Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mặt Trận Khánh Dương

Collapse
X

Mặt Trận Khánh Dương

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mặt Trận Khánh Dương


    Mặt Trận Khánh Dương
    Bùi Anh Trinh

    1. Trận Khánh Dương - Cầm Chân Quân cộng sản Từ Ban Mê Thuột
    Theo sách “Đại thắng Mùa Xuân” của Tướng CSVN Văn Tiến Dũng thì đêm 11-3-1975 quân CSVN bắt được Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 Bộ binh VNCH tại Ban Mê Thuột. Ông này khuyên Văn Tiến Dũng nên đánh thẳng xuống Nha Trang và Cam Ranh bởi vì giữa Ba Mê Thuột và Nha Trang chỉ còn 1 trung đội Địa phương Quân đóng tại đèo M’Drak. (Một trung đội khoảng 30 người).

    Thực ra lúc đó giữa Ban Mê Thuột và Nha Trang có 1 Tiểu đoàn ĐPQ chứ không phải 1 trung đội (một tiểu đoàn khoảng 500 người). Đó là Tiểu đoàn 321/ĐPQ của Tiểu khu Ninh Thuận tăng phái cho Tiểu khu Khánh Hòa. Tiểu đoàn đến trận địa Khánh Dương vào sáng sớm ngày 15-3-1975. Lúc đó quân CSVN đang từ Ban Mê Thuột tràn xuống Khánh Hòa.

    Chiều ngày 15-3 tại Chi khu Phước An của Tiểu khu Đắc Lắc, Trưởng phòng Quân Báo Quân Đoàn 2 là Đại tá Trịnh Tiếu, nhờ Thiếu tá Phạm Huấn, đặc phái viên của Tướng Phạm Văn Phú, báo lại cho Tướng Phú, đang ở BTL/Quân Khu 2 tại Nha Trang, rằng quân CSVN tại Ban Mê Thuột là 4 sư đoàn, đang tràn về Nha Trang (một sư đoàn khoảng 10,000 người).

    Để đối phó với quân CSVN từ Ban Mê Thuột, Tướng Phú đã cầu cứu với Bộ TTM và Bộ TTM cho biết 3 hôm nữa Lữ đoàn 3 Dù đang trên đường từ Đà Nẵng về SG sẽ đổ bộ tại Nha Trang để lên chặn địch tại Khánh Dương.

    Tướng Phú không thể ngồi yên chờ quân Dù, rõ ràng 3 hôm nữa thì quá muộn; cho nên một mặt ông điều xe của BCH Quân Vận 5 chở hằng trăm tấn đạn đại bác lên Khánh Dương để đánh theo chiến thuật “Pháo Binh + Trinh Sát Bộ Binh” (Trinh Sát Bộ Binh là 5 đại đội của Tiểu đoàn 231/ĐPQ, 4 đại đội tác chiến chia ra làm 4 cánh Trinh Sát, cánh thứ 5 là đại đội chỉ huy).

    Đồng thời ông cũng điều động Trung đoàn 40 thuộc Sư đoàn 22 BB (khoảng 2,500 người) bỏ ngỏ vùng hoạt động tại Bắc Bình Định lên Khánh Dương. Trong khi người Phó của ông là Tướng Trần Văn Cẩm và Bộ Tham Mưu Quân đoàn II đang chuẩn bị cho một cuộc hành quân triệt thoái trên Liên Tỉnh lộ 7. Tướng Phú hy vọng số quân triệt thoái (5 Liên đoàn BĐQ, 2 tiểu đoàn Pháo hạng nặng, 1 trung đoàn tăng) sẽ là lực lượng chặn 4 sư đoàn địch trên Quốc Lộ 21.

    Trong khi tình hình Quân khu 2 lâm vào cảnh hiểm nghèo như thế thì hồi ký của Tướng Cao Văn Viên không hề có lấy một dòng đả động tới việc ông đã ra lệnh như thế nào hoặc làm gì để giúp Tướng Phú trong suốt khoảng thời gian từ khi trận Ban Mê Thuột bắt đầu nổ ra cho tới ngày quân csVN thanh toán xong Ban Mê Thuột và bắt đầu tràn xuống Nha Trang.

    Năm 1975, ngày 15/3, lúc 3 giờ sáng, Tiểu đoàn 231 ĐPQ từ Ninh Thuận lên đến Chi Khu Khánh Dương. Đây là Tiểu đoàn thứ 5 được thảy vào trận địa Khánh Dương, và chỉ đơn độc một tiểu đoàn. Bốn tiểu đoàn ĐPQ trước đó đã bị đánh tan.

    Lúc này Tướng Phú vẫn còn hy vọng giải tỏa Quốc lộ 21 tại Đồi 519 để thông đường tiếp vận cho Sư đoàn 23 BB/VNCH và lực lượng tái chiếm Ban Mê Thuột đang tập trung tại Chi khu Phước An, là quận giáp giới với Chi khu Khánh Dương của tỉnh Khánh Hòa.

    * Chú giải : Trích lời kể của Trưởng ban hành quân Tiểu đoàn 231/ĐPQ

    "Đoàn xe chúng tôi lên đến Khánh Dương khoảng 3 giờ sáng. Còn cách trận địa 10 cây số thì đoàn xe phải tắt đèn pha và đi bằng đèn mắt cáo trong đêm. Từ xa chúng tôi đã nghe tiếng đại bác nổ ran như cả một thành phố đốt pháo Tết, trong đời tôi chưa bao giờ nghe đạn đại bác nổ với nhịp độ như vậy. Khi xe của tôi và Tiểu đoàn trưởng vừa ngừng tại bãi đậu xe thì Đại úy Tiểu đoàn phó từ xe khác bước tới : “Thiếu tá ơi! Không tư cách gì sống nổi Thiếu Tá ơi!”… Chúng tôi vừa bước xuống xe thì có 2 sĩ quan hành quân thuộc Tiểu khu Khánh Hòa đến trao “lệnh hành quân” và thuyết trình hành quân ngay tại bãi đậu xe, dưới ánh đèn pin.

    Theo như mục tình hình của “lệnh hành quân” thì quân số địch là 1 tiểu đoàn “Cơ động tỉnh” (tiểu đoàn địa phương) nhưng họ có ưu thế là chiếm trước trận địa và đã bố trí trận địa quanh khu vực Đồi 519. Do đó nhiệm vụ của Tiểu đoàn chúng tôi là áp sát khu vực xung quanh đồi 519 để thám sát, điều nghiên vị trí bố phòng của địch. Tuy nhiên với kinh nghiệm của một người sĩ quan tham mưu tôi biết trong lệnh hành quân này có điều gì lắt léo, bởi vì một tiểu đoàn không thể hành quân dàn hàng ngang 18 cây số (suốt bề ngang của thung lũng Khánh Dương). Do đó sau khi Thiếu tá Tiểu đoàn Trưởng và Đại úy Tiểu đoàn Phó không có thắc mắc gì thêm, tôi kéo hai sĩ quan của Khánh Hòa là Trung úy Minh và Trung úy Hạnh ra ngoài xa để hỏi cho biết sự thật.

    Nguyên trước đây 4 tháng tôi là Trưởng ban Điều hợp lực lượng diện địa của Phòng 3 Tiểu khu Khánh Hòa (phòng 3 là phòng Hành Quân). Trung úy Minh và Trung úy Hạnh là sĩ quan thuộc cấp của tôi. Còn người hiện đang làm Trưởng ban Hành Quân của Bộ chỉ huy hành quân Tiền phương tại Khánh Dương là Thiếu Tá Nguyễn Xuân Hớn, Trưởng phòng 3 của Tiểu khu Khánh Hòa, tức là ông xếp cũ của tôi. Giao tình của tôi và 17 sĩ quan trong Phòng hành quân Tiểu khu Khánh Hòa như anh em một nhà.

    Khi đã cùng nhau đứng cách xa bãi đậu xe, hai người anh em của tôi cho biết họ không được phép nói sự thật nhưng họ bảo tôi có thể vào hỏi sự thật nơi Thiếu tá Hớn, Trưởng ban Hành quân của Bộ chỉ huy hành quân. Họ cũng cho tôi biết là chiến trận tại Đồi 519 không phải xảy ra vào ngày 10-3, tức là ngày đánh Ban Mê Thuột, mà đã xẩy ra trước đó 7 ngày; và đã có 2 tiểu đoàn của Khánh Hòa và 1 tiểu đoàn của Ninh Thuận đã tiêu tan trong cố gắng nhổ chốt Đồi 519, giải tỏa Quốc lộ 21 để thông đường tiếp tế cho Ban Mê Thuột.

    Tôi bước vào lều của Bộ chỉ huy hành quân. Thiếu tá Hớn đứng chết sửng khi biết tôi là Trưởng ban Hành Quân của Tiểu đoàn sắp được đem ra thí. Ông cho tôi biết tất cả sự thật mà chỉ có vài người cao cấp nhất trong Tiểu khu Khánh Hòa mới được biết: Lực lượng địch chốt tại Đồi 519 không phải là 1 tiểu đoàn Địa phương Quân mà là Trung đoàn chủ lực Miền,Trung đoàn 25 csVN.

    Thiếu Tướng Phạm Văn Phú dự đoán lực lượng đang tấn công Ban Mê Thuột phải trên 1 sư đoàn cho nên không còn hy vọng tái chiếm Ban Mê Thuột. Tướng Phú đã tính tới kế hoạch lập tuyến phòng thủ tại Chi khu Phước An để ngăn chận quân csVN từ Ban Mê Thuột tràn xuống. Nhưng Chi khu Phước An sẽ không thể lập thành tuyến phòng thủ bởi vì sau lưng Phước An, trên đường xuống đồng bằng, là Đồi 519 đang do quân csVN chiếm giữ.

    Do đó chỉ còn có cách là lực lượng của Sư đoàn 23 tại Phước An đánh xuống và quân Khánh Hòa, Ninh Thuận từ Khánh Dương đánh lên để tiêu diệt Trung đoàn 25 csVN tại khu vực đồi 519, nếu thành công thì lấy đồn Chu Cúc làm địa đầu giới tuyến để ngăn chặn quân csVN từ BMT, còn đồn 519 là đồn hỗ trợ cho đồn Chu Cúc.

    Tuy nhiên phía Khánh Hòa chỉ còn duy nhất Tiểu đoàn 231/ĐPQ. Và lực lượng Sư đoàn 23 BB tại Phước An hình như đang trong tình trạng không ổn định (Đã bị tan hàng). Trong khi đó theo binh pháp nếu muốn diệt Trung đoàn 25 csVN thì phải cần 3 trung đoàn ( Quân tần công phải gấp 3 quân đang thế thủ ).

    Vì vậy giờ đây nhiệm vụ của TĐ 231/ĐPQ là xé lẻ tiểu đoàn thành 5 đại đội trinh sát dàn hàng ngang suốt thung lũng Khánh Dương để phát hiện quân địch tràn xuống. Khi phát hiện địch từ xa thì chỉ gọi pháo binh rồi để cho phi cơ và pháo binh đánh trận chứ quân bộ binh không đánh. Đặc biệt không có máy bay tản thương, phương tiện tản thương chỉ là khiêng về phía sau bằng cách đi bộ. Nhưng có lẽ phải bỏ thương binh lại bởi vì sẽ rút không kịp nếu bị tấn công.

    Nhiệm vụ của TĐ 231/ĐPQ là làm sao cầm chân quân csVN trong 3 ngày; sau 3 ngày sẽ có 1 Lữ đoàn Dù (2,500 người) lên Khánh Dương khóa đèo M’Drak, lập phòng tuyến vững chắc ngay tại đầu đèo, nhường BMT và Khánh Dương cho CSVN. Trong khi đó sẽ có 1 Lữ đoàn TQLC (2,500 người) sẽ được đưa tới phía Tây Chi khu Diên Khánh để khóa hệ thống đường mòn từ Biên giới Lào Việt xuống Khánh Hòa. Con đường này đã được CSVN thiết lập kể từ ngày có lệnh ngưng bắn năm 1973.

    Như vậy yêu cầu chiến thuật của TĐ 231/ĐPQ là vừa đánh vừa rút trong 3 ngày ( trì hoãn chiến ) chứ không được chạy dài một mạch. Nếu biết sự thật này thì không một vị chỉ huy tiểu đoàn ĐPQ nào dám đi bởi vì ĐPQ chỉ chuyên canh gác đồn bót, cầu cống, làng xã chứ không có khả năng ứng dụng chiến thuật lui binh. Họ chỉ chịu đi nếu như họ bị đánh lừa như đã ghi trong lệnh hành quân. Nhưng hễ bị đánh lừa thì một khi đụng trận họ sẽ chạy dài như 4 Tiểu đoàn ĐPQ trong vòng 10 ngày trước đó.

