Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Duy trì sự trong sáng của Tiếng Việt

Collapse
X

Duy trì sự trong sáng của Tiếng Việt

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Duy trì sự trong sáng của Tiếng Việt

    Duy trì sự trong sáng của Tiếng Việt**

    Nguyễn Văn Chấn



    1. Tại sao cần duy trì sự trong sáng của tiếng Việt?

    Tiếng nói, ngôn ngữ là tài sản quí báu của dân tộc, là di sản của cha ông truyền lại mà chúng ta có bổn phận duy trì. Cụ Phạm Quỳnh đã nói: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn. Tiếng Việt của chúng ta ngày nay vẫn còn, nhưng đã có nhiều thay đổi khiến những người yêu tiếng Việt phải quan tâm. Xin phép được thuật lại một chút kinh nghiệm bản thân để hầu quí vị.

    Cách nay đúng 10 năm, năm 2003, có đứa con gái ông bạn cũ sang Úc du học lấy bằng Tiến sĩ Y khoa. Cháu có đến thăm chúng tôi, lúc cháu ra về, chúng tôi ngỏ ý mời cháu chiều hôm sau đến nhà dùng cơm. Vì biết thời tiết lúc đó mưa nắng bất thường, cháu đã trả lời: “Cháu có khả năng không đến được chiều mai”. Tôi nghe thật lạ.

    Cũng năm ấy, tôi có dịp đi Mỹ, được ngươì em bà con ở khu San Jose dẫn đi ăn phở. Đi ngang một tiệm phở, một hàng chữ đập vào mắt, làm tôi vô cùng ngạc nhiên: “Ở đây chuyên trị phở gà”. Lần nầy thì tôi chới với thật, và tự hỏi: ngôn ngữ Việt nam bây giờ là như vậy sao?

    Và quí vị thử nghĩ, một ngày nào đó, có thể tôi cũng sẽ thưa với quí vị như thế nầy:

    Chúng tôi vô cùng bức xúc vì đã không tổ chức được một buổi hội thảo hoành tráng. Lý do là vì chúng tôi chưa cơ cấu lại tổ chức kịp thời. Cũng may chúng tôi đã khẩn trương làm hết sức mình, nếu không, có khả năng là chúng tôi sẽ phải hoãn lại buổi hội thảo nầy. Chúng tôi xin quí vị thông cảm và hy vọng là quí vị sẽ hài lòng với buổi sinh hoạt đầy chất lượng chiều nay.

    Qua câu nói vừa rồi, chúng tôi đã nhắc đến một số từ, rất phổ biến ngày nay, được sử dụng hàng ngày trong nước và ngay cả trên báo chí và đài phát thanh hải ngoại của chúng ta. Đó là các từ bức xúc, hoành tráng, cơ cấu, khẩn trương, khả năng, chất lượng, nghe không được xuôi tai, về mặt ngữ nghĩa.

    Ngôn ngữ thay đổi là việc hết sức bình thường trong cuộc sống. Ngôn ngữ phản ảnh các sinh hoạt xã hội, là một hiện tượng xã hội, nên không bất biến mà phát triển liên tục. Có thay đổi thì ngôn ngữ mơí ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngôn ngữ nên thay đổi như thế nào, tiến bộ hay thụt lùi, có ý thức hay vô ý thức; bắt chước, theo đuôi, thụ động hay tự giác, tích cực... Và chúng ta có nên làm cho ngôn ngữ hay hơn, thanh cao hơn, hay là biến nó trở thành nghèo nàn, hạ cấp. Nói theo từ bây giờ, với tình trạng nói và viết tiếng Việt như hiện nay, chúng ta thấy ngôn ngữ Việt đang xuống cấp.

