Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Mùa Táo Trên Xứ Ba Lan

Collapse
X

Những Mùa Táo Trên Xứ Ba Lan

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Mùa Táo Trên Xứ Ba Lan

    NHỮNG MÙA TÁO TRÊN XỨ BA LAN


    Bảng ngồi nhìn những trái táo chín vàng pha sắc đỏ mọc chen chúc bên những chiếc lá xanh mướt trông thật đẹp. Những trái táo chín ở xứ sở Châu Âu thanh bình này gợi anh nhớ nhiều về mảnh vườn trồng cây ăn trái ở quê ngoại miệt Long Khánh, Việt Nam.
    Bảng còn nhớ rất rỏ mổi khi đến mùa, những cây chôm chôm đầy trái vàng chín rực rở và hương thơm ngào ngạt của ổi khắp nơi trong vườn bay đi xa trong gió.
    Buổi chiều đang dần xuống trên nông trại của nhà Karol trong vùng Grojec, miền đất trồng táo nổi tiếng của Ba Lan nằm về phía nam Warsava. Nhiều thế hệ trong gia đình Karol là những nông dân kỳ cựu sống lâu năm trong ngôi làng nhỏ nhắn này. Sản phẩm nông nghiệp chính ở đây là những quả táo chín mọng, thơm ngon được xuất đi nhiều nước Châu Âu và thế giới.
    Cứ khoảng vài tuần vào ngày chủ nhật, lúc rảnh rổi anh lái xe từ thủ đô Warsawa đưa Karol và con trai về đây thăm ông bà và tận hưởng cảnh đồng quê trong ngôi làng Ba Lan xinh đẹp này.
    Thấm thoát anh và Karol đã cưới nhau hơn mười năm, cuộc sống hạnh phúc của họ cho ra đời cậu con trai 8 tuổi chỉ nói được bập bẹ vài tiếng Việt, nhưng lại hay hỏi anh về quê hương Việt Nam xa xôi có điều gì khác với Ba Lan, xứ sở mà nó cho là đẹp nhất vì có những trái táo rất ngon.
    Bảng hồi tưởng lại những ngày đầu lìa xa đất nước nghèo khổ ở tận góc biển vùng đông nam á, anh đến Tiệp Khắc theo chương trình trao đổi du học sinh giữa các nước cộng sản Đông Âu và Việt Nam.
    Lúc đó anh đang học năm thứ hai tại một trường kỹ thuật ở Gò Vấp, Saigon. Cuộc chiến đã đi qua hơn chục năm nhưng đời sống mọi người vẩn rất thiếu thốn và khổ sở. Những bửa ăn độn với khoai, đậu, rau … là chuyện thường ngày. Cuộc sống cứ loanh quanh với các câu khẩu hiệu phát trên sóng ra-điô hoặc qua những cái loa treo trên các cột đèn đường, các băng rôn đỏ đầy chữ nghĩa treo khắp mọi con đường và cuốn sổ mua lương thực.
    Những câu chuyện về các chuyến vượt biên bằng thuyền ra biển hoặc đường bộ xuất phát gần khu vực biên giới xuyên qua rừng già Kampuchia, Lào đầy hiểm nguy vẩn không làm người dân sờn lòng. Trong nhà, bên các quán cóc ngoài đường mọi người rầm rì bàn tán chuyện bỏ nước ra đi như việc quốc sự. Thỉnh thoảng vài thằng bạn quen trong trường làm đơn xin nghĩ phép “về quê” rồi lặng lẻ biến mất. Những thằng còn lại tự hiểu là “nó đã đi rồi” và ngóng chờ tin tức xem bạn bè có đến được hòn đảo nào bên kia không, thân xác đã nuôi cá hay vào nhà đá … Trong đầu Bảng không yên, anh thắc thỏm lo âu về số phận của mình trong dòng người mệt mỏi còn ở lại thành phố Saigon.
    Rồi đến lượt mình gia nhập vào cơn sóng bỏ nước ra đi bất tận đó. Vào dịp nghỉ hè của năm học, gia đình sắp xếp cho Bảng và thằng em trai theo chuyến vượt biên ở vùng quê nội tại một làng chài miền trung. Nhưng đúng là số mệnh, Bảng và thằng em đi ra vô nhiều lần nhưng đều thất bại, cả hai buồn bả âm thầm trở về Saigon mà lòng vẩn nuôi chí ra đi.