    Do đó chiến thuật trì hoãn chiến, đánh cầm chừng trong 3 ngày sẽ khó có thể thực hiện được nếu người điều quân không phải là một sĩ quan xuất sắc về tham mưu cũng như về chỉ huy.

    Sau khi cho biết rõ tình hình, Thiếu tá Hớn kết luận Tiểu đoàn của tôi là một Tiểu đoàn bị đem ra thí trước khi quân Dù khóa được đèo M’Drak. Hy vọng sống sót trở về rất mong manh. Giờ đây tôi có hai lựa chọn: một là điều động Tiểu đoàn sao cho có vẻ là một cuộc hành quân thám sát trong khi cố gắng tránh chạm địch nhưng vẫn bám địa bàn để gọi Pháo Binh và Phi cơ. Hai là đi tạt về một phía an toàn chứ không bắt buộc phải dàn đội hình trước khu vực Đồi 519, và sẽ chạy dài về phía sau một khi bị pháo hay bị tấn công.

    “Mày có quyền làm theo lương tâm của chính mày; một bên là trách nhiệm đối với đất nước, một bên là mạng sống của mày và của anh em binh sĩ trong tiểu đoàn”. Thiếu tá Hớn đã nói câu kết thúc với tôi như vậy.

    Tôi hỏi lại Thiếu tá Hớn là ở trên không còn cách nào khác nữa sao? Thiếu Tá Hớn cho biết là đã hết cách vì hiện thời không còn quân (BCH/Tiểu khu Khánh Hòa và BTL/ Quân đoàn 2). Sau hai phút cân nhắc, tôi trả lời Thiếu tá Hớn là tôi sẽ làm theo những gì mà bộ chỉ huy chiến trường (Thiếu Tướng Phú) mong muốn, mặc dầu như vậy là tôi phải lừa dối binh sĩ trong tiểu đoàn và phải chịu trách nhiệm với gia đình của họ nếu chẳng may họ không trở về.

    Thiếu tá Hớn cảm động bắt tay tôi thật chặt, có lẽ là để cám ơn tôi nhưng cũng có thể là để vĩnh biệt bởi vì ông biết chúng tôi khó trở về; sau đó ông cho tôi những đặc lệnh truyền tin đặc biệt để liên lạc riêng với ông cũng như với sĩ quan “quan sát viên điều không tiền tuyến” của Tiểu khu Khánh Hòa. Ông cũng chỉ cho tôi các hướng có thể chạy về vùng an toàn nếu may mắn còn sống sót.

    Việc tôi trở lại Khánh Hòa để đánh trận Khánh Dương như là đã có duyên tiền định: Gặp lại và làm việc với những sĩ quan bạn bè cũ tại Khánh Hòa không phải là duyên kỳ lạ duy nhất, Đại úy Tiểu đoàn Phó Nguyễn Văn Thắng mới đổi về Tiểu đoàn 2 tháng nay nguyên là ông Liên đội phó Địa Phương Quân của tôi khi tôi mới từ LLĐB chuyển qua ĐPQ cách đây 4 năm.

    Còn Đại đội Trưởng Đại đội 3 của Tiểu đoàn là Đại úy Ngô Đình Lý, nguyên Đại đội Trưởng Đại đội Biệt kích 554 thuộc Trại Trung Dũng, Thành, Nha Trang. Lúc tôi mới ra trường về làm “Sĩ quan cố vấn” cho Đại đội 554 thì Lý là một đại đội trưởng dân sự chiến đấu, không có cấp bậc. Trong Tiểu đoàn còn có Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Hòa, Đại đội Phó Đại đội chỉ huy, nguyên cũng là Trung đội Trưởng Trung đội Thám Sát 72 của trại Biệt kích Trung Dũng, thuở đó Hòa cũng không có cấp bậc.

    Đại đội trưởng Đại đội 1 của Tiểu đoàn là Đại úy Nguyễn Văn Mới cũng là sĩ quan LLĐB cùng chuyển qua Địa Phương Quân cùng một lượt với tôi vào năm 1971. Còn Đại đội Trưởng Đại đội 2 của Tiểu đoàn là Trung úy Lê Bá Luyện, trước đó 2 tháng là Trưởng ban hành quân của Chi khu Khánh Dương, quen biết với tôi khi tôi còn làm việc tại phòng Hành Quân Tiểu khu Khánh Hòa. Do đó Trung úy Luyện rất rành địa thế Khánh Dương và quen với cách làm việc của từng người trong BCH Chi Khu.

    Chính vì quen biết thân tình với hầu hết các vị sĩ quan chỉ huy trong Tiểu đoàn cho nên tôi biết tính ý từng người và ngược lại họ cũng tin tưởng nơi khả năng của tôi mà họ đã biết từ trước. Riêng ông Tiểu đoàn Trưởng Thiếu Tá Nguyễn Duy Hoàng thì yên tâm giao khoán mọi việc cho tôi với ông Tiểu đoàn Phó.

    Có lẽ đây là lần đầu tiên ông ra trận, trước đó ông chỉ phục vụ trong các Trung tâm huấn luyện. Ông cũng mới đổi về Tiểu đoàn cách đây 2 tháng để thay thế Đại úy Bùi Hữu Kiệt ( Khóa 20 Võ bị Đà Lạt ) đã tử trận tại Bình Định trong thời gian chúng tôi tăng phái cho Chi Khu Tam Quan 4 tháng trước đó. Nhờ vậy mà tôi mới có thể thi hành chính xác yêu cầu thực sự của Bộ chỉ huy hành quân mà ngay cả các vị sĩ quan chỉ huy trong tiểu đoàn cũng không hay biết”.

    Các sĩ quan trong Tiểu đoàn đặt hết tin tưởng nơi tôi qua thời gian 2 tháng tôi giữ chức vụ Trưởng ban Hành Quân Tiểu đoàn tại chiến trường Bình Định, nhất là trong khoảng thời gian Tiểu đoàn Trưởng Bùi Hữu Kiệt tử trận mà không có Tiểu đoàn phó. Riêng đối với trận địa Khánh Dương thì tôi là người rành địa hình nhất và quen với lối làm việc của những người trong Bộ chỉ huy hành quân Tiếu khu Khánh Hòa.

    Trong khi đó người Chỉ huy trực tiếp tại Bộ chỉ huy tiền phương là Đại Tá Tiểu khu Trưởng Lý Bá Phẩm và Trung Tá Tham mưu Trưởng Ngô Quý Hùng cũng ra lệnh cho tôi trên máy như là với một người đàn em thân thiết, không phải như một đơn vị tăng phái. Cũng vì sự tin tưởng chân thành của những sĩ quan bạn bè trong tiểu đoàn mà lương tâm tôi bị đè nặng bởi mặc cảm tội lỗi là mình đang lừa dối họ.

    Sau 1 ngày nghỉ ngơi lấy sức, 8 giờ sáng ngày 16-3 chúng tôi xuất phát từ Buôn M’Dung tiến về phía đồi 519. Khoảng một tiếng sau tôi nhận được lời nhắn của Thiếu tá Hớn hãy sang tần số đặc biệt giữa hai chúng tôi. Sau khi sang tần số đặc biệt ông chuyển cho tôi một câu nhắn tin được ngụy hóa bằng “khóa đối chứng” (bảng mã của ngành Truyền Tin).

    Sau khi người lính mang máy cho tôi biết nguyên văn lời nhắn là “ Quân số địch là 3X”, người lính đó hỏi tôi 3X là bao nhiêu? Tôi trả lời ngay là 1 Trung đoàn (do tôi bị ám ảnh bởi lời của Thiếu tá Hớn trước đó quân số địch là 1 trung đoàn). Tuy nhiên đi thêm được vài bước thì người tôi chợt lạnh toát, mồ hôi vả ra; bởi vì tôi sực nhớ lại 3X là một quân đoàn (3 sư đoàn Bộ binh, 1 sư đoàn pháo, 1 sư đoàn tăng).

    Tôi mất hồn, không phải vì tính mạng mỏng manh của chúng tôi, mà vì tương lai hiểm nghèo của đất nước. Địch đã tập trung tại BMT một quân đoàn thì dĩ nhiên họ sẽ không dừng tại đây, chắc chắn họ sẽ tràn xuống Khánh Hòa! Làm sao mà Tiểu đoàn của tôi có thề cản nổi bước tiến của họ trước khi quân Dù khóa đèo M’Drak? (Chúng tôi chỉ có 377 người, trong khi họ có khoảng 40.000 người ).

    Lúc đó là 9 giờ sáng nhưng tôi có cảm tưởng như là trời đang hoàng hôn, cảnh vật mờ ảo như trong một giấc mơ. Nhìn loáng thoáng bóng những người lính lặng lẽ tiến bên cạnh lòng tôi tê điếng vì thương xót, chỉ một mình tôi biết chắc là họ sẽ không thể trở về”.

    Chú thích của tác giả
    Trưởng ban hành quân của Tiểu đoàn 231 ĐPQ chính là tôi, Trung Úy Bùi Anh Trinh. Diễn tiến của trận đánh sẽ được kể trong các bài kế tiếp. Lúc ra đi chúng tôi có 377 người. Và khi về còn có 72 người.

    Thiếu Tá Tiểu đoàn Trưởng Nguyễn Duy Hoàng, Đại úy Đại đội trưởng ĐĐ chỉ huy Lương Văn Thông và tôi hiện đang sinh sống tại Little Saigon, Cali. Thiếu Tá Nguyễn Xuân Hớn đang sinh sống tại Boston USA. Trung Tá Ngô Quý Hùng lâu nay sinh sống tại VN, ông từ chối đi Mỹ mặc dầu ông trải qua 13 năm trong trại tù. Ông vừa mới mất vào ngày 10 tháng 7 năm 2016.

    Riêng đối với Châu Xuân Nguyễn.
    Có lẽ tôi sẽ không đưa bài viết này lên net nếu không có những lời chia sẻ chân tình của Châu. Nhìn lại suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi tự thấy mình đủ tư cách đại diện cho những người lính VNCH để nói chuyện với những người như Châu mà không hề hổ thẹn :Tháng 4 năm 1975 chúng tôi đã làm xong bổn phận, chẳng qua là chúng tôi không chết.

    Khi quyết định khoác vào người chiếc áo lính thì chúng tôi đã chấp nhận điều tệ hại nhất, đó là cái chết. Khi mà Châu và các bạn đang đùa chơi trên sân trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức thì có biết ở dưới bãi tập nhìn lên chúng tôi đã nghĩ gì hay không ? Chúng tôi nghĩ: “Ngày này sang năm không biết mình có còn sống để nhìn những hình ảnh đẹp như thế này hay không?”.

    Bất hạnh là chúng tôi không chết, nhưng những hình ảnh đẹp cũng không còn. Cho nên chỉ có chúng tôi mới có quyền đại diện cho VNCH, có quyền phê phán những người lính VNCH. Chúng tôi đi giết người là vì cái gì; chúng tôi đã làm đúng hay sai thì tự chúng tôi biết; chúng tôi đã làm tròn bổn phận đối với đất nước hay chưa thì tự chúng tôi biết.

    Năm 1975 tôi bước chân vào trại tù để trả giá cho việc làm của mình ngày trước nhưng tôi không hề ân hận hay hối tiếc. Rất nhiều người trong bọn họ đã ngã chết dưới tay tôi cho nên tôi tự nghĩ nếu như giờ đây họ bắt mình phải chết thì cũng còn lời chán. Trong bản kê khai với họ tôi tự nhận mình đã “giết hại” 35 người của họ. Cho nên giờ đây nếu tôi có chết 35 lần thì chỉ mới “huề”; còn như chết 1 lần thì chính bản thân người làm lính đã cam nhận kể từ khi quyết định cầm lấy khẩu súng.

    Sau khi ra khỏi trại tù chúng tôi tự nghĩ là đã trả xong ân oán đối với bọn họ. Nhưng những gì mà chúng tôi chứng kiến ở ngoài khiến chúng tôi biết rằng ân oán giữa bọn họ với dân tộc Việt Nam chỉ là mới bắt đầu. Đến lúc này chúng tôi mới thực sự ân hận; trước kia chúng tôi đã đối xử với họ quá nhân đạo, và cái nhân đạo đó đã trở thành quá tai hại.

    Lâu nay chúng tôi im lặng bởi vì không còn gì để nói, chúng tôi không muốn thanh minh hay bào chữa. Chúng tôi tự thấy hổ thẹn đối với cái chết của 250 ngàn người anh em của chúng tôi và 58 ngàn chiến hữu Hoa Kỳ; chúng tôi đành để cho hình ảnh người lính VNCH và người lính Hoa Kỳ mờ dần theo thời gian.

