Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tìm Cha - Võ Ý

Collapse
X

Tìm Cha - Võ Ý

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tìm Cha - Võ Ý

    TÌM CHA

    Lời người viết: Đây là chuyện hư cấu nhưng dựa trên một chuyện kể có thật, chỉ thay đổi tên. Dù vậy, nếu có sự trùng hợp, xin được thông cảm và ước mong sao, đứa con đang tìm cha trong câu chuyện sớm toại nguyện.

    MÙA THU 2006, cô Thương Thương bên Canada, gởi email cho ông Phi Tiêu, bạn thời trung học của cô, hiện định cư tại thành phố Saint Louis, bang Missouri miền trung tây nước Mỹ. Nội dung bức điện thư như sau: “Nhờ anh tìm giúp pilot Đào Đức Nguyên, khoảng năm 1973 làm việc trong phi trường Đà Nẳng. Sau tháng 3/1974, thì không biết ở đâu. Ông Đức Nguyên có người con trai tên là Đức Bảo, hiện là chủ nhân một tiệm uốn tóc tại Đà Nẵng. Cháu Đức Bảo mong muốn tìm được người cha ruột của mình, vậy nhờ anh giúp cháu nha!”.

    Cô Thương Thương là người Đà Nẵng. Mẹ và các em của cô vẫn sinh sống tại thành phố nầy. Một dịp về quê thăm gia đình, cô Thương Thương tình cờ quen biết cháu Đức Bảo. Qua tâm tình, cô hiểu được ước nguyện thiết tha của cháu và cô hứa là khi về Canada cô sẽ nhờ mấy người bạn học phục vụ trong không quân trước kia giúp tìm hiểu chuyện nầy. Và đó là lý do ông Phi Tiêu nhận được cái điện thư nêu trên. Ông liền đăng tin “Tìm Người Thân” trên các trang nhà không quân hải ngoại. Một tuần sau, ông nhận được một vài thông tin về không quân Đào Đức Nguyên.

    Truyền thông thời điện tử ghê thật! Ông Phi Tiêu mừng thầm trong bụng và dự tính gọi điện ngay cho ông Đức Nguyên để dò hỏi và nếu thấy thuận tiện thì nói rõ lý do cuộc gọi bất ngờ nầy. Qua điện đàm, ông Đức Nguyên xác nhận ông là sĩ quan không quân, nhưng ông cũng xác nhận là không hề có con trong thời gian phục vụ ở Đà Nẵng trước 1975.

    Buồn năm phút và thấy ái ngại cho đứa con thiếu tình phụ tử bao năm qua!

    Ông Phi Tiêu thông báo kết quả không vui về cuộc “tìm người thân” cho cô Thương Thương và ông cũng đề nghị với cô là nên báo việc thăm dò đang xúc tiến một khi cháu Đức Bảo hỏi đến, kẻo không cháu sẽ thất vọng mà tội nghiệp...

    MÙA XUÂN NĂM 2007, ông Phi Tiêu về quê thăm mẹ, cụ bà Tâm Thí đang đi vào đại thọ thứ 97. Ông mang về một một ước nguyện (và đã toại nguyện) là thực hiện một Lễ cầu an và phóng sinh để hồi hướng công đức cho mẹ tại một ngôi chùa thuộc vùng Gò Vấp. Xong xuôi đâu đó, ông bay ra Đà Nẵng để thắp nhang cho phụ thân và tiên tổ tại nghĩa trang của họ tộc thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng. Tại đây, ông bất ngờ gặp mấy chị em cô Thương Thương. Hóa ra họ từ Canada về quê để thọ tang cho mẹ. Ơn cha nghĩa mẹ bao giờ cũng canh cánh bên lòng những người con trôi dạt khắp góc biển chân trời. Ông Phi Tiêu xin phép mấy chị em cô Thương Thương để thắp một nén hương tưởng niệm một người mẹ vừa vĩnh biệt những người con yêu dấu của mình.

