy, từng rẫy, bên cạnh mỗi rẫy mận có một cái mương, chủ vườn đào mương có hai mục đích: Thứ nhất là để lấy nước tưới cho cây mận. Thứ hai là lấy đất đắp lên thành các vồng, rẫy cao để trồng mận cho khỏi bị nước ngập, úng thúi cây mận. Mận thì nhiều, nhưng ổi thì rất ít. Du khách vào đây, đi dạo hết khu vườn mận là tới một bãi cát rất rộng, bằng phẳng chạy dài bên bờ sông Hậu Giang (Bassac) trông tựa như bãi cát bờ biển, du khách và dân địa phương thường ra dạo chơi và tắm sông.
    Trong các khu vườn mận, các chủ nhân thường mở thương vụ kinh doanh, cất những nhà chòi làm quán, phía trong chòi có bàn ghế để bán càphê, bán nước. Có vườn chủ nhân mở quán ăn như quán Tây Đô đặc biệt chuyên về món cá lóc, cá trê, cá rô nướng trui vàng, quét hành mỡ đã phi, ăn với bún nước mắm cà rốt củ kiệu rất tuyệt. Một món ăn khoái khẩu của Hoàng. Lúc chưa quen Oanh, vào những ngày nghỉ xuống ca, Hoàng thường hay đến quán Tây Đô ăn uống, rồi thuê một cái võng, đem ra móc giữa hai cây mận có nhiều tàn lá che mát xum xuê, nằm đọc sách, đong đưa nghe nhạc, ru hồn vào giấc mộng cho đến chiều. Khi tỉnh dậy ăn một chầu nữa, rồi mới lững thững về căn cứ. Dẫn Oanh đi chơi, lần đầu tiên Hoàng dẫn nàng vào Vườn Ổi. Đến trưa chàng dắt Oanh vào quán Tây Đô, nhưng Oanh cứ nại nhiều lý do từ chối. Hoàng năn nỉ mãi, Oanh mới chịu vào, khi tìm được cái chòi lý tưởng cho hai người, lúc bấy giờ Oanh mới nói cho Hoàng biết, chủ quán là người bạn thân của anh mình. Hoàng nói hèn chi em mắc cỡ là phải. Những tháng, năm Hoàng phục vụ tại Cần Thơ, mối tình của Hoàng và Oanh thật là thơ mộng và lý tưởng cho đến ngày 30 tháng 4.
    Vào tháng Tư đen năm 75, những ngày gần cuối của chế độ Việt Nam Cộng Hoà, tình hình khắp nơi trong nước đều xáo trộn. Việt Cộng tấn công mạnh mẽ khắp nơi. SĐ4KQ ban hành lệnh cắm trại 100% nội bất xuất, ngoại bất nhập để tránh đặc công lợi dụng hỗn loạn đánh phá phi trường. Hoàng không còn ra ngoài dìu Oanh đi chơi nữa. Tuy rất nhớ và thương, nhưng đành phải chịu. Có một, hai lần Oanh đến cổng phi trường để thăm Hoàng nhưng thời gian thật ngắn ngủi rồi phải chia tay. Từ ngày 20 tháng Tư năm 75, miền Trung quân đội tháo chạy, các thành phố hướng bắc Sàigòn đang hỗn loạn, bị Việt Cộng pháo kích lung tung. Những ngày càng gần cuối tháng Tư, lệnh của SĐ4KQ, các phi cơ cất cánh phải có phi vụ lệnh đặc biệt, quân cảnh kiểm soát Phi Vụ Lệnh trước khi PHĐ lên máy bay, vì một số phi công đã dùng máy bay để trốn chạy. Những phi cơ cất cánh đều nghe được trên tần số gạc IFF thông báo vị trí của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ ngoài biển Nam Hải, nên đã có hàng loạt máy bay thoát chạy đáp trên hàng không mẫu hạm. Phi trường Tân Sơn Nhất và Biên Hoà đang trong tình thế hỗn loạn vì bị pháo kích và tấn công. Chỉ còn lại các phi trường của SĐ4KQ là tạm ổn trong tình trạng hồi hộp, có một vài máy bay Chinook được tư lệnh Sư Đoàn cho di tản các thân nhân của nhân viên phi hành ra đảo Côn Sơn với lý do bảo đảm sư an toàn sinh mạng cho thân nhân.