    Nhưng vì thấy chúng tôi im lặng cho nên hiện nay người ta đang muốn bôi xấu chúng tôi để âm mưu biến “bên thắng cuộc” trở thành “bên chính nghĩa”. Do đó chúng tôi buộc lòng phải lên tiếng, không phải để khơi lại hận thù, nhưng mà để bảo vệ thanh danh của 250 ngàn chiến hữu VNCH và 58 ngàn chiến hữu Hoa Kỳ đã nằm lại tại chiến trường Việt Nam.

    ********

    2. Trận Khánh Dương - 3 Ngày Đầu
    (Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh)

    Năm 1975, ngày 15-3, lúc 3 giờ 30 chiều, nhà báo Thiếu Tá Phạm Huấn, đặc phái viên của Tướng Phạm Văn Phú đáp trực thăng xuống chi khu Phước An thuộc Tiểu Khu Đắc Lắc để gặp Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh, chuyển lệnh của Tổng thống Thiệu là “Rút bỏ Phước An, mang quân về phòng thủ tuyến Khánh Dương càng sớm càng tốt”, có nghĩa là bỏ hẳn Ban Mê Thuột, lấy Khánh Dương ( Thuộc tỉnh Khánh Hòa ) làm tuyến đầu ngăn chận đoàn quân csVN từ BMT tràn xuống.

    Sau đó Thếu Tá Phạm Huấn đến gặp Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng Quân Báo Quân đoàn 2 (Đang theo đoàn quân của Sư đoàn 23 BB chuẩn bị tái chiếm Ban Mê Thuột ). Không ngờ Đại Tá Trinh Tiếu nhờ Phạm Huấn báo lại cho Tướng Phú: “Hiện có 4 sư đoàn Cọng sản Bắc Việt trong vùng. Đó là các sư đoàn F.10, 320, 968, 316 và các trung đoàn Pháo, Chiến xa, Phòng không” (Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, trang 127). Một sư đoàn có khoảng 10,000 quân.

    Trong khi đó tại Khánh Dương chỉ có độc nhất Tiểu đoàn 231 ĐPQ/VNCH. Một tiểu đoàn có khoảng 500 người

    Năm 1975, ngày 16-3, lúc 9 giờ 15 sáng, Tiểu đoàn 231/ĐPQ đang trên đường hành quân tới mục tiêu Đồi 519 thì nhận được lệnh mới: Tập trung hướng tiến của toàn tiểu đoàn về hai bên quốc lộ 21, tiến theo thế chân vạc để tiếp cận cầu 36 là nơi tình nghi có địch bố trí chận viện. Đúng 1 giờ 30 sẽ có hai phi tuần thả bom CBU xuống khu vực Đồi 519, sau trận bom thì TĐ 231 sẽ tiến vào khu vực vừa bị bom để thông đường và bắt tay với Sư đoàn 23 BB từ đồn Chu Cúc tiến xuống.

    Diển Tiến Hành Quân
    Ngày 16-3,
    - Lúc 10 giờ 30, cánh quân của Đại đội 1 ( một đại đội khoảng 100 người ) cho biết đã tới khu vực đụng độ giữa Tiểu đoàn 250 ĐPQ và quân CSVN vào 3 ngày trước. Quân ta tìm gặp rất nhiều binh sĩ của TĐ 250 ĐPQ bị thương nhưng còn sống, họ năn nỉ khiêng họ về (cùng là dân Phan Rang quen biết nhau). Tuy nhiên Đại đội nhận được lệnh gấp rút tràn xuống triền đồi để tránh pháo vì nơi đó đã được quân CSVN điều chỉnh pháo binh (Thực ra Trưởng ban 3 không muốn cứu thương binh bởi vì rồi đây chưa chắc lính trong Tiểu đoàn đã lo nổi an toàn cho chính bản thân của họ).

    - Lúc 10 giờ 45, Tiểu đội tình báo của BCH Tiểu đoàn báo cáo đã đến chân cầu 36 là nơi đụng độ giữa Đại đội Trinh sát Tiểu khu KH và quân CSVN hai ngày trước. Có cờ trắng phất dưới chân cầu. Đại đội 3 tiến vượt qua khỏi cầu 36 để án ngữ mặt trước, Đại đội chỉ huy tiến tới chân cầu 36 để tiếp nhận 32 binh sĩ từ BMT chạy về. Đa số thuộc Tiểu đoàn 231 Pháo Binh của Sư đoàn 23 BB/ VNCH.

    Trưởng ban 3 Tiểu đoàn 231/ĐPQ nhận ra trong số 32 người có Trung úy Pháo binh Phạm Ngọc Phụng là bạn học thời trung học. Trung úy Phụng cho biết tin tức nóng hổi về bố trí của quân địch tại khu vực giữa Chu Cúc và 519. Như vậy là địch chỉ chốt chận tại mặt Quốc lộ và phía Bắc Quốc Lộ, riêng mặt Nam Quốc Lộ sát núi, địa thế hiểm trở, cho nên quân CSVN không có địa thế để bố trí bộ binh chặn địch mà chỉ chặn bằng sơn pháo 75 ly, vì vậy toán quân đào thoát đã đi lẫn trong đêm qua ngã phía Nam của Quốc Lộ.

    Tiểu đoàn 231/ĐPQ báo về BCH hành quân. Sau khi được biết trong toán quân đào thoát có 2 sĩ quan Pháo Binh tại Phi trường Phụng Dực cho nên BCH hành quân cho xe lên đón đoàn di tản để lấy tin tức về tình hình của Trung đoàn 53 BB tại Phụng Dực cũng như Trung đoàn 44 và 45 tại Phước An.

    - Lúc 11 giờ 30 Đại đội 1 bị pháo vào giữa đội hình phải tản về phía sau. Vị trí đặt pháo dưới chân đồi 519. Tiểu đoàn 231/ĐPQ gọi Pháo Binh phản pháo và chấn chỉnh lại đội hình của Đại đội 1. Có 7 binh sĩ chết và 15 bị thương. Số bị thương được đưa ra Quốc lộ để tản thương bằng xe GMC cơ hữu của Tiểu đoàn, không có hộ tống, không có lính cứu thương hay phương tiện cứu thương.

    Lúc 11 giờ 45 Tiểu đoàn 231 nhận được lệnh dừng lại bố trí chứ không tiến thêm nữa. Lúc này còn cách đồi 519 khoảng 5 cây số. (BCH hành quân nhận được tin của máy bay quan sát cho biết xe tăng của quân csVN xuất hiện phía Bắc khu vực hành quân của Tiểu đoàn 231/ĐPQ).

    Lúc 1 giờ 30, 2 phi tuần A.37 thả 2 trái bom CBU và 4 trái bom 500 cân xuống khu Đồi 519 nhưng Tiểu đoàn 231 lại nhận được lệnh gấp rút thối quân về phía sau. Sau này mới được biết là quân csVN (Trung đoàn 95 B biệt lập, một trung đoàn khoảng 2,500 người) có xe tăng hỗ trợ đang tràn xuống từ phía Đông Bắc đồi 519.
    Lúc 3 giờ chiều, Tiểu đoàn 231/ĐPQ nhận được lệnh rút về điểm xuất phát (BCH/Chi khu Khánh Dương). Trên đường rút về Tiểu đoàn gặp một toán thám báo (8 người) của Nha kỹ thuật tiến ngược về phía cầu 36.
    Lúc 5 giờ 30 chiều, Tiểu đoàn 231 bố trí phòng thủ tại Buôn M’Dung, ngang cầu 31. Lúc này tại cầu 31 lù lù một chiếc trực thăng bị bắn bể kính đang đậu nghiêng trên mặt đường. Đây là chiếc trực Thăng chở Tướng Lê Trung Tường bị trúng đạn phải đáp khẩn cấp.

    Đồng thời trong khuôn viên BCH Chi khu Khánh Dương xuất hiện cột ăng ten siêu tần số. Có nghĩa là BTL Sư đoàn 23 đang đóng tại đó (Đại tá Đức làm Tư lệnh thay cho Tướng Tường). Trong khi đó BCH tiền phương của Tiểu khu Khánh Hòa rút về, giao việc điều động chiến trường Khánh Dương cho Sư đoàn 23 BB.

    Ngày 17-3,
    Tiểu đoàn 231/ĐPQ lại nhận được lệnh hành quân y như lệnh hành quân ngày 15-3, nghĩa là dàn hàng ngang suốt thung lũng Khánh Dương, tiến về phía Tây để thăm dò bố trí của địch. Nhưng người ra lệnh là Trung Tá Nguyễn Văn Ba, Tiểu khu Phó Tiểu khu Ninh Thuận, chứ không phải là Bộ chỉ huy tiền phương của Sư đoàn 23 BB.

    Lý do là vì BTL Quân đoàn tưởng rằng tại Khánh Dương có 2 tiểu đoàn tăng phái của Tiểu Khu Ninh Thuận ( khoảng 1.000 ) cho nên người ta điều động ông Tiểu khu phó Ninh Thuận lên ngồi tại BCH hành quân để chỉ huy 2 tiểu đoàn của Ninh Thuận. Người ta không biết tại Khánh Dương chỉ còn 1 tiểu đoàn của Ninh Thuận với quân số ban đầu là 377 người (bất khiển dụng 126 người - qua trận pháo sáng ngày 16 chỉ còn 355 người), còn Tiểu đoàn 250/ĐPQ đã bị hoàn toàn tan rã 5 ngày trước đó.

    Giờ đây chiến trường Khánh Dương được bàn giao cho Sư đoàn 23, nhưng BCH hành quân Sư đoàn đóng tại Phi trường Khánh Dương lại không có lực lượng nào để điều động, toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 23 BB đang nằm tại Phước An nhưng liên lạc lúc được lúc không bởi vì các máy PRC.25 tại Phước An không liên lạc tới Khánh Dương.

    Vả lại tình hình các đơn vị BB tại Phước An đang trong tình trạng dần dần tan rã. Lúc đó tại Khánh Dương chỉ còn duy nhất TĐ 231/ĐPQ của Tiểu khu Ninh Thuận cho nên Trung Tá Nguyễn Văn Ba, Tiểu khu Phó Ninh Thuận, phải ở lại để chỉ huy 1 Tiểu đoàn của Ninh Thuận. Chỉ có một mình ông với một người sĩ quan hành quân và 2 lính truyền tin. Do đó ông đành phải dở lại lệnh hành quân trước đây của Tiểu khu Khánh Hòa để tiếp tục điều động Tiểu đoàn 231 ĐPQ. Để có thêm quân số điều hành như một BCH hành quân, Trung tá Ba giữ lại sĩ quan tiền sát pháo binh (Trung úy Thịnh) mà trước đó đã được Tiểu khu Ninh Thuận chỉ định đi theo Tiểu đoàn 231/ĐPQ để làm Tiền sát Viên Pháo Binh.

    Theo sổ tay chiến trường của Thiếu Tá Phạm Huấn thì quân số của Sư đoàn 23 BB vào chiều ngày 17-3 như sau: Trung đoàn 45 còn 200 người, Trung đoàn 44 khoảng 300 người (do Trung Tá Ngô Văn Xuân chỉ huy). Bộ Tư Lệnh Sư đoàn đặt tại Đồn Chu Cúc 42 người. Hậu trạm Sư đoàn tại Chi Khu Khánh Dương 6 người. Tổng cộng 548 người, trong khi quân số nguyên thủy của Sư đoàn là 10,000 người. Dĩ nhiên 548 người này chỉ là những quân nhân bị tan hàng, không thể tiếp tục chiến đấu, ngoại trừ Đại đội Trinh Sát (khoảng 100 người) của Trung đoàn 44 BB.

    Lúc 8 giờ sáng, Tiểu đoàn 231/ĐPQ lại xuất phát lần thứ hai, tiến về hướng BMT.

    Lúc 1giờ 30, Đại đội 3 bị lọt vào trận địa pháo, nguyên quả đồi biến thành một đám bụi nám đen. Có 37 người vừa bị chết vừa bị thương phải bỏ lại trận địa, số còn lại rút về vị trí của BCH Tiểu đoàn. Đại đội 2 đi sau BCH Tiểu đoàn lên thế vị trí của Đại đội 3.

    Lúc 2 giờ 30, một phi tuần A.37 đánh bom trúng đoàn xe tăng của quân CSVN hai chiếc bị cháy, cách vị trí của Đại đội 4 ba cây số về hướng đông Bắc (Rẫy Ông Kỳ). Mười lăm phút sau một phi tuần A.37 khác thả bom vào khu vực có 2 chiếc tăng bị cháy. 5 phút sau lại có một phi tuần A.37 đánh bom tại khu vực Rẫy Ông Kỳ (nông trại trồng khoai mì của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, cách quận Khánh Dương khoảng 15 cây số về hướng Đông Bắc). Đoàn xe tăng bị toán Thám Báo của Nha Kỹ Thuật phát hiện.

