Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đồng Đội

Collapse
X

Đồng Đội

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đồng Đội

    (NHỮNG MẢNH ĐỜI Ở LẠI)
    Cao Nguyên

    7.ĐỔNG ĐỘI
    Phần 2 :-Chiếc cần câu mới

    “ ...Gặp nhau chỉ với sáu tháng quân trường, thêm sáu tháng kỹ thuật và phi huấn, rồi được tung về bốn vùng chiến thuật để phục vụ tại các Không đoàn tác chiến; chúng tôi cũng không ngờ bốn mươi năm sau lại có cơ hội gặp nhau, có đứa ngồi trước mặt đó mà nhìn không ra, nhưng đặc biệt lại nhớ vanh vách từng cái nick name do chính nhóm của mình sáng tác từ thưở mới vào Khu nhà ma Tân Sơn Nhất..”

    Bốn mươi năm, một nửa đời người. Tuổi sáu mươi, chuyện xưa lại nhớ rõ hơn chuyện hiện tại. Lúc ở quân trường Biên Hòa có thằng đánh nhau sưng đầu, mẽ trán..Vậy mà giờ ngồi trước mặt nhau tay bắt mặt mừng và bồi hồi xúc động.

    “Khai đui” với cái giọng nhừa nhựa pha tạp Bắc Nam xí phần khai pháo:

    -Tụi mầy nhớ cái bữa Đại đội bị phạt dã chiến, tao bị ông QTD quất cho đúng 100 cây thiết bảng, bỏ ăn rồi nằm sấp bảy ngày chưa dậy nổi. Mà có gì đâu, tại trung đội 2 đâu có lổi , tui tao tập họp đầy đủ và nhanh nhất nữa chứ! Tánh tao hể oan là phải có ý kiến. Vậy mà ổng nói: ”- Có ý kiến hả, quất 50 roi rồi ý kiến sau”. Mới đánh 45 roi đau quá tau trở mình bị ổng bỏ hết đánh lại. Vậy là ăn 100 đúng roi, nhớ đời.

    -Giờ hình như ổng ở Canada , mà nếu gặp lại mầy tính sao?

    Khai cười hề hề.

    -Thì hỏi thăm sức khỏe chứ sao! Mình già hết rồi, chuyện quân trường là phải vậy. Hồi đó bị đòn xong, tao nghẹn trong bụng, mẹ..ra cổng tao sẽ ăn thua đủ một trái mini với ổng... nhưng rồi quên hết, giống như mấy khóa đàn anh của mình huấn nhục, thù hằn cho đã rồi ra trường ôm nhau mà nhậu. Hà.. hà..

    Nick name “Khai đui “ của người bạn Nguyễn thế Khai không được đặt từ thời Nhà ma mà được gọi từ sau khi ra trường, để phân biệt với Trần công Khai ca sỉ, Khai bị thương mất một mắt ở chiến trường Kontum mùa hè 72, là một trong số những thương binh sớm nhất của nhóm chúng tôi nên sau nầy được nhắc đến với cái tên Khai đui!

    Ấy vậy mà những đứa giải ngủ sớm lại “ăn nên làm ra” , như Khai đui về mở sạp ở chợ Kim Biên, đến giờ con cái đề huề , xe tải hai chiếc, một chiếc du lịch để cuối tuần chở vợ con đi Vũng Tàu tắm biển.
    Nguyễn quang Đang tức “ Đang đầu bê “ sau phi vụ bị cháy cùng Đại tá TMT SĐ dù cũng giải ngủ từ 1973 về làm thầy giáo quận, tuy không khá bằng NTK nhưng nhà cửa cũng được vài tấm khang trang, tuần uống bia năm bửa , hai ngày còn lại có ai rũ nhậu thì cũng Ok .
    Nhưng lại cũng có những đứa đang làm nghề chèo quảy, bánh tiêu và kể cả chạy xe ôm!

    Hai đứa xe ôm là “ Nghĩa mét” và “Thường bẹt”.

    - Nghĩa thì mặt xưa mét sao, giờ cũng mét vậy. Còn thằng Thường hồi ở Biên Hòa mang tiếng “bẹt cà na “ bị ảnh hưởng luôn tới bây giờ. Cuộc sống của nó cũng bẹt theo. Tao hay gặp nó đậu xe ôm ở công viên LTR!

    “ Long thẹo” nhắn tin cho tôi hay về hoàn cảnh của những người bạn khổ.

    o0o

    Bởi có bạn làm nghề xe ôm, nên dù có cố gắng mở lòng thiện cảm nhưng sao tôi vẫn có chút ấn tượng với với cánh xe ôm mỗi lúc ra đường.

    Khổ nhất, bực mình nhất là mỗi lần về quê lên đến bến xe Miền Tây. Bạn hãy tưởng tượng xe ôm bây giờ làm thành nhiều vòng như những hàng rào “con sẹt ti na” bao quanh mấy cái bót dân vệ ngày xưa. Xe mới vừa vào bến chưa dừng hẳn đã có hàng chục anh xe ôm đồng phục vây quanh cửa xuống.Thôi thì mặc ai nấy xí phần: -Tao anh áo xanh... Tao bà già xách giỏ... Tao ông đeo kiếng ... Tao cô áo đầm..!! Sự hổn loạn diễn ra trước mắt mọi người. Vậy mà cũng đeo băng tay, đeo phù hiệu “ Đội xe ôm …”. Cũng có tổ, có đội đàng hoàng, duy nhất cái trật tự là không có.

    Dường như họ không có chút khái niệm nào về hai chữ “văn hóa”.

