Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nghề thuốc Cẩm Lệ ở Huế

Collapse
X

Nghề thuốc Cẩm Lệ ở Huế

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nghề thuốc Cẩm Lệ ở Huế

    Nghề thuốc Cẩm Lệ ở Huế

    HOÀNG HƯƠNG TRANG

    Cách nay hơn một thế kỷ, người Huế, kể cả lớp lao động, nông dân, buôn bán cho đến các cậu mợ, các thầy các cô, các ông già bà lão, kể cả giới quý tộc, đều ghiền một lại thuốc lá gọi là thuốc Cẩm Lệ.
    Thuốc Cẩm Lệ là thuốc rời, muốn hút phải vốc một loại ít quấn vào tờ giấy quyến, vấn như hình sâu kèn, người lao động, nông dân vấn điếu to bằng ngón tay, người trí thức sang cả chỉ vấn thanh cảnh, nhỏ như sâu kèn thôi. Hút chỉ 3 phần tư điếu thuốc, phần còn lại gọi là tàn thuốc thường dán lên cột nhà, dán dưới phản gỗ v.v..., người nghèo khó không có tiền mua thuốc phải đi lột những tàn thuốc ấy, gom 3, 4 tàn lại thì quấn được một điếu hút cho đỡ ghiền.

    Có điều lạ, thuốc Cẩm Lệ vốn nổi tiếng không những ở Huế mà tiếng tăm còn lan xa đến Quảng Trị, Quảng Bình vào tận Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mỗi khi có dịp đi Huế hoặc có ai đi Huế đều gởi gắm mua vài lượng thuốc Cẩm Lệ coi là món quà quý giá. Nhưng thuốc Cẩm Lệ ấy lại không phải do đất Huế trồng nên mà gốc gác thuốc ngon là do trồng ở đất Quảng Nam, làng Cẩm Lệ là thuốc thượng hạng. Nhưng nghịch lý là đất Quảng Nam trồng được thuốc ngon, mà không bài chế thành thuốc ngon đặc biệt như ở Huế, cho nên họ thường trồng cây thuốc, hái lá thuốc, hong phơi khô, đóng thành kiện rồi “xuất khẩu” ra Huế, người mua về, có kỹ thuật chế biến riêng thành thứ thuốc có hương vị, phẩm chất độc đáo, không nơi nào có được, và trở thành món hàng quý Thuốc Cẩm Lệ Huế.

    Thật ra không phải ở Huế ai cũng bào chế được đâu. Người đầu tiên tìm ra cách bào chế độc đáo, ngon nổi tiếng, đến tận bây giờ, những ông bà già ngoài 80 vẫn còn nhắc đến tên tuổi, đó là bà Cửu Mai ở đầu đường bờ Hột Mát, bây giờ là đường Bạch Đằng. Ngôi nhà số 10 đường Bạch Đằng là gốc gác gia truyền nghề thuốc Cẩm Lệ, trải qua nhiều đời và giàu có nổi tiếng nhờ vào công thức chế biến thuốc Cẩm Lệ ấy, đến đời thứ 4 thì bỏ nghề, vì con cháu lo học hành, lấy vợ lấy chồng ở xa, làm các ngành nghề khác nên không còn tiếp tục làm thuốc Cẩm Lệ nữa.

    Thuở ấy, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 chỉ mới có một nhà làm thuốc Cẩm Lệ là bà Cửu Mai, người làng Vân Thê mà thôi, vài chục năm sau, một số người bắt chước làm theo và cũng nổi tiếng đó là bà Cửu Ới ở Gia Hội, đời con là chị Hàm ở Trần Hưng Đạo, gia đình này là họ hàng, cùng làng Vân Thê với bà Cửu Mai, nên làm theo công thức của bà Cửu Mai, còn có bà Bửu Hoàng ở cửa Đông Ba là cháu bà Cửu Mai, rồi tới mụ Thôi ở gần đường Ngự Viên, cô Phòng ở chợ Đông Ba, mụ Cháu ở An Cựu v.v... đều là thế hệ đi sau bà Cửu Mai cả.

    Đến nay nghề thuốc Cẩm Lệ ở Huế đã thất truyền, mọi người đều hút thuốc điếu gọi là thuốc tây, không phiền phức phải vấn sâu kèn, thuốc tây mua đâu cũng có, dễ dàng, tiện lợi hơn. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn nhớ hương vị độc đáo của thuốc Cẩm Lệ. Để nhớ đến người khai sơn phá thạch nghề thuốc Cẩm Lệ đã hơn trăm năm nay, nhớ ơn bà cố nội Cửu Mai của dòng họ tôi, nhớ bà mà con cháu giàu có, nhiều ruộng, lắm nhà, được dân Huế còn mãi nhớ tên bà và không quên sản nghiệp của bà vang danh một thuở. Có lẽ cả dòng họ chỉ còn tôi là người duy nhất còn nhớ được cái công thức chế biến thuốc Cẩm Lệ. Tôi viết lại bài này, trước hết là để thắp một nén nhang trầm và một lời tri ân đến Bà Cố của dòng họ tôi, thứ hai là ghi lại một nghề đã thất truyền, chẳng còn ai biết nữa. Tôi không có ý đồ làm sống lại một nghề đã thất truyền, nhất là nghề làm thuốc Cẩm Lệ, rất có hại cho sức khỏe, nó cũng gần như một loại thuốc nghiện, nặng hơn thuốc lá điếu, nặng hơn cả thuốc Lào bây giờ.