    Lúc 3 giờ chiều, lại thêm 1 phi tuần A.37 vào vùng có xe tăng nhưng lúc đó phi cơ quan sát không thấy gì thêm, BCH hành quân yêu cầu TĐ 231 cho tọa độ một vị trí tình nghi có địch để 2 phi cơ A.37 giải tỏa bom đạn.

    Lúc 5 giờ chiều, Đại đội 4 báo cáo 2 xe tăng của CSVN xuất hiện ở phía Rẫy Ông Kỳ, cách Đại đội 3 cây số về hướng Tây. Trưởng Ban 3 Tiểu đoàn chiếu ống dòm về phía tọa độ mà Đại đội 4 vừa cho thì không thể nào xác nhận được vì sương chiều xuống quá nhiều, cảnh vật chìm trong mầu khói lam nên không phân biệt được trong khi đó quyền Đại đội trưởng Đại đội 4 (Thiếu úy Thanh) không có mang theo ống dòm. BCH hành quân theo dõi trên máy vô tuyến biết được ĐĐ 4 phát hiện xe tăng thì yêu cầu Trưỏng ban 3 Tiểu đoàn cho tọa độ để gọi máy bay, kể cả cho tọa độ phỏng chừng. Tuy nhiên Tiểu đoàn không thể nào xác nhận chính xác được.

    Ngày 18-3,
    Tiểu đoàn 231/ĐPQ tiếp tục tiến về hướng BMT, nhưng chỉ di chuyển dưới khe chứ không chiếm lĩnh các ngọn đồi.

    Lúc 1 giờ trưa Đại đội 4 báo cáo đã thấy vị trí bố trí quân của CSVN. Trưởng ban 3 Tiểu đoàn nhìn qua ông dòm thấy một số ụ tranh ngụy trang nằm sắp lớp một khoảng dài mấy trăm thước bên một đường đất đỏ, nghi là vị trí độn thổ phục kích của quân CSVN bèn kêu pháo binh bắn 5 tràng điều chỉnh, sau đó xin 20 tràng bắn hiệu quả. Không ngờ nghe trên máy tiếng của Trung tá Ngô Quý Hùng, Tham mưu Trưởng BCH hành quân, ra lệnh mỗi lần bắn hiệu quả là 100 tràng, 200 tràng chứ không cần phải tiết kiệm đạn. Tiểu đoàn 231 gọi 200 tràng.

    Tưởng đâu 200 tràng là 1,200 quả (6 khẩu), không ngờ pháo binh bắn 2.400 quả (12 khẩu), mới đầu còn thấy xác người tung lên không, sau đó cả một quả đồi chìm trong làn khói đen mù mịt. (Trước đây tại Khánh Dương chỉ có 1 pháo đội Pháo Binh Diện địa của Tiểu khu Khánh Hòa gồm 2 khẩu 155 ly và 4 khẩu 105 ly. Giờ đây mới tăng cường thêm 1 pháo đội của Trung đoàn 40 thuộc Sư đoàn 22 Bộ Binh).

    Sau khi tan khói pháo, Đại đội 4 cho quân thám sát vị trí vừa bị pháo mới hay rằng những ụ tranh là những mồ chôn xác quân csVN, khoảng gần 300 xác (tính theo số ụ tranh trông thấy trước khi bị pháo: 1 ô 30 ụ, có khoảng 10 ô). Những xác này bị đạn pháo binh tung lên không trông giống như thân thể người mới bị pháo. Có lẽ đây là số bị chết do trận bom CBU ngày hôm qua (Vì nghi là độn thổ phục kích nên Tiểu đoàn gọi tác xạ bằng đầu đạn nổ chậm, viên đạn chui xuống dưới đất mới nổ).

    Chú giải: Trước đó BTL/Quân đoàn 2 giao cho Đại Tá Đức làm Tư Lệnh Sư đoàn 23 thay thế Tướng Lê Trung Tường. Và cũng giao cho Đại Tá Đức làm Tư Lệnh chiến trường Khánh Dương, với lực lượng là BCH/ Trung đoàn 44 BB thuộc Sư đoàn 23 BB với 1 Tiểu đoàn, cùng với Đại đội Trinh Sát Sư đoàn 23 BB đang đóng tại Phước An và Chu Cúc, phía Tây của Đồi 519 (ranh giới giữa Đắc Lắc và Khánh Hòa). Cùng với một số đơn vị nhỏ của Trung đoàn 45 BB bị tan hàng tại BMT.

    Ngoài ra Đại Tá Đức cũng chỉ huy luôn Chi khu Khánh Dương và lực lượng ĐPQ đang có mặt tại phía Đông của Đồi 519 là các Tiểu đoàn của Khánh Hòa và Ninh Thuận (sự thực chỉ còn duy nhất 1 tiểu đoàn của Ninh Thuận là TĐ 231/ĐPQ với quân số chỉ còn 318 người sau hai trận pháo ngày 16 và 17-3). Và vì Đại Tá Đức không có bộ Tham mưu cho nên tạm thời Trung tá Ngô Quý Hùng, Tham mưu trưởng Tiểu khu Khánh Hòa, giữ nhiệm vụ Tham mưu trưởng BCH Hành quân của Đại Tá Đức với ban Tham mưu là một số sĩ quan của Phòng Hành Quân Tiểu khu Khánh Hòa.
    .
    Trong khi đó Trung đoàn 40 (khoảng 2,500 người) của Sư đoàn 23 BB. Trung đoàn Trưởng là Trung Tá Nguyễn Thành Danh đã nhận được lệnh từ Bình Định di chuyển lên Khánh Dương, Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 40 (khoảng 500 người) và pháo đội Pháo binh của Trung đoàn (6 khẩu 105 ly) đến Khánh Dương vào sáng ngày 17-3. Trung đội 1 của đại đội 4/TĐ 2 BB do Chuẩn úy Lê Minh Quang chỉ huy được trực thăng bốc lên thả tại Đồn Chu Cúc để chuẩn bị hoạt động thám báo chung quanh Chu Cúc, dọ đường tiến xuống Đồi 519.

    Lúc 10 giờ 30 đêm, Đại đội 4/TĐ 231 tại khu vực nghĩa địa CSVN báo cáo có dấu hiệu địch hoạt động áp sát vị trí của Đại đội. Tiểu đoàn chỉ thị Đại đội âm thầm lùi về phía sau 1 cây số, lựa vị trí tốt để chuẩn bị đối phó với trận tấn công có thể xảy ra vào sáng sớm ngày mai, trước khi rút lui thì gài lựu đạn tại chỗ để ngừa địch bám theo. Tiểu đoàn gởi về BCH hành quân hỏa tập tiên liệu ngay tại khu vực mà Đại đội 4 vừa rút đi. Đồng thời cũng cho lệnh Đại đội 1 âm thầm rút lui 1 cây số như Đại đội 4, hỏa tập tiên liệu trước phòng tuyến của ĐĐ 1 cũng được chuẩn bị sẵn.

    Trong khi đó Đại đội 2 di chuyển trong đêm, tạt về hướng Bắc của Đại đội 4, nhường điểm vừa rút làm điểm dự trù cho Đại đội 4 rút về nếu bị tấn công, lúc đó ĐĐ2 sẽ trở thành lực lượng yểm trợ cho ĐĐ 4 lui binh.

    Chú Giải: Cũng trong ngày này, ngày 18-3-1975, trên các tần số vô tuyến của chiến trường Khánh Dương vắng tiếng chỉ huy của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú bởi vì 9 giờ sáng Bộ TTM chuyển cho ông tin dõm rằng Sư đoàn 320 csVN đã đuổi kịp đoàn di tản và đang chuẩn bị pháo vào dân. Tướng Phú đành phải bỏ chiến trường Khánh Dương để bay ra Phú Bổn.

    Lúc 10 giờ 45, tại Phú Bổn, Tướng Phú ra chỉ thị cho Tướng Cẩm, Tướng Tất và tìm Đại Tá Lý cùng với Bộ tham Mưu Quân đoàn 2 nhưng tìm không ra. 11 giờ 20 Tướng Phú quay về Nha Trang. Tới 3 giờ chiều Tướng Phú tiếp Tướng Trần Thiện Khiêm tại Nha Trang. Đến 5 giờ 40 chiều đích thân Tướng Phú bay ra Phú Bổn tìm bốc Đại Tá Lý và Bộ tham Mưu của Lý. Đồng thời ra lệnh cho quân đội bỏ xe tăng và súng đại bác để băng rừng về Phú Yên.

    Trong khi đó tại chiến trường Khánh Dương, từ giữa trưa bắt đầu xảy ra đụng độ ác liệt giữa TĐ. 231 VNCH và quân csVN. Tướng Phú không thể phân thân ra chỉ huy cả 2 chiến trường cùng một lúc.

    ***********

    3. Trận Khánh Dương - Ngày 4 & Ngày 5

    Ngày 19-3,
    Lúc 5 giờ sáng, bãi lựu đạn gài trước phòng tuyến của ĐĐ1 phát nổ, Tiểu đoàn gọi 200 tràng ( 2.400 trái ) vào hỏa tập tiên liệu.

    Lúc 5 giờ 15, vị trí của Đại đội 4 bị pháo và bãi lựu đạn gài trong đêm cũng phát nổ, Tiểu đoàn gọi 200 tràng vào hỏa tập tiên liệu.

    Lúc 6 giờ sáng, ĐĐ 4 bị tấn công nhưng lực lượng tấn công rời rạc. ĐĐ 4 tiếp tục rút nhanh về phía sau trong khi ĐĐ 2 báo cáo quân địch đuổi theo ĐĐ 4 rất đông. Tiểu đoàn gọi 200 tràng nữa chận phía sau ĐĐ 4 theo hướng dẫn của ĐĐ 2. Quân CSVN chựng lại giữa bãi trận địa pháo của VNCH. Đại đội 2 được lệnh rút về phía sau ngang với vị trí của ĐĐ 4. Quân của Đại đội 4 chỉ bị tổn thất 7 người.

    Lúc 8 giờ sáng, ĐĐ 1 cho quân thám sát vị trí trận địa pháo nhưng toán Thám Sát bị pháo 75 ly của quân CSVN. Cùng lúc đó 1 phi tuần A.37 lên yểm trợ cho TĐ 231 ĐPQ được phi cơ quan sát hướng dẫn thả bom vào vị trí đặt pháo đồng thời báo cho biết nhiều toán quân CSVN từ khu vực bị bom đang chạy ngược về phía Tây. Đợi phi cơ rời vùng, Tiểu đoàn 231 gọi 100 tràng vào vị trí mà phi cơ quan sát chỉ điểm.

    Lúc 10 giờ sáng, Đại đội 2 di chuyển về phía sau vị trí của BCH/ Tiểu đoàn để lập tuyến án ngữ chặn hậu trong trường hợp Tiểu đoàn lui binh, ĐĐ 3 lên thế vị trí của ĐĐ 2, lúc này quân số của ĐĐ 3 chỉ còn một 1/2.
    Lúc 3 giờ chiều, ĐĐ3 phát hiện trong đám rừng cây trước mặt có dấu hiệu cờ trắng, sau đó có vài người dân cầm cờ trắng ra phất trước đám rừng, Thiếu úy Phúc, Đại đội phó, xin được ra đón dân; Tiểu đoàn không đồng ý, phải cho vài người ra trước phòng tuyến ra hiệu cho dân chạy về hướng của mình.

    Nhận được hiệu cho phép của quân VNCH, khoảng 200 người dân Ban Mê Thuột từ trong rừng chạy ùa về phía quân VNCH, đích thân Thiếu úy Phúc dẫn quân ra trước cửa rừng đón dân. Không ngờ phía sau dân là quân csVN, họ nổ súng thẳng vào đội hình của ĐĐ3 . Quân ĐĐ3 buộc lòng phải nổ súng vào cả dân để chận quân csVN đang tràn tới, cả đám dân chạy ngược lại khu rừng phía bên kia.

    Một số quân CSVN cố gắng tràn tới nhưng bị bắn hạ, một số còn lại chạy theo dân để trở lại phía bên kia. Ngay khi đó đại bác 57 ly, 75 ly và súng cối 61 ly của quân CSVN từ trong rừng phía bên kia bắn tràn ngập vào vị trí của ĐĐ3. Đại đội hoàn toàn tan rã, riêng Thiếu úy Phúc bị thương ở chân nhưng vẫn chạy được. Mọi việc diễn ra trước ống dòm của Trưởng ban hành quân Tiểu đoàn 231 ĐPQ.

    Tiểu đoàn gọi về BCH hành quân để hỏi ý kiến vì có dân trong đám rừng của quân CSVN. Lệnh của BCH hành quân (Trung tá Ngô Quý Hùng) là bắt buộc phải phải tiêu diệt cả khu rừng. Tiểu đoàn gọi 200 tràng. BCH trách là sao kêu ít như vậy? Trưởng ban 3 Tiểu đoàn cho biết để xem 200 tràng ( 2.400 trái ) ra sao cái đã, rồi sẽ kêu tiếp. Tuy nhiên sau khi khói tan thì cả khu rừng rộng gấp 4 cái sân banh chỉ còn như là một đống rác toàn màu khói đen và màu bụi đỏ (sic).