    Theo dõi báo chí trong mấy năm gần đây, tôi thật tâm đắc, khi đọc được những bài viết có tựa đề như Nỗi buồn tiếng Việt của Chu Đậu, Tiếng Việt ngày nay: Nổi trôi theo mệnh nước của Trịnh Nhật, Thế nào là tiếng Việt trong sáng của Đào Văn Bình, Tiếng Việt nào của Nguyễn Đồng Danh để trả lời một bài viết cùng tên của Nguyễn hưng Quốc (1). Tiếng Việt nào đây? Rõ ràng là tiếng Việt của người Việt, của dân tộc Việt nam, thế mà vì vận nước, phải chịu nỗi buồn, và tại sao lại còn có người hỏi tiếng Việt nào đây? Như vậy rõ ràng là có một thứ tiếng Việt lai căn, pha trộn, một thứ tiếng Việt kỳ cục, không trong sáng, khiến chúng ta phải đặt vấn đề cần duy trì sự trong sáng của tiếng Việt.

    2. Thế nào là sự trong sáng của tiếng Việt:

    Nhớ lúc còn đi học, chúng ta có giờ Luận văn, hay Tập làm văn, làm bài xong nộp cho thầy cô. Trong giờ trả lại bài, chúng ta nhận những lời phê của thầy cô mà tôi nhớ thường là như sau: hoặc cách hành văn thì gảy gọn, nhẹ nhàng, suôn sẻ, hoặc dài dòng, luộm thuộm, hoặc có nhiều ý tưởng nhưng trình bày không mạch lạc, rõ ràng, hoặc lý luận thiếu chặt chẽ, hoặc câu văn tối nghĩa, hoặc cách dùng từ chính xác hay không chính xác v.v.. Đó là cách tập cho chúng ta viết tiếng Việt sao cho hay, cho trong sáng, ai đọc qua cũng hiểu.

    Nói đến sự trong sáng của tiếng Việt, về mặt nội dung, chúng ta có thể nghĩ đến những yếu tố sau đây: a. Rõ ràng, không gây hiểu lầm, ngộ nhận. b. Không tối nghĩa. c. giản dị, không rắc rối, cầu kỳ. d. Không lai căn, mất gốc, không chen tiếng nước ngoài vào. e. lịch sự, thanh tao. (Nói tóm, đó là Trong, Sáng, và Trong Sáng) (2).

    Xin nêu ra đây vài thí dụ:

    - khả năng: Tôi có khả năng không đến dược chiều nay, nên nói: Tôi có thể không đến được chiều nay.
    - triều cường: triều cường làm ngập đường phố Sàigòn, nên nói: Nước dâng cao làm ngập đường phố Sàigòn.
    - chuyên trị: Ở đây chuyên trị phở gà, nên nói: ở đây chuyên bán phở gà. Ca sĩ nầy chuyên trị nhạc thính phòng, nên nói: ca sĩ nầy chuyên hát nhạc thính phòng. Thi sĩ chuyên trị thơ tình, nên nói: Thi sĩ chuyên làm thơ tình.
    - khẩn cấp: Cảnh sát bắt khẩn cấp, nên nói: Cảnh sát bắt ngay, bắt liền, bắt tại chỗ..
    - giải phóng: giải phóng mặt bằng, nên nói: giải tỏa nhà cửa
    - hoặc những từ lai căn: ăn mặc hot, thị trường đang hot, mit tinh, tiêm Vaccine, logic, tuổi teen, thế hệ 8X, 9X ..

    Vài thí dụ vừa kể để thấy rằng chúng ta không thiếu những từ khác để thay thế những từ trên, việt hơn, rõ ràng hơn, mà cũng dễ hiểu hơn. Như từ hoành tráng chẳng hạn, cái gì cũng hoành tráng, khiến cho những từ diễn tả cái đẹp như bề thế (ngôi nhà bề thế), nguy nga (cung điện nguy nga), trang nhã (lối kiến trúc trang nhã) v.v…dần dần biến mất, để rồi cái gì cũng hoành tráng, cả bữa ăn cũng hoành tráng nốt.

