Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Củ Khoai Mì

Collapse
X

Củ Khoai Mì

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Củ Khoai Mì

    Củ Khoai Mì


    Trần Thành Kiệt 344


    Thạch và tôi gặp lại nhau ở một quán cà phê vệ đường năm 1979.

    Sài Gòn năm đó te tua tan nát. Hoa lá tả tơi như chuyện gia đình của thằng Thạch cũng theo hoa lá mà… tơi tả. Người vợ hiền lành thuở nào đã dẫn đứa con gái nhỏ đi đâu mất tiêu trong thời gian thằng Thạch còn trong tù cải tạo.

    - Ê, Kiến ! Tuần tới tao phải về lại vùng kinh tế mới. Hết phép rồi.

    Nhìn nhau.

    Hai đứa quen nhau trong tù cải tạo. Nó, Không Quân. Tôi, Bộ Binh. Nó lớn hơn 3 tuổi nhưng cứ mầy tao thét rồi quen luôn.

    - Hết phép ? Mà phép gì ? Mầy không có cách nào ở lại Sài Gòn được à ?

    - Tao khai với bà chủ tịch xã là tao bị… điên.

    Tôi bật cười :

    - Mầy bị điên ?

    - Ừ !

    Mà bả tin hông ?

    - Tin chứ mậy ! Bả cho tao giấy giới thiệu về bệnh viện thần kinh ở Biên Hoà. Tao gặp ông bác sĩ phe mình làm ở trỏng, ông Lân. Ổng ký giấy cho tao về tịnh dưỡng tại gia 3 tháng. Tao đưa giấy đó cho bà Năm chủ tịch xã thì bả ký cái nầy cho tao.

    Tờ giấy vàng khè vẽ bùa lẳng tẳng có hàng chữ Xã Hội Chủ Nghĩa gì gì đó với khều khào một chữ ký mà thằng Thạch bạn tôi, một sĩ quan Không Quân từng vần vũ trên trời rộng đang mơ ước được gia hạn thêm 3 tháng nữa. Cái mơ ước được tự do cư trú và làm việc bỗng dưng quá xa vời.

    - “Thì mầy cũng cứ vậy mà làm tiếp”. Tôi nói.

    - “Coi bộ lần nầy hổng được mầy ơi! Kỳ rồi bả nghi tao nói láo”. Thạch lo lắng do dự.

    Bỗng nhiên tôi nổi hứng :

    - Hay mầy muốn tao dẫn đi ?

    - Ừ ! Có lý ! Mầy đóng vai người nhà dẫn tao lên xin gia hạn thêm.

    Tôi kỳ kèo :

    - Mà tao phải làm anh bà con mầy tao mới chịu.

    - Mầy muốn làm ba tao cũng được !

    Tình trạng tôi lúc đó khá ổn. Từ tù cải tạo ra, tôi đến trình diện thằng công an xã ở vùng kinh tế mới Đồng Xoài, nó mới 18 tuổi, tôi thì 27. Tôi gọi nó bằng anh ngọt lịm, cộng thêm mấy gói thuốc lá Vàm Cỏ hút cho lủng phổi và bịch cà phê. Nó ký cho tôi một cái giấy tay, ịn con dấu cái cạch cho về Sài Gòn một tháng trị bệnh.

    Mà hên nữa là tôi gặp lại anh Đức, đại úy Quân Y ngày xưa, chẳng biết vì may mắn hay có móc ngoéo ngón tay gì hay không mà anh được lưu dụng làm việc ở Bệnh Viện Bình Dân Sài Gòn không phải đi tù cải tạo.

    Ảnh đưa cho tôi mấy cuộn băng bột:

    - Em cứ kiếm phần nào trong cơ thể rồi bó cục bột vào thì đỡ phải ngại đứa nào hỏi giấy tờ.

    Tôi suy nghĩ lung lắm. Phải kiếm phần nào cho người ta dễ thấy mà không làm trở ngại công việc làm ăn đi đứng vì cuộn băng sẽ đóng cứng lại sau khi mình thấm nước.

    Ở cổ ư ? Thất bại ! Làm sao mình cua đào được? Lúc đó tôi vẫn còn độc thân và cho dù xã hội tối thui như nhiều đêm bị cúp điện, nhưng tuổi trẻ vẫn luôn còn lạc quan và tình yêu trai gái vẫn còn nẩy nở, tuy chậm hơn một chút, tuy do dự hơn một khoảnh thời gian nhưng tình yêu vẫn nồng nàn thân ái.

    Vả lại, nếu cuộn cục bột ở ngay cần cổ thì tối làm sao ngủ ?

    Tôi bèn chơi ngay khúc dưới đầu gối tới bàn chân, xé đường chỉ ống quần để thiên hạ dễ thấy cuộn băng bột và tôi chống thêm cây gậy.