    Cũng từ đó những chàng phi công có vợ con đã ra Côn Sơn, họ tìm mọi cách để lấy máy bay trốn đi theo, khi họ có phi vụ lệnh đặc biệt, đã có một chiếc Chinook bay trốn đi vào đêm 28/4 bị Hành Quân Chiến Cuộc cho 2 Gunships bay lên đuổi theo, hộ tống bắt bay về Cần Thơ và bị nhốt, nên các nhân viên phi hành đang trong tình trạng chuẩn bị nhổ giò, họ học theo kinh nghiệm của các phi đoàn di tản từ Miền Trung, do đó các phi trường của SĐ4KQ cũng bị giao động mạnh.
    Đùng một cái sáng ngày 30 tháng Tư năn 75. Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố lệnh đầu hàng. Các Phi trường hỗn loạn, Hoàng đang ngồi trong phòng hành quân của phi đội cùng hốt hoảng chạy theo đoàn quân hỗn tạp ra phi đạo thoát thân, Hoàng vội vã nhảy đại lên chiếc trực thăng đang nằm trong ụ. Chàng quay máy cất cánh một cách vội vàng không kịp đội helmet. Phi trường lúc đó máy bay cất cánh hỗn loạn như chim vỡ tổ không còn luật lệ, Hoàng phải đảo mắt và chăm chú quan sát chung quanh để tránh máy bay khỏi đụng nhau. Khi bay thoát khỏi phi trường được vài phút, Hoàng lấy lại bình tĩnh, đội helmet lên, chàng nhìn đồng hồ phi cụ, thấy đồng hồ bình xăng chỉ còn có 200 pounds, Hoàng ngoái nhìn lại phía sau chiếc máy bay Hoàng đang lái, ôi thôi! một đống người đã ngồi chật ních phía sau, sao mà họ lên nhanh đến thế. Hèn chi khi cất cánh Hoàng cảm thấy máy bay Over Torque. Nhìn đồng hồ xăng, Hoàng hồi hộp toát mồ hôi, chàng quyết định bay đến phi trường căn cứ Đồng Tâm của SĐ7BB để đáp đổ xăng, nhưng ở đây lính tiếp liệu đã bỏ chạy hết, không có người điều khiển máy bơm xăng. Hoàng đành phải trút bỏ hết quần áo phi hành, bỏ máy bay tại đó rồi trốn ra đường đón xe ôm về Mỹ Tho, bỏ lại đám tùy tùng bất đắc dĩ. Rất may cho Hoàng là mấy ngày gần tàn cuộc, Hoàng rút kinh nghiệm được của đám bạn tháo chạy từ Pleiku, Phan Rang bay về Cần Thơ, nên Hoàng thường hay mặc sẵn bộ quần áo dân sự bên trong bộ áo phi hành và đi giầy civil, trong túi đựng helmet của Hoàng lúc nào cũng thủ ít gạo xấy và mì gói để phòng thân. Sau khi bỏ phi cơ tại Đồng tâm, Hoàng trốn đến nhà bác Tư Càrem, ba của người bạn Hoàng ở Mỹ Tho tá túc. Tỉnh Mỹ Tho bỏ trống, dân chúng đang xôn xao, nhiều nhóm trẻ ra tuá ra đường chạy ngược xuôi, la lối um xùm. Chúng đập phá các kho hàng để hôi của. Quần áo của QĐVNCH tháo chạy, trút bỏ đầy đường, đặc công và bộ đội miền Nam bồng súng đi lại ngược xuôi la hét, Hoàng ẩn núp trong nhà bác Tư khi trời càng nhá nhem tối, Hoàng càng lo sợ, đến nỗi sờ lên ngực, tim của Hoàng đập loạn xà ngầu, muốn văng ra khỏi lồng ngực. Suốt đêm Hoàng hồi hộp, lo âu, ngoài đường loa phóng thanh của bội đội địa phương inh ỏi kêu gọi quân dân chính QLVNCH ra trình diện, nộp súng đầu hàng, Hoàng sợ hãi đến nỗi muốn ướt cả quần, bác Tư dấu Hoàng trong một cái lu to đựng gạo, rồi ông dặn Hoàng "Sống chết có phần cháu ơi."