    Quay lại trường khi năm học thứ hai bắt đầu, lớp anh rơi rụng thêm một số bạn thân. Anh và mấy thằng còn lại thường hỏi nhau “ không biết tụi nó vượt biên ” có thóat không và những ngày dài sống mòn mỏi giửa Saigon chờ đợi một cái tin hoặc một thứ gì đó.
    Bảng chia sẽ nổi buồn sâu kín sau thất bại của những chuyến vượt biên ở vịnh biển vắng với hai thằng bạn thân nhất trường. Sau giờ học trong không khí mệt mỏi của buổi chiều, cả ba kéo nhau ra mấy quán rượu sau chợ Gò Vấp, ngồi giải sầu với những xị đế và dĩa mồi cóc xoài ổi. Tâm trạng mổi người đi theo một ngả trong men rượu ngà ngà say của quán chợ về chiều.
    Sống khốn khó trong một đất nước được ru ngủ với các khẩu hiệu, còn nền kinh tế thì kiệt quệ và thiếu thốn lên đến cực điểm. Do vậy những ngày đó, các món hàng gia dụng bình thường gửi về từ các công nhân đi lao động hợp tác ở Đông Đức, Tiệp Khắc, Hung, Liên Xô … trở thành đồ hiếm và có giá tại quê nhà.
    Làn sóng du học sinh qua những nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu bùng lên mạnh mẻ như môt lối thoát. Từ bắc chí nam, thanh niên học sinh diện các gia đình ưu tiên, lí lịch “tốt” tranh dành nhau từng chiếc vé qua Đông Âu nhằm đổi đời.
    Trong ngôi trường kỹ thuật ở vùng ngoại ô này, mọi người cũng bàn tán xôn xao chuyện đi tây. Bảng và mấy thằng bạn sốt sắng hỏi thăm, chạy chọt với các cán bộ phòng ban có vai vế tìm cơ hội. Nhờ lý lịch không dính dáng đến chính quyền VNCH, nên chuyện xem xét bản thân của Bảng vượt qua được trở ngại ban đầu. Sau đó gia đình phải tốn khá nhiều cho cán bộ xét tuyển nơi đến làm việc, đây là phần chính cho sự thành công trong thời gian du học sinh đến lao động.
    Kết quả đúng như mong muốn, Bảng được đi Tiệp Khắc, một nơi được mọi người đánh giá là “ ngon lành ” không thua gì Đông Đức trong khối Đông Âu vì có nhiều hàng hóa để mua bán và dể đưa về Việt Nam kiếm tiền hơn mấy nước kia.
    Rồi những ngày vừa học vừa làm trên xứ Tiệp, anh và những người đến sau học hỏi lớp đàn anh đi trước cái nghề lục lạo khắp nơi tìm kiếm các món hàng có lời trên xứ này. Chịu khó xếp hàng … nhiều lúc rất lâu để mua và thu gom mổi thứ một chút, khi số lượng đã kha khá liền đóng thùng gửi về Việt Nam. Từ các con buôn bất đắc dĩ này ở Đông Âu, nhiều món hàng gia dụng thập cẩm … chạy ra khắp các thị trường chợ đen ở các thành phố lớn của Việt Nam, tạo nên cơn sốt hàng tiêu dùng Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungary ...
    Làm lâu quen tay, anh và nhiều thằng bạn khác trốn làm việc ở nhà máy hoặc nhân những ngày nghỉ mò qua tận Đông Đức đánh hàng “độc” theo nhu cầu của thị trường kiếm lời. Những năm lăn lộn khắp đây đó biến Bảng thành một con buôn sành sỏi chuyện mua bán giá cả món này, hàng kia hơn là một thợ cơ khí lành nghề.
    Ở những nước cộng sản Đông Âu này, đó là con đường kiếm tiền của nhiều thanh niên VN khi được gửi đến lao động hợp tác ở đây. Nhà máy và những câu khẩu hiệu mỹ miều chỉ còn lại là những vỏ bọc bên ngoài.
