Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Xã hội sau 1975 : Lương thiện là xa xỉ

Collapse
X

Xã hội sau 1975 : Lương thiện là xa xỉ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Xã hội sau 1975 : Lương thiện là xa xỉ

    Xã hội sau 1975 : Lương thiện là xa xỉ


    Nguyễn Duy Chính


    Khi tôi về, số người được ra trại còn hiếm lắm. Những năm làm quen với cuộc sống mới khiến cho nhiều người miền Nam có cái nhìn khác hẳn về chế độ Cộng Sản, nói theo sách vở thì là có dịp đối chiếu thực tế và lý thuyết. Phải nói rằng phần lớn chúng ta khá ngây thơ vì được đào tạo trong một nền giáo dục trắng đen rõ rệt, xấu tốt rạch ròi trong khi kẻ địch lại nói và làm khác nhau, suy nghĩ một đằng, hành động một nẻo.

    Gần nhà tôi có “bác Tư cơm tấm”, một người mà tôi rất mến. Bác mở tiệm bán cà phê và các món điểm tâm ở khu vực này từ khi tôi còn học Trung học. Khi còn bé bác gọi tôi bằng cậu, bằng em, xưng qua, đến khi ra trường đi làm bác gọi bằng thầy, thầy hai.

    Tôi không tiếp xúc với bác nhiều nhưng biết bác nghiêng về phía bên kia như một số người có học, luôn luôn cho rằng mình xấu, địch tốt, cũng như con bò nào chẳng nghĩ rằng cái đồng cỏ ở phía bên kia đồi ắt mơn mởn xanh tươi hơn cái phía mình đang gặm. Cũng nên nói thêm bác Tư có trình độ, hồi trước theo học Chasseloup Laubat chứ không phải tầm thường, tiếng Pháp bác nói như gió, quần áo luôn luôn mặc đồ bộ màu mỡ gà theo kiểu một trưởng giả miền nam. Chữ trưởng giả tôi dùng đây là một người đáng kính chứ không phải nghĩa một trọc phú mà người ta thường hiểu lầm. Dường như gia đình bác ở dưới tỉnh cũng khá, vì loạn lạc mà chạy lên Saigon.

    Tâm lý của bác tôi cũng thấy ở không ít số viên chức hành chánh khá cao cấp của miền Nam tôi gặp trong trại cải tạo và phải mất một thời gian sau mới nhận thức được rằng kẻ đối đầu với chúng ta quỉ quyệt, dưới nụ cười luôn luôn có dấu một lưỡi dao sắc.

    Những ngày đầu tiên, tôi thấy bác vai đeo sắc cốt, khuôn mặt nghiêm trang của một người dấn thân khi bác tình nguyện lên phường làm việc. Tôi chào bác, bác đứng lại hỏi thăm, khuyến khích an ủi tôi và xác quyết về một nước Việt Nam mới mà hòa giải giữa hai miền là xương sống của chính sách, cùng nắm tay nhau tiến lên, đưa đất nước đến phú cường thịnh vượng.

    Khi tôi trở về thì chính quyền “Cách mạng” không còn cần những người như bác nữa, bác đã trở lại nghề bán quán, có điều bây giờ khách không còn tấp nập như xưa, chỉ lèo tèo dăm người thợ lấm láp, uống vội một ly “xây chừng”, khuôn mặt đăm chiêu như lo âu về một tương lai u ám. Gặp lại tôi bác mừng lắm, có lẽ đã lâu không có ai để tâm sự. Bác nói nhỏ lại, những đoạn cần che giấu bác nói tiếng Pháp cho kín đáo, phần lớn là những tin đồn mà tôi sau này biết chỉ là tin vịt.

    Khi nhà nước đánh tư sản và thi hành chính sách cải tạo công thương nghiệp, không biết bác bị đuổi đi đâu, về vùng kinh tế mới hay quê cũ tôi không rõ. Tội nghiệp bác Tư hiền lành, thật thà của tôi.