    Thoát được vòng rào thứ nhất, từ bãi đậu xe đến cổng cũng còn đến hai trạm. Thêm hai toán ôm đồng phục chặn đường nữa. Ngán nhất là “Đội xe ôm tự quản” ở ngay cổng, ông nào cũng mặt mày bậm trợn, đeo bám, hỏi han như cảnh sát hỏi cung. Có lần thấy tôi ngậm tăm không trả lời, một anh tự quản lên tiếng dằn mặt: “ Mẹ mầy câm hả..!”. Hoảng qua, tôi cố đi cho lẹ để thoát khỏi khu vực đội tự quản càng xa càng tốt.

    Nhưng chưa kịp hoàn hồn thì đã có một ông bậm trợn khác chặn đường:

    -Đi không ông?

    Lần nầy đến hến cũng phải mở miệng:

    -Dạ, tôi có xe đón rồi..!

    Phần lớn người chạy xe ôm là người lao động có trình độ học vấn thấp. Họ chỉ mong gặp khách và lấy tiền cao là đũ. Họ không bao giờ nghỉ sẽ gặp lại người khách ấy lần thứ hai nên có dịp “chặt được là chặt”. Khách cũng vậy, chỉ mong đến nơi an toàn, bị chặt lần nầy lần sau không đi nữa.

    Xe ôm cũng có “cò” và “cai đầu dài” hẳn hòi. Mấy tay mới nghêu ngao ra chạy , hoặc chạy lạc đón khách dọc đường coi chừng ốm đòn với các tay đầu gấu khu vực. Có nhiều cò còn nhỏ nhưng có “ võ”, chỉ huy cả toán “ôm già “. Đểu nhất là cò tự bắt khách , ra giá rồi bán lại cho đồng đội lấy “cò” ngay tại chổ . Những ôm già chậm chạp chỉ biết nhận lại sô của cò con rồi nay lưng ra chạy kiếm ăn mà thôi!

    Không hiểu có phải “ghét của nào, Trời trao của ấy “ hay không mà chúng tôi lại vừa tìm được hai thằng bạn đồng khóa cũng là dân ‘xe ôm”, đó là “Thường bẹt” đứng đường và “Nghĩa mét” ở bến xe Miền Đông .

    o0o

    Thời mới vào quân trường, Thường và tôi ở cùng Trung đội, Nghĩa thì Trung đội khác nhưng cái nick name “Nghĩa mét” thì không thể lầm vào đâu được. Cũng khen những thằng bạn cùng khóa ở Mỹ rảnh rang (chắc Play of hoặc giảm giờ làm) bỏ công ra tìm địa chỉ từng thằng trong nước. Rồi có dịp về VN lại hú hí tụ họp gặp nhau.

    Bốn mươi năm có mái đầu nào không bạc. Thằng làm ông nội, đứa ông ngoại . Khui vài lon bia nổ nhau bôm bốp: -Đại đội chú ý, co tay vào thế, đàng trước chạy đều ..up… Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến đấu.., nhớ qua khu cư xá Bắc phạt thì hát to lên... quyết chiếm chiến công ngang trời. Mới 5 giờ sáng đã bắt chạy thể dục, đi ngang cư xá SQ phải hát to lên để mấy huynh trưởng phản lực cùng thức dậy... Luật ra khỏi cổng BHL là phải chạy, hoặc đi đồng hàng. Riêng cái bản KQHK cũng được chế thành nhiều thứ... Trang Sáu, trời đất ơi, KQVN có thêm thằng Trang Sáu.. (Đây đó, hồn nước ơi, KQVN lướt trên ngàn mây gió.). Rồi cũng vì cái tật “chế tác” mà cả đại đội bị ông T/t CHT phạt bò khắp sân cờ suốt đêm! Gặp lại nhau, đứa nào cũng nhắc: -Không biết Trang Sáu lúc nầy ở đâu? nhắc luôn cả cái thằng ca sĩ AK về phép cuối tuần 12 tiếng thành ba ngày bị ông CHT cho cạo đầu trọc lóc, bắt mỗi tối đứng dưới cột cờ hát đủ 100 lần bài “mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ..”

    Tuổi xế chiều, ở VN mấy bà thường hay tìm đến với nơi trang nghiêm, thanh tịnh. Cánh đàn ông chúng tôi bổng dưng tìm lại với nhau, không phải để nhậu nhẹt mà tâm sự chuyện đời. Có thằng không nhìn ra mình từ những tấm hình ở quân trường bốn mươi năm trước. A! thằng nầy là Mai hữu Đào-vua lăn thùng phi, thằng nầy là Nguyễn Công Hảo- vua conex, Thằng Khai đui bị quất đúng 100 cây thiết bảng của CHT vì cái tội “có ý kiến”. Còn cái thùng trà đá của thương sĩ diễu hành, liệu mà uống cho hết thì nghĩ sớm, còn không cho “một hai ba bốn , ngang dọc, ngang dọc ..” tới chiều.

    Cảm động làm sao khi có những đứa ở tỉnh cách Sài gòn hơn 300 cây số nghe nhắn tin họp mặt đã nhanh chân mua vé xe về từ hôm trước. Gặp lại mới biết đứa khá giả, đứa đũ ăn. Nói chung trong ngoài nước cũng chỉ sàn sàn như nhau. Rồi không phải “phú quí” mới sinh “lễ nghĩa” mà tự thân anh em lại muốn làm một điều gì đó cho những người bạn còn nghèo.