    Rồi một cơn sóng thần mạnh mẻ xuất hiện từ Ba Lan tràn đến Tiệp Khắc và các nước Đông Âu khác như làn gió mới làm thay đổi mọi thứ. Mọi người truyền tai nhau những câu chuyện sau một đêm thức dậy mọi thứ đã thay đổi khác thường.
    Nhóm bạn bè quen của Bảng, có thằng lo âu thấp thỏm, những thằng có đầu óc và hiểu biết về thời sự thế giới thì âm thầm vui mừng. Các cuộc xuống đường biểu tình của công nhân Ba Lan như một làn gió mạnh mẻ quét qua khắp vùng Đông Âu đã quá mệt mỏi, lạc hậu trong vòng kềm tỏa của người anh cả vĩ đại Xô Viết từ sau thế chiến thứ 2.
    Làn gió đổi mới cuốn đi sạch sẽ tàn tích cộng sản độc tài và nghèo đói ở Ba Lan, rồi lan nhanh qua Tiệp Khắc, Hungary và mau chóng triệt hạ bức tường Berlin được chính quyền Đông Đức cho là rất vững chắc không thể nào sụp đổ.
    Hình như điều anh và nhiều người khi qua đây, dù không mong đợi nay đã trở thành hiện thực. Trong những ngày cuồng phong bão tố đó, xung đột tư tưởng nổ ra trong các nhóm khi các cán bộ cộng sản ở các tòa đại sứ có lời kêu gọi du học sinh và công nhân đi lao động Đông Âu không được dao động bỏ trốn và chờ ngày trở về VN. Nhiều thành phần du học sinh và công nhân lao động vẩn còn yêu xã hội chủ nghĩa ở quê nhà cuốn khăn gói đi về. Riêng Bảng và nhiều nhóm khác quyết ở lại, họ chờ đợi một cuộc sống mới khi biên giới ngăn cách giữa các nước Đông Âu với Tây Âu đã bị phá bỏ. Anh thầm nghĩ, bao nhiều lần ở VN vượt biên không thành, bây giờ đang đứng trên đất Tiệp tự do thì đâu còn mong mỏi gì hơn.
    Rồi những ngày anh theo chân các băng nhóm công nhân, du học sinh ở lại lang bạt qua nhiều nước buôn bán đủ các loại hàng hóa và trốn tránh sự lùng sục của cảnh sát.
    Cuối cùng sự kiên trì được đền đáp, Bảng được chính quyền mới cấp quyền công dân cho anh được cư trú vĩnh viển nơi anh đã đặt chân tới gần bốn năm về trước. Hôm đó anh vui khôn xiết, giấc mơ ngày nào đã thành hiện thực.
    Nhân một lần qua Ba Lan tìm hàng mua bán, Bảng gặp Karol tại một cửa hàng gần Warsawa. Thấy cô gái Ba Lan hiền hậu dể mến, cô chỉ dẩn giúp anh mua được vài món đồ anh đang tìm để gửi về nhà.
    Từ đó Bảng qua lại biên giới thường xuyên, với vốn tiếng Ba Lan bập bẹ, anh cũng làm quen với Karol. Anh dẩn cô qua Praha và giới thiệu cho cô thấy tiệm ăn Việt Nam nhỏ nhắn của mình nắm trên một con đường ở ngoại ô của thủ đô nước Tiệp.
    Như một chuyện tình đẹp, anh và Karol cưới nhau rồi anh qua sống hẳn ở Warsawa từ đó. Ở đây anh và người vợ Ba Lan mộ đạo mở một quán phở để tiếp tục cuộc sống trên đất nước Ba Lan đã được tự do.
    Nhìn những cây táo đầy trái trong chiều nắng mùa hạ rực rở, ngôi làng nhỏ này và đất nước Ba Lan hồi sinh mạnh mẽ. Người dân Ba Lan quên lãng sự sợ hãi lo âu trước đây, họ vui vẻ tươi cười với cuộc sống mới từ ngày rủ bỏ chế độ cộng sản.
    Thủ đô Warsawa ngày càng sinh động với nhiều cửa hàng sáng rực ánh đèn, hàng đoàn du khách từ khắp nơi đổ về và những dòng xe cộ qua lại tấp nấp trên các đại lộ.
    Lòng anh bồi hồi nhớ về quê nhà bên trời đông á xa xăm vẩn đang chìm trong tăm tối và bất công. Biết ngày nào Việt Nam mới đón làn gió tự do huy hoàng như đã từng thổi qua miền đất ở trời Châu Âu này.


    Vũ Phan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X