    Tôi cũng gặp anh Lộc, nguyên phó tỉnh Quảng Trị hồi ở Ðà Nẵng. Chính quyền mới dùng anh trong uỷ ban đánh tư sản mại bản như anh tiết lộ vì trước đây anh có hoạt động cho phía bên kia. Nghe đâu khi anh làm Phó Quận ở Chương Thiện bị địch bắt trong một lần tấn công rồi không biết cải tạo, móc nối hay cưỡng bách anh làm việc cho họ. Ðời sống anh cơ cực, bà vợ đi buôn chui từ dưới tỉnh lên bị bắt luôn, mấy cha con nheo nhóc, tình cảnh thật đáng thương. Ðến thăm anh, nhà trống lốc, đúng là “Nhà sạch nhà, phố sạch phố”, mấy đứa trẻ còm cõi mắt thao láo như nhà mẹ Lê của Nhất Linh. Nhìn anh cởi trần, ngực hóp lại nhô những rẻ xương sườn như một người nghiện thiếu thuốc, không còn đâu cái phong thái cửa quyền như trong những buổi nhậu hồi mồ ma phe Quốc gia.

    Tôi còn gặp một vài người khác trong nhóm sinh viên tranh đấu cũ mà trước đây vẫn thường tranh luận với tôi về chính nghĩa của hai bên. Những anh em đó ai ai cũng não nề, cái não nề của người bị hụt hẫng, không biết mình thuộc về phe nào, người thắng hay kẻ bại. Có người sau này vượt thoát lại trở thành những nhân sĩ đấu tranh ở bên ngoài, lập trường rất cực đoan, không biết vì phản tỉnh hay vì muốn che dấu một quá khứ bất minh.

    Trần Chánh Nghĩa được về sau tôi một thời gian ngắn, hai đứa tôi trở thành cặp bài trùng vì cùng... thất nghiệp, tuy ai cũng kiếm một cái giấy công nhân vớ vẩn để hộ thân. Chúng tôi trở thành những bình luận gia thời cuộc kiêm phát ngôn viên tin thất thiệt. Trong thế giới bưng bít, tin tức truyền tai rồi bị bóp méo đi lúc nào không biết khiến cả một xã hội biến thành những con ếch nằm trong giỏ, tự mình nhảy lanh quanh cho đến khi đuối sức. Rất có thể những tin tức đó do chính nhà cầm quyền tung ra để dò xét phản ứng đồng thời tạo ảo tưởng cho con người bám vào mà đừng vọng động. Không hiếm những tổ chức phục quốc giả mạo được họ lập ra để vét nốt những người còn lọt lưới.

    Năm đầu tiên tôi bị gọi đi “Nghĩa vụ lao động” hai lần. Lần đầu 15 ngày đào thuỷ lợi Lê Minh Xuân, lần sau hơn một tháng làm nhà cho đồng bào kinh tế mới ở Kà Tum, biên giới Việt Miên, phía tây bắc tỉnh lỵ Tây Ninh. Trong thân phận kẻ thua, chúng tôi đành cam chịu nhưng những người chỉ huy trong tập thể là cán bộ miền Bắc bị điều vào Nam lại to mồm chửi rủa cái chế độ người bóc lột người.

    Nhìn một rừng người đông nghẹt giữa những lá cờ đỏ luân lưu tôi nhớ lại các chính sách của Mao Trạch Ðông trong các kế hoạch Bước Tiến Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hoá, lấy sức người để chiến thắng khoa học kỹ thuật Tây phương mà hậu quả ê chề khiến hàng triệu người chết đói. Những chương trình sặc mùi Mao-ít ấy được lập lại ở miền Nam, chẳng hiểu do cái ngu dốt thiếu nhận thức của người cầm quyền hay một tâm lý căm tức, ghen tị ngấm ngầm khi họ nhìn thấy sự thịnh vượng của đối phương. Có thể cả hai.

    Tôi đồ là thế vì một lần chở mẹ tôi lên thăm một bà bác - chị họ của mẹ tôi từ ngoài Bắc vào đang ở trong một dinh thự đẹp đẽ tịch thu của tư sản. Bác tôi xinh đẹp và quí phái, vợ của một viên chức cao cấp, giọng Hà Nội rất dễ nghe và cũng có vẻ có trình độ. Thế nhưng trong câu chuyện, tôi vẫn “đánh hơi” thấy sặc mùi căm thù và mặc cảm của chính quyền mới. Những người như thế khi chỉ huy các chiến dịch “đánh” vào thành trì kinh tế và văn hoá của miền Nam ắt hẳn không nương tay. Họ được đào tạo trong cái môi trường gọi là chuyên chính và nhân danh dân tộc, tổ quốc để làm công tác phá hoại.

