Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những ngày cuối cùng của Biên Hoà

Collapse
X

Những ngày cuối cùng của Biên Hoà

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những ngày cuối cùng của Biên Hoà

    Nghe tiếng hát Phùng Văn Chiêu - Nhớ những ngày cuối cùng của Biên Hoà
    Thiên Ân




    Danh từ "Không Quân", dù trong ngôn ngữ của ta hay của Tây, cũng đều có nghiã là "lực lượng quân sự trên không" (Air Force, Armée de l'Air). Nhưng trên thực tế, chỉ có chưa đến một phần mười trong tổng số quân nhân của không quân là biết...bay. Thí dụ: vào thời gian quân số lên cao nhất (đầu năm 1973), Không Quân VNCH có 64.147 người thì chỉ có vài ngàn là nhân viên phi hành. mà hễ nói tới không quân, người ta chỉ nhắc tới mấy cha pilot, hễ viết về không quân, người ta chỉ ca tụng lực lượng phi hành. Tức là có sự phân biệt kỳ thị giữa "chim" đi mây về gió và "chim" nằm lì một chỗ. Một bên là "phượng hoàng", một bên là "chim cánh cụt" (penguin)!

    Nếu tôi nhớ không lầm thì trước năm 1975, trên tạp chí Lý Tưởng của Bộ Tư Lệnh Không Quân ta, từ đầu mùa đến cuối mùa, bên cạnh hàng trăm, hàng ngàn bài viết bốc thơm mấy cha pilot, mấy chàng xạ thủ phi hành, thì chỉ có vài bài viết để ủi an mấy chàng phi đạo, hoặc mấy ông thợ sửa máy bay ở Công Xưởng Không Quân (sau này gọi là Bộ Chỉ Huy & Tiếp Vận Không Quân). Riêng lực lượng "yểm cứ" thì hình như chưa bao giờ được hân hạnh lên mặt báo cả!

    Nói về hai chữ "yểm cứ", chắc chắn phải có những ông pilot Việt Nam Cộng Hòa không hề biết rằng trong Không Quân ta có những không đoàn (wing) gọi là Không Đoàn Yểm Cứ (Air base wing). Tôi dám viết như thế vì có chứng cớ đàng hoàng:

    Cuốn "Flying Dragons" (Phi Long) của tác giả Robert C. Mikesh, cho tới nay vẫn được coi là cuốn sách viết công phu và đầy đủ nhất về Không Quân VNCH (Mikesh nguyên là pilot quan sát bay O-2A, và là sĩ quan liên lạc không quân ở Việt Nam trước năm 1975, hiện là trưởng toán thuyết minh tại Viện Bảo Tàng Hàng Không & Không Gian Quốc Gia ở Washington DC, USA).

    Đầy đủ tới mức không thiếu một phù hiệu (insignia) nào của các đơn vị trong Không Lực VNCH. Thế nhưng phía dưới phù hiệu của Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku - con chim Bồ Nông (pelican) với hai nhành dương liễu phía dưới và hai mẫu tự PK ở phía trên - tác giả đã cả gan chú thích: Anti-aircraft (Phòng Không)!

    Cũng cần nói thêm là khi viết cuốn sách này, tác giả đã phỏng vấn, tham khảo hàng trăm cựu sĩ quan trong Không Lực VNCH, từ cấp tướng như các ông Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Oánh (TTHLKQ), Nguyễn Hữu Tần (SĐ4KQ) xuống tới cấp Đại úy, Trung úy. Và có lẽ một vị trong số này, khi được tác giả hỏi về lai lịch của phù hiệu này, thấy hai mẫu tự "PK" liền suy diễn đó là viết tắt của hai chữ... Phòng Không!. Không quân thì phải có... phòng không. Có lý quá đi chứ!!!

    Xin lạy các bố! Phù hiệu có con chim Bồ Nông với hai mẫu tự viết tắt chính là phù hiệu của các Không Đoàn Yểm Cứ trong Không Lực VNCH, và những chữ viết tắt là các đơn vị PK: Pleiku - ĐN: Đà Nẵng - NT: Nha Trang - BH: Biên Hòa - TSN: Tân Sơn Nhất v..v..

    Giải thích như các bố (PK: phòng không), các ông cựu Không Đoàn Trưởng Yểm Cứ mà đọc được sẽ buồn 5 phút!