    3. Tiếng Việt đã xuống cấp như thế nào? Lý do của sự xuống cấp:

    Chắc ai trong chúng ta cũng thừa nhận rằng: hai mốc lịch sử quan trọng xảy ra cho đất nước Việt nam trong thế kỷ hai mươi là ngày chia đôi đất nước 20/7/1954 và ngày gọi là thống nhất khi CS Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam 30/4/1975. Là người Việt nam thì dù là người miền Bắc Trung Nam, dù là giọng nói có khác nhau, phương ngữ có đôi chút khác nhau, nhưng nói thế nào, ta cũng phải thừa nhận một cách khách quan rằng mọi người đều có thể hiểu được nhau không khó khăn lắm, dù là kẻ sống trong chế độ CS hay người sống trong chế độ Cộng Hòa, và xa cách nhau hàng mấy chục năm.

    Năm 1954, hơn 1 triệu người miền Bắc, đã bỏ quê cha đất tổ di cư vào Nam vì không thể sống nổi dưới chế độ Cộng sản, cũng giống như người dân ở miền Nam sau tháng 4/1975, đã phải bỏ nước ra đi. Chắc ai trong chúng ta cũng đồng ý rằng: những người di cư năm 1954 đã đóng góp rất nhiều vào sự bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Việt. Nhóm trí thức di cư nầy đã tiếp tục con đường của nhóm Tự Lực Văn đoàn, cùng những nhà văn hóa, văn học miền Nam đã làm cho ngôn ngữ Việt ngày càng giàu đẹp, tiến bộ hơn, vững chắc hơn. Hai chục năm văn học miền Nam với những tác phẩm văn học giá trị cùng với các phong trào văn học của các nhóm Sáng tạo, Quê hương, Trình bày, Vấn đề, Lá Bối.. đã chứng minh điều ấy.

    Còn từ sau ngày 30/4/1975 thì ngôn ngữ Việt trong văn nói và viết đã có những điều gì mới lạ chăng. Có lẽ vì quá tự tôn qua hào quang chiến thắng quân sự, đánh đuổi được 2 đế quốc đầu sỏ Pháp Mỹ, thì những chuyện lẻ tẻ như làm kinh tế hay văn hoá có khó khăn gì, do đó những anh hùng thời đại nầy đã không ngần ngại xông thẳng vào con đường văn hóa văn học, và việc đầu tiên là phải cải tạo con người miến Nam về mặt ngôn ngữ qua văn nói và viết. Đây là cách thức làm mới ngôn ngữ của những người chiến thắng, của những nhà lãnh đạo mới, cũng là hình thức tẩy não những người thua cuộc! Việc cải tạo ngôn ngữ nầy xem ra chẳng lấy gì làm “phấn khởi”cho lắm, mà đôi khi lại rất buồn cười, gây nên tình trạng xuống cấp ngôn ngữ.

    Tuy nhiên, việc thay đổi ngôn ngữ không phải chỉ là do việc làm của những người lãnh đạo mới, mà còn là do sự biến đổi của thời cuộc, do sự thay đổi nếp sống của con người trong xã hội xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa như hiện nay, với mạng lưới kỹ thuật thông tin hiện đại.

    Có thể kể những yếu tố sau đây đã làm cho ngôn ngữ Việt xuống cấp. Để cải tạo ngôn ngữ, những người lãnh đạo mới, đã:

    - muốn làm cho khác đi cái gì đang có ở miền Nam: thay vì dùng nhà vệ sinh, nhà bảo sanh, tài xế, thì đổi thành nhà ỉa, nhà đái, xưởng đẻ, lái xe.. (chuyện nầy xảy ra khá lâu, chúng tôi chỉ nhắc nhớ lại thôi, bây giờ không còn dùng nữa)
    - thích dùng từ đao to búa lớn: khẩn trương, thay vì làm nhanh lên, làm gấp; báo cáo thay vì trình bày.
    - nói đảo ngược lại: đơn giản thành giản đơn, bảo đảm thành đảm bảo, khai triển thành triển khai ...
    - rút ngắn tùy tiện: trường chuyên, cuộc gặp, gọi điện, giá khủng, điểm nhấn, điểm đinh..
    - thêm thắt dư thừa: giao thông ùn tắc thay vì kẹt xe,
    - ghép chữ bừa bãi không theo một nguyên tắc nào: siêu sao, siêu mẫu, siêu sạch, siêu rẻ, đinh tặc, mông tặc (?), cẩu tặc.