    Trong khi chờ đợi, tôi ngồi nói chuyện với những người cận vệ đang hút thuốc lào, uống trà bằng những cái chén lật đáy lên có in hai chữ nho “nội phủ”, là đồ của cung vua, có lẽ lấy ra từ bộ sưu tầm cổ ngoạn của chủ nhân để lại. Lòng tôi quặn thắt, hiện ra một kỷ niệm mấy năm trước.

    Ðối diện với Nha Hàng Không Dân Sự Ðà Nẵng, bên kia đường Ðộc Lập có một cái quán cà phê. Hồi làm ở Quảng Tín, mỗi lần ra tôi hay ghé lại đây ngồi trầm ngâm ngó bồn cá tai tượng, hút thuốc suy tư. Miền Trung thời nào cũng có những hàng quán rất nghệ thuật, lắm khi đi trước cả miền Nam, ảnh hưởng của đế kinh một thuở. Thế nhưng đây lại là một cái vườn không mấy màu mè, có vẻ như là một kinh doanh phụ cho vui hơn là để sinh nhai, kiếm sống. Cũng nơi đây, tôi tìm thấy một cây đào, loại cây rất hiếm ở nơi khác ngoài Ðà Lạt, mặc dù chỉ sản sinh ra những bông hoa nhỏ xíu và cằn cỗi nhưng cũng đủ để cho tôi tưởng tượng thành một cội mai già trong những bài thơ Ðường cho thêm thi vị.

    Chủ quán là một thiếu phụ trung niên trông đáng kính. Một hôm không hiểu vì cớ gì bà hỏi tôi có thích chơi đồ cổ hay không ? Tôi mỉm cười thú thật là mình quá nghèo, không dám nghĩ tới thú vui cao quí đó. Bà đưa tôi sang gian hàng ở bên cạnh, một gian hàng đồ cổ nhưng dưới mắt tôi thì trông như một tiệm lạc xon với đủ mọi thứ đồ cũ. Cái kiến thức của tôi chỉ là vụn vặt học lóm trong vài cuốn sách của cụ Vương Hồng Sển, thật không đủ sức đánh giá bất cứ món hàng nào, ngoài vài chữ nho đọc lõm bõm. Vậy mà không hiểu sao bà chủ đó lại có vẻ coi trọng, không biết đối đáp “chó ngáp phải ruồi” thế nào mà bà mời về nhà cho tôi coi một bộ sưu tập rất quí giá. Dường như người nào đam mê thưởng ngoạn cũng giấu kín một nỗi cô đơn cần người để chia xẻ và tán thưởng công trình của mình. Nhìn những chiếc chén cổ được dùng để uống nước trà, để gạt tàn thuốc tôi chạnh nghĩ đến bà chủ quán năm xưa, không biết bây giờ ra sao, vượt thoát được ra nước ngoài hay đang tần tảo kiếm ăn nơi vỉa hè, góc phố ? Cũng như những món đồ vô giá kia, biết bao người chứa đựng cả một kho tàng văn hoá, nay bơ vơ sống lây lất giữa chợ đời.

    Người đọc sách như tôi lại có nỗi xót xa riêng. Nhìn những xe ba gác chất đầy sách vở trong những lần đánh văn hoá “đồi truỵ”, những “núi” sách “phản động” chất trong sân Thư Viện Quốc Gia chờ chở đi tái chế để thành những tờ giấy đen sì và những lần chính tay mình phải đốt bỏ những công trình thu góp hay trước tác, thật không khác gì một mũi dao tự đâm vào tim. Qua đến Mỹ rồi, nhiều năm trời tôi không dám tái lập một tủ sách cũng chỉ vì nỗi day dứt khi nghĩ đến những gì đã mất không bao giờ kiếm lại được. Trong những tội lỗi mà bọn người thắng trận kia đã phạm, phá huỷ văn hoá phải kể là đứng đầu.