    Cũng giống như nỗi buồn của các NT Nguyễn Ngọc Oánh, Từ Văn Bê, Vũ Văn Ước khi thấy ai đó viết trên internet rằng Không Quân VNCH có 6 đại đơn vị là các Sư Đoàn 1, 2, 3, 4 ,5 và 6 Không Quân!

    Một cách chính xác nhất, theo sơ đồ tổ chức cuối cùng, Không Quân VNCH có tới 9 đại đơn vị cấp sư đoàn hoặc tương đương, đó là 6 sư đoàn không quân đã nhắc tới ở trên và 3 đơn vị biệt lập: Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân (ATC: Air Training Centre, chỉ huy trưởng Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Oánh) - Bộ Chỉ Huy và Tiếp Vận Không Quân (ALC: Air Logistics Command, chỉ huy trưởng Chuẩn Tướng Từ Văn Bê) - Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân (AOC: Air Operations Command, chỉ huy trưởng Đại Tá Vũ Văn Ước).

    Tôi không phải dân "Tổng Quản Trị" nhưng tình cờ biết được khi tham dự buổi thao dợt Ngày Không Lực 1-7-1973, tổ chức tại Tân Sơn Nhất. Trước ngày lễ mấy ngày, các ông tư lệnh, chỉ huy trưởng các đơn vị phải cử người về để thay mình tập dợt, sau đó mới về "dợt lại" cho ông xếp lớn. Tôi được đóng vai ông Từ Văn Bê.

    Trong buổi lễ này, tới phần tuyên dương các đơn vị, 6 ông tư lệnh Sư Đoàn và 3 ông chỉ huy trưởng từ khán đài đi xuống (có một ông đếm nhịp đàng hoàng), đứng thành một hàng ngang trước mặt Trung Tướng Trần Văn Minh, bên cạnh mỗi ông là lá cờ của đơn vị mình (9 là cờ có kích thước bằng nhau).

    Trở lại với các Không Đoàn Yểm Cứ, có thể nói nhiệm vụ tổng quát là giúp cho người không quân được "an cư" trước khi "lạc nghiệp". Lo chỗ ăn, chỗ ở, lo điện nước, lo đường xá, lo quản trị hành chánh, lo lương lậu, lo phòng thủ căn cứ... toàn là những việc "không tên", đám dân bay đã không biết ơn còn đem lòng... thù ghét. Ghét từ ông Không đoàn trưởng xuống tới chàng quân cảnh gác cổng phi trường!

    Nguyên nhân có lẽ cũng chỉ vì mấy cha quân cảnh gác cổng. Quân cảnh Không Quân ở Biên Hòa có tiếng là "hắc ám" số 2 (Tân Sơn Nhất số 1).

    Nhưng xét cho kỹ thì dù quân cảnh Không Quân ở Biên Hòa, ở Tân Sơn Nhất có dễ dãi thì cũng vẫn bị ghét như thường. Đó là một cái gì rất tự nhiên, người dân ghét cảnh sát ra sao thì người lính cũng ghét quân cảnh như thế. (Có khi còn ghét hơn, bởi vì đôi khi người ta còn gọi cảnh sát là "bạn dân" chứ nào có ai gọi quân cảnh là "bạn lính"!).

    Mà Đoàn Quân Cảnh thì thuộc Liên Đoàn Phòng Thủ, nằm trong Không Đoàn Yểm Cứ cho nên quân cảnh bị ghét thì ông Liên đoàn trưởng, ông Không đoàn trưởng cũng bị ghét lây. Tôi được hân hạnh biết 4 ông Không đoàn trưởng Yểm Cứ - Đỗ Trang Phúc ở Nha Trang - Võ Quế, Phạm Bá Mạo ở Pleiku - Phùng Văn Chiêu ở Biên Hòa, thì thấy không có ông nào được quan, lính không quân "thương" cả. Trong khi công tâm mà nhận xét trong 4 ông, chỉ có ông Đỗ Trang Phúc là hơi hơi...khó tính, 3 ông còn lại hiền như...bụt!