    Và chúng tôi bàn nhau tìm cách giúp đở cho hai người bạn xe ôm của mình.

    o0o

    Tôi nhắn tin cho Lịnh-Canada và các bạn đồng khóa 69 ở Mỹ kể về hoàn cảnh của Thường bẹt, là thằng bạn khó khăn nhất trong số hai đứa xe ôm. Thường bẹt chạy ôm bằng chiếc Wave China cũng đến hồi “bẹt cà na” như cái nickname của nó. Thường ở nhà mướn, sống ở Sài Gòn 15 năm chưa có hộ khẩu nên được chọn là ưu tiên một. Ưu tiên 2 là thằng Nghĩa mét. Cũng chạy ôm nhưng bằng chiếc Honda Dream, mấy năm nay đã có nhà cửa đàng hoàng hơn. Tụi tao cần trên dưới một ngàn để mua chiếc xe mới cho thằng Thường, trung kiểm chiếc Honda cho thằng Nghĩa. Chiếc “bẹt cà na “ của thằng Thường thì “bán sôn” lấy vài triệu gửi ra Đà Nẳng cho Tô Thủy làm lò bánh tiêu chèo quảy. Một công ba chuyện.

    Lịnh trả lời tôi thật nhanh:

    -Ok Lima, mầy đi xem giá tìm cho thằng Thường chiếc xe mạnh mạnh, bởi nó chạy thồ mà. Để xem quỷ tương trợ của anh em mình có được bao nhiêu, còn không tao lo.

    Hôm sau tôi báo tin vui cho Thường, anh chàng xe ôm chúm chím cười (không dám cười lớn vì sợ văng hàm răng giả):

    -Tao đang dọn nhà, phải chi mầy có kế hoạch gì hay hơn giúp tao!

    Tôi đã biết rõ tỏng tòng tong ý nghĩ của Thường:

    -Trời, ông nội con nít ơi, thằng Lịnh có nhắn lại với tao: ”tụi tao chỉ giúp mầy cái cần câu, câu được nhiều cá hay không là do sức của mầy“ chớ giúp luôn rỗ cá nữa thì không có đâu ông ơi!

    -Ừ thì tao chỉ nói vậy thôi, tặng tao được chiếc xe mới chạy ôm là sướng rồi.

    Và đúng tuần lễ sau, nhóm bạn VN chúng tôi có buổi họp mặt thân mật trao tặng “cái cần câu “ cho gã xe ôm Nguyễn văn Thường, tục danh “Thường bẹt” với lời nhắn nhũ: -Ráng mà câu nghe ông!

    o0o

    Trong buổi liên hoan, Lịnh từ Canada điện về đúng hẹn. Các bạn nhường tôi bắt máy trước tiên:

    -Happy birthday Lịnh, hôm nay các bạn họp mặt thân mật vui vẽ chúc mừng cái cần câu mới của Thường bẹt, và cũng bất ngờ vì hôm nay là ngày của hai thằng mình.

    -Hi, happy birthday Lima, tụi mày làm tao xúc động. Tao còn chưa tính làm gì ngày này mà tụi mày đã làm rồi. Tao gửi lời thăm hết anh em, cám ơn hết anh em.

    -Ê, Lịnh ơi, tao gửi lời cám ơn mầy và các bạn đã giúp tao cái cần câu..hít ..hít..tao happy birthday thằng Lima rồi..giờ..hít..hít...Happy birthday bạn nha!

    Thường bẹt nhóng người lên nói vói vào cái handphone trong tay tôi cố để Lịnh nghe, mà hình như lúc đó miếng thịt gà bị kẹt ở nướu răng nên phát lên tiếng kêu "hít..hít..”

    Có một chút lắng đọng nào đó trong tôi, không ngờ bốn mươi năm sau mà các bạn đồng khóa lại giúp được nhau khi bóng đã xế tà!

    Buổi chiều đó với tôi cũng là buổi chiều sinh nhật vui nhất trong đời./.

    CAO NGUYÊN

  • #2
    Đồng Đội

    Đồng Đội


    Cao Nguyên

    (Trích NHỮNG MẢNH ĐỜI Ở LẠI )

    ...
    Quân và Ngà, hai người bạn cũ thời 69 tình cờ ghé thăm nhà tôi. Mặt Ngà vẫn rạng rỡ như ngày nào. Cái anh chàng đẹp trai nhất của nhóm Mỹ Tho - Long An lúc nào cũng “miệng bằng tay, tay bằng miệng” :

    - Mẹ bộ mầy sợ đãi nhậu hai thằng tao sao mà không chịu nghe điện thoại ?

    Tôi chỉ biêt trà lời chống chế :

    - Chắc tại máy rung nhẹ quá tao không nghe !

    - Không nghe mà thấy cuộc gọi nhở thì cũng phải gọi lại chớ.

    Còn Quân mập thì chậm rãi :

    - Mẹ nó sợ bắt máy nghe tao chửi.

    Tôi tiếp tục cười trừ :

    - Thôi vào đi hai cha, để tui đi lấy nước.

    Chúng tôi là đồng hương với nhau ở Mỹ Tho, khi nhập ngũ mới lòi ra đứa ở thị trấn, đứa ở quận lân cận. Và rồi “tha hương ngộ cố tri”, chúng tôi lại tự gom nhau về một nhóm. Khi đi học ở Biên Hòa, lại cùng góp tiền thuê xe hàng tuần về Mỹ Tho thăm nhà . Thời kỳ khóa sinh HSQ tuy cực mà vui. Sau hai tuần huấn nhục là có phép về nhà hàng tuần vào ngày Chúa nhật. Tuy chỉ có 12 giờ nhưng nhờ có xe đưa đón nên gia đình cũng khá an tâm đối với mấy thằng con mới rời mái trường Trung học chân ướt chân ráo bước vào Binh ngũ.

