Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tiểu sử cố Niên trưởng HUỲNH HỮU HIỀN

Collapse
X

Tiểu sử cố Niên trưởng HUỲNH HỮU HIỀN

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tiểu sử cố Niên trưởng HUỲNH HỮU HIỀN

    Tiểu sử cố Niên trưởng HUỲNH HỮU HIỀN

    Nguyễn Hữu Thiện


    Cố Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền

    Niên trưởng Huỳnh Hữu Hiền xuất thân Khóa Lê Văn Duyệt (Khóa 1) Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức năm 1951.

    Năm 1952, NT tình nguyện gia nhập ngành Không Quân trong Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mới được thành lập, theo học Khóa 52F1 tại trường bay căn bản École de Pilotage ở Marrakech, Maroc, Bắc Phi (lúc đó còn là thuộc địa của Pháp).

    Sau khi mãn khóa, NT được tuyển về ngành Vận Tải & Oanh tạc, cùng với các ông Phạm Ngọc Sang, Huỳnh Minh Bon, Huỳnh Bá Tính, Đinh Văn Chung, Phan Phụng Tiên (sĩ quan), Nguyễn Hữu Chẩn (hạ sĩ quan).

    Sau khi tốt nghiệp trên phi cơ 2 động cơ Marccel Dassault MD-312 tại trường Vận Tải ở Avord, Pháp, NT được đưa tới các đơn vị vận tải của Pháp trang bị C-47 Dakota để ngồi ghế phi công phụ trong thời gian 6 tháng.

    Tiếp theo, NT được tuyển chọn để theo học tại trường CIET (viết tắt của tiếng Pháp Centre d’Instruction des Equipages de Transport: Trung tâm Huấn luyện Phi hành đoàn Vận tải).

    Trường CIET nằm trong Căn cứ Không Quân Toulouse-Francazal ở miền nam nước Pháp, gần rặng núi Pyréneés ở biên giới Pháp – Tây-ban-nha, là nơi huấn luyện các phi công phụ của các đơn vị vận tải gửi đến thụ huấn để trở thành phi công chánh, có khả năng điều khiển phi cơ trong mọi điều kiện thời tiết. Trường đòi hỏi gắt gao về khả năng bay trời mù với một độ sai biệt rất nhỏ trong các động tác cận tiến và đồ hình (figures).

    NT Huỳnh Hữu Hiền là một trong hai hoa tiêu vận tải đầu tiên của KQVN tốt nghiệp trường CIET, vị kia NT Phạm Ngọc Sang.

    Về nước, NT Huỳnh Hữu Hiền phục vụ tại Phi Đoàn 312 Đặc Nhiệm. Sau khi phi đoàn này cải danh thành Phi Đội Liên Lạc, danh xưng tiếng Pháp là “Escadrille de Liaison Aérienne du Vietnam”, viết tắt là ELAVN, có nhiệm vụ chuyên chở các yếu nhân, tới tháng 6/1955, quyền chỉ huy Phi Đội được người Pháp bàn giao cho Đại úy Huỳnh Hữu Hiền.

    [Phi Đội Liên Lạc (ELAVN) chính là tiền thân của hai Phi đoàn 314 (VIP) “Thần Tiễn” và 716 Trinh Sát & Trắc Giác của Không Đoàn 33 Chiến Thuật sau này]

    Tháng 10 cùng năm, khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa được thành lập (26/10/1955), để chuẩn bị việc thành lập phi đoàn khu trục đầu tiên cho KQVN, Đại úy Huỳnh Hữu Hiền bàn giao Phi Đội Liên Lạc cho Đại úy Phạm Ngọc Sang để trở sang Bắc Phi và Pháp theo học khóa huấn luyện viên khu trục, cùng với Đại úy Nguyễn Kim Khánh, Trung úy Dương Thiệu Hùng, Trung úy Huỳnh Bá Tính, và Trung úy Hà Xuân Vịnh.

    Các vị này đều là những phi công đã tốt nghiệp khu trục tại Pháp, hoặc phi công vận tải kinh nghiệm với giờ bay trung bình từ 500 tới 1.000 giờ và đã tình nguyện chuyển sang ngành khu trục, nay được đưa tới Marrakech (Maroc) để bay lại trên phi cơ huấn luyện T-6 Texan, và tiếp theo, sang trường bay khu trục của Hải Quân Pháp ở Khouribga (cũng ở Maroc) để bay 30 giờ trên khu trục cơ F6F Hellcat.

    Hơn nửa năm sau (tháng 4/1956), Đại úy Huỳnh Hữu Hiền và nhóm huấn luyện viên khu trục nói trên trở về nước, được đưa ra Vũng Tầu để đảm trách việc xuyên huấn cho các hoa tiêu khu trục, trong đó có 13 người thuộc “nhóm Phạm Phú Quốc”.

    Ngày 1/6/1956, Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát (tiền thân của Phi Đoàn 514 Phượng Hoàng) được chính thức thành lập tại Căn Cứ 2 Trợ Lực KQ (Biên Hòa - cái nôi của ngành khu trục). Chỉ huy trưởng Phi đoàn: Đại úy Huỳnh Hữu Hiền.