    Cựu Đại tá Phùng Văn Chiêu (ảnh chụp tại Hoa Kỳ)

    Lấy thí dụ ông Phùng Văn Chiêu, khoảng năm 1966, khi người viết còn là sinh viên, ở trọ nhà tên bạn trong cư xá Hàng Không Dân Sự. Cư xá này lại nằm trong lãnh thổ Yếu khu TSN, cho nên khi làm thẻ thông hành phải vào trình diện ông chỉ huy trưởng hồi đó là Thiếu Tá Phùng Văn Chiêu. Sinh viên mà thấy ông Thiếu Tá râu ria đã đủ "rét" rồi, huống chi ông còn trợn mắt hỏi:

    -Bộ chú em là Việt cộng vô nằm vùng hả?...

    Sau này đi lính không quân, khi đổi về Biên Hòa có nhiều bạn bè thân bên yểm cứ, được dịp tiếp xúc mới biết ông Chiêu hiền khô và có máu văn nghệ cùng mình.

    Làm "yểm cứ" là chấp nhận "trăm dâu đổ đầu tằm". Còn nhớ có lần phái đoàn Bộ Tư Lệnh KQ tới căn cứ Biên Hoà để thanh tra SĐ3KQ của ông Huỳnh Bá Tính và Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQ của ông Từ Văn Bê. Buổi chiều giải trình tại câu lạc bộ Bửu Long, Trung Tướng Trần Văn Minh, vị tư lệnh nổi tiếng ăn nói thẳng thừng, đã phê bình tình trạng vệ sinh ttrong căn cứ như sau:

    -Tới Biên Hoà, khỏi cần dòm mấy tấm bảng ghi không đoàn này, phòng sở nọ là của ai, mà chỉ cần thấy chỗ nào sạch sẽ là biết của bên Bộ Chỉ Huy, chỗ nào dơ dáy là của bên Sư Đoàn!

    Nghe ông Minh cồ phán, Chuẩn tướng Từ Văn Bê không dám cười, Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính thì cười gượng và đưa mắt liếc... ông không đoàn trưởng yểm cứ "thân yêu" của mình: Đại tá Phùng Văn Chiêu!

    Kế cũng bất công thật!

    Rồi tới vụ Trung tướng Phạm Quốc Thuần, Tư Lệnh Quân Đoàn III, ra "chiến dịch" hốt lính không quân sáng sáng tụ tập hai bên đường Trịnh Hoài Đức (phiá ngoài cổng phi trường) mà không chịu chào kính khi thấy xe mang cờ 3 sao của ông chạy ngang qua (trên đường đến Bộ Tư Lệnh QĐ). Mỗi ngày, hàng trăm lính không quân bị quân trấn Biên Hoà hốt, đem về cho ngồi ngoài bờ sông Đồng Nai ... ngắm cảnh!

    Không có lính kỹ thuật thì lấy ai sửa máy bay, không có lính phi đạo thì làm sao pilot có tàu. Thế là "yểm cứ" lãnh thêm nhiệm vụ mới: ca bài ca con cá với ông quân trấn trưởng để lãnh lính không quân về...

    Để rồi tới những ngày cuối cùng của Biên Hoà, người "yểm cứ" cũng là những người cuối cùng rời bỏ căn cứ...

    Khoảng một tuần lễ trước ngày 30 tháng 4, vì khu gia binh bị VC pháo kích thường xuyên, tôi đưa vợ con về Sàigòn. Thứ Bảy 26/4, tôi ở lại Biên Hoà vì sáng ngày hôm sau, tôi sẽ trực BCH/KT&TV/KQ. Dù bị pháo kích nhiều, tình hình ra vẻ vẫn chưa có gì đáng ngại. Trực thăng của KĐ43CT vẫn tiếp tục lên xuống.

    Qua ngày Chủ Nhật 27/4, VC bỗng gia tăng cường độ pháo kích vào phi trường, phần lớn là hoả tiễn 122 ly và đại bác 130 ly (sau này được biết từ sáng đến khuya Chủ Nhật, chúng đã pháo tổng cộng cả ngàn trái đủ loại vào phi trường và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III).

    Phi trường gần như bị tê liệt.