    Tôi nhớ hàng tuần cứ 6 giờ sáng là xe đón chúng tôi ngay cổng Trung tâm Huấn Luyện. Mà có phải là xe nào xa lạ đâu, đó là chiếc Bờ-rô 403 của ông Th/s huấn luyện. Có ông, chúng tôi được ra phép sớm một chút. Rồi về muộn cũng chẳng sao. Thời gian và lộ trình của ông Th/s thì cứ 6g là khởi hành ra cổng 2 trực chỉ Long An. Tới Sài gòn bỏ một, hai đứa. Chủ yếu là cánh Long An và Mỹ Tho. Bốn đứa ở Long An thường là: -Sáu lèo, Quang “the house”, Mỹ bác Tám, Hải xôi, Hương nhí. Đi thêm 12 cây nữa là Tôi, Dũng Cao. Điểm cuối Mỹ Tho là Quân bóng mú, Ngà, Rở, Thế quân trấn…Rồi 4g chiều là bốc ngược lại trở về Quân trường.

    Phải đi như vậy mới đúng thời gian vì phép chỉ có 12 tiếng.

    Mấy đứa bạn cùng lớp Trung học thì phân bì : -Tụi bây là lính công tử.

    Tại sang như vậy nên tiền lương tân binh hình như chỉ đủ trả tiền xe.

    Nói là đi lính Không Quân, tự đăng ký vào khóa Cơ Phi nhưng lúc đó bản thân chúng tôi có biết gì đâu, khái niệm về hai chữ Cơ Phi cũng không rõ ràng, chỉ nghe nói đó là “đi bay” là khoái rồi.

    Những ngày đầu vào “trại lính “nhìn mặt thằng nào cũng “bún ra sửa”, nhìn đời bằng cặp mắt bi quan. “Rớt Tú tài anh đi TS..” May mà chưa đứa nào lấy vợ ( ngoại trừ Trần công Khai( Anh Khoa) DS405 , nếu không thì phải dặm thêm câu thứ hai : “Em ở nhà lấy Mẽo nuôi con !” .

    Lúc đó khu “Nhà ma”trong sân bay TSN là điểm tập trung các khóa sinh. Vì để phân biệt giửa hai loại KS.HSQ và SVSQ nên nhóm chúng tôi được phát bảng tên và danh số màu đỏ. Nhóm SVSQ bảng màu trắng. Đây là điểm tập trung chờ khóa học của các tân binh KQ.

    Tôi nhớ khi mới tới, nó thì chỉ là một cái biệt thự xây kiểu Pháp bỏ hoang. Không có lấy một cái bóng đèn hay bất cứ cái giường chiếu nào. Tất cả 396 Tân binh được dồn vào hai phòng ở tầng trệt. Tự làm vệ sinh và trải chiếu mà nằm.

    Ngày đầu vào chưa có đèn đóm gì, trời tối khó chịu quá, có một tên “Bắc kỳ” trải chiếu nằm cạnh tôi trổ giọng nhừa nhựa:

    - Có thằng nào chạy đi mua bóng đèn, để tao tìm ổ điện xem có không !

    Lò mò một hồi cũng ra. Bóng đèn cũng có đứa nào đó mua về.

    - Khoan để tao liếm xem điện 110 hay 220…à. à... 220 tụi bây ơi.

    Trời đất, cái thằng liều mạng. Khi đèn bật sáng nhìn vào bảng tên tôi mới biết anh ta tên Khai. A! chắc chàng nầy có học kỹ thuật điện đây nên rành nguyên tắc về dòng điện. Do nằm canh nhau suốt tuần lể chờ khóa, lại khoái cái têu tếu của anh ta khi mới gặp lần đầu nên sau nầy khi vào Quân trường đến lúc ra đơn vị chúng tôi đã trở thành bạn thân của nhau; không chỉ tôi mà Khai còn chơi thân với cả nhóm “Nam kỳ Mỹ Tho” của tôi.

    Ngà tâm sự với tôi :

    - Thằng Mú (Quân) nó bệnh nặng, tao nói riết nó mới chịu đi lên đây khám. Hôm nay tao với con gái nó đưa nó lên ĐHYD khám thì BS nói phải qua Trung Tâm ung bướu chẩn đoán lại mới chính xác. Giờ chờ kết quả tao mới chở nó qua mầy chơi.

    - Rồi chừng nào có kết quả ?

    - BS hẹn hai ngày trở lại . Nhưng không khả quan lắm !

    Tôi nhìn Quân chợt buồn khi thấy măt người bạn khá hốc hác, xanh xao. Rồi chỉ biết nói câu an ủi :

    - Chắc không có gì đâu, mày mà bệnh thì còn ai mà nhậu.

    Quân cười thật thà :

    -Bỏ nhậu mấy tháng rồi mày.

    Nick name “Cá bóng mú” là tên tôi đặt cho thằng Quân lúc vào Quân trường Biên Hòa. Bởi nó không cao lắm nhưng lại mập. Mập nhưng không “bệu” như thằng Điệp TĐ3 mà chúng tôi thường gọi là “Cơ phi Điệp mập". Cái dáng mập mạp, tròn trịa của Quân làm tôi liên tưởng đến một loại cá nước ngọt là “Cá bóng mú”. Vậy là gọi cho vui rồi thành quen, thành “nick name” luôn.