    Thiệt là hay ! Suốt cả một thời gian dài, không công an nào thèm hỏi đến giấy tờ.

    Sáng hôm sau, thằng Thạch bán chiếc nhẫn cưới bằng vàng 24 để làm lộ phí lên đường. Tôi có nói với má tôi, rằng sẵn dịp đi Long Khánh chuyến nầy nếu gặp được kháng chiến Phục Quốc thì con sẽ theo luôn. Má tôi, hai con mắt long lanh: “Ừ! Nếu con coi được thì về dẫn cả nhà đi luôn. Tao nấu cơm cho kháng chiến cũng được mà!”.

    Trên đường cuốc bộ tới bến xe đò An Đông, tôi nói với thằng Thạch:

    - Bây giờ mầy phải giả bộ khùng từ lúc nầy.

    Nó dẫy nẫy:

    - Quê mậy ! Con gái tùm lum ! Làm quê mậy…

    - Mầy phải đóng kịch từ lúc nầy để quen đi, đến lúc gặp bà Năm thì mới không “bể địa” chứ.

    Nó làm thinh. Được trớn, tôi kéo một phần áo của nó đang bỏ vô quần thành nửa trong nửa ngoài. Thằng cũng còn diện gớm, tóc chảy tém bốn sáu, quần áo sạch sẽ mắc tiền. Hình như hắn đã chấp nhận chuyện vợ phải dẫn đứa con đi kiếm con đường sống khác, cũng như đa số những tù cải tạo khi viết thư hay nhắn về nhà, đều cùng một lời: “Nếu em tìm được con đường nào cho em và các con thì xin cứ mạnh dạn bước đi, đừng chờ đợi anh về. Anh sẽ hiểu, và anh không oán trách gì đâu. Ngày về của anh là ngày lèo, chúng cứ bảo là học tập tốt thì về nhưng chúng chẳng hề định nghĩa chữ Tốt là gì, chữ tốt trở thành chữ Hề diễu cợt.”

    Tôi lấy tay xoa xoa lên tóc thằng Thạch. Nó né:

    - Ê ! Làm cái gì vậy mậy ?

    - Chắc một lát tao lấy sình trét lên áo mầy quá ! Ăn mặc diện như vầy đâu giống khùng ? Giống như mầy đi hỏi vợ thì đúng hơn.

    Nó cười cười khoái chí:

    - Bộ đồ kẻng của tao đó !

    - Ừ! Chút xíu nữa cho mầy hết kẻng luôn em trai à!

    Bến xe An Đông ồn ào hỗn độn, người ta mua bán tứ tung. Ai cũng buôn hàng lậu vì nghề nào cũng bị cấm. Ngay cả bà già tay xách chiếc giỏ nhỏ, trong có chục ổ bánh mì dồn thịt sẵn, thầm thì: “Ai ăn bánh mì thịt hông?” hay cô gái lấm lét: “Ai uống nước đá hột é hông ?”

    Người ta mua bán mà con mắt bên phải thì nhìn khách hàng còn mắt bên trái thì canh chừng tụi công an, mà dân chúng đã thân ái đặt tên là bò vàng. Tất cả những nghề làm ăn lương thiện bỗng chốc biến thành bất lương lén lút.

    Hàng loạt loa phóng thanh đặt ở mỗi thôn xóm ca ngợi người tốt việc tốt khiến cho những con người “xấu” giương đôi mắt thâm quầng nhìn những con người “tốt” vàng võ èo uột. Xấu và tốt không còn có thể phân biệt được dưới chế độ lạ kỳ nầy nữa rồi! Nhớ hồi khi xưa, người ta dặn nhau “Lành cho sạch, rách cho thơm.” Bây giờ thì thúi hoắc cả đám. Ai cũng bon chen ngất ngưởng chạy đi tìm miếng ăn từng giờ từng phút.

    Hải ngoại lúc đó hãy còn èo uột chưa vững, chưa biết cách gởi tiền về tiếp tế người thương. Hải ngoại ngày đêm quặn tim đau đớn, thân nhân còn lại oằn người gánh chịu nỗi trần ai.

    - Á ! Bò vàng bà con ơi ! Chạy chạy…

    Thôi thì ai cũng rần rần bỏ chạy. Tôi với thằng Thạch cũng cấm đầu chạy. Chạy cho chắc ăn.

    Lỡ…!

    Có quá nhiều cái “lỡ” đem đến những buồn phiền không kể xiết. Chạy đôi khi cũng là thượng sách.

    Chạy xong rồi thì người ta tụm lại mua bán đổi chác tiếp. Thiệt! Giống như là trò chơi cút bắt

    Tôi bàn với thằng Thạch :

    - Hay mầy bán bộ đồ nầy mua bộ cũ hơn vừa hợp lý mà tụi mình lại có thêm chút tiền dằn túi ?