    Càng về khuya, VC càng pháo dữ dội. Khoảng hơn 10 giờ đêm, nghe tiếng trực thăng bên KĐ43CT bắt đầu cất cánh, tôi biết giờ này K., một thằng bạn thân của tôi từ ngày còn đi học, đang nôn nóng đợi tôi theo lời dặn dò khi hai thằng gặp nhau hôm thứ bảy. Nhưng nhìn những hạ sĩ quan và lính trực, nghĩ tới mấy chục khóa sinh (học định nghiệp) đang ứng chiến phía ngoài, nhớ tới những quân nhân trong đơn vị bị thương vì đạn pháo kích đang nằm hấp hối ở bệnh xá tôi không đủ can đảm bỏ đi.

    Mười một giờ đêm, tiếng trực thăng xa dần...

    Sáng thứ hai 28/4, VC bớt pháo kích rồi ngưng hẳn. Có lẽ chúng biết các phi cơ đã bay đi hết, tức là phi trường không còn lực lượng tác chiến nữa, bắn chi cho phí đạn!

    Sĩ quan trực ngày Thứ Hai không đến đơn vị, tôi phải tiếp tục nhiệm vụ. Những quân nhân đã về Sàigòn vào cuối tuần trước, giờ đây đều có lý do chính đáng để không trở lại Biên Hòa: du lích VC đã xuất hiện tại một số vị trí dọc theo xa lộ Đại Hàn, đi ngang có thể bị phục kích bắn sẻ, cho nên tốt hơn hết là chạy thẳng vào Tân Sơn Nhất trình diện Bộ Tư Lệnh.

    Khoảng 9, 10 giờ sáng, Chuẩn tướng Từ Văn Bê, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy KT&TV-KQ tới T.O.C. của SĐ3KQ họp với Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính và các vị chỉ huy cao cấp. Sau buổi họp, Chuẩn tướng Từ Văn Bê trở về BCH-KT&TV-KQ cho triệu tập các đơn vị trưởng, trưởng phòng, trưởng khối và sĩ quan trực, ông cho biết Bộ Tư Lệnh ra lệnh di tản căn cứ Biên Hòa (bằng trực thăng Chinook) về Tân Sơn Nhất và có thể từ đó sẽ về Cần Thơ. Dĩ nhiên trước khi đi phải đốt phá thành bình địa, không để lại một thứ gì địch có thể sử dụng.

    (Sau này tôi được biết sở dĩ Biên Hoà về Sài gòn chỉ có 25 cây số mà không di tản bằng đường bộ, là vì lúc đó Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn III không cho phép Không Quân Biên Hòa di tản).

    Địa điểm Chinook đáp là sân đậu phi cơ trước hangar B (khu Tây). Sĩ quan cấp dưới, hạ sĩ quan và binh sĩ ra đó trước, sĩ quan cao cấp nhất ở lại phần sở, sau khi đốt mới được đi. Để Chinook có thể chở người tới mức tối đa, các quân nhân không được mang theo bất cứ thứ gì ngoài nón sắt, khẩu súng và hai cấp số đạn. Ưu tiên di tản như sau: Phòng An Ninh Quân Đội, Phòng Tài Chánh, Phòng Tổng Quản Trị ( vì hồ sơ cần mang đi trước); kế tiếp là lính kỹ thuật và sau cùng mới tới Liên Đoàn Phòng Thủ.

    Vì nhiều sĩ quan cao cấp trong đó có ông Trung Tá Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị của tôi bị kẹt ở Tân Sơn Nhất nên tôi được trao trách nhiệm Khối CTCT và các phòng sở tham mưu tại Bộ chỉ huy.

    Khoảng 3 giờ chiều, sau khi cho người xuống Đoàn Quân Xa lấy một can xăng 20 lít, tôi nói Thiếu Úy T. đưa anh em ra địa điểm di tản, còn tôi ở lại với Chuẩn Tướng Từ Văn Bê.

    Khoảng 4 giờ chiều (hoặc 4 giờ rưỡi, tôi không nhớ chính xác), Ông Bê nói tôi chuẩn bị đốt building Bộ Chỉ Huy. Tôi lấy xăng rưới, bắt đầu từ phòng làm việc của ông ở trên lầu, dọc theo hàng lang rồi xuống cầu thang. Tôi và ông bước ra cửa. Người lính của Đoàn Phòng Vệ có nhiệm vụ gác Bộ Chỉ Huy đưa tay chào lần cuối cùng!