    Lúc 6 giờ 15, đến phiên BCH tiểu đoàn 231 ĐPQ lọt vào trận địa pháo của quân CSVN, nguyên Tiểu đội tình báo và Trung đội truyền tin bị tiêu diệt ngay loạt đạn đầu. Thiếu úy Đại đội Phó Đại đội Chỉ huy Nguyễn Ngọc Hòa tử trận.

    Cùng lúc đó ĐĐ4 báo cáo đang bị tràn ngập. Lúc này trời nhá nhem tối, đây là lần đầu tiên có chuyện tấn công lúc trời mới tối, hoàn toàn khác với thông lệ từ trước tới giờ, có lẽ ĐĐ 4 chọn điểm đóng quân đêm trùng với điểm di quân của quân csVN ( tao ngộ chiến ), quân csVN đông hơn và ra tay trước.

    Lúc 10 giờ đêm, tổng số quân gom lại được của BCH và Đại đội chỉ huy Tiểu đoàn là 28 người, hy vọng sáng mai sẽ có thêm người thất lạc tìm về. Cũng lúc đó ĐĐ4 cho biết là gom được 47 người, hy vọng sẽ có thêm vào sáng mai.

    Ngày 20-3,
    Lúc 6 giờ sáng, Đại đội 1 bị lọt ổ phục kích trên đường di chuyển về phía BCH Tiểu đoàn. Quân số địch khoảng 1 tiểu đoàn. Không thể gọi Pháo binh vì ta và địch ở trong thế cài răng lược. Đại đội Trưởng cho biết ông cùng với khoảng 1 chục binh sĩ đang chạy tháo về phía sau. Đợi 15 phút cho toán quân đang tháo chạy đã cách xa điểm chạm súng một khoảng an toàn, Tiểu đoàn gọi 200 tràng vào ngay vị trí của ta và địch trước đó 15 phút. Sau đó gọi 200 tràng bắt đầu từ nơi chạm địch rải về phía Tây, tức là trên đường quân CSVN rút về.

    Lúc 8 giờ, kiểm điểm quân số BCH Tiểu đoàn và Đại đội chỉ huy, có thêm 10 người chạy lạc trong đêm đã nhập lại đơn vị. Trong khi đó ĐĐ 4 đang trên đường di chuyển về hướng BCH Tiểu đoàn, quân số của Đại đội vẫn là 47 người, không có ai về thêm.

    Lúc 11giờ 30, toán 12 người của ĐĐ1 về đến BCH Tiểu đoàn. Toàn bộ BCH Tiểu đoàn rút về phía sau vị trí của ĐĐ2. Lúc này ĐĐ3 và ĐĐ1 đã bị xóa sổ. Đại úy Đại đội trưởng ĐĐ3 dẫn được vài người sống xót nhập vào ĐĐ4. Đại úy đại đội trưởng ĐĐ3 (Lý) nhận được lệnh chỉ huy luôn cả số quân còn lại của ĐĐ 4. Trước đó ĐĐ4 do Thiếu úy Đại đội phó (Thanh) chỉ huy; Đại úy Đại đội trưởng (Châu) đi phép trước khi hành quân.

    Lúc 2 giờ chiều Đại đội 4 về ngang vị trí phòng thủ của ĐĐ2. Được lệnh tiếp tục di chuyển về phía sau của BCH Tiểu đoàn để án ngữ chặn hậu trong trường hợp BCH Tiểu đoàn và ĐĐ2 lui binh.

    Lúc chiều tối, ĐĐ2 của Tiểu đoàn 231/ĐPQ bị pháo nhưng không chính xác, vị trí bị pháo cách vị trí của đại đội 500 mét. Tiếng nổ cho thấy là đạn cỡ 130 ly hay 122 ly chứ không phải là đại bác không giật 82 ly và sơn pháo 75 ly như trước đây. Tiếng súng “đề pa” nghe rất xa cho nên không thể nào xác định được vị trí đặt pháo để gọi phản pháo.

    Sau khi biết vị trí phòng ngự đã bị lộ, BCH Tiểu đoàn và ĐĐ2 chuẩn bị rút lui về phía sau, gởi hỏa tập tiên liệu để dự phòng quân csVN sẽ tấn công vào sáng sớm ngày mai. Nhưng ngay khi đó lại nhận được lệnh bàn giao khu vực hành quân cho Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 40 BB thuộc Sư đoàn 22 BB/VNCH.

    Như vậy là đã hoàn thành tốt đẹp giao hẹn 3 ngày cầm chân địch. Giao hẹn có 3 ngày nhưng nay đã hết ngày thứ 5. Cũng sau ngày này thì Trung đoàn 25 csVN và Trung đoàn 95B /csVN không còn được nhắc tới trong lịch sử trận chiến “Mùa Xuân 1975”.

    Lúc 8 giờ tối, Tiểu đoàn 2/40 BB (Thiếu Tá Tốt) vào tần số liên lạc với TĐ 231, xin xác nhận điểm đứng của BCH 231 để tới gặp và bàn giao vị trí. Qua trao đổi giữa ông và Trưởng ban hành quân TĐ 231 thì có vẻ như ông không tin điểm đứng hiện tại của 231 là thật (nghi rằng báo cáo dối chứ sự thực phải ở phía sau xa). Tiểu đoàn 231 xác nhận đó là vị trí đang đóng quân thật sự.

    Lúc 10 giờ đêm, Tiểu đoàn Trưởng TĐ 2/40 BB cùng với Trung úy Trưởng ban Hành Quân và hai binh sĩ đến gặp Tiểu đoàn Trưởng 231/ĐPQ (Thiếu Tá Nguyễn Duy Hoàng). Thiếu Tá Tốt đã nhận được đầy đủ thông tin tại chiến trường, ông và vị sĩ quan Trưởng Ban 3 của ông rất tự tin, cho biết sáng mai ông sẽ lấy vị trí này làm tuyến phòng thủ trên cùng để chặn đoàn quân csVN từ Ban Mê Thuột tràn xuống. Hai bên trao đổi trong đêm tối và chỉ dẫn bản đồ dưới ánh đèn pin. Thiếu Tá Tốt cũng cho biết là quân Dù đã lên tới đèo M’Drak vào chiều hôm qua.

    Cùng lúc đó Đại đội Trinh sát của Trung đoàn 40 BB vào tần số để bắt liên lạc, tiếp nhận vị trí của Đại đội 4/231 ĐPQ.

    Ngày 21-3,
    Lúc 6 giờ sáng. Tiểu đoàn 231 ĐPQ chào giả từ Tiểu đoàn 2/40 BB để rút về tuyến sau (BCH Chi khu Khánh Dương).

    Lúc 11 giờ 30, Tiểu đoàn 231 về tới vị trí của BCH hành quân tại Buôn M’Dung. Quân số còn không tới một nửa (khoảng 180 người, bởi vì các đại đội thay đổi báo cáo liên tục, có một số rời đại đội để vào bệnh xá hoặc lên phi cơ tản thương do bi thương nhưng cố lết về tới nơi, một số khác được tản thương trong 3 ngày trước nhưng chỉ bị thương nhẹ nên nhập trở lại đơn vị. Trong số mới nhập đơn vị có 1 sĩ quan và 3 binh sĩ mới đi phép về).

    Lúc 12 giờ trưa, toàn tiểu đoàn nghỉ ngơi tắm giặt và nhận lương khô

    Lúc 12giờ 15 trưa, phi trường Khánh Dương bị tấn công. Quân csVN pháo vào phi trường và BCH Chi khu khoảng vài chục trái 82 ly và 57 ly, sau đó khoảng 2 đại đội từ trong chân núi tràn vào hàng rào phi đạo. Trước đó họ đã âm thầm thanh toán Trung đội Nghĩa Quân chốt tại chân núi (toàn là người sắc tộc Miền Núi, có lẽ họ đã ngã theo quân csVN).

    Khi vừa bị pháo kích, khoảng 35 chiếc trực thăng và L.19 tại phi trường đồng một loạt bay lên lánh nạn, vô tình 2 tiểu đoàn csVN đang chuẩn bị tấn công phi trường làm mồi cho trực thăng võ trang (lực lượng csVN không có súng phòng không, có lẽ đây là 2 trong số 4 tiểu đoàn địa phương của tỉnh đội csVN tại Khánh Hòa). Vì có sẵn quá nhiều đạn cho nên các trực thăng rưới đạn như mưa vào khu rừng dọc chân núi chạy song song với phi đạo. Không ai ngờ là quân csVN nằm chết la liệt trong rừng mà tới chiều tối mới phát hiện được.

    Sau nửa tiếng náo loạn, các phi cơ lại đáp trở xuống phi trường để ứng trực cho chiến trường. Toán quân csVN tràn vào hàng rào phi đạo đã chạy ngược vào rừng, một số ngã chết giữa đường từ rừng tới phi đạo nhưng vì BCH hành quân không còn lực lượng phản kích cho nên không ai nghĩ tới chuyện lục soát trận địa để kiểm tra kết quả tác xạ của trực thăng. Vả lại BCH hành quân đang cần thêm lực lượng để tăng cường phòng thủ phi trường Khánh Dương nhưng không còn quân.

    Chú giải: So lại với sổ tay chiến trường của Thiếu Tá Phạm Huấn:

    “12 giờ 15 phi trường Khánh Dương bị pháo. Một lực lượng địch chưa biết rõ quân số về cách phi trường Khánh Dương 1 cây số theo hướng Nam. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh lùi thêm 10 cây cố về phía Nam Khánh Dương….” (Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên, trang 191).

    “14 giờ 20 phút, Tỉnh Trưởng Nha Trang báo cáo lực lượng chính Việt Cộng vẫn ở trên cây số 62 Quốc Lộ 21. Phi cơ quan sát cho tin sai, không có Việt Cộng ở phi trường Khánh Dương…” (trang 192).

    BTL Quân khu 2 và Phạm Huấn nghĩ rằng quân csVN tấn công phi trường Khánh Dương thì phải tràn từ hướng Ban Mê Thuột xuống, nghĩa là phải đánh tan lực lượng của Sư đoàn 22 Bộ Binh đang hành quân tại khu vực cây số 62. Cho nên khi nghe tin phi trường KD bị tấn công thì Đại Tá Lý Bá Phẩm, Tiểu khu Trưởng Khánh Hòa, hỏi lại BCH hành quân tại Khánh Dương, BCH hành quân đã hỏi lại Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 40 thuộc Sư đoàn 22 BB thì Thiếu Tá Tốt cho biết ông đang hành quân tại khu vực cây số 62 và tình hình tại đây đang yên tĩnh.

    Do đó Đại Tá Phẩm xác nhận lại với BTL QK 2 để bác bỏ tin quân csVN từ BMT đã tới thị trấn Khánh Dương. Thực ra đây là do Phạm Huấn (và cũng có thể là cả BTL Quân Khu 2) suy diễn sai: Phi cơ L.19 đã trông thấy quân csVN tràn vào phi trường từ khu rừng phía Nam BCH Chi khu KD chứ không phải trông thấy quân csVN từ phía Tây Bắc của BCH Chi khu. Nghĩa là quân tấn công không phải từ BMT tràn xuống, mà từ trong rừng Khánh Dương đánh ra. Phi cơ đã báo đúng, nhưng nhà báo Phạm Huấn suy diễn sai.
    Cũng theo sổ tay chiến trường của Phạm Huấn:

    “17 giờ , Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh được lệnh trở lại Khánh Dương chỉ huy, không được lùi thêm…”(trang 192).

    Nhưng sau đó 20 phút, cũng theo Phạm Huấn:
    “17 giờ 20 phút, tin từ mặt trận Khánh Dương xác nhận toàn bộ sư đoàn F.10 Cọng sản Bắc Việt đã ở vùng cây số 62. Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 40 vừa giao tranh với một trung đoàn Cọng sản Bắc Việt. Quân ta hạ 2 xe tăng Bắc Việt ở 10 cây số Tây Khánh Dương. Gần 100 xác Việt Cộng bỏ lại chiến trường với vũ khí. Hai tù binh Cọng sản Bắc Việt bị bắt đã khai thuộc Sư đoàn F.10 Cọng sản Bắc Việt…” (trang 192, 193).

    Đọc qua đoạn ghi chép này của Thiếu tá Phạm Huấn thì những nhà quân sự học buộc phải đánh dấu hỏi về mức khả tín của tài liệu do nhà báo Phạm Huấn ghi lại: Vào lúc 17 giờ thì tình hình yên tĩnh đến nổi Tướng Phú ra lệnh cho Đại Tá Tư Lệnh Sư đoàn 23BB phải trở lại Khánh Dương. Nhưng 20 phút sau thì 2 xe tăng Bắc Việt cháy, 100 xác địch bỏ lại chiến trường, hai tù binh bị bắt khai là thuộc Sư đoàn 10 csVN (!).