    Ở Huế không trồng được cây thuốc ngon như đất Cẩm Lệ ở Quảng Nam, nhưng ở Quảng Nam không bào chế được thành một loại thuốc ngon độc đáo bằng ở Huế. Do vậy, đến mùa hái lá thuốc, hong phơi xong, đóng thành từng kiện lớn khoảng 100 kilô, rồi chở cả xe tải ra Huế bán. Ở Huế coi thuốc, thử thuốc loại ngon số 1 hay số 2, ngả giá xong, mua cả xe tải, chất vào kho thuốc để chế biến dần quanh năm. Có những tốp thợ làm thuốc, cuốn thuốc đến nhà, lấy thuốc từ kho ra, xổ thuốc phân loại, loại lá to để riêng làm lá áo, loại lá nhỏ, lá nhánh để riêng làm ruột. Lá áo được làm cẩn thận, tước rất khéo tay để nguyên lá không bị rách, còn cọng ở giữa lấy nguyên vẹn ra riêng, bó thành từng bó khoảng và ký lô (cọng nghĩa là cái sóng lá). Lá nhánh, lá nhỏ, được tước ra để riêng từng đống, cọng cũng để riêng. Người ta thường nấu loại cọng thuốc trong nồi rất lớn hoặc một cái thùng phuy, nấu cho đến khi nước còn ít, đặc lại, lúc bấy giờ để loại nước cốt này cho nguội, lá thuốc đã tước đánh thành đống trên nền nhà xi-măng đã lau sạch, dùng nước cốt rảy vào, xóc xới cho tơi khi nước cốt thấm vào thuốc dịu tay là được, đó là ruột thuốc. Có lá lớn để riêng làm áo cũng rảy nước cốt cho dịu, để riêng làm áo. Cứ vài ba lá trải ra, cuốn dần ruột thuốc theo hình tròn, dài mãi ra, cuốn khoanh tròn như bánh pháo, mỗi khoanh thuốc khoảng vài ký lô, mỗi đợt cuốn thuốc có khoảng vài chục khoanh chất chồng cao lên, để khỏi khô, người ta lấy lá chuối tươi quấn chung quanh. Như thế là tốp thợ làm thuốc đã xong. Đến giai đoạn xắt thuốc, có thợ xắt riêng, có bàn xắt, dao xắt là một dao yếm to để xắt lát thuốc mỏng và đều, xắt đến đâu, cuốn thuốc mở ra dần cho đến hết, thuốc xắt vào quả thuốc xây tròn cho thuốc đều khắp quả, về sau có máy xắt thuốc nhanh hơn. Quả cũng lót lá chuối tươi, quả đầy cũng được đậy lá chuối tươi như thế thuốc còn mềm mại không bị khô, thuốc khô hút khét mất hương vị ngon. Người bán thường cân thuốc bằng cái cân như cân thuốc Bắc, gói thuốc bằng lá chuối tươi bên ngoài, bên trong lót lá chuối khô, gói thuốc kèm theo vài dung giấy quyến để người hút tự xé một mảnh giấy quyến hình chữ nhật, vốc một ít thuốc cho vào và cuốn theo hình sâu kèn. Loại thuốc ấy hút rất nghiện. Giai đoạn về sau có nhiều nhà chế biến còn muốn cho người hút nghiện hơn nữa, họ còn dã tâm cho cả xái thuốc phiện và nồi nấu cọng để rảy lên lá thuốc.

    Khoảng từ 30 năm nay nghề thuốc Cẩm Lệ đã không còn nữa, những hàng bán thuốc ở Huế không thấy ai nhắc tới nữa. Một nghề đã thất truyền hoàn toàn, còn chăng là ký ức của những người già còn nhớ lại thôi.

    H.H.T
    (SDB11/12-13)

  • #2
    Thuốc Lá Cẩm Lệ

    Thuốc Lá Cẩm Lệ
    Cảnh Bình Nhung


    Góp mặt vào các loại thuốc lá thơm ngon trên toàn quốc, thuốc lá Cẩm Lệ (sản xuất tại Cẩm Lệ - Hòa Vang) là một đặc sản xưa nay được nhiều nơi ham chuộng. Sự nhận xét này rất xác đáng có lẽ là do các yếu tố về chủng loại, thổ nhưỡng, kỹ thuật trồng thuốc cổ truyền, mà ngay các nơi trồng thuốc lá khác trong tỉnh Quảng Nam muốn thử trồng cũng không sao sản xuất được loại thuốc lá có phẩm chất tương tự.