    Đến gần sáng, có người báo cáo cho bọn VC nằm vùng. Khoảng 2 giờ sáng, toán bội đội nằm vùng võ trang đến gõ cửa nhà bác Tư, yêu cầu Hoàng ra trình diện. Hoàng run cầm cập, nhưng toán bộ đội đã nhỏ nhẹ răn đe Hoàng: "Anh cứ an tâm ra trình diện, bây giờ đất nước ta đã thống nhất, đánh đuổi được giặc Mỹ, các anh hối cải, chính phủ cách mạng sẽ khoan hồng cho về sống với vợ con." Hoàng riu ríu theo chúng ra tập trung trong sân banh của tỉnh, nộp giấy tờ khai báo, ngồi chờ ở sân banh mãi đến gần trưa thì được tha. Hoàng trở lại nhà bác Tư Càrem xin ở lại vài hôm, vì lúc này xe cộ chưa được phép lưu thông trở lại, chỉ trừ có xe của bộ đội mà thôi. Tá túc nhà bác Tư được 3 ngày thì Việt Cộng bắt đầu cho xe lưu thông trở lại, Hoàng ra phường Hồ Nước Ngọt xin giấy phép đi đường về Sàigòn, tên tân quản lý phường dốt đặc cán mai, không biết chữ, hắn đưa cho Hoàng một tờ giấy xé từ tập vở học trò, rồi bắt Hoàng viết một cái đơn xin di đường, sau đó hắn nói Hoàng ghi tên của hắn phía dưới tờ đơn là Ngô Xí tự Ba Ngô, rồi hắn giật lấy bút từ tay Hoàng, gạch chữ X ngoằn ngoèo trên cái tên Ngô Xí và lấy mộc của khoai mới làm, đóng trên tờ đơn Hoàng mới viết. Chữ X là chữ ký độc nhất mà hắn học được. Ngô Xí trao lại cho Hoàng tờ giấy phép đi đường, rồi chúc Hoàng thượng lộ bình an và căn dặn Hoàng ráng học tập cải tạo tốt. Hoàng cầm tờ giấy trên tay lòng hớn hở, trân quí, chàng cũng lịch sự bắt tay, chúc Ngô Xí ở lại mạnh giỏi, sớm được thăng chức.
    Chuyến xe lô Mỹ Tho – Sàigòn đã chật ních người như nêm cối, nhưng anh lơ vẫn cố nhét và đẩy Hoàng lọt vào trong xe, rồi tài xế mới chạy. Ba tiếng đồng hồ sau Hoàng về tới xa cảng Phú Lâm, thành phố Sàigòn giờ này đổi thay khác lạ, cờ đỏ sao vàng, cờ giải phóng, cờ của chính phủ lâm thời miền Nam, rồi cờ Trung Cộng treo khắp mọi nơi loạn cào cào lên, không biết cờ nào là đúng. Xuống khỏi xe, Hoàng vội đón xe ôm về nhà, Ba Má Hoàng và cả nhà thấy Hoàng về thì mừng rỡ hớn hở, Má Hoàng ôm con, bà chảy nước mắt, Ba của Hoàng nói: Ba cứ nghĩ là con của Ba chết mất xác đâu rồi. Ba và chị Hai mày xuống Cần Thơ kiếm con, nhưng thấy phi trường hoang lạnh, Ba và chị Hai vội lên xe về gấp, kẻo Má mày lo. Thôi con về được là mừng lắm rồi.
