Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chơi Vơi Giữa Dòng Sóng Đỏ

Collapse
X

Chơi Vơi Giữa Dòng Sóng Đỏ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chơi Vơi Giữa Dòng Sóng Đỏ

    Chơi Vơi Giữa Dòng Sóng Ðỏ


    Nguyễn Huy Hùng


    Lúc mười giờ sáng 30-4-1975, qua làn sóng đài phát thanh Saigon, Dương văn Minh chính thức tuyên bố đầu hàng, dâng miền Nam Việt Nam cho Cộng sản Bắc Việt xâm lăng. Ðến tối, Trần Văn Trà, tướng Việt cộng, Chủ tịch Ban Quân quản Saigon, ra thông cáo cũng đọc trên làn sóng đài phát thanh Saigon, buộc tất cả Quân nhân, Công chức thuộc Chế độ Saigon cũ phải đến nhiệm sở để trình diện kể từ ngày 1-5-1975. Ai không thuộc các đơn vị ở Saigon, phải đến trình diện tại Phường nơi gia đình đang cư ngụ hoặc tạm trú.

    Ngày 1-5-1975, Ủy ban Quân quản Saigon tổ chức Mít-tinh mừng ngày Quốc tế Lao động và Thống nhất đất nước, rất lớn tại đường Thống Nhất trước dinh Ðộc Lập. Chắc chắn sẽ có nhiều người hiếu kỳ và bọn “Cách mạng 30 tháng 4” ra đường, nên tôi quyết định không đi trình diện vào ngày đó. Hơn nữa, vợ con tôi cũng khuyên, trong lúc còn hỗn quân hỗn quan, tình hình chưa hoàn toàn ổn định không nên ra đường, e có thể gặp những kẻ xấu đón gió trở cờ, hại mình để lập công với quân Giải phóng thì thiệt thân.

    Sau khi nghe lời thông cáo của Trần Văn Trà, hai người con lớn của tôi cưỡi xe đạp đi tìm gặp Hạ sĩ D., một nhân viên làm việc trong văn phòng của tôi, nhà cũng ở khu Bàn Cờ gần nơi gia đình tôi đang tạm trú, để tìm hiểu xem gia đình anh ấy có di tản không? Nếu anh ấy còn ở đó với gia đình, thì tìm hiểu xem anh ấy đã đi trình diện chưa? Hạ sĩ D. có nhà riêng 3 tầng ngay bên mặt lộ lớn, giữa trung khu Bàn Cờ. Các tầng lầu để ở, tầng trệt dưới cùng mở cửa hàng bán sách, dụng cụ cắm trại và các loại huy hiệu trang phục cho Hướng đạo sinh. Gia đình anh D. người miền Trung, thuộc dòng gốc theo đạo Thiên Chúa. Cha anh D. có nhiều liên hệ quen thân với các linh mục đang trách nhiệm các cơ sở dòng tu và nhà thờ tại thị xã Vũng Tầu.

    Nửa tiếng đồng hồ sau, các con Ttôi trở về có anh D. đi theo. Thấy tôi, anh em ôm nhau mừng rỡ. Vì cùng là huynh trưởng hướng đạo, nên xưa nay chúng tôi vẫn đối xử với nhau không theo cung cách cấp bậc quân đội. Anh D. sửng sốt kêu : “- Sao Anh không di tản đi?”. Tôi trả lời cũng có tìm đường đấy, nhưng không gặp giây, đành chịu vậy biết làm sao bây giờ.

    Trong những dịp tổ chức Trại huấn luyện Huynh trưởng Hướng đạo Quân đội, tại Long Thành hoặc Vũng Tầu hồi trước 30-4-1975, Tôi thường đưa vợ và các con đến dựng lều ở chơi trong Trại, nhờ thế các con tôi và anh D. có nhiều cảm tình thân thiết với nhau. Hẳn là các con tôi đã nói gì với anh D. trước, nên để trấn an tinh thần cho tôi, anh ấy nói tiếp ngay : “- Mồng hai, em mới đi trình diện. Em sẽ ghé lại đèo anh cùng đi bằng Honda của em. Anh đừng lo. Mồng một, người ta tổ chức mít tinh lớn lắm, sẽ có đông người, anh không nên ra đường.”