    Một chuỗi biến cố như vậy không thể nào diễn ra trong vòng 20 phút, nhanh nhất phải là 2 tiếng, hoặc 3 tiếng đồng hồ. (sự thực là TĐ 2/40 đánh nhau với quân csVN khoảng 2 giờ 30 trưa nhưng không hiểu vì sao tới 5 giờ chiều Tướng Phú lại nhận được báo cáo Khánh Dương vô sự).

    Có thể giải đoán những khúc mắc khó hiểu này như sau:

    Lúc 14 giờ 20, sau khi nhận được tin Phi trường Khánh Dương vô sự thì Tướng Phú bay ra chỉ huy mặt trận Liên Tỉnh Lộ 7. Đến 5 giờ chiều thì ông về đến Nha Trang và ngồi nghe thuyết trình diễn tiến hành quân tại chiến trường Khánh Dương. Việc đầu tiên là ông ra lệnh cho Đại Tá Đức phải trở lại BCH/Chi khu Khánh Dương. Phạm Huấn có mặt tại phòng thuyết trình cho nên ông ta ghi vào sổ tay (lúc 17 giờ).

    Sau đó các sĩ quan hành quân của BTL/QK 2 bắt đầu thuyết trình về cuộc đụng độ giữa Tiểu đoàn 2/TrĐ 40 BB và quân CSVN từ 2 giờ 30 chiều. Và sau 20 phút thuyết trình thì tới đoạn tổng kết về kết quả của trận đánh. Lúc đó Phạm Huấn cũng ghi vào sổ tay (lúc 17 giờ 20). Cho nên mới có chuyện là 17 giờ yên tĩnh và 20 phút sau thì “2 xe tăng cháy, 100 xác chết, 2 tù binh”!

    Lúc 3 giờ chiều, Toàn bộ Tiểu đoàn 231/ĐPQ được đặt dưới quyền điều động của Chi khu Khánh Dương, có nhiệm vụ phòng thủ phi trường và BCH Chi khu thay thế cho Tiểu đoàn 272/ĐPQ đang phòng thủ BCH Chi khu rút về Diên Khánh.

    Đại đội 2/231 ĐPQ di quân vào án ngữ phòng thủ bên khu rừng dọc chân núi phía Tây Bắc phi trường Khánh Dương (Đỉnh núi có Cao độ 612). Thực ra Tiểu đoàn 231/ĐPQ chỉ còn 2 đại đội: Đại đội 2 còn nguyên vẹn như ngày đầu bởi vì được dùng làm lực lượng yểm trợ phía sau BCH Tiểu đoàn, đại đội 4 còn một nửa sau trận tao ngộ chiến đêm 19-3, đại đội chỉ huy còn 1 nửa sau trận pháo đêm 19-3. Đại đội 1 và Đại đội 3 đã bị xóa sổ.

    Lúc 4 giờ chiều Đại đội 4 và BCH/Tiểu đoàn chiếm lĩnh ngọn núi phía sau BCH Chi khu Khánh Dương (có cao độ 528, cũng thuộc dãy núi 612). Lúc này ĐĐ 4 do Đại úy Châu mới đi phép về chỉ huy. Đại đội trưởng ĐĐ 3 (Lý) chỉ huy Đại đội chỉ huy.

    Lúc 4 giờ 15, Đại đội 2/ 231/ ĐPQ báo cáo trong khu rừng dưới chân núi có xác csVN nằm la liệt, có khoảng 20 csVN bị thương nhẹ xin đầu hàng, khoảng 10 bị thương nặng xin được cứu. Đây là toán quân thuộc 2 tiểu đoàn tấn công phi trường Khánh Dương lúc trưa đã bị trực thăng vũ trang tiêu diệt; số mạnh khỏe còn lại đã tháo chạy bỏ lại đồng bạn. Theo lời khai của họ thì họ thuộc lực lượng cơ động tỉnh của Tỉnh đội Khánh Hòa (tiểu đoàn địa phương).

    Lệnh của Chi khu Trưởng Chi khu Khánh Dương (Thiếu tá Trịnh Thanh Bình) là cứ bỏ mặc quân CSVN ở đó, cho họ thức ăn, nước uống; còn Đại đội di chuyển đi chỗ khác. Đại đội 2 báo cáo không thể nào phòng thủ qua đêm tại khu vực đầy xác chết và cả người bị thương còn sống. Vả lại không thể biết được còn bao nhiêu quân CSVN có vũ khí đang còn lẩn quẩn trong rừng. Sau đó do sự nằn nì của Trung úy Đại đội trưởng Lê Bá Luyện (nguyên Trưởng ban Hành Quân Chi khu Khánh Dương, có thân tình với ông Chi khu Trưởng) Thiếu Tá Bình chấp thuận cho ĐĐ 2 di chuyển về vòng đai phòng thủ phi trường.

    Lúc 8 giờ đêm, Trung đội 1 của ĐĐ 4 (Chuẩn úy Đạo) đụng độ với 1 toán quân csVN giữa khu vực trách nhiệm của ĐĐ4 và BCH/TĐ, kết quả có 2 chết 2 bị thương nhưng toàn trung đội bị lạc nhau trong đêm tối. Thiếu úy Đại đội phó (Thanh) dẫn 1 tiểu đội đi tìm gom lại Trung đội 1. Lúc này Đại đội 4 chỉ còn 2 trung đội.

    ***********

    4. Trận Khánh Dương - Ngày Chót

    Ngày 22-3
    Lúc 7 giờ sáng, quân CSVN bắn sơn pháo 75 ly vào lô cốt trên đỉnh núi 528 của ĐĐ4, đồng thời pháo vào BCH/ TĐ 231. Đại úy Châu và 16 lính ĐĐ 4 chết ngay loạt đạn đầu, Thiếu úy Thanh dẫn số còn lại chạy tạt vế phía BCH Tiểu đoàn. Chuẩn úy Đạo chỉ huy trung đội bắn chận quân csVN từ đỉnh 612 tràn qua.
    Có thể đây là lực lượng quân địa phương của csVN thuộc 2 tiểu đoàn đánh vào phi trường Khánh Dương vào chiều hôm qua. Còn quân chính quy csVN từ Ban Mê Thuột vẫn còn cách BCH Chi khu Khánh Dương trên 5 cây số.

    Cùng lúc 7 giờ sáng, quân CSVN pháo khoảng 1.000 quả đạn 130 ly vào phi trường Khánh Dương, đạn đạo bay xà qua đỉnh 528, nơi BCH/TĐ đóng quân, một số vướng đá nổ ngay trên đỉnh núi. Ống dòm của Trưởng ban Hành Quân TĐ không nhìn thấy vị trí đặt súng của pháo binh csVN (vì quá xa, đại bác 130 ly của CSVN bắn xa tới 28 cây số).

    Pháo binh VNCH xin Trưởng ban hành quân TĐ 231 xác định hướng bay của đạn đạo để các khẩu đội có thể áng chừng vị trí pháo binh của quân CSVN để phản pháo. Tuy nhiên theo quan sát của TĐ 231 thì điểm nổ áng chừng của Pháo Binh VNCH còn cách quá xa vị trí đặt súng của CSVN, mặc dầu pháo binh VNCH đã bắn hết tầm.

    BCH/ Tiểu đoàn 231 và BCH Chi khu Khánh Dương mất liên lạc với ĐĐ 2 đang giữ nhiệm vụ phòng thủ phi trường.

    Cùng lúc 7 giờ, Tiểu đoàn 2/40 của Sư đoàn 2 BB bị tấn công tràn ngập, ống dòm của Trưởng ban 3 TĐ 231 từ trên đỉnh 528 thấy rõ quân CSVN dàn hàng ngang từ trên sườn núi tiến xuống truy kích quân của TĐ 2/40 BB/VNCH. Do vì cả hai bên cùng bận áo trận màu xanh nên không thể điều chỉnh pháo binh để ngăn chặn đoàn quân đang đuổi theo. Vả lại đoàn quân đuổi phía sau cũng không nổ súng cho nên trên đỉnh núi cũng không chắc quân đuổi theo là quân CSVN, có thể cũng là một đoàn quân di tản thứ hai của TĐ 2/40 BB/VNCH.

    Lúc 7 giờ 20, người lính mang máy của TĐ 2/40 VNCH vừa khóc vừa báo cho TĐ 231 là Thiếu tá Tốt đã tử trận ( Lúc đó 2 máy của 2 tiểu đoàn đang ở tần số liên lạc riêng để 231 hướng dẫn cho 2/40 biết hướng đuổi theo của quân CSVN, và máy Truyền Tin của Pháo Binh Trung đoàn 40 BB cũng đang ở trên tần số này để chuẩn bị bắn giải cứu cho 2/40 BB). Pháo Binh TrĐ.40 hỏi thăm về Trưởng ban hành quân Tiểu đoàn 2/40 nhưng ông này cũng đã tử trận.

    Lúc 7 giờ 30, quân csVN bắn khoảng 50 trái sơn pháo 75 ly vào vị trí của BCH Tiểu đoàn 231 và ĐĐ4. Toàn bộ Tiểu đoàn tan rã, mạnh ai nấy chạy xuống chân núi. Quân csVN tiếp tục pháo 130 ly vào BCH Chi khu Khánh Dương.

    Lúc 8 giờ Chi khu Khánh Dương di tản theo Quốc lộ về đèo M’Drak.

    Những người sống sót của Tiểu đoàn 231/ĐPQ di tản dọc theo sườn núi phía Bắc Quốc lộ để xuống đèo M’Drak

    Lúc 3 giờ chiều, toán di tản đầu tiên về đến cầu 24 (Trung tâm huấn luyện Lam Sơn). Đến 10 giờ đêm vẫn có người tiếp tục về đến cầu 24.

    Ngày 23-3
    Lúc 8 giờ sáng, tổng kiểm điểm quân số, Tiểu đoàn 231 về được 72 người, kể cả những người bị thương nặng, nhẹ. ĐĐ 2 là đại đội còn nguyên tới ngày cuối cùng nhưng đã bị pháo binh CSVN tiêu diệt trong giờ cuối cùng. Đại đội Trưởng Lê Bá Luyện và 4 người nữa còn sống sót.

    * (và 1 năm sau có một người thứ 73 trở về với gia đình tại Văn Sơn, Phan Rang. Đó là Trung úy Đại đội Phó Đại đội 2 Huỳnh Văn Hồng. Ông bị bắt ngày 23-3-1975 trên chốt đèo M’Drak.

    Sau khi thẩm vấn, biết ông là sĩ quan của Tiểu đoàn 231, viên Thượng úy Tiểu đoàn Trưởng csVN dẫn ông ra xa, bắt ngồi xuống một hố đá rồi bắn 7 phát đạn K.54 vào người của ông; 3 viên bắn ra ngoài, 4 viên trúng vào người nhưng không chết. Sau 1 năm ông mới gượng đi lại được và được csVN cho về nhà để tiếp tục điều trị. Trong thời gian bị giam Trung úy Hồng hỏi thăm thì mới biết người ta lầm Tiểu đoàn 231 ĐPQ với Tiểu đoàn 231 Pháo binh tại Phi Trường Phụng Dực, BMT.

    Nguyên do ngày 10-3-1975, Trung đoàn 149 thuộc Sư đoàn 316/CSVN tấn công BCH Trung đoàn 53 BB/VNCH và Tiểu đoàn 1/53 tại phi trường Phụng Dực; nhưng cuộc tấn công bị thất bại nặng nề vì quân 231/PB VNCH bắn đạn trực xạ vào lưng 2 tiểu đoàn csVN đang tấn công.

    Ba ngày sau, ngày 14-3 csVN tập trung 2 trung đoàn còn lại của Sư đoàn 316/csVN tấn công vị trí của Trung đoàn 53, nhưng lại bị pháo trực xạ nên phải rút lui.

    Qua ngày sau, ngày 15-3, toàn bộ số quân còn lại của Sư đoàn 316 csVN tập trung tấn công Căn cứ pháo binh, nhưng lần này thì bị đạn chống biển người khiến cho Sư đoàn 316 bị xóa sổ. Chiều ngày 15-3, các trung đội Pháo binh 231 hết đạn và không còn tiếp tế nên hủy súng để di tản. Ba ngày sau, ngày 17, Sư đoàn 10/csVN mới hạ được Trung đoàn 53 BB. Từ đó những quân nhân còn sống xót trong Sư đoàn 316 csVN thâm thù quân 231/PB VNCH đến xương tủy).

