Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hãy Kể Cho Tôi Nghe

Collapse
X

Hãy Kể Cho Tôi Nghe

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hãy Kể Cho Tôi Nghe

    Hãy Kể Cho Tôi Nghe
    Yvonne Trần

    BBT/ST: Tác giả là một công dân Hoa Kỳ gốc Việt, con gái của một người lính Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Cô vượt biên năm 1979, và hiện nay định cư ở Tiểu Bang Virginia. Cô tốt nghiệp đại học ở Geneva College, Beaver Falls, Pensylvannia với bằng cấp kỹ sư hóa học (B.S. chemical engineering) năm 1985. Sau khi ra trường, cô được Naval Surface Warfare Center (NSWC) nhận làm việc trong 16 năm. Hiện nay cô đang làm việc ở Federal Aviation Administration, Office of Commercial Space Transportation, Washington D.C.

    ***

    Ba tôi chết đã chết gần 50 năm, khi chết, ông để lại bốn đứa con, từ một tuổi tới tám tuổi. Tôi nhớ gia đình tôi khi xưa ở Thủ Đức, sau khi ba tôi chết, mẹ tôi đưa anh em chúng tôi về miền Trung để sống gần ngoại, nội của tôi. Vì ba tôi “là lính áo rằn” nên thường xuyên không có mặt ở nhà, ông ra đi biền biệt! Mỗi lần ông về, thì tôi thấy ba tôi mặc đồ rằn ri. Ba tôi là lính Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), có đi du học ở Hoa Kỳ và chết vì bị bệnh trong lúc đi hành quân, vậy thôi, tôi không biết gì hơn. Trong nhà tôi có bàn thờ, trên đó có hình ba tôi mặc đồ lính, đội nón mũ xanh. Mẹ tôi trưng bày vài kỷ niệm của ba tôi trong tủ kính, một cái huy chương, một ống phim hình mà ông chưa in ra.

    Khi miền Nam Việt Nam mất, lúc đó tôi đã lớn nên ít nhiều tôi cũng hiểu biết những gì xảy ra, và biết cuộc sống không còn như xưa. Tôi không ngạc nhiên khi thấy những kỷ niệm đi lính của ba tôi đã bị biến mất. Hình ba tôi mặc quân phục với mũ xanh trên bàn thờ đã thay bằng hình người mặc đồ bình thường. Tôi không thắc mắc hỏi mẹ tôi. Thời gian trôi qua, tôi quên đi cái hình bóng ba tôi mặc đồ rằn ri, đội mũ xanh.

    Năm 1979, tôi vượt biên rồi may mắn, được định cư ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Thoáng chốc mà đã 37 năm tôi rời nước Việt Nam. Những năm đầu khó khăn cuộc sống ty nạn, nay cuộc sống của tôi cũng đâu vào đó. Một hôm, anh tôi gọi điện thoại thăm, và hớn hở nói rằng anh liên lạc được một người ở trong TQLC biết ba tôi khi xưa. Tôi chỉ nói “vậy hả”. Tôi không có ý kiến gì, hay xúc động gì, vì ba tôi chết đã quá lâu.

    Một hai tháng sau, tôi tình cờ đọc một tài liệu của những người TQLC Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam. Tài liệu này có đề cập tới những người sĩ quan TQLC Việt Nam đều phải qua Hoa Kỳ để thực tập ở trường The Basic School tai Quantico, Virginia. Tôi sực nghĩ đến một tấm hình của ba tôi chụp ở Baltimore, Maryland. Ba tôi là sĩ quan TQLC. Nếu ba tôi có đi Hoa Kỳ thời đó, thì tôi nghĩ chỉ có đi thực tập ở Quantico.

    Tôi gọi điện thoại cho anh tôi để xin địa chỉ e-mail của người trong TQLC biết ba tôi. Anh tôi gởi cho tôi địa chỉ website mà anh thấy có tên ba tôi, và địa chỉ e-mail của người nhắc đến tên ba tôi trong website này. Khi đọc e-mail, tôi thấy người ấy tên là Ngô Văn Định. Anh tôi nói: “Em vào website này, trong đó, bác Định có nhắc đến tên ba”. Khi tôi mở website lên, thì tôi mới biết website này là của TQLC Việt Nam.