    Bước đầu khảo sát vùng Cẩm Lệ, tìm hiểu và giới thiệu về cây thuốc lá và nghề trồng thuốc nơi đây, chúng tôi hy vọng ghi lại một phần kinh nghiệm trồng thuốc cổ truyền của người dân Cẩm Lệ còn được bảo tồn để góp phần tạo nên loại thuốc lá xưa nay nổi tiếng gần xa.Theo “Phủ Biên Tạp Lục” (toàn tập tập I) của Lê Quý Đôn thì Cẩm Lệ là một xã trong mười xã thuộc tổng Lỗ Giản huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, được hình thành ổn định vào thế kỷ XVIII. Đơn vị xã Cẩm Lệ còn tồn tại cho đến nửa đầu thế kỷ XX. Ngày nay về mặt hành chánh “xã Cẩm Lệ” không còn ranh giới như trước kia, nhưng danh xưng “vùng Cẩm Lệ” vẫn được người dân nói tới để chỉ đến những vùng đất gồm thôn Bình Thái và những vùng đất kế cận như các thôn Phong Bắc, thuộc xã Hòa Thọ - Hòa Vang.Thuốc lá thuộc loại cây ngắn ngày được người dân Cẩm Lệ trồng sớm. Từ ngày ươm hạt cho đến ngày thu hoạch khoảng 150 ngày.

    Thời vụ thích hợp nhất (vụ mùa) được giới hạn từ tháng 8 đến tháng 12 Âm Lịch, có khi trồng muộn hơn một hai tháng. Thời gian này gặp những điều kiện thuận lợi cho khí hậu tương đối ôn hòa của xứ Quảng Nam (nhiệt độ trung bình từ 20-24 độ C và ít có những trận mưa lớn ảnh hưởng đến cây trồng), hơn nữa còn dùng được nhân công sau một mùa lúa để đầu tư vào việc trồng thuốc. Khác với các loại cây thuốc lá ở các vùng khác trong tỉnh Quảng Nam, thường có dáng cây to cao (hơn l.5m), tàu lá dài rộng và dòn (kích thước mỗi lá thường là 0.6m x 0.3m), cây thuốc lá Cẩm Lệ có tầm cao vừa phải (khoảng 1m), mảnh mai, tàu lá thon nhỏ, khá dày, bóng, đều đặn và mềm dẻo, cuống lá ngắn tròn, gọn, không có tai lá hai bên (kích thước mỗi lá chừng 0.2m x 0.8m).

    Từ lâu, không ít những gia đình nông dân vùng Cẩm Lệ đã chuyên việc trồng thuốc và bỏ thuốc (bán thuốc) cho những lái buôn theo tuyến đường từ Quảng Trị vào. Các gia đình có truyền thống trong nghề trồng thuốc ở Cẩm Lệ đều cho rằng giống thuốc lá của họ còn đến ngày nay có lẽ là do sự bảo tồn nguyên vẹn (không lai tạo) một giống thuốc đặc sắc vốn được cha ông họ đưa từ các tỉnh miền Bắc mang vào trong quá khứ để khai hoang lập nghiệp. Dần dà, việc chọn giống thuốc qua các mùa và việc bảo quản hạt giống cẩn thận của người dân Cẩm Lệ đã là một trong những yếu tố bền vững giúp cho việc tạo nên nét đặc trưng của loại thuốc nơi đất Cẩm Lệ này.So với những vùng đất khác ở huyện Hòa Vang cũng như các nơi khác trong tỉnh Quảng Nam, thổ nhưỡng vùng Cẩm Lệ có lẽ được thiên nhiên ưu đãi về thành phần chất khoáng và những loại vi khuẩn thích hợp nhất cho quá trình sinh trưởng và phát triển đồng đều của cây thuốc lá. Địa thế nơi đây tương đối cao, diện tích đất cát pha khá nhiều và có phần hơi xa nguồn nước nên người dân sớm biết tận dụng để trồng thuốc lá. Buổi đầu việc trồng thuốc còn chưa phổ biến, những gia đình mới bắt đầu “vào nghề” thường chỉ trồng ngay trong vườn (quanh nhà với vài trăm gốc, càng về sau, biết được lợi thế của loại đất quê nhà đối với cây thuốc lá, họ tính chuyện mở rộng diện tích trồng xa nhà với số lượng nhiều hơn trước gọi là phụ kế sinh nhai.

    Theo kinh nghiệm lâu đời, những người trồng thuốc ở Cẩm Lệ rất coi trọng việc chọn đất và sửa soạn cho đất trước khi bắt tay vào việc trồng, họ cho rằng loại đất cát pha là tốt nhất vì độ thoáng khí và giữ màu của đất tốt, song người trồng thuốc phải biết trồng cách năm (tức là một năm chỉ trồng một vụ, và sau một vụ phải để cho đất nghỉ từ 1 đến 2 năm, nếu trồng tiếp vụ thì cây thuốc thường bị chật lại). Trước đây, trong vùng Cẩm Lệ, người ta hay nhắc đến một vài địa điểm trồng nhiều thuốc nhất và có tiếng tăm như Gò Mô, Cây Cốc. Ở nơi này, trung bình mỗi nhà trồng từ 3,000-5,000 cây, những gia đình chuyên nghề trồng thuốc lá thì số lượng có thể lên đến 10,000 cây hoặc hơn thế nữa. Ngày nay, vùng trồng thuốc lá đã được lan rộng ra các nơi Cẩm Hòa, Gò Theo, quanh Cẩm Lệ và mỗi nhà thường trồng từ 500-2,000 cây. Có thể nói vấn đề thổ nhưỡng riêng biệt của vùng Cẩm Lệ được coi là một yếu tố quan trọng bổ sung vào chất lượng độc đáo của thuốc lá nơi đây. Như vậy, ngoài hai yếu tố tự nhiên về giống và thổ nhưỡng mà người dân Cẩm Lệ nói đến đầu tiên, theo chúng tôi, nhất thiết phải kể đến một số nét trong kỹ thuật trồng thuốc có tính cổ truyền, những kinh nghiệm nghề nghiệp khá phong phú của họ vốn được tích lũy qua rất nhiều năm.