    - Sao mầy không bán bộ đồ mầy đi ?

    Uý chời! Nó chạm vào cái lịch sự tối thiểu còn sót lại của tôi. Tôi chỉ có một bộ đồ ăn nói. Mỗi lần giặt là tôi phải mặc xà lỏn ngồi chồm hổm đợi đồ khô rồi đem ủi và mặc tiếp:

    - Ủa! Tao đâu có giả vai điên đâu? Tao là anh mầy dẫn mầy đi xin phép mà. Nhớ hông em trai?

    - Mầy nhỏ hơn tao đến mấy tuổi mà lúc nào cũng muốn làm anh.

    - Hì hì !

    Mặt nó nhăn nhăn kể lể :

    - Mầy mặc đồ mới, tao đồ cũ. Tao thấy tủi thân quá! Hay là hai thằng bán hết ?

    Hai thằng cũng biết là nếu chuyến nầy mà gặp được nhóm Phục Quốc thì hai đứa sẽ xoá bàn cờ chơi lại ngoạn mục hơn, quần áo cũ mới gì không còn là điều quan trọng nữa.

    -“Anh cởi quần thì tui đưa tiền”. Tiếng cô gái lanh lảnh.

    -Tui cởi quần, cô xách cô chạy mất thì tui biết ai mà đòi ?

    -Anh không cởi quần, tui đưa tiền, anh bỏ chạy thì làm sao tui rượt kịp anh ?

    Không còn ai tin ai nữa ! Chế độ đưa người vào cảnh bần cùng để chia rẽ nhau.

    Lại có chộn rộn ở đằng kia. Có tiếng la thất thanh : “Bớ bà con ơi ! Giựt đồ ! Giựt đồ ! Bắt nó lại giùm tui !”. Thằng nhỏ mặt mày tái mét ôm cái giỏ xách của bà kia chạy bán mạng. Đúng là chế độ giựt dọc !

    Tôi với thằng Thạch ngồi trên xe đò. Tướng nó bự con mà mua lầm bộ đồ nhỏ xíu coi ngố dễ sợ. Tóc, thì bị tôi vò cho bù xù, đôi dép da đã đổi qua đôi dép …râu. Tôi bắt nó cầm trên tay chứ hổng được mang. Bây giờ thì nó giống y hệt như người mất trí. Ngơ ngác trên xe đò.

    Mất vợ, mất con, mất giang sơn tổ quốc, mất cả tương lai và mất luôn …bộ đồ kẻng.

    Không điên cũng thành điên !

    - Ê ! Thạch ! Mầy giữ chỗ ngồi cho tao. Tao xuống mua cái gì ăn.

    - À ! À !

    Nó không muốn nói chuyện với tôi nữa rồi ! Giận hờn gì nhau em trai ?

    Trở lên thì thấy cái ghế của tôi đã bị một ông sồn sồn có râu mép chỗ đậm chỗ lợt chiếm mất.

    - A ! Chú à ! Chỗ ngồi đó của tui đó !

    - A ! Tui thấy chỗ trống thì tui ngồi hà !

    - Chú ơi! Tui đưa thằng em bà con bị khùng lên nhà thương Biên Hoà đó. Chú ngồi kế bên nó, lỡ nó lên cơn, nó cắn chú ráng chịu à nha!

    Thằng Thạch nó muốn cười mà hổng dám cười, ráng nén hơi nhịn xuống, mặt nó đỏ ửng lên, mắt trợn trợn bỗng nó đưa cùi chỏ ra ý như muốn giựt cùi chỏ vào mặt ông có râu. Ông kia đưa tay lên đỡ đỡ có vẻ nhờn nhợn lắm rồi. Bỗng thằng Thạch quát lên:

    - Đ. m !!!

    Ông kia vọt liền.

    Chiếc xe đò hậm hực hì hục phun khói ngất trời tiến ra Quốc Lộ 1, đường đi Biên Hoà.

    ***

    Đường đi Biên Hoà

    Con đường đi ngang qua hồ tắm Ngọc Thuỷ thuở xưa, những ngày cúp cua trốn học một đám chở nhau trên xe Honda đi tắm “piscine”, ngang qua quân trường Thủ Đức có những tháng ngày dài đổ mồ hôi. Và ngang qua Nghĩa Trang Quân Đội có pho tượng người lính Nhảy Dù ngồi thẫn thờ tiếc thương cho bao đồng đội đang yên nghỉ bên trong. Có lá cờ ấp ủ bên trên như tấm chăn phủ ấm áp. Những người đã nhắm mắt, nằm xuống xuôi tay. Xong rồi một bổn phận với non sông. Có người hùng, có kẻ hèn. Có người đời liêm khiết, có kẻ xuôi ngược bon chen. Nay, thân xác nằm kề bên nhau. Nhưng không hiểu linh hồn có đi về chung một con đường ?

