Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tâm tình của một người Bắc về ngày 30/4

Collapse
X

Tâm tình của một người Bắc về ngày 30/4

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tâm tình của một người Bắc về ngày 30/4

    TÂM TÌNH CỦA MỘT NGƯỜI BẮC VỀ NGÀY 30/4

    April 29, 2017 30/4, Sếu




    Ngày này hơn 40 năm về trước có một sự kiện vô cùng quan trọng đã xảy ra trên đất nước Việt Nam. Cuối năm 74 và đầu năm 75 những người lính giải phóng quân đã kiểm soát gần như toàn bộ miền Nam Việt Nam. Cho đến ngày 30/4, lá cờ vàng chính thức bị gỡ bỏ trên Dinh Độc Lập, báo hiệu một sự chấm dứt cho nền chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Vậy là từ đây, lịch sử Việt Nam rẽ sang một bước ngoặt mới.

    Vào những năm tháng đó. Tại miền Bắc, rất nhiều đứa trẻ sinh ra và được đặt tên là "Thắng". Người Bắc khao khát một "chiến thắng" sẽ với dân tộc này vì ngày giải phóng cũng đi liền với điều hứa hẹn về một cuộc sống hoàn toàn mới sau chiến tranh mà lớp lãnh đạo Việt Nam nói với nhân dân. Nhưng liệu "chiến thắng" đó có thực sự tồn tại không thì lịch sử đã chứng minh quá rõ ràng.

    Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, được học tập trong môi trường cộng sản. Có những đoạn văn đã thuộc lòng như thế này:" Nhìn chung sau năm 1975 mọi người giàu nghèo đều có được bình quyền, ai cũng phải xếp hàng theo thứ tự để lấy lương thực, thực phẩm từ đó không còn bóc lột của chính quyền cũ để lại". Sau này tôi mới hiểu ra rằng sự thật không phải như vậy. Có thể nói miền Nam trước 75 tuy chưa thực sự là một vùng đất quá giàu có so với Hoa Kì và Phương Tây, cũng chưa được xem như một nền dân chủ hoàn chỉnh; thế nhưng, người dân chưa bao giờ phải xếp hàng dài, chờ mỏi cổ để mua lương thực bằng những tờ tem phiếu đó cả, không phải đối mặt với bộ mặt hách dịch cáu bẳn của những người cấp phát. Người dân Nam Việt chưa bao giờ phải ăn bo bo trừ bữa như vậy cả. Tôi cũng biết rằng có rất nhiều người trước kia từng biểu tình chống lại chế độ ông Thiệu và ông Diệm giờ đây cũng chính họ lại đứng lên tố cáo bất công trong xã hội mới. Lần này thì họ không còn được nhân nhượng mà bị kết tội "phản quốc", bị đem ra bỏ tù nặng thì tử hình.

    Nhắc đến ngày 30/3 là nhắc đến chữ "đói" . Có người lính Bắc Việt đã kể lại: Sau năm 1975 tôi tưởng sẽ có được chút sung sướng hơn nhưng tôi đã lầm. Đói lắm, cái gì cũng không có cái gì cũng thiếu thốn. Những người lính Giải Phóng khi trở về quê hương nhiều người bị ngược đãi, chạy vậy mãi mới được làm anh công nhân trong nhà máy, đời sống lúc nào cũng bấp bênh, khổ cực." Cũng may là nhờ Liên Xô sụp đổ, đảng buộc phải cải cách để cho người dân có một chút dễ thở hơn về mặt kinh tế. Nhìn công bằng, nếu không có ngày 30/4 thì miền Nam Việt Nam sẽ như thế nào? Có lẽ Nam Việt sẽ giàu có hơn Hàn Quốc và đuổi kịp Nhật Bản, Phương Tây. Nếu không, cũng ít nhất không như Việt Nam của bây giờ, xếp chót bảng Đông Nam Á.