    Mà cả khóa 569 của tôi khi vào quân trường dường như đều ra trường với một cái “nick name” riêng khó lầm lẩn vào đâu được. Ngoại trừ những cái tên được gọi theo hình thể như :

    - Chiến cao, Lê lùn, Đào lùn. Hai thằng cùng tên mà cùng cở thì lại biến cải khác nhau như :

    - Thuật lùn, Thuật Đại Hàn, Nam National... Mập thì Cơ phi Điệp mập, Thắng mỡ, Quân bóng mú ... Đứa nào không tính đến chiều cao, thước tấc thì đến cái mặt hay dáng đi như :

    - Thạnh bà ruồi ( có mụt ruồi ở càm), ngáo ngáo thì có "Tân ngố", lúc nào cũng nhăn nhó khó chịu là "Tín ngầu pín", mặt già hơn tuổi thì có "Tấn đỉ già" hay như "Sơn xì-lô" .v.v...

    Ba người bạn K569 bổng dưng gặp lại. Tâm sự vui vẻ nhưng cũng buồn theo những ưu tư vì cơn bệnh của Quân bóng mú. Ngà nói với tôi :

    - Tao định gọi cho thằng Yêm để nó nhắn bạn bè 569 mình bên đó có gì hỗ trợ cho thằng Quân, nhưng mà đợi kết quả BS coi sao.

    Có một điều mà tôi quan tâm hơn bệnh tình của Quân là việc Ngà đề nghị tìm cách giúp Dũng - thương phế binh, bạn cùng nhóm chúng tôi đang sống vất vã ở Đồng Tháp.

    Dũng là Dũng Cao (họ chớ không cao) chứ không phải Dũng chim, hay Dũng chút chít. Khi ra trường bị đạn phòng không cắt đứt một chân ở chiến trường Kontum. Cùng ra PĐ 235 với Dũng có Khai, đây là hai thằng bạn xui xẻo nhất cúa nhóm Mỹ Tho-Long An chúng tôi. Dũng thì mất một chân, Khai bị đạn mất một mắt. Nhắc tới Khai tôi luôn nhớ tới vụ “liếm điện” lúc mới vào khu nhà Ma, và vụ “mò tìm con mắt ở Vũng Tàu” .Vụ ‘con mắt” diển ra khi Khai đã giải ngũ. Nhân dịp về phép chúng tôi nhóm bạn 569 cùng rủ nhau đi tắm biển. Đang tắm bổng dưng thấy Khai cứ trồi lên hụp xuống, tôi thấy lạ nên hỏi lớn :
    - Ê sao mầy cứ lặn hụp chỗ đó hoài vậy Khai, bơi ra đây đi ?

    - Tao rớt mất con mắt rồi...

    Mới hay, con mắt giả bằng đá của chàng đã rơi xuống đáy biển nên Khai cứ mãi mò tìm.

    Tuy mất một mắt , nhưng Khai vẫn còn có thể buôn bán, làm ăn dễ dàng hơn Dũng nhiều. Cụt một chân, phải đi khập khiểng bằng chân giả. Cuộc sống của Dũng phải nhờ vào sự bươn chải của người vợ nông dân.

    Dũng là người bạn học của tôi suốt thời gian Tiểu học đến Trung học. Rồi cùng thi rớt Tú Tài và cùng vào lính một ngày. Nhưng khi đi phi huấn thì Dũng học sau tôi một khóa, ra trường nhận nhiệm vụ ở PĐ235 Pleiku. Bị đạn mất một chân, giải ngủ, thời gian ở lính của Dũng chỉ mới ba năm.

    Nếu tôi nhớ không lầm thì Dũng cưới vợ khoảng 1985. Ngày đám cưới có mặt bộ ba : - tôi, Ngà và Quân bóng mú tham dự. Tục lệ cưới hỏi ở miền quê Mỹ Tho còn theo khuôn khổ “sách vở”. Rước dâu bằng tắc-ráng từ lúc 2g sáng, đến 6g sáng phải về đến nhà. Nhờ vậy mà ba đứa bạn còn được ngủ thẳng giấc bên hè nhà đến 5g.

    Vợ Dũng là một cô gái quê đồng Tháp Mười. Đồng ý lấy Dũng có lẽ vì nghe lời gia đình sau khi có may mối dạm ngỏ. Thời kỳ sau 75 mà có người con gái ưng lấy chồng cụt chân là điều hiếm. Lại là thương binh “ngụy” nữa chứ !Phải vượt qua biết bao điều tai tiếng! Khi đoàn rước dâu về đến nhà Dũng, nhìn thấy cô dâu rụt rè đi bên canh chú rễ chân thấp chân cao thấy cảm động làm sao.

    Chúng tôi chỉ lo đó là một mối tình không bền.

    Rồi sau nầy có dịp gặp nhau, thấy tình cảm quyến luyến của hai vợ chồng tôi nghĩ họ đã “quen hơi”. Và kết quả là họ có với nhau hai mặt con.

    Sau ngày cưới không lâu, vợ chồng Dũng dọn hẳn về bên vợ ở, được bên vợ cắt cho mấy công ruộng để trồng lúa mưu sinh. Rồi sau đó cất tạm một mái nhà trên nền đất vườn của Cha Mẹ vợ để ở cho đến ngày nay.

    Nhà vợ chồng Dũng nằm bên cạnh bờ kinh đồng Tháp Mười. Khá xa với khu vực đô thị. Cái khoảng cách 150km nếu nói ở Mỹ thì không có gì là xa, nhưng ở VN thì xa thật. Mà phải bỏ Quốc lộ rẽ vào tỉnh lộ, rồi hương lộ mới tới đường rẽ vào nhà. Từ đường rẽ theo bờ đê đi qua thêm hai thửa ruộng nữa là tới bờ kinh. Đi thêm một đoạn chừng cây số là tới nhà Dũng.