    Dịp nầy, cô Thương Thương nhắc lại điện thư năm xưa. Cô muốn chính tai cô nghe ông bạn già kể lại cuộc điện đàm giữa hai ông không quân để tìm ra một kết luận về sự hiện hữu của một đứa con khổ hận về lý lịch “cha vô danh” của mình. Sau cùng, cậu Hiền Hòa, em trai út của cô Thương Thương (cậu cũng biết chuyện tìm cha của cháu Đức Bảo), chở ông Phi Tiêu đến gặp bà Trúc Ly, chủ nhân tiệm cà phê Trúc Giang, cũng là mẹ của cháu Đức Bảo để ông trình bày câu chuyện mà hai mẹ con bà đang trông chờ...

    “Tôi quen ông Đào Đức Nguyên vào năm 1973 (bà Trúc Ly kể) qua trung gian một người bạn. Chúng tôi mất liên lạc vào cuối năm 1974 cho đến biến cố tháng 4 năm 1975. Nghe nói ông ấy thoát ra được nước ngoài. Cháu Đức Bảo ra đời năm 1974, càng lớn cháu càng giống bố như đúc. Những năm sau nầy, cháu đâm ra buồn chán đến độ bỏ cả công ăn việc làm. Cháu cứ dò hỏi tông tích về người cha của mình, tôi (bà Trúc Ly) làm sao biết hơn những điều đã biết nên hễ gặp Việt kiều nào tôi cũng nhờ họ tìm giúp tông tích của bố cháu hiện nay đang ở đâu, còn sống hay đã chết...”

    Cháu Đức Bảo trông cao ráo đẹp trai và hiền lành. Cháu nói giọng Huế nhỏ nhẹ và lễ độ. Cháu nhìn ông cựu không quân Phi Tiêu như thể để tưởng tượng ra hình bóng người đã tạo ra vóc dáng của cháu. Cháu nêu những câu hỏi mà ông không thể trả lời đúng sự thật.
    - Bác có liên lạc được với bố cháu không?
    - Chưa được cháu à, bác vẫn tiếp tục dò hỏi đây!
    - Tại sao bố cháu không dám nhận con hả bác?
    - Có thể bác chưa liên lạc đúng người đó cháu, bác đang tiếp tục dò hỏi mà...

    Suy nghĩ của cháu thật đơn giản, con tìm cha, cha nhận con là điều tự nhiên, cớ sao lại khó khăn quá vậy? Ông Phi Tiêu không thể giải thích cho cháu biết những tế nhị về tình cảm, hoặc những ràng buộc trong cuộc sống ở nước ngoài một khi có một tên lạ xuất hiện trong mái ấm gia đình, sẽ gây không biết bao nhiêu là xáo trộn trong gia đình đó.

    Trước tấm lòng tha thiết của hai mẹ con, ông Phi Tiêu hứa là (lại hứa) khi về Mỹ, ông sẽ cố gắng một lần nữa để giúp tìm tông tích người cha của một đứa con đang khao khát tình phụ tử....

    Bà Trúc Ly gởi cho ông một mãnh giấy ghi lại mấy nét chính về “lý lịch trích ngang” của người bạn trai trước kia và cuộc tình vội vàng trong khói lửa chiến chinh. Cháu Đức Bảo thì gởi cho ông một tấm hình tô màu cở lớn của cháu, để may ra thì trao cho... cha của mình...

    Hai di vật nầy đã vô tình buộc ông Phi Tiêu vào một trách nhiệm vô hình.

    VÀI NGÀY SAU KHI trở về Mỹ, ông Phi Tiêu lại nhờ mấy ông bạn thân sưu tầm tông tích của không quân Đào Đức Nguyên lần nữa. Thời may, ông lại được cung cấp ngay số điện thoại của đương sự. Dù vẫn tin là mình đang làm một việc hợp đạo lý, ông Phi Tiêu vẫn ái ngại làm sao trước khi nhắc máy điện thoại lên, không khéo thì...hậu quả khó lường!

    Lại một lần nữa, sự tự nguyện giúp đở của ông Phi Tiêu không mỉm cười với ông. Ông cựu không quân Đào Đức Nguyên bắt máy và cúp cái cụp sau khi nghe người gọi xưng danh tánh và xin được gặp!

    Buồn hơn mấy phút!

    Ông Phi Tiêu nghĩ ra một cách là...chuyển giao trách nhiệm cho Đức Bảo. Ông gởi email cho cháu với đầy đủ số phôn nhà và phôn cầm tay của ông Đức Nguyên. Ông hướng dẫn ngày giờ thuận tiện để gọi điện giữa Đà Nẵng và bang Cali của Mỹ và ông không quên đề nghị cháu nên thành tâm cầu xin ơn trên phù hộ trước khi gọi điện cho...bố!