    Chỉ một điều chắc chắn là ngôi tượng mỹ thuật đẹp đẽ truyền thần kia đã bị những oán ghét nhỏ nhoi ti tiện giựt sụp đổ như một sự trả thù hăm doạ đê hèn. Họ không có được cái bao dung của người ái mộ nghệ thuật để khiêng pho tượng vào Viện Bảo Tàng. Thật là đáng trách thay cho một sự lập lại của lịch sử: Hủy Hoại và Đốt Sách.

    Nắng lên cao, gió thổi mạnh…

    Hình như con đường và khung cảnh hai bên chạy giật lùi lại chứ không phải chiếc xe đò cà khịa đang chạy thẳng tới.

    Đi từ sáng sớm lúc nắng mới mỉm cười, nay đến trưa trờ trưa trật nắng quạu quọ nhăn mày nhăn mặt mà vẫn chưa tới. Sài Gòn - Biên Hoà, cho tôi chiếc xe đạp, nhổm mông đạp rút một hồi là tới ngay. Đã vậy mà còn : Pịp ! Pịp ! Nghe như tiếng động cơ bị tắt máy. Được một lúc thì tắt máy thiệt chứ đâu còn “nghe như” nữa !

    Tiếng ông lơ xe ồm ồm :

    - Bà con cô bác ơi ! Ông ngoại bà ngoại ơi! Làm ơn xuống xe, phụ đẩy vô lề đường.

    Tiếng bà già cằn nhằn :

    - Xe cộ gì thấy ớn lạnh! Mầy đẩy một mình mầy đi á !

    Tiếng ông già cự nự :

    - Cậu à! Đi xe, tiền tui trả đủ. Đẩy xe có trả lại tiền tui hông ?

    Tiếng người lao nhao :

    - Ừ! Trả bớt lại tiền, tụi tui phụ đẩy cho !

    Ông lơ xe xuống giọng :

    - Thôi mà ngoại ơi! Ba má ơi! Cho con nuôi vợ con với ! Mấy người hổng đẩy thì tối nay ngủ lại đây! Chị Ba à chị Ba! Nhổm nhổm cái đít lên cho tui lấy thùng đồ nghề cái coi? Chèn ơi! Má ơi! Sao má nhổ cổ trầu lên thùng đồ nghề của tui?

    - Xí! Mầy biết cái gì mà sửa ? Xe nằm chình ình rồi mới làm bộ làm tịch !

    - Chị Ba à ! Lấy cái đít ra chút nữa coi ?

    Gió vẫn hiu hiu thổi. Chim chóc không lả lơi bay lượn như ngày xưa. Hình như chim đã tìm được hướng bay tị nạn. Chỉ có mấy cây cột đèn ngả nghiêng chịu đựng cho số phận đổi thay. Cột đèn quên bẵng đi nhiệm vụ của mình vì cột đèn ngày nay đã quen âm u với bóng tối nhiều hơn là tiếp điện để toả hào quang rực sáng. Không đủ điện, đời tối thui.

    Dưỡng Trí Viện Biên Hoà có nhiều tàng cây to bao phủ, toả bóng mát cả một vùng. Nhưng bên trong thì xơ xác tan nát tất cả từ vật dụng y khoa cho đến con người.

    Những người mất trí cũng chịu đựng cuộc đổi đời.

    Có người tự dưng tỉnh hẳn lại vì chợt nhận ra rằng, chế độ mới nầy “phê” quá! Phải làm người tỉnh trí mới chống chọi lại được. Có người đang tỉnh cũng bỗng cảm thấy “phê” luôn! Phải làm người mất trí mới quên đi những cọ mài của chế độ mới.

    Tôi gặp bác sĩ Lân một mình. Thằng Thạch bự con mà nhát như con gái tuổi dậy thì. Nó đứng lại ở bên kia đường chếch chếch cổng bệnh viện. Nó đủn tôi vô.

    Bác sĩ Lân độ ba mươi mấy tuổi, người tầm thước mang mắt kiếng cận khoác áo choàng trắng, dáng thông minh. Nhìn phớt qua là biết liền phe ta.

    Hồi đó người ta hay nhìn tướng để đoán phe, hễ phe ta thì dễ cởi mở hơn một chút. Còn phe mấy ông mặt xám thì phải lựa lời cho trôi.

    Tôi làm động tác lỡ dở chào tay trong quân đội rồi như sực nhận ra là không nên, tôi bỏ tay xuống. Chỉ một thoáng ngắn đó thôi cũng thấy mắt anh Lân chớp chớp cảm động. Có lẽ những kỷ niệm dĩ vãng của anh xẹt về như ngọn sóng chợt lớn cuốn lên rồi tan đi. Sống nghẹt thở thì người ta nhớ nhiều về thời lúc còn thở nhẹ.