    Ðiều duy nhất tôi học hỏi được trong kỳ đào thuỷ lợi là một chứng nghiệm bản thân. Một trong những công việc nặng nhọc nhất đối với dân thành thị là làm sao đem được đống đất đào dưới lòng rạch lên trên bờ. Tôi chỉ tìm ra khi chứng kiến một nông dân leng đất. Cái leng giống như một lưỡi mai nhưng hẹp và dài hơn dùng để xắn đất thành từng cục, mỗi bề chừng một gang, nặng chừng 2 ký.

    Người thanh niên đó làm việc đẹp như một nghệ sĩ. Anh đạp chân, xoay người thành một hình bán nguyệt, ném cục đất lên bờ, những tảng đều và chắc, khác hẳn cái lối đào lam nham của chúng tôi. Xem anh ta làm một hồi, tôi chợt tìm ra lối xoay người của anh giống như một thế roi trong võ Bình Ðịnh và chủ yếu của sức ném là lối xoay hông chứ không dùng lực cánh tay. Tôi cũng thấy lối làm việc phù hợp với bí quyết mà Nguyễn Hữu Thọ chỉ cho tôi về cách làm vườn, đều đặn nhưng không bao giờ dùng quá sức, nghỉ và làm xen kẽ như trời sinh trái tim điều hoà giữa hai nhịp đập. Thọ đã sống cả tuổi thơ trên Ðà Lạt nên hiểu được cái phương pháp canh tác ở ruộng đồng. Quả nhiên khi tôi bắt chước anh chàng kia, tôi cũng đạt được hiệu năng tương tự. Có điều khi đào luyện lại cho người khác thì hơi khó vì hầu như chỉ những ai đã từng tập côn, roi mới hiểu được cách xoay hông và cách nhả sức, nếu không đúng cách cục đất sẽ không lên bờ mà lại rơi trúng đầu người khác, hoặc hất ra không đủ xa. Thật khó mà mường tượng được rằng một động tác trông đơn giản nhưng lại không dễ chút nào.

    Lần thứ hai tôi bị bắt phải tham gia trong một đoàn dân công, “tình nguyện” đi làm nhà cho đồng bào kinh tế mới. Ðoàn chúng tôi khoảng mươi người, phần lớn là lính cũ cấp bậc thấp nên không bị đi cải tạo. Chỉ tiêu của chúng tôi là làm mỗi người một cái nhà cho đồng bào bao gồm phát quang, đắp nền, dựng khung rồi lợp tranh. Bấy nhiêu công việc làm hoàn toàn sức người với vài món dụng cụ đơn giản quả là vất vả. Nhiều hôm chúng tôi phải vào rất xa mới kiếm được vật liệu.

    Hơn một tháng ở một nơi xa xăm, làm quen với sinh hoạt của rừng xanh cũng cho tôi một số kiến thức cơ bản, không còn là một cậu bé mơ tưởng đến đời sống của Tarzan hay chuyện tình liêu trai với một nàng sơn nữ. Núi rừng tàn nhẫn hơn nhiều, muỗi mòng, rắn rết, thú dữ... và nhất là nước độc. Muốn tồn tại ở những vùng hoang vu như thế chúng ta phải là dân bản xứ, sinh ra và lớn lên tại đây. Có lẽ kinh nghiệm của 40 ngày tự mưu sinh ở Kà Tum, khiến khi qua đây tôi đâm nghi ngờ những lời tường thuật hoang tưởng của một vài đoàn thể miêu tả sinh hoạt chiến khu như phó bản của một buổi camping hay picnic.

    Tôi cũng có dịp tìm hiểu về đặc tính, tập quán của những loài thú hoang, dược tính của một số cây cỏ qua kinh nghiệm của người địa phương. Không gì thú vị hơn ngồi nghe một người thợ săn kể chuyện đường rừng một cách từng trải, những chi tiết anh kể tôi có ghi lại nhưng tiếc thay không còn giữ được. Xa xa ở bên kia cánh rừng là đất Cam Bốt, một Quốc gia mà chế độ còn khắc nghiệt gấp bội chế độ Cộng Sản Việt Nam nên chúng tôi có muốn trốn đi cũng không xong.