    Yên ổn được vài ngày, thì một buổi sáng sớm mới ngủ dậy, Hoàng nghe thấy loa phóng thanh kêu gọi tất cả các ngụy quân, ngụy quyền phải trình diện đi học tập cải tạo: HSQ đem theo lương thực 3 ngày, trình diện tại khóm, phường địa phương mình, còn SQ cấp Úy đem theo lương thực một tháng, cấp Tá đem theo lương thực 3 tháng, ai ở quận Ba thì trình diện tại trường Marie Curie...v.v.. Hoàng vào nhà lo sắp xếp đồ đạc, Má của Hoàng chuẩn bị cho Hoàng ít lương khô, tống vào cái bao vải nhỏ, rồi bà dặn dò cách ăn uống. Qua mấy tháng biền biệt đi học tập, gia đình không thấy Hoàng trở về, Má Hoàng ra phường hỏi thăm tin tức. Bà hỏi tên phường trưởng, sao nhà nước nói cho con tui đi học một tháng rồi thả về, mà sao hổng thấy về kìa? Tên phường trưởng trả lời ngọt xớt: Nhà nước đâu có nói đi học một tháng. Nhà nước chỉ nói đem lương thực theo 1 tháng, còn lại nhà nước nuôi, như vậy mà còn đòi hỏi gì nữa. Bà thất vọng ra về. Không những 1 tháng mà tới 4 năm biền biệt xa con, biết bao nhung nhớ.
    Trong suốt 4 năm tù cải tạo, mấy tháng đầu Oanh có lên Sàigòn ghé nhà Hoàng hỏi thăm, nhưng chẳng có ai rõ tin tức, Má Hoàng ôm Oanh, mà nhớ con khóc nức nở. Oanh thất vọng ra về. Sau tháng Tư đen gần một năm. Cả nước phao tin đồn, con gái mà không có chồng, nhà nước bắt phải lấy bộ đội, theo đúng nghĩa vụ đền ơn. Thế là nhà nào có con gái tới tuổi cập kê cũng phải lo gả bán cho mau, mong sao tránh phải nhận những thằng rể ngớ ngẩn, răng hô, nón cối tội nghiệp cho đời con gái của mình. Mấy chị em của Oanh cũng nằm trong trường hợp đó, nên phải ôm hận sang ngang. Sau 4 năm học tập cải tạo Hoàng được tha về, chàng có xuống Cần Thơ thăm nơi xưa chốn cũ. Hoàng kín đáo thăm dò tin tức của Oanh, nhưng nàng đã an phận thủ thừa và sắp sửa có đứa con thứ hai, Hoàng đành âm thầm trở về Sàigòn tìm đường vượt biển đi tìm tự do.
    Chuyến vượt biên của Hoàng, đã được anh Ba lo liệu rất kỹ, nên 4 anh em Hoàng ra đi thoát nạn sau 5 ngày lênh đênh trên biển, đã cặp bờ biển Mã Lai bình an. Tạm trú trong đất liền được 2 ngày thì cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc chuyển anh em Hoàng ra đảo Pulau Bidong cho nhập trại tỵ nạn. Ba tháng nằm chờ đợi ở Pulau Bidong. Lúc đó có tin trại sắp dẹp, nếu đợi đi Mỹ thì quá lâu. Anh Ba của Hoàng liên lạc được với người bạn tên là Minh đã định cư ở Úc, anh Minh làm bảo lãnh cho anh em Hoàng. Thế là anh em Hoàng kéo nhau lên phái đoàn Úc nộp đơn xin đi định cư ở Úc. Anh em Hoàng được chấp nhận đến Úc theo diện tỵ nạn có bảo lãnh. Đặt chân xuống Adelaide, anh Minh đã giúp đỡ anh em Hoàng một cách tận tình. Sau khi đến Úc được vài tháng Hoàng xin được việc làm. Chàng cố dành dụm được một ít tiền gửi về Việt Nam tiếp tế cho Ba Má.
    Hai năm sau Hoàng tìm được người yêu mới, chàng quyết định lập gia đình, 5 năm sau vợ Hoàng đã sanh cho chàng được hai đứa con kháu khỉnh. Hai vợ chồng Hoàng cùng đồng tâm làm lụng vất vả và đã tạo dựng được căn nhà lý tưởng. Nhà Hoàng tọa lạc ngay trên con đường đối diện với một khu đất trống, rộng lớn. Đó là khu đất thuộc sở hữu của chính phủ liên bang. Gần đây chính phủ đang có kế hoạch biến khu đất này thành sân vận động thể thao quốc tế "International Sport Park". Báo chí loan tin cho rằng chính phủ đang chuẩn bị xây cất sân vận động quốc tế để tiểu bang Nam Úc dự tranh tổ chức đại hội thể thao của khối Liên Hiệp Anh (Commonwealth Games), nên máy bay trực thăng của các đài truyền hình số 7, 9 và 10 thay phiên nhau, bay đến đây để làm những thiên phóng sự nóng hổi và hấp dẫn cho dân chúng Úc.