    Năm 1975, ngày 23-3, lúc 10 giờ sáng, Đại tá Trần Văn Tự, Tiểu khu Trưởng Ninh Thuận ra tại cầu 24, phát cho mỗi chiến sĩ 2,000 đồng và cho xe chở về Ninh Thuận.

    (Diễn tiến hành quân trên đây được viết theo sổ tay hành quân củaTrung úy Bùi Anh Trinh, Trưởng ban Hành Quân Tiểu đoàn 231/ĐPQ).

    Vài Lời Chân Tình của Tác Giả Bùi Anh Trinh
    Trưởng ban Hành Quân của Tiểu đoàn 231 ĐPQ chính là tôi, Trung Úy Bùi Anh Trinh. Hiện nay Tiểu đoàn Trưởng Nguyễn Duy Hoàng, Đại úy Đại đội Trưởng ĐĐ chỉ huy Lương Văn Thông và tôi đang sinh sống tại Little Saigon, Cali. Thiếu Tá Nguyễn Xuân Hớn đang sinh sống tại Boston USA. Trung Tá Ngô Quý Hùng lâu nay sinh sống tại VN, ông từ chối đi Mỹ mặc dầu ông trải qua 13 năm trong trại tù. Ông vừa mới mất ngày 10 tháng 7 năm 2016.

    Tiểu đoàn chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ cầm chân quân CSVN từ Ban Mê Thuột tràn xuống Nha Trang. Thành công này là do chiến thuật “Pháo Binh + Trinh Sát Bộ Binh” của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú. Quân CSVN bị chặn lại trong 5 ngày vì Pháo Binh và Phi Cơ chứ không phải vì 1 tiểu đoàn ĐPQ.

    Người ngoài quân đội khó mà hình dung được tầm mức khủng khiếp của những tràng đạn đại bác mà chúng tôi đã sử dụng tại chiến trường Khánh Dương. Nhưng có một cách để so sánh dành cho người ngoài quân đội : Đó là năm 1954, trong suốt trận Điện Biên Phủ, 36 khẩu đại bác 105 ly của quân csVN đã bắn tất cả 20.000 trái đạn vào quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Trong khi đó tiểu đoàn chúng tôi chỉ trong 1 ngày, như ngày 19-3, đã gọi tất cả 900 tràng, tức là 10,800 trái đại bác 105 và 155 ly vào đội hình tấn công của quân csVN !

    Từ trước tới nay trong sách hay các bài viết của mình tôi không bao giờ đề cập đến chiến tích của cá nhân mình bởi vì tôi tự thấy không hay ho gì nếu đem đặt bên cạnh cái chết của 250 ngàn chiến hữu VNCH và 58 ngàn chiến hữu Hoa Kỳ. Riêng đối với gia đình của 304 chiến hữu trong Tiểu đoàn 231/ĐPQ đã nằm lại tại chiến trường Khánh Dương thì là một tội lỗi quá lớn của chính tôi.

    Trong những năm tháng u ám ở trong tù tôi có dư thì giờ để hối hận. Lúc quyết định chấp nhận hy sinh mạng sống của mình tôi đã quyết định hy sinh mạng sống của 376 chiến hữu khác. Rốt cuộc thì chúng tôi đã làm được gì? Tại sao tôi lại phải sống trong khi 304 người khác đã chết vì quyết định vô ích của tôi? Tệ hơn nữa, cái chết của 304 người kéo theo 304 gia đình! Nếu ngày đó tôi dẫn nguyên Tiểu đoàn bỏ chạy trong ngày đầu tiên thì kết quả cũng đến như thế này mà thôi.

    Tháng Tư năm 2012 trong một buổi ngồi nói chuyện ngoài quán cà phê với Thanh Toàn, phóng viên của đài SPTN, Thanh Toàn đã bất ngờ hỏi tôi: “Anh đã làm gì trong những ngày tháng Tư năm 1975”. Tôi trả lời ngay mà không kịp suy nghĩ: “Tôi chỉ biết hết lòng hết sức làm theo những gì mà cấp chỉ huy của tôi mong nuốn. Và tôi nghĩ tôi đã làm hết sức của mình rồi”.

    Không ngờ lúc đó Thanh Toàn đã bật máy thu hình mà tôi không biết bởi vì tánh tôi không ưa xuất hiện trước công chúng. Và rồi Thanh Toàn cũng đã lén đưa đoạn phim đó lên truyền hình mà không hỏi ý kiến của tôi. Sau khi phát hình xong, Thanh Toàn đưa cho tôi dĩa DVD và cười giả lả: “Bởi vì em thấy anh trả lời dễ thương quá, bỏ qua rất uổng”.

    Trước đó cũng tại quán cà phê đó tôi thường ngồi nói chuyện với nhà văn Cao Xuân Huy, chiến hữu TQLC. Cao Xuân Huy thường thúc tôi viết lại trận Khánh Dương nhưng tôi nói với anh là tôi sẽ không viết bởi vì nếu viết thì trước tiên tôi phải vạch mặt những người đâm sau lưng chúng tôi. Đó là những người bận áo lính ngồi lê đôi mách chuyên môn bươi móc hoặc bịa đặt những điều xấu xa trong quân đội VNCH.

    Hoặc những người bận đồ lính ngồi trong văn phòng thổi ống đu đủ, bơm chúng tôi thành những ông thánh, những anh hùng không biết sợ chết là gì. Và hễ chúng tôi thua trận hoặc hơi lùi thì họ cho là chết nhát (sic). Trong khi sự thực chúng tôi là con người cho nên chúng tôi cũng ham sống, sợ chết như ai. Đã đánh trận thì có khi thắng có khi thua chứ không ai cầm thanh gươm mà nói chắc là mình luôn luôn thắng.

    Cao Xuân Huy cũng có kinh nghiệm buồn về cuốn sách “Tháng Ba Gãy Súng” của anh. Có nhiều người ở trong quân đội VNCH nhưng chưa bao giờ được hân hạnh bắn một phát súng đã kết tội Cao Xuân Huy là “Chuyên môn nói xấu các cấp chỉ huy”, “Nó làm như chỉ có mình nó là anh hùng, còn tất cả là hèn nhát”, “Tại sao lại viết về mặt trái không đẹp của VNCH”, “Thua trận rồi đổ cho cấp trên làm gì nữa” v.v…Trong khi CXH chỉ nói lên sự thật chua xót của những người lính bị bỏ rơi.

    Tôi không sợ sẽ bị hiểu lầm như Cao Xuân Huy, nhưng tự sâu xa trong đáy lòng tôi rất ngại phải khơi gợi lại một lỗi lầm mà mình đã cố chôn vùi từ lâu. Ngoài ra, có thể người ta sẽ cho rằng tôi là một sĩ quan cấp nhỏ muốn đổ hết trách nhiệm cho “bọn to đầu” để cho sự thua trận của mình khả dĩ “coi được”.

    Tuy nhiên sau khi xem lại đoạn băng nói chuyện với Thanh Toàn tôi mới nhận ra là ngày đó mình không còn một lựa chọn nào khác, cho dù kết quả rất bi đát nhưng mình đã làm đúng. Ngược lại, nếu giờ đây tôi chôn vùi câu chuyện này vào dĩ vãng thì cái chết của Tướng Phú và 304 chiến hữu của tôi sẽ trở thành oan uổng. Từ đó tôi mới có ý định viết lại trận đánh với tất cả mặt trái đen tối của nó. Nhưng rồi năm nay tôi được làm quen với người bạn nhỏ tuổi hơn là Châu Xuân Nguyễn. Châu đã nói với tôi : “Cái cần là anh là người trong cuộc chiến, anh chỉ kể những huy hoàng và “amnesia” ( tự nhiên mất trí nhớ ) về mặt trái thì ai trách anh đâu”. Nghe lời Châu tôi quyết định xóa bỏ những đoạn có dính dáng đến mặt trái đau xót mà tôi đã viết xong.

    Vậy thì xin lượng thứ nếu thấy trong bài tường thuật này tôi toàn nói tốt.

    ********

    5. Trận Khánh Dương - Những Lời Bịa Đặt Tồi Bại

    Sổ tay chiến trường của Thiếu tá Phạm Huấn vào ngày 22-3-1975 :
    “Rừng núi Cao Nguyên thật lạnh. Nhưng họ cũng đã quen sau những năm tháng dài trấn đóng và hành quân tại Miền Bắc Kontum trước đây. Các chiến sĩ Trung đoàn 40 và 2 tiểu đoàn Địa phương Quân thiện chiến của Tiểu khu Phan Rang, luôn luôn trong tình trạng báo động trên chiến tuyến phía Tây mặt trận Khánh Dương. (thực ra chỉ có 1 tiểu đoàn ĐPQ nhưng đã chết hết một nửa sau 5 ngày tử chiến với quân CSVN từ Ban Mê Thuột).

    “Đúng 7 giờ 30 sáng, một trận địa chấn kinh hồn. Hàng ngàn, nhiều ngàn trái đại bác của địch nã vào như “bắn hiệu lực” trên tuyến phòng thủ. Sau đó là chiến xa và biển người.

    Sư đoàn F 10 cọng sản Bắc Việt dốc toàn lực lượng với chiến xa, pháo binh quyết rửa cái nhục chiều ngày hôm qua. Khoảng 40 phút, các lực lượng phòng thủ phía Tây Khánh Dương gồm gần nửa quân số Trung đoàn 40, Sư đoàn 22 Bộ binh và 2 tiểu đoàn Địa phương Quân Phan Rang, tan ra từng… mảnh nhỏ.” (Phạm Huấn, Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên - trang 199).

    Lúc đó Tiểu đoàn 231/ĐPQ đang nằm trong vòng đai phòng thủ BCH quận Khánh Dương và Tiểu đoàn 2/40 BB cách quận 5 cây số về hướng Ban Mê Thuột. Nghĩa là Quận lỵ Khánh Dương bị tràn ngập từ phía Ban Mê Thuột và từ trong rừng phía Nam BCH Chi khu. Thế nhưng sau đó Phạm Huấn lại ghi tiếp:

    “ 10 giờ, Chi khu Khánh Dương di tản vì bị Việt Cộng tràn ngập (!). Đây là màn dàn cảnh của Quận trưởng Khánh Dương : Cho em út thuộc Tiểu đoàn 272 Địa phương Quân Khánh Hòa bắn súng cối vào hàng rào phòng thủ quận rồi bỏ chạy. Tiểu đoàn 63 pháo binh sau đó, vào quận kéo 2 khẩu đại bác 105 ly đi, không thấy có Việt Cọng. Tướng Phú ra lệnh truy tố Quận trưởng Khánh Dương, nhưng sau đó lại bỏ (!)…”

    Nghĩa là vào lúc 10 giờ sáng ngày 22-3-1975 Chi khu Khánh Dương vẫn còn nguyên sau khi đã tan ra từng mãnh nhỏ vào lúc 7 giờ 30 sáng?.Đây chỉ là suy diễn bệnh hoạn của Thiếu Tá Huấn từ chuyện kéo 2 khẩu súng:

    Nguyên do khi quân csVN pháo vào phi trường và BCH/Chi khu thì cũng là pháo vào 2 khẩu 155 ly (không phải 105 ly như tài liệu của Phạm Huấn). Đây là 2 khẩu pháo duy nhất được đặt trong vòng rào BCH/Chi khu. Cho nên khi vừa dứt pháo thì Chi khu cho lệnh di tản bởi vì toàn Chi khu bị tràn ngập mà tại quận Khánh Dương không còn dân mà cũng không còn lính. Các pháo thủ nhảy theo các loại xe trong chi khu để di tản. Riêng ông Trung đội Trưởng Pháo Binh cũng lên xe jeep dông theo đoàn di tản.

    Đến 9 giờ ngớt pháo, tình hình có vẻ yên ắng thì cả đám mới phát hiện ra 10 khẩu 105 ly được kéo về M’Drak an toàn, riêng ông Trung đội Trưởng Pháo Binh 155 ly bỏ chạy mà chưa phá hủy 2 khẩu súng. Bắt buộc ông phải mon men trở lại để còn kịp thì kéo súng đi, còn không kịp thì hủy súng chứ không sẽ bị ra tòa.

    Hỏi thăm những người chạy sau cho biết quân csVN từ Ban Mê Thuột đang còn đánh nhau với 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 40 BB cách BCH Chi khu 5 cây số, và Tiểu đoàn 231 đang còn cầm cự trên đồi sau lưng BCH Chi khu cho nên sĩ quan trung đội trưởng của 2 khẩu 155 ly đem GMC về kéo súng. Hai khẩu 155 được kéo về đầu đèo M’Drak an toàn. Lúc đó BCH hành quân của Sư đoàn 23 BB tại đầu đèo M’Drak mới báo về BTL Quân khu 2 là cho tới 10 giờ sáng quân csVN cũng chưa tới BCH Chi khu Khánh Dương.