    - Chào Thiếu tá… í… xin lỗi !

    Tôi cố ý gọi ảnh cấp bậc cao hơn dù tôi đoán được rằng chắc có lẽ ảnh là trung úy hay đại úy. Bên Quân Y chậm lên lon hơn.

    - Thưa bác sĩ, em tên Kiến, anh bà con của thằng Thạch (đưa tờ giấy ra). Hôm nay em đưa nó lên để bác sĩ tái khám.

    Anh Lân nói tiếng Nam, giọng còn nhà quê hơn tui:

    - Dậy chứ chú Thạch đâu ?

    - Dạ! Hồi nãy xuống xe đi gần tới bệnh viện thì nó sợ Bác sĩ quá, nó chạy mất rồi! Em, cái chân cà nhắc rượt theo hổng kịp!

    - “Vậy! Tui tái khám cho ai? Cho chú hả? Chú có điên hông?”. Ảnh nheo nheo con mắt cười cười.

    - Dạ! Em đâu có điên đâu Bác sĩ.

    - Hồi đó ở đơn vị nào ?

    - Dạ! Sư Đoàn 2 Bộ Binh.

    - Có cải tạo hông ?

    - Dạ có!

    - Trại nào ?

    - Kà Tum rồi về Hóc Môn thành Ông Năm.

    - Bao lâu ?

    - Dạ! 4 năm mấy

    - Vậy thì điên được rồi !

    - Hì hì! Phải công nhận bác sĩ diễu có duyên thiệt !

    Bác Sĩ Lân nhìn nhìn ra sân trước. Có mấy người quên cuộc đời đang lững thững bước ngập ngừng. Có ba cô y tá ngoài sân. Tôi nhận biết có một người từ Bắc vô, vì cái dáng của cổ. Hai người kia thì tướng thon thả, còn cô thì không. Và mái tóc tết hình con rít coi thiệt sợ hãi. Kiểu tóc bím mà hồi nhỏ tôi thấy con gái Sài Gòn có thắt, nhưng sao coi nó có vẻ nhí nhảnh và trẻ trung hơn, thấy nó gọn gàng và …nhỏng nhẻo.

    Còn cô thì …!!

    Có nhiều cái không thể hiểu nỗi hay giải thích được.

    Bác Sĩ Lân bỗng tằng hắng :

    - Chú muốn tui làm cái gì ?

    Trời! Thiệt là sướng cho tôi! Tôi tưởng, tôi phải đi cầu cạnh, phải uốn lưỡi nài nỉ, phải cười cười cầu tài. Không ngờ hồng phúc của thằng Thạch sáng ngời. Tôi được quyền ra giá:

    - Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho một giấy chứng nhận thằng Thạch vẫn còn bị bệnh và xin cho một ít thuốc an thần.

    - “Thuốc an thần lúc này bán chạy lắm à nha!”. Ổng cười con mắt nhấp nháy sau làn kính.

    Chèn! Ông cận thị nầy nói trúng phóc ngay tim đen của tôi. Tôi bỗng đỏ mặt. Ít ra tôi cũng còn biết mắc cỡ. Tự nhiên tôi đưa tay gãi đầu:

    - Nếu bác sĩ không có thuốc thì cho em xin giấy chứng nhận không thôi !

    - Tui cho chú cả hai! Thôi ráng lên!

    - Cám ơn Niên trưởng!

    Thấy tôi hí hửng bước ra. Thằng Thạch quýnh lên:

    - Sao được hông mậy ? Được hông ?

    - Được chứ mậy! Anh mầy mà !

    Tôi đưa tờ giấy chứng nhận và bọc thuốc Bác Sĩ Lân cho. Cu Thạch mừng húm :

    - Bán mầy ! Bán hết mớ thuốc nầy. Được giá lắm đó !

    Ông bác sĩ cận thị chứ mắt ổng nhìn xa thật! Xuyên qua vách tường thẳng tận vào lòng người. Ổng biết thế nào thằng Thạch cũng bán thuốc dù cho nó có điên thật đi nữa.

    - “Mấy cậu có thuốc men gì muốn bán hông?”. Một bà sồn sồn đứng đợi sẵn ở vòng sân trước bệnh viện trờ đến.

    - Có một mớ thuốc an thần nè chị!

    Chị sồn sồn nắm tay hai đứa kéo ra xa xa vì một nhóm chạy thuốc Tây đánh hơi được đang kéo tới.

    - Mà sao chị biết được thuốc giả hay thiệt đây mấy cậu?

    - Chị ơi! Mới ở trong bệnh viện ra nè !

    - Mấy cậu hổng biết chứ bệnh viện cũng có thuốc giả nữa !