    Năm rồi có dịp đi Đồng Tháp, tôi quyết định ghé thăm... Nhận điện thoại, Dũng mừng rỡ :

    - Mày chờ ở Quốc lộ đi tao cho thằng con ra chở vô.

    Thật tình mà nói, nếu không có người đón, hôm đó nếu tôi đi một mình vào tìm nhà Dũng thì chắc phải mất một ngày .

    Dũng than với tôi :

    - Tao ở nhà cả ngày, chân cẳng vầy có đi đâu được ...muốn đi về Nội hay đi đâu phải nhờ thằng con chở. Mà mày coi, đường bờ kinh như vậy, người lành lặn đi còn muốn té nói chi tao !

    Đó là lần đầu tiên tôi ghé thăm nhà riêng của hai vợ chồng Dũng. Nhìn cảnh nhà trống trước dột sau lòng không khỏi nao nao.

    Hồi còn học Trung học, do nhà cách xa Trường gần năm cây số nên Dũng hay ngũ lại nhà tôi. Rồi không biết một ngày đẹp trời nào đó lại “thương trộm” Hoàng, cô chị họ tôi đang tản cư về ở đây. Mối tình học trò của Dũng và Hoàng rất nên thơ . Dũng ở với tôi trong gian nhà trước, chị Hoàng gian phía sau. Buổi sáng thức dậy trước khi đi học tôi thấy hai người hay lén nhìn nhau và túm tím cười.

    Ngày hai chúng tôi lên đường nhập ngũ, tôi thấy mắt chị Hoàng đỏ hoe; không biết hai nguời có hẹn hò gì với nhau hay chưa, nhưng khi vào quân trường tôi thấy tuần nào Dũng cũng nhận được thư, tuy Dũng không nói ra nhưng thóang nhìn nét chử tôi đã biết ngay là thư của bà chị mình rồi.

    Người ta thường hay nói “Tình yêu học trò không bao giờ thành”. Thực tế xác xuất về hôn nhân có yếu tố là học sinh thành chồng thành vợ rất thấp. Dũng và chị Hoàng tôi nằm trong trường hợp đó.

    Mới ra trường hai năm Dũng đã trở vể trên đôi nạng gỗ. Lúc đó chị Hoàng cũng xong khóa Sư phạm chuyển về dạy học ở làng bên. Rồi nghe lời Bác tôi, chị lập gia đình với một người cùng nghề. Nhưng ông giáo làng ấy lại là bạn cùng lớp với Tôi và Dũng. Ngày chị theo chồng, cả tôi và Dũng đều rơi nước mắt, nhưng cũng thầm khen thằng bạn cũ thật sự kiên nhẩn theo đuổi chị và đã thành công. Bởi lúc chị Hoàng và Dũng để ý nhau thì cả lớp tôi ai cũng biết. Khi chúng tôi ra đi ai cũng chúc cặp Dũng-Hoàng sẽ sớm thành đôi.

    Chúng tôi không ngờ là Quân bóng mú đi nhanh như vậy ! Từ lúc phát bệnh đến lúc qua đời vỏn vẹn chưa đầy ba tháng. Do ở gần nhà nên Ngà là người túc trực bên cạnh Quân lúc Quân sắp mất. Buổi tối trước lúc Quân chết Ngà điện cho tôi báo tình hình không mấy khả quan :

    - Tao sợ thằng Quân qua không khỏi đêm nay !

    Và đúng thật, sáng sớm lại nghe điện thoại reo báo tin bạn tôi ra đi từ nữa khuya.

    Biết là Quân sẽ không qua khỏi căn bệnh hiễm nghèo, nhưng hay tin bạn mất lòng tôi vẫn thấy xót xa.

    Tang lễ của Quân ngoài gia đình thân thuộc, bạn bè thời học sinh, cũng có chúng tôi - những người bạn cũ từ Sài Gòn vể. Tôi đặt một vòng hoa thương tiếc bạn để trước quan tài Quân, rồi cùng một số đồng đội 569 nghiêng mình trước quan tài và thầm chúc :

    - Quân bóng mú ơi, chúc mày ra đi thanh thản.

    oOo

    Tôi có ý định trở lại Mỹ từ lâu để lo cho xong luận án của mình còn dang dở từ chục năm nay. Tôi hứa với Ngà là nếu đi được sẽ tìm cách “làm một điều gì đó cho Dũng”. Và rồi cơ hội cũng đến và tôi lên đường.

    Trước khi đi, tôi tâm sự với Tân và Yêm, những người bạn cùng khóa hiện đang định cư ở Cali rằng tôi muốn mua một chiếc xe Honda ba bánh tặng cho Dũng làm phương tiện đi lại.Theo dự toán của tôi cả hai phần xe Honda và bộ phận ghép phía sau khoảng hơn một ngàn đô. Tôi hy vọng các bạn ở Mỹ sẽ giúp được.

    Tân trả lời với tôi là mặc dù đề xuất của tôi có nhiểu bạn hoan nghênh nhưng cũng không thuận lợi lắm bởi một số ràng buộc về quy chế. Rồi như sợ tôi buồn nên lại nhắn :

    - Thôi mầy qua đi rồi tụi mình tính. Để xem anh em gom được bao nhiêu ! nếu không tụi tao bao sau !