    Để tiến hành trồng thuốc, người dân Cẩm Lệ đã chuẩn bị tỉ mỉ từ khi dọn đất, ủ phân, công việc này được bắt đầu từ tháng 7 Âm Lịch. Đất vườn hoặc đất bãi được cày cuốc tơi xốp và cào bằng phẳng. Vấn đề phân bón cũng được chú ý ngay từ đầu cũng như trong suốt thời kỳ trồng. Để cây thuốc không bị quắn rễ hoặc cháy lá sau mỗi thời kỳ bón phân, trước đây người ta thường dùng phân bò khô hoặc phân heo ráo nước tiểu được ủ với nhiều loại lá cây rừng trong vòng 2 đến 3 tháng cho rã mục. Thêm vào đó, người ta còn dùng bánh dầu tán mịn như bột cám để kết hợp với phân chuồng bón cho cây thuốc theo liều lượng và cách thức nhất định trong ba thời kỳ đầu của cây thuốc (gọi là: Nước nhất - nước nhử và nước phụ), ở thời kỳ sau cùng (nước vun hàng) thì có thể dùng bánh dầu tán bột lớn để bón. Đáng chú ý là so với phân chuồng, lượng bánh dầu được bón tăng dần lên từ đầu kỳ đến cuối kỳ phát triển của cây thuốc.

    Việc bổ trợ lượng bánh dầu trong thành phần phân bón có tác dụng làm cho cây thuốc lớn nhanh và đều, lá thuốc bóng dẻo và có lượng bột đáng kể. Muốn cho việc trồng thuốc được đúng mùa, ngay từ đầu tháng 8 Âm Lịch, người ta bắt đầu ươm hạt giống, khâu trồng này đòi hỏi sự cẩn thận mới có thể gây tạo con giống tốt cho cây trồng sau này. Lần lượt, họ dựng chòi nhỏ (diện tích 6-8m), có mái che, xung quanh đan nan tre mắt cáo cho chặt vừa phải, tưới nước ẩm. Sau đó người ta lấy hạt giống vốn được giữ gìn kỹ lưỡng (trong các lọ có tẩm tro bếp) đem cho vào rổ có mắt đan nhỏ rồi rây đều lên mặt đất, sau đó lấy lá chuối hoặc lá dừa phủ lên trên khoảng 20-25 ngày sau, cây thuốc đã lên cao chừng 2-3cm và ra 3-4 lá nhỏ, người ta tiếp tục lấy lá dừa hoặc lá chuối làm thành cái hoẵng nhỏ (hình trụ cỡ bằng cổ chai) bên trong có bỏ phân bò khô mịn lẫn đất bột tỷ lệ 50% mỗi thứ, rồi bứng nhẹ cây thuốc đặt vào hoẵng cho vừa chặt để cho cây thuốc mọc thẳng. Sau đó người ta xếp các hoẵng cây vào trong những cái trành (tức là những khay bằng gỗ hay bằng nan tre đan hình chữ nhật có khuôn khổ 0.6 X 0.4 X 0.1m) để tiện di chuyển tránh nắng gắt hay mưa lớn trong vòng từ 10 đến 15 ngày.Khi cây ươm đã có vẻ cứng cáp, trổ được 5 lá nách thỏ thì người ta có thể đem ra trồng xuống ruộng đất đã chuẩn bị kỳ trước (bước này còn gọi là nước nhất). Họ tháo hoẵng bọc cây và đặt con giống xuyên phân xuống đất để rễ cây khỏi quắn vì độ nồng của lượt phân lót đầu (phân và bánh dầu tán mịn được trộn lẫn với nhau theo lượng: 1 gánh phân khô khoảng 7.5kg thì được bón cho 1,000 cây thuốc). Mỗi cây được trồng trên một mô đất nhỏ để tránh đọng nước khoảng cách mỗi cây từ 0.4m đến 0.5m.