    Cháu tâm sự là cháu rất hồi hộp và run sợ mỗi khi cầm điện thoại gọi qua Mỹ. Cuối cùng thì cháu cũng đã lấy hết can đảm để gọi cho người mà cháu hằng mơ đó là...bố đẻ của mình...

    Tình máu mủ ruột rà, lời cầu nguyện khẩn thiết đôi khi làm băng hoại thêm niềm hy vọng của một người con đang đi tìm gốc rễ của mình.

    “Bác ơi, con đã làm như bác khuyên và con đã gọi cho ba con. Lần đầu tiên thì có một người giọng Nam cầm máy nói alô, con nói anh làm ơn cho tôi gặp bác Đào Đức Nguyên thì người đó không nói gì cả, để máy một lát rồi off. Sau đó con gọi lần thứ hai thì người ta cầm máy lên không nói gì cả, để máy một lát rồi off. Con gọi lần thứ ba thì có một người đàn bà nói tiếng Anh với con, con không hiểu gì, dường như người đó nói là xin lỗi đã gọi nhầm số rồi thì con không còn tinh thần nào nữa. Người ta không muốn nhận con nữa thì thôi, con đã làm phiền người ta quá. Thôi nữa bác, con nghĩ là con nên thả cho số phận nổi trôi đi bác ơi! Con buồn quá bác ơi! Con có tội lỗi gì mà ba và mẹ của con phải sinh con ra trong hoàn cảnh “con không cha” như vậy hả bác? Nếu Thượng Đế cho con một điều ước thì con sẽ ước là ba mẹ của con đừng sinh con ra và đừng cho con có mặt trên cõi đời nầy nữa, cõi đời mà con liên miên thất bại trong việc đi tìm căn nguyên của mình. Bác cho con một lời khuyên như thế nào đi bác...”

    Lòng ông Phi Tiêu nặng trĩu sau khi đọc bức điện thư trên. Ông thấy tội nghiệp cho cháu Đức Bảo quá. Trời cao không hiểu nỗi lòng của người trần sao mà còn bày trò trêu ngươi?

    Có thể bà Trúc Ly là cánh hoa trong thời ly loạn, sóng dập gió vùi. Có thể không quân Đào Đức Nguyên là cánh chim phiêu bạt khắp bốn phương trời, không biết đâu là bờ bến. Những điều có thể nầy không có chi quan trọng, điều quan trọng là tâm tư sầu bi của một người con trước thực tế phủ phàng của dư luận. Cũng may là cháu Đức Bảo không “nổi loạn” quậy phá, sì ke ma túy, mà ngược lại cháu rất ngoan hiền và chăm chỉ làm ăn.

    Dù lời khuyên của một người dưng, cháu Đức Bảo cũng ghi nhận thiện ý của bác Phi Tiêu, nhưng thật sự mà nói, lòng cháu vẫn trĩu nặng mặc cảm mình là đứa con...hoang. Từ nỗi đau đớn đó đã đưa cháu đến dự định là lánh khỏi Đà Nẵng bằng cách qua Lào lập nghiệp. Cháu tâm sự, cháu muốn rời xa thành phố mà ở đó có những cái nhìn hoặc lời nói vô tình gây rướm máu tâm hồn của cháu.

    Để xoa dịu bớt nỗi đau sâu kín của một người con, ông Phi Tiêu nẩy ra một đề nghị ấp ủ một lời khuyên:

    “Thân gởi Đức Bảo!. Đọc thư của cháu bác thấy buồn theo cháu đó. Nhưng suy đi nghĩ lại thì cháu không nên bi quan như vậy mà nên tìm ở cuộc sống một niềm vui. Là một Kitô hữu thì việc cầu nguyện sẽ mang lại cho cháu sự an ủi vỗ về trong vòng tay nhân ái của đấng bề trên. Cháu cũng nên bỏ chút thì giờ để làm việc xã hội, giúp đở những người già yếu neo đơn. Bác được nghe bài hát Kinh Hòa Bình, trong đó có câu, hãy cho thì sẽ nhận, hãy yêu thương để được thương yêu...Bác sẽ đóng vai một người bạn vong niên của cháu để tâm tình khi cần và nếu không có gì trở ngại thì bác mong được làm Bố Nuôi của cháu để Bố Con mình nương tựa nhau trong cuộc sống. Thân chúc con an vui trong công việc và tràn trề nghị lực. Mong gặp lại. Bố Phi Tiêu”.