    Đọc tin Tân và Yêm, tôi xúc động thật sự. Có ai ngờ những người bạn xa nhau 40 năm chưa lần gặp lại, nay chỉ nghe một lời nhắn mà đã đưa ra quyết định một cách nhanh chóng. Mới thấy tình cảm anh em 569 chúng tôi gắn bó như thế nào.

    Tôi biết rõ bạn bè ở Mỹ đâu có đứa nào giàu, mỗi năm góp nhau đứa 50, đứa 100 để họp mặt thân mật thì tiền đâu còn dư để làm công tác xã hội khác. Qua ý kiến của tôi, Tân và Yêm làm đầu mối ở Mỹ. Tin nhắn được gửi đi khắp nơi, đến lúc tôi đến Mỹ và khi gặp nhau ở Cali thì Tân và Yêm vội cho hay :

    - Chắc đủ Long ơi !

    - Mẹ cái thằng "Năm cầy. .Hưởng mầy nhớ không, TĐ phó TĐ2, tao nhắn tin, nó trả lời : "-năm 72 tao đi SQ rồi nên không nhớ khóa CP..!" ...Mẹ ...tao nói vậy chớ như thằng Long lùn, thằng Tấn đỉ già... những thằng đậu Tú tài 2 đầu tiên năm 72 ...tới 75 cầm quyết định đi Đà Lạt ...hay như thằng Chơn cẳng, 75 nó chạy qua đây với cái lon Trung úy biệt kích.. mà tụi nó có vậy đâu .!

    Tôi nghe xong người bỗng chợt buồn nhưng rồi lại vui vì nghĩ rằng lớp bạn mình chỉ có vài đứa "dị biệt" như vậy thôi.

    Chúng tôi hẹn nhau cùng dự buổi cơm chiều tại Little Saigon, khách mời của chúng tôi còn có Chính và Thục - hai người huynh trưởng của Tân và tôi từ thời “mùa Hè đỏ lửa 1972”. Đây là lần thứ hai tôi đến Cali, lần nào tôi cũng mong gặp được hai anh . Các anh lớn tuổi hơn tôi nhiều, lại là “xếp” cũ nên tôi luôn trân trọng và quí mến hai anh vì những tình cảm mà các anh đã dành cho tôi từ lúc còn ở Việt Nam cho đến bây giờ.

    Biết tin tôi đến Cali, anh Thục dặn đi dặn lại :

    - Về Cali em phải về nhà anh ở. Đừng đi đâu cho tốn kém.

    Và hai lần tôi đều về ở với anh, cùng thức với nhau để tâm sự về mọi vấn đề thời cuộc. Nhưng mỗi khi nhắc đến bạn bè cũ cùng đơn vị , đứa còn, đứa mất, lúc nào mắt anh cũng rưng rưng.

    Tôi từng nói với bạn bè rằng Anh Chính - Đơn vị trưởng của tôi thời kỳ 1970-1972 là “Ông Phật sống “. Anh hiền từ, khoan hòa, độ lượng với tất cả đàn em. Lúc chúng tôi hay biệt phái ra Huế, rồi hay lảng vảng trước trường Đồng Khánh, anh biết tin cười hiền :

    - Mấy anh em đi Huế có đi dạo thì hảy lên phía đồi Thiên An tốt hơn là chỉ quanh quẩn trước trường Đồng Khánh.Thời buổi chiến tranh, nghề nghiệp như tụi mình nên tìm một người vợ có đức độ mới bền.

    Thực tình lúc đó chúng tôi chưa biết ý đồ của Anh là gì, sao phải là phía Thiên An mà không là Đồng Khánh. Sau nầy mới biết là Trường nữ hộ sinh Quốc gia nằm phía đó. Anh muốn chúng tôi dùng “luật bù trừ”, muốn dùng cái tâm, cái đức của vợ để hóa giải một phần cuộc đời lính chiến mong manh của mình.

    Gặp nhau trong bửa cơm, Tân,Yêm và tôi miên man bàn chuyện làm sao cho đủ số tiền để làm chiếc xe cho Dũng. Yêm đưa cho tôi tờ giấy ghi : -TQ Linh - Canada 500, PP Đức San Jose 100, Tài R, Chiến cao Seattle 50-50. Vinh, Thiện, Yêm, Tân Cali 100x 4, LH Tống Taipei đang chạy Taxi ở cũng góp 100…Tổng số là 1.300. Rồi dặn dò :

    - Mày về bển thu xếp sao cho đủ chiếc xe, có dư thì bỏ bao thư cho vợ chồng Dũng chi dùng. Để xem từ nay cho đến lúc mày về có đứa nào góp thêm không ?

    Ngồi làm khách từ đầu.Nghe những lời bàn tính của ba thằng em, người anh cả PĐ 233 bổng lên tiếng :

    - Vụ nầy, mấy em cho anh tham gia với.

    Tân vội ngắt lời:

    - Dạ chuyện nầy là riêng của tụi em anh ạ, khi nào thiếu em mới dám nhờ tới đàn anh. Mà cũng gần đủ rồi.

    - Chú nói vậy đâu có được, anh đóng góp là do cái tình của một người KQ đàn anh giúp cho một người em không may. Cho dù là anh A góp 500, anh B 30 nhưng quan trọng là cái tình nó như nhau, mấy chú đừng phụ lòng anh.

    Nghe câu nói quả quyết của người huynh trưởng, Tân bán cái sang tôi :

    - Thôi chuyện nầy giao thằng Long mầy quyết định.

    - Vậy mai em ghé lại nhà anh chơi để anh gửi chút ít cho Dũng

    Tôi thì biết tính của đàn anh mình từ lâu nên nói ngay:

    - Da cám ơn anh, mai em ghé thăm anh.