    Sau 20 ngày, cây thuốc lên cao 0.3m, người ta thường tính ngày và đếm lá trên cây để tiến hành chăm bón cây thuốc theo 3 thời kỳ chính, mỗi thời kỳ đòi hỏi sự chăm sóc công phu của người trồng thuốc trong cách thức bón phân, tưới nước, bắt sâu v.v... và các phương pháp kỹ thuật khéo léo để thúc đẩy cây thuốc lớn đều và lá thuốc mượt mà lành lặn, chẳng hạn:Ở thời kỳ nhử (bón nước nhử): Để tạo cho cây phát triển hoàn chỉnh về bộ rễ, theo kinh nghiệm thì người ta không trộn lẫn hai thứ phân chuồng và bánh dầu với nhau nữa, mà phải bớt đất quanh gốc trước, bánh dầu mịn khoanh sau, vun đất lại theo hình mu rùa và tưới nước cách ngày cho cây. Ở thời kỳ này cứ 1,000 cây thuốc thì sử dụng tối đa chừng 4 gánh phân (khoảng 200kg) và 10 tấm bánh dầu (25kg). Khoảng 20-25 ngày sau người ta tiếp tục bón nước phụ cho cây.Ở thời kỳ phụ (còn gọi là rà nước 2): Lúc này cây thuốc đã khôn, rễ lớn nhanh và bắt đầu đâm đọt, nhánh. Đây là thời kỳ cây thuốc ăn phân nhiều nhất, vì vậy người ta dồn công chăm cây thường và chu đáo. Lượng phân cần thiết cho 1.000 cây vào khoảng 30 gánh phân chuồng (1,500kg) và 24 tấm bánh dầu (60kg). Cây thuốc đâm đọt nên người ta chú ý bắt sâu giữ đọt cẩn thận để cây phát triển chiều cao. Mười lăm ngày sau khi bón phân, đếm 6-7 lá dài kể từ gốc thì họ bắt đầu múm ngọn (tức cắt ngọn) để cây đâm chồi, thông thường họ để cây đâm 3 chồi, trừ những cây mạnh có thể để 4-5 chồi, tưới nước thường xuyên ngày một lần; sau 10 ngày, chồi 3 hoặc chồi 5 đã lên dài và trổ lá non xanh mượt.

    Bước vào tới kỳ bón vun hàng (chăm nước 3): Lượng bánh dầu được dùng nhiều nhất so với thời kỳ (khoảng 40 tấm bánh dầu 100kg trong khi lượng phân khoảng 6 bánh 300kg để bón cho 1.000 cây thuốc). Bánh dầu không cần giã mịn vì thời kỳ chăm cuối cùng cho cây nên để cây hấp thụ dần chất bổ. Một thời gian sau, khi lá chồi đã lớn, và trên chồi xuất hiện những búp nhỏ ở các nách lá người ta bắt đầu cơi thuốc (tức ngắt búp) và ngắt cho hết nhánh nhỏ ở nách lá chồi để lá chồi ra nhanh và to đều. Cứ cách từ 5 đến 7 ngày thì cơi thuốc một lần, sau 3 lần cơi thuốc thì bước vào thời kỳ chuẩn bị thu hoạch lá thuốc. Để bảo đảm thu được những lá thuốc nguyên lành đẹp mắt, trong quá trình cơi thuốc, người ta còn chú ý bắt sâu rầy bằng cách lăn cục hồ dẻo bằng bột sắn lên mặt lá một cách nhẹ nhàng.Như vậy trong vòng khoảng 8 tháng kể từ khi đặt con giống xuống ruộng, người ta có thể tiến hành thu lá rồi. Thông thường trước đây người ta thu hoạch một lượt nhưng theo từng bước để dễ dàng phân loại lá thuốc. Trước hết là lấy lá trên chồi khi lá còn xanh tươi, dùng tay cầm gần cuống và giật ngược từ dưới lên để nhánh chồi khỏi bị xược vỏ, lá trên chồi này được xếp vào loại lá thuốc nhất (loại ngon nhất) và được để riêng ra, thường thường mỗi cây cho khoảng 25 - 30 lá chồi.

    Tiếp đến người ta ngắt lá ôm chồi (được xếp loại lá thứ 3), lá dưới cùng chồi (còn gọi là lá sai - được xếp vào loại lá thứ 2). Về sau để cho cây tận dụng cho hết các chất dinh dưỡng trong đất, người ta đã tiến hành thu hoạch lá thuốc theo 2 lần: lần thứ nhất căn bản giống như trên, còn lần thứ 2 cách lần đầu khoảng 1 tháng lúc ấy gọi là tu thuốc nhánh, tuy được khá nhiều lá nhưng phần lớn tàu lá nhỏ hơn và kém phẩm chất hơn.Bước vào những ngày chuẩn bị sắm sửa cho ngày Tết cổ truyền hàng năm, cũng là những ngày người dân Cẩm Lệ bận rộn với công việc làm thuốc. Theo lệ thường, nhà nào trồng thuốc nhiều có thể mướn người trong làng tới cùng với con cháu họ lo việc tuốt nan, xâu lá, phơi lá, hứng sương, đẩy thuốc v.v... Mọi công việc đều làm bằng tay rất tẩn mẩn và nhẹ nhàng. Cật tre được chẻ chuốt sao cho tròn nhỏ và dài chừng một sải tay để xâu 100 đến 150 lá làm thành một chả thuốc. Các chả thuốc được treo chỗ thoáng gió trong nhà cho se lá rồi mới đem phơi 4 -5 lượt nắng to để lá thuốc khô đều và ngã sang màu vàng đỏ hung hung.Những người trồng thuốc lâu năm đều cho rằng phải trở lá thuốc sao cho đủ nắng và thoáng gió để mặt lưng lá có màu gụ như màu đất ướt, còn mặt trong của lá có màu vàng như màu gạch nung già thì mới gọi là được lá thuốc ngon.