    Đúng như anh tôi nói, tên ba tôi là “Trần Đăng Túc” mà bác Định có nhắc đến trong một bài viết của ông đăng lên trong website TQLC. Tôi quá cảm động vì ba tôi chết đã quá lâu mà có người trong TQLC còn nhắc đến.

    Anh tôi có nói thêm rằng ba tôi làm dưới quyền bác Định, và bác Định là một trong những người cuối cùng thấy ba tôi lúc còn sống, ông là người cho trực thăng chở ba đi nhà thương cấp cứu. Chi tiết này là lần đầu tiên tôi biết đến. Tôi không có kỷ niệm gì nhiều về đời lính của ba tôi, nên tôi muốn liên lạc với bác Định để biết thêm, nhưng tôi lại e ngại, vì có thể những gì ông biết về ba tôi, thì ông đã nói cho anh tôi rồi.

    Tôi gởi bác Định một e-mail, đầu tháng 4, năm 2012, để tìm hỏi về ba tôi. Chiều hôm đó, điện thoại reng. Nhận ra tên ông hiện lên trên phone, tôi bắt điện thoại và chào ông. Tôi nghe một giọng Bắc. Ông nói: “Bác biết ba con…”. Ông không nói nhiều, nhưng rất cởi mở, nên tôi không thấy áy náy mà gợi chuyện với ông.

    Khi nói chuyện với bác Định, tôi được biết ba tôi đi hành quân ở Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, rồi bất thình lình bị bệnh. Ông cho trực thăng đưa ba tôi đi bệnh viện, nhưng sau đó ông được tin bà tôi chết ở bệnh viện. Tôi đã nghe anh tôi kể cho tôi nghe chuyện này, nhưng tôi muốn được nghe ông nói cho tôi chi tiết đó. Tôi hỏi ông là có thể nào ba tôi đi thực tập ở Quantico không? Nếu đúng vậy thì tôi sẽ liên lạc họ để xin giấy tờ làm kỷ niệm. Những gì làm cho tôi chú ý đến là hình ảnh của những người lính TQLC đi hành quân. Những hình ảnh này tôi chưa bao giờ thấy, và trong đó có hình ảnh đi lính của bác Định khi xưa. Từ đó, ngoài việc đi kiếm kỷ niệm đời lính của ba tôi, tôi muốn tìm hiểu chiến sử TQLC, và tôi muốn biết bác Định làm gì trong TQLC?

    Tôi có gởi bác Định thêm một hai e-mail để thăm dò lý lịch lính của ba tôi, và ông đã cho tôi biết những gì ông biết về bà tôi. Tôi nghĩ chắc có lẽ không có cơ hội để tôi liên lạc ông nữa, vì những gì tôi muốn biết về ba tôi, ông đã trả lời.

    Cách vài tuần sau, tôi nhận được e-mail của ông hỏi tôi đã liên lạc với Quantico chưa. Tôi nói chưa, vì còn đang kiếm địa chỉ, thì ông gởi cho tôi địa chỉ của the Basic School in Quantico. Tôi quá cảm động vì ông quan tâm tới chuyện tìm giấy tờ lính của ba tôi. Ông thúc đẩy tôi làm giấy tờ liên lạc với Quantico. Thấy ông khuyến khích, tôi cũng sốt sắng dám làm tiếp, nhưng ngoài mục đích của tôi đi kiếm kỷ niệm của cha, tôi muốn biết đến lý lịch lính của bác Định vì tôi có thấy tên tuổi ông trong internet, trong sách TQLC Hoa Kỳ. Khi tôi lấy đủ can đảm hỏi bác Định về đời lính của ông, bỗng nhiên ông im lặng, rồi bắt sang chuyện khác. Tôi gởi ông tài liệu TQLC Hoa Kỳ tôi biết đến về những trận đánh ông tham dự, ông vẫn lặng thinh.