    Mấy tháng sau, khi Thiếu tá Võ Dinh, Chỉ huy trưởng Căn Cứ 2 Trợ Lực KQ (Biên Hoà), ra Đà Nẵng tiếp nhận Căn Cứ 4 từ tay người Pháp, NT Huỳnh Hữu Hiền, lúc này đã vinh thăng Thiếu tá, lên làm Chỉ huy trưởng Căn Cứ 2.

    Năm 1962, NT Huỳnh Hữu Hiền, với cấp bậc Đại tá, lên làm Tư Lệnh Không Quân thay Đại tá Nguyễn Xuân Vinh (xin giải ngũ để đi du học).

    * * *

    Về con người của NT Huỳnh Hữu Hiền, chúng tôi không được dịp tiếp xúc nên chỉ xin ghi lại lời cố NT Nguyễn Quang Tri:

    “Anh Huỳnh Hữu Hiền (CHT Phi Đoàn) là một người anh vừa nghiêm khắc vừa bao dung, luôn lo lắng cho an nguy của các đàn em”.

    Thiết nghĩ dòng chữ ngắn gọn của cố NT Nguyễn Quang Tri đã đủ để giải thích tại sao sau này tại hải ngoại, NT Huỳnh Hữu Hiền đã được anh em cựu quân nhân KQ kính trọng, quý mến cho tới những ngày cuối đời.


    RIP

    Nguyễn Hữu Thiện
    Melbourne, Australia
    29/3/2017

  • #2
    BỔ TÚC:

    Chúng tôi vừa đọc lại bài “Cũng một vì sao” của cố NT Nguyễn Quang Tri viết về cố NT (Chuẩn tướng) Lê Trung Trực, Tham mưu trưởng đầu tiên của KQVN, phối hợp với những chi tiết trong bài “Các cấp chỉ huy đơn vị đầu tiên của KQVN” của cố NT Phạm Ngọc Sang, trong đó có một số điểm liên quan tới chức vụ, cấp bậc của cố NT Huỳnh Hữu Hiền, xin được bổ túc như sau:

    Sau khi lên thay Thiếu tá Võ Dinh trong chức vụ Chỉ huy trưởng Căn Cứ 2 Trợ Lực KQ (Biên Hòa), NT Huỳnh Hữu Hiền vẫn kiêm nhiệm chức Chỉ huy trưởng Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát.

    Đầu năm 1958, NT Huỳnh Hữu Hiền về Tân Sơn Nhất thay thế Thiếu tá Lê Trung Trực trong chức vụ Tham mưu trưởng Không Quân, Thiếu tá Lê Trung Trực về Biên Hòa làm Chỉ huy trưởng Căn Cứ 2 Trợ Lực KQ; và Đại úy Hà Xuân Vịnh trở thành vị Chỉ huy trưởng đời thứ 2 của Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát.

    Năm 1962, Trung tá Huỳnh Hữu Hiền lên làm Tư Lệnh Không Quân thay Đại tá Nguyễn Xuân Vinh, và được vinh thăng Đại tá.

    * * *

    Về trường hợp Đại tá Huỳnh Hữu Hiền không tham gia cuộc đảo chánh 1/11/1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, phối hợp các nguồn tài liệu, chúng tôi được biết như sau:

    Khi các tướng lãnh trong nhóm đảo chánh họp tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, không có mặt Đại tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư Lệnh Không Quân, và Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân. Nguyên nhân là vì lúc đó Đại tá Huỳnh Hữu Hiền đang ở Đà Lạt, không liên lạc được.

    Sau đó, Đại tá Hồ Tấn Quyền bị sát hại, còn Đại tá Huỳnh Hữu Hiền từ Đà Lạt trở về bị bắt giam tại Bộ Tổng Tham Mưu; chức Tư lệnh Không Quân được phe đảo chánh trao cho Đại tá Đỗ Khắc Mai, nguyên là Tham mưu trưởng Không Quân (ngày ấy, Không Quân VN chưa có chức vụ “Tư lệnh phó”).

    Cũng xin viết thêm, theo lời thuật lại của một vị niên trưởng KQ mà chúng tôi đã hứa giữ kín danh tánh, khi chuẩn bị tổ chức đảo chánh, Đại tá Đỗ Mậu đã nhờ ông (vốn là chỗ quen biết) giới thiệu một sĩ quan cao cấp của Không Quân đang bất mãn với chế độ và khả dĩ đủ uy tín để tham gia đảo chánh, và ông đã giới thiệu Trung tá Nguyễn Cao Kỳ, cựu Chỉ huy trưởng Liên Phi Đoàn 1 Vận Tải, lúc đó đang ngồi chơi xơi nước. Trung tá Nguyễn Cao Kỳ nhận lời tham gia, nhưng lúc đó Đại tá Đỗ Khắc Mai (xuất thân Khóa 1 Quan sát viên cùng với Đại tá Trần Phước (Mệ), cố Đại tá Phùng Văn Chiêu...) bằng cách nào đó đã “nhanh chân” liên lạc với các vị tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chánh và được họ trao chức Tư Lệnh Không Quân.

    Hơn hai tháng sau, sau cuộc chỉnh lý của tướng Nguyễn Khánh, ông Nguyễn Cao Kỳ, khi ấy đã được thăng cấp Đại tá và tạo được tên tuổi, mới trở về Tân Sơn Nhất “đòi lại” chức Tư Lệnh KQ. Đại tá Đỗ Khắc Mai “được” cho đi làm Tùy viên Quân sự ở ngoại quốc.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 08-23-2020, 08:35 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X