    Sau đợt phơi nắng, người ta tiếp tục công việc lấy sương một đêm cho lá thuốc mềm dịu giữ màu, dễ dàng cho khâu sau cùng là đẩy thuốc (tức vuốt lá thuốc cho phẳng), mỗi chả thuốc được gấp đôi hoặc dồn lại bằng đòn tay dùng nan tre gài chặt cọng lá (tức chúm đọt lại) rồi lấy tay nhẹ nhàng vuốt lá, dùng bàn mê (tức một miếng gỗ vuông nhỏ) để chặn từng lá thuốc đã đẩy rồi. Mỗi chả thuốc được đẩy xong, người ghim đầu lá dính vào nhau làm cho chả thuốc có hình tam giác gọn nhẹ, thuận tiện cho việc cất giữ và buôn bán. Đến đây coi như kết thúc một quy trình trồng thuốc của người dân Cẩm Lệ.Lá thuốc Cẩm Lệ được dân chúng sử dụng ngay tại địa phương hoặc trao đổi với các nơi khác dưới dạng đếm lá đếm chả. Những chả thuốc trước đây được người ta làm lễ lạc cho các nhà quyền quý và trên thực tế còn được coi như một món hàng buôn bán có giá trị. Các tay buôn thuốc lá từ Quảng Trị hoặc từ kinh đô Huế thường tìm đến tận vùng Cẩm Lệ để hỏi mua lá thuốc.

    Trong một thời gian rất dài, lá thuốc Cẩm Lệ được đa số người già các địa phương lân cận biết đến và sử dụng hàng ngày. Lúc làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Cho tới nay tập quán hút thuốc dần dà ở vùng Cẩm Lệ vẫn đọng lại trong một số đông những người đứng tuổi, thông thường người ta dắt sẵn lá thuốc trong người mỗi khi ra khỏi nhà, khi hút thì lấy ra tước bỏ cọng lá, dùng ngay lá thuốc bọc lá thuốc để hút, cũng có khi họ dùng lá chuối khô làm loa kèn để bọc thuốc bên trong mà hút. Các cụ già kể rằng, đối với những người giàu có hoặc các quan chức nơi kinh đô, trước kia, thì việc hút thuốc Cẩm Lệ được xem như một thú tiêu khiển nhàn tản thú vị, với hạng người này thì phong cách hút thuốc có phần cầu kỳ hơn (vì thuốc lá Cẩm Lệ có hương thơm thanh khiết, có vị nồng cay và khói xanh, tàn trắng, lại đắt tiền), thuốc phải xắt nhỏ, tẩm dầu thơm rồi mới vê thành kén nhỏ, mồi lửa nơi bát than bên cạnh rồi nhẩn nha ngồi rít từng hơi. Mấy chục năm trở lại đây, ở những nơi xa vốn ưa chuộng thuốc lá Cẩm Lệ, họ có thể mua nguyên lá thuốc về và sau đó chế biến theo cách riêng của họ, vì lượng ít mà quý nên có khi họ pha thêm lá thuốc tạp và cho thêm những loại tinh dầu thơm khác nhau để cố lấy hương vị và danh xưng thuốc Cẩm Lệ.

    Càng ngày nhu cầu tiêu dùng theo thị hiếu của dân chúng ngoài địa phận Cẩm Lệ có phần đa dạng hơn, thêm vào đó là cả một thời gian khá dài trước năm 1975, sự xuất hiện tràn ngập các loại thuốc lá ngoại đã tác động phần nào đến những gia đình chuyên nghề trồng thuốc và những người trung gian chuyên thầu lá thuốc, cho nên việc chế biến thuốc lá ngay tại địa phương cũng dần dần hình thành. Ở phần chế biến này, giữa các gia đình có sự khác nhau. Tuy nhiên, trước hết họ đều phải tước cọng lá nấu lấy nước tưới vào phần lá còn lại để tăng thêm hương vị nồng cay cho thuốc, tiếp đó tùy theo sở thích của khách hàng quen thuộc và tiện cho việc buôn bán, thì mỗi nhà có thể sử dụng những chất thơm khác nhau như tinh dầu hồi - quế, hoặc rượu cất để ủ lá thuốc vài ngày rồi mới đem ra cuốn chặt lá thuốc và xắt thành từng lát tròn mỏng.