    Anh D. cũng khoe rằng, một người thân của cha anh ấy đi tập kết mới trở về có ghé thăm gia đình, cho biết là cứ yên tâm đi trình diện, làm thủ tục xong sẽ được tạm về chờ lệnh nhà nước gọi đi học tập sau. Hạ sĩ quan, Binh sĩ như anh ấy, thì sẽ học tập 3 ngày tại địa phương. Còn sĩ quan là những người quan trọng hơn lính, sẽ phải đi cải tạo một thời gian, rồi mới được trở về hội nhập vào xã hội mới Xã hội Chủ nghĩa.

    Sáng ngày 2-5-1975, anh D. đem Honda đến đón tôi cùng đi trình diện, tại trụ sở Tổng cục Chiến tranh Chính trị, số 2 Ðại lộ Thống Nhất, Saigon. Trên dọc đường đi anh D. dặn tôi, khi đến nơi hãy đứng ở ngoài cổng giữ xe, để anh ấy vào thăm thú xem tình hình ra sao. Nếu thấy thuận lợi không có gì nguy hiểm thì sẽ trở ra kêu tôi vào. Còn ngược lại thì sẽ ra đưa tôi về nhà tìm phương cách khác.

    Văn phòng Tổng cục trưởng của Trung tướng Trung, được dùng làm nơi trình diện và hoàn tất các thủ tục khai báo. Anh D. vào được 5 phút thì quay ra khoá cổ xe Honda và rủ tôi cùng vào.

    Khoảng 20 Sĩ quan, Hạ sĩ quan, Binh sĩ thuộc Tổng cục đã đến từ trước ngồi đầy các ghế, Tôi và anh D. ngồi vào 2 ghế còn trống trên hàng đầu.

    Một cán bộ cộng sản, mặc bộ đồ tác chiến xám mầu cứt ngựa, không thấy đeo cấp hiệu, ngồi nơi bàn làm việc của Tướng Trung, vẫy tay kêu từng người lên làm việc theo thứ tự tới trước sau. Sau này khi nhận được giấy chứng nhận đã trình diện do ông ấy ký, Tôi mới biết tên là Việt, cấp bậc thì không rõ vì không ghi trên giấy.

    Tôi ngồi trên chiếc ghế ở hàng đầu, sát gần trước bàn giấy ông Việt đang ngồi, được một lúc thì thấy cánh cửa phiá thông qua phòng tùy viên bật mở. Một người cũng mặc đồ trận, vai đeo chiếc máy ảnh dã chiến loại nhà nghề, tay trái đeo một băng vải đỏ (Cách mạng 30 tháng tư), bưng phích nước trà sâm bước ra để lên bàn.

    Liếc nhìn thấy tôi, người này ghé tai nói nhỏ điều gì với ông Việt, rồi đi trở vô trong. Một phút sau trở ra, để lên bàn trước mặt ông Việt một mẩu giấy nhỏ. Nhờ thế, tôi nhận ra được người kia chính là anh Hạ sĩ quan chuyên viên chụp ảnh của Cục Tâm Lý Chiến, thường được chọn lựa cho đi theo ghi những hình ảnh phóng sự, hoạt động của Tổng thống Thiệu và các cấp Lãnh đạo lớn trong Chính phủ VNCH trước 30-4-1975.

    Ông Việt liếc mắt đọc mảnh giấy xong, ghé sát tai anh ta nói nhỏ. Sau đó anh ta đi vào bên trong mất hút. Hai phút sau, có tiếng nói ở cuối phòng, yêu cầu mọi người tạm sang phòng họp kế bên chờ, cán bộ cần làm việc riêng một lúc. Tôi đứng lên thì ông Việt nói : “- Mời Ðại tá ngồi đó, tôi có chuyện hỏi riêng.”

    Tôi giật mình, không biết chuyện gì sẽ xẩy ra, nhưng vẫn bình tĩnh ngồi xuống. Ðã rơi vào tay Cộng sản, thì trước sau rồi cũng chết có gì mà phải lo.