    Nói chung, họ thích chế ra từ mới, không cần biết đúng sai, lợi hại, cứ tự tiện nói, tự tiện viết, ai không hiểu thì rán chịu (cứ vô tư đi, đi tàu cánh ngầm, giá hữu nghị, cà phê đểu, rồi cái gì cũng giải phóng hết: giải phóng mặt bằng, giải phóng nạn giao thông ùn tắc.., làm như tiếng Việt không còn từ nào khác để thay thế). Trên đây chỉ là ví dụ để chứng minh, còn thực tế thì nhiều nhiều lắm.

    Trong phạm vi bài nầy, chúng tôi hoàn toàn không nói đến các từ thuộc phạm vi chuyên môn hay kỹ thuật hiện đại, xin quí vị thông cảm.

    Dĩ nhiên, như vừa trình bày, một số từ mới cũng có nguồn gốc phát sinh từ dân gian, từ các nhà văn, nhà báo, giới trẻ thời đại, mục đích là để gây ấn tượng cho người nghe, người đọc. Phần khác, đôí khi muốn tỏ ra lập dị, khác người, không giống ai. Chính vì vậy mà mất đi vẻ trong sáng của tiếng Việt, và khiến cho tiếng Việt ngày càng trở nên nghèo nàn.

    Nói tóm lại, sự xuống cấp hay “nhiễu loạn” của ngôn ngữ Việt có thể do những nguyên nhân sau đây:

    1. Do giảm sút lòng yêu mến tiếng mẹ đẻ của mình, không có ý thức duy trì sự trong sáng của tiếng Việt, hay không có lòng tự hào về ngôn ngữ dân tộc mình.
    2. Có xu hướng vọng ngoại, lai căn, thích những gì họ cho là mới mẻ, hiện đại.
    3. Có sự dễ dãi và vô nguyên tắc trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc, mà lại ưa thích tạo ấn tượng cho người nghe.
    4. Thiếu tri thức căn bản về ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng (thí dụ như không hiểu rõ nghĩa tiếng hán-việt mà lại ghép chữ bừa bãi).
    5. Sau cùng là thiếu sự tích cực của những nhà ngôn ngữ hay sự lơ đểnh của nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy tìếng Việt. (3)

    4. Ngôn ngữ và Văn chương:

    Mọi người đều thừa nhận rằng tiếng nói và chữ viết là phương tiện truyền đạt giữa con người với nhau. Loài vật cũng có tiếng nói, nhưng con ngươì vượt hơn hẳn, con người có chữ viết. Do bản năng tiến hóa, có ý thức, có trí thông minh, con người đã biết tổng hợp, gọt giũa ngôn ngữ viết để biến thành văn chương. Ngôn ngữ đi với văn chương như bóng với hình, từ thô thiển trở thành thanh tao, từ thẳng thừng trở nên bóng bảy, tư thô lỗ trở thành sâu xa, ý nhị. Có thể nói văn chương càng phát triển bao nhiêu thì ngôn ngữ càng đẹp đẽ bấy nhiêu. Và tư tưởng con người càng phát triển thì văn chương và ngôn ngữ càng phong phú, giàu đẹp hơn.

    Nói thì ai cũng nói được, cũng như viết thì ai cũng viết được, nhưng muốn nói và viết cho lịch sự, thanh tao, ý nhị, cho hay, thì phải nắm bắt được tinh hoa ngôn ngữ của dân tộc qua quá trình học hỏi, giáo dục và rèn luyện.