    Trên đất nước ta hiện nay đang trồng rất nhiều loại thuốc và mỗi loại thuốc ở mỗi nơi đều có hương vị độc đáo khác nhau, đều đòi hỏi cách thức trồng trọt theo lối dân gian khác nhau. Giữ được và phát huy những nét đặc trưng của nghề thuốc mỗi nơi không những củng cố chất lượng nguyên sinh của loại thuốc nơi đó nhằm nâng cao năng xuất kinh tế của nó mà còn giữ gìn một trong hàng trăm nét sinh hoạt địa phương có tính chất cổ truyền đầy hấp dẫn của từng vùng như vùng Cẩm Lệ - Hòa Vang cho tới nay vẫn tự hào về loại thuốc thơm ngon của mình. Việc trồng thuốc theo phương cách gia truyền hiện vẫn còn áp dụng khá phổ biến ở các nông gia, phạm vi trồng trọt còn thu hẹp lại theo đơn vị gia đình, điều này tuy có tính cách đảm bảo cho cây thuốc được hưởng công chăm sóc thường xuyên và kỹ càng hơn, song lại có phần yếu kém về mặt thu hoạch kinh tế của từng địa phương. Chúng tôi thiết nghĩ Hòa Vang hiện nay đang phát triển ngành trồng thuốc lá Cẩm Lệ. Và hy vọng rằng thuốc lá Cẩm Lệ sẽ ngày càng đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của số đông người ưa chuộng xa gần, đóng góp một phần quan trọng vào việc thu nhập của kinh tế địa phương.

    Cảnh Bình Nhung

    __________________________________________________ _______________________

    Thuốc Lá Cẩm Lệ - Bà Cửu Ới
    Tiêu Kiều

    Thuốc lá Cẩm Lệ gốc ở Quảng Nam, du nhập ra Huế vào thời kỳ 1940 -1960, được hầu hết người dân – đặc biệt là phụ nữ ưa chuộng nên rất đắt khách và nổi tiếng. Dạo ấy, ngay trước mặt chợ Đông Ba – nơi phồn hoa đô hội của thành phố Huế có tiệm bán thuốc lá Cẩm Lệ, chủ nhân là bà Cửu Ới, vì thế người ta thường gọi một cách thân thiết và đơn giản là thuốc lá Cẩm Lệ Bà Cửu Ới.

    Trong đặc san Quốc Học - Đồng Khánh xuất bản ở Nam California (Mỹ) năm 1998 có một bài thơ rất thú vị, tác giả có bút danh là Ông Cai trường:

    Bà chi tên tuổi thường kêu
    Văn giai cửu phẩm, bạn nhiều mụ tra
    Bảng đề trước chợ Đông Ba
    Phì phèo, bập bập, ai qua cũng dòm


    Bảo Thắng đối lại đầy ấn tượng:

    Tên bà Cửu Ới khó quên
    Thuốc lá Cẩm Lệ Huế mềm lạ chi
    Đông Ba dừng lại một khi
    Mua vài ba gói Mệ Dì hút chơi


    Thuốc lá Cẩm Lệ gốc ở Quảng Nam, du nhập ra Huế vào thời kỳ 1940 -1960, được hầu hết người dân - đặc biệt là phụ nữ ưa chuộng nên rất đắt khách và nổi tiếng. Dạo ấy, ngay trước mặt chợ Đông Ba – nơi phồn hoa đô hội của thành phố Huế có tiệm bán thuốc lá Cẩm Lệ, chủ nhân là bà Cửu Ới, vì thế người ta thường gọi một cách thân thiết và đơn giản là thuốc lá Cẩm Lệ Bà Cửu Ới.

    Máy xắt thuốc Cẩm Lệ (Trương Điện Thắng - Báo Quảng Nam)

    Loại thuốc này có màu đen đen, mùi thơm thơm, rờ vào sẽ thấy rít rít, thường được cuộn chặt thành những khoanh tròn như con rắn vậy, dùng một con dao thật bén xắt ra thành từng lát thật mỏng, càng mỏng càng đẹp và có giá trị về mặt chất lượng, nghĩa là khi vấn để hút, từng sợi thuốc mỏng manh ấy quyện dính vào nhau sẽ góp phần tăng thêm hương thơm đậm đà đặc sắc của vị thuốc Cẩm Lệ.

    Thuốc lá Cẩm Lệ bán - mua theo cân lạng, khi mua ta sẽ được bà Cửu Ới gói thuốc trong lá chuối tươi cốt để giữ cho thuốc có độ ẩm khỏi bị khô, bởi thuốc khô lúc hút sẽ có mùi khét rất dở, cộng thêm một xấp giấy quyến mỏng dùng để vấn thuốc, số lượng giấy quyến kèm theo này thường tương đương với cân lạng thuốc mình mua, chẳng hạn 1 lạng thuốc thì 10 xấp giấy quyến, hai lạng thuốc thì 20 xấp giấy quyến… Tất cả thuốc và giấy quyến gói trong lá chuối lá chuối, để thêm phần lịch sự và sạch sẽ bên ngoài lá chuối được bao bọc bằng giấy báo. Do vậy, cứ hễ nhìn thấy ai đó cầm một gói giấy hình vuông dẹp mong mỏng, nhẹ tênh, đó chính là gói thuốc Cẩm Lệ của bà Cửu Ới.