    Đời nầy thiệt ra mà nói chứ giả thật thật giả hổng biết đâu mà mò. Hồi trước, người ta chỉ dám nghi mấy minh tinh màn bạc mới có thể xài đồ giả. Chứ bây giờ …hư, thực mơ màng quá!

    - Hay là tui cho chị uống thử hai viên coi có phê hông nha ?

    - Ý! Tui uống lỡ nó phê thiệt rồi người ta giựt xe tui thì tui bứt vốn liền !

    Đám kia bắt kịp đám nầy. Thôi ai nấy say sưa trả giá, nài kéo khen chê, tiền bạc nhứ ra rút vô, môi trề trề mắt trợn trợn nhìn thuốc nhìn người đo đạc tính toán. Rồi thì cũng được giá, bán hết 40 viên cho chị sồn sồn, giữ lại 10 viên làm bằng chứng cho bà chủ tịch xã vùng kinh tế mới Long Khánh sắp đi.

    - Cám ơn hai cậu nha!- Chị sồn sồn nói – Còn cái gì bán nữa hông?

    Thằng Thạch chỉ tôi:

    - Còn thằng nầy, bán luôn!

    - Ý! Cẩu còn trẻ quá! Mua về tui nuôi biết đến chừng nào ? Hi hi !!

    Tụi tôi đi ngược ra lại, đón xe đò về Long Khánh.

    ***

    Long Khánh

    Đường đi Long Khánh, đường có ngã rẽ đi thẳng ra Vũng Tàu, có biển Thái Bình mộng mơ.

    Nhiều người mơ mộng được nhào xuống biển, bơi sải hay thả ngửa rời khỏi cuộc sống với chế độ chỉ biết bòn mót của cải dân. Chế độ có tiếng khóc than to hơn tiếng cười hoan lạc.

    Nhưng nhiều quá những nút chặn. Chưa ngửi được mùi thơm mặn nồng của nước biển thì đã bị đuổi lại về miền núi đồi khô khan, máng cái cày trên vai, kéo qua cánh đồng không lúa không nước.

    Kéo cái cày khơi khơi trên cánh đồng khô…

    Ngửng mặt nhìn trời, nước mắt chảy. Cúi xuống nhìn đất, lệ còn rơi.

    Xe đò ngừng lại ở vùng bụi cát đã chuyển qua màu hung. Khu kinh tế mới của thằng Thạch chẳng mới tí nào, cũng èo uột nhà tranh trống hóc, chẳng kinh tế lợi lộc gì cả.

    Chỉ sản xuất được những tiếng thở dài. Như khu kinh tế mới Đồng Xoài tôi ở cũng cùng một thảm cảnh, cùng một tiếng thở dài như nhau.

    Tiếng ông già người Hoa lơ lớ:

    - “Lồ” chó chết ! “Pắt” tui lên đây để làm cái “léo” gì chớ ?

    Hai đứa cuốc bộ từ con lộ lớn dẫn vào. Thằng Thạch có vẻ ngần ngại, ngập ngừng. Tôi tìm lời an ủi:

    - Đừng lo mầy ơi! Nếu hổng được thì mầy cứ ở lại.

    - Ở lại chết mầy ơi !

    - Cái gì mà chết ?

    - Đói thê thảm, không có làm ăn được cái gì. Không có trồng trọt được cái gì ! Đ.Mm !!

    Hồi đó thằng Thạch lái phi cơ trực thăng có cây súng đại liên rượt mấy anh mặt xám bắn xì khói. Bây giờ mấy ảnh đì thằng Thạch vào chốn đìu hiu nhà tranh vách lá, một mảnh đất cằn, hóa phép sỏi đá biến thành cơm vậy cũng công bình rồi. Tôi nói cho nó nghe điều đó và tôi ngu quá thêm vô câu: “Vậy là còn khoan hồng lắm lắm!” Nó chửi tôi thôi né không kịp.

    Đến trước sân căn nhà tranh dùng làm văn phòng chủ tịch xã. Tôi nói nhỏ bên tai thằng Thạch: “Mầy nghe theo tao nha mậy. Đừng vô. Đợi tao kéo hãy vô nha !”

    Cu Thạch bây giờ chẳng những đầu tóc bù xù, hai tay cầm hai chiếc dép râu, mặc cái áo cũ cụt ngủn, cứ nắm vạt kéo kéo xuống như muốn cho nó dài ra thêm một chút nữa. Nó mới bị thói quen nầy kể từ lúc mua bộ đồ ở bến xe An Đông. Mặt mày quằn quện bụi đỏ và mồ hôi vì tôi không cho nó rửa mặt. Nó phải điên thật mới được.

    Sĩ Quan Không Quân Cu Thạch ngày hôm nay thành người mất trí giả mà thiệt, thiệt mà giả.