    Sau một ngày phóng điện thư đi, ông Phi Tiêu nhận được hồi âm đầy khích lệ: “Con chào Bố, không biết sao con thích nói chuyện với Bố lắm, tại vì Bố là người thấu hiểu tâm sự buồn vui trong đời mà con ấp ủ trong 20 năm nay, bây giờ con có cảm giác hạnh phúc lắm Bố ạ. Con thật sự cám ơn Bố nhiều lắm đó, bởi vì con đã nói ra được những chuyện buồn trong lòng con. Bố đã đem lại sự cân bằng trong cuộc sống. Bây giờ con rất muốn gặp Bố để nhìn thật kỷ khuôn mặt Bố như thế nào, hay là Bố gởi cho con một tấm hình về Bố Mẹ Nuôi của con đi được không Bố? Con thật sự yêu thương Bố lắm, con bye Bố nhá”

    KHÔNG QUÂN PHI TIÊU cảm thấy nhẹ nhỏm trong lòng. Tự nhiên ông có thêm một đứa con, dù là một đứa con nuôi cũng là phúc lộc trời ban chứ chẳng phải chơi đâu! Là một người tin theo giáo lý của nhà Phật, ông gieo nhân lành và lòng ông an lạc trong hiện tại là quý rồi, đợi gì quả ngọt ngày sau chứ?

    Bây giờ đăng là mùa Lễ Giáng Sinh.
    Tuyết đang rơi khắp miền bắc và trung tây nước Mỹ. Tuyết rơi trắng xóa thành phố Saint Louis mấy ngày qua. Khắp nơi âm vang Đêm Thánh Vô Cùng, khắp nơi đèn hoa lung linh đón mừng Chúa cứu thế.

    Ông Phi Tiêu cầu xin bình an dưới thế cho người thiện tâm, trong đó có Đức Bảo. Và ông cũng cầu xin một phép lạ khả dĩ giúp đứa con nuôi của ông sớm tìm được người cha ruột của mình...



    Võ Ý
    Xmas 2007
    Saint Louis, MO

  • #2
    (trích "Đọc TỔ ẤM BAY VỀ của KQ VÕ Ý")

    ...Khi nhà Phật nói đời là bể khổ, không có nghĩa ở trần gian này không có hạnh phúc. Đó cũng là suy nghĩ của Võ Ý trong truyện ngắn “Tìm Cha”. Cốt truyện cũng không có gì lâm ly bi đát cho lắm, nhưng đoạn kết thật ấm lòng. Một chàng thanh niên con chiên Chúa ở VN, mà trong giấy khai sinh ghi “cha vô danh”, nhờ Không Quân Phi Tiêu tìm người cha của mình trước năm 1975 cũng là một phi công VNCH, hiện sống ở Mỹ. Nhưng khi tìm được, người cha nhất định không nhận con. Trước nỗi đắng cay tuyệt vọng của người con, Không Quân Phi Tiêu đề nghị nhận chàng thanh niên làm con nuôi; dĩ nhiên, cả hai người đều hoan hỉ.

    ...KHÔNG QUÂN PHI TIÊU cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Tự nhiên ông có thêm một đứa con, dù là một đứa con nuôi cũng là lộc trời ban chứ chẳng phải chơi đâu! Là một người tin theo giáo lý của nhà Phật, ông gieo nhân lành và lòng ông an lạc trong hiện tại là quý rồi, đợi gì quả ngọt ngày sau chứ?


    “KHÔNG QUÂN PHI TIÊU” chính là Võ Ý hay một người nào khác, thiết nghĩ điều đó không quan trọng, bởi an lạc của nhân vật trong truyện cũng là hạnh phúc của người viết.

    Ước mong chúng ta, qua đọc Tổ Ấm Bay Về, cũng sẽ cảm nhận được những niềm hạnh phúc mà Võ Ý muốn chia sẻ.

    Tháng 1/2013
    Nguyễn Hữu Thiện

    Melbourne, Australia

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X