    Tôi không nghĩ ra tại sao phản ứng của ông làm tôi đau nhói. Ông là người đầu tiên tôi thấy trong sách TQLC của Mỹ. Ông là người đầu tiên tôi biết đến là một người lính sống hai mươi mốt năm nơi chiến trường. Nhưng nghĩ đến người lính miền Nam, những gì lập tức nhảy ra đầu tôi là những đôi giày, nón sắt, quần áo lính, rải rác trên đường phố Sài Gòn trong ngày cuối của đất nước tôi. Cái mâu thuẫn giữa những gì tôi thấy khi xưa và những gì tôi mới biết đến làm tôi ấm ức. Làm sao tôi biết được sự thật khi ông lặng thinh.

    Thật đau, tôi không biết bắt đầu từ đâu để mà đi tìm. Quá khứ, quá khứ cứ lại kéo níu tôi về mảnh đất cũ. Nhìn lại, tôi không thấy được người lính miền Nam, mà tôi phải nuốt lại những gì tôi muốn quên.

    Nuốt đi, khi cộng sản vào, những gì tôi thấy.
    Nuốt di, khi tôi thấy mâm cơm, chỉ còn cơm trộn với bo bo, và rau muống.
    Nuốt đi, khi nhai vào, không những nhai bo bo, mà nhai sạn.
    Nuốt đi khi tôi không còn nghe tiếng nói, mà chỉ nghe những tiếng thì thầm của những người không có tiếng nói.
    Nuốt đi, khi tôi nhớ đến ngoại tôi, một người mẹ quê, suốt đời chỉ biết ngồi ở chợ, trong nắng gay gắt, giành dụm từng đồng từng cắc, cho con lấy vốn nuôi cháu, để rồi khi cộng sản vào, chỉ biết đứng câm lặng, để chúng vơ vét những gì chúng có thể vơ vét.
    Nuốt đi, khi nhìn thấy bà không còn hoạt bát nữa, chỉ đăm đăm ngồi một mình ăn trầu, sống trong thế giới riêng của bà.
    Nuốt đi, tôi không còn biết mơ nghĩ đến tương lai nữa, mà chỉ lo sợ ngày mai gia đình mình sẽ ra sao? Ngày và đêm, tôi chỉ thấy cuộc đời đen như mực.
    Nuốt đi, khi bỏ nước ra đi, không một lời chia tay với một người thân.
    Nuốt đi cảnh sống hiu quạnh lẻ loi của người ty nạn.
    Nuốt đi, mình không giống ai, đừng nhìn ai, đừng để ai thương hại mình.
    Nuốt đi, để nhớ đến cái câm lặng riêng của mình, để rồi nghĩ đến một người lính lặng lẽ giúp tôi đi tìm kỷ niệm lính của ba tôi, và nghĩ đến hai mươi mốt năm ông sống trên chiến trường.


    Cứ cách vài tuần bác Định lại hỏi tôi:

    -Quantico có liên lạc gì với cháu về giấy tờ của ba cháu không?

    Tôi nói với ông:

    -Quantico cho biết họ sẽ kiếm bảng chính, nhưng cần nhiều thời gian.

    Rồi tôi nói tiếp với ông:

    -Cháu không thấy giấy tờ này quan trọng bằng việc cháu đi tìm hình ảnh lính TQLC của ba cháu.

    Ông hiểu ý tôi muốn nói nên ông âm thầm đi kiếm hình ảnh lính của ba tôi cho tôi. Một hôm ông báo cho tôi tin vui, ông đã kiếm ra hình ba tôi đi lính. Ông có hình ba tôi trong lúc huấn luyện ở Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp, năm 1966, và lập tức ông gởi hình đó cho tôi.

    Khi thấy hình ba tôi khi xưa, mặc quân phục rằn ri, mang nón sắt, đứng sắp hàng với những người lính TQLC khác. Hình ảnh này làm tôi không nói ra lời. Hình ảnh này làm tôi nhớ đến ông khi còn sống. Tôi nghĩ đến một ống phim của ba tôi, tôi thấy trong tủ kiến khi xưa ở nhà. Ống phim đó chưa bao giờ được rửa ra, để rồi bây giờ tôi tiếc nuối.