    Chuẩn Tướng Từ Văn Bê quay lại nhìn cái building to đẹp nhất căn cứ KQ Biên Hòa (do KQ Mỹ bàn giao lại) rồi chửi thề nho nhỏ (lần đầu tiên trong 3 năm ở Biên Hòa tôi thấy ông chửi thề):

    - ĐM mấy thằng Huê Kỳ, xây cho cố vào rồi bây giờ đốt!

    Rồi tôi được lệnh châm lửa. Ông Bê lái xe chở tôi chạy ngang Trung Tâm Quản Trị Vật Liệu ở gần đó. Trung Tá Nguyễn Kim Cương, chỉ huy trưởng đợi sẵn, liền châm lửa đốt Phòng Điện Toán, kế tiếp là Đoàn Động Cơ Phản Lực, Liên Đoàn Vũ Khí & Điện Tử và tất cả các cơ sở khu Đông, chỉ trừ dàn thử động cơ phản lực (Test cell) ở tận cuối phi đạo phía Đông (ssau này các quân nhân KQ bị VC bắt vào dọn dẹp phi trường đã cho tôi biết Test Cell vẫn còn nguyên vẹn).

    Đốt xong khu Đông, tôi và Chuẩn Tướng Bê sang khu Tây. Tới chỗ tập họp của binh sĩ, tôi nói ông Bê cho tôi xuống xe. Thú thật, tôi xuống xe mà đầu óc không suy nghĩ gì cả. Tôi không một thoáng phân vân giữa việc xin đi theo ông Bê (ông và Chuẩn Tướng Huỳng Bà Tính có trực thăng chờ sẵn) và việc ở lại với anh em binh sĩ. Tôi coi việc ở lại là một cái gì đương nhiên, thế thôi!...

    Sau khi Chinook đáp được vài đợt, thì đùng một cái ai đốt kho bom!

    Thế là những tiếng nổ long trời lở đất nối tiếp nhau, miểng bom chài (như cây đinh có đuôi có cánh) văng rào rào xuống phi đạo, rới lộp cộp trên nón sắt của mọi người. Các quân nhân trách nhiệm các hangar thấy thế cũng vội vã đốt cơ sở, khói lửa càng thêm mịt mù. Trước tình thế đó, Chinook không thể tiếp tục đáp, và cuối cùng, khi màn đêm chuẩn bị buông xuống, chỉ còn lại đoàn người tuyệt vọng ngồi trên phi đạo!

    Tới đây, vì là người đầu tiên châm lửa đốt Căn Cứ KQ Biên Hòa, tôi nhận thấy có đôi lời phân bày trước dư luận trong KQ Biên Hòa cho rằng: Ngày ấy Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính đã trách cứ Chuẩn Tướng Từ Văn Bê về việc ra lệnh đốt quá sớm khiến binh sĩ bị rối loạn tinh thần, đưa dến tình trạng hỗn loạn và vì thế cuộc di tản bằng trực thăng Chinook đã bị bỏ dở làm cho cả ngàn quân nhân thuộc 2 đơn vị: SĐ3KQ và BCH/KT&TV/KQ bị kẹt lại!

    Tôi hoàn toàn không đồng ý (với dư luận đó).

    Thứ nhất, "cơ sở" của BCH/KT&TV/KQ là hàng trăm kho vật liệu. là các trung tâm điện toán, trung tâm quy chuẩn là các hangar tổng kiểm, bảo trì phi cơ, với biết bao máy móc điện tử... ở rải rác từ khu Đông sang khu Tây, không đốt sớm thì không thể Đ-T HẾT. Chuẩn Tướng Bê đốt sớm có lẽ vì muốn đích thân chứng khiến tất cả đã được đốt, trước khi mọi người rời bỏ căn cứ (tôi gần gũi, biết tính ông Bê kỹ lưỡng nên đoán vậy thôi, chứ từ sau 30/4/75, tôi chưa hề được gặp lại ông).

    Thứ hai, lúc ban đầu bên BCH đốt cơ sở khu Đông, tức là cách xa địa điểm di tản (khu Tây) cả mấy cây số , binh sĩ cùng lắm cũng chỉ nhìn thấy chút khói thôi. Nếu họ mất tinh thần thì mất vì thiếu vắng cấp chỉ huy trực tiếp nhiều hơn là vì thấy căn cứ bị đốt. (Riêng binh sĩ của BCH/KT&TV/KQ, tôi nhận thấy họ bình tĩnh và nghe lệnh các sĩ quan cho tới giờ phút chót).