    Và chiều đó, bửa cơm “tái ngộ” của chúng tôi đã trở thành bữa ăn ngon nhất tại nước Mỹ.

    Khi rời Cali về VN, trong tay tôi có thêm 200 đô của người huynh trưởng kính mến tặng, con số vừa đủ với dự trù mua xe mà chúng tôi đã bàn tính lúc đầu.

    Thay lời kết :

    To : Diemtan@hotmail.com

    Lá thư Sài Gòn :

    Tân, Yêm, Lịnh, Thuật, Tài Bùi, Lý Hoài Tống, Đức, Vinh...và các bạn 569 USA

    Sáng nay 19/6, đúng như phi lệnh của HQCC, nhóm anh em 569 CP VN lên đường đi Mỹ Thuận để làm nhiệm vụ "Tặng chiếc xe tình bạn" cho CP Cao Tiến D. PĐ 235.

    Hẹn nhau 7g, Tổ trưởng Ng quang Đ và Cảnh lọ đèo nhau tới sớm nhất, rồi Nghĩa mét, NG đình Bộ, Báu,Tắc gà...Tới trễ nên phải phóng xe chạy theo có thằng Long thẹo (TĐ 1), xuống tới Long An đón thêm Hải xôi; đến Cai Lậy pick up vợ chồng Lê văn Ngà..vị chi 19 đứa.

    Chiếc xe ba bánh thì mướn "Pilot "chuyên nghiệp chạy trước hẹn gặp nhau ở Cái Bè.

    LZ là thị trấn Mỹ Thiện, nhà của Ba Mẹ Dũng, vì hôm nay là ngày cúng cơm của Ba Dũng nên giờ chót có thay đổi LZ mới, vừa an toàn vừa thuận tiện cho đôi bên.

    Có thể nói đúng là một ngày vui, thấm đượm tình nghĩa anh em, bè bạn.

    Gia đình Dũng rất xúc động khi thấy bạn bè cũ về đông đủ, chiếc xe lại quá đẹp. Vợ chồng Dũng thì cứ như bay trên mây.

    Laị có thêm IP theo huấn luyện cấp tốc cho Dũng lái chạy vòng vòng xem mát con mắt.

    Gia đình Dũng sau đó đãi anh em một bữa nhậu vừa đủ xỉn.

    Cũng xin nói thêm với các bạn là tổng chi phí làm xe, thuế+bảng số +trước bạ+ thuê xe 29 chỗ đi Mỹ Thuận (kể cả tiền tip lái xe), mua đem theo bia 333+nước suối ...tất cả rồi còn dư lại 250 USD, mình trích từ quỹ 100USD đưa cho vợ Dũng gọi là phụ tiền bữa tiệc, tặng thêm cho Dũng 150USD để chi dụng đúng như ý của anh em bên đó.

    Dũng xúc động gửi lời cám ơn tất cả anh em ở USA, Canada, cám ơn các bạn Tân, Lịnh , Ngố vườn, Yêm Đào, Tài Bùi, Thuật, Chân, Đức ...( nhiều quá hông nhớ hết).

    Khi chia tay lại còn tặng mỗi chú một cặp bưởi "da xanh " .

    Ê Tân ơi thứ nầy ngon hơn "Năm roi" nhiều. Mỗi thằng xách một cặp về, lớn hơn cặp của em "mắc kẹt " trên song sắt mà Ngố vườn cho xem mấy bữa trước nữa.

    Quá cảm động, quá vui.

    Chia tay trở về Sài gòn, đi ngang ngã ba Trung Lương mà không ghé thăm nhà Quân (bóng mú) là điều đáng tiếc. Thế là mình lại dẫn phái đoàn ghé thắp nhang cho Trần minh Quân (PĐ 211) .

    Thằng Cảnh lọ nói : Thằng bóng mú lên bàn thờ ngồi mà vẫn đẹp trai như thường !

    Điểm dừng chân cuối cùng là ghé thăm nhà thằng Quan "The house". Nó điện thoại hẹn đón ở ngã tư Long An. Xe dừng ở ngã tư không thấy ảnh đâu, điện thoại tìm thì thấy một thằng đang ngồi ôm cột đèn đứng dậy.

    Hỡi ơi, bạn Quang nhà mình nó ốm trơ xương, đứng không nổi nên ngồi dựa cột đèn mà chờ !

    Vậy mà cũng dẫn một bè 20 chục đứa vào nhà, vợ nó đãi bánh ngọt, nước ngọt, còn đòi "nhậu nữa thôi!", anh em hoảng quá xin can để về sớm.

    Tụi mình cũng gặp luôn cả Hương nhí tại nhà Quang.

    Hương nhí nói : - Quang bỏ nhậu rồi, giờ bệnh thật, lại mới té xe, tay chân còn trầy trụa tùm lum...

    Tắc thủ quỹ nói tuần trước có đưa cho Quang 500.000 là tiền của anh em giúp Quang lúc khó khăn. Nhân lúc ghé nhà, mình đề nghị giúp Quang thêm một ít, sau đó anh em đồng ý tặng Quang thêm 500.000

    Cuộc thăm viếng bất ngờ đã kết thúc thật cảm động.

    Bạn bè 569 CP VN cũng kết thúc ngày 19/6 trong niềm vui chung với cùng một suy nghĩ :

    "K 569 CP không bao giờ bỏ bạn bè ".



    Sàigòn, 2011
    Cao Nguyên
    Last edited by Chopper; 05-21-2017, 01:55 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X