    Chẳng có gì đặc biệt, ông ấy hỏi cấp bậc, chức vụ trong Tổng cục, lý lịch cá nhân, có mấy con, bây giờ vợ con đang ở đâu, quá khứ hoạt động trong chính quyền cũ, tên các cấp chỉ huy các cơ quan và đơn vị mình đã phục vụ, bây giờ họ ở đâu?… và sau cùng yêu cầu nộp súng cá nhân, y như đã làm đối với mọi người đã trình diện trước vậy thôi.

    Khi tôi nộp khẩu súng lục có ổ quay tròn và hộp đạn xong, ông ấy hỏi : “- Không có dao găm à?” Tôi trả lời sĩ quan quân đội chúng tôi đâu có được phát dao găm. Ông ta gật đầu rồi hỏi tiếp : “- Ðại tá có biết bây giờ Trung tướng Trung đang ở đâu không ?” Tôi trả lời, hồi sáng sớm 30-4-1975, Tôi còn tiếp xúc với Trung tướng Trung qua điện thoại văn phòng này, bây giờ thì không biết Tướng Trung ở đâu.

    Sau khi hỏi cung tôi xong, mọi người lại được mời trở lại chỗ ngồi như trước. Ông Việt yêu cầu một anh em nào đó đang có mặt trong phòng phát biểu ý kiến. Anh D. xung phong nói : “- Ăn cây nào thì phải rào cây nấy, sống dưới Chế độ miền Nam thì chúng em phải tuân hành luật lệ như mọi người, thi hành Nghĩa vụ Quân sự vậy thôi. Bây giờ Cách mạng thành công, đất nước thống nhất dưới quyền của Cách mạng, thì chúng em chỉ muốn được tiếp tục sống như những người dân bình thường, tuân theo luật lệ của Nhà nước Cách mạng.”

    Ông ấy gật đầu rồi chỉ tay vào Tôi hỏi : “- Ðại tá có ý kiến gì không ?”

    Tôi chậm rãi hỏi : - Cán bộ có thể cho Tôi biết cấp bậc của Cán bộ, để tiện xưng hô không ?

    Ông ta nói : “- Ðối với chúng tôi cấp bậc không quan trọng, Ðại tá cứ gọi Cách Mạng là được rồi.”

    Tôi bình tĩnh nói : - Cách mạng và chúng tôi, mỗi bên đi theo một lý tưởng xây dựng kiến thiết quốc gia khác nhau, nay chúng tôi thua, trở thành tù binh của Cách mạng, thì tùy quyền xét xử của Cách mạng. Làm gì thì chúng tôi cũng phải chịu. Chỉ xin một điều duy nhất, là vợ con của chúng tôi không liên hệ gì vào công việc làm của chúng tôi, cũng như bao nhiêu người dân sống ở miền Nam này vậy, xin hãy đại lượng cho họ được tiếp tục sinh sống như mọi người dân thường khác.

    Ông ấy nói : “- Cách mạng rất đại lượng và công bằng, các anh cứ yên tâm đừng lo, tôi sẽ cấp giấy chứng nhận đã trình diện để các anh ra về thong thả, và ở nhà đợi lệnh Nhà nước sẽ gọi đi học tập cải tạo một thời gian, chắc chắn không lâu bằng thời gian đã phục vụ trong Chế độ cũ đâu.” Và để trấn an mọi người, ông Việt với giọng ôn tồn thân thiện trịnh trọng nói thêm : “- Tội ai làm nấy chịu, vợ con không liên can gì, vẫn được cư xử công bằng như mọi người dân bình thường khác. Cách mạng không bao giờ nói sai đâu. Các anh cứ yên tâm.”

    Sau khi nhận giấy đã trình diện xong, Tôi thở phào nhẹ nhõm, mừng vì có được thêm thời gian lo ổn định nơi ăn chốn ở cho vợ con, trước khi ly biệt nhau không hy vọng ngày trở lại. Anh D. vui mừng khoác tay tôi kéo đi vội ra cổng, làm như sợ người ta đổi ý kiến.

    Tới cổng, trong khi anh D. mở khóa cổ xe Honda, Tôi ghếch ngồi lên nệm phía sau lưng anh ấy, người bộ đội gác cổng nhìn Tôi hất hàm hỏi : “- Hộ lý của anh đấy à ?”. Anh D. nhanh miệng trả lời : “- Không, anh này làm chung một chỗ với em, nhà ở gần nhau, nên cùng đi cho vui vậy thôi.” đồng thời lẹ làng mở máy xe, thả ga vọt đi thật nhanh chở tôi về căn nhà gia đình tôi đang tạm trú.