    Cho nên, nếu có trách thì phải trách người ra lệnh cho nổ kho bom quá sớm (hoặc ra chỉ thị không rõ ràng), cũng như trách Bộ Tư Lệnh KQ đã không có đủ Chinook để di tản binh sĩ. Bởi vì theo nhận xét của tôi, dù kho bom không nổ sớm, với nhịp độ đáp thưa thớt của Chinook, tới tối cũng không thể nào di tản hết cả ngàn quân nhân còn kẹt lại.

    Cuối cùng, không thể không quy trách một phần cho tên phi công nội tuyến Nguyễn Thành Trung, kẻ đã hướng dẫn A-37 về oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhất vào buổi chiều hôm đó. Bởi vì nếu Tân SơnNhất không bị ăn bom của y và đồng bọn, rất có thể Chinook vẫn tiếp tục bay xuống Biên Hòa để di tản

    Phần tôi, sau này cứ tự an ủi: bị kẹt có khi lại là may mắn, về TSN biết đâu lại chết vì bom của tên nội tuyến ấy, hoặc vì đạn pháo kích của Việt cộng!

    Khoảng 7 giờ tối căn cứ Biên Hòa hoàn toàn mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh KQ, phi trường bị chìm trong bóng tối vì nhà máy điện đã bị đốt. Phía SĐ3KQ, Trung tá Lý Thành Ba, Liên đoàn trưởng Liên Đoàn Phòng Thủ, vị sĩ quan cao cấp nhất còn lại đã quyết định dẫn lính về Sàigòn bằng đường bộ, phía BCH/KT&TV/KQ, sĩ quan cao cấp nhất là Thiếu Tá Nhữ Văn Phúc, Liên Đoàn Trưởng Vũ Khí & Điện Tử (có thời giữ quyền Trưởng Khối CTCT); ông nói với tôi:

    - Vợ con Moa còn kẹt lại bên Cù Lao, không biết giờ này ra sao. Moa phải về. Thôi, Toa ở lại nhé!

    (Sau này tôi được biết Trung Tá Nguyễn Kim Cương, chỉ huy trưởng Trung Tâm Quản Trị Vật Liệu, đã hướng dẫn một số anh em quân nhân thuộc BCH/KT&TV?KQ đi theo đoàn quân của SĐ3KQ)

    Lúc đó, tình hình đã hỗn loạn. Lớp thì Cảnh Sát Dã Chiến vào giữ phi trường theo lệnh của Quân Đoàn, lớp thì đám người "thừa nước đục thả câu" vào "hôi của" trong khu gia binh, lớp thì binh sĩ tự động tan hàng... Tôi quyết định đưa số anh em bên BCH/KT&TV/KQ còn ở lại với tôi về Sàigòn bằng đường bộ. Nhưng vì quân số ít, lại không có khả năng "tác chiến" như lính phòng thủ, tôi đi ra ngã ba Tam Hiệp rồi theo xa lộ cũ chứ không dám sử dụng xa lộ Đại Hàn vì sợ bị VC tấn công.

    Tới cầu Đồng Nai thì bị lính Dù chặn lại: lệnh Trung tướng Tư Lệnh Quân Đoàn III, không một quân nhân nào được phép qua cầu (hướng về Sàigòn). Tôi liền dẫn anh em vào Công Ty Đường Việt Nam trong khu kỹ nghệ Biên Hòa để ngũ đỡ. Nhưng nào có ngủ được, 130 ly của địch từ Trảng Bom bắn tới suốt đêm.

    Sáng ra mới biết mình may mắn, nhiều quân nhân của các đơn vị khác chạy về trú gần đó, cũng như đồng bào ngủ dọc theo xa lộ bị chết, bị thương khá nhiều.

    Tôi còn đang phân vân chưa biết đi đâu thì một số anh em Không Quân từ Biên Hòa chạy lên cho biết "Không Quân đã trở lại phi trường!". Lính Dù đã cương quyết không cho qua cầu thì dù trong lòng bán tín bán nghi tôi cũng đành trở lại Biên Hòa xem sao. Về đến nơi, quả thật có thấy lính Không Quân đang chạy tới chạy lui trong phi trường, nhưng toàn là lính..."phòng thủ"!