    Người Miền Nam trước 75 không phải tất cả đều giàu có nhưng ít nhất không có chuyện có người phải treo cổ vì sưu cao thuế nặng, không có ai đói khổ đến nỗi phải kéo nhau ăn cắp thóc ở hợp tác xã cả. Có thể chính quyền Sài gòn còn nhiều khiếm khuyết nhưng họ chưa từng đẩy đất nước và nhân dân tới đường cùng. Nhân dân sống dưới chế độ đó được tự do làm ăn, buôn bán còn bây giờ chính quyền sẵn sàng dùng lý lẽ để cướp chỗ làm ăn của người bán hàng rong, công an sẵn sàng quen thói côn đồ mà tịch thu hàng hóa của họ. Ở miền Nam trước 75, tôi không thấy cảnh người dân nằm la liệt trên sàn nhà bệnh viện hay chết vì không có tiền chi trả viện phí cả.

    Hôm nay người ta kỉ niệm ngày 30/4/1975, người ta bỏ tiền ra để bắn pháo hoa,mở hội họp một cách bừa bãi để ca ngợi một "ngày chiến thắng". Nhưng đất nước vẫn ngập trong nợ công, trẻ con không có cầu đến trường, ngư dân vẫn bị chèn ép trên chính ngư trường của họ,... Trong những tràng vỗ tay "ăn mừng" đó là tiếng rên rỉ của đồng bào tôi xen lẫn.

    Tôi từng gọi ngày 30/4 là ngày giải phóng dân tộc. Bây giờ thì tôi không coi nó là như vậy. Hàng ngày tôi thấy mọi người xung quanh tôi không ai dám lên tiếng phàn nàn về giá xăng, giá điện, giá gas "trên trời" mà họ phải gánh chịu. Không ai dám chỉ trích một vị lãnh đạo và những chính sách của ông ta. Đất nước tôi không có bầu cử tự do, không có biểu tình dù chỉ để bày tỏ lòng ái quốc khi quân thù đang áp sát ngoài biển Đông, khi biển miền Trung đang bị đầu độc... Không có một chút dấu hiệu nào của tự do dân chủ trên đất nước tôi. Nếu gọi ngày 30/4 là ngày giải phóng thì ngày đó đã giải phóng cho ai?

    Họ gọi ngày 30/4 là ngày thống nhất nhưng tôi không thấy vậy. Người Việt Nam ngày càng xa cách nhau. Hỏi trong thảm họa Formosa hay trong bất cứ công việc chung nào khác của dân tộc này, có mấy người bận tâm? Mọi thứ, mọi thứ đều được phó thác cho đảng. Người ta bao biện bằng đủ lý lẽ để thoái thác trách nhiệm với dân tộc, coi đó là "chuyện chính trị" và họ không có nghĩa vụ phải quan tâm. Từ lúc nào người Việt đã không còn tinh thần đoàn kết và trách nhiệm với nhau như vậy? Huống chi 30/4 chỉ thống nhất Việt Nam một cách cưỡng bức về mặt lãnh thổ thôi, còn lòng người thì chưa bao giờ được thống nhất.

    Tại Hoa Kì, Anh Quốc cũng từng có nội chiến. Tại rất nhiều các quốc gia khác cũng từng có đảo chánh, chính biến. Nhưng không có bên thắng cuộc- bên thua cuộc. Họ cũng không kỉ niệm ngày giải phóng, vì thật nực cười khi tự đem người Việt tương tàn người Việt rồi coi đó là một "chiến thắng". Khi tôi viết đến những dòng này, có lẽ cờ đỏ sao vàng, băng rôn khẩu hiệu đã ngập những con phố. Để có được một chiến thắng giả tạo đó, đã bao người chết oan trên những chiến trường, Việt Nam mất đi Hoàng Trường Sa, thác Bản Dốc và Ải Nam Quan. Dưới những băng rôn khẩu hiệu đó, có một tế bào Việt Nam bệnh hoạn đội lốt một xã hội tưởng như thanh bình yên ổn.

    SẾU'S BLOG
    Người Viết Blog Vô Danh

    http://blog.chutuananh.com/2017/04/tam-tinh-cua-mot-nguoi-bac-ve-ngay-304.html


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X