    Phân loại văn chương, ta có văn chương bình dân và văn chương bác học. Còn về ngôn ngữ, ta có ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ thượng lưu. (4)

    Ngôn ngữ thượng lưu là lời nói văn vẻ, ý nhị, thâm thúy, nhẹ nhàng, lễ độ, lịch sự, đôi khi khách sáo. Ngôn ngữ bình dân mang cái chân tình, mộc mạc, giản dị, đôi khi thô lỗ, cộc cằn, không cần giữ gìn ý tứ.

    Văn chương bác học là văn chương cầu kỳ, gọt giũa, bóng bẩy, đôi khi còn dùng đến điển tích và ẩn dụ. Còn văn chương bình dân thì giản dị, dễ hiểu, không cần phải suy nghĩ. Nhưng dù là ngôn ngữ hay văn chương, bình dân hay bác học, tất cả đều có một điểm chung là phải rõ ràng, trong sáng, ai cũng hiểu được.

    Một ngàn năm lệ thuộc Tàu, hơn trăm năm lệ thuộc Tây, cha ông ta đã không để cho mất gốc, đã Việt hóa tinh hoa và học thuật nước ngoài, biến nó thành tiếng Việt. Từ chữ Hán ta biến nó thành Hán Việt (phi cơ trực thăng, thủy quân lục chiến..), từ tiếng Pháp ta Việt hóa nó thành tiếng Việt (cà phê, xà phòng, con tem..) .Vậy thì tại sao bây giờ ta lại phải chấp nhận một thứ ngôn ngữ vá víu, hồ lốn, chẳng hay ho tí nào, mà có khi trở thành dị hợm. Tuy chúng ta chưa có một hàn lâm viện quốc gia, nhưng không vì thế mà chúng ta theo đuôi, sử dụng cách nói và viết bừa bãi, tự chế tác những từ mới một cách vô ý thức làm xuống cấp ngôn ngữ tốt đẹp của cha ông để lại. Xin đừng biến ngôn ngữ Việt trở nên hạ cấp.

    5. Niềm tin và giải pháp:

    Còn quá nhiều chuyện phải nói trong cách dùng ngôn ngữ Việt nam trong thời hiện đại, từ trong nước và đã tràn lan ra hải ngoại. Khi nêu lên vấn đề nầy, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh và phân biệt ngôn ngữ dân tộc với ngôn ngữ của lãnh đạo và ngôn ngữ thời thượng tự phát của người dân, trước sự chuyển mình theo mọi trào lưu tiến hóa của lịch sử. Ngôn ngữ lai căn dù phát sinh từ nguồn gốc nào nếu không thể ăn sâu vào tình tự dân tộc, chắc chắn một ngày nào đó nó sẽ bị triệt tiêu. Quá khứ đã cho chúng ta thấy rằng dù ở hoàn cảnh nào, một dân tộc để tồn tại luôn có sức đề kháng với bất kỳ loại ngôn ngữ nào không thể nhập tâm. Các ngôn ngữ khẩu hiệu, lai căn bắt buộc chỉ có kiếp sống ngắn ngủi và sẽ bị đào thải khi hết thời hoàng kim của nó. Nói như thế không có nghĩa là ta không chấp nhận pha trộn ngôn ngữ, biến đổi ngôn ngữ. Biến đổi và pha trộn đúng cách và phù hợp với sinh hoạt đời thường của mọi người thì ngôn ngữ sẽ trở nên dồi dào hơn, đa dạng hơn, đáp ứng được đòi hỏi của trào lưu tiến hóa của dân tộc, để hòa nhập vào dòng chảy ngôn ngữ của dân tộc đó.

    6. Giải pháp đề nghị:

    Làm thầy thuốc sai lầm có thể giết chết một mạng người, nhưng làm văn hóa sai thì có thể làm hại cả một thế hệ. Ở đây chúng tôi muốn xin được nhấn mạnh về vai trò quan trọng của truyền thông và báo chí trong đời sống hàng ngày. Nó là phương tiện vô cùng hữu hiệu dẫn dắt nếp sinh hoạt, suy nghĩ của mọi người, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hoá của mọi người, trong đó việc duy trì, bảo vệ ngôn ngữ nước nhà thật vô cùng cần thiết.