    Thì ra đêm qua, Trung tá Lý Thành Ba đã không đưa đoàn người về Sàigòn (có lẽ sợ không an toàn) mà cho ngủ lại ở sân banh. Tôi hỏi ông bây giờ mình tính sao, ổng nói chờ lệnh bên Quân Đoàn di tản, mình đi theo.

    Buồn tình, tôi nói anh em xuống đoàn quân xa đổ xăng cho đầy xe và các bình can sơ-cua (phước đức ông bà, đêm hôm qua người ta quên không đốt cây xăng!) rồi đi vòng vòng xem những chỗ đã đốt chiều hôm trước.

    Với tư cách là tư lệnh, là chỉ huy trưởng, chắc chắn Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính, Từ Văn Bê đã vô cùng đau lòng khi ra lệnh đốt phi trường vào chiều ngày hôm trước, nhưng dù sao hai ông cũng đã không bị quay trở lại để nhìn "đống tro tàn". Chỉ có tôi và những người quay trở lại căn cứ vào sáng 29/4/1975 mới trải qua những giây phút trống vắng lạ kỳ, với tâm trạng bi ai khôn tả trước cảnh điêu tàn ấy!

    Khoảng gần trưa, bên Quân Đoàn cho lệnh di tản. Trên đường về Sàigòn theo xa lộ cũ đoàn quân xa màu xanh của Không Quân tản mác dần trong rừng xe của các quân binh chủng. Tới Ngã Tư Hàng Xanh, hầu hết xe Không Quân đều quẹo về hướng Bà Chiểu để vào TSN, riêng tôi vì muốn gặp lại vợ con, gia đình trước khi có quyết định nên chạy thẳng vào cầu Phan Thanh Giản. Chàng Thiếu Uý trẻ và các binh sĩ dưới quyền tôi cũng có cùng tâm trạng nên đều đồng ý theo tôi. Trước khi chia tay nhau ở ngã tư Phan Thanh Giản - Pasteur, chàng Thiếu úy hỏi:

    -Trung Úy, rồi ngày mai mình đi đâu?

    Lúc đó, trong lòng tôi vẫn còn hy vọng những gì Không Quân bàn tán trong mấy ngày qua có thể trở thành sự thật: Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ sẽ lãnh đạo tử thủ vùng 4. Tôi đáp:

    -Đừng vào TSN nữa, về thẳng Cần Thơ!

    Tôi về tới nhà, mừng rỡ gặp lại vợ con, rồi quá mệt vì mấy đêm liên tiếp không ngủ, tôi đánh một giấc cho tới sáng. Sáng hôm sau, vợ tôi đánh thức tôi dậy để nghe ông Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng.

    Ngày hôm sau, Cần Thơ mất.

    Hai mươi lăm năm sau, giờ đây có lẽ ông Kỳ đã quên hẳn ý định "tử thủ" năm nào, nhưng riêng tôi, thỉnh thoảng ban đêm vẫn còn mơ mình đang lái chiếc xe Scout màu xanh không quân của ông Từ Văn Bê trên đường về Cần Thơ.

    Như Niên trưởng Phùng Văn Chiêu đã viết: "vì vận mệnh đất nước, tất cả.... đều đã mất", có tiếc nuối, có vọng tưởng cũng thế thôi. Nhưng bên cạnh đó, giữ được trong lòng những gì mà "một thời đã yêu, một đời để nhớ" cũng là một thứ hạnh phúc của phần đời còn lại. Và cũng giống như niên trưởng, cũng giống như bất cứ người Không Quân VNCH nào còn hãnh diện vì màu cờ sắc áo năm xưa, "yêu" đó, "nhớ" đó, với tôi chính là cuộc sống, là tình người, là truyền thống của quân chủng Không Quân - trong đó phượng hoàng sát cánh cùng chim bồ nông, hải âu chung bầy với chim cánh cụt.

    Thiên Ân
    Melbourne - tháng 11/2000

    Nguồn:hung-viet.org/a5594/nghe-tieng-hat-phung-van-chieu-nho-nhung-ngay-cuoi-cung-cua-bien-hoa
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 04-17-2021, 03:58 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X