    Sĩ Quan Không Quân Cu Thạch ngày hôm nay không còn Tổ Quốc Không Gian để bảo vệ nữa.

    Sĩ Quan ráng lo bảo vệ những tháng năm buồn của Sĩ Quan.

    Tôi một tay chống gậy, một tay đẩy một tay kéo, miệng gầm gừ: “Đừng đi! Đừng đi!” Thằng Thạch cái mặt chù ụ, đứng cho một đống. Thiệt ra nó muốn đi lắm, đi tìm một chiếc phi cơ có quả bom nguyên tử trên đó, bay lên thả xuống cho tan tành cái phiền muộn của cuộc đời nầy.

    Trong nhà thấy ngoài sân chộn rộn bèn bước ra ba người. Một người đàn bà đứng tuổi thấp người hơi mập, tôi đoán là bà Năm chủ tịch xã. Một ông mặt xám ngắt, bộ đồ vàng công an, cầu vai đỏ chót, phe phẩy nón cối muốn quạt đi cái nắng chiều nhơm nhớp của vùng cao su và một cô, tóc con…rít. Vậy là hai con rít. Một cái một đực.

    - “A ! Cái dì dậy mấy cậu ?”. Giọng Nam Kỳ vang lên từ người đàn bà đứng tuổi.

    - Dạ ! Xin lỗi ! Có phải dì là Chủ tịch xã ?

    - Ừ ! Tui đây.

    - Dạ! Cháu là anh bà con của thằng Thạch …- tôi ngó qua ông mặt xám và cô tóc con rít khẽ gật đầu chào. Hai người chào trả – …dẫn nó lên đây trình diện dì và …dượng - ngó ông xám ngắt - …và cô - ngó cô con rít - …a…hồi nãy, cháu có đưa nó ghé qua Dưỡng Trí Viện Biên Hòa …- tôi ráng kiếm chữ “trịnh trọng high class” tôi xài, để cho mấy người đó có cảm tưởng rằng họ cũng quý phái luôn - … mà cái nó vụt bỏ chạy, báo hại Bác Sĩ Lân và quý vị Gạt Đờ Co bảo vệ Thần Kinh phải rượt theo bắt lại, nhốt vô phòng Cách Âm rồi chích cho một mũi Rờ Mi MạcTen mới êm.

    Tự nhiên tên rượu Cỏ Nhắc (Cognac) Rémy Martin - ở đâu nhảy vô trong óc của tôi làm tôi phun ra như thiệt. Tôi liếc liếc thằng Thạch, nó đang ngồi bẹp dưới sân cát, hai chân duỗi ra. Chắc có lẽ mệt và đói nữa, nay nghe nhắc tên rượu, nó lại càng mơ màng đến bữa ăn thịnh soạn có chất nồng màu hổ phách óng ả.

    Dì Năm bỗng lăng xăng:

    - Cậu Thạch đây hả cậu Thạch ? Chèn ơi ! Hồi đó đẹp trai lắm mà !

    (Mất nước thì còn đẹp trai cái …khỉ gì nữa?)

    - Dạ thưa dì và dạ thưa…dượng – hình như ông mặt xám khoái nghe tiếng dượng giọng Nam Kỳ của tôi, như câu xề vọng cổ lúa Đồng Tháp với miệt vườn trái cây nhãn lồng, nó ngọt và nó mơ mơ vì tôi thấy mặt ổng cứ ngây ngây. Còn dì Năm thì tôi cứ một dạ thưa, hai dạ thưa làm bả khoái tỉ, cứ như bả đang làm tổng thống. Riêng em “con rít” thì tôi hổng dám đụng chạm đến, lỡ tôi ngọt ngào quá em đâm ra mê tôi thì chết tía luôn! – suốt cả tháng nay nó không ăn cơm. Nó cứ lang thang ngoài đường.

    - Tội nghiệp hông ! Thôi ! Cậu Thạch đứng dậy đi vô nhà rồi dì Năm kiếm cái gì cho ăn.

    Tôi nhìn nó. Ánh mắt tôi nói: “Khoan !”

    Nó vờ lờ đờ nhìn tôi: “Tao biết chớ!”

    Kẻ thua trận làm nũng được lúc nào thì phải chộp cơ hội cho đỡ sầu.

    Dì Năm năn nỉ thêm một chập.

    Ánh mắt tôi : “Đi !”

    Ánh mắt nó : “Tao biết chớ! Đói bụng muốn chết !”

    Trên bàn một ấm nước trà, nải chuối sứ còn năm sáu trái, vài cái bánh ít bao lá chuối, năm bảy thỏi kẹo mè. Tất cả đặt trên cái mâm nhỏ. Ông mặt xám rót trà ra cái chén nhỏ:

    - Mời cậu xơi nước

    - Cám ơn dượng

    A ! Ông Tưng nầy. Mời tôi uống nước.