    Ðến chiều tối, anh D. đến mời cả gia đình tôi, sang tạm trú tại nhà riêng của anh ấy cho được “bảo đảm” an ninh hơn. Vì nhờ ông thân sinh của anh ấy, có người thân thuộc hàng Cán bộ đi tập kết về, được xe hơi nhỏ của nhà nước chở tới nhà thăm gia đình, xóm giềng ai cũng thấy, nên cán bộ địa phương và bọn “Cách mạng 30 tháng tư” không dám héo lảnh làm phiền.

    Hồi cuối năm 1995 hay đầu 1996, tôi không nhớ rõ ngày, nhân dịp về dự Trại Họp bạn Hướng đạo Việt Nam tại vùng Quận Orange Nam California, anh D. được Mục sư Nguyễn quang Minh, cũng là một Huynh trưởng Hướng đạo Việt Nam trước kia, cho biết tin về tôi. Anh D. đã gọi điện thoại hỏi xin địa chỉ, và nhờ bạn lái xe đưa đến tận nhà thăm Tôi và gia đình. Nhờ thế tôi được biết gia đình anh D. cũng đã vượt biên sang Hoa Kỳ, và đang định cư tại Tiểu bang Texas.

    Cái kỳ anh em chúng tôi phải trình diện Quân CSBV lần thứ nhất, tại nhiệm sở hồi đầu tháng 5-1975, không ai bị giam giữ ngay, ngoại trừ một thiểu số đặc biệt đã bị họ ghi tên trong sổ đen từ trước. Theo tôi nghĩ, có lẽ một là vì chưa có lệnh của Hànội, hai là các đơn vị Cộng sản còn đang bận tiếp tục hành quân tiến chiếm các tỉnh miền Tây chưa xong, nên chưa kịp thu xếp nơi giam cũng như không có người để canh giữ, hàng chục ngàn sĩ quan trong một lúc tại Saigon.

    Trong thời gian được ở nhà chờ lệnh gọi đi trình diện học tập cải tạo, có một số Sĩ quan cao cấp (trong đó có Tôi) bị gọi riêng để thẩm vấn nhiều lần, tại mấy căn nhà trên con đường bên hông sau Tòa Ðại sứ Anh quốc đường Thống Nhất (Tôi không nhớ tên đường). Họ hỏi về Tổ chức và nhiệm vụ của những Cơ quan Ðơn vị mình đã phục vụ, suốt từ khi nhập ngũ cho đến ngày 30-4-1975, tên các người chỉ huy mình… Sau suốt một ngày thẩm vấn, có người được ra về, có người bị giữ lại thấm vấn tiếp, rồi đưa đi đâu không ai biết.

    Vào gần cuối tháng 5-1975, Ban Quân quản Saigon lại ra thông cáo buộc mọi người phải trình diện lần thứ 2, tại đường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn. Lần này, họ tịch thu thẻ Căn cước dân sự, thẻ Sĩ quan, và cấp cho một mảnh giấy chứng nhận đã trình diện chờ ngày đi tập trung cải tạo.

    Hôm ấy, Tướng, Tá, Úy Nam Nữ đến trình diện rất đông. Tôi gặp một số bạn quen biết tại Saigon, và rất nhiều người lạ từ các địa phương chạy về Saigon tá túc. Nét mặt ai nấy đăm chiêu ngại ngần, không dám vồn vã chào hỏi nhau như thường lệ. Ngoại trừ một thiểu số (Cách mạng 30 tháng Tư) có vẻ mặt hoan hỉ, quan trọng, lạnh lùng, làm ngơ trước bạn bè cũ như chưa bao giờ quen biết nhau. Nhưng đến giữa tháng 6-1975, tới nơi trình diện tập trung cải tạo, Tôi lại gặp những người này cũng phải đi chung với chúng tôi.

    Trong thời gian chưa bị đưa đi tập trung cải tạo, Tôi đã tiếp xúc với một số Huynh trưởng Hướng đạo Quân đội còn ở lại Saigon, tìm đường giây vượt biên nhiều lần nhưng không thành, đành chịu bó tay ngồi chờ sự bất hạnh chung với các chiến hữu khác.