    Thuốc được vấn thành điếu bởi giấy quyến, giấy quyến là loại giấy mỏng, mỏng hơn giấy pơluya, mềm dịu, màu trắng, khi mua giấy quyến đã được rọc sẵn, chiều dài tuỳ thuộc vào khổ giấy đã quy định của nhà sản xuất, thông thường có thể vấn được khoảng 5- 6 điếu một dung giấy, chiều ngang bằng lóng tay áp út, người hút tự tay vấn lấy thuốc mới có giá trị, một điếu thuốc hoàn chỉnh sẽ có một đầu to, đầu nhỏ, khi hút ta ngậm đầu nhỏ ở miệng, châm lửa ở đầu to.

    Vấn thuốc cũng là một nghệ thuật tinh tế, một điếu thuốc đẹp là phải láng lẩy, gọn gàng, đầu to đầu nhỏ cân xứng hài hoà, như thế mới là sành điệu.

    Về phương thức vấn thuốc, tùy tạng người, người thì lúc nào cần hút thì vấn, có người sáng mai ngủ dậy, bên tách trà thơm thong thả vấn từng điếu một, bỏ vào hộp - hộp đựng thuốc thường rất đẹp được mạ vàng hoặc mạ bạc khá sang trọng - để hút trong một ngày, chỉ một ngày thôi, nếu vấn nhiều hút không hết sang ngày sẽ bị mất mùi, hết ngon! Trông phong thái vấn thuốc ta ngầm hiểu tâm tư, tư chất của người hút, kẻ thì cung cách kiêu sa, vấn thuốc mà mơ màng suy tư trầm tưởng, người thì vội vàng như để sớm được tận hưởng nhanh chóng nhất trọn vẹn nhất miếng ngon ở đời.

    Điếu thuốc to, nhỏ thường tùy vào hoàn cảnh sống, hạng người sang hèn, giàu nghèo khác nhau, người giàu sang quyền quý vấn điếu thuốc nho nhỏ xinh xinh, bởi nhàn hạ thảnh thơi, lại chuộng cái thanh nhã, vấn thuốc – hút thuốc cũng là một thú vui bất kể thời gian. Nông dân, đầu tắt mặt tối suốt ngày, ăn chắt mặt bền, vấn một điếu thật to để hút cho lâu hết, khỏi mất công và cũng để tự tìm kiếm cảm giác đã thèm! Hút xong điếu thuốc, sẽ còn dư một chút tàn, tiện tay dán tàn thuốc vào chân giường, cột nhà – một cách để dành khi hết thuốc chưa kịp mua hay không có tiền thì sẽ lấy tàn ấy vấn lại mà hút cho đỡ ghiền, đỡ tốn!

    Ngày trước, phụ nữ Huế, nhất là các bậc lớn tuổi, từ mợ ấm cô chiêu trong nhà quan quyền đến phụ nữ nông thôn bình dân lao động,quanh năm vất vả – đều hút thuốc Cẩm Lệ. Dẫu rằng mỗi người mỗi kiểu, mỗi phong cách, trong nhà quyền quý, các vị phu nhân, các tiểu thư hút thuốc để hưởng thụ thú thanh nhàn, tìm thêm hượng vị cuộc sống riêng tây. Trái lại, người lao động bình dân hút thuốc để tìm hơi ấm cuộc đời qua hương vị thuốc, và cũng như là tự thưởng một niềm vui tinh thần cuối ngày. Cứ thế, càng hút, càng say và thuốc lá đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, và nhờ đó bà Cửu Ới kinh doanh mặt hàng này phát đạt.

    Dạo ấy, cứ vào ngày 01 dương lịch của mỗi tháng, bà nội đi lãnh lương hưu ở kho bạc về, nơi đến đầu tiên bà tiêu tiền là tiệm thuốc Cẩm Lệ bà Cửu Ới, khi xe xích lô vừa xịch đỗ, khách – chủ đã vui vẻ chào hỏi nhau – mối ruột mà! thân tình tâm sự, bàn luận, góp ý cho lứa thuốc ngon, chưa ngon trong tháng. Trong nhà, lũ trẻ chúng tôi cứ luôn ngong ngóng đợi bà nội sai đi mua thuốc, ai được ưu tiên chọn thì lấy làm sung sướng, thứ nhất được đi dạo phố có lý do chính đáng, thích thú hơn là được bà cho thêm tiền ăn quà.

    Thuốc lá Cẩm Lệ bà Cửu Ới của một thời đã tạo cơ duyên cho bạn bè thăm nhau mời nhau điếu thuốc chuyện trò thêm rôm rả, một mình trầm ngâm với khói thuốc có thêm những ý tưởng hay, sáng tạo bao điều kỳ diệu.

    Ngày nay, thuốc lá Cẩm Lệ không còn huy hoàng trên cửa tiệm chợ Đông Ba, còn chăng chỉ có bán lẻ trong các quán nhỏ ở các chợ và thi thoảng xuất hiện trong dịp lễ cúng bái tổ tiên theo nếp cũ mà thôi, trong tâm tưởng của những người Huế, thuốc Cẩm Lệ vẫn còn vấn vương một chút buồn vui thương nhớ dĩ vãng.

    Tiêu Kiều

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X