    Hồi đó nếu gặp ngoài mặt trận thì cả hai đã nhào tới bóp cổ nhau rồi. Nay ông mời tôi uống nước như một sự hối lỗi của chữ “giải phóng” mà ông ngộ nhận bao năm nay.

    Kể từ tháng Tư, bảy lăm. Mọi sự cởi bày. Những con mắt có võng mô đều thấy được sự thật rõ ràng: Từ ngữ “Giải Phóng” rõ ràng là một sự Xâm Lược.

    Nay uống chén trà thông cảm. Thông cảm khỉ gì nổi ?

    Tôi uống cho đỡ cơn khát mà thôi, cơn khát của con đường còn đi đang bị gián đoạn.

    Tôi uống cho đỡ tức một số đàn anh không chịu chơi bàn cờ tề chỉnh.

    Tôi biết thằng Thạch cũng cùng nổi tức và cơn khát như vậy. Tôi cầm chén nước đến bên nó, gừ gừ trong họng: “Mầy phun ra”

    Nó phun ra…

    Hai đứa đang diễn một vở kịch: “Những người ở lại chịu nhiều đắng cay”.

    Mà thật ra đâu phải là một vở kịch ?

    Đây là thực tế rõ ràng mà! Không cần cố gắng cũng nhập vai.

    Toàn xã hội, toàn quốc đang trân người gánh cơn nạn khổ.

    Thằng Thạch phun nước vào mặt tôi. Tôi đáng bị phun nước vào mặt lắm, cho dù là nước miếng nói chi nước trà?

    Thất phu hữu trách mà! Giang sơn bị giựt. Thằng Thạch và tôi lại là những người lúc ra trường có thề bảo vệ giang sơn.

    Nhưng cũng nên kêu oan một tiếng với Ông Địa. Cu Thạch và tôi còn quá trẻ để gây ra cột mối chiến tranh. Cu Thạch và tôi còn trẻ quá để gánh chịu sự trả thù bỉ ổi.

    Nhưng thật tình mà nói, Cu Thạch và tôi còn đủ trẻ để gánh mọi tai ương hơn là để tai ương trùm khắp lên bờ vai yếu ớt của các quả phụ và trẻ thơ, của những cụ già bô lão và những người không còn nguyên vẹn hình hài. Nhưng cơn trốt dữ dằn ác đức đã trùm lên khắp cả. Nam Phụ Lão Ấu. Không tha một ai !

    - Cậu Thạch à, ăn chuối nha?

    Cũng con mắt ngó: “Khoan !”

    Cũng con liếc lại: “Đói quá !”

    Rồi thêm câu mời, tiếp câu dỗ dành. Cu Thạch chơi khiêng luôn nguyên mâm, xề cạnh góc nhà, ngồi bẹp xuống đất, bóc vỏ chuối ăn liền.

    Tôi vờ hét lên:

    - Mầy có cám ơn dì Năm với dượng Tưng chưa hả ?

    Nó lúng búng cám ơn. Nó quẹt nước mũi. Nó ngồm ngoàm quả nữa. Nó bỏ cái mâm không xuống đất. Nó ôm phần còn lại trong lòng bỏ ra ngoài sân ngồi bẹp xuống cát, ngửng mặt nhìn trời.

    - Thế cậu trước cũng là ngụy quân nhể ?

    Tôi chối phăng:

    - Thưa, tôi là giáo viên.

    - Thế cậu là phó tiến sĩ ?

    - Tôi không biết học đến đâu để thành phó tiến sĩ ? Thời tôi học cứ tiến sĩ là tiến sĩ. Kinh tế cứ là kinh tế chứ chẳng Kinh Tế Hạch Nhân hay Kinh Tế Dịch Hạch gì cả. Bảo Sanh Viện Từ Dũ là cứ Bảo Sanh Viện, không Xưởng Đẻ, Xưởng Đái gì?

    - “Dạ! Dạ! Đúng rồi! Sao dượng biết hay quá vậy? Bộ dượng cũng là phó tiến sĩ ?” Tôi cười lớn lên, mắt mở to như vừa khám phá được một vĩ nhân.

    - Không! Tôi thì chẳng học hành gì nên hồn. Cứ nghĩa vụ mà đi, đâm lỡ dở cả!

    Trời! Nếu ai cũng dám nói thật như ông già đang ngồi trước mặt tôi, thì ruộng bác, bác làm. Ruộng tui, tui mần. Không có chiến tranh lôi thôi giành giựt.

    Ông già trước mặt tôi bị người ta xài hết một đời. Chiều về lỡ dở. Vào đến miền Nam mới ngẩng lên thấy được sự thật phũ phàng.



    Trần Thành Kiệt 344


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X