    Tới tháng 6-1975, mặc dù Trung Ương Ðảng CSVN tại Hànội chưa soạn xong các tài liệu nhồi sọ, cũng như chưa huấn luyện xong Cán bộ giảng huấn, mà vẫn phải ra lệnh tập trung, vì nhiều người tìm cách vượt biên. Ðồng thời cũng có những tổ chức Phục quốc hoạt động bí mật, ám sát Cán bộ Cộng sản xâm lược miền Nam Việt Nam, ngay trong thành phố Saigon Chợ Lớn.

    Hạn chót phải đi trình diện tập trung là 15 tháng 6 năm 1975, nhằm ngày Ðoan Ngọ, 5 tháng 5 âm lịch năm Ất Mão. Năm người con lớn, dùng xe đạp chở và theo tiễn Tôi đến nơi trình diện. Chỉ còn 2 người con gái 13 và 10 tuổi ở lại nhà cùng Vợ tôi, trông nhà không đi.

    Một toán Bộ đội giải phóng đặt súng liên thanh, làm nút chặn ngay tại Bình bông ngã sáu đầu đường Minh Mạng, cách Ðại học xá Minh Mạng địa điểm trình diện khoảng mấy trăm thước. Cha Con chúng tôi phải chia tay nhau tại Bình bông này.

    Trong khi ôm hôn từ biệt, thấy nét mặt thơ ngây đôn hậu ngơ ngác của các Con, một nỗi buồn man mác xâm chiếm xé tim gan làm Tôi xúc động rưng rưng lệ. Không biết các Con của Tôi lúc đó có nghĩ rằng, đây có thể là lần chót Cha Con được nhìn thấy mặt nhau không ? Hay chúng vẫn an tâm, đinh ninh hy vọng ở lời tuyên bố ngọt ngào trịnh trọng khoan hồng nhân đạo của Cách mạng, là 30 ngày sau, Cha Con, Vợ Chồng lại đoàn tụ bên nhau xây dựng cuộc sống mới.

    Thật là giây phút não nuột nhất trong cuộc đời Tôi, không thể tìm ra lời nào tả được đầy đủ cái cảm giác xúc động đau đớn này.

    Bánh tro Ðoan Ngọ vàng trong,
    Anh hùng thất thế đành lòng nộp thân.
    Vợ con lo lắng tiễn chân,
    Hoang mang, ngơ ngác, tần ngần lệ rơi.
    Tháng Tư đại nạn đổi đời,
    Vì Dân nay phải vào nơi đọa đầy.
    Tự do giã biệt từ đây,
    “Chim lồng cá chậu” biết ngày nào ra.
    Chơi vơi đâu chỉ riêng Ta,
    Toàn dân Nam Việt lệ nhòa đau thương.
    Kiêu binh Cộng sản đầy đường,
    Bợ thời phản bội khối phường tiểu nhân.
    Từng quen luồn cúi kiếm danh,
    Nhiễu nhương lật lọng ôm chân kẻ thù.
    Bọn thì đội lốt nhà Tu,
    Xúi người khác đạo gây thù hại nhau.
    Con buôn chính trị hoạt đầu,
    Vội mang băng đỏ dép râu làm hề.
    Lăng xăng mừng Cách mạng về,
    Tung tăng bợ đỡ làm thuê không tiền.
    Du côn, đứng bến, nằm hiên,
    Bỗng dưng đời đổi, nắm quyền trị dân.
    Cướp đường, trộm chợ, phu khuân,
    Hóa thành Cách mạng, áo quần bảnh bao.
    Ủy ban Quân quản ra vào,
    Tiền hô hậu ủng, Cờ sao đỏ đường.
    Ðổi đời rối loạn Âm Dương,
    Ðảng đoàn, chồn cú, ma vương hoành hành.
    Khắp nơi xú uế hôi tanh,
    Còn đâu không khí trong lành Tự do.
    Sài - gòn đổi ra Thành Hồ,
    Mặc tình bè lũ Tam Vô hại đời.


    Saigon, Ðoan Ngọ Ất Mão, Tháng 6-1975.


    Nguyễn Huy Hùng
    Cựu Ðại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X