    Một buổi sáng Chúa nhật, Hoàng cùng vợ dọn dẹp nhà cửa, vợ Hoàng đang giặt giũ quần áo cho các con, để ngày thứ Hai chúng có đồng phục mặc đi học. Hoàng vào phòng bếp rửa đống chén dĩa và các ly càphê, mà cả nhà mới ăn điểm tâm xong. Bỗng dưng chàng nghe thấy tiếng cánh quạt chém gió vù vù, phạch phạch, càng lúc, càng gần của chiếc trực thăng từ đằng xa đang bay lại hướng nhà Hoàng. Chàng thầm nghĩ: "Ông nội nào lại bay chiếc Ù, Ù, Tạch, Tạch về đây làm chi". Hoàng ngó qua cửa sổ thấy chiếc UH từ từ đáp xuống thật thấp, rồi hover trên khu đất trống trước cửa nhà Hoàng. Chàng vội lau tay, mở cửa ra đứng xem. Hoàng quan sát chiếc trực thăng mang chữ NEWS với con số 9 thật to đang đứng yên (hover) một chỗ trước mắt chàng, rồi xàng qua, xàng lại, quay trước, quay sau, cho các chuyên viên ngồi trên máy bay quay phim làm phóng sự. Hoàng để mắt đăm chiêu nhìn chăm chú vào chiếc máy bay, tưởng như mình là chàng phi công đang ngồi trong phòng lái bay chiếc trực thăng này. Hai chân Hoàng dựt dựt đạp pedal điều khiển cánh quạt đuôi (tail rotor) giữ thẳng hướng mũi phi cơ, tay phải Hoàng cầm cái cần cyclic stick, move chiếc UH bay tới, bay lui, tạt qua, tạt lại, tay trái Hoàng nắm chặt cần collective stick, kéo lên, kéo xuống giữ vững cao độ. Hoàng nghĩ! Ôi cái giàng cần lái này (flight control system) sao mà thân thương biết mấy.
    Chiếc trực thăng đứng nguyên một lúc khá lâu, rồi từ từ bốc lên lấy cao độ, cất cánh bay qua đầu chàng. Hoàng ngước mắt vội nhìn theo, chàng thấy cặp đèn pha vẫn nằm im lìm một chỗ bất động dưới phía bụng của chiếc phi cơ. Hoàng cử động ngón tay cái, nhắp nhắp trong không khí, tưởng tượng như ngón tay mình đang mở cặp đèn pha, ngón tay cái thật điêu luyện điều khiển cặp đèn rọi xuống bãi đáp, nơi các quận, các xã các đồn bót, tải thương lúc ban đêm. Hoàng dùng ngón cái, bên tay phải quét đèn rọi xuyên qua những bộ quần áo bà Ba satin mỏng dính của phái đẹp, đang đứng xem tản thương bị gió của cánh quạt thổi bay, bám dính sát theo những đường cong uốn lượn trên thân thể các người đẹp, đang đứng chung quanh bãi đáp để Hoàng rửa mắt. Ngọn đèn của Hoàng pha rọi thấu qua những lớp quần áo mỏng dính. Hoàng quan sát từng ngọn đồi, từng mảnh vườn tam giác, cái thì thưa cỏ, cái thì rậm rạp, Hoàng chép miệng, Ôi! Tạo hoá sao khéo dựng nên người đàn bà tuyệt mỹ đến thế.
    Hoàng đang mơ mộng thì chợt nghĩ đến cái bùi nhùi chùi xoong của vợ mình trên chỗ rửa chén trong nhà bếp đang đợi chàng, làm Hoàng liên tưởng đến "Những Ngày Xưa Thân Ái", rồi chàng nhếch mép mỉm cười.


    Mến tặng các bạn
    Hồng Điểu 259 H + I Cần Thơ
    Jo Vinh Nguyen Aussie

    Ghi chú:
    Đây chỉ là chuyện phiếm, nên tác gỉa xin cáo lỗi vì sự ngẫu nhiên
    trùng tên các nhân vật trong chuyện.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X