    Những ông quan “ngồi lê đôi mách” ở hậu phương
    Trong khi sự thật là bắt đầu từ 7 giờ sáng, cứ thêm 1 phút là thêm xác chết của binh lính của Trung đoàn 40 BB và Tiểu đoàn 231/ĐPQ ngã xuống tại chiến trường phía Tây BCH Chi khu Khánh Dương. Sở dĩ quân CSVN chưa vào được BCH Chi khu là vì đang bị chận lại bởi các tiểu đoàn Bộ Binh của Trung đoàn 40 BB và Tiểu đoàn 231/ĐPQ.

    Di hại của trí tưởng tượng của Phạm Huấn là người đời đọc sách của ông ta luôn luôn có ấn tượng không tốt về tinh thần làm việc của quân lực VNCH, toàn là cấp trên lừa cấp dưới, cấp dưới dối trá cấp trên, không có luật lệ, không có kỷ cương, muốn báo cáo sao thì báo, muốn truy tố ai thì truy tố, chẳng cần bằng chứng, chẳng cần nhân chứng. Có thể nào có chuyện báo cáo láo và truy tố ẩu hay không? Không thể nào có được, bởi vì hệ thống chỉ huy của quân đội của bất cứ nước nào cũng có những biện pháp ngăn ngừa tình trạng này:

    Theo huấn thị điều hành căn bản của Bộ TTM/QLVNCH thì mỗi trung tâm hành quân (cấp trung đoàn trở lên hoặc cấp chi khu trở lên) phải có một cuốn sổ lớn để ghi lại diễn tiến từng giờ từng phút mọi biến cố xảy ra trong khu vực trách nhiệm, bắt buộc phải ghi đúng ngay lúc sự việc đang xảy ra, nhằm tránh trường hợp có xảy ra lỗi lầm nhưng chối lỗi. Quyển sổ đó được gọi là “sổ nhật ký hành quân”.

    Không thể có chuyện tẩy xóa hay viết lại những trang ghi chép trong sổ nhật ký hành quân bởi vì mỗi trang giấy trắng của quyển sổ đều được đóng dấu giáp lai (giữa hai trang giấy) và trên mỗi con dấu đều có chữ ký của Đơn vị phó, nhằm tránh tình trạng viết lại trang nhật ký hoặc ngụy tạo bằng một trang giấy khác. Sở dĩ phải do ông đơn vị phó ký là để đề phòng trường hợp chính đơn vị trưởng phạm lỗi rồi sai nhân viên xé trang cũ, viết trang khác để chạy tội.

    Thiếu Tá Huấn chỉ là một nhà báo được học căn bản về quân sự nhưng không rành về Chỉ huy Tham mưu cho nên ông có rất nhiều tưởng tượng của những người không rành về quân đội. Ngay việc ông gọi quyển sổ tay ghi chép của ông là “Nhật ký hành quân” cũng không đúng; sổ của ông được gọi là “sổ tay chiến trường” của phóng viên báo chí. Riêng chuyện Khánh Dương tan nát rồi sau đó Khánh Dương còn nguyên đủ chứng tỏ Phạm Huấn ghi lại không đúng thời gian, chuyện xảy ra trước đựợc ghi lại sau trong khi chuyện xảy ra sau được ghi trước.

    Do vì không sắp đặt theo thứ tự thời gian và không ghi đầy đủ diễn tiến của tình hình cho nên Phạm Huấn bị ảnh hưởng bởi trí tưởng tượng vô tư của những người ngồi trên các quán cà phê vĩa hè. Trong khi con người ta đang chết từng giờ từng phút trên chiến trường thì mấy quan ngồi tại hậu phương tha hồ tưởng tượng. Nội chuyện phi trường Khánh Dương bị tấn công trở thành không bị tấn công, và Tiểu đoàn 231/ĐPQ biến thành Tiểu đoàn 272/ĐPQ là những điển hình .

    Ngoài ra “2 tiểu đoàn thiện chiến của Phan Rang” mà Phạm Huấn viết cũng chỉ là bịa đặt. Sự thực Tiểu Đoàn 250/ĐPQ của Phan Rang đã bị đánh tan trong ngày 12-3, tức là trước đó 10 ngày. Khi Tiểu đoàn 231/ĐPQ lên đường đi Khánh Dương vào sáng sớm ngày 14-3 thì nguyên thành phố Phan Rang như một đám tang: Gia đình, thân nhân của Tiểu đoàn 250 đứng dọc theo Quốc Lộ 1 để đón các chuyến xe từ Nha Trang tới, mong tìm xem có thêm người nào sống sót được trở về hay không.

    Còn “tiểu đoàn thiện chiến 231/ĐPQ” thì trong ngày 22-3 chỉ là 180 “tàn binh” mệt mỏi và xuống tinh thần sau 5 ngày tử chiến với quân CSVN từ Ban Mê Thuột. Lẽ ra họ phải được đưa về tuyến sau để nghỉ ngơi và lấy lại hồn, nhưng họ vẫn phải tiếp tục đứng trên tuyến đầu bởi vì các quan ngồi tại hậu phương cho rằng họ là “2 tiểu đoàn thiện chiến” còn nguyên khí thế ! (hai tiểu đoàn khoảng 1,000 người).

    Nhưng rồi chỉ trong vòng 40 phút tự nhiên 1,000 chiến binh của Sư đoàn 22 BB và 1,000 chiến binh thiện chiến của Phan Rang “tan ra… từng mảnh nhỏ”, không thấy nói đánh như thế nào và tan như thế nào (sic).

    Lời bịa đặt dựa theo trí tưởng tượng bệnh hoạn
    Sự vô tâm của Thiếu tá Phạm Huấn càng nặng hơn nữa khi ông ghi chuyện này vào trong tác phẩm của ông với đánh giá riêng của cá nhân ông: “Trong những ngày sôi bỏng của mặt trận Khánh Dương, Nha Trang, hôm ông Quận trưởng Khánh Dương cho lính địa phương quân bắn súng cối vào gần hàng rào phòng thủ, rồi báo cáo quận bị Việt cộng tràn ngập, và rút lui. Tướng Phú giận lắm, định cách chức Tỉnh trưởng Nha Trang và truy tố Quận trưởng Khánh Dương ra tòa án mặt trận.

    Nhưng rồi buổi tối, bà Đại Tá Lý Bá Phẩm, vợ Tỉnh Trưởng Nha Trang, tới gặp bà Phú… một lát, Tướng Phú lại đổi ý kiến”.

    Đây là lối suy luận của những kẻ ngồi lê đôi mách trên vĩa hè chứ không phải là của một Thiếu Tá thuộc binh chủng Nhảy Dù từng tốt nghiệp trường Võ Bị Đà Lạt. Nếu quả thật ông Quận Trưởng Khánh Dương có làm chuyện đó thì Tỉnh Trưởng Lý Bá Phẩm sẽ là người có trách nhiệm truy tố ông Quận trưởng ra trước Tòa án binh chứ đâu phải là ông Tướng Phú. Bởi vì ông Quận Trưởng thuộc quyền quản lý của Bộ Nội Vụ chứ không phải của Bộ Quốc Phòng.

    Còn muốn cách chức Tỉnh trưởng thì chỉ có Tổng thống hay Bộ trưởng bộ Nội Vụ bởi vì những Tỉnh trưởng của những tỉnh quan trọng do Tổng thống bổ nhiệm, những tỉnh nhỏ do Thủ tướng (Kiêm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ) bổ nhiệm. Trong Vùng 2 có 5 ông Tỉnh trưởng do Tổng thống bổ nhiệm, đó là các ông Hoàng Đình Thọ, Lý Bá Phẩm, Trần Văn Tự, Ngô Tấn Nghĩa và Nguyễn Hợp Đoàn. Vả lại từ ngày 17-3-1975 Tướng Phú đã giao Chi khu Khánh Dương thuộc quyền chỉ huy của Đại tá Đức, Tư lệnh Sư đoàn 23 BB, vậy nếu có kỷ luật thì kỷ luật Đại Tá Đức chứ sao lại kỷ luật Đại Tá Phẩm? Không lẽ Phạm Huấn không biết về hệ thống chỉ huy trong quân đội?

    Đúng là lúc 10 giờ sáng ông Tướng có nổi giận đòi truy tố ông Chi khu trưởng bởi vì ông nhận được báo cáo là Chi khu KD còn nguyên. Nhưng sau đó ông Tướng bỏ qua bởi vì người ta tiếp tục báo cáo cho ông rằng 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 40 và Tiểu đoàn 231/ĐPQ đã tan rã. Bộ chỉ huy Sư đoàn 23 của Đại Tá Lê Hữu Đức và BCH Trung đoàn 40 BB của Trung Tá Nguyễn Thành Danh cũng rút khỏi Khánh Dương trước Thiếu Tá Bình. Vậy thì lấy bằng cớ nào mà ông Tướng có thể truy tố ông Thiếu tá Bình?

    Chuyện đòi cách chức Đại tá Phẩm vì tội của ông Quận trưởng Bình là chuyện phi lý. Rồi chuyện bà Phẩm đi gặp bà Phú để chạy tội cho ông Bình lại càng vô lý hơn, rồi ông Tướng Phú cho vợ nhận tiền của bà Phẩm để tha cho ông Bình lại càng vô lý hơn nữa. Mọi chuyện xảy ra trong lúc dầu sôi lửa bỏng, các nơi đều di tản, loạn lạc. Ai hơi đâu mà chạy tiền giữ chức? Nhất là chức quận trưởng của cái quận đã lọt vào tay quân Cọng sản?

    Trong khi Thiếu tá Phạm Huấn là tay chân thân tín của Tướng Phú đã nói ra thì ai mà không tin? Giờ đây Tướng Phú đã chết thì Huấn có quyền phịa vô tội vạ vì biết mọi người không ai còn mặt mũi nào mà phản bác. Nhưng Huấn không hề nghĩ tới rằng vợ con của những nạn nhân oan ức sẽ phải đau lòng suốt đời vì những bịa đặt hạ cấp của ông ta.

    Chú Thích Của Người Viết
    Năm 1996 tôi đến Mỹ theo diện tị nạn chính trị. Việc đầu tiên là tôi tìm tài liệu để giải mã trận Khánh Dương mà chính tôi có tham dự dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú. Thời đó, 1996, thì quyển sách “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975” của Thiếu Tá Phạm Huấn là một tài liệu ăn khách nhất vì tính cách khả tín của nó.

    Nhưng tôi hoàn toàn thất vọng khi lật từng trang của tài liệu này. Tất cả chỉ là những suy diễn bệnh hoạn dựa trên một số những ghi chép “không đầu không đuôi” của Phạm Huấn. Ngoài ra ông ta cũng đã ranh mãnh dựa theo những tài liệu nổi tiếng thời sau 1975 như sách Đại Thắng Mùa Xuân của Văn tiến Dũng, sách Decent Inteval của Frank Snepp, sách The Final Collapse của Đại Tướng Cao Văn Viên, và sách The Palace File của Nguyễn Tiến Hưng.

    Điển hình nhất là chuyện bịa đặt trắng trợn về Tiểu đoàn 231/ĐPQ của chúng tôi. Cũng may là kẻ gian không được thông minh cho nên ông ta nói trước hở sau, cái sau đá cái trước. Do đó nếu muốn chứng minh thì chỉ cần trích dẫn những gì do chính ông ta viết. Không phải là tôi chủ tâm lật mặt Thiếu tá Huấn để rửa mặt cho chúng tôi, nhưng tôi muốn nhân vụ này để làm đầu cầu bác bỏ những lời vu oan độc địa của Phạm Huấn đối với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm, Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất…

    Ngoài ra tôi cũng không muốn những lời bịa đặt tồi bại lại được hậu thế lấy làm căn bản cho các tài liệu lịch sử nói về các trận đánh cuối cùng của Quân đoàn II. Con cháu đời sau đi tìm hiểu sự thực về VNCH qua tài liệu của Phạm Huấn sẽ thấy chế độ VNCH là một chế độ thối nát. Ở phía trước các ông chồng làm Tư lệnh Quân đoàn, làm Tỉnh trưởng; còn ở phía sau các bà vợ ăn tiền chạy chọt! Đúng như những gì CSVN đã dạy cho học sinh Việt Nam (sic).

    Có nhiều người đã cản tôi lật mặt Phạm Huấn với lý do lịch sử đã sang trang (sic). Tôi có thể bỏ qua những gì đã bị chôn lấp bởi thời gian, nhưng tôi không chấp nhận lịch sử viết sai về chúng tôi, về chế độ VNCH. Giờ đây tôi chỉ nói về những bịa đặt hạ cấp do chính Phạm Huấn viết ra trong sách của ông ta chứ tôi không đưa ra những nhận xét về tư cách tồi tệ của Phạm Huấn do những nhân vật trong cuộc kể lại cho báo chí.

    Bùi Anh Trinh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X