    Tháng 11/2012 vừa qua, Bác Định gởi tặng cho tôi một cuốn sách “21 Năm Chiến Trận Của TQLC/VN”, Tập 2. Tôi đọc qua trận Phản Phục Kích Phò Trạch 1966, thì thấy tên ba trong trận Phò Trạch này. Mắt tôi mở lớn, rồi đọc thêm. Tôi muốn nhéo da xem thử mình có phải thật nằm trong mơ không? Ba tôi đi hành quân, bị Việt Cộng phục kích, quăng lựu đặn, có bao giờ tôi biết đến những cảnh như thế này đâu?

    Đọc sách, tôi biết cuộc phục kích này có liên quan đến một ông Cố Vấn Hoa Kỳ. Ông ấy tên Thomas Campbell, cố vấn cho Tiểu Đoàn 2/TQLC. Ông ấy (Thomas) và ba tôi chạm với địch trong cuộc phản phục kích nầy. Một điều tôi biết, đó là một cái huy chương của Hoa Kỳ cấp cho ba tôi mà mẹ tôi đã đi lãnh sau khi ba tôi qua đời. Anh tôi có nói cho tôi về huy chương này, nó có hình chữ V. Khi còn nhỏ, mỗi ngày anh tôi cứ ngắm nghía cái huy chương này hoài, nên anh tôi nhớ rõ. Khi hỏi mẹ tôi, thì bà khẳng định huy chương có hình chữ V vì bà đã đi nhận sau khi bà tôi chết. Tôi lập tức báo cho bác Định biết, bác nói:

    -Tại sao cháu không nói cho bác biết sớm hơn?

    Tôi nói:

    -Cháu đâu có bằng chứng gì mà dám nhắc đến huy chương của ba cháu.

    Ông đọc lại tài liệu và cho tôi biết bài này là do MX Tôn Thất Soạn thuật lại theo hồi ký của ông Thomas Campbell.
    Tôi rất cảm ơn bác Soạn, nhờ đến bài này, tôi mới biết ba tôi thật là “Trâu Điên”.

    Bác Định đoán là ba tôi được Navy/Marine Corps Commendation Medal với combat V trong trận phục kích, và khuyến khích tôi liên lạc với National Archives và Quantico để xin lại huy chương của ba tôi.

    Ông bỏ nhiều thời giờ giúp tôi những chỉ tiết liên quan đến trận phục kích để tôi làm giấy tờ xin lại huy chương của ba tôi, tôi rất hãnh diện vì ba tôi là lính, ba tôi là nguồn sống của tôi hiện tại, dù ông đã mất từ lâu lắm rồi. Tôi có gửi e-mail cho National Archives xem họ có lưu giữ gì về giấy tờ huy chương của ba tôi không.

    Tháng 12/2012, tôi được thơ của National Archives cho tôi biết là ba tôi có huy chương đúng như bác Định đoán. Bác Định giúp tôi làm đơn xin lại huy chương Combat V của ba tôi, vài tháng sau, tôi nhận được huy chương này.

    Tôi không thể tưởng tượng được, tôi đã tim lại được huy chương của của một người cha đã chết. Ông không chết mười năm, hai mươi năm, mà đã chết cả nửa thế kỷ rồi. Quá khứ và hiện tại, chia cách vì thời gian, nay hầu như xích gần lại nhau nhờ cái huy chương này. Tôi nắm chặt huy chương Combat V gọn trong tay tôi, tôi biết, nếu tôi đã lấy lại được vinh dự của một người lính đã chết, thì tôi cũng sẽ biết đến vinh dự của những người lính còn sống.

    Khao khát, tôi đi kiếm người lính TQLC trong tài liệu chiến tranh Việt Nam, trong hình ảnh, trong chiến sử, trong lưu bút của họ. Dần dần, những gì tôi sưu tầm làm tôi mở mắt những gì trong quá khứ tôi thấy mà không hiểu, và những gì tôi nghe mà không biết đến. Nếu cả đời, cái thắc mắc của tôi là người lính miền Nam đâu sao tôi không thấy, thì nay tôi biết đến họ là những người đánh giặc trong rừng, trong núi, nơi biên giới, không phải một tháng, một năm, mà cả hai mươi mốt năm dài.

    Nếu cái nhức nhối của tôi nghĩ là lính miền Nam đánh giặc như thế nào, thì tôi không cần phải đi sưu tầm nhiều, cứ mở internet, sẽ thấy những trận đánh khốc liệt suốt hai mươi mốt năm.