    Ở Kà Tum hơn một tháng, ăn hết số gạo dự trữ mà không thấy ai lên thay, chúng tôi đành bỏ về, phải lếch thếch cuốc bộ từ biên giới xuống tỉnh lỵ dễ chừng đến vài chục cây số. Gom nốt chỗ gạo còn lại, chúng tôi nấu cơm ăn một bữa cho no rồi tấp tểnh ra khỏi rừng khi trời còn tối. Cũng có lúc đi nhờ được một quãng bằng xe trâu, nghe người đánh xe than thở mà không dám bắt chuyện. Ðến trưa chúng tôi đã nhìn thấy núi Bà Ðen và nhiều dân địa phương lại tưởng chúng tôi là dân học tập trốn trại, thành thử cũng không dám vào quán để ăn uống, mặc dầu có giấy tờ đầy đủ. May sao có một chiếc xe lam chạy về tỉnh nên chúng tôi đỡ được một quãng, đến bến xe thì vừa kịp chuyến sau cùng về Sài Gòn. Kể cũng còn may.

    Sau mấy năm sống bằng hi vọng, tình thế mỗi lúc một thêm bi đát. Ðến khoảng 1978 thì chính trị cũng như quân sự đều sôi động. Những tin đồn về những vụ tấn công tràn qua biên giới của chính quyền Khmer Ðỏ, và ngay chính vùng chúng tôi đi dân công ở Kà Tum một số đông đồng bào Việt cũng bị tàn sát, người còn lại phải trốn về thành phố. Chiến thắng của quân đội Việt Nam tại Campuchia và trận đánh Lạng Sơn mà Trung Quốc gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” cho thấy tình hình không hoàn toàn như người ta nghĩ.

    Cũng thời gian đó, phong trào vượt biên “bán chính thức” nở rộ. Phong trào vượt biên trở thành câu chuyện đầu môi chót lưỡi và dường như ai ai ở Saigon cũng mơ đến một ngày xuất ngoại, dù biết rằng vượt biển bằng những chiếc thuyền mong manh ọp ẹp là đánh bạc với tử thần, chết nhiều hơn sống.

    Những người có tiền thì việc tìm đường không mấy khó, nhiều gia đình đi cả chục lần mà vẫn phây phây trong khi những người như tôi đến một chỉ vàng cũng không có thì thật không thể nào tính toán gì được. Tuy vậy tôi cũng có nhiều cơ hội, mặc dù toàn những chuyến đi không thành công, thật cũng có mà ấm ớ hội tề cũng có. Tôi không nói là giả bởi vì tôi không mất tiền thì việc đánh lừa hoàn toàn không đặt ra, có điều những chuyến đi đó tổ chức không chu đáo, hay chính người bạn giúp tôi cũng không phải là chủ chốt.

    Một lần tôi được rủ đi theo đường Phan Rang là quê của người bạn tôi. Tôi chỉ có nhiệm vụ đưa hai cô gái từ Saigon ra. Công tác đó quả thật dễ. Hai thiếu nữ dù mặc áo bà ba nhưng vẫn không dấu được vẻ tỉnh thành. Chúng tôi đi xe đò lên Long Khánh rồi chờ một chiếc xe chở hàng đưa ra Phan Rang. Phải nói là thật sốt ruột khi ngồi bên vệ đường mà trời đã nhá nhem tối, kẻ qua lại nhìn ba người chúng tôi bằng cặp mắt dò hỏi, không biết họ có nghi ngờ gì không ?

    Ðến khoảng 9 giờ đêm thì xe đón chúng tôi đi. Ðó là xe chở chuối từ Long Khánh ra ngoài Trung, chúng tôi ba người nằm giữa những buồng chuối xanh, lắc lư như đưa võng. Ra đến nơi, tôi được đưa về một gia đình nhà nông ở khá xa trong rẫy, mấy cô gái kia đi đâu tôi không biết. Vùng này có nhiều người Chàm, mặc đồ trắng như có tang, nước da đen đủi, không như những người Chàm ở vùng Tây Ninh.

    Chủ nhà là một Quân nhân của VNCH cũ, cũng khoảng tuổi tôi, sống với mẹ già. Tuy ít học nhưng anh ta khá hiểu biết và có biệt tài kể chuyện, tường thuật lại những phim đã xem. Những người như tôi xem ciné xong chỉ nhớ mang máng, trái lại anh bạn này kể lại với đầy đủ chi tiết như đọc một cuốn sách, lắm lúc thêm thắt rất ý nhị khiến người nghe có cảm tưởng như đang chứng kiến hoạt cảnh trong phim.

    Những đêm ngồi bên bếp lửa, nghe kể chuyện và kinh nghiệm của đời sống vùng biển khiến tôi không còn nghĩ rằng mình đang tạm trú chờ ngày vượt thoát. Mẹ anh ta đối với tôi cũng tử tế.

    Mấy hôm sau, tôi được lệnh ra ngoài tỉnh lỵ để xuống bãi. Chúng tôi đi lang thang trong thị xã chờ bắt liên lạc. Tôi gặp được đứa em người bạn cùng đi trong chuyến đó, hai anh em nên cũng đỡ cô đơn. Thằng nhỏ kia đã ra ngoài này nhiều lần nên rành rẽ, có nó tôi chẳng phải lo gì cả. Chuyến đi đó không thành công, có lẽ tại tổ chức không chu đáo và đến chiều hôm đó chúng tôi được thông báo gấp là động ổ, mạnh ai người ấy tìm đường về Saigon.

    Ðêm hôm đó, tôi nằm ở nhà ga, một đêm thức cho muỗi cắn. Hai cô gái tôi “hộ tống” cũng trong đám hành khách nhưng không dám nhận nhau. Sáng hôm sau, chúng tôi lên tàu. Ngồi dưới toa tàu một lát, chịu không nổi mùi hôi của đủ loại hầm bà lằng trong xe hoả, tôi cũng theo thằng em trèo lên ngồi trên nóc cho thoải mái.

    Ở trên cao nhìn ra chung quanh, khung cảnh khoảng khoát khiến mọi người lại rôm rả cười đùa như đi du ngoạn về. Mỗi khi đi qua một cái cầu, chúng tôi phải nằm mọp dưới sàn nếu không muốn bị thành cầu đánh văng xuống. Nằm ngửa nhìn những thanh sắt chạy vùn vụt trước mắt, chỉ cách mặt độ một gang, tôi tưởng như mình là một chiến sĩ lên đoạn đầu đài, nhìn máy chém từ trên cao rơi xuống.

    Từ Phan Rang về Saigon có đến mấy chục trạm kiểm soát. Những người bộ đội ngồi trên cao lớn tiếng chửi rủa cánh công an nhưng có lẽ họ cũng quá quen thuộc nên không ai đáp lại lời thách thức của những ông “Bắc Kỳ Hà ... Lội” này. Ðược thể, như muốn chứng tỏ cho dân trong Nam biết là mình ngon lành, mấy ông đó càng làm già. Chúng tôi tìm cách “can khéo” cho họ thêm hứng khởi.

    Ðến Long Khánh thì trời đã tối. Vào giữa rừng, một số dân buôn lậu tháo những ống hơi khiến cho tàu đang đi phải ngừng lại. Rồi có tiếng rầm rập chuyển hàng lên xuống và khi tàu đã sửa xong tiếp tục đi thì mọi việc lại êm xuôi. Ðây là lần đầu tiên tôi chứng kiến sinh hoạt chìm của xã hội, một xã hội nhiều giai tầng, mỗi thành phần một kiểu riêng rẽ. Chính trị không còn quan trọng, chỉ còn lại những người tranh sống, cố gắng qua mặt lẫn nhau. Chính tôi cũng là một trong số đó và sau một thời gian dài, sự lừa dối trở thành thói quen khiến người ta không còn biết là mình đang sống giả tạo. Từ dân chí quan, người ta thay đổi như một con tắc kè theo từng trường hợp, khi thiện, khi ác. Thói quen đó vốn thịnh hành ở miền Bắc, nay lan vào trong Nam một cách tự nhiên để trở thành một tập quán bẩm sinh, cũng như đói ăn, khát uống. Người ta không ai có nhu cầu phải lương thiện vì lương thiện là một nghịch lý, nếu không nói là xa xỉ.

    Tôi về nhà vào giữa khuya, trèo lên lầu nằm ngủ. Sáng hôm sau, mẹ tôi ngạc nhiên khi thấy thằng con cả từ trong mùng chui ra sau mấy ngày đi mất biệt.


    Nguyễn Duy Chính


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X