    Xin mạn phép đề nghị những nhà làm công tác truyền thông không sử dụng những từ hổ lốn, kỳ cục .. như nhận xét chung của số đông; đặc biệt đề nghị các nhà văn, nhà báo, không đưa vào văn viết, sách vở, báo chí.. những từ làm nghèo nàn đi ngôn ngữ Việt nam. Điều nầy đã xảy ra rồi trong cộng đồng hải ngọai, vì thực tế đã xuất hiện trên báo chí, đài phát thanh. Lý do có thể là chúng ta thờ ơ, hoặc đã lấy tin từ những cơ quan thông tin, tuyên truyền của nhà nước Việt nam hiện tại. Dĩ nhiên, ý kiến đề nghị nầy chỉ xin dành cho người Việt hải ngoại chúng ta mà thôi.

    Một điểm cần nhấn mạnh, là dù không ưng ý, nhưng chúng ta cũng đành phải chấp nhận những từ đã vào văn bản chính thức của nhà nước Việt nam như hộ chiếu (giấy thông hành), sổ hộ khẩu (tờ khai gia đình), sự cố (trục trặc)...v.v.., vì không dùng cũng không được. Còn những từ như khả năng, chất lượng, báo cáo.. thì rõ ràng đã thay đổi ý nghĩa rồi. Có những điều mà chúng ta, những người quan tâm đến việc duy trì sự trong sáng của ngôn ngữ Việt nam cũng đành bó tay, không thể nào làm khác được. Đó là sự biến đổi của ngôn ngữ vì mệnh nước nổi trôi (5). Hy vọng với sự tiếp tay của mọi người còn yêu tiếng Việt và qua sự sàng lọc của tinh thần đề kháng dân tộc mạnh mẽ, ngôn ngữ Việt nam vẫn luôn giữ được sự trong sáng vốn có.

    Chú thích:

    ** Bài nầy đã được tác giả thuyết trình trong buổi hội thảo “Duy trì sự trong sáng của tiếng Việt” nhân ngày phát hành tập san Nghiên cứu Văn hoá Đồng nai Cửu long số 7, ngày 12/5/2013, tại International Function Centre, Canley Vale, NSW. Báo Việt luận đăng ngày 31/5/2013, số 2750. Nay xin đăng lại với đôi chút sửa chữa.

    (1) Các bài viết nầy được đăng trên các số báo tại Úc châu như sau:
    - Chu Đậu, Nỗi buồn tiếng Việt, Tuần báo Văn nghệ số ra ngày 9/10/2008.
    - Trịnh Nhật, Tiếng Việt ngày nay: Nổi trôi theo mệnh nước, Tuần báo Việt luận, số 2287 ngày 8/8/2008 và số 2289 ngày 15/8/2008.
    - Nguyễn hưng Quốc, Tiếng Việt nào, Tuần báo Việt luận, số 2653 ngày 25/5/2012.
    - Nguyễn Đồng Danh, Tiếng Việt nào, Tuần báo Việt luận, số 2657 ngày 8/6/2012.
    - Đào văn Bình, Thế nào là tiếng Việt trong sáng, Tuần báo Việt luận, số 2717 ngày 25/1/2013.
    (2) Xin đọc thêm Đào văn Bình, bđd.
    (3) Trần quang Đại, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, 8/11/2009, nguồn http://www.facebook.com/notes/i-love-viet-nam/
    (4) Đào văn Bình, bđd.
    (5) Lê Thiệp, Lững thững giữa đời, nhà xuất bản Tiếng Quê hương, Virginia USA 2011. Xin đọc bài Con chữ (trang 106 – 113) để thấm thía sự thay đổi của ngôn ngữ qua mỗi giai đoạn lịch sử.

    Nguyễn Văn Chấn
    Source: "vnpaca.org.au/wp.../04/Duy-trì-sự-trong-sáng-của-Tiếng-Việt."


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X