    Nếu muốn biết người lính miền Nam đánh trận như thế nào, thì Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 đã ghi vào chiến sử, không những của người Việt, mà của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.

    Nếu cả đời tôi chỉ nghe đến người lính Hoa Kỳ đánh trận ở miền Nam, thì tôi phải biết đến những trận đánh kinh hoàng năm 1972, trên chiến trường, chỉ có người lính miền Nam đối đầu với giặc, từ tháng này qua tháng nọ, ròng rã suốt năm tháng trường, dưới bom đạn liên miên, “thí mạng” để giữ từng tấc đất.

    Nếu suốt đời tôi biết khâm phục người lính Hoa Kỳ, thì tôi cũng phải biết đến một Lữ Đoàn Trưởng TQLC/VN đem quân chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị trong trận đánh kinh hoàng này chính là người giúp tôi đi tìm kỷ niệm của ba tôi.

    Chiến công, tôi biết đếm, nhưng tôi không đếm được hy sinh của người lính miền Nam trong suốt hai mươi mốt năm chiến tranh. Khi Hoa Kỳ đã rút lui, thì súng đạn không còn nữa, họ vẫn đánh, đánh đến khi họ phải bắt buộc buông súng vì hết đạn.

    Khi quê hương Việt Nam tôi mất, họ chỉ còn là người lính bại trận. Nếu thoát được, người lính đó trở thành một người ty nạn, sống âm thầm, sống lặng lẽ trên xứ người. Còn người lính kẹt lại, họ bị bắt đi tù, bị hành hạ, bị chết đói, chết rét không ai biết đến, hay họ chỉ còn là thương phế binh, sống trên vỉa đời của cộng sản.

    Tôi sinh trưởng ở miền Trung, nhưng tôi không biết nơi đây là chiến trường sôi nổi đã xảy ra năm xưa. Những tiếng động khi xưa làm cửa kiếng nhà tôi rung lên là những tiếng bom nổ tôi nghe mà tôi không biết. Rồi tôi nghĩ đến những người lính đã đánh trận ở đó. Nơi đó bác Ngô Văn Định, ba tôi, Trần Đăng Túc, và những người TQLC khác đã hánh quân diệt giặc, bảo vệ cho tôi được những ngày êm ấm khi còn thơ ấu. Hình ảnh của người lính TQLC cam đảm, anh hùng, nhân đạo, và sống chết cho hai chữ Danh Dự - Tổ Quốc mãi mãi sẽ là hình ảnh tôi mang theo.

    Nhìn kỹ, quá khứ và hiện tại dính líu với nhau một cách kỳ diệu. Chỉ riêng suy nghĩ của bản thân tôi, những gì tôi tìm lại được cho tôi biết đến tình thương của Chúa cho nhân loại, cho tôi. Chỉ có những xếp đặt của Chúa cho tôi biết sự thật những gì xảy ra trong quá khứ, cho tôi gặp gỡ những người lính miền Nam khi xưa để tôi và họ tìm nhau và hàn gắn lại những gì họ mất, những tôi mất, để tôi biết đến hy sinh và chân lý là gì.

    Tôi là một người mù đã thấy, người câm đã biết nói. Nắm chặt trong tay tôi huy chương Combat V của ba tôi, trong tim tôi, là tình thương của Chúa và hy sinh vĩ đại của người lính miền Nam cho tôi, không ai đoạt được./.

    Yvonne, con gái của Trâu Điên Trần Đăng Túc
    Nhân dịp Lễ Tạ Ơn
    Tháng 11/ 2016



    Huy Chương và Combat V của cố Trung Úy Trần Đăng Túc -
    Trận Phục Kích Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên, 1966
    (The U.S. Department of Navy cấp lại vào ngày 26, tháng 8, 2013)


    Trâu Điên TQLC ở Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp (1966)

    Yvonne được hân hạnh chụp hình với Đại Tá Ngô Văn Định khi
    gia đình Yvonne thăm viếng ông (San Jose, 2013)


    Nguồn:tqlcvn.org/thovan/van-hayke